Bài ca Roland, anh hùng ca Pháp (thế kỷ 11-12)
Bùi Trọng Liễu Nguyên Giáo sư Đại học (Paris, Pháp) Trích tác phẩm : Học một sàng khôn (tạp ký) Cái chết của Roland – tranh Keller Khởi thủy của Văn học Pháp là vào giữa thời Trung cổ ở châu Âu – nhắc lại là thời Trung cổ ở châu Âu kéo dài khoảng một nghìn năm, từ thế ...
Bùi Trọng Liễu
Nguyên Giáo sư Đại học (Paris, Pháp)
Trích tác phẩm : Học một sàng khôn (tạp ký)
Cái chết của Roland – tranh Keller
Khởi thủy của Văn học Pháp là vào giữa thời Trung cổ ở châu Âu – nhắc lại là thời Trung cổ ở châu Âu kéo dài khoảng một nghìn năm, từ thế kỉ thứ 5 (khi đế quốc La-mã phương Tây bị diệt) đến giữa thế kỉ thứ 15 (khi đế quốc La-mã phương Đông bị đế quốc Ottoman phá vỡ và chiếm thủ đô Constantinople). Nói kỹ hơn : Thời hoàng đế Charlemagne (742-814) đất đai của đế quốc của Charlemagne rất rộng, nhiều loại dân, có tới ba mươi sáu thứ tiếng nói ; hoàng đế này đã cố gắng thống nhất bằng việc cổ vũ dùng tiếng La-tinh, nhưng ngôn ngữ trong dân gian phổ biến nhất vẫn là tiếng « roman ». Sau khi ông chết, người con nối nghiệp cũng đã gặp nhiều khó khăn để bảo tồn nguyên vẹn lãnh thổ. Đến đời cháu thì đất đai chia làm ba cho 3 người cháu nội. Họ tranh giành nhau. Văn kiện đầu tiên bằng « tiếng Pháp » được viết vào năm 842 : đó là « Lời thề ở Strasbourg » giữa hai người cháu nội của hoàng đếCharlemagne, hợp tác với nhau để chống người anh cả Lothaire trong việc tranh quyền bính và đất đai. Hai người con thứ này là Louis [le Germanique] và Charles [le Chauve], cai quản hai vùng đất khác nhau, tiếng nói khác nhau. Để cho binh lính của Charles có thể hiểu được,Louis đọc « Lời thề » bằng tiếng roman (tổ tiên của tiếng Pháp), và ngược lại để cho binh lính của Louis có thể hiểu được, Charles đọc « Lời thề » bằng tiếng tudesque (tổ tiên của tiếng Đức), mà không dùng tiếng La-tinh là ngôn ngữ bác học chung cho thời đó. Bản « Lời thề » mà Louis đọc chính là văn kiện cổ nhất bằng « tiếng Pháp ».
Vào khoảng thế kỉ 12, 13, những tác phẩm là những « chansons de geste » – une « geste » trong ngôn ngữ cổ của tiếng Pháp, từ này thuộc « giống cái » (genre féminin), là một chiến công , có người dịch ra tiếng Việt Nam là những bài thơ « anh hùng ca » hay « hiệp sĩ ca », ca ngợi những thần thoại hay chiến công lịch sử – do những « troubadours » viết, kể và hát (« troubadours » : nhà thơ trữ tình thuộc ngôn ngữ langues d’oc phương nam) và sau đó ít lâu, đến lượt những « trouvères » (« trouvères » là loại nhà thơ thuộc ngôn ngữ langues d’oïl phương bắc) bắt chước, nhưng hướng về những bản tình ca.
Bài « chanson de geste » được biết đến nhiều nhất là bài « Chanson de Roland », mà một bản cổ gồm 4002 câu thơ, chia làm 291 « laisses » (khổ thơ : đoạn). Câu chuyện kể trong bài đại khái như sau : Trong bảy năm, Charlemagne đánh dẹp quân người A-rập ở xứ Tây-ban-nha. (Nhắc lại là người A-rập chiếm đất vùng đất đai Tây-ban-nha ngày nay, lập nên nhiều vương quốc hồi giáo ở đó từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 15 ; chính ông nội Charlemagne làCharles Martel năm 732 phá được quân A-rập ở Poitiers trên đường họ xâm chiếm châu Âu, và đẩy lui được họ xuống vùng đất Tây-ban-nha). Bài ca kể rằng Charlemagne đánh thắng nhiều nơi, chỉ còn thành Saragosse (Zaragoza) của vua Hồi giáo Marsile tiếp tục chống cự. Vua này đề nghị hòa, Charlemagne do dự ; hiệp sĩ Roland muốn cố đánh chiếm thành, nhưng đa số tuớng của Charlemagne muốn hòa. Muốn hòa, nhưng cử ai làm sứ giả để đi điều đình?Roland đề nghị cử bố vợ mình là Ganelon ; ông này bất đắc dĩ phải đi, nhưng trong lòng rất căm giận, vì đây là một chuyến đi nguy hiểm, chắc gì giữ được mạng sống. Vua Marsile đoán biết được, nên không những không hại Ganelon mà còn bày một kế để cho Ganelon có thể trả thù : cho Ganelon trở về thuyết Charlemagne rút quân về đất Pháp, đồng thời thuyếtCharlemagne cử Roland cầm đạo hậu quân. Khi đạo hậu quân này vượt dãy núi Pyrénées ngăn chia đất Pháp và đất Tây-ban-nha, tới khe núi gần đèo Ronceveaux, thì bốn mươi vạn quân Hồi giáo – đây là con số nêu trong bài ca, nhưng thuở ấy và vùng ấy, sao mà có được nhiều quân vậy ! – mai phục ở đó, đổ xuống đánh giết hai vạn quân của Roland. Thế đã cùng quẫn, thân cận đã chết hết, Roland mới đem cái tù và của mình ra thổi để cầu cứu,Charlemagne vội vã đem quân trở lại để cứu, nhưng đã muộn, Roland và đám hậu quân đã chết hết. Lúc đó bỗng có phép lạ xảy ra, « chứng tỏ » là Chúa Trời « bênh » Charlemagne : mặt trời bỗng ngưng lại vài tiếng đồng hồ, để ông này có thì giờ để đánh quân Hồi giáo, phá được thành Saragosse, vua Marsile chết, vợ phải bỏ đạo Hồi để qui theo đạo Ki-tô. Ganelonbị xử tội phanh thây. Đấy là chuyện kể trong bản anh hùng ca.
Nhưng « sự thật » lịch sử thì có khác : chẳng có vua Marsile, cũng chẳng có Ganelon, chỉ có bá tước Roland là chết thật. Theo một số sử gia thì thuở ấy, các vua Hồi giáo đánh lẫn nhau. Tướng trấn thủ thành Saragosse là Sulayman Ben Al-Arabi phản chủ là vua Hồi giáo xứ Cordoue (Cordoba), nên cầu cứu Charlemagne ; nhưng khi quân ông này tới nơi, thì Ben Al-Arabi đổi ý, không cho vào thành. Charlemagne giận, đánh bắt được Ben Al-Arabi làm tù, rồi rút quân về vì được tin có loạn ở biên thùy phía bắc. Trên đường về đến Ronceveaux, thì các con của Ben Al-Arabi, với sự giúp sức của quân bản địa Vascons (tổ tiên của người Basques ngày nay), tấn công và cứu thoát được Ben Al-Arabi. Bá tước Roland, chỉ huy đạo hậu quân, bị vướng vì lỉnh kỉnh chở nhiều xe của cải hôi được trước đó, đi chậm, nên bị giết với toàn bộ quân sĩ. Đó là một trận thua lớn của Charlemagne.
Bại mà kể là thắng. Thế mới là tuyên truyền hay! Bài anh hùng ca cần như vậy để kích thích các hiệp sĩ đi chiến đấu chống người Hồi giáo đã chiếm đất thánh ở Cận Đông, và đi chiếm lại đất Tây-ban-nha. Việc muốn chiếm lại đất thánh, thì châu Âu Thiên chúa giáo tổ chức tám cuộc viễn chinh chữ thập (croisades) từ thế kỉ 11 đến cuối thế kỉ 13 ; còn việc chiếm lại (Reconquista) đất Tây-ban-nha thì phải mất nhiều thế kỉ, từ giữa thế kỉ thứ 8 đến cuối thế kỉ 15 mới xong.
Bài « Chanson de Roland » có nhiều dị bản, ngắn dài từ 4000 đến 9000 câu thơ. Bản cổ nhất còn giữ được tới nay là một bản viết khoảng năm 1100 (lưu ở một thư viện ở Oxford nước Anh). Nguyên nhân tại sao có nhiều dị bản là :
– Thuở đó, chưa có tác quyền. Tác phẩm bị coi là của chung. Kẻ hát, người viết, ai hứng lên thêm thắt vài ba câu cũng không sao.
– Phải chăng văn hóa truyền khẩu thuở đó chưa thấy sự cần thiết của một nguyên bản chính xác?
– Máy in chưa xuất hiện (Johannes Gensfleisch, còn có tên gọi là Gutenberg, năm 1440 mới chế ra loại máy in bằng chữ in kim loại có thể chuyển dịch).
– Sao chép bằng tay thì dễ « tam sao thất bản », đôi khi không do người chép chủ ý. Nhưng cũng không loại trừ khả năng người chép tự ý sửa cho « hay hơn », (giống như kiểu một vài nhà « biên tập » ngày nay ; có điều là thuở ấy không có động cơ sợ bị nhà cầm quyền kiểm duyệt).
Tôi cũng xin nói là tại sao tôi gắn bó với bài « Chanson de Roland » này. Tại năm tôi tám tuổi, tôi ra Hà Nội học, từ trường ta vào học trường tây. Tôi vào học trường tây mà thoạt đầu chẳng hiểu tiếng tây, vừa sợ vừa lo, chỉ loáng thoáng hiểu được câu chuyện hiệp sĩ Rolandtrong một bài sử, và nhớ được đến tận hôm này một câu hát « Roland mourut à Ronceveaux » (Roland đã chết ở Ronceveaux).
Charlemagne được coi là vị hoàng đế giỏi, cho nên nội dung bài anh hùng ca mới xoay quanh ông ta ; có nhiều truyền thuyết về ông ta đôi khi không phù hợp với sự thật lịch sử. Chuyện hiệp sĩ Roland là một thí dụ. Truyền thuyết về bà mẹ ông ta sẽ được kể trong mục 2, về bài thi ca dưới đây, là một thí dụ khác. Có một truyền thuyết nữa về ông ta : Charlemagne chinh chiến nhiều, chiếm đất đai để mở rộng đế quốc của mình. Câu chuyện kể rằng quân ông ta vây một tòa thành của người Hồi giáo (vùng Nam nước Pháp hiện nay). Trong 5 năm, đánh nhau bất phân thắng bại, nhưng viên tướng thủ thành này bị tử trận. Charlemagne cho rằng lực lượng giữ thành đã kiệt quệ, lương thực đã cạn, nên sửa soạn tấn công để chiếm thành. Nhưng chính lúc đó, bà vợ góa viên tướng giữ thành kia, tên là bà Carcas, bày mưu, từ trên thành cao, sai ném xuống chân thành một con lợn nhồi đầy ngũ cốc. Charlemagne thấy vậy (còn có ngũ cốc cho lợn ăn !), kết luận rằng thành còn dư lương thực, và hạ lệnh rút quân. Quân đang rút, thì trong thành tù và và chuông nổi lên theo lệnh của bà Carcas, cổng thành mở ra, và một đoàn sứ giả trong thành ra nghị hòa. Charlemagne cảm phục lòng dũng cảm, và mưu kế của bà Carcas – vì thực ra lực lượng giữ thành đã kiệt quệ, luơng thực thực sự đã cạn – đồng ý cho hòa. Và đặt tên cho thành này là Carcassonne – nghĩa là [bà] Carcas nổi hiệu [sonne : thổi tù và, róng chuông] để vinh danh bà. Bà bỏ đạo Hồi để theo đạo Thiên chúa. Charlemagne còn đem bà gả cho một tuớng của ông – có nguồn nói là Oliban, có nguồn nói là Roger ; cặp này sinh con đẻ cái, cha truyền con nối cai quản vùng này (dòng dõi các bá tước Carcassonne) từ thế kỉ thứ 9 đến thế kỉ 13. Carcassonne ngày nay là một thành phố phồn vinh, một thành phố rất hấp dẫn khách du lịch, vì còn giữ đuợc di tích thành quách rộng lớn từ thời Trung cổ ; hàng năm vào tháng ba, có hội « con lợn » để kỷ niệm câu chuyện bàCarcas. Có điều tôi hơi băn khoăn mà chưa có lời giải đáp : nếu bà Carcas quả là người Hồi giáo như quân thủ thành, thì sao lại có thịt lợn nhỉ? Hay là nuôi lợn làm cảnh chứ không ăn ? Hay là thời đó các vua Hồi giáo cũng như các vua Thiên chúa giáo, tồn tại xen kẽ và tranh chấp đất đai của nhau, nên tương đối biết khoan dung với phong tục các đạo khác ? Hay là cũng như câu chuyện (tôi đã kể) ông Shah Mohammed Shah Aga Khan (1877-1957), imam (giáo chủ) thứ 48 của cộng đồng Hồi giáo Ismaeli ; ông rất thích uống rượu sâm banh; có người hỏi ông rằng : « Đạo Hồi cấm uống rượu, sao Ngài lại uống ?» ; ông trả lời : « Khi Ta bưng cốc rượu lên đến miệng, thì nó biến thành nước, nên Ta uống được không sao » ! Nếu có phép lạ, phải chăng khi đưa miếng thịt lợn lên gần miệng thì nó biến thành miếng thịt cừu ? Bài ca Roland, anh hùng ca Pháp (thế kỷ 11-12)