Mậu Thân 1968- Ai thắng ai bại?
Vũ Ngự Chiêu Trong số những trận đánh có tầm chiến lược quan trọng từ 1959 tới 1975, cuộc tổng tấn công vào các thành phố và tỉnh lỵ miền Nam đúng dịp Tết Mậu Thân (1968) được liệt vào hàng đầu. Đây là một chuyến “làm ăn” táo bạo của Lê Duẩn (1908-1986), Bí thư thứ nhất ...
Vũ Ngự Chiêu
Trong số những trận đánh có tầm chiến lược quan trọng từ 1959 tới 1975, cuộc tổng tấn công vào các thành phố và tỉnh lỵ miền Nam đúng dịp Tết Mậu Thân (1968) được liệt vào hàng đầu. Đây là một chuyến “làm ăn” táo bạo của Lê Duẩn (1908-1986), Bí thư thứ nhất Đảng Lao Động [Cộng Sản] Việt Nam, đưa đến những thiệt hại to lớn về nhân sự cho Bắc quân. Nhưng về mặt chính trị và ngoại giao–dù có dự đoán trước hay chăng–ba đợt tấn công vào Sài Gòn-Chợ Lớn trong năm 1968 tạo một ảnh hưởng sâu đậm tại chính nước Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara, và rồi Tổng thống Lyndon B. Johnson cùng đa số thành phần chủ chiến đều nghiêng về phía tìm một giải pháp chính trị. Mặc dù hòa đàm Paris, nhóm họp từ mùa Xuân 1968, chưa giải quyết được ngay cuộc chiến Việt Nam, tình trạng vừa đánh vừa đàm kéo dài hơn bốn năm nữa, chiến dịch Mậu Thân đánh dấu một khúc quanh quan trọng. Ít nữa, nó cũng giảm hẳn cường độ cuộc chiến ở phía Bắc vĩ tuyến 17, kế hoạch Rolling Thunder [Sấm Rền] hầu như chấm dứt từ đầu tháng 11/1968–một cuộc xuống thang rõ ràng sau gần 5 năm “leo thang.”
Để có thể cân nhắc lẽ thắng-bại của cuộc Tổng Tấn Công-Tổng Khởi Nghĩa [TTC-TKN] Mậu Thân 1968, không thể chỉ dựa trên thứ thông tin mạo hóa, sản phẩm của các hệ thống tuyên truyền, chiến tranh chính trị của cả hai phe. Cũng không thể chỉ căn cứ vào số xác chết, bị thương, hay số vũ khí tịch thu ở trận địa. Trước hết, cần minh định bản chất cuộc chiến Việt Nam và nhìn lại diễn tiến của giai đoạn 2 của cuộc chiến 30 năm (1945-1975).
Cuộc chiến Quốc-Cộng ở Việt Nam, xét cho cùng lý, là một cuộc chiến ủy thác giữa các siêu cường, một trong những điểm nổ của thế “chiến tranh lạnh” giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản (1947-1991). Trên cơ bản, nó là một cuộc chiến “tiền đồn” mà sự thắng bại không có yếu tố quyết định đến đại thể.
Cuộc chiến tiền đồn Việt Nam đã khởi đầu không do chính người Việt. Tham vọng thực dân Pháp-Bri-tên đã bóp tắt mọi hy vọng cho nền hòa bình tại bán đảo Đông Dương sau khi Thế chiến thứ hai (1939-1945) vừa chấm dứt. Thủ tướng Winston Churchill của Bri-tên–tác giả thuật ngữ “bức màn sắt” từ năm 1946–không chỉ cực lực chống đối kế hoạch Quốc tế quản trị [International Trusteeship] cho Đông Dương của Tổng thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945) mà còn tiếp tay cho chính phủ Charles de Gaulle (1944-1946) đặt một đầu cầu viễn chinh ở India để tái chiếm Đông Dương từ năm 1944. Người kế vị của Churchill còn công khai cho liên quân Pháp-Bri-tên đánh chiếm Sài Gòn từ cuối tuần 22-23/9/1945, và rồi ép buộc tù binh Nhật tham gia vào việc mở rộng vùng kiểm soát suốt miền Nam vĩ tuyến 16, đưa đến những cuộc tắm máu giữa hai phe Quốc-Cộng bản xứ.( 1) Trung Hoa, trong thời gian giải giới quân Nhật ở phía Bắc vĩ tuyến 16, cũng góp phần vào việc đảng tranh tanh máu của người Việt. Nhưng phe chống Cộng, dù nhân số thắng vượt, cuối cùng bị thua. Từ cuối năm 1946, Đảng Cộng Sản Đông Dương [CSĐD]–dưới chiêu bài Việt Minh–giành được độc quyền kháng Pháp. Vì lý do này hay lý do khác, phe chống Cộng phải nương dựa vào Trung Hoa, Pháp, và rồi Liên bang Mỹ cho chính sự sinh tồn của mình và gia đình; với hy vọng sẽ giành được độc lập một cách ôn hòa. Chua chát là người Hoa hay Pháp đều có hậu ý riêng khi lập ra những tổ chức chính trị hay các đơn vị tiền tiêu chống Cộng bản xứ. Qua các thí nghiệm Nam Kỳ tự trị, Tây kỳ tự trị, hay Tây Bắc tự trị, v.. v… trên thực tế người Pháp đã biến Việt Nam thành một xứ lâm chiến “phong kiến mới,” với Pháp và Việt Minh thủ diễn vai trò hai đại lãnh chúa [war-lords]. Từ năm 1948, Pháp khởi đầu thí nghiệm Bảo Đại (1913-1997), hy vọng lấy bớt ngọn gió “độc lập” khỏi cánh buồm kháng chiến của Việt Minh, và gom các sứ quân chống Cộng (Ki-tô, Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo, Nùng, Thái, Rhadé, v.. v…) dưới lá cờ quốc gia của cựu hoàng Bảo Đại để xin viện trợ Mỹ.( 2)
Chiến thắng của Mao Trạch Đông tại Hoa lục trong hai năm 1948-1949 làm thay đổi hẳn cán cân quyền lực tại Đông Dương. Hồ Chí Minh (1892-1969) và Việt Minh chẳng còn lựa chọn nào khác hơn ngả về phía tân Quốc Tế Cộng Sản (Cominform) do Josef V. Stalin cầm đầu, với sự phụ tá của Mao. Từ tháng 1/1950, Stalin ủy thác cho Mao và Lưu Thiếu Kỳ [Liu Shaoqi] giúp đỡ Hồ thành lập các đại đơn vị bản xứ và cung cấp cố vấn tới cấp Sư đoàn.( 3) Đối lại, các chính phủ Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam–cung cấp viện trợ cho Pháp tiếp tục tham chiến ở Đông Dương (NSC 68) sau ngày chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Năm 1954-1955 chính phủ Dwight D. [“Ike”] Eisenhower (1953-1961) còn trực tiếp can thiệp vào Nam Việt Nam, quyết biến phần đất phía Nam vĩ tuyến 17 thành một “tiền đồn chống Cộng” của Thế Giới Tự Do.
Với những người Việt chống Cộng hay không Cộng Sản, đây là việc làm đáng ca ngợi. Từ năm 1950, sự nhập cảng chủ thuyết Mao vào Bắc Việt–qua các đợt chỉnh cán, chỉnh quân, cải cách ruộng đất–gây hoang mang, sợ hãi trong mọi giới. Chính các cán bộ dày công kháng chiến cũng bị hạ tầng công tác, tù đày hay xử tử. Hàng chục ngàn phú nông bị “đấu tố,” hành quyết hay tự vẫn. Hơn nửa triệu giáo dân mang theo chuông nhà thờ và ảnh tượng thờ phụng từ Bắc vào Nam, cùng khoảng hơn 200,000 người Lương, mong chờ một vận hội mới. Nhưng dư luận thế giới cho rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp định Geneva 20-21/7/1954 giữa Pháp và Việt Minh–Hiệp ước này qui định rằng sự phân chia nước Việt thành hai vùng tập trung quân đội Bắc và Nam vĩ tuyến 17 chỉ có tính cách tạm thời, và vấn đề thống nhất sẽ được quyết định bằng một cuộc tổng tuyển cử trong vòng hai năm.( 4)
Cơ quan tuyên truyền của khối Cộng Sản đã khai thác triệt để khía cạnh bất hợp pháp này của Mỹ–dù sau hậu trường chính trị, chính Viacheslav Molotov và Chu Ân Lai (1898-1976) mở cửa cho việc phân chia Việt Nam theo vĩ tuyến 17 trong một thời gian vô hạn định. Cả Mat-scơ-va và Bắc Kinh đều khuyến khích Hà Nội nên dùng khẩu hiệu thống nhất đất nước theo qui định của Hiệp ước Geneva như một chiêu bài chính trị và ngoại giao, để củng cố miền Bắc theo chế độ chuyên chính vô sản (“dân chủ nhân dân” hay “dân chủ tập trung”). Mat-scơ-va không đồng ý việc đánh chiếm miền Nam. Bắc Kinh cũng đã tạm hài lòng với sự an toàn của cửa ngõ chiến lược Đông Nam qua sự thành hình của một nhà nước hữu nghị ở Bắc Việt. Những người cầm đầu Trung Nam Hải chẳng muốn có một cuộc chiến Triều Tiên thứ hai; trong khi đại lục Trung Hoa còn ngổn ngang trăm ngàn khó khăn về chính trị, kinh tế, xã hội.
Đó là chưa nói đến sự rạn nứt khó tránh của cái gọi là khối Cộng Sản Quốc Tế, dựa trên chủ thuyết Karl Marx–một chủ thuyết Tân Trung Cổ đã y cứ trên tư duy từ giòng lịch sử phương Tây, đặc biệt là các nước đang kỹ nghệ hóa Âu châu, thiếu bề rộng toàn cầu (như Mỹ châu, Á châu và Phi châu). Đồng thời, cũng thiếu chiều sâu về các nền văn hóa nông nghiệp cổ thời và hiện trạng văn hóa-xã hội-kinh tế của Á châu–những nền văn minh không Ki-tô. Bởi vậy, thuyết của Marx bị Nga hóa thành Marxist-Leninism, rồi bị Hán hóa thành tư tưởng Mao Trạch Đông (và, sau 1978, thêm vĩ ngữ “lý luận Đặng Tiểu Bình”), trước khi bị sụp đổ tại các nước Đông Âu và Nga.
Sự hiềm khích giữa Nga Sô và Trung Cộng ngày một trầm trọng từ khi Nikita S. Khrushchev hạ bệ Stalin năm 1956 và chủ trương “sống chung hòa bình” với khối Tư Bản. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng chỉ muốn được sinh tồn, hiện đại hóa Hoa Lục, đưa Trung Hoa lên hàng cường quốc Á châu, tránh những cuộc đương đầu không cần thiết với Liên bang Mỹ. Bởi thế, Mao có lần đưa ra “Mao ngữ” “cái chổi và đống bụi”–chổi chưa quét tới, đống bụi được nằm yên. Mao và giới lãnh đạo Trung Cộng ngầm muốn cho Nam Việt Nam hưởng tình trạng như Đài Loan hay Nam Hàn.
Pháp–phần vì quyền lợi kinh tế và văn hóa, phần vì niềm bi phẫn bị ép buộc rời Nam Việt Nam–và một số nước Á Phi không-liên-kết nghiêng thiện cảm về chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà [VNDCCH] ở Hà Nội.
Dĩ nhiên, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và giới lãnh đạo Đảng LĐVN không đành lòng trước hiện trạng hai “nước” Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn 1954-1958 phe Cộng Sản chỉ có thể giữ thế “phòng thủ chiến lược” ở miền Nam, trong khi thực hiện những biện pháp củng cố uy quyền ở miền Bắc–qua 5 đợt cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, và công thương nghiệp. Cuộc đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Geneva, tức tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, chỉ là những chiến dịch tuyên truyền cho có.
Tại miền Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm không đủ khả năng thiết lập một chính quyền mạnh. Trong hai năm 1954-1956, nỗ lực thu hồi quyền chỉ huy quân đội và cảnh sát, song song với tham vọng tiêu diệt các sứ quân Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài, cùng các đảng phái chống Cộng, khiến họ Ngô không thực hiện được những cải cách cần thiết tại mặt trận nông thôn–mặt trận có tính cách chiến lược, sống còn của miền Nam.( 5) Ngay tại các quận lỵ, tỉnh lỵ hay thị xã, thành phố, chế độ công an trị và giáo phiệt của họ Ngô chỉ đủ khả năng kềm chế các thành phần chống hoặc không Cộng Sản. Quốc sách diệt Cộng tương đối thành công ở miền Trung, trong khi miền Nam hơn 10.000 cán bộ Cộng Sản (trong số 40,000 cán bộ được gài lại) vẫn sống tiềm sinh tại các mật khu hay dưới các giả túc Bình Xuyên và giáo phái.( 6)
Từ đầu năm 1959, tại Hội Nghị thứ 15 (mở rộng) Ban Chấp Hành TƯ Đảng LĐVN (khóa II) đã có nghị quyết thống nhất đất nước (chiếm miền Nam bằng võ lực) và đưa miền Bắc “tiến lên” xã hội chủ nghĩa. Theo báo Nhân Dân, Nghị quyết này ban hành ngày 13/5/1959, sau khi Hồ Chí Minh từ Bắc Kinh trở về. Thực ra, Hội nghị 15 đã nhóm họp từ ngày 12 tới 22/1/1959. (Hai Xứ ủy viên miền Nam là Nguyễn Văn Xô và Phan Văn Đáng tham dự). Tiếp đó, tháng 3/1959, Bộ Chính trị [BCT] Đảng LĐVN ra chỉ thị về việc tổ chức xây dựng căn cứ cách mạng ở Cao nguyên Trung phần (Tây nguyên bao gồm miền rừng núi Liên khu V và vùng Đông Bắc Nam bộ). Rồi cho thành lập các đơn vị vũ trang ở Quảng Ngãi (3/1959), Bình Định (7/1959), Khánh Hòa, Phú Yên, v.. v… Đồng thời, gia tăng cường độ các vụ khủng bố, ám sát viên chức xã, ấp tại quận Trà Bồng, Quảng Ngãi của sắc dân Cor, Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long v.. v…. Ngày 7/5/1959, BCT cũng chỉ thị cho xứ ủy Nam bộ “Cần phát động một phong trào đấu tranh chính trị rộng rãi trong quần chúng, đồng thời tùy từng nơi, từng lúc ra sức phát triển hoạt động vũ trang tuyên truyền để đưa địch vào thế thụ động, cô lập hơn nữa về chính trị.” (7)
Mãi tới trung tuần tháng 5/1959, Đảng LĐVN mới có cơ hội để công bố chính sách mới. Cơ hội thứ nhất là ngày 6/5/1959, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59 nhằm diệt Cộng và thiết lập tòa án quân sự lưu động để xét xử cán bộ Việt Cộng. Toà Mặt Trận này có quyền chung thẩm; dùng Dụ số 47 năm 1956 để trừng trị “Việt Cộng.” Ngay trong ngày 7/5/1959, Ban Bí thư [BBT] Đảng LĐVN chỉ thị cho XUNB về những biện pháp đối phó với Luật 10/59. Một tuần sau, ngày 14/5, Võ Nguyên Giáp cũng gửi điện văn cho Ủy Ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến phản đối Luật trên.( 8)
Cơ hội thứ hai là đột biến chính trị ở Lào, một vương quốc trung lập, nơi Hà Nội có ảnh hưởng lớn trên tổ chức Pathet Lào tức Neo Lao Hak Sat (Mặt trận Yêu Nước Lào). Ngày 11/5/1959, Phoui Sananikone bắt giữ các lãnh tụ Pathet Lào, kể cả Souphanouvong, Phoumi Vongvichit và Đại tá Singkapo. Việc bắt giữ này đưa Kaysone Phomvihane lên cầm đầu Pathet Lào. Rồi ngày 17/5, quân Pathet Lào rời Cánh Đồng Chum [Plaine de Jarres] rút qua lãnh thổ Việt Nam, từ chối sát nhập vào quân đội Hoàng Gia. Sau đó, phát động du kích chiến ở vùng Sầm Nưa, với sự giúp sức của các “chuyên gia” Hà Nội. Chu Huy Mân và Trần Văn Trà (1919-1996) nhận lãnh “nghĩa vụ quốc tế” của “Đoàn 100” và “Đoàn 959” [thứ nhất] trong cuộc nổi loạn này.
Mặc dù Mat-scơ-va không đồng ý cho Hà Nội tấn công miền Nam, và Bắc Kinh thì chỉ muốn Hồ Chí Minh “trường kỳ mai phục,” Hà Nội vẫn làm ăn theo ý mình. Liên Sô và Trung Cộng miễn cưỡng xuôi theo, tiếp tục viện trợ cho Hà Nội để gây thiện cảm giữa lúc rạn nứt giữa Mat-scơ-va và Bắc Kinh ngày càng trầm trọng, và tránh tiếng thiếu tinh thần nghĩa vụ quốc tế.( 9)
Cách nào đi nữa, từ tháng 5/1959, Thượng tá CS Võ Bẩm được lệnh lên đường vào Nam, khai mở đường giây liên lạc, sau này được biết như Binh Đoàn 559. Bẩm người Quảng Ngãi, trước đó đã được Trần Lương, Bí thư Khu V, và Tướng Nguyễn Văn Vịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thống Nhất, giao nhiệm vụ chuyển thuốc men và một số súng đạn cho Khu V. Qua tháng 7/1959, Hà Nội còn tổ chức một đường giây hải thuyền 759 hay 125 để chuyển vận khí giới vào Nam dọc theo duyên hải.
Từ tháng 11/1959, Xứ Ủy Nam Bộ và Khu V (Trung bộ) bắt đầu phát động chiến dịch “khởi nghĩa” hay “đồng khởi” khắp miền Nam (Nghị quyết 4). Những ngày gần Tết Canh Tí (1960) chính phủ Ngô Đình Diệm bị choáng váng vì những đợt đột kích của Cộng Sản khắp nơi, từ Cà Mau tới Bình Dương. Chấn động dư luận nhất là cuộc đột nhập Bộ Chỉ huy Trung đoàn 32 của Sư đoàn tân lập 21 (nguyên là Trung đoàn 39, Sư đoàn 13 Khinh chiến) ở Trảng Sụp, Tây Ninh đêm 25 rạng 26/1/1960. Khoảng 200 VC vượt các trạm gác, xuyên qua doanh trại các Tiểu đoàn. Giao tranh diễn ra trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. 23 quân nhân VNCH chết, 43 bị thương, mất một số lớn vũ khí trong kho (2,000). Bộ Chỉ huy Trung đoàn, hai doanh trại bị phá hủy và 4 doanh trại khác bị hư hại. (10)
Chiến lược của Cộng Sản thời gian này là lập căn cứ, đấu tranh võ trang ở vùng rừng núi, đấu tranh chính trị và bán quân sự ở nông thôn, và đấu tranh chính trị tại các thị trấn và thành phố. Những hành vi khủng bố, ám sát viên chức hành chính và an ninh cấp thôn, xã ngày một gia tăng. “Phiến Cộng” cũng không ngừng đánh phá các trung tâm dinh điền hay Khu Trù Mật ở cao nguyên Trung phần và miền Tây đồng bằng Cửu Long, kể cả việc sử dụng “đạo quân tóc dài.” “Bức tường người” của Ngô Đình Diệm xây dựng từ năm 1955-1956 bị lung lay tận rễ gốc. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn giữ bề ngoài hợp pháp; chờ đợi thời cơ. (11)
Tình hình suy thoái an ninh miền Nam khiến viên chức Mỹ không ngớt báo động về Oat-shinh-tân. Thêm vào đó, sự bất mãn và chống đối chính phủ ngày một gia tăng. Tại Sài Gòn, chế độ bị choáng váng vì một bức tranh bìa đặc san Xuân nhật báo Tự Do–tờ báo chịu ảnh hưởng của Sở Nghiên Cứu Chính Trị và Xã Hội của Trần Kim Tuyến. Chẳng hiểu họa sĩ Phạm Tăng muốn vẽ gì mà được diễn dịch thành “6 con chuột đang gậm nhấm trái dưa hấu Việt Nam;” và người ta liền truyền tụng rằng 6 con chuột đó tiêu biểu anh chị em họ Ngô. Hai tháng sau, thêm một trái bom chính trị nổ tại Sài Gòn, tức Bản kháng thư (manifesto) phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm được phân phối trong cuộc họp báo của 18 nhân vật tên tuổi tại khách sạn Caravelle ngày 26/4/1960. Hầu hết các chính khách này từng hợp tác với chế độ.( 12)
Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội thứ III của Đảng LĐVN, Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị lại ra nghị quyết “giải phóng miền Nam bằng võ lực.”( 13) Theo tuyên truyền của Hà Nội, miền Nam đã trở thành thuộc địa của đế quốc Mỹ, và đánh chiếm miền Nam là cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước,” một cuộc thánh chiến giải phóng. Chính quyền chống Cộng miền Nam bị hạ giá thành “Ngụy quyền,” “ tay sai đế quốc Mỹ.” Vì áp dụng triệt để lẽ phải của họng súng, Hà Nội chẳng cần nhắc nhở gì đến những mưu toan chiến lược của Trung Cộng và Nga Sô, mà chỉ ca ngợi Nga Sô và Trung Quốc vĩ đại, nhiệt liệt hoan hô bất cứ ai đang cầm quyền ở hai nước đàn anh, không tiếc lời “ngàn đời nhớ ơn” viện trợ của “phe ta.”( 14) Và, dĩ nhiên, luôn luôn có thành kiến tiên thiên: Bất cứ ai chống lại chủ thuyết Cộng Sản đều là phản động, phản cách mạng, phải ngừng hiện hữu.
Nghị quyết của Hà Nội năm 1960 và tình hình suy thoái an ninh ở miền Nam khiến Đại sứ Elbridge Durbrow phải đề nghị với Oat-shinh-tân áp lực Tổng thống Diệm cải cách chính trị, kể cả việc nghiên cứu cho hai vợ chồng Cố vấn Ngô Đình Nhu rời nước và giải tán hoặc ra công khai Đảng Cần Lao.( 15) Nhưng ngọn lửa tiếp sức cho Nghị quyết trên là cuộc đảo chính hụt của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến trong hai ngày 11-12/11/1960. Đúng lúc cuộc đảo chính vừa diễn ra ở Sài Gòn, Bộ Chính Trị Đảng LĐVN quyết định cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam [MTDTGPMN] ra công khai.( 16)
Mặc dù là con đẻ của Đảng Cộng Sản, tổ chức đại chúng này (giống như tổ chức Việt Minh hay Liên Việt) lôi kéo được một số người không Cộng Sản, nhưng chán ghét hoặc là nạn nhân của chính phủ.( 17) Chính vì thế đã có nhiều người cả đoan rằng cuộc xâm lăng miền Nam của Cộng Sản chỉ là “cuộc nội chiến” giữa những phe phái miền Nam.( 18)
Nhờ có cán bộ và khí giới xâm nhập từ miền Bắc, và sự chỉ đạo chặt chẽ từ Hà Nội, tổ chức MT/GPMN ngày một lớn mạnh. Cơ cấu hành chính nông thôn của chính phủ Diệm ngày một suy sụp. Năm 1960, tỉnh trưởng Vĩnh Long là Khưu Văn Ba bị ám sát. Năm sau, tỉnh trưởng Phước Thành bị đấu tố ngay giữa nhà lồng chợ trước khi bị treo cổ. Chiến trận rộ lên ở vùng cao nguyên vào đầu mùa khô 1961, khiến chính phủ Ngô Đình Diệm phải tuyên bố tình trạng lâm nguy, kêu gọi Thế Giới Tự Do cứu giúp–và chính Diệm ngầm yêu cầu Liên bang Mỹ gửi quân tác chiến vào Nam. Tuy nhiên, trước sự chống đối của dư luận Mỹ và thế giới, chính phủ John F. Kennedy (1961-1963) chỉ hứa sẽ giúp Việt Nam bằng mọi phương tiện, ngoại trừ việc trực tiếp tham chiến. Quyết định này của Kennedy tạo nên những căng thẳng trong liên hệ Mỹ-Việt vào cuối năm 1961, và báo chí Sài Gòn–theo lệnh của Ngô Đình Nhu–mở một chiến dịch bài Mỹ xâm phạm chủ quyền và nền độc lập của miền Nam. Dẫu vậy, cuối cùng, hai bên đồng ý thực hiện “kế hoạch chống phản loạn” [CIP], với điều kiện Mỹ ngưng đòi hỏi Tổng thống Diệm cải cách về chính trị. Từ cuối năm 1961, miền Nam bắt đầu kế hoạch bình định nông thôn qua việc chấn chỉnh các khu trù mật và dinh điền cũ thành những thí điểm “xóm chiến đấu” ở Tây Ninh, Quảng Ngãi và Vĩnh Long, theo nguyên tắc “vết dầu loang” [oil spot]. Tiếp đó, tháng 3/1962, chính phủ phát động quốc sách Ấp Chiến Lược [ACL], theo kế hoạch của Robert [“Bob”] Thompson, một chuyên viên chống phản loạn Bri-tên. Tuy nhiên, đã qua trễ. Cộng Sản tìm mọi phương cách bẻ gãy quốc sách ACL–qua việc tấn công, phá vỡ các ACL bằng quân sự, chính trị và binh vận–đồng thời gia tăng xâm nhập cán binh từ Bắc.( 19)
Cuộc đánh bom Dinh Độc Lập vào tháng 2/1962, rồi đến cuộc đảo chính 1/11/1963 và những năm tháng hỗn loạn chính trị sau đó–với nhiều cuộc đảo chính, chỉnh lý, xuống đường biểu tình ở các thị xã và tỉnh lÿ lớn, và nhất là mối hiềm khích giữa Phật tử với giáo dân Ki-tô trong hai năm 1964-1966(20)–khiến từ năm 1964 chính phủ Lyndon B. Johnson quyết định oanh tạc trả đũa miền Bắc, và rồi đưa quân tác chiến Mỹ vào Nam Việt Nam để cứu vãn tình thế. Lê Duẩn không chịu lùi, quyết leo thang “tiến công,” xâm nhập từng đại đơn vị chính qui vào Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị, được giao quyền chỉ huy khoảng 200,000 bộ đội “sinh Bắc tử Nam” để chống lại “cuộc chiến cục bộ” (tự giới hạn) của Mỹ. Vào Nam (“đi B”) từ mùa Hè 1964, Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư Trung Ương Cục Miền Nam (mới được tái lập, hoạt động dưới danh nghĩa Đảng Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam trong MT/ GPMN), kiêm Chính ủy B-2.
Sau ngày Thanh vào Nam, tổ chức lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17–với hai chiến trường B-1 và B-2 từ năm 1961–cũng thay đổi.
“B-2” gồm 5 tỉnh phía Nam Trung bộ và toàn miền Nam, chia làm 4 Quân Khu: Khu 6 (Nam Trung bộ), Khu 7 (Đông Nam bộ), Khu 8 (Trung Nam bộ) và Khu 9 (Tây Nam bộ), cùng Đặc khu Sài Gòn/Gia Định (T-4).
Khu V (B-1) chia ra làm hai: “B-1,” gồm 8 tỉnh duyên hải miền Trung, từ Quảng Trị vào Khánh Hòa; “B-3,” tức Mặt Trận Tây Nguyên gồm 3 tỉnh Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột, với Nguyễn Chánh làm Tư lệnh, Đoàn Khuê làm Chính ủy. Tháng 9/1965, Chu Huy Mân làm Tư lệnh kiêm Chính ủy B-3. Tháng 4/1966, lập thêm Quân khu Trị-Thiên (B-4), do Lê Chưởng làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Hai tháng sau, 6/1966, lập Mặt Trận Đường 9 (tức B-5), do Vũ Nam Long (Đoàn Văn Ưu, 1921-?) làm Tư lệnh; Nguyễn Xuân Hoàng, Chính ủy.
Mặt Trận Tây Nguyên, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu ở Hà Nội, là nơi hoạt động của các đơn vị từ Bắc xâm nhập. Cuối năm 1967, “B-3” có hai đại đơn vị Nông trường 1 (SĐ 1) và Nông trường 10 (SĐ 325B), cùng Trung đoàn 24, các đơn vị pháo, phòng không, quân y, vận tải, v.. v…
Các đơn vị vũ trang tại các quân khu khác cũng được tổ chức lên cấp sư đoàn (công trường): Sư Đoàn 2, Sư Đoàn 3 “Sao Vàng” thành lập ngày 2/9/1965 tại Bình Định (Quân khu 5); Tư lệnh, Giáp Văn Cương; Chính ủy, Đặng Hòa; Sư Đoàn 9 thành lập ngày 2/9/1965 tại Phước Thành, Bình Long; tham gia chiến dịch Dầu Tiếng (1965); Tư lệnh, Hoàng Cầm; Chính ủy, Lê Văn Tưởng; Sư Đoàn 5 thành lập ngày 23/11/1965 tại Bà Rịa (Căn cứ Mây Tầu); Tư lệnh, Nguyễn Hoà; Chính ủy, Lê Xuân Lựu; Sư Đoàn 7 thành lập ngày 13/6/1966 tại Phước Long; tư lệnh, Nguyễn Hòa; Chính ủy, Dương Cự Tẩm.
Thanh áp dụng chiến lược đã quen thuộc của Mao Trạch Đông: Lấy nông thôn bao vây thành thị cho tới lúc ung thối, rồi sẽ dứt điểm.( 21) Nhưng đối thủ của Thanh là William C. Westmoreland, một cựu Tướng Nhảy Dù. Ngoài ra, còn có cả một đạo quân cơ giới tối tân bậc nhất thế giới. Đó là chưa nói đến oanh tạc cơ chiến lược B-52 (lần đầu tiên yểm trợ chiến thuật tại Bến Cát ngày18/6/1965) mà chỉ những bộ đội “sinh Bắc tử Nam” mới đầy đủ kinh nghiệm nói về mức tàn phá. Bởi thế, bày ra trận đánh nào, Thanh thua trận đó–từ Đức Cơ (Pleiku, 8/1965), An Khê (9/1965), tới Pleimei (10/1965), Ia Drang (10-11/1965), Ia Drang 2 (Sa Thầy, 10-12/1966), Tây Ninh (11/1966), v.. v…
Với chiến lược “truy diệt [search-and-destroy],” Westmoreland đã có thể tảo thanh cả những chiến khu bất khả xâm phạm trong giai đoạn 1945-1954: Tam Giác Sắt, Chiến khu C, Chiến khu D (chiến dịch Cedar Falls, Junction City, v… v…).
Song song với chiến lược “truy diệt” này là một chương trình bình định (xây dựng) nông thôn. 54 tiểu đoàn chính qui VNCH, kể cả Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, được giao nhiệm vụ yểm trợ cho 555 toán cán bộ Xây Dựng Nông Thôn bình định và cải tổ dần từng thôn ấp. Trên lý thuyết, đây là một chiến lược lý tưởng nhất: sử dụng hơn 500,000 quân Mỹ và Đồng Minh để bẻ gẫy các lực lượng chính qui Cộng Sản, trong khi thanh lọc dần những cán bộ hạ tầng Cộng Sản, theo chính sách vết dầu loang. Trên thực tế, dẫu có nhiều khiếm khuyết–như lãnh đạo yếu kém, tệ nạn phe đảng, tham nhũng, hối lộ tràn lan–“kế hoạch hai gọng kìm” này khiến chính quyền miền Nam ngày thêm vững mạnh. (22) Ít nữa, cũng vững mạnh hơn giai đoạn “kiêu binh” 1963-1966. Đồng thời, chính phủ Johnson bắt đầu hợp hiến hoá chế độ miền Nam; đưa Nam Việt Nam trở lại tình trạng một quốc gia có hiến pháp (1/4/1967), quốc hội, v.. v…
Từ tháng 5/1967, Nguyễn Chí Thanh có ý định thay đổi chiến lược: đưa chiến tranh vào thành phố để gỡ rối cho hạ tầng cơ sở nông thôn. Thanh muốn tung ra những đợt đột kích kéo dài ít ngày, rồi triệt thoái. Nhưng cái chết đột ngột của Thanh vào mùa Thu 1967 khiến Hà Nội–đúng hơn, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng–cải tiến kế hoạch đột kích thành phố và thị xã thành một cuộc Tổng Tấn Công. Có lẽ vào thời gian này, yếu tố “ngoại giao” hay “mặt trận chính trị” mới được thêm vào, giúp kế hoạch “Tổng Tấn Công” hay “Tổng Công Kích” có kích thước lớn lao hơn.( 23)
Sự thay đổi chiến lược này được thực hiện trước tiên bằng việc tăng cường nhân sự cho miền Nam. Phạm Hùng (Phạm Văn Thiện, 1912-1988), một cộng sự viên đắc lực của Lê Duẩn trong thời chiến tranh Pháp-Việt ở miền Nam, Ủy Viên Bộ Chính Trị, được chỉ định làm Bí thư Trung Ương Cục Miền Nam, kiêm Bí Thư “B-2”. Hoàng Văn Thái (tức Xiêm, 1915-1986), tay chân thân tín của Giáp, vào nắm toàn bộ lực lượng võ trang B-2. Vũ Nam Long (Đoàn Văn Ưu, sinh 1921) được điều từ Quân Khu IV Bắc Việt vào Đặc khu Trị-Thiên (B-4) (thành lập từ tháng 4/1966) để phụ tá Trần Văn Quang.
Tiếp đến việc cải tổ khu vực lãnh thổ Huế và Sài Gòn. Đồng thời, để gây tiếng vang và nhắm mục đích kéo quân Mỹ ra xa các thành phố, Cộng Sản mở năm mặt trận lớn: Trận Cồn Tiên ở vùng vĩ tuyến 17 từ cuối tháng 6/1967 tới tháng 9/1967; trận Lộc Ninh (Phước Long) ở gần biên giới Miên từ 27/10 tới 5/12/1967; trận Dak To (Kontum) (11/1967); và, đặc biệt, chiến dịch Khe Sanh-Đường 9 sát ranh giới Lào từ ngày 20/1 tới 15/7/1968. Mặc dù các đơn vị CSBV thiệt hại nặng nề, quyết tâm đánh lớn, đánh lâu của Cộng Sản khiến các chiến lược gia Đồng Minh và VNCH phải gợi nhớ đến bài học quân sử Điện Biên Phủ (1954).( 24) Chính vì thế, mặc dù phát hiện nhiều bằng chứng khả tín, ít ai tiên đoán được, hoặc công khai cảnh cáo dư luận thế giới về một cuộc Tổng Tấn Công trên toàn lãnh thổ miền Nam–một cuộc tự sát tập thể (kamikaze) trông thấy trước mắt.( 25)
Cho đến hiện nay, Hà Nội vẫn chưa công bố hết động lực khiến Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng đã có quyết định lạ lùng trên. (Vai trò của Hồ Chí Minh trong lối đánh “cách mạng” kiểu Việt Nam này còn là một dấu hỏi: Ở số tuổi 76, thường xuyên đau yếu, sống tại Hoa Nam nhiều hơn Hà Nội đang “sơ tán”, Hồ có tiếng nói nào chăng?)
Theo nội dung bài nói chuyện của Lê Duẩn tại Hội nghị TW lần thứ 14, vào đầu năm 1968, CSBV đã “mạnh hơn” Mỹ và Đồng Minh về phương diện quân sự. Mặc dù về quân số, tỉ lệ là 3/1, nhưng lực lượng cơ động Cộng Sản 2, phe Mỹ và Đồng Minh chỉ có 1. Duẩn khẳng định: “Địch chưa bao giờ diệt ta một đại đội [sic]; Ta diệt từng tiểu đoàn địch.” “Về quân sự nó thua rồi.” Bởi thế phải nắm lấy “thời cơ,” tiến công (Tổng tấn công) theo đúng lời Karl Marx và Lenin chỉ dạy: “Cách mạng là tiến công; không tiến công là thất bại.”
Trong khi đó, những chuyển biến chính trị trong hai năm 1966-1967 cho thấy chế độ miền Nam sắp suy sụp, Cộng Sản sẽ thay Phật Giáo làm chủ tình hình chính trị các tỉnh lỵ và thị xã. Duẩn giải thích thêm: Từ khi Phật Giáo thất bại (“tự thiêu là bạo lực”), “quyền lãnh đạo thuộc về ta;” Sài Gòn có vài ba vạn [20,000-30,000] đảng viên đang nằm im; “Ta làm chủ Đà Nẵng 70 ngày;” “cuối năm 1967, ta đã chỉ đạo quần chúng đô thị;” “Quần chúng đã chín muồi, muốn nắm chính quyền;” “hầu hết đô thị đều sôi nổi, coi như bây giờ không có con đường nào khác, phải khởi nghĩa, phải đánh đổ Mỹ.” Vấn đề quan trọng là “làm sập chính quyền của nó;” “phải phá hết, phá rất dữ hậu cứ của nó;” “Phải chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa.” Mỹ thua, sẽ phải ngồi vào bàn hội nghị.
Rồi Duẩn hy vọng “300,000 người Sài Gòn cầm súng đánh Mỹ;” “Ta mạnh lên, chúng vọt xuống;” “tất cả các lực lượng phản chiến sẽ ngả về ta.” Duẩn cũng nhấn mạnh: Tổng tấn công là “một chiến dịch”, “một giai đoạn”, 3 tháng, 6 tháng, còn kéo dài. Và tiết lộ “đã bàn với TWC;” “thấy nhu cầu của quần chúng thực sự, nguyện vọng quần chúng thực sự;” “Ta không bàn với ai, bí mật lắm.” Chủ trương lớn, đã đề ra từ nghị quyết 11, 12 [năm 1965]; Duẩn từng nói với Lưu Thiếu Kỳ và Leonid Brezhnev. “Ta khởi đầu, ta sẽ kết thúc. Độc lập, không nghe ai cả.” (26)
Trung tướng Trần Độ–tức Tạ Ngọc Phách (1923-2002), Phó Chính ủy B-2, người được giới tình báo, truyền thông phong (một cách lầm lẫn) là cấp chỉ huy của mặt trận Sài Gòn–tiết lộ với một ký giả vào năm 1981 rằng Cộng Sản tin tưởng có thể thắng lợi, chiếm giữ được một số thành phố. Riêng về phản ứng chính trị ở Mỹ chỉ là điều may mắn, không trù liệu trước.( 27) Nhận xét này phản ánh nội dung bài nói chuyện dẫn trên của Lê Duẩn. Tuy nhiên, còn quá ít tài liệu để phán xét mức độ sâu sát của lời chứng trên. Dù ở cương vị Phó Chính Ủy B-2 chưa hẳn Trần Độ biết rõ hết những lý do thầm kín của cuộc Tổng Tấn Công-Tổng Khởi Nghĩa Mậu Thân 1968.
Y sĩ Dương Quỳnh Hoa–một cán bộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, từng bí mật vào Sài Gòn “công tác” trong trận Mậu Thân, và có chân trong Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa miền Nam– cũng than van, vào năm 1981, rằng Hà Nội đã “tính toán sai lạc” một cách thảm hại, khiến suy yếu cuộc nổi dậy ở miền Nam (Karnow 1984:545). Giống như trường hợp Trần Độ, nhận xét này phần nào hữu lý, nếu chỉ dựa trên những lời tuyên bố của Lê Duẩn tại Hội nghị trung ương thứ 14; đặc biệt là “nguyện vọng” nổi dạy lật đổ chính quyền của dân chúng miền Nam (Tổng Khởi Nghĩa).
Y sĩ Hoa, cùng nhiều thành viên MT/GPMN, cũng hàm ý rằng Hà Nội đã nhân cơ hội Mậu Thân làm suy yếu lực lượng võ trang của MT/GPMN, hầu có thể chi phối hoàn toàn tình thế. Từ Hội nghị 14 (khóa III), Hà Nội đã dự trù cho khai sinh một Măt Trận II, chuẩn bị thành lập một chính phủ trung ương lâm thời cho miền Nam Việt Nam, với những khuôn mặt mới mẻ hơn, kể cả vài khuôn mặt thân Pháp.( 28)
Tuy nhiên, nếu khách quan phân tích, khi tung ra cuộc tự sát tập thể Mậu Thân 1968, Hà Nội đã nhắm vào ba mục tiêu chính: gỡ rối về quân sự, mở mặt trận chính trị ở quốc ngoại, và làm suy yếu tiềm lực chống Cộng của thị dân miền Nam.
Một trong những mục đích chính của Hà Nội nhằm khích động tinh thần cán binh. Như chúng ta đã biết, từ năm 1965, cường độ các trận đánh giữa Cộng quân và lực lượng Đồng Minh ngày thêm gia tăng. Số tổn thất của Cộng Sản về phi pháo rất cao.( 29) Đáng lưu ý hơn nữa là cái chết của Nguyễn Chí Thanh vào mùa Thu 1967.( 30)
Trong khi đó, kế hoạch phong tỏa kinh tế và những cuộc hành quân bình định của VNCH–do 555 toán Xây Dựng Nông Thôn phụ trách dưới sự bảo vệ của các đơn vị chủ lực, cùng tài trợ, cố vấn của Bộ Tư lệnh MACV và các nha sở liên hệ, dưới sự phối hợp của Robert W. Komer–khiến tinh thần cán binh Cộng sản xuống rất thấp.( 31) Số cán bộ hồi chính ngày một lên cao (20,242 cho cả năm 1966, 13,551 người trong 4 tháng đầu năm 1967, và lên tới trên 27,000 cho trọn năm). (The Pentagon Papers (Gravel), I:15) Tình trạng “lạc ngũ”–tức bỏ đơn vị, lang thang trong rừng–cũng xuất hiện. Đánh vào thành phố, bởi thế, là đi vào cửa chết để tìm cái sống.
Trước hết, tấn công vào các thành phố sẽ khiến Đồng Minh và quân VNCH phải cắt giảm các cuộc hành quân truy diệt, rút về thế thủ, bảo vệ các vòng đai an ninh. Các đoàn Xây Dựng Nông Thôn sẽ mất lực lượng quân sự yểm trợ, dễ bị thanh toán. Lực lượng Nghĩa quân (Dân vệ) hay Địa Phương quân (Bảo An) cũng bị xuống tinh thần. Tại vùng IV, chẳng hạn, khoảng 400 tiền đồn đã rút lui không một tiếng súng kháng cự trong dịp Tết Mậu Thân. Những viên chức hành chính địa phương cũng mất điểm tựa cần thiết. Các cơ sở nông thôn của CS sẽ có cơ hội khôi phục.
Dĩ nhiên, một cuộc tấn công qui mô như thế phải tổn thất lớn lao về nhân mạng và vũ khí.( 32) Chưa tài liệu CS nào cho biết yếu tố tổn thất có được nghiên cứu hay chăng. Sự im lặng này–dù đã gần 40 năm trôi qua–chứng tỏ sự nhẫn tâm của giới lãnh đạo Cộng Sản: Chẳng những thản nhiên ném hơn 80 chục ngàn cán binh vào tử địa–mà một số không nhỏ còn dưới 18 tuổi–Lê Duẩn, Lê Đức Thọ cùng các cán bộ cao cấp còn lừa bịp họ là nhất định sẽ chiến thắng, giải phóng trọn vẹn được miền Nam, dân chúng các đô thị đang trông chờ họ, và nhất định sẽ có tăng viện cho các đoàn quyết tử tiền phong. Ba tiếng “Tổng Khởi Nghĩa” được điền thêm vào kế hoạch Tổng Tấn Công nguyên thủy có lẽ phần nào mục đích tác động (động viên) tinh thần này, hơn thực tâm tin tưởng rằng CS đủ khả năng lật đổ chế độ có vẻ suy yếu sau nhiều biến loạn chính trị tại miền Nam từ năm 1963. Lê Minh, người chỉ huy mặt trận Huế, cũng thú nhận và ngầm chỉ trích dã tâm bịp bợm cán binh cùng sách lược thí quân của Hà Nội.
Song song với ý niệm thí quân để giải tỏa áp lực của Đồng Minh tại nông thôn–nguồn cung cấp tài nguyên nhân, vật lực–là một mặt trận ngoại giao vừa hé mở.
Từ năm 1962, đã bắt đầu có những cuộc tiếp xúc bí mật giữa Mỹ và Bắc Việt. Chiều ngày 22/7/1962, nhân dịp ký Hiệp ước về Lào, Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm gặp W. Averell Harriman tại khách sạn Hotel Suisse, Geneva. Harriman cho Khiêm biết rằng Kennedy đã quyết định tăng viện cho Nam Việt Nam vì cuộc chiến tranh du kích tại miền Nam do miền Bắc điều khiển (bằng chứng là báo cáo của UBQT/KSĐC), và Mỹ sẽ chấm dứt sự hiện diện quân sự nếu Hà Nội trở lại tình trạng Hiệp định Geneva qui định. Khi Khiêm biện bạch đây thuần chỉ là cuộc nổi dạy của dân chúng miền Nam, không hề có lính miền Bắc tham chiến, Harriman nói không muốn thảo luận nhiều về vấn đề này, và tuyên bố sự can thiệp của Mỹ chỉ chấm dứt khi nào Bắc Việt ngừng xâm lăng miền Nam. Từ ngày này, có nhiều nỗ lực bí mật của phe “chủ hòa” miền Bắc, qua trung gian nhiều chính phủ và tổ chức–đặc biệt là Liên Sô Nga, Liên Hiệp Quốc, Pháp và Vatican–để tìm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, mãi tới đầu năm 1967, Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Nguyễn Duy Trinh mới nêu lên điều kiện để hòa đàm: ngưng oanh tạc Bắc Việt và triệt thoái quân viễn chinh Mỹ khỏi Việt Nam vô điều kiện. (33)
Ngày 8/2/1967, TT Johnson viết thư cho Hồ Chí Minh, và được phúc đáp tương tự. Bảy tháng sau, ngày 26/9, Johnson đồng ý ngưng oanh tạc có điều kiện (thường được biết như Phương thức San Antonio). Cuối năm 1967, sau những chuyến xuôi ngược của đại diện Vatican giữa Roma và Hà Nội (Johnson 1971:268-269), Trinh lại thêm một lần đề cập đến vấn đề “điều kiện” hòa đàm. Cơ hội cho hòa đàm đã hé mở.
Tuy nhiên, hòa đàm ở thế nào, mạnh hay yếu? Muốn thắng lợi ở bàn hội nghị, cần mạnh ở chiến trường. Hoặc, phải tạo được chứng cớ để thổi phồng sức mạnh của mình ở chiến trường. Thực tế, về trang bị, vũ khí hay khả năng tác chiến, CSVN khó thể đương đầu một đạo quân hùng mạnh, cơ giới tối tân như lực lượng Mỹ và Đồng Minh. Dẫu vậy, đạo quân Mỹ cũng có nhược điểm: cần một thời gian khá dài để ổn định tình hình, và nhiều quân số hơn nữa để chiến thắng. Nhưng Johnson từng tuyên bố cuộc tham chiến của Mỹ sẽ ngắn hạn, ánh sáng ở cuối đường hầm không xa, và để chiến thắng tổng số quân Mỹ cần thiết chỉ lên tới 525,000 người vào giữa năm 1968. Đáng lo hơn nữa, cứ bốn năm nước Mỹ có một cuộc tranh cử Tổng Thống cùng một nửa số ghế trong Thượng Viện; và, một Tổng Thống chỉ có thể giữ chức vụ tối đa trong hai nhiệm kỳ, tức 8 năm.
Đó là chưa nói Việt Nam–ngoài công dụng ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Sô xuống vùng Đông Nam Á–chẳng có gì quyến rũ. Mỹ tiếp tục giữ quân chiến đấu ở Việt Nam phần lớn vì niềm kiêu hãnh của một siêu cường, vì an ninh, thịnh vượng chung của toàn vùng Đông Nam Á, và vì những cuộc bầu cử tại chính nội địa Mỹ–tức không một Tổng thống hay một chính đảng nào, dù Dân Chủ hay Cộng Hòa, muốn đi vào lịch sử như đã bại trận tại Việt Nam–hơn quyết tâm biến miền Nam Việt Nam thành một tiền đồn đích thực của tự do, dân chủ. Nói cách khác, mục đích chính của Mỹ là nhằm ngăn chặn sự bành trướng của khối Cộng Sản xuống vùng Đông Nam Á, và như một hệ luận, chỉ muốn có một chính phủ “thân hữu” ở miền Nam, tức một tiền đồn chống Cộng.
Cuộc tấn công của Cộng Sản vào Sài Gòn, Huế và các thành phố miền Nam có lẽ còn nhằm mục đích ngoại giao này. Từ tháng 1/1967, Bộ Chính trị, Quân ủy TW và rồi Hội nghị TW lần thứ 13 (khóa III) đã quyết định chấp nhận vừa đánh, vừa đàm–mở đường cho tuyên ngôn của Nguyễn Duy Trinh ngày 27/1/1967. Tháng 6/1967, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (thứ nhất), Lê Duẩn đã công bố quyết định tổng tấn công để khai thác cuộc tranh cử năm 1968 tại Mỹ.( 34) Những nỗ lực dàn xếp một giải pháp chính trị của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế–kể cả Liên Sô, Pháp, Vatican và đường giây “Pennsylvania” của Kissinger-Sainteny (hay Aubrac-Mai Văn Bộ)–khiến Hà Nội chưa có quyết định dứt khoát. Cái chết của Nguyễn Chí Thanh cũng có thể là một yếu tố gây nên sự đình trễ này.
Hiện chưa đủ tài liệu để xác định vai trò Trung Cộng hay Liên Sô Nga trong cuộc Tổng Tấn Công 1968. Theo Lê Duẩn, kế hoạch Tổng tấn công được hoàn toàn bảo mật, và là quyết định riêng của Bộ Chính Trị. Tuy nhiên, chính sách đối với Mỹ của hai đàn anh trong khối Cộng Sản (hay Xã Hội Chủ Nghĩa, nếu muốn) ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định của Hà Nội. Tưởng cũng nên lược thuật qua thế “một cổ hai tròng” của Hồ Chí Minh và Lê Duẩn trong giai đoạn 1954-1967 để có thể phân tích sâu sát hơn vai trò của Mat-scơ-va và Bắc Kinh.
Từ năm 1954, và nhất là sau khi Nikita S. Khrushchev lên chức Bí thư thứ nhất năm 1957, điện Kremli phát động chính sách sống chung hoà bình. Tháng 10/1959, khi thăm Bắc Kinh, Khrushchev đề nghị Mao không nên dùng võ lực để trắc nghiệm sự vững chãi của chế độ tư bản. Bắc Kinh, từ Hội nghị Geneva 1954, và rồi Hội nghị Bandung 1955, cũng khẳng định lập trường sống chung hòa bình. Nhưng sau khi Khrushchev hạ bệ Stalin năm 1956, rạn nứt bắt đầu giữa hai đàn anh khối Quốc Tế Cộng Sản. Tháng 4/1960, Nhân Dân Nhật Báo [Renmin Ribao] đăng bài “Chủ thuyết Lenin vạn tuế,” gián tiếp tấn công Khrushchev. Từ đó, những cuộc trao đổi lời nhục mạ không ngừng leo thang. Liên Sô chỉ trích kế sách “Bước Đại Nhảy Vọt” của Mao là “khùng” và đi theo “đường lối Trotskyite.” Trung Hoa thì chê Khrushchev “xét lại” [revisionist]. Sau Đại hội thứ XXII của Đảng CS Liên Sô, Mao lên án Khushchev đã phản bội sử mệnh đấu tranh giai cấp. Mao còn đưa ra thuyết “thế giới thứ ba,” tức các nước nghèo và kém phát triển, như một đối lực với hai siêu cường Nga-Mỹ. Rạn nứt Nga-Hoa lên cao điểm sau những cuộc chạm súng ở biên giới, dài theo sông Ussuri (1969).
Hồ Chí Minh và Đảng LĐVN phải nỗ lực đi giây giữa hai đàn anh–nguồn cung cấp quân và kinh viện cần thiết. Hồ còn muốn đứng ra hòa giải hiềm khích giữa Mat-scơ-va và Bắc Kinh, nhưng thất bại.
Về trường hợp thống nhất Việt Nam, Mat-scơ-va nhấn mạnh vào nỗ lực tìm một giải pháp hòa bình. Vì vậy, năm 1956, Nga đồng ý với Bri-tên giúp Pháp cởi bỏ trách nhiệm về hiệp định Geneva. Mat-scơ-va cũng khuyên nhủ Hà Nội chấp nhận nền trung lập ở Lào và Miên; và, chống đối việc đánh chiếm miền Nam bằng võ lực. Tại Đại hội kỳ III của Đảng LĐVN (9/1960), các viên chức Nga vẫn khuyên Hồ thống nhất đất nước một cách hòa bình, theo tinh thần Hiệp định Geneva. (Zhai 2000:89)
Để lôi kéo Hà Nội về phe mình, Bắc Kinh–song song với những nỗ lực khai thác sự mâu thuẫn giữa Đảng CSVN và Nga–bí mật tiếp tay Hồ và Lê Duẩn đấu tranh chính trị và võ trang giới hạn ở miền Nam.
Tháng 10/1959, khi Phạm Văn Đồng qua Bắc Kinh xin quân viện và cố vấn, Chu Ân Lai gửi một phái đoàn chuyên gia xuống Bắc Việt, do Đại tướng La Thụy Khanh [Luo Riqing] cầm đầu. La Thụy Khanh nhận lệnh là Bắc Kinh, trong khả năng, sẽ thỏa mãn tất cả những yêu cầu của Hà Nội. Tới Hà Nội ngày 10/11/1959, Khanh đi khảo sát cả 5 quân khu, phi trường, hải cảng và các nhà máy của CSBV. Thủ tướng Đồng ba lần bày tỏ hy vọng lớn lao ở viện trợ của Bắc Kinh. Bắc Việt cũng xin được xây dựng một số kho tiếp liệu ở sát biên giới và trong lãnh thổ Trung Hoa. Tháng 3/1960, Bắc Kinh bắt đầu gửi chuyên viên qua Bắc Việt. (Zhai 2000:82-83)
Tháng 5/1960, khi thảo luận về miền Nam, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đề nghị áp dụng một chiến lược linh động: tranh đấu chính trị tại các đô thị và quân sự tại nông thôn; nhưng không muốn leo thang chiến tranh. Tháng 12/1960, sau khi MT/GPMN thành lập, Bắc Kinh công nhận ngay. Khi Lê Duẩn hỏi Chu Ân Lai về kinh nghiệm “công xã nhân dân” của Bước Nhảy Vọt, Chu khuyên chỉ nên chú trọng vào hợp tác xã nông thôn và kỹ nghệ nhẹ. Chu cũng đề cập đến thuyết “thế giới thứ ba” và yêu cầu Hà Nội ủng hộ cuộc tranh chấp biên giới của Trung Hoa. Tuy nhiên Hà Nội muốn đứng ngoài mọi tranh chấp giữa các nước anh em. (Zhai 2000:83-89)
Từ năm 1962, Bắc Kinh và Hà Nội xích lại gần nhau hơn. Bắc Kinh tiếp viện cho MT/GPMN 97,000 vũ khí đủ loại. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh vào giải pháp trung lập miền Nam. Đầu năm 1963, nhiều nguồn tin Pháp ghi nhận số cố vấn Liên sô giảm từ 60 tới 15% trong hai năm 1960-1961; trong khi cố vấn TC tăng từ 28% tới 80%. (FRUS, 1961-1963, III:271)
Trong khi đó Liên Sô vẫn theo đuổi lập trường “sống chung hòa bình” với khối tư bản. Năm 1963, Khrushchev còn ký với Mỹ và Bri-tên Hiệp định hạn chế thí nghiệm bom nguyên tử. Việc này khiến Hà Nội nghiêng hẳn về Bắc Kinh. Sau khi Mao Trạch Đông lên tiếng chống đối ngày 31/7/1963, báo Nhân Dân trong hai ngày 6 và 9 tháng 8/1963, và tạp chí Học Tập số tháng 9/1963 nhiệt liệt ủng hộ. Tháng 10/1963, Nhân Dân lại đả kích Yugoslavia theo đúng lập luận của Bắc Kinh, lên án Tito là dụng cụ của đế quốc Mỹ, và đang phản bội Marxist-Leninism, trở lại với tư bản. Tháng 11/1963, Học Tập chỉ trích việc Liên Sô bảo vệ Tito, và bênh vực cho những điều mà Liên Sô lên án là “giáo điều.”
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn giữ bề ngoài trung lập trong cuộc đương đầu Nga-Hoa. Khi Chu Ân Lai triệu tập một buổi họp với các lãnh tụ CS Đông Nam Á tại Quảng Đông vào hạ tuần tháng 9/1963 để bàn việc thành lập một liên minh 11 đảng “chống lại bọn xét lại Nga Sô,” Lê Duẩn không đồng ý. Duẩn cũng không tán thành đề nghị viện trợ một tỉ Mỹ Kim của Đặng Tiểu Bình, nếu Hà Nội ngưng nhận viện trợ của Mat-scơ-va.( 36)
Bắc Kinh vẫn không ngớt khoét sâu mâu thuẫn giữa Hà Nội và Mat-scơ-va. Nhân cơ hội Mat-scơ-va đòi Hà Nội trả nợ, ngày 4/6/1963, Mao Trạch Đông nói với một đại biểu của phái đoàn Hà Nội tại Vũ Hán là Trung Hoa thì khác, khi các đồng chí vay của Trung Hoa, bao giờ muốn trả cũng được, mà không trả cũng chẳng sao.( 37)
Hội nghị TW lần thứ 9 khóa III của Đảng LĐVN (12/1963) có thể coi như dấu mốc tách biệt chính sách miền Nam giữa Mat-scơ-va và Hà Nội. Tháng 12/1963, Tướng Lý Thiên Hữu [Li Tianyou], Phó Tổng Tham Mưu trưởng QĐGPND, dẫn một phái đoàn qua Bắc Việt. Lý Thiên Hữu ở lại miền Bắc tới 2 tháng và trao cho Hà Nội một kế hoạch chống kế hoạch chống phản loạn của Mỹ. (Zhai 2000:120) Ngày 27/12/1963, Mao còn viết thư cho Hồ, khen ngợi là đã có một buổi hội kiến xuất sắc với Mao. (38)
Việc Mỹ bắt đầu oanh tạc trả đũa Bắc vĩ tuyến 17 từ ngày 8/2/1964, khiến Lê Duẩn và nhóm chủ chiến mạnh hơn. Nỗ lực vận động tìm giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam của Liên Sô, và nhất là Thủ tướng Alexi N. Kosygin, khiến Hà Nội thân thiết hơn với Bắc Kinh. Ngày 7/2/1964, có tin cán bộ cao cấp của Trung Cộng và Bắc Việt họp tại Mông-tự (Mengtzu), gần biên giới Hoa-Việt. Phi cơ chiến đấu của Trung Cộng tập trung tại khu vực này. (FRUS, 1964-1968, I:64)
Ngày 30/8/1964, Bắc Kinh lên án Liên Sô yểm trợ Mỹ can thiệp vào Việt Nam, qua Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội đưa ra đề nghị ngày 22/2/1965 là các nước anh em XHCN công khai lên án Mỹ gia tăng chiến tranh xâm lược ở miền Nam, sáu ngày sau, 28/2, Bắc Kinh từ chối. Trong năm 1965, Bắc Kinh còn bốn lần bác bỏ đề nghị của Liên Sô phối hợp hành động ủng hộ CSBV, lập cầu không vận qua Trung Hoa, hay thành lập phi trường trên lãnh thổ TH để chuyển tiếp vận cho Bắc Việt. (Sách Trắng, 1979:48) Năm 1966, Mao hai lần phản đối việc thành lập Mặt trận Quốc tế ủng hộ Việt Nam do Hà Nội và đại diện Đảng Cộng Sản Nhật Bản đề nghị, vì không muốn Liên Sô tham dự. (Sách Trắng, 1979:48-49) Dụng tâm của Bắc Kinh là muốn Hà Nội cùng hai nước Miên và Lào phải nằm trong vùng ảnh hưởng của mình. Để lôi kéo Hà Nội, Bắc Kinh khôn khéo sử dụng viện trợ như những sợi giây cương.
Ngày 8/4/1965, Lưu Thiếu Kỳ nói với Lê Duẩn là Bắc Kinh sẵn sàng giúp Bắc Việt bất cứ những gì Hà Nội cần. Duẩn và Giáp xin tăng viện trợ và quân chiến đấu TC. Duẩn nói cần “phi công chí nguyện, bộ binh chí nguyện, cùng tất cả các chuyên viên cần thiết.” Duẩn còn muốn quân TC thực hiện 4 nhiệm vụ: giới hạn việc Mỹ oanh tạc phía Nam vĩ tuyến 19 hoặc 20; bảo vệ Hà Nội; bảo vệ vài trục lộ tiếp vận chiến lược; và, giúp lên tinh thần [to boost morale]. (Zhai, 2000:133)
Trong hai ngày 21-22/4/1965, Võ Nguyên Giáp thảo luận với La Thụy Khanh và Dương Thành Vũ, Đệ nhất Phó T/TMT, tại Bắc Kinh việc gửi quân TC qua Việt Nam. Chu Ân Lai cũng thành lập hai bộ phận để điều khiển việc viện trợ cho Hà Nội. Một Ủy ban Viện trợ Việt Nam tại Hội đồng Trung ương Nhà Nước, do Dương Thành Vũ và Lý Thiên Hữu cầm đầu; và Đoàn Chỉ huy Viện Trợ Việt Nam, do La Thụy Khanh trách nhiệm tại Ban Trung ương Đảng. (Zhai, 2000:134)
Tháng 5/1965, khi Hồ qua Bắc Kinh cầu viện, được Mao tiếp ở Trường Sa [Changsa]. Hồ yêu cầu TC giúp tu bổ 12 trục lộ phía Bắc Hà Nội. Tháng 6/1965, Văn Tiến Dũng đạt thỏa ước viện trợ với La Thụy Khanh. Nhưng ngày 16/7/1965, Bắc Kinh thông báo cho Hà Nội biết là chưa tiện gửi phi công chí nguyện qua Bắc Việt. (39)
Trong hai năm 1966-1967–dù Hoa lục đang xáo trộn vì cuộc “cách mạng văn hóa” (văn cách), khiến gần 100 cán bộ lãnh đạo, kể cả Chủ tịch Nhà Nước, Phó Chủ tịch Đảng CSTH Lưu Thiếu Kỳ, Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình, Bí thư Bắc Kinh Bành Chân, Đại tướng La Thụy Khanh, Tổng Tham Mưu trưởng, v.. v… bị hạ bệ, nhục mạ–Bắc Kinh vẫn đều đặn viện trợ cho Hà Nội. Bắc Kinh còn gửi qua Bắc Việt một số chí nguyện quân phụ trách việc giao thông vận tải, và nhất là phòng không. Tổng số chí nguyện quân Trung Cộng lên tới 300,000 người, trú đóng tại Yên Bái, Thái Nguyên, v.. v… Bắc Kinh cũng thiết lập Bộ Tư lệnh Tây Nam, đề phòng Mỹ tấn công. Thống chế Bành Đức Hoài được cử làm Phó Tư lệnh.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn luôn e ngại tham vọng “bá quyền nước lớn” của Trung Cộng, sợ Bắc Kinh sẽ dùng xương máu trai tráng Việt để mặc cả với Mỹ trên đầu cổ mình. Nỗ lực của Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Lào và Miên càng khiến Lê Duẩn và các lãnh đạo Hà Nội thêm hoài nghi. (Sách Trắng, 1979:49-51)
Dẫu vậy, ở thời điểm cuối 1967, đầu 1968, Lê Duẩn vẫn giữ bề ngoài thuần phục Bắc Kinh, và nghiêng dần về chính sách “vừa đánh, vừa đàm” của Mat-scơ-va. Tháng 12/1967, Bộ Chính trị Đảng LĐVN quyết định mở cuộc tổng tấn công. (Hiệp, 2002:197-198) Nhưng mãi đến ngày 21/1/1968 mới chọn Giao Thừa Mậu Thân làm giờ G.
Ngày Tết Mậu Thân 1968 là thời điểm lý tưởng nhất, vì mùa tranh cử sơ tuyển (giữa những ứng cử viên của mỗi đảng, Dân Chủ hoặc Cộng Hòa) tại Mỹ sắp bắt đầu. Cho dẫu thất bại về quân sự cũng đủ gây tiếng vang trong dư luận Mỹ. Và, qua hệ thống tuyên truyền cùng tình báo tinh vi, cuộc tấn công có thể giúp mở ra một mặt trận chính trị ngay trong nội địa Mỹ–mặt trận có tính cách quyết định.
Đã dầy kinh nghiệm về việc mở mặt trận chính trị tại nội địa Pháp những năm đầu thập niên 1950, Liên Sô và Hà Nội chỉ thay đổi chút ít chiến thuật cho phù hợp với “những túi khôn nhân loại” ở Mỹ–đại diện bằng những người viết tham luận (editorials) trên các tờ báo có nhiều độc giả, hay các nhà “thông thái” của ba đài truyền hình–những cá nhân chẳng có nhiều kiến thức về Việt Nam nói chung, và nhất là lối “lý luận” của những “người Cộng Sản Việt Nam” nói riêng. Thủ thuật của Hà Nội, bởi thế, trước hết muốn chứng tỏ được sự