18/06/2018, 15:57

Về phim Avatar : Sự trở về của những người bản địa

Slavoj Žižek Lê Nguyên Long dịch Ở bên dưới cái chủ nghĩa duy tâm và tính hợp quy về chính trị của Avatar , trong ánh đèn sân khấu của giải Oscars ngày chủ nhật, là những dòng chảy ngầm của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tàn bạo. Bộ phim Avatar của James Cameron ...

avatar_world

Slavoj Žižek

Lê Nguyên Long dịch

Ở bên dưới cái chủ nghĩa duy tâm và tính hợp quy về chính trị của Avatar, trong ánh đèn sân khấu của giải Oscars ngày chủ nhật, là những dòng chảy ngầm của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tàn bạo.

Bộ phim Avatar của James Cameron kể về câu chuyện của một cựu lính thuỷ đánh bộ bị tàn phế được gửi đi từ trái đất để đến xâm nhập vào một chủng tộc gồm các thổ dân có nước da xanh sinh sống trên một hành tinh xa xôi và thuyết phục họ để cho người chủ của anh ta được khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên quê hương của họ. Thông qua một thủ thuật sinh học phức hợp, trí não anh ta có thể kiểm soát được “hiện thân” (avatar) của anh ta, trong cơ thể của một thổ dân trẻ tuổi.

Những người thổ dân này rất coi trọng đời sống tâm linh và sống hoà đồng với tự nhiên (chiếc đuôi tua của họ có thể kết nối với sinh vật như mã điêu hay sư điểu và cây cối để giao tiếp với chúng). Dễ dàng đoán được tình huống xảy ra là, anh lính thuỷ đánh bộ đã đem lòng yêu một công chúa thổ dân xinh đẹp và tham gia chiến trận với các thổ dân, giúp họ đẩy lùi được các đợt xâm lược của loài người và cứu được hành tinh mà họ đang sống. Cuối bộ phim, nhân vật chính đã chuyển linh hồn của mình từ cái cơ thể người bị huỷ hoại sang cái hiện thân trong hình hài thổ dân của mình, và do vậy trở thành một thành viên trong cộng đồng đó.

Với thế giới siêu thực theo kĩ thuật 3-D cùng sự kết hợp của diễn viên thực với các hiệu chỉnh hoạt hoạ theo công nghệ kĩ thuật số, Avatar có thể được so sánh với các bộ phim như Who Framed Roger Rabbit (Ai bắt cóc chú thỏ Roger) (1988) hay The Matrix (Ma trận) (1999). Ở mỗi tác phẩm, nhân vật chính sống giữa cái hiện thực hàng ngày của chúng ta và một vũ trụ tưởng tượng – đó là thế giới hoạt hoạ trong Roger Rabbit, là thế giới hiện thực kĩ thuật số trong The Matrix, hoặc cái hiện thực hàng ngày trên hành tinh, được nâng cấp theo công nghệ kĩ thuật số, trong Avatar. Do vậy, điều làm người ta quan tâm là, mặc dù câu truyện trong Avatar được giả định là diễn ra trong một và cùng một hiện thực “có thật”, thì trên cấp độ của hệ thống biểu tượng ngầm ẩn bên dưới, chúng ta lại đang tiếp xúc với hai hiện thực: một mặt, đó là thế giới hàng ngày của chủ nghĩa thực dân đế quốc, và mặt khác, đó là một thế giới tưởng tượng của các thổ dân, những người sống với một sự kết nối cực kì mật thiết đến mức lạ lùng với tự nhiên (không nên nhầm lẫn cái thứ hai này với cái hiện thực khốn khổ của những người bị bóc lột trong thế giới thực). Đoạn kết của bộ phim nên được hiểu rằng nhân vật chính từ thế giới hiện thực đã di cư hoàn toàn tới thế giới tưởng tượng – như thể trong Ma trận, Neo sẽ quyết định vùi mình trở lại hoàn toàn vào trong ma trận.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chúng ta nên loại bỏ Avatar khi nhân danh một sự thừa nhận “đúng đắn” hơn về thế giới hiện thực. Nếu chúng ta loại trừ yếu tố tưởng tượng khỏi cái thế giới hiện thực thì bản thân cái thế giới hiện thực đó sẽ đánh mất đi tính thống nhất của nó và trở nên tan rã. Hành động lựa chọn giữa “hoặc là chấp nhận cái hiện thực, hoặc là lựa chọn cái tưởng tượng” là một điều sai lầm: nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi hoặc thoát khỏi cái hiện thực xã hội của chúng ta, thì điều đầu tiên phải làm là thay đổi những tưởng tượng đã làm chúng ta tương hợp được với cái hiện thực này. Bởi nhân vật chính của Avatar không làm điều đó cho nên vị trí chủ thể của anh ta sẽ là cái mà Jacques Lacan khi nghiên cứu về Sade đã gọi là sự đánh lừa ảo ảnh của mình[1].

Đây là lí do khiến chúng ta cảm thấy thú vị khi tưởng tượng ra một cảnh tiếp diễn của Avatar ở đó, sau một vài năm (hay đúng hơn là sau nhiều tháng) hạnh phúc, nhân vật chính bắt đầu cảm thấy một sự chán nản khó hiểu và thấy nhớ cái thế giới đồi bại của loài người. Ngọn nguồn của sự chán nản này không chỉ là cái hiện thực hàng ngày, bất kể là nó hoàn hảo đến đâu đi nữa thì sớm hay muộn cũng sẽ làm ta thất vọng. Một thế giới tưởng tượng hoàn hảo kiểu vậy sẽ làm chúng ta thất vọng chính bởi sự hoàn hảo của nó: cái mà sự hoàn hảo này biểu hiệu là việc nó chẳng đem lại một nơi chốn nào cho chúng ta, những chủ thể tưởng tượng ra nó.

Cái thế giới không tưởng được tưởng tượng ra trong Avatar là tiếp nối công thức của Hollywood trong việc tạo ra một đôi uyên ương – theo truyền thống từ xưa là sẽ có một người anh hùng da trắng sẵn sàng dấn thân, đi vào giữa đám người hoang dã để tìm một ý trung nhân hoàn hảo (hãy nhớ lại Dances With Wolves (Khiêu vũ với bầy sói)). Trong một tác phẩm Hollywood điển hình thì mọi điều, từ thân phận của các Hiệp sĩ Bàn tròn cho tới các thiên thạch đâm vào trái đất, đều được chuyển hoá thành một câu chuyện theo dạng thức câu chuyện về chàng Oedipus[2]. Đỉnh cao nực cười của việc dàn dựng các sự kiện lịch sử trọng đại làm bối cảnh cho việc tác hợp nên đôi uyên ương là bộ phim Reds (1981) của Warren Beatty, ở đó Hollywood đã tìm ra một cách thức phục dựng lại cuộc Cách mạng tháng Mười, có thể nói là sự kiện lịch sử đem lại chấn thương lớn nhất trong thế kỉ 20. Trong Reds, cặp đôi John Reed và Louise Bryant gặp khủng hoảng tình cảm trầm trọng; cuộc tình của họ được nhen nhóm trở lại khi Louise chứng kiến John trình bày một diễn văn cách mạng đầy nhiệt huyết.

Tiếp theo là màn làm tình của đôi uyên ương, bị chen ngang với các cảnh có tính khuôn mẫu từ cuộc cách mạng, một số cảnh diễn sex theo một cách thức quá trần trụi, nghĩa là, khi John làm tình với Louise, máy quay chuyển sang cảnh một con phố nơi một đám đông những kẻ biểu tình cuồng nộ bao vây và bắt dừng một chiếc xe điện (…) toàn bộ cảnh này đối lập với phông nền là âm thanh bài hát “Quốc tế ca” (The Internationale) (…) Tiếp theo là cảnh Lenin xuất hiện, nói chuyện trước một gian sảnh chật ních các đại biểu, ông trông có vẻ là một ông thầy giáo thông thái đang quan sát cảnh bắt đầu làm tình của đôi tình nhân hơn là một lãnh tụ cách mạng lạnh lùng. Thậm chí Cách mạng Tháng Mười sẽ là thắng lợi, theo Hollywood, nếu nó có tác dụng tác thành lại cho một cặp đôi nào đó.

Theo một cung cách tương tự, liệu có phải bộ phim bom tấn Titanic trước đó của Cameron, có thực sự là thảm hoạ của con tàu đâm vào tảng băng hay không? Chúng ta nên lưu tâm tới thời khắc chính xác của thảm hoạ: nó diễn ra khi cặp uyên ương trẻ (Leonardo DiCaprio và Kate Winslet), ngay sau khi ân ái với nhau xong đã trở lại boong tàu. Thậm chí quan trọng hơn nữa là cảnh trên boong tàu, Winslet nói với người yêu của cô rằng khi con tàu cập bến New York vào sáng hôm sau, cô sẽ cùng anh ra đi, yêu thích một cuộc sống nghèo khó với tình yêu đích thực của mình hơn là một cuộc sống đồi bại và giả tạo trong giới nhà giàu.

Tại thời điểm này, con tàu đâm vào tảng băng, để ngăn lại cái cảnh không nghi ngờ gì nữa sẽ là thảm hoạ thực sự, ấy là cuộc sống của đôi uyên ương ở New York. Chúng ta có thể yên tâm đoán rằng rồi cảnh nghèo đói của đời sống hàng ngày sẽ nhanh chóng phá vỡ tình yêu của họ. Thảm hoạ này do đó diễn ra là để cứu vớt tình yêu của đôi trẻ, để duy trì cái ảo tưởng rằng, nếu thảm hoạ không diễn ra, họ sẽ sống “hạnh phúc bên nhau mãi mãi.” Một dấu mối nữa được tạo ra bởi những phút cuối cùng của DiCaprio. Anh ta lạnh cứng trong làn nước giá buốt, hấp hối, trong khi Winslet nổi bập bềnh an toàn trên một tấm gỗ lớn. Ý thức được rằng mình sẽ mất anh ta, cô gào khóc: “Em sẽ không bao giờ để anh ra đi đâu!” và khi nói câu này, cô buông tay anh ra.

Tại sao? Bởi anh ta đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bên dưới câu chuyện của một phi vụ tình yêu, Titanic còn kể một câu chuyện khác, câu chuyện về một cô gái thuộc tầng lớp cao trong xã hội đã trở nên hư hỏng với một sự khủng hoảng bản sắc: cô bối rối, không biết phải làm gì với chính mình, và DiCaprio, còn hơn cả là một người yêu của cô thì còn là một kiểu “người trung gian hoà giải ẩn tàng” mà chức năng của anh ta là khôi phục nhận thức của cô về bản sắc và mục đích sống. Những lời cuối của anh trước khi anh biến mất vào làn nước Bắc Đại Tây Dương băng giá không phải là những lời cuối của một tình nhân giã biệt cuộc đời, mà là thông điệp của một người thuyết giáo, nói cho cô biết rằng anh luôn chân thành và chung thuỷ với cô.

Chủ nghĩa Marx hời hợt theo kiểu Hollywood của Cameron (sự ưu ái được thể hiện một cách giản đơn thiếu tinh tế mà ông dành cho các tầng lớp dưới và việc miêu tả có tính biếm hoạ về chủ nghĩa vị kỉ tàn nhẫn của tầng lớp giàu có) hẳn không đánh lừa được chúng ta. Ở bên dưới sự đồng cảm dành cho người nghèo này là một huyền thoại cực kì thủ cựu, lần đầu tiên được Rudyard Kipling khai thác triệt để trong tác phẩm Captains Courageous. Nó kể về một thanh niên giàu có đang trong cơn khủng hoảng, lấy lại sức sống của mình thông qua mối liên hệ tình dục với cuộc sống đầy sinh lực của lớp người nghèo. Cái ẩn nấp đằng sau lòng thương hại dành cho lớp người nghèo này là sự bóc lột tàn bạo của lớp nhà giàu.

Nhưng ngày nay, Hollywood càng ngày càng có vẻ bỏ đi cái công thức này. Bộ phim dựng từ tác phẩm Thiên thần và Ác quỷ (Angels and Demons) của Dan Brown chắc chắn là trường hợp đầu tiên ở Hollywood thực hiện cải biên một tiểu thuyết nổi tiếng ở đó có quan hệ tình dục giữa cặp nam và nữ nhân vật chính trong cuốn sách, nhưng lại không được dựng khi lên phim – sự đối lập rõ rệt với truyền thống lâu nay thường thêm một màn sex vào trong một bộ phim được dựng từ một tiểu thuyết mà trong tiểu thuyết thì không có cảnh sex đó. Chẳng có cái gì là có tính giải phóng quanh sự thiếu vắng sex này; chúng ta thậm chí lại còn đề cập tới cả cái chứng cớ của hiện tượng được Alain Badiou miêu tả trong tác phẩm Esloge de l’amour của ông – cho tới tận bây giờ, trong kỉ nguyên tự mê-thực dụng của chúng ta, chính cái quan niệm về phải lòng, về một sự gắn bó đắm say với bạn tình, vẫn được xem là lỗi thời và nguy hiểm.

Sự trung thành của Avatar đối với công thức cổ truyền trong việc xây dựng một cặp uyên ương, sự tin tưởng hoàn toàn vào thế giới tưởng tượng và câu chuyện nó kể về một chàng trai da trắng cưới một công chúa thổ dân và trở thành vua, những yếu tố đó xét từ khía cạnh ý thức hệ khiến cho nó trở thành một bộ phim lỗi mốt và khá là bảo thủ. Dễ dàng khám phá ra bên dưới những chủ đề đúng đắn về mặt chính trị (một chàng trai da trắng sát cánh với các thổ dân sống lành mạnh hài hoà với thiên nhiên sinh thái, chống lại “liên hợp quân sự-công nghiệp” của những kẻ xâm lược có tinh thần đế quốc chủ nghĩa), một sự dàn dựng kết hợp các motif về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tàn bạo: một kẻ bị liệt và bị gạt ra ngoài lề xã hội đến từ trái đất, đủ phẩm chất để nhận sự giúp đỡ của một công chúa địa phương xinh đẹp, và giúp những người bản địa dành thắng lợi trong trận chiến quyết định. Bộ phim dạy chúng ta rằng lựa chọn duy nhất mà những người thổ dân trên hành tinh xa lạ có là sẽ được cứu vớt bởi loài người từ trái đất, hoặc là bị họ huỷ diệt. Nói cách khác, những người thổ dân đó có thể chọn lựa hoặc là nạn nhân của cái hiện thực đế quốc chủ nghĩa, hoặc là đóng cái vai được phân trong thế giới tưởng tượng của người da trắng.

Đồng thời với việc bộ phim Avatar thu tiền về từ khắp nơi trên thế giới (nó thu lời được 1 tỉ đô la sau chưa đầy ba tuần công chiếu), thì cũng đang diễn ra một sự kiện giống một cách lạ lùng với cốt truyện của nó. Những ngọn đồi ở miền Nam bang Orissa của Ấn Độ nơi những người Dongria Kondh sinh sống đã bị bán cho các công ti khai thác quặng, những công ti này lên kế hoạch khai thác trữ lượng bauxite khổng lồ (các lớp trầm tích của nó được dự tính trị giá ít nhất là 4 tỉ đô la). Để phản đối dự án này, một cuộc nổi dậy có vũ trang của những người Maoist (Naxalite[3]) đã nổ ra.

Arundhati Roy trong tạp chí Outlook India viết rằng du kích quân Maoist

“gần như hoàn toàn được dựng nên từ những cư dân bộ lạc nghèo khổ khốn cùng, sống trong những tình cảnh đói ăn triền miên gần với nạn đói kém mà chúng ta thường liên tưởng tới ở vùng cận Sahara của châu Phi. Họ là những người mà thậm chí sau 60 năm của cái gọi là nền độc lập của Ấn Độ, vẫn không được tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khoẻ hay là sự bảo hộ của luật pháp. Họ là những người bị khai thác tàn nhẫn trong nhiều thập kỉ, thường xuyên bị một nhóm nhỏ những thương nhân và kẻ cho vay nợ phối hợp với nhau để lừa đảo, những phụ nữ bị hãm hiếp và hành động đó được xem là chẳng có gì sai trái bởi những tên cảnh sát và nhân viên kiểm lâm. Hành trình họ trở về với một cái có vẻ giống với phẩm hạnh phụ thuộc phần lớn vào các binh lính Maoist, những người sống, làm việc và chiến đấu sát cánh cùng họ trong nhiều thập kỉ. Nếu một khi các bộ lạc đã sẵn sàng giao tranh thì họ đã làm vậy ấy là bởi một chính phủ chẳng đem lại gì cho họ ngoài sự tàn bạo và thờ ơ, giờ đây lại muốn cướp đi tài sản cuối cùng là đất đai của họ… Họ tin rằng nếu họ không chiến đấu cho mảnh đất của mình, họ sẽ bị tiêu diệt… quân đội nghèo đói và rách rưới của họ, số đông binh lính của họ – những người chưa bao giờ được nhìn thấy một đoàn tàu hay một chiếc xe bus, hay thậm chí là một thị trấn nhỏ – đang chiến đấu chỉ để sống còn.”

Thủ tướng Ấn Độ xem cuộc nổi dậy này như là “sự đe doạ an ninh nội địa riêng biệt và lớn nhất;” các hãng truyền thông lớn – những phương tiện nói về nó như là phong trào kháng chiến cực đoan nhất – kể nhan nhản các câu chuyện về “chủ nghĩa khủng bố đỏ,” thay thế cho các câu chuyện về “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.” Không ngạc nhiên rằng nhà nước Ấn Độ đang đáp trả bằng một chiến dịch quân sự lớn tấn công vào “các thành trì Maoist” trong những khu rừng già vùng Trung Ấn. Và sự thực rằng cả hai bên đều phải dùng đến bạo lực trong cuộc chiến tàn bạo này mà ở đó “công lí nhân dân” của những người Maoist thật là khắc nghiệt. Tuy nhiên, dù cho không thể chấp nhận được đến mức độ nào đi chăng nữa thì bạo lực này sẽ là sự nếm trải về tự do của chúng ta, chúng ta chẳng có quyền gì để nguyền rủa nó. Tại sao? Bởi tình cảnh của họ đúng là tình cảnh của đám đông hỗn tạp trong quan niệm của Hegel: những người nổi loạn Naxalite ở Ấn Độ là những dân cư bộ lạc nghèo đói, bị lấy đi đến cả cái tối thiểu của một cuộc sống tử tế.

Vậy thì vị trí nào cho bộ phim của Cameron ở đây? Chả có vị trí nào cả: ở Orissa, chẳng có các công chúa quý phái đợi chờ những người hùng da trắng tới quyến rũ họ và giúp dân tộc họ, chỉ có những người Maoist tổ chức lãnh đạo các nông dân đói kém. Bộ phim khiến ta có thể thực hiện một sự phân chia ý thức hệ điển hình: đồng cảm với các thổ dân được lí tưởng hoá trong khi phản đối cuộc chiến đấu thực sự của họ. Cũng với lớp khán giả đó, những người thưởng thức bộ phim và khâm phục những cuộc nổi loạn của thổ dân, rất có thể sẽ trở nên cảm thấy ghê sợ những người Naxalite, xua đuổi họ như là những tên khủng bố tàn bạo. Hiện thân thực sự do vậy là chính bản thân Avatar – bộ phim thế chỗ cho hiện thực.

Lê Nguyên Long dịch

Nguồn tiếng Anh: 

(Trong bài dịch chúng tôi có lược đi một vài chi tiết nhỏ do chúng có thể không phù hợp với công chúng đông đảo)

 Về tác giả:

Slavoj Žižek là nhà phê bình, nhà triết học người Slovenia. Triết học của ông tiếp nối mạch truyền thống triết học Hegel, Marx và phân tâm học Lacan. Ông có nhiều đóng góp trong lĩnh vực chính trị học, phê bình phim, và đặc biệt là phân tâm học lí thuyết.

Chú thích:

[1] Nguyên văn tiếng Pháp: le dupe de son fantasme (chú thích của người dịch)

[2] Trong thần thoại Hi Lạp, Oedipus là người đã phạm phải tội giết cha lấy mẹ mà không hề biết. Sau khi phát hiện ra sự thực tàn bạo đó, Oedipus đã tự chọc mù mắt và bỏ đi lang thang để tự trừng phạt mình. Trong phân tâm học, tên của Oedipus được dùng để chỉ một loại phức cảm, gọi là phức cảm Oedipus (Oedipal Complex) tồn tại trong mỗi người, được hình thành từ hồi ấu nhi, khi đứa trẻ vốn từ khi mới lọt lòng đã có gắn bó mật thiết với người mẹ, dần dần đến một lúc nào đó nhận thấy rằng người mẹ đó của mình bị một người khác, chính là người cha, đến chiếm đoạt; từ đó hình thành trong vô thức một nỗi thù ghét người cha, muốn giết người cha của mình để chiếm đoạt lại người mẹ (chú thích của người dịch)

[3] Naxalite, bắt nguồn từ tên của một ngôi làng tên là Naxalbari ở Tây Bengal của Ấn Độ, dùng để chỉ nhóm vũ trang cách mạng theo xu hướng cộng sản nhánh Ấn Độ, thường là theo tư tưởng Maoist, chống lại chính phủ (chú thích của người dịch).

Nguồn bài đăng

0