Hiệp định Genève 1954 và “hai quốc gia” trên lãnh thổ Việt Nam?
Christoph Giebel Đinh Lý Trần Lê chuyển ngữ “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ.” Điều 6, Tuyên bố chung của Hội Nghị Genève về vấn đề khôi phục hòa ...
Christoph Giebel
Đinh Lý Trần Lê chuyển ngữ
“Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ.”
Điều 6, Tuyên bố chung của Hội Nghị Genève về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương, 1954.
Lời giới thiệu của dịch giả: Thời gian gần đây diễn ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh vấn đề chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại thời điểm Công hàm Phạm Văn Đồng tháng 9 năm 1958. Trong các cuộc tranh luận này đã xuất hiện câu hỏi liệu Hiệp định Geneve 1954 có dẫn tới việc hình thành de facto hai quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam hay không? Đây là một câu hỏi hóc búa, không dễ dàng có ngay được câu trả lời chính xác, nhưng có ý nghĩa quan trọng, đáng chú ý tới và cũng rất lý thú.
Chúng tôi xin lưu ý với bạn đọc các ý kiến có liên quan tới câu hỏi này của ông Christopher Giebel, Phó Giáo sư, giảng dạy tại Department of History, University of Washington, đồng giảng dạy tại Jackson School of International Studies. Ông Christopher Giebel là chuyên gia lịch sử Đông Nam Á và Việt Nam, là tác giả cuốn Tổ tiên tưởng tượng của Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam (Imagined Ancestries of Vietnamese Communism) cùng nhiều bài viết, nghiên cứu về Việt Nam.
Các ý kiến này được ông Christopher Giebel đưa ra trong một cuộc tranh luận trên trang điện tử của Vietnam Studies Group ngày 17.11.2006 với tiêu đề “Partition” of Viet Nam. Để tôn trọng tác giả, chúng tôi xin giữ nguyên câu chữ, dấu phụ tác giả dùng trong tranh luận, chỉ xin lược bỏ một vài đoạn không có liên quan trực tiếp tới chủ đề.
Để bắt đầu, lưu ý Hiệp định Genève 1954 hoàn toàn không dẫn tới một sự “phân chia” nào cả.
…
Hiệp định Genève về cơ bản giải quyết hai vấn đề lớn, quân sự và chính trị. Trong vấn đề thứ nhất, Khu phi quân sự DMZ chỉ được thiết lập như một đường ngừng bắn tạm thời nhằm tách rời các lực lượng *quân sự* đối đầu, các lực lượng của Việt Minh/Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (phía tới thời điểm đó kiểm soát một phần lớn đất nước, phải rút về phía bắc Khu phi quân sự) và các lực lượng của Pháp và lực lượng quân đội non nớt của Quốc gia Việt Nam (rút về phía nam). Giải pháp chính trị được nhắm định tới một đợt tổng tuyển cử trên toàn đất nước trong năm 1956. Đợt tổng tuyển cử này dự tính sẽ mang lại một chính phủ thống nhất, hơn là hai chính phủ cạnh tranh với nhau đã tồn tại từ năm 1945 (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và 1949 (Quốc gia Việt Nam), cả hai, tất nhiên, đều yêu sách quyền lực hợp pháp duy nhất trong toàn bộ quốc gia Việt Nam.
Như thế Việt Nam chưa bao giờ được phân chia thành hai quốc gia, cũng như không có chính phủ nào trong số hai chính phủ kình địch (với Quốc gia Việt nam được thay bằng Việt Nam Cộng hòa vào năm 1955) khẳng định như thế. Điều này khá khác biệt, thí dụ như với hai nước Đức trong thời gian Chiến tranh Lạnh hay sự ly khai của Miền Nam Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong những năm 1860).
Ngay cả khi chúng ta bỏ qua không xét tới các yêu sách chính trị cạnh tranh nhau, đều yêu sách quyền lực chính phủ/nhà nước với toàn bộ Việt Nam, chỉ tập trung vào xem xét kiểm soát lãnh thổ và dân cư, ý niệm cho rằng Hiệp định Genève mang lại kết quả “phân chia” Việt Nam de facto thành hai “thực thể” là, nói một cách tốt đẹp nhất, có vấn đề. Thứ nhất, điều này hoàn toàn không phải là kết quả của Hiệp định Genève, một hiệp định thực chất định ra một quá trình chính trị giải quyết tranh chấp, mà là kết quả của các quyết định sau đó từ phía Cộng hòa Việt Nam và Mỹ (cả hai phía này từ chối không ký kết thành các hiệp định), không cho tổ chức tổng tuyển cử nhằm mang lại một chính phủ trong toàn cõi Việt Nam và một nhà nước cho toàn cõi Việt Nam. Thứ hai, trong lúc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát phần lớn toàn bộ “thực thể” nằm ở phía bắc Khu phi quân sự sau năm 1954, “thực thể” phía nam Khu phi quân sự chưa bao giờ hoàn toàn nằm trong kiểm soát của chính phủ Sài Gòn, trừ những năm 1956-1958, khi Ngô Đình Diệm đã có những nỗ lực tối đa. Nhiều dải đất trong lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17 hoặc là đang bị tranh chấp, hoặc bị kiểm soát bởi các lực lượng chống đối Mỹ và chống lại yêu sách quyền lực hợp pháp của Việt Nam Cộng hòa và hoặc là theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoặc ít nhất là có các mường tượng khác nhau về một nước Việt Nam cách mạng, thống nhất.
Tóm lại, (1) Hiệp định Genève 1954 de iure không “phân chia” Việt Nam thành hai quốc gia, và (2) quyết định về phía Việt Nam Cộng hòa/Mỹ không cho tiến hành tổng tuyển cử toàn quốc đã de facto dẫn đến sự tan vỡ của quốc gia Việt Nam thành nhiều, chắc chắn là không phải chỉ hai, thực thể, phần nào không có định hình rõ ràng, đấu đầu nhau trong một cuộc chiến tranh.
…
Tôi cũng không thể đồng ý với khẳng định cho rằng “hai ‘vùng tạm thời riêng biệt’ đã trở thành [nhấn mạnh do tôi bổ sung] de facto hai nhà nước riêng biệt, mỗi nhà nước được công nhận quốc tế bởi một số quốc gia trên thế giới.” Chúng (tức hai nhà nước nói trên) không “trở thành” như thế trong thời kỳ 1954-1956: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tồn tại từ năm 1945, Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại từ năm 1949; công nhận quốc tế của mỗi quốc gia (mặc dù theo cách loại trừ lẫn nhau) xuất hiện năm 1950. Thế là Việt Nam có “de facto hai nhà nước riêng biệt” từ năm 1949. (Chúng ta sẽ bỏ qua người Pháp ở đây nhằm làm cho suy luận thêm sáng rõ.) Việt Nam Cộng hòa thay thế cho Quốc gia Việt Nam vào cuối năm 1955, đầu năm 1956. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ở một phía, và Quốc gia Việt Nam/Việt Nam Cộng hòa, ở phía thứ hai, cả hai đều yêu sách quyền lực hợp pháp duy nhất với toàn bộ quốc gia Việt Nam và coi phía thứ hai là không hợp pháp.
Nhà nước tồn tại thông qua các tập hợp khác nhau của các yếu tố sau: Tuyên ngôn, Hiến pháp, cơ chế, luật pháp, chính phủ, quân đội, thuế khóa, nhân sự, “các cộng đồng hình dung”, trung thành, yêu sách với/tin tưởng có quyền lực hợp pháp, … Nhà nước đưa ra các yêu sách lãnh thổ và dân cư, mặc dù những yêu sách này có thể không bao giờ được thực hiện hoàn toàn.
Tôi thực không hiểu, như thế, Khu phi quân sự (tức là tiêu điểm của ý tưởng sai lệch về “phân chia”) thì có liên quan gì đến tất cả các điều trên, cũng như không hiểu Hiệp định Genève (chỉ được ký kết bởi một trong hai nước kình địch, lưu ý thêm) thì có liên quan gì tới các điều trên, ngoài việc Hiệp định này thiết kế một đường hướng giải quyết một vấn đề đã kéo dài 5 năm (từ năm 1949) giữ hai nhà nước/chính phủ kình địch: tách rời quân sự về hai phía Vùng phi quân sự năm 1954, di chuyển dân cư tự nguyện qua Vùng phi quân sự trong các năm 1954-1955, quản lý tạm thời các vùng lãnh thổ phía nam/bắc Khu phi quân sự bởi hai nhà nước đối đầu đặt tại Sài Gòn/Hà Nội trong các năm 1954-1956, và cuối cùng là tổng tuyển cử trong năm 1956 để thiết lập một chính phủ cho toàn cõi Việt Nam, cai quản toàn bộ quốc gia Việt Nam, trải dài từ biên giới phía bắc giáp Trung Quốc tới mũi Cà Mau.
Nhầm lẫn tu từ học xảy ra khi (A) hai vùng lãnh thổ được tạm thời thiết lập bởi Khu phi quân sự đã bị tráo lộn/nhầm lẫn với (B) sự tồn tại của hai nhà nước loại trừ lẫn nhau.
Hiệp định Genève có “chia” Việt Nam thành hai QUỐC GIA: “Bắc Việt Nam” và “Nam Việt Nam”, với biên giới tại vĩ tuyến 17 không? Câu trả lời tất nhiên là không.
Hiệp định Genève có TẠO RA hai NHÀ NƯỚC, phân chia bởi Khu phi quân sự: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tức “Bắc Việt Nam”) và Quốc gia Việt Nam/Việt Nam Cộng hòa (tức “Nam Việt Nam”) không? Câu trả lời rõ ràng là không; hai nhà nước này đã tồn tại từ năm 1945 và 1949 và cả hai đều yêu sách quyền lực hợp pháp duy nhất với toàn bộ quốc gia Việt Nam.
Hiệp định Genève, vậy có GIẢM PHẠM VI hai nhà nước đã tồn tại từ trước đó (đều có yêu sách quyền lực hợp pháp với toàn bộ quốc gia Việt Nam), theo một cách thức CHÍNH THỨC/PHÁP LÝ trong hai vùng lãnh thổ riêng biệt, bắc/nam tính từ Khu phi quân sự hay không? Không. Không nhà nước nào trong số hai nhà nước trên tự từ bỏ hày giảm bớt yêu sách chủ quyền lãnh thổ, mặc dầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua chữ ký của mình, đồng ý với *quản lý* tạm thời chỉ trong vùng lãnh thổ phía bắc tính từ Khu phi quân sự cho tới tổng tuyển cử 1956, trong lúc Quốc gia Việt Nam của ông Bảo Đại, phía không ký Hiệp định, không tìm cách quản lý bất kỳ một vùng lãnh thổ nào khác ngoài vùng lãnh thổ phía nam Khu phi quân sự.
Việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chối tổ chức tổng tuyển cử năm 1956 có CHÍNH THỨC tạo ra hai nhà nước tại các vùng lãnh thổ khác biệt, phía bắc/nam Khu phi quân sự hay không? Một lần nữa, câu trả lời là không. Việt Nam Cộng hòa không hề giảm bớt yêu sách chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ nhà nước này thừa hưởng từ Quốc gia Việt Nam, cũng như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa — phía bị “lừa” mất tổng tuyển cử — không bỗng dưng bằng lòng với quyền lực hợp pháp và phạm vi lãnh thổ giới hạn ở phía bắc Khu phi quân sự. Nếu có gì đáng nói ở đây thì sau năm 1956, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lực lượng ủng hộ họ ở phía nam thấy không còn bị ràng buộc bởi các điều khoản hạn chế bởi Hiệp định Genève cho việc thực thi yêu sách nhà nước toàn phần của họ.
Điều này dẫn chúng ta từ khía cạnh chính thức tới khía cạnh de facto:
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau thời kỳ 1954-1956, về thực chất — de facto — có trở thành nhà nước “Bắc Việt Nam” hay không? Không. Nhà nước này, với trung tâm ở Hà Nội, phần lớn kiểm soát khu vực lãnh thổ phía bắc Khu phi quân sự từ năm 1954, nhưng họ (cũng như các lực lượng ủng hộ họ ở phía nam) không công nhận Khu phi quân sự như một phân chia hợp pháp giữa các nhà nước và phạm vi kiểm soát của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hay nói một cách rộng hơn, của Cách mạng) trong khu vực lãnh thổ phía nam Khu phi quân sự là đáng kể, nhất là sau năm 1958, với mức kiểm soát khác nhau tại các dải đất rộng phía nam.
Vì thế, người ta có thể gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “nhà nước Việt Nam phía bắc” — được một số đối tượng coi là có quyền lực hợp pháp, một số khác là không hợp pháp — nhưng đó không chính thức cũng không phải de facto là “Bắc Việt Nam” (định nghĩa như lãnh thổ nằm ở phía bắc Khu phi quân sự).
Việt Nam Cộng hòa, sau các năm 1955-1956, có trở thành de facto nhà nước “Nam Việt Nam” không? Không. Nhà nước này có trung tâm ở Sài Gòn, có thảo ra — nếu ta có thể tin ông Nguyễn Cao Kỳ — các kế hoạch quân sự cho công cuộc “Bắc Tiến” để khẳng định quyền lực hợp pháp với, và mở rộng kiểm soát tới, miền bắc, nhưng có phạm vi kiểm soát, nhất là sau năm 1958 và dù chỉ là ở phía nam Khu phi quân sự, được cho là luôn bị giảm sút đáng kể, khi quyền kiểm soát của họ tại nhiều vùng lãnh thổ phía nam bị chối bỏ bởi các lực lượng cách mạng và sau năm 1965 bởi các lực lượng chống đối lại Việt Nam Cộng hòa hợp tác với lực lượng của “nhà nước Việt Nam phía bắc”.
Vì thế, người ta có thể gọi Việt Nam Cộng hòa như là “Nhà nước Việt Nam phía nam” — được một số đối tượng cho là có quyền lực hợp pháp, một số là không hợp pháp — nhưng không bao giờ chính thức, hay de facto là “Nam Việt Nam” (định nghĩa như lãnh thổ nằm ở phía nam Khu phi quân sự). Tất nhiên là Việt Nam Cộng hòa “tồn tại”: nhà nước này tồn tại Ở phía nam Việt Nam, nhưng trong phần lớn tồn tại của mình, nó KHÔNG tồn tại NHƯ LÀ “Nam Việt Nam.”
Christoph Giebel
Nguồn bài đăng