Yêu nước phải xin phép hay khúc bi tráng của trí thức Nho học Việt Nam nửa cuối Tk 19
TỪ YÊU NƯỚC PHẢI XIN PHÉP, ĐẾN… (HAY LÀ KHÚC BI – TRÁNG CỦA TRÍ THỨC NHO HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI XIX) PGS.TSKH NGUYỄN HẢI KẾ Từ năm 1882 đến 1885, Cử nhân – Thượng thư Bộ Hình, Đại thần Viện Cơ mật Phạm Thận Duật đã: – Dâng biểu tấu mật kiến nghị 4 điểm ...
TỪ YÊU NƯỚC PHẢI XIN PHÉP, ĐẾN… (HAY LÀ
KHÚC BI – TRÁNG CỦA TRÍ THỨC NHO HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI XIX)
PGS.TSKH NGUYỄN HẢI KẾ
Từ năm 1882 đến 1885, Cử nhân – Thượng thư Bộ Hình, Đại thần Viện Cơ mật Phạm Thận Duật đã:
– Dâng biểu tấu mật kiến nghị 4 điểm và chiến lược phòng thủ đất nước, chuẩn bị chống xâm lược, được Tự Đức đưa ra Viện cơ mật bàn.
– Một năm (2/1883- 1/1884) lãnh chức Chánh sứ, đeo mệnh, và cũng đeo bệnh dọc đường sang Thiên Tân (Trung Quốc), về nước chuyển sang Thượng thư bộ Hộ.
– Ngày 6-6–1884, tại Kinh đô Huế, là Toàn quyền của triều đình Huế ký Hiệp ước gồm 19 điều khoản với Patenôtre – Sứ thần Cộng hòa Pháp.
– Tháng 8-1884 kiêm Tả Tham tri bộ Công.
– Gần một năm sau, cũng chính Ông, một trong những nhân vật chủ chốt phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), phát Chiếu Cần Vương ngày 13-7-1885.
– Ngày 29-7-1885, ông bị tay sai Pháp bắt, giam hết trong đất liền (Thương Bạc) đến ra đảo (Côn đảo).
Và, ngày 29-11 của 125 năm trước ông mất trên thủy trình đi đày Tahiti. Hình hài ông hòa vào với đại dương….
Như vậy, chỉ trong vòng ba năm, bao sự kiện dồn dập, kết nén lại trong cuộc đời của Phạm Thận Duật, phản chiếu không chỉ riêng thân phận Cử nhân – Thượng thư Cơ mật đại thần, mà của đội ngũ trí thức Nho học Việt Nam trong khung/ khổ của quốc gia, vương triều Nguyễn cuối XIX.
1. Trí thức: DẤN THÂN YÊU ĐỜI
Nói đến phẩm chất trí thức trước hết là nói đến, là không quên: Trí thức là dấn thân hành đạo theo định hướng dẫn đường, cải tạo, xây dựng cộng đồng, xã hội! Đó cũng là đặc điểm, thuộc tính hàng đầu của tầng lớp này, khác biệt đầu tiên với tầng lớp khác.
Giai đoạn 1851-1885 là 35 năm, bằng toàn bộ cuộc đời trí thức – quan trường của mình, từ khi đỗ Cử nhân ra làm quan thời vua Tự Đức, rồi phò tá Hàm Nghi, dù trong bất kỳ cương vị hoàn cảnh nào, cũng là một Phạm Thận Duật, là sự phát triển thống nhất, trọn vẹn không chia cắt sự phát triển hoài bão “mấy chước điều canh cùng một dạ“ của chàng trai Yên Mô Thượng từ thuở 15 tuổi tỏ chí. Cuộc đời của Phạm Thận Duật là một điển hình của phẩm chất trí thức Nho học yêu nước, dấn thân, không ngại từ nan khó, hết lòng mẫn cán cùng công việc được trao.
Sáu năm đầu dặm quan trường, Phạm Thận Duật hết làm Giáo thụ Đoan Hùng, rồi Tri châu Tuần Giáo rồi kiêm cả Luân Châu. Dẫu biết “miền biên viễn lam chướng độc hại, nơi “thập tử nhất sinh” trước nay các lưu quan đưa lên bị ốm chết đến quá nửa” (chữ dùng của Phạm Thận Duật), và rồi bản thân cũng bị sốt rét hành thành bệnh đường tiết niệu (mà ông sẽ đeo suốt đời) vẫn tự thức “đó là việc nước, không nên từ nan“ trong quản trị, để lại cho đời Hưng Hóa ký lược.
Hai mươi năm trị nhậm vùng Bắc Giang, Bắc Ninh – vùng đất mà nửa sau thê kỷ XIX “mùa màng mất càng nhiều, ngoài thì giặc biên trấn, trong thì lũ gian dân“ (Văn võ tỉnh Bắc viếng Bùi Chế đài) triền miên thổ phỉ, giặc dã, chưa hết từ trên Lạng Sơn kéo xuống, lại Tạ Văn Phụng từ vùng biển Đông Bắc tràn sang. Phạm Thận Duật đã mang ước vọng và tinh thần “từ sự việc ở biên cương mà ném bút cầm gươm thề một lòng giết giặc,… ta muốn làm trong sạch vùng biên giới nước ta như thời Trần, thời Lê ngày trước“[1].
Rồi hai năm tiếp bước Hoàng Giáp tiền bối Nguyễn Tư Giản, Phạm Thận Duật lao tâm trị thủy hệ thống sông Hồng. Dẫu có lần bị trừ đi 7, 8 tháng lương vì việc hàn đê, vẫn trút tâm, trí tổng kết thành Hà đê tấu tập… Rồi năm 1878, sung vào Viện Cơ mật, Sư bảo (thày dạy) cho hai Hoàng tử Dục Đức, Chánh Mông, sau lại sung Quốc sử quán, Phó Tổng tài, kiêm quản Quốc tử giám, Tổng kiểm duyệt và in bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục“. Phạm Thân Duật nhận thấy rõ quốc sử là cốt tỏ rõ dấu vết hay dở, thuật lại việc quá khứ, để làm gương cho tương lai; đấng thành nhân cân nhắc phải trái, thu góp mọi lời bàn luận, để lưu truyền lời dạy đúng đắn cho đời sau… Nước Đại Việt ta, dựng bờ cõi ở minh đô, sách trời định rõ núi sông, nết đất đúc nên văn vật, vua chúa đời sau thay đời trước, phong khí ngày một mở mang; thời đại không giống nhau, qui mô cũng mỗi thời một khác… Cho người đọc sách này tôn trọng điều đã được nghe, thực hành điều đã được biết, không khác gì chính mình được thân nghe lời dạy bảo của vua… trước là sáng tỏ được dấu thơm “người sáng tác là bậc thánh, người hoàn thành là bậc minh”, sau là làm gương sáng để soi việc thịnh suy mãi mãi. (Biểu “Cáo thành“ ngày 19-9-1884).
2. YÊU NƯỚC, LO ĐỜI… PHẢI XIN PHÉP TRIỀU ĐÌNH
Trước năm 1885, ít nhất hai thế hệ trí thức Nho học đại thần triều Nguyễn đều đeo một vành kim cô đến thành bi kịch. Chỉ trong vòng chưa đầy một phần tư thế kỷ từ sau sự kiện năm 1862 – thực dân Pháp đến năm 1884 – đã có ít nhất hai trí thức Nho học – Đại thần:
– Một Tiến sĩ khai khoa Nho học Phan Thanh Giản (1790-1867) của vùng đất Nam Bộ – đất mà nhà Nguyễn coi là “căn bản” của vương triều,
– Một Cử nhân của vùng đất khoa bảng bên cửa biển Yên Mô phía bắc Phạm Thận Duật (1825-1885).
Cả hai khác nhau về quê quán, truyền thống sinh hoạt, cách nhau hơn một thế hệ, chung nhân cách của trí thức đại thần, chung niềm yêu nước, thương dân,… Nhưng, ở cuối thế kỷ XIX, đau xót thay, cả hai ông chung nỗi niềm – không dễ nói ra, khi không chỉ chứng kiến mà còn phải thay mặt vua Nguyễn (Tự Đức – trước năm 1883) và Dục Đức (năm 1884) ký vào văn kiện “hòa ước” phủ nhận từng bước đến triệt tiêu độc lập, chủ quyền quốc gia, ngược với lý tưởng, kỳ vọng của sự nghiệp mà cả đời các ông phấn đấu hy sinh !
Với hai hiệp ước năm 1862, rồi 1884, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp được cử vào Sài Gòn ký Hòa ước 12 khoản với Bonard, thì trước đó ba tỉnh Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long đã mất vào tay Pháp. Tháng 6-1867, thực dân Pháp hội sẵn quân để lấy An Giang, Hà Tiên…
Phan Thanh Giản chỉ còn biết bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khỏi sự tai hại, dặn lại con cái phải cày ruộng mà ăn chứ không được làm quan chức gì ở cho Pháp rồi… uống thuốc độc tự tử.
Không chỉ bậc đại nho như Phan Thanh Giản, mà cả bậc tri thức thời đại – như Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) dâng trình “Tế cấp luận” Thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay, nếu được đem ra thực hành trăm năm cũng chưa hết” (Nguyễn Trường Tộ), “Đầy bụng kinh luân tám đấu tài“, mà rốt cuộc, như Huỳnh Thúc Kháng viết, chỉ khiến:
“Người sau nhớ mãi chuyên bi ai
Biển xanh ghi lại châu còn đó
Nghe uất non sông ngay chính đó
Ly tao xua đuổi quốc hồn lai“.
Ngẫu nhiên chăng ? Chỉ là bi kịch cá nhân với trí thức Nho học chăng?
Không thời đại nào dân tộc Việt Nam không có tầng lớp trí thức của mình với những phẩm chất dấn thân.
Tuy nhiên trong suốt lịch sử dân tộc, cho đến tận thời Phạm Thận Duật, từ Đại Việt – Đại Nam chỉ nảy sinh trí thức phụ thuộc chặt chẽ vào vua, vào chúa – triều đình (mà có người gọi đó là tri thức cận/ tôi thần[2]), mà không có điều kiện để nảy sinh, dung dưỡng được những thế hệ trí thức độc lập. Đại bộ phận trí thức Nho học Việt Nam chỉ thoái mới vi sư (lui về hay khi cạn hết đường làm quan, tiến thân mới làm thày giáo) mở lớp, hay viết sách, làm thơ, văn… truyền bá đạo Nho, hẹp thì Tống Nho, rộng thì Tam giáo (Phật – Đạo – Nho). Khi con đường đó chưa khép lại, thì đều hăng hái gia nhập quan trường (tiến vi quan) để mong thay đổi thân phận bản thân, gia đình (cũng là kiểu tu thân, tề gia). Người “tốt” thì kỳ vọng dùng tri thức Nho học để hành đạo (trị quốc, bình thiên hạ = góp phần cho đất nước xã hội bình yên, ổn định) qua con đường làm quan triều đình. Nói cách khác, các thế hệ tri thức Nho học Việt Nam, ngay cả đến những đại trí thức Nho học, cho đến thế kỷ XIX không (hay ít) có điều kiện để thực hành, để xây thành thói quen hay thao tác tự thức, truyền bá, khai sáng tư tưởng mới, mà dồn sức, tâm nhiệt huyết, mà đau thiết đến đổ “huyết lệ” – đổ – máu – mắt cho việc tấu, trình kiến nghị, điều trần lên vua, ngửa mong vua chúa “đèn giời” soi xét.
Đấy là cội nguồn sâu xa, tiềm tàng nảy sinh những bi kịch của thân phận cá nhân hay thế hệ tri thức Nho học, mặc dù không phải lúc nào cũng bộc lộ, mà chỉ hiện ra trong những thời điểm cụ thể của lịch sử Việt Nam, chẳng hạn:
Thế kỷ XIII, trước dân tộc đất nước, dẫu phải đối đầu với đế chế Nguyên – Mông xâm lăng hùng mạnh chưa từng có trong lịch sử trước đó, nhưng triều đình Thăng Long – Đại Việt đậm chất gần dân, thân dân, tin dân với “vua tôi đồng tâm, anh em hoà thuận, cả nước góp sức” đã tạo thành chân trời rộng mở để nâng, chắp cánh không chỉ những trí thức – vua, hoàng tộc như Trần Cảnh, Trần Hoảng, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư,… mà những Tiến sĩ xuất thân bình dân như Lê Văn Hưu, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh… gắn kết, thống nhất mọi nhiệt huyết, năng lực yêu nước từ trẻ đến già, hết ý nhập thân, phát huy năng lực sáng tạo vào sự nghiệp cứu nước và xây dựng quốc gia, tạo nên năng lượng dân tộc – như làn sóng “vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn” của ba lần thách thức sống còn (1258, 1285, 1288) đưa đất nước lên đài vẻ vang trong kỷ nguyên Văn minh Đại Việt.
Hai mươi năm (1407-1427) khi mất nước là nỗi nhục chung của mọi con dân Đại Việt “Căm giặc nước thề không cùng sống” không phải quyền của riêng ai, thì yêu nước, đuổi giặc xâm lăng cũng trở thành con đường tự do với ngàn cách thể hiện của mọi tầng lớp cư dân nước Việt.
Các cuộc nổi dậy khởi nghĩa chống giặc Minh, liên tục, rộng khắp chứng minh điều đó. Thái học sinh (Tiến sĩ) Nguyễn Trãi “xét cho cùng mọi lẽ hưng vong“ để đi đến nhận thức “tâm công – không bàn chuyện đánh thành mà đánh vào lòng người” hóa thân thành cương lĩnh Bình Ngô sách của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Mười năm “hiệu gậy làm cờ, tụ tập khắp bốn phương manh lệ, tướng sĩ một lòng phụ tử… trong đấu tranh gian khổ của dân tộc, đã luyện kết và giải phóng năng lực, tri thức của Ức Trai – Nguyễn Trãi “viết thư,thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” cùng toàn quân, toàn dân đi tới Chi Lăng, Xương Giang “rửa nỗi nhục ngàn thu“, đi tới Hội thề Đông Quan, đại cáo Bình Ngô “cổ kim chưa từng nghe thấy“.
Đấy là một thời!
Nhưng không phải thời nào cũng thế!
Nửa cuối XIV, gần trăm năm sau những hào sảng Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù (1285), chỉ hơn chục năm sau thời kỳ “nở rộ nhân tài” – thế – hệ – vàng – ròng trí thức như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn… thì bậc Vạn thế sư biểu Chu Văn An với nhiệt thành tâm huyết kiên cường mấy, bất khuất mấy cũng chỉ là dâng sớ Thất trảm lên vua, để rồi ngậm ngùi về mở trường tư dạy học. Cũng chỉ hơn chục năm sau ngày “mở nền thái bình muôn thuở” cho sơn hà Đại Việt, Thừa Chỉ Nguyễn Trãi đã phải di hận kỷ thiên niên vào năm 1442… trước đám triều đình Lê – mà chính thế hệ ông đã dâng hiến toàn bộ trí năng, tâm thành của tuổi thanh xuân để dựng gây nên…
Và, thế kỷ XVIII đâu chỉ có riêng bi kịch của Tiến sĩ Thái thường Bùi Sỹ Tiêm – với huyết lệ Điều trần về những việc cần – làm – ngay trước nhiễu nhương tham nhũng, cậy thế, cậy quyền của đám triều chính thời vua thì Lê, chúa thì Trịnh v.v…
Năm 1802, sau những binh đao chia cắt, loạn ly (nội chiến đàng Trong, đàng Ngoài – thế kỷ XVII, lại cuộc chiến từ giữa Tây Sơn với chính quyền Nguyễn Ánh (cuối XVIII)… lần đầu tiên Việt Nam được thống nhất trọn vẹn dưới triều Nguyễn Ánh – Gia Long…
Những tưởng sau bao nhiêu mất mát, một thời kỳ mới đã mở ra “Vua dân cùng một dạ, chim cá cùng lòng” (Lê Huy Giao – Bài hịch dụ các người trung nghĩa miền Bắc). Nhưng, thay vì một trang sử huy hoàng của dân tộc, của những thế hệ đã đầu sóng, ngọn gió trên chiến thuyền, yên ngựa, qua mũi tên, hòn đạn dựng lên nhà Nguyễn, thì chỉ gần 20 năm sau, tháng 5 năm Tân Tỵ (năm 1821), thế hệ thứ hai của nhà Nguyễn, Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi (vua Minh Mạng 1820-1840) cho đặt Sử quán, dù viết rất rõ rằng: “Nước phải có sử để làm tin ở đời này mà truyền lại đời sau,… Nước nhà ta Thái Tổ gây lên, liệt thánh nối trị hơn 200 năm… Thế tổ Cao hoàng đế ta thống nhất non sông, mở mang trăm phép… Trẫm mới thân chấp chính, nghĩ việc chí chuộng việc văn, làm việc đều theo sử cũ. Mỗi khi xét việc lại đăm nghĩ đến việc nối dòng nối nghiệp“[3]. Nhưng, công trình đầu tiên được soạn là “Liệt thánh thực lục“[4], gồm:
Tiền biên ghi chép về sự nghiệp của 9 chúa Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng (Thái tổ Gia dụ hoàng đế) vào trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558) đến hết đời Nguyễn Phúc Thuần (Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế – năm 1877).
Chính biên viết về các vua triều Nguyễn bắt đầu (kỷ thứ nhất) về đời Gia Long từ năm 1778 đến năm 1819[5]. Cũng thời gian này, Minh Mạng chuẩn y lời tâu xin của bộ Lễ “chưa vội đem Việt sử liệt vào chương trình dạy học và thi cử“.
Mãi đến năm 1856 – tức là hơn nửa thế kỷ thống nhất quốc gia, vua Nguyễn Hồng Nhậm – Tự Đức, gần 10 năm ở ngôi mới cho biên soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Vẫn biết, vương triều phong kiến ở Việt Nam là đặt theo dòng họ (nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê), nước là nước của họ Vua… Nói như tri thức bác học hóa dân gian truyền tụng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”… nhưng hẳn chưa bao giờ quan niệm quốc gia, đất nước là của riêng dòng họ liệt thánh thực lục lại hóa thành Đại Nam thực lục tức là cha mẹ anh em vua trước / trên rồi mới đến, mới thành đất nước, quốc gia, chúng dân… rõ ràng như từ thời Minh Mạng – với tái độc tôn giáo lý Tống Nho, trở đi.
Vua, hay triều đình – lúc đó thành độc quyền chân lý. Giáo lý Tống Nho từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497) tiếp tục trở đi thành vòng Kim cô, đã thít, khép lại chân trời của những cánh chim trí thức tự chủ, sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên khát vọng tự do của toàn thể dân chúng, vốn được cất lên “bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán“ – như Nguyễn Hữu Cầu tuyên ngôn từ giữa thế kỷ XVIII vẫn tiếp tục được đồng cảm, sẻ chia, khao khát trong những thế hệ trí thức Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… Và đội ngũ đó vẫn phải đau lòng trước “điên đảo non sông nhòa lối cũ. Âm thầm đất nước, ngậm bi thương“ (Thơ viếng Cao Bá Quát của Nguyễn Văn Siêu) cuối thế kỷ XIX.
Cũng không phải ngẫu nhiên, mà khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền, nổ súng tấn công Đà Nẵng (1-9-1858) hay khi thực dân Pháp chiếm Nam kỳ (1862-1867) rồi tấn công thành Hà Nội (1873, 1882…) phong trào yêu nước, chống Pháp của một tầng lớp chúng dân sôi nổi khắp mọi nơi… nhưng vành kim cô ấy vẫn buộc ràng hành động của những Tam Đăng Phạm Văn Nghị, Hoàng Diệu, Tiến sĩ Trần Tấn, Đặng Như Mai…
Phạm Thận Duật từng khóc viếng Phó bảng, Thượng thư, Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu (1828-1882) “cô thần một chết tấm trung phơi” trong cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội… Phạm Thận Duật từng hóa thân đồng cảm, sẻ chia hết mực nhân văn vào, với bao nhiêu nhân vật khác trong đạo hiếu, nghĩa huynh đệ, nghĩa quân thần… trong suốt cuộc đời minh với người khác (Theo thống kê trong Quan Thành văn tậpcủa ông, còn lại ít nhất 110 câu đối, 12 bài thơ, 42 bài văn tế, văn bia, tấu biểu) cũng không thoát khỏi thân phận “cô thần” trong đám triều đình Nguyễn.
Thế nhưng, chính ông, Chánh Khâm sai Phạm Thận Duật lại phải đặt bút vào kỳ với Patonôtre văn bản năm 1884 ! Bi sót đến chừng nào!
3. CHÚNG DÂN, NÚI SÔNG CHẮP CÁNH
Năm 1884, Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi được bộ phận kháng chiến đưa lên Sơn phòng, phát hịch “Cần Vương”.
Dù khẩu hiệu vẫn là Cần Vương (giúp vua, phò vua), nhưng trong bản chất là lời kêu gọi, là lời quy tụ giải phóng, tổ chức, phát huy mọi nguồn lượng năng, trí năng của toàn thể mọi người: “Người trí thì hiến mưu, người dũng hiến sức, kẻ giàu bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào, đồng trạch chẳng từ hiểm nguy, có thể làm được gì thì làm nấy, Những ai cứu nạn phò nguy đỡ khó, chống đổ, chớ tiếc lòng, tiếc sức… chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại giang sơn bờ cõi. Trong cơ hội này, phúc của tôn miếu xã tắc là phúc của bàn dân, cùng lo với nhau, cùng hưởng với nhau. Nhược bằng cái tâm sợ chết hơn cái lòng yêu vua, sự nghĩ cho nhà hơn lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì bỏ ngũ lẩn trốn, người dân không biết trọng nghĩa cứu cấp việc công, kẻ sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào chỗ tối thì dù không phải là sống thừa ở đời, song mặc áo đội mũ mà là muông là thú,…”.
Nếu những người áo vải Nam Bộ “việc cuốc, việc cày, tay vốn quen làm” tiếp tục tinh thần Nguyễn Trung Trực, Trương Định,… rồi lan cả miền châu thổ sông Hồng theo Hoàng Hoa Thám lên Yên Thế kháng chiến, thì từ đó trí thức Nho học không còn nữa những đại thần – trí thức yêu nước như Phạm Thận Duật phải ràng buộc với cái áo, mũ triều đình, để ngay đến thể hiện lòng yêu nước cũng phải xin phép vua, theo ý vua. Trước mắt họ chỉ còn Tổ quốc, quê hương Việt Nam đang lâm nguy!.
Khát vọng “Ta nay quyết kéo trời Nam lại, kẻo để giang sơn đổ lộn nhào…” được thể hiện thành những:
+ Cử nhân, Án sát Thanh Hóa Phạm Bành (1825-1887)và Đinh Công Tráng dựng căn cứ Ba Đình.
+ Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1830-1889) khởi nghĩa ở Nghệ An.
+ Hoàng Giáp, Chánh sứ sơn phòng, Tuần phủ Hưng Hóa – Nguyễn Quang Bích (1832-1890) kháng chiến ở Phú Thọ, Yên Bái.
+ Tú Tài Nguyễn Thiện Thuật (1841-1926) lập căn cứ Bãi Sậy.
+ Tiến sĩ – Ngự sử đô sát viện Phan Đình Phùng (1844-1895), Cao Thắng, lên rừng lập căn cứ Vụ Quang…
+ Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) ở Quảng Nam.
+ Tiến sĩ, Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa Tống Duy Tân (1837-1892) ở miền núi Thanh Hóa.
+ Cử nhân Mai Xuân Thưởng (1860-1887) ở Bình Định.
+ Tú tài võ Tạ Quang Hiện ở Thái Bình, Nam Định…
Để rồi, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thế hệ trí thức Nho học – thế hệ của buổi giao thời không chỉ cùng chúng dân đứng lên chống thực dân Pháp mà đã có thể chuyển hẳn sang, thống nhất giữa tự do nhận thức và hành động, tìm kiếm con đườngcanh tân cứu nước, cứu dân như thế hệ Lương Văn Can (1854-1927), Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926)…
***
Không nghi ngờ gì, các vua Nguyễn, từ Nguyễn Ánh – Gia Long, Minh Mạng… nhất là đến đời vua Nguyễn Hồng Nhậm (Tự Đức) sau sự kiện Đà Nẵng (ngày 1-9-1858) đã nhìn càng ngày càng thấm hơn âm mưu và tham vọng của thực dân tư bản Pháp nhòm ngó và sẵn sàng dùng vũ lực với Việt Nam.
Nhưng, điều cơ bản, quan trọng sống còn, là triều đình Nguyễn không có đủ năng lực để tập hợp sức mạnh toàn dân để vượt qua thử thách này.
Không phải là Nho giáo mất đi tính tích cực trên phương diện đạo đức và cách xử thế. Nhưng, như chính Phạm Thận Duật viết “miệng muốn nói, hãy nói bằng miệng của người xưa, Tay muốn viết, hãy viết bằng tay của người xưa“ mà trong bản chất hệ tư tưởng của Nho ngay từ trong hình thành và vận động của nó luôn luôn tồn tại nghịch lý sau:
+ Với ý nghĩa là những khát vọng – giá trị vĩnh hằng của cuộc sống con người trong đời sống xã hội, thì những giáo lý của đạo Nho như – không – bao – giờ “lạc hậu” dù ra đời đã hàng ngàn năm trước. Nhưng, một đương nhiên khác là không phải chỉ những thế kỷ sau, mà ngay từ quá trình hình thành tư tưởng Nho giáo đã luôn luôn bất cập, ảo tưởng trước thực tế ! (mà có những nghiên cứu cho đó là bảo thủ và lỗi thời không còn khả năng giúp con người nhận thức, lý giải và giải quyết những vấn đề thực tiễn).
Nhưng không chỉ các triều đình phong kiến Trung Hoa, mà các triều đại phong kiến ở Việt Nam mọi thời, đều luôn lấy nó làm trụ cột tư tưởng để bên ngoài thì tuyên bố “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (Tu dưỡng bản thân, cho gia đình yên ấm, đất nước thịnh trị, xã hội yên bình) mà bên trong thực chất là duy trì quyền lực, quyền lợi của triều đình với một “ràng buộc” trước hết và cao nhất nhưng cũng ảo tưởng nhất là Trung quân (Trung với vua).
Không nên quên rằng ngay cả những ông vua khai sáng triều đại xuất phát vốn không hề biết đến chút giáo lý Nho học là gì như họ Trần, họ Mạc… thì quá trình lên đến ngai vàng và giữ ngai vàng vẫn luôn miệng dẫn ra, cần đến ít ra là vài câu kinh điển Nho học, lấy đó để “trị” người, lấy đó để ràng, buộc lòng người, và tìm kiếm kẻ “trung thần”.
Nửa cuối XIX, trước họa xâm lược của thực dân Pháp đến từ một nước tư bản phương Tây, từ một nền văn minh công nghiệp với nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, với lối đánh chưa từng có trong binh thư phương Đông.
Đây là lần đầu tiên dân tộc Viêt Nam phải đương đầu với một đối tượng xâm lược mới, trong một bối cảnh lịch sử mới mà những kinh nghiệm cổ truyền cần được vận dụng trong một phương thức đấu tranh mới ! Đúng.
Nhưng điều đó đâu quyết định nguyên nhân mất nước
Kẻ xâm lược nào đến nước này chẳng đều giàu mạnh, khổng lồ, tàn bạo !
Nhưng dân tộc Việt Nam đã không chỉ dám đương đầu thử thách, mà còn đi đến những trận chung kết toàn thắng không phải chỉ một lần.
Không nên quên rằng, trong lịch sử thời An Dương Vương, chính quyền Cổ Loa – Kẻ Chủ có nỏ thần, thời Hồ Quý Ly từng có Thần công, có lâu thuyền, có thành Tây Đô, phòng tuyến Đa Bang… như hơn hẳn kẻ thù !. Thì… cả hai lần cơ đồ Âu Lạc, Đại Ngu đắm biển sâu. Vũ khí quân sự đâu phải là sức mạnh bao trùm, làm nên sức mạnh quyết định chiến thắng của triều đình, dân tộc.
Quan trọng hơn cả, quyết định hơn cả là cái triều đình cuối XIX đó đã không chỉ không gần dân, tin dân, mà đã đến mức sợ dân. Chân trời khoáng đạt của tự do, chắp cánh cho năng lực quyền biến, năng lực phản biện, năng lực sáng tạo, bị khép lại, bóp chặt lại… khiến nguồn năng lực vô giá mà chỉ có ở lòng dân, sức dân, trí dân không được phát huy, tổ chức và nhân lên để thành THƯỢNG SÁCH GIỮ NƯỚC –như di huấn, chân lý mà Đức – Thánh – Trần đã chắt/ vắt mình truyền lại.
Chỉ đến phút cuối cùng khi cái đám triều đình nhân danh cái giáo lý đó, ngụy trang bằng cái giáo lý đó, bị tan theo tiếng đại bác của giặc Pháp dùng cái giáo lý đó, khi cái giáo lý, giáo điều độc tộc, xơ cứng ấy sụp đổ, đã đặt dấu chấm hết cho chương khúc bi ai của trí thức Nho học trong lòng phong kiến.
[1] Những lời của Phạm Thận Duật trong bài viết này (in nghiêng) là được dẫn theo bản dịch trong Phạm Thận Duật toàn tập (Phạm Đình Nhân biên soạn và tổ chức bản thảo), Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
[2] Xem Giá Văn Dương, Tri thức cận thần và tri thức độc lập, TuầnVietnam.net, ngày 30-8-2010.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Chính biên, đệ nhị kỷ, q. IX, Bản dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr. 133.
[4] Mà sau này khi công bố mang tên Đại Nam thực lục chính biên và tiền biên.
[5] Phần Tiền biên hoàn thành việc khắc in năm 1844, do Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cần làm Tổng tài. Phần Chính biên, gồm 6 kỷ, trong đó có 4 kỷ hoàn thành trong thế kỷ XIX.