18/06/2018, 16:38

Sài Gòn-Gia Định và chúa Nguyễn Ánh

Cao Tự Thanh I. Sài Gòn Gia Định thời Đàng Trong Hoàn cảnh lịch sử mà Sài Gòn xuất hiện trên bản đồ Việt Nam Dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong, công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam được đẩy mạnh. Năm 1611, lập dinh Phú Yên. Năm 1693, lập dinh Bình Thuận. Đến ...

vi-tri-thanh-phien-an-thanh-quy-va-thanh-gia-dinh-thanh-phung-xua-va-nay-81-1456128610

Cao Tự Thanh

I. Sài Gòn Gia Định thời Đàng Trong

Bản_Đồ_Xứ_Gia_Định_Hậu_Bản_XVIII.png

Hoàn cảnh lịch sử mà Sài Gòn xuất hiện trên bản đồ Việt Nam

Dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong, công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam được đẩy mạnh. Năm 1611, lập dinh Phú Yên. Năm 1693, lập dinh Bình Thuận. Đến 1698, chúa Nguyễn Phước Châu sai Chưởng cơ Trấn thủ dinh Bình Khang Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đem quân vào kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đông Phố đặt phủ Gia Định, chia vạch ranh giới, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Mở đất được ngàn dặm, dân hơn bốn vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chính trở vào Nam tới ở, thiết lập xã thôn phường ấp, khẩn đất hoang, định tô thuế, lập sổ đinh. Sài Gòn chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam từ đó, trong một bối cảnh lịch sử có những nét đặc biệt góp phần quy định nhiều đặc điểm của tiến trình văn hóa Việt Nam ở địa phương về sau.

Từ 1744, quân Thanh vượt Sơn Hải quan vào chiếm Yên Kinh (Bắc Kinh), bắt đầu cai trị Trung Quốc, ra sức đàn áp các di thần nhà Minh. Các lực lượng chống Thanh lùi dần về Hoa Nam. Năm 1678, Ngô Tam Quế chết. Năm 1681, Trịnh Kinh, con Trịnh Thành Công chết. Năm 1683 nhà Thanh đánh bại Trịnh Khắc Sảng, con Trịnh Kinh, bình định xong Đài Loan là chiến lũy kháng Thanh cuối cùng. Năm 1689, vua Khang Hy nhà Thanh Nam tuần, làm tiêu tan ý chí của những người kháng Thanh ở Hoa Nam. Nhiều di thần nhà Minh ở vùng này đem hết bộ thuộc, gia đình, tài sản lần lượt di cư về phía Nam, làm thành nhiều đợt sóng di cư tỵ nạn chính trị xuống dãy đất ven biển Nam Hải: Việt Nam, Chân Lạp, Xiêm La, Indonésia, Malaysia… Năm 1679, Tổng binh Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu Trần Thượng Xuyên và Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch đem 50 chiến thuyền và 3.000 người vào Quảng Nam xin quy phục chúa Nguyễn. Chính quyền Đàng Trong tiếp nhận, cho Thượng Xuyên tới Biên Hòa, Ngạn Địch tới Mỹ Tho. Với kinh nghiệm hải hành và truyền thống buôn bán lâu đời, những người Hoa tỵ nạn chính trị này đã “vỡ đất hoang, lập phố xá”, thu hút thương nhân các nơi tới buôn bán, góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho quá trình khai thác Nam Bộ của cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong. Trên phương diện giao lưu văn hóa, các đợt nhập cư với quy mô lớn của người Hoa như thế còn dẫn tới việc du nhập nhiều yếu tố văn hóa Hoa Nam vào Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII. Cùng với sự tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa của các tộc người khác như Chăm, Khmer, sự giao tiếp với các thương nhân Nhật Bản, phương Tây…, tình hình nói trên làm hình thành trong xã hội Việt Nam ở Sài Gòn một màu sắc đa dân tộc có kết cấu mở kiểu Đông Nam Á với phương thức phát triển hội tụ, liên tục đổi mới, năng động và trẻ trung.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng người Việt tiến vào đồng bằng Nam Bộ lúc hoạt động ngoại thương ở khu vực Đông Nam Á đang khởi sắc. Ngoài thương cảng Hội An nổi tiếng từ thế kỷ XVI, các trung tâm thương nghiệp như Hà Tiên, Vũng Tàu cũng khá phát triển, nên sau khi chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam, Sài Gòn cũng mau chóng trở thành một thương cảng lớn. Theo thời gian, thương cảng này cũng phát triển thành một trung tâm thương nghiệp trong khu vực, xuất khẩu không chỉ nông sản hàng hóa của đồng bằng Nam Bộ mà còn là đầu mối xuất khẩu nhiều lâm thổ sản của Campuchia. Tình hình nói trên cùng với mạng lưới sông rạch dày đặc ở Nam Bộ đã khiến Sài Gòn cũng đồng thời trở thành một trung tâm văn hóa và hành chính quan trọng, một đô thị lớn sánh ngang với Thăng Long và Phú Xuân. Song khác với Thăng Long và Phú Xuân vốn là trung tâm chính trị mở rộng thành trung tâm kinh tế, Sài Gòn – Gia Định là trung tâm kinh tế (thương nghiệp, thủ công nghiệp) trước rồi mới trở thành trung tâm chính trị – văn hóa: thành phố này đã hình thành theo quy luật của các đô thị tiền tư bản, tức yếu tố “thị” có trước rồi phát triển thành yếu tố “thành” chứ không phải như các đô thị phong kiến ở đó yếu tố “thành” có trước rồi mở rộng thêm yếu tố “thị”.

Khái niệm Đàng Trong

“Đàng Trong” là một thuật ngữ địa – chính trị, chỉ khu vực phía nam sông Gianh dưới quyền cai trị độc lập của các chúa Nguyễn trên đường hướng cát cứ, đối lập với chính quyền Lê Trịnh ở Đàng Ngoài. Quá trình dẫn tới việc cát cứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn là một diễn tiến phức tạp, nên trước nay nhiều người vẫn lầm trong việc phân kỳ lịch sử, coi việc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 là cái mốc đầu tiên của lịch sử Đàng Trong. Thật ra không phải như vậy.

Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Một số bề tôi của nhà Lê do Nguyễn Kim đứng đầu rút vào Nghệ An, năm 1533 lập Lê Trung tông là con cháu nhà Lê lên ngôi vu
a, đóng đô ở Lam Kinh còn gọi là Tây Đô, đánh nhau với nhà Mạc ở Thăng Long tức Đông Đô, sử gọi là chiến tranh Nam Bắc triều. Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất hạ độc giết chết, các con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng đều còn nhỏ nên vua Lê giao binh quyền cho Trịnh Kiểm, con rể Nguyễn Kim. Về sau Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng lớn lên, đều có tài năng, Trịnh Kiểm ghen ghét nên ám hại Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng sợ, nhờ chị là Ngọc Tú xin với Trịnh Kiểm cho mình vào trấn thủ Thuận Hóa. Năm 1558, Kiểm tâu với vua Lê cho Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, cũng có ý đồ bớt đi một cái gai trong triều đình Tây Đô đồng thời mượn tay quân Mạc giết Hoàng. Nhưng Hoàng giỏi cầm quân, được lòng dân nên giữ vững được Thuận Hóa. Năm 1670, lúc Trịnh Kiểm ốm nặng, Nguyễn Hoàng ra Tây Đô yết kiến vua Lê, cũng có ý “lấy lại” quyền hành từ tay Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm nhượng bộ, tâu với vua Lê cho Nguyễn Hoàng trấn thủ cả Thuận Hóa và Quảng Nam, Nguyễn Hoàng bèn đem quân về trấn.

Đến 1593, Trịnh Tùng con Trịnh Kiểm đánh chiếm được Thăng Long, Nguyễn Hoàng đem quân ra giúp, cùng đánh dẹp quân Mạc. Nhưng Trịnh Tùng sợ Nguyễn Hoàng chiếm mất địa vị của mình, nên cũng có ý lấn át. Thấy không thể tranh giành quyền bính với họ Trịnh ở cung đình, năm 1600 Nguyễn Hoàng lặng lẽ đem binh thuyền về Thuận Hóa. Trịnh Tùng hoảng sợ đưa vua Lê về giữ Thanh Hoa, để mặc quân Mạc trở lại Thăng Long, mấy tháng sau mới dám tiến chiếm lại Đông Đô. Lợi dụng tình thế Lê Trịnh phải tập trung đối phó với quân Mạc, Nguyễn Hoàng ráo riết xây dựng lực lượng trên đường hướng ly khai chính quyền trung ương. Năm 1613 Nguyễn Hoàng chết, trước khi chết trăn trối lại với con là Nguyễn Phước Nguyên rằng phải cố gắng giữ gìn đất đai Thuận Quảng để chống cự với họ Trịnh mà xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Phước Nguyên nối chí cha, ngầm nuôi ý cát cứ, không nộp thuế ra Bắc nữa. Năm 1627, Trịnh Tráng đã nhân danh vua Lê gởi một sắc dụ răn đe họ Nguyễn lỗi đạo thần tử “Mệnh lệnh triều đình, đạo làm tôi phải nên tuân thủ, Thuế má phủ huyện, tướng ngoài cõi không được tự chuyên”, còn trả lời một lá thư đe dọa của Trịnh Tráng trước đó, năm 1625 Nguyễn Phước Nguyên cũng từng gởi một lá thư lên án họ Trịnh lấn át vua Lê “Sương nghiêm dinh Liễu, tai từng nghe mệnh lệnh Tướng quân, Mây thẳm đền Phong, mắt nào thấy chiếu thư Thiên tử”. Một bên khuynh loát triều đình, một bên ly khai trung ương, nhưng đều chống đối nhau bằng cùng một khẩu hiệu chính trị tôn Lê. Năm 1627 Trịnh Tráng đưa vua Lê đem quân đánh Nguyễn, Phước Nguyên dàn quân trên sông Nhật Lệ chống lại, quân Trịnh không thắng được phải rút lui. Phước Nguyên lại theo kế của Đào Duy Từ đắp lũy Trường Dục làm phòng tuyến ngăn chặn quân Trịnh, từ đó cục diện Đàng Trong – Đàng Ngoài chính thức định hình.

Sau trận đánh năm 1627, đôi bên Trịnh Nguyễn còn liên tiếp mở sáu chiến dịch lớn tấn công đối phương vào các năm 1630, 1635, 1648, 1655, 1661, 1672, nhưng những nỗ lực quân sự để thống nhất đất nước ấy đều không thành công. Cho nên sau trận đánh năm 1672, đôi bên nghỉ binh, lấy sông Gianh làm ranh giới. Cục diện Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài đến thế kỷ XVIII. Năm 1771 Tây Sơn khởi nghĩa, năm 1774 tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc nhân cơ hội vượt sông Gianh, hạ Lũy Thầy, chúa Nguyễn Phước Thuần chạy vào Quảng Nam rồi Gia Định, đến 1777 bị Tây Sơn bắt giết. Nhưng Nguyễn Ánh may mắn thoát được, qua năm sau chiêu mộ quân sĩ chiếm lại Sài Gòn, mở ra cục diện chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh kéo dài đến 1802.

Tóm lại, mặc dù năm 1627 Nguyễn Phước Nguyên mới chính thức ra mặt chống lại Lê Trịnh, cát cứ Đàng Trong, nhưng xu thế cát cứ phương Nam của họ Nguyễn đã hình thành sau khi Nguyễn Hoàng trở về Thuận Quảng năm 1600. Cho nên có thể coi lịch sử Đàng Trong bắt đầu từ 1600 và kết thúc năm 1777.

Các chúa Nguyễn Đàng Trong

Từ 1600 trở đi, chính quyền Đàng Trong có tất cả chín đời chúa, sau đây nêu tóm tắt về tên họ, miếu hiệu, thụy hiệu, đạo hiệu và năm sinh, năm lên ngôi, năm mất… của từng người:

Nguyễn Hoàng (1525 – 1613), vào Nam làm Trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, được thăng làm Trấn thủ Thuận Quảng năm 1570, năm 1593 ra Bắc tham gia đánh Mạc, năm 1600 về Nam, tước Đoan quốc công, hiệu là chúa Tiên, năm 1744 được truy tôn là Gia Dụ Thái vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Gia Dụ hoàng đế, miếu hiệu là Thái tổ. Dưới đời Nguyễn Hoàng, địa bàn Đàng Trong mở rộng tới Phú Yên.

Nguyễn Phước Nguyên (1563 – 1635), lên ngôi chúa năm 1613, tước Thụy quận công, hiệu là chúa Sãi, năm 1744 được truy tôn là Hiếu Văn vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Hiếu Văn hoàng đế, miếu hiệu là Hy tông. Năm 1629 Lưu thủ Phú Yên Văn Phong làm phản, Phước Nguyên sai Mạc Cảnh Vinh đem quân đánh dẹp, mở đất tới phía nam Phú Yên, phía bắc Khánh Hòa, đầu tiên gọi là phủ Thái Khang, đến 1690 đổi gọi là Bình Khang.

Nguyễn Phước Lan (1601 – 1648), lên ngôi chúa năm 1635, tước Nhân quận công, hiệu là chúa Thượng, năm 1744 được truy tôn là Hiếu Chiêu vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Hiếu Chiêu hoàng đế, miếu hiệu là Thần tông.

Nguyễn Phước Tần (1620 – 1687), lên ngôi chúa năm 1648, tước Dũng quận công, hiệu là chúa Hiền, năm 1744 được truy tôn là Hiếu Triết vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Hiếu Triết hoàng đế, miếu hiệu là Thái tông. Phước Tần là người tiếp nhận nhóm Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch vào khai phá Biên Hòa và Mỹ Tho năm 1679, đặt nền móng cho việc mở mang lãnh thổ tới Nam Bộ thời Đàng Trong.

Nguyễn Phước Thái (1649 – 1691), lên ngôi chúa năm 1687, tước Hoằng quốc công, hiệu là chúa Nghĩa, năm 1744 được truy tôn là Hiếu Nghĩa vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Hiếu Nghĩa hoàng đế, miếu hiệu là Anh tông.

Nguyễn Phước Châu (1675 – 1725), lên ngôi chúa năm 1691, tước Tộ quốc công, hiệu là Quốc chúa, năm 1744 được truy tôn là Hiếu Minh vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Hiếu Minh hoàng đế, đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân, miếu hiệu là Hiển tông. Ngoài việc lập dinh Bình Thuận năm 1693, Phước Châu là người cử Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược Đông Phố, lập phủ Gia Định, mở dinh Phiên Trấn tức khu vực Sài Gòn năm 1698 và cũng là người tiếp nhận nhóm Mạc Cửu đem trấn Hà Tiên quy phụ năm 1708.

Nguyễn Phước Thụ (1696 – 1738), lên ngôi chúa năm 1725, tước Đỉnh quốc công, năm 1744 được truy tôn là Hiếu Ninh vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Hiếu Ninh hoàng đế, đạo hiệu là Vân Tuyền đạo nhân, miếu hiệu là Túc tông. Dưới đời Phước Thụ, địa bàn Đàng Trong mở rộng thêm dinh Long Hồ tức Vĩnh Long (1732).

Nguyễn Phước Hoạt (1714 – 1765), lên ngôi chúa năm 1738, tước Hiểu quốc công, năm 1744 tự xưng là Vũ vương, năm 1765 được truy tôn là Hiếu Vũ vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Hiếu Vũ hoàng đế, đạo hiệu là Từ Tế đạo nhân, miếu hiệu là Thế tông. Phước Hoạt là người cử Nguyễn Cư Trinh vào làm Tham mưu Ngũ dinh Gia Định để phối hợp với Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tích mở mang vùng An Giang nối liền với trấn Hà Tiên (1757), xác lập bản đồ Việt Nam ở phía nam.

Nguyễn Phước Thuần (1754 – 1777), lên ngôi chúa năm 1765, năm 1778 được truy tôn là Hiếu Định vương, năm 1806 được triều Nguyễn truy tôn là Hiếu Định hoàng đế, đạo hiệu là Khánh Phủ đạo nhân, miếu hiệu là Duệ tông. Phước Thuần lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi, bị quyền thần là Quốc phó Trương Phước Loan lấn át, chỉ biết vui chơi, không hiểu gì về chính sự. Năm 1771 Tây Sơn khởi nghĩa, năm 1774 tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh, hạ Lũy Thầy, qua 1775 Phước Thuần chạy vào Quảng Nam rồi Gia Định, bị Lý Tài đạo Hòa Nghĩa ép phải nhường ngôi cho Đông cung Phước Dương tức Tân chính vương, lấy danh hiệu là Thái thượng vương. Năm 1777 Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy kích Phước Thuần tới Long Xuyên thì bắt được, đem về Gia Định hành quyết ở chùa Kim Chương.

Ngoài ra, cần kể thêm một nhân vật khác là Nguyễn Phước Dương. Thế tông Phước Hoạt có 18 con trai, con thứ chín là Hạo được lập làm thế tử nhưng chết sớm, có con là Dương lúc ấy còn nhỏ, được gọi là Hoàng tôn. Năm 1775 khi Duệ tông Phước Thuần chạy vào Quảng Nam, các bề tôi đi theo xin Duệ tông lập Dương làm thế tử, gọi là Đông cung. Kế Phước Dương bị Tập Đình đạo Trung Nghĩa và Lý Tài đạo Hòa Nghĩa người Hoa trong quân Tây Sơn bắt đưa về Hội An, Nguyễn Nhạc cũng muốn mượn Dương làm chiêu bài chính trị để chống quân Trịnh và gây chia rẽ trong nội bộ chính quyền Đàng Trong nên không giết. Sau Phước Dương trốn được vào Gia Định, lúc bấy giờ Lý Tài đã theo hàng quân Nguyễn nhưng lại làm phản đem quân Hòa Nghĩa chiếm giữ núi Châu Thới chống lại quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn, Phước Dương bèn xin Duệ tông cho tới chiêu dụ. Lý Tài nhân đó làm việc phế lập, ép Duệ tông phải nhường ngôi cho Phước Dương. Đến 1777 Tây Sơn vào Gia Định, truy kích tới Vĩnh Long, bắt được Phước Dương mang về Sài Gòn hành quyết. Năm 1809 triều Nguyễn truy tặng Phước Dương là Mục vương.

Sau khi chiếm lại được Gia Định lần cuối năm 1788, Nguyễn Ánh cho xây miếu thờ các chúa Nguyễn và lăng Duệ tông. Sau khi đánh thắng Tây Sơn năm 1802, năm 1804 Nguyễn Ánh cho dời miếu các chúa Nguyễn ở Gia Định ra Huế, đến 1806 cử hành lễ truy tặng tôn hiệu rất trọng thể theo những miếu hiệu đã kể ở trên.

Các tên gọi Sài Gòn, Sài Côn, Phiên Trấn, Tân Bình, Gia Định, Phiên An…

Khi đề cập tới Sài Gòn, các thư tịch cổ có khi gọi là Sài Gòn – Sài Côn, có khi gọi là Phiên Trấn, Tân Bình, Gia Định, Phiên An… Đây là một tình hình phức tạp, nên phải căn cứ vào tính chất để phân loại các địa danh nói trên.

Sài Gòn là tên gọi một khu vực địa lý, việc tên gọi này không có ý nghĩa trong tiếng Việt cho thấy nó có nguồn gốc bản địa nhưng được Việt hóa. Sài Côn là một tên phái sinh của địa danh Sài Gòn, chỉ xuất hiện trong thư tịch chữ Hán, nhưng đó chỉ là một địa danh ảo vì Côn ở đây là một mã chữ Nôm chứ không phải mã chữ Hán, không thể đọc là Côn mà phải đọc là Gòn. Hiện tượng phụ âm đầu K/ C trong âm Việt Hán chuyển thành G/ Gh trong âm thuần Việt là một quy luật phổ biến, nên trong những trường hợp loại này, các mã chữ Hán loại Kê, Ký, Cận, Côn… đã trở thành mã chữ Nôm để ghi âm các từ Gà, Ghi, Gần, Gòn. Địa danh Sài Gòn xuất hiện từ cuối thế kỷ XVII, đại thể chỉ chung vùng đất nằm giữa cửa Cần Giờ và cửa Ba Rai lên tới biên giới Việt Nam – Campuchia hiện nay. Ngoài ra từ đầu thế kỷ XIX trong bộ phận người Hoa ở địa phương còn lưu truyền một cách ghi âm từ Sài Gòn theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông là Thầy Ngòn, với hai mã chữ Hán đọc theo âm Việt Hán là Đề Ngạn. Có thể coi đây là một hiện tượng tiêu biểu cho hệ thống “chữ Nôm của người Hoa” dùng ghi âm các địa danh thuần Việt, giống như “Thủ Long Mộc” để ghi âm Thủ Dầu Một, “Ná Điều” để ghi âm Lái Thiêu… Tương tự, từ Đồng Nai vốn chỉ khu vực phía nam Bình Thuận, phía bắc cửa biển Cần Giờ lên tới biên giới Việt Nam – Campuchia, có một tên phái sinh Việt Hán hóa là Lộc Dã (Dã = Đồng, Lộc = Nai) và một tên đọc theo âm Hoa Hán là Nông Nại. Năm 1799 có lần quân Tây Sơn ở Bình Định đang đêm kéo tới định đánh úp quân Nguyễn, có một con nai trong rừng chạy ra, toán đi đầu kêu lên “Nai”, toán đi kế giật mình gọi chuyền về phía sau là “Quân Đồng Nai”, những người phía sau tưởng bị quân Nguyễn phục kích hoảng sợ chạy tán loạn, không bị đánh mà tự tan vỡ, câu chuyện trên cho thấy từ Đồng Nai cũng có khi được dùng để chỉ chung cả vùng Nam Bộ.

Phiên Trấn là tên gọi một đơn vị quân sự, từ 1698 là tên một dinh (doanh) ở Nam Bộ. Từ 1744 Đàng Trong được chia làm 12 dinh và 1 trấn là Dinh Cũ (Cựu dinh) ở Ái Tử, dinh Quảng Bình ở An Trạch, dinh Lưu Đồn ở Võ Xá, dinh Bố Chính ở Thổ Ngõa, Dinh Chính (Chính dinh) ở Phú Xuân, dinh Quảng Nam ở Quảng Nam, dinh Phú Yên ở Phú Yên, dinh Bình Khang ở Diên Khánh Bình Khang, dinh Bình Thuận ở Bình Thuận, dinh Trấn Biên ở Phước Long, dinh Phiên Trấn ở Tân Bình, dinh Long Hồ ở Định Viễn và 1 trấn tức Hà Tiên. Theo định nghĩa duy danh, dinh là một phần của trấn, theo quy chế nhà Thanh ở Trung Quốc đều là đơn vị quân đội, dinh có quân số tương đương trung đoàn, trấn có quân số tương đương sư đoàn hiện nay. Nhưng như đã nói ở trên, từ thời Lê trung hưng đến đầu thời Nguyễn, các chính quyền phong kiến Việt Nam đều tổ chức theo kiểu quân chính. Cho nên có thể hiểu dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn… thời Đàng Trong là các đơn vị hành chính – quân sự, các tiểu quân khu mà viên võ tướng đứng đầu cũng đồng thời là người nắm quyền tối cao về hành chính ở các địa phương.

Tân Bình, Gia Định là hai địa danh hành chính, từ 1698 Tân Bình là một huyện thuộc phủ Gia Định. Cuối thời Đàng Trong vùng Thuận Quảng được gọi là hai xứ tức hai đạo Thừa tuyên theo thể chế nhà Lê, trong đó xứ Thuận Hóa gồm hai phủ Triệu Phong, Quảng Bình, xứ Quảng Nam gồm hai phủ Điện Bàn, Thăng Hoa kiêm quản hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn, trở vào Nam còn có bốn phủ Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Gia Định và trấn Hà Tiên. Đối chiếu thì thấy rõ bốn phủ Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Gia Định có sáu dinh, trong đó riêng phủ Gia Định có ba dinh, tức tuy chỉ có hai huyện (Phước Long, Tân Bình) và một châu (Định Viễn) nhưng được tổ chức thành ba tiểu quân khu Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ.

Đến nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh từ 1778 trở đi, phủ Gia Định đặt thêm dinh Trấn Định, dinh Long Hồ đổi tên thành dinh Vĩnh Trấn. Đến 1800, phủ Gia Định được đổi làm trấn, gọi là Gia Định trấn, lãnh bốn dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Trấn Định, Long Hồ thì huyện Tân Bình cũng được thăng làm phủ Tân Bình. Đến 1808 trấn Gia Định được đổi làm thành, gọi là Gia Định thành tổng trấn, các dinh được thăng làm trấn và đổi tên, dinh Trấn Biên đổi là Biên Hòa ở phủ Phước Long, dinh Phiên Trấn đổi là Phiên An ở phủ Tân Bình, dinh Trấn Định đổi là Định Tường ở phủ Kiến An, dinh Vĩnh Trấn đổi là Vĩnh Thanh ở phủ Định Viễn, tất cả có năm trấn kể cả trấn Hà Tiên đến lúc ấy đã không còn được hưởng quy chế tự trị và thế tập như dưới thời Đàng Trong nữa. Cụm từ “Gia Định thành” trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chính được dùng với ý nghĩa này. Trong thực tế cho đến 1833 Gia Định thành là đại quân khu Nam Bộ của triều Nguyễn, trong đó viên Tổng trấn – Tư lệnh nổi tiếng nhất là Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt.

Sau khi Lê Văn Duyệt chết năm 1832, năm 1833 Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, chia Nam Bộ làm sáu tỉnh Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long (tức Vĩnh Thanh đổi tên), Hà Tiên và đặt thêm tỉnh An Giang, xóa bỏ đơn vị thành để tập trung quyền lực vào tay chính quyền trung ương, bãi bỏ chế độ quân chính mà đưa văn quan vào vị trí đứng đầu bộ máy hành chính từ trung ương tới địa phương, nhưng lại có những hành động đe dọa một số tướng sĩ thân tín của Lê Văn Duyệt nên đã trực tiếp gây ra vụ binh biến của Lê Văn Khôi. Năm 1835, quân triều đình đàn áp được quân Lê Văn Khôi, phá thành Phiên An, xây thành Gia Định nhỏ hơn trước, lại đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định. Từ đó trở đi, Gia Định từ chỗ là tên gọi chung của toàn vùng Nam Bộ trở thành tên gọi hành chính chính thức của một trong Lục tỉnh Nam Kỳ, tình hình này kéo dài đến cuối thế kỷ XIX. Qua thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa Pháp thành lập tỉnh (province) Gia Định và thành phố Chợ Lớn bên cạnh thành phố Sài Gòn, làm hình thành cụm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trên bản đồ hành chính Nam Kỳ thuộc địa cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945.

Chính sách cai trị của chúa Nguyễn ở Gia Định trước khi Tây Sơn khởi nghĩa.

Sau bảy chiến dịch lớn từ 1627 đến 1672 mà không bên nào giành được ưu thế, đôi bên Trịnh Nguyễn cùng nghỉ binh. Tình trạng tương đối hòa bình suốt một trăm năm trước khi Tây Sơn khởi nghĩa đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong tiến hành việc khai thác phương Nam. Từ 1679 với việc tiếp nhận nhóm Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch vào khai phá Biên Hòa và Mỹ Tho, chính quyền Đàng Trong đã đặt nền móng cho việc mở mang lãnh thổ tới vùng Nam Bộ. Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định năm 1698, việc khai phá Gia Định càng được được đẩy mạnh. Đến khoảng 1776 huyện Tân Bình đã có hơn 15.000 đinh và 350 thôn, ngoài ra còn lực lượng thuộc binh, tạm binh hình thành từ chính sách “mộ quân gọi dân, chia ruộng chứa thóc” của chính quyền Đàng Trong. Đây là một thành tựu phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, tổ chức xã hội, bảo vệ biên cương lớn trong hoàn cảnh đương thời, thành tựu này có một phần nguyên nhân là chính sách cai trị phù hợp của các chúa Nguyễn Đàng Trong ở Gia Định.

Về kinh tế, các chúa Nguyễn đều chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp nên có chính sách quản lý dễ dãi, thuế má nhẹ nhàng nhằm đẩy mạnh việc khai khẩn đất hoang. Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chép “Buổi quốc sơ đất Gia Định còn là nơi nhiều rừng rú đầm lầy, mộ dân tới ở, cho tùy tiện lập ấp vỡ hoang (có nơi ở Phiên Trấn mà đánh thuế làm đất Trấn Biên, cũng có nơi ở về Trấn Biên mà đánh thuế làm đất Phiên Trấn), các thửa ruộng đất chỉ ước tính số lượng đại khái, không chia ra hạng tốt hạng xấu”. Ngoài ra hoàn cảnh hoạt động ngoại thương nhộn nhịp trong khu vực đương thời cũng kích thích thương nghiệp ở Nam Bộ trong đó có Gia Định phát triển mau lẹ, và nói chung các chúa Nguyễn đều không có hoạt động nào nhằm hạn chế thương nghiệp hay nắm độc quyền ngoại thương.

Về văn hóa – xã hội, nhằm đạt tới sự thống nhất chính trị và văn hóa ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã chọn lựa hệ thống chuẩn mực xã hội Nho giáo. Năm 1726 Túc tông Phước Thụ ban Huấn điều trên “toàn quốc” kèm theo lệnh cho các phủ huyện phải phổ biến rộng rãi để dân biết dân làm với nội dung kêu gọi tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tuân thủ luật pháp và chống tiêu cực – lành mạnh hóa môi trường xã hội theo lề lối Khổng môn “Đường sá không xa, tua mũ sao che được khó nhọc, thóc tiền hằng có, áo tơi mong chăm việc cấy cày. Khuynh gia bại sản, không còn canh đỏ canh đen, nay rượu mai chè, chớ lại chén anh chén chú. Nay bảo khắp cha con vợ chồng, phải noi theo luân thường Nghiêu Thuấn, chớ trái ta khuyên răn dạy bảo, mà sa vào lưới pháp Thành Thang”, còn năm 1744 Thế tông Phước Hoạt xưng vương hiệu cũng ra lệnh cải cách y phục, thay đổi phong tục trong ý hướng tạo ra sự thống nhất mới về văn hóa ở Đàng Trong mà khẳng định thêm thế đối lập về chính trị với Đàng Ngoài, và các yếu tố chuẩn mực lối sống mới nói trên đã được bài Khuyến tiến biểu của Nguyễn Đăng Thịnh dọn đường bằng các phạm trù lịch sử quan Nho giáo “Chính danh phận ư nhất quốc duy tân chi thủy, Hưng lễ nhạc ư bách niên tích đức chi dư” (Chính danh phận lúc cả nước duy tân, Dấy lễ nhạc sau trăm năm chứa đức). Cần nhấn mạnh rằng Nho giáo về cơ bản mang tính chất “vô thần”, nên thiết chế Nho giáo vô hình trung trở thành mô hình tổ chức xã hội tối ưu cho con người Việt Nam ở Đàng Trong liên tục nhất hóa chứ không đồng hóa nhiều tộc người có tôn giáo – tín ngưỡng khác nhau thành một cộng đồng thống nhất. Điều này đã tác động tích cực tới sự hình thành cộng đồng Việt Nam ở Gia Định, trong đó ngoài người Việt, các tộc người Chăm, Khmer và đặc biệt là người Hoa Minh Hương đã mau chóng hòa nhập thành một cộng đồng chung.

Về tôn giáo, các chúa Nguyễn đều là người mộ đạo Phật, nhưng cũng có những người như Minh Đức vương Thái phi vợ Nguyễn Hoàng theo đạo Thiên chúa. Năm 1699, Hiển tông Phước Châu cấm đạo Thiên chúa, ra lệnh đốt sách đạo, trục xuất giáo sĩ phương Tây và buộc giáo dân người Việt phải bỏ đạo. Năm 1724 lại có lệnh cấm đạo nhưng không kéo dài vì Túc tông Phước Thụ lên ngôi năm 1725 dung nạp đạo Thiên chúa. Đến 1750 dưới đời Thế tông Phước Hoạt, chính quyền lại ra lệnh cấm đạo, phá hủy nhà thờ…, việc cấm đạo này vẫn còn tiếp tục kéo dài dưới đời Duệ tông Phước Thuần, lên ngôi năm 1765. Trong những thời kỳ cấm đạo nói trên, nhiều giáo dân người Việt để giữ đạo mà tránh bị đàn áp, đã tìm vào sống ở vùng đất phía nam vì nhìn chung chính quyền các địa phương ở Nam Bộ trong đó có Gia Định thi hành lệnh cấm đạo rất lỏng lẻo, một phần vì bối cảnh xã hội đa dân tộc ở vùng này tự thân nó cũng ít nhiều là một môi trường mang tính chất tự do tín ngưỡng, một phần cũng vì nhu cầu về nhân lực trong việc khai phá vùng Nam Bộ đất rộng người thưa.

Bộ máy cai trị của chúa Nguyễn ở Gia Định trước khi Tây Sơn khởi nghĩa

Thời Đàng Trong, chính quyền của các chúa Nguyễn được tổ chức theo kiểu quân chính. Đây cũng là mô hình tổ chức chung của các chính quyền ở Việt Nam từ chiến tranh Lê Mạc đến đầu thời Nguyễn, theo đó lực lượng võ tướng nắm giữ binh quyền cũng đồng thời là người đứng đầu hệ thống chính trị – hành chính từ trung ương tới địa phương. Nói rộng ra, mô hình này còn khá phổ biến ở các quốc gia Đông Á, chẳng hạn ở Nhật Bản từ thế kỷ XIV thì các Tướng quân (Shogun) mới thực sự là người cầm quyền, Thiên hoàng chỉ là làm vì. Ở Trung Quốc do nhà Thanh vừa thay nhà Minh cai trị nên quyền lực nhà vua có khác, nhưng bộ máy hành chính cũng tổ chức theo mô hình quân chính với phiên chế Bát kỳ (Bát kỳ người Mãn, Bát kỳ người Hán và Bát kỳ người Mông Cổ). Ở Việt Nam thì các chúa Trịnh từ Trịnh Tùng trở đi đều tự xưng là Đại Nguyên soái Thống quốc chính, còn các chúa Nguyễn từ Hy tông Phước Nguyên trở đi đều tự xưng là Tiết chế thủy bộ chư dinh…, tóm lại đều nắm cả quyền coi quân trị dân.

Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh xác lập bộ máy chính quyền Việt Nam ở Gia Định năm 1698, năm 1731 chúa Nguyễn đặt thêm chức Điều khiển thống nhiếp việc binh ở phủ Gia Định, lúc bấy giờ gồm hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, đến 1732 có thêm dinh Long Hồ. Dinh Phiên Trấn đại khái nằm trên khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An hiện nay. Theo quy chế chung của chính quyền Đàng Trong, các dinh đều có võ tướng làm Trấn thủ hay Lưu thủ, ngoài ra dinh Phiên Trấn đặt quan Ký lục, Cai án, Cai bạ mỗi chức 1 viên, sở thuộc có Ty Tướng thần lại gồm 2 viên Câu kê, 3 viên Cai hợp, 7 viên Thủ hợp và 10 người lại viên. Năm 1744 Thế tông Phước Hoạt xưng vương, chia Đàng Trong thành 12 dinh và 1 trấn, vẫn giao cho các võ tướng trấn thủ.

Năm 1748 vua Chân Lạp Nặc Tha (Thomo Reachea II Angk Êm) bị Nặc Nguyên (Angk Snguon) là con của vua cũ Nặc Thâm (Ramatlipadey – Raeah Angk Tong) đem quân Xiêm về đánh đuổi. Nặc Tha thua, chạy qua Gia Định rồi chết ở đó. Nặc Nguyên lên ngôi, xưng là Chey Chetta V. Năm 1750, Nặc Nguyên đem binh lấn hiếp người Côn Man (tức người Chiêm Thành cũ) ở biên giới Đàng Trong – Chân Lạp, phía Bắc lại thông sứ với chúa Trịnh Doanh, hình thành một liên minh đe dọa chúa Nguyễn. Thế tông Phước Hoạt tức giận, năm 1753 sai Cai đội Thiện Chính làm Thống suất, Ký lục dinh Bố Chánh Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu, đem tướng sĩ năm dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ đánh Chân Lạp. Từ đó trở đi phủ Gia Định tuy chỉ có ba dinh nhưng lại thống thuộc việc binh của cả hai dinh Bình Thuận, Bình Khang. Danh hiệu Ngũ dinh ra đời từ đó. Nhờ được mở rộng quyền lực – tăng cường thực lực như vậy nên từ 1753 trở đi các viên Điều khiển, Tham mưu Gia Định từ Thiện Chính, Nguyễn Cư Trinh, Trương Phước Du đã có đủ điều kiện để thực hiện thông suốt chủ trương tàm thực (tằm ăn dâu) trong việc khai thác phương Nam. Năm 1756, tiếp thu đất Tầm Bôn (khu vực từ Cái Bè lên Hồng Ngự, giữa Tiền Giang và Đồng Tháp Mười), Lôi Lạp (khu vực từ cửa biển Soài Rạp qua Gò Công, Bến Tre lên phía nam Đồng Tháp Mười ven Tiền Giang). Năm 1757, tiếp thu đất Tầm Phong Long (vùng An Giang) nối liền với trấn Hà Tiên phía tây sông Hậu, chính thức xác lập bản đồ Việt Nam ở Đàng Trong gần như hiện nay.

Từ chức Điều khiển Gia Định năm 1731 tới chức Điều khiển Ngũ dinh năm 1753, bộ máy cai trị của chúa Nguyễn ở Gia Định trong thực tế là cơ quan đứng đầu bộ máy hành chính – quân sự Việt Nam ở đồng bằng Nam Bộ, chỉ trừ trấn Hà Tiên lúc bấy giờ do cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích nối nhau cai trị theo quy chế tự trị. Chính trên cơ sở này mà sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, năm 1775 Duệ tông Phước Thuần chạy vào Nam đã đóng lại ở đây, khiến Gia Định trở thành đại bản doanh, đất tranh chiếm quyết liệt của cả hai bên trong chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn đến 1777 rồi Tây Sơn – Nguyễn Ánh từ 1778 trở đi.

Nhiệm vụ của Điều khiển Gia Định và Điều khiển Ngũ dinh

Xác lập bộ máy cai trị ở đồng bằng Nam Bộ, chính quyền Đàng Trong cũng phải hành xử các nhiệm vụ ngoại giao trực tiếp liên quan tới quyền lợi của mình ở khu vực này. Tuy nhiên trong hoàn cảnh giao thông liên lạc thời bấy giờ, việc chỉ đạo của triều đình Đàng Trong rất khó tiến hành được một cách kịp thời vì khoảng cách về không gian giữa Phú Xuân với vùng Nam Bộ. Cho nên trong nhiều trường hợp, hệ thống chính quyền của chúa Nguyễn ở Nam Bộ (ở phủ Gia Định và trấn Hà Tiên) phải đảm trách luôn nhiệm vụ ngoại giao với chính quyền Xiêm La và Chân Lạp. Năm 1714 khi Chân Lạp có nội loạn, vua Chân Lạp Nặc Yêm cầu viện hai dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Đô đốc Phiên Trấn Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trấn thủ Trấn Biên Nguyễn Cửu Phú sai người mang thư về tâu, Hiển tông Phước Châu cho phép hai người “tùy nghi xử trí”. Tiền lệ này đưa tới tình hình là ngoài Tổng binh Mạc Cửu từ 1708 đến Đô đốc Mạc Thiên Tích từ 1736 ở trấn Hà Tiên được hưởng quy chế tự trị nên dĩ nhiên phải đảm nhiệm các hoạt động ngoại giao cần thiết, các viên Điều khiển Gia Định từ 1731 rồi Điều khiển Ngũ dinh từ 1753 cũng trở thành một loại Khâm sứ có toàn quyền thay mặt chúa Nguyễn trong hoạt động ngoại giao với các quốc gia lân bang phía nam. Cho nên trong thời gian trước 1775 mức độ phối hợp giữa các tướng lĩnh Đàng Trong ở Hà Tiên và Gia Định là yếu tố quyết định những thắng lợi hay thất bại trên các phương diện cả ngoại giao lẫn quân sự của triều đình Phú Xuân với Ch��n Lạp và Xiêm La.

Năm 1753 Thế tông Phước Hoạt sai Thiện Chánh làm Điều khiển Ngũ dinh, Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu vào Nam đánh Nặc Nguyên vua Chân Lạp gây hấn ở biên cương. Nặc Nguyên thua to, xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp và nộp bù lệ cống còn thiếu ba năm trước để chuộc tội. Nguyễn Cư Trinh tâu lên, Thế tông Phước Hoạt ưng thuận. Qua 1757 Nặc Nguyên chết, Nặc Nhuận lên làm vua Chân Lạp nhưng bị con rể là Nặc Hinh giết chết cướp ngôi, con Nhuận là Nặc Tôn chạy qua Hà Tiên nương nhờ Mạc Thiên Tích. Điều khiển Ngũ dinh Trương Phước Du thừa thế tiến đánh, Hinh thua chạy rồi bị giết. Trương Phước Du, Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tích tâu lên, Thế tông Phước Hoạt sai Mạc Thiên Tích và tướng sĩ Ngũ dinh đưa Nặc Tôn về nước. Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn, lại nhận Thiên Tích làm cha nuôi, cắt đất năm phủ để tạ ơn, Thế tông Phước Hoạt cho trấn Hà Tiên nhận năm phủ ấy, xác lập bản đồ Việt Nam ở Đàng Trong gần như hiện nay. Nhưng đến 1765 Duệ tông Phước Thuần lên ngôi, triệu Nguyễn Cư Trinh về Phú Xuân, lấy Tống Văn Khôi làm Điều khiển Ngũ dinh thì quan hệ giữa Đô đốc Hà Tiên với Điều khiển Ngũ dinh không còn được như trước nữa. Trong khi đó sau nhiều lần xung đột với vua Xiêm Trịnh Tân, binh lực của Mạc Thiên Tích ở Hà Tiên dần dần suy yếu. Năm 1771 được tin Trịnh Tân định đánh Hà Tiên, Mạc Thiên Tích phi báo với Điều khiển Ngũ dinh ở Gia Định thì Tống Văn Khôi chần chừ không chịu phát binh cứu viện, cuối năm ấy quân Xiêm tới đánh, Hà Tiên thất thủ. Mạc Thiên Tích chạy qua Kiên Giang rồi tới Trấn Giang (Cần Thơ). Tướng Xiêm là Trần Liên đem thủy quân truy kích, bị Lưu thủ dinh Long Hồ Tống Phước Hiệp chặn đánh, phải bỏ hết chiến thuyền lên bờ chạy bộ, lại bị Cai đội đạo Đông Khẩu (Sa Đéc) Nguyễn Hữu Nhân đón đánh giết mất quá nửa, phải rút về giữ Hà Tiên. Năm 1773 bị quân Việt đánh bại ở Phnom Penh, Trịnh Tân xin giảng hòa, trả lại Hà Tiên nhưng quan hệ bang giao giữa chính quyền Đàng Trong ở Gia Định với chính quyền Trịnh Tân ở Bangkok từ 1775 vẫn rất căng thẳng, tình hình này kéo dài đến khi Rama I lên ngôi vua Xiêm năm 1782.

Kinh tế nông nghiệp ở Gia Định thời Đàng Trong

Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục hoàn thành năm 1777 từng viết “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu toàn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm, họ Nguyễn trước đánh nhau với Cao Miên mà lấy được, mới chiêu mộ những dân có vật lực ở các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn xứ Quảng Nam cho dời tới ở đó, phát chặt mở mang, hết thảy thành bằng phẳng, đất nước màu mỡ, cho dân tự chiếm, trồng cau và làm nhà cửa (…). Người giàu ở các địa phương hoặc bốn năm mươi nhà, hoặc hai ba mươi nhà, mỗi nhà điền nô có khi tới năm sáu mươi người, trâu bò có khi tới ba bốn trăm con, cày bừa cấy gặt rộn ràng không rỗi, hàng năm đến tháng 10 tháng 12 thường giã thành gạo bán lấy tiền để ăn tết. Từ sau tháng giêng trở đi là không làm việc xay giã. Bình thời chỉ bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc, lụa lĩnh trừu đoạn, áo quần tốt đẹp, ít có vải bô (…). Từ cửa biển đến đầu nguồn đi sáu bảy ngày, hết thảy là đồng ruộng, nhìn bát ngát, rộng phẳng như thế đấy, trồng lúa rất hợp, lúa nếp lúa tẻ gạo đều trắng dẻo (…). Các giống lúa đều tháng 5 gieo mạ, mùa thu tháng 7 thì cấy, tháng 11 thì gặt, đến tháng giêng mới xong, tháng 2 làm thóc. Gia Định rất nhiều cau. Ngạn ngữ nói “Gia Định nhất thóc nhì cau”, dân địa phương thường bỏ không thu, cau già lấy hạt bán cho người Tàu”. Cũng trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn có ghi lại lời một thương nhân người Bố Chính kể rằng ông ta từng vào buôn bán ở phủ Gia Định hơn mười chuyến (tức từ trước 1767), “thường đi vào tháng 9 tháng 10, về vào tháng 4 tháng 5, thuận gió không quá mười ngày đêm là tới. Mỗi chuyến đi thường qua cửa biển Nhật Lệ, trình trấn quan, vào cửa Eo, trình quan Tào vận, lĩnh giấy phép ra biển, đến xứ Vũng Tàu ở đầu cõi Gia Định là chỗ hải đảo, có dân cư, hạ buồm đậu vào, hỏi thăm nơi nào được mùa nơi nào mất mùa, biết nơi nào được mùa mới đến ở. Trên thì có cửa biển Cần Giờ, ở giữa thì vào cửa biển Soài Rạp (…). Đến chỗ nào cũng là thuyền buồm tụ họp, mặc cả thành giá thì người bán hàng tự sai người nhà khuân hàng xuống thuyền. Một quan tiền quý (360 đồng) mua được 16 đấu thóc, mỗi đấu bằng 3 bát bằng miệng của Hộ phiên, thành 30 bát quan đồng. Một quan tiền được 300 bát quan đồng. Giá thóc rẻ, chưa nơi nào được như thế. Gạo nếp gạo tẻ đều trắng dẻo, tôm cá rất to, béo ăn không hết, dân địa phương thường nấu qua rồi phơi khô để bán”, theo đó có thể thấy kinh tế nông nghiệp ở Gia Định đã mang tính chất sản xuất hàng hóa từ rất sớm.

Bắt đầu từ con số 40.000 hộ (khoảng trên dưới 200.000 người kể cả nam phụ lão ấu) năm 1698, vào năm 1775 cộng đồng Việt Nam ở ba dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ (không kể trấn Hà Tiên) đã có khoảng 42.500 đinh với hơn 1.300 thôn chính thức chịu thuế của chính quyền, ngoài ra còn khoảng 45.000 quân là lực lượng thuộc binh, tạm binh trong đó dinh Phiên Trấn có 26.000 đinh với 650 thôn và hơn 9.000 quân. Lực lượng nhân lực tương đối đông đảo và điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy khiến đến nửa đầu thế kỷ XVIII vùng Nam Bộ trong đó có Gia Định đã trở thành một vựa lúa lớn của Đàng Trong. Phủ biên tạp lục cho biết trước khi quân Trịnh vào Thuận Hóa “sự buôn bán với Đồng Nai được thông suốt, gạo ở Phú Xuân 10 thưng tức 1 hộc (20 bát quan đồng) chỉ giá 3 tiền, có thể đủ cho một người ăn một tháng”.

Về tình hình chiếm hữu ruộng đất, ngoài các hình thức sở hữu ruộng đất của tư nhân (tư điền), của cộng đồng làng xã (công điền), của chùa chiền (tự điền), sở hữu của nhà nước (quan điền)… thông thường thời phong kiến, nhiều tài liệu cho biết ở Gia Định thế kỷ XVII – XVIII còn có một số hình thức sở hữu trung gian, ví dụ ruộng Châu Phê của Nguyễn Cửu Triêm được Hiển tông Phước Châu đích thân phê chuẩn cho làm quan điền ăn riêng, tức ruộng riêng nhưng được miễn thuế giống như ruộng nhà nước. Nhìn chung việc các tướng lĩnh, quan lại chiếm hữu ruộng đất với quy mô lớn đã khiến việc chiếm hữu ruộng đất ở vùng Nam Bộ thời Đàng Trong có những yếu tố của hình thức lãnh địa, theo đó người nông dân làm thuê cho địa chủ không những bị phụ thuộc về kinh tế mà còn ít nhiều về cả nhân thân. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cũng viết “Lại bắt trai gái người Mọi ở các đầu nguồn, đem bán làm nô tỳ (người đen tóc quăn là người Mọi thực thì giá 20 quan, hơi trắng thì giá chỉ hơn 10 quan), cho tự lấy nhau, sinh đẻ nuôi nấng thành người, cày ruộng làm nghề nghiệp, do đó mà thóc rất nhiều”.

Kinh tế thương nghiệp ở Gia Định thời Đàng Trong

Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn cho biết các điền chủ lớn vùng Gia Định thường bán thóc gạo ra Thuận Quảng, một số tư liệu khác cũng cho thấy từ cuối thế kỷ XVII vùng Gia Định – Hà Tiên đã là một vựa lúa lớn không chỉ ở Đàng Trong mà còn của cả vùng Đông Nam Á, có thể nói là có một nền nông nghiệp sản xuất lương thực hàng hóa tiền tư bản khá phát triển. Sử triều Nguyễn chép sau khi được tiếp nhận cho vào tỵ nạn chính trị ở Đàng Trong năm 1679, Dương Ngạn Địch đem binh thuyền vào cửa Soài Rạp tới đóng lại ở Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ tới đóng lại ở Biên Hòa. Sử chép những người Hoa này “vỡ đất hoang, lập phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Đồ Bà (Java) đi lại tấp nập”, theo đó đủ biết từ cuối thế kỷ XVII vùng Gia Định đã có quan hệ ngoại thương khá rộng rãi với nước ngoài.

Năm 1757 chính quyền Đàng Trong định mức thuế cho thuyền buôn nước ngoài “Thuyền Thượng Hải mới tới nộp 3.000 quan, khi về nộp 300 quan, thuyền Quảng Đông mới tới nộp 3.000 quan, khi về nộp 300 quan, thuyền Phúc Kiến mới tới nộp 2.000 quan, khi về nộp 200 quan, thuyền Hải Đông mới tới nộp 500 quan, khi về nộp 50 quan, thuyền Tây Dương mới tới nộp 8.000 quan, khi về nộp 800 quan, thuyền Ma Cao, Nhật Bản mới tới nộp 4.000 quan, khi về nộp 400 quan, thuyền Xiêm La, Lữ Tống (Singapore) mới tới nộp 2.000 quan, khi về nộp 200 quan. Thuyền nào giấu giếm hàng hóa thì có tội, tịch thu cả thuyền lẫn hàng sung công. Thuyền không có hàng hóa thì không cho vào cửa biển”. Trước khi người Việt tiến vào đồng bằng Nam Bộ thì ở Quảng Nam đã có thương cảng Hội An rất phồn vinh và chắc chắn cũng phải có hệ thống thuế vụ khá hoàn chỉnh, nên bảng thuế nói trên rõ ràng đã được ban hành nhằm đáp ứng tình hình ngoại thương mới sau khi lãnh thổ Đàng Trong mở ra tới vùng Nam Bộ. Những tài liệu hiện có chưa cho phép xác định trong thời gian trước khi Tây Sơn khởi nghĩa thương cảng Gia Định đã tiếp đón bao nhiêu thuyền buôn nước ngoài tới buôn bán, song danh sách nói trên cũng cho người ta một ý niệm về các quốc gia và khu vực có quan hệ buôn bán với Gia Định đương thời. Hơn thế nữa, các thương cảng Cù lao Phố, Gia Định đương thời còn là các trạm trung chuyển quan trọng xuất khẩu không chỉ hàng hóa của Gia Định mà còn cả của Campuchia. Trong bài thơ Thu nhật khách trung tác sáng tác năm 1784 ở Campuchia, Trịnh Hoài Đức có viết “Kê ngân Đường cổ hoán lang đầu” (Bạc Miên chú Khách trút mua cau), theo đó đủ thấy thương nhân người Hoa lên Campuchia thu mua hạt cau khô chuyển về Gia Định rồi chở qua Trung Quốc. Đến cuối thời Đàng Trong, Gia Định đã là một đô thị – thương cảng lớn có hoạt động thương nghiệp khá phồn vinh, xuất khẩu không chỉ các sản phẩm nội địa của riêng vùng Nam Bộ. Đặc biệt, đời sống xã hội đa dân tộc tại địa phương đương thời còn góp phần làm hình thành ở đây các hệ thống hoạt động kinh tế theo tộc người trong đó nổi bật là hệ thống thương nghiệp của người Hoa, một hệ thống đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập diện mạo kinh tế của cộng đồng Việt Nam ở địa phương. Theo những tư liệu hiện có thì có thể xác quyết hệ thống này đã hình thành ở Gia Định từ cuối thời Đàng Trong. Năm 1782 khi Hộ giá Phạm Ngạn của Tây Sơn bị tướng Trần Công Chương quân Hòa Nghĩa giết chết, Nguyễn Nhạc căm hận ra lệnh tàn sát tất cả người Hoa “không kể mới cũ” ở Sài Gòn để trả thù thì số người Hoa bị giết đã lên tới hàng vạn. Có thể nói thêm rằng chính lối hành động theo cảm tính mang tính chất hủy diệt xã hội này cũng là một lý do khiến Tây Sơn không tạo được cơ sở quần chúng của mình ở Nam Bộ trong đó có Gia Định – ngoài hàng tướng Đông Sơn Đỗ Nhàn Trập, hầu như không có người Nam Bộ nào khác được xếp vào hàng các danh tướng, đại tướng của Tây Sơn…

Tiền tệ ở Đàng Trong

Ngoài tiền giấy chỉ có trong đời Hồ Quý Ly, thời phong kiến Việt Nam dùng tiền kim loại hình tròn có lỗ vuông (trong vuông ngoài tròn – tượng trưng trời tròn đất vuông) như Trung Quốc. Tuy nhiên vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII do có kinh tế ngoại thương phát triển nên Đàng Trong thu hút khá nhiều loại tiền từ Đàng Ngoài cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Chân Lạp, thậm chí cả tiền tệ của một số nước phương Tây. Hệ thống tiền tệ thời Đàng Trong do đó rất phức tạp, ở đây chỉ giới thiệu đại lược.

Căn cứ vào Lịch đại cổ tiền đồ thuyết (Đinh Phúc Bảo biên soạn, Đái Bảo Bình tham gia giám định, Thượng Hải thư điếm, 1940, được Thượng Hải thư quán ảnh ấn tái bản năm 1985) thu thập 3.131 loại tiền cổ của nhiều nước như Triều Tiên (Lưu Cầu), Nhật Bản, An Nam (Việt Nam), có thể nói ngoài các loại tiền của nhà Mạc và nhà Lê trung hưng như Quang Bảo thông bảo, Sùng Minh thông bảo, Nguyên Chính thông bảo, Khai Tiến thông bảo, Vĩnh Định thông bảo (đúc trong đời Mạc Phúc Nguyên), Nguyên Hòa thông bảo (đúc trong đời Lê Trang tông), Gia Thái thông bảo (đúc trong đời Lê Thế tông), Vĩnh Thọ thông bảo (đúc trong đời Lê Thần tông), Vĩnh Thịnh thông bảo, Bảo Thái thông bảo (đúc trong đời Lê Dụ tông) lưu hành ở Thuận Quảng thế kỷ XVI rồi Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII, ở Đàng Trong còn có các loại tiền Thái Bình thông bảo đúc từ đời Thái tổ Nguyễn Hoàng, An Pháp nguyên bảo đúc từ đời Túc tông Phước Thụ (về sau Đô đốc trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích cũng được chúa Nguyễn cho đúc tiền này), Thiên Minh thông bảo (tiền kẽm) đúc trong đời Thế tông Phước Hoạt. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết các chúa Nguyễn Đàng Trong có lệ khi mới lên ngôi thì theo kiểu tiền Thái Bình của nhà Mạc mà đúc tiền gián (tức mỗi quan có 600 đồng) nhỏ, trên có chữ Thái Bình. Hiện nay có tới hàng chục loại tiền Thái Bình bằng đồng và kẽm với nhiều mẫu mã, kích thước khác nhau. Vì Đàng Trong không có mỏ đồng, nên chính quyền Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII phải thu mua đồng đỏ mà các tàu buôn Nhật Bản chở tới, vào thế kỷ XVIII giá khoảng 45 quan/ 100 cân. Các tàu buôn từ Trung Quốc tới nếu có chở đồng đỏ cũng phải khai báo để chính quyền theo giá thu mua, mua không hết mới được bán cho dân gian. Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp song vẫn không khắc phục được tình trạng thiếu nguyên liệu đúc tiền, nên các chúa Nguyễn lại cho mua các loại tiền cổ ở Trung Quốc để sử dụng. Tiền thời Đường có Khai Nguyên thông bảo, Càn Nguyên trọng bảo, các loại tiền Bắc Tống (960 – 1161), Nam Tống (1163 – 1282), tiền thời Nguyên (1271 – 1367), tiền thời Minh (1368 – 1643) số lượng không nhiều ở Trung Quốc nhưng cũng có mặt ở Đàng Trong, trong số này cũng có tiền của các nước Kim, Liêu. Các thương nhân Trung Quốc cũng đưa tới Đàng Trong các loại tiền thời Thanh như Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long…, thương nhân Nhật Bản thì đưa tới Đàng Trong tiền Khoan Vĩnh (Nhật Bản), tiền Thường Bình (Triều Tiên). Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng viết “Từ năm Canh thân (1740) về trước, ở bốn trấn (Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây chung quanh Thăng Long) tiền ấy còn nhiều, từ năm Quý hợi (1743), Giáp tý (1744) về sau thì ít thấy. Năm Giáp ngọ (1774) quân nhà vua (tức quân Trịnh) vào Thuận Hóa, kê biên kho tàng thấy hơn 30 vạn quan xâu bằng mây, đều là tiền tốt, một đồng không lẫn, mới biết từ trước đều do thuyền buôn chở vào đấy (…). Họ Mạc đúc tiền gián nhỏ, có mấy chữ “Thái Bình an pháp” (gọi là tiền gián), cũng vì thuyền chở mà chạy cả vào Thuận Hóa”. Ngoài ra từ thế kỷ XVIII, các lái buôn Bồ Đào Nha đã đem nhiều loại tiền bằng bạc phương Tây sang Đàng Trong, đến 1746 một người Pháp tên là Pièrre de la Poivre lại đề nghị chúa Nguyễn cho lưu hành đồng tiền bằng bạc của Công ty Đông Ấn đúc. Họ đã đưa qua hai loại bạc, một loại hình tròn trị giá 780 tiền, một loại hình vuông trị giá 768 tiền, nhưng dân Việt không thích hai loại bạc này vì pha nhiều tạp chất. Nhìn chung ở Đàng Trong phổ biến lưu hành hai loại tiền đồng và kẽm với nhiều hiệu tiền của nhiều triều đại, nhiều quốc gia. Nếu so sánh thì tiền của nước ngoài nhiều hơn trong nước, tiền giả nhiều hơn tiền thật, tiền kẽm nhiều hơn tiền đồng.

Qua thế kỷ XVIII, vì Đàng Trong cấm mang tiền đồng xuất cảnh nên thương nhân người Hoa tới Đàng Trong hay phá tiền đồng đúc tượng Phật, lư hương… mang về Trung Quốc nấu chảy rồi pha thêm chì thiếc đúc tiền đồng giả đưa qua lại, tiền đồng cổ ngày một ít, nên năm 1725 lúc Túc tông Phước Thụ vừa lên ngôi đã phải cho đúc thêm tiền đồng. Từ đời Thế tông Phước Hoạt bắt đầu mua kẽm của Hà Lan để đúc tiền, “vành và nét chữ theo dáng tiền Tường Phù thời Tống”. Lúc mới đúc tiền rất cứng dày, nhưng về sau các nhà giàu có thần thế tranh nhau xin đúc thêm, gọi là tiền Thiên Minh thông bảo, trộn cả chì vào, tiền ngày càng nhỏ mỏng, có thể bẻ gãy được. Dân gian chê tiền xấu, mua bán không thông, thuyền buôn nước ngoài cũng không lấy. Nhà giàu chứa cất tiền không dùng được, không chịu bán thóc ra, vì thế giá gạo cao vọt. Lê Quý Đôn ghi nhận về

0