Tây Sơn
Tạ Chí Đại Trường Đây là một chương (Chương XIV) của một tập thông sử ngắn “Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam” của tác giả Tạ Chí Đại Trường Tại sao Tây Sơn? Giữa hai vùng Nam Bắc đang kình chống nhau, có vẻ nhóm Trịnh Lê phải lo âu nhiều hơn vì những rối loạn ...
Tạ Chí Đại Trường
Đây là một chương (Chương XIV) của một tập thông sử ngắn “Sơ thảo: Bài sử khác cho Việt Nam” của tác giả Tạ Chí Đại Trường
Tại sao Tây Sơn?
Giữa hai vùng Nam Bắc đang kình chống nhau, có vẻ nhóm Trịnh Lê phải lo âu nhiều hơn vì những rối loạn nội bộ gay gắt nổi bật mà sử gia trong nước đến nay vẫn còn dùng nhóm từ “Phong trào nông dân” để chỉ định, tuy rằng dấu vết lãnh tụ đã không bỏ sót ai, từ tầm mức giặc cỏ lên tới quan chức sĩ hoạn nhỏ lớn, với cả người hoàng tộc muốn giành lại quyền lực cho gia đình mình. Phía Đàng Trong, như ta thấy, chỉ có sự lấn lướt về phía chính quyền, tuy vẫn gặp cản trở nhưng cứ tưởng như chúa Nguyễn chưa có thể thấy ngay ngày suy sụp. Vậy mà điều ấy đã xảy ra trước ở đây.
Sử gia ngày nay, để hợp với ý thức chính thống khai triển từ những năm 50 của thế kỉ XX, cũng gọi biến động làm khuynh đảo triều chính Nguyễn, dẫn đến sự phá vỡ phân tranh trong 200 năm có hơn đó, là một cuộc khởi nghĩa nông dân, mang thêm dấu ấn của thời hiện đại, là một cuộc Cách mạng: Cách mạng Tây Sơn. Người ngoại quốc (thương nhân, giáo sĩ) có một chút cách biệt (John White 1819) thì nhìn ra nguyên nhân suy sụp là ngay chính nơi tình hình phát triển quyền lực của nhóm người cầm đầu. Đó là bước phát triển có định hướng rõ rệt, theo tổ chức của một chính quyền Á Đông, với một sự thu xếp đòi hỏi những chi phí lớn lao đi theo với sự bành trướng quyền lực, làm tăng tiến kiêu ngạo bản thân, những điều vốn thường hay dẫn đến sự đổ vỡ như thường thấy ở các tập đoàn cai trị tương tự.
Tất nhiên tình hình tệ hại trong việc cai trị ở Đàng Trong, ngay từ phủ Chúa đã bị H. Poivre (1749) nhận ra qua lời phê phán ông chúa “tham sắc, xa xỉ, bỏ mặc việc nước trong tay đám cận thần tham tàn” nhưng sự cải tổ của Võ Vương năm 1744 cũng là có thể coi là một cố gắng vượt-thoát-về-phía-trước. Có điều chính sự tập trung quyền hành tột đỉnh vào một người mang ý nghĩa “vua” lại là một nguyên cớ gây nên gãy đổ khác.
Các chúa Nguyễn không phải là người ở địa vị vững vàng nhất như sách sử thường tô vẽ. Khi người ngoại quốc khen các chúa đầu được dân chúng yêu mến vì cai trị khoan dung, điều đó một phần cũng là phản ảnh một tính tình yếu mềm ngay nơi các ông này, vốn chưa vững tin nơi địa vị phải có. Trong những cuộc tranh giành quyền bính lúc đầu giữa anh em, các người làm chúa đã tỏ ra ngần ngại khi phải trừng trị kẻ chống đối. Chúa Hiền kế vị mà khóc xin nhường cho ông chú. Cho nên đến thời Quốc chúa, Thomas Bowyear (1695) đã nhận ra rằng ông này chịu ảnh hưởng rất mạnh của bốn ông cậu/chú/bác. Điều này cũng cho thấy việc thành lập hệ thống Tứ trụ năm 1638 là một hình thức phân chia quyền lực của các tộc họ lớn như ta đã phân tích từ trước. Trong thực tế thì cái thế cân bằng phân quyền này cũng rất mỏng manh. Th. Bowyear thấy được ba ông thì hai ông Tả, Hữu (không rõ Nội hay Ngoại) đã rất già. Và sau đó, năm 1709 lại có tranh giành, một ông Nội hữu họ Tống Phúc làm phản, chỉ bị cách làm thứ dân, còn người anh của đồng đảng (bị giết) thuộc dòng Nguyễn Cửu thì làm chức Nội hữu năm 1714. Điều quan trọng mà bị lướt qua là những người muốn cướp quyền ở đây không phải mang họ Nguyễn Phúc, họ làm chúa. Cho nên cuộc tranh giành quyền bính sau khi Võ Vương chết không phải là điều mới xảy ra lần đầu.
Mọi biến động dẫn đến việc suy sụp triều chúa đều được cho là tội của Ngoại tả Trương Phúc Loan đã âm mưu cải sửa di chiếu. Tuy nhiên lời của Thực lục “(Nguyễn Phúc Luân, cha Nguyễn Ánh) theo vai vế thì đáng được lập” cũng cho thấy không có sự xác quyết ngay từ Võ Vương. Chúa “mềm yếu / lại cái” (Jh. White, bản chữ Pháp: efféminé) từng đảo lộn giới tính cho các con trai của mình thì không thể có quyết định sáng suốt được. Việc Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi (1765) cũng được sử quan đổ tội cho Loan nhưng vai trò Thái giám Cửu Đức lại cho thấy là rối loạn bắt đầu từ nội cung. Mẹ Thuần, bằng vào liên hệ con chú con bác với ông chúa mới mất, đã thấy tham vọng giành ngôi có cơ thực hiện được khi những người lớn tuổi đua nhau rơi rụng. Cùng phe Loan có Nội tả (1739) Nguyễn Cửu Thông, và Ngoại hữu lại là anh của Thông: Cửu Quý. Cho nên sự thành công của tam trụ là điều không lạ. Ông Nội hữu Trương Văn Hạnh bị gọi vào cung giết đi chỉ là do rủi ro làm người nuôi nấng Phúc Luân theo chủ trương “đỡ gánh nặng con cái” của Võ Vương chứ cũng không hẳn là kẻ được chỉ định phù trợ người kế nghiệp. Loan là người cầm đầu, do có liên hệ nhiều nhất với nhà chúa nên được đẩy lên địa vị “tể tướng” Quốc phó, nhường chức ngoại tả cho một người hoàng tộc biếng nhác, bất lực, gắng gượng xuất hiện vào hồi chót để cứu vớt dòng họ, rồi chết vì Hoàng tôn Dương trong hoàn cảnh éo le làm kẻ phù trợ Tây Sơn nên chịu khuất lấp trong trang sử của nhà mình!
Tuy nhiên sự sụp đổ của họ Nguyễn chúa không phải chỉ vì những rối loạn cung đình này. Loạn hay trị chỉ là vấn đề tương quan quyền lực. Họ Trịnh sau đời Trịnh Sâm xét ra còn nát bét hơn họ Nguyễn. Không có nhóm Tây Sơn quấy đảo thì các họ Trịnh, Nguyễn sẽ lần lượt tìm lại thế quân bình trong việc phân chia quyền lực với nhau để lịch sử dòng họ chỉ như vừa trải qua một cơn khủng hoảng nội bộ mà thôi. Và Nguyễn sụp đổ trước chỉ vì phải chứa chấp Tây Sơn, phải chịu đựng một lực lượng chống đối trong vòng quyền bính của mình mà vùng đất Quy Nhơn lại như là một điểm hội tụ đương thời của những mâu thuẫn họ Nguyễn không giải quyết nổi.
Nhìn lại trong sự phát triển quyền lực của Nguyễn, căn bản tổ chức tuy là theo khuôn mẫu của một chính quyền phương Đông nhưng trong tình thế riêng biệt của vùng và của thời thế, yếu tố thương mại đã có dáng quan trọng đến mức chứa chấp cả sự hưng vong của dòng họ. Không phải chỉ vì nhu cầu tự vệ với Trịnh mà Nguyễn bị buộc phải củng cố phát triển. Trong một trăm năm ngưng chiến, họ vẫn trên đà gia tăng cường thịnh để có những toan tính dòm ngó đất Đàng Ngoài, và chuẩn bị xưng vương lập nước. Phần đất mới chiếm ở đồng bằng phía nam tuy còn nhỏ hẹp, vẫn đang ở thế tranh chấp nhưng cũng đã đủ cung cấp lúa gạo cho vùng Thuận Quảng, nơi với đà khai thác không ngừng và với dân số tăng trưởng, đã mất lần danh vị đất Hai Huyện, “tiểu Đồng Nai,” hay bị bỏ luống vì đã có sẵn gạo đưa tới như hàm ý của Lê Quý Đôn. Nhưng cũng vì cái thế phụ thuộc đó mà khi có biến loạn, thuyền buôn không tới thì khủng hoảng thấy rõ như trong lời trình bày của Ngô Thế Lân, và cao điểm là trận đói kinh hồn của dân Thuận Hoá ghi lại ở Hoài Nam khúc.
Tuy nhiên cho đến lúc này thì lúa gạo Gia Định chủ yếu chỉ dùng cho trong nước chứ chưa phải là nguồn lợi xuất khẩu, nếu ta nhìn vào ghi nhận của Lê Quý Đôn và liếc vào danh sách các món hàng trên thương thuyền ngoại quốc. Cho nên lợi tức do giao thương đem lại cường thịnh cho chúa Nguyễn chính là từ các sản vật khai thác trên vùng Thuận Quảng cũ và phần mới chiếm được trong đời các chúa khởi đầu. Ở đây, ngoài các sản phẩm thủ công nghiệp quen thuộc với người Âu (đường cát, tơ lụa), cái thế khởi động thường xuyên liên tục là theo hướng rừng-đồng-biển hay ngược lại, và phần lớn là khai thác thiên nhiên hơn là nuôi trồng: “Ai về nhắn với nậu nguồn, Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.” Các lễ tục còn giữ lại cho thấy sự quan trọng của nguồn lợi rừng núi trong khu vực: lễ Khai sơn, Đăng sơn, tục Đi nguồn… Trong liên hệ đồng biển thì có lễ Cầu gió, lễ Cầu ngư mở mùa cá. Chính quyền Nguyễn chỉ làm việc kiểm tra thu thuế như ta đã thấy, qua các thương nhân nội địa với các đầu mối nhỏ ở làng xã, len lách trong các nguồn, đưa sản phẩm vào tay những người Các Lái – cái tên từ thế kỉ XVIII còn thấy đến gần đây ở vùng “Mọi”, trong đó lớp người năng động có mối liên lạc quốc tế, ngoài biển xa hơn, là những người Hoa, Minh dân cũ hay Thanh nhân mới. Các tập đoàn này tất nhiên là có sự tương nhượng để cùng hưởng lợi. Những người thợ làm xe nước Quảng Ngãi gần đây, trước khi đi lấy gỗ phải làm lễ Đăng sơn, nạp tiền cho các cai tổng Mọi gỡ bỏ sập bẫy, còn những người các lái, đốt than, lấy củi thì phải tế nơi các đền Bà Chúa (Xứ) trong vùng. Có sự thoả thuận như thế nên chức quyền Pháp ở Quảng Nam vào những năm 1930, thám hiểm vùng rừng núi phía tây đã gặp một Các Lái mù đi cáng, lặn lội mua bán quế trên dưới 20 năm! Và lại cũng như với trường hợp lúa gạo, khi chính quyền Nguyễn yếu thế thì mối hoạ là từ những lớp người thao túng tài sản này. Cụ thể, ở vùng núi phía tây phủ Quy Nhơn, từ đó có tên Tây Sơn, được giữ như một chứng tích sức mạnh kinh hồn, một biểu tượng oai hùng thời cận đại.
Từ năm 1768, Hàn lâm Nguyễn Quang Tiền đã nghe lời đồn đất Quảng Nam (nghĩa là dài tới Phú Yên ngày nay) sẽ có loạn trong 6 năm tới. Nhưng lời “tiên tri” đó chỉ đúng khi nói về thời điểm bùng nổ chứ không phải về sự kết tập của các lực lượng. Năm 1770 quan quân phải dẹp loạn người Thượng trong vùng, tiếng gọi là bình Mọi Đá Vách nhưng những biến động tiếp theo cho thấy một loạt Các Lái miền xuôi đã xuất hiện, rồi sẽ liên kết hoặc đầu quân dưới cờ Tây Sơn: “tướng giặc thượng đạo” tên Diện, Tường ở phía tây Hội An; ở Quy Nhơn, ngoài nhóm Tây Sơn còn có Phạm Văn Sĩ, xa về Phú Yên có Chu Văn Tiếp, Nguyễn Long. Và lại còn các người Thanh làm nòng cốt cho Trung nghĩa quân Tập Đình, Hoà nghĩa quân Lí Tài, những tên tổ chức cho thấy số lượng người lớn lao làm nổi bật những tay chỉ huy trong biến động. Dân chúng bình thường không biết đến các mối giao thương “quốc tế” kia, họ chỉ lưu ý đến sản vật thường thấy trước mắt, do đó họ chỉ giữ lại hình ảnh buôn trầu nguồn của ông Biện Nhạc vang danh mà thôi. Nhưng ông Nhạc đó không phải chỉ là người lái buôn tầm thường mà là con một “thổ hào,” và chính ông đang giữ chức của triều đình, chức dù nhỏ cũng là “quan” địa phương, trông coi việc thu thuế cả một vùng, phải giao tiếp với đủ hạng từ dân đến cướp, từ “mọi” đến “Tàu”, Olane…
Buôn bán bình thường đến mức giàu có thì không việc gì người ta phải nổi loạn. Khủng hoảng nền tảng cấp thời – cũng có thể gọi là một cuộc khủng hoảng phát triển, là vì nhu cầu cần đến tiền tệ lưu thông mà người cầm quyền không thoả mãn kịp như đã thấy, khiến phát sinh những biện pháp dễ dãi, mang lợi lộc hấp dẫn: Nhà nước đúc tiền kẽm, nhanh và rẻ hơn đúc tiền đồng. Võ Vương thực hiện điều ấy từ 1746 khiến hoạ hoạn xảy ra theo lí thuyết Gresham: “… Ruọng ở Phiên Trấn, Long Hồ không bị hạn lụt bao giờ…Thế mà từ năm Mậu tí (1768) tới nay (1770) giá thóc cao vọt, nhân dân đói kém… không phải vì thiếu thóc mà vì đồng tiền kẽm gây nên… Dân đua nhau chứa thóc mà không chịu chứa tiền (kẽm).” Có lúa mà dân đói. Hành động khởi đầu của nhóm Tây Sơn lúc xuống đồng là “lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo,” trong trường hợp cụ thể này là lấy thóc lúa tích trữ đem phân phát cho dân chúng, điều đó minh chứng cho lập luận của Ngô Thế Lân ở trên. Dân đói, buôn bán không được mà Các Lái thì tích trữ tiền bạc giàu có nên nảy sinh tham vọng lớn.
Và cũng không phải vì tình cờ mà cuộc khởi loạn lại xảy ra trên một phần đất của phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam. Lại cũng thêm một dịp để chứng minh không phải hễ đói nghèo là người ta làm loạn, và làm loạn như thế chắc chắn sẽ dẫn đến thành công. Phủ Quảng Ngãi “tiểu Đồng Nai” tưới ruộng bằng cả một hệ thống xe nước phức tạp, còn lưu giữ bằng sắc của Thái Đức, kĩ thuật đó có dấu hiệu là từ vùng Lại Giang kề cận, thuộc phủ Quy Nhơn, vùng đất hơn trăm năm trước có ông nhà giàu nuôi công thần Đào Duy Từ đem tiến cử cho chúa Nguyễn. Li Tana thấy An Khê liên hệ với nguồn sông Ba ở Phú Yên, là nơi có thể so sánh với Cam Lộ trong việc giao thương sâu vào bên trong rừng núi. Làm loạn mà không thành công thì chỉ là giặc cỏ, muốn vượt trên chừng mực ấy thì phải có tính tổ chức nền nếp. Cho đến gần đây, người ta vẫn dùng chữ “dân nẫu” nhạo báng, dành cho dân bốn tỉnh Nam Ngãi Bình Phú nhưng dồn dập chỉ định quyết xác nhất lại là dân Bình Định mới (1801), phủ Quy Nhơn cũ. Nẫu là biến dạng của chữ “nậu” chỉ một tập họp nghề nghiệp khai thác (nậu sáp vàng, trầm hương lấy lâm sản, nậu đánh cá, nậu làm ruộng…) vì thế mà thành đơn vị cư trú được chúa Nguyễn cải đổi thành thôn thuộc, làng xã. Ngôn ngữ lưu giữ hành vi xã hội, dân phủ Quy Nhơn – có thể lan một ít về phía bắc hoặc phía nam, được gọi là dân nẫu chỉ vì hình thức tập họp nậu ở đây đậm đặc nhất, nghĩa là một thứ dân có một nền tảng tổ chức tập đoàn chặt chịa nhất trong vùng. Đó đúng là cơ sở quần chúng được các lãnh tụ nổi loạn ước mong, tìm kiếm.
Lại cũng có thể nghĩ thêm một yếu tố khác nuôi dưỡng phong trào nổi loạn, ít ra là đã tạo ra sự thịnh vượng về trước trong vùng: Sự sản xuất và tình hình thương mại của loại sản phẩm gốm được nhà khảo cổ học lôi ra từ trong mịt mù và đặt tên là gốm Gò Sành, phát hiện trên đất Bình Định. Đó là loại gốm khởi đầu trên đất vương quốc Vijaya bởi nhóm người Tống lưu vong thế kỉ XIII, đã trường tồn qua các biến loạn bằng những cách nào đó với những người kế tiếp để sản phẩm của họ còn thấy trên thị trường thế giới có lẽ đến thế kỉ XVIII, trên các mộ táng ở Lâm Đồng bây giờ. Việc cửa biển Nước Mặn / Cách Thử được nhà nghiên cứu ngày nay (Đỗ Bang) cho rằng bị lấp vì nguyên nhân thiên tạo nhưng cũng có thể chính là do biến động của con người vào phần tư cuối của thế kỉ XVIII đang bàn ở đây. L. Barizy vẽ bản đồ trận chiến Thi Nại (1801) cho thấy cửa Nước Mặn đã bị lấp phần ra phía biển nhưng mươi năm trước đó người Anh đi ngang qua, thấy nó còn là một lạch nhỏ trong khi ở Bình Nam đồ 1774 thì nó mang dòng chữ “Nước Mặn hải môn thâm.” Không phải cửa biển thường mà là cửa biển “sâu”. Cửa biển đó đã bị lấp vì bỏ phế không dùng đến trong một thời gian dài, chứng cớ bị lấp vừa vặn với thời gian xảy ra biến loạn (1774-1801). Tình trạng bỏ phế ngay từ những năm khởi đầu của Tây Sơn có thể đã làm suy sụp gốm Gò Sành vốn sản xuất ở các vùng quanh thành Chà Bàn. Người ngoại quốc (Chapman 1778) nhớ lại thời thịnh vượng khi trông thấy Hội An điêu tàn, như thế thì cửa Nước Mặn ở ngay trung tâm biến động tất phải chịu đựng ảnh hưởng nhiều hơn, nhiều đến mức không gượng lại được. Cửa Thi Nại (thành phố Quy Nhơn ngày nay) “Thi Nại hải môn” – không có chữ “thâm”, trên vùng nước cạn dần, lại xa hơn về phía nam của nơi sản xuất Gò Sành. Nếu nó gượng lại được, cũng không coi đó là đường lưu thông lí tưởng nữa. Dòng gốm Gò Sành suy tàn từ các nguyên cớ phối hợp đó chăng?
Tuy nhiên biến động lịch sử là của con người, cho nên phong trào Tây Sơn có thành công trong việc lật đổ hai chính quyền Nam Bắc đang ngự trị thì cũng phải từ khả năng của những người cầm đầu: Anh em Nhạc, Lữ, Huệ. Họ là ai?
Gốc tích của những người vô danh, khuất lấp phải chịu mịt mù đã đành nhưng thật ngược đời, những người nổi bật cũng phải chịu mù mờ không kém. Anh em Tây Sơn quá nổi, nhất là trong thời gian hơn nửa thế kỉ qua, nổi đến mức gần như nói tốt gì về họ cũng là phải. Các huyền thoại tung hứng, xu phụ hướng về họ khiến cho những ý định lôi về sự thật bình thường của con người, của lịch sử được coi như là một sự báng bổ đáng căm ghét, làm “mang tội với dân tộc, đất nước.”
Sử quan Nguyễn, kẻ tiếp cận sít sao nhất của vấn đề cũng chỉ tìm được chứng cớ: “Tiên tổ (Tây Sơn) người Hưng Nguyên, trấn Nghệ An. Ông tổ bốn đời khoảng năm Thịnh Đức (1653-1657) bị quân ta bắt được, cho ở ấp Tây Sơn Nhất… Cha là Phúc dời đến ấp Kiên Thành… sinh ra Nhạc, Lữ, Huệ.” Chỉ có thế mà khi Hoàng Lê nhất thống chí thêm :”… dòng dõi Hồ Quý Li, cùng ngành với Hồ Phi Phúc…” thì ông Phúc của sử quan Nguyễn được ghép vào với Hồ Phi Phúc thành cha của anh em Tây Sơn, không nệ rằng ông Phúc nếu có họ Hồ, khi làm cha Nguyễn Huệ tất phải đến hơn trăm tuổi! Người đương thời, Bùi Dương Lịch, lao đao trong biến loạn, đầu phục phe này phe nọ vì bất đắc dĩ nên có thể công bình trong ghi chép hơn, đã xác nhận rằng “có một thổ hào… ở sách Tây Sơn trên phủ Quy Nhơn… Cụ tổ đi lính…” Nếu trở lại với chứng cớ của Chu Thuấn Thuỷ (1657), đúng vào lúc Nguyễn chiếm Nghệ An, thấy chúa Hiền cầu người văn học thiết tha đến mức không nệ sự hỗn xược của Chu, thấy sử quan Nguyễn kể về sự hấp tấp thu dụng những dân văn học bốc trời của Trịnh đến đầu hàng, thì biết không thể có chuyện bắt người họ Hồ Hưng Nguyên danh tiếng đem về đày ở vùng nay gọi là đèo Mang / Mang Yang / Cửa Trời! Mọi tô vẽ chỉ từ danh tiếng (về sau của) Tây Sơn, cụ thể là Bắc Bình Vương / Quang Trung Nguyễn Huệ mà thôi. Tổ tiên ông chỉ là một người bình thường bị quân Nguyễn “bắt theo dân” (Hoàng Lê…) Và có thể kể thêm chi tiết của Bùi Dương Lịch: “(thổ hào) tên là Đồng Toàn, sinh Đồng Phúc, (sinh?) Thư Nhạc chiếm cứ nơi hiểm yếu, xưng là trại chủ…” Có tên ông Phúc đấy. Không phải là họ Hồ kéo về trước đến Hồ Quý Li, về sau đến Hồ Xuân Hương, mà họ Đồng, cũng có thể suy đoán là lấy theo vùng đất “động”/”đồng” đầy dẫy trong xứ: đồng Cây Cầy, đồng Hươu… Tên mẹ của anh em Tây Sơn là Nguyễn Thị Đồng không rõ từ nguồn gốc sách vở nào nhưng chắc là suy đoán từ họ Đồng này. Và cũng nên xác nhận thứ tự của anh em họ thật dứt khoát. Nhạc là anh Cả, có thể thấy trong xưng tụng của quân sĩ: Thượng sư / Thầy Cả, Lữ thứ 7 (“Bảy” của Bùi Dương Lịch, “Đức ông Bảy” của giáo sĩ), Huệ thứ 8 (“Đức ông Tám” của giáo sĩ.) Tám anh em, còn sống 4 người, người thứ 4 trong chứng cớ của Bùi Dương Lịch hẳn là người chị, của sử quan, đi viếng tang Huệ năm 1792. Không có anh Hai Trầu, chú Ba Thơm, thầy Tư Lữ gì ráo trọi!
Nhạc làm biện lại đất Vân Đồn, tiêu lạm tiền thuế nên túng cùng làm loạn, theo lời sử quan. Không cần phải là người xưng tụng cuộc “cách mạng” này, người ta cũng thấy điều đó không đúng. Tổ chức thu thuế ở Đàng Trong cho thấy tiền của rơi rớt rất nhiều cho các thổ hào, quan lại địa phương cho nên ông biện lại đất Vân Đồn giàu có, giao du rộng rãi không phải là điều lạ. Chứng nhân ngoại quốc (Jh. White) nhận ra Yin Yac buôn bán lớn lao với người Thanh, người Nhật. Sự giàu có ấy có vẻ không phải chỉ xây dựng từ đời Nhạc mà cả từ người cha, theo sử quan cho biết có sự dời đổi nơi cư trú xuống đồng bằng trung lưu sông Côn, con sông huyết mạch chuyển hàng qua cửa Nước Mặn từ rất xa đời. Sử còn kể ra những hào phú khác từ lúc khởi đầu: Huyền Khê, Nguyễn Thung, các toán “cướp” ở nguồn An Tượng trong vùng: Tứ Linh, Nhưng Huy. Theo chiều biến động thì sẽ có sự phân hoá như việc giết nhóm An Tượng, Nguyễn Thung, đuổi Tập Đình, bỏ Lí Tài nhưng nhìn vào tập họp khởi loạn thì rõ ràng là đủ thành phần: thiểu số Thượng, Thanh và người Việt đồng bằng. Vì thế khởi đầu của loạn quân mang một dáng dấp tôn giáo thần bí mà người ta dễ bỏ lơ. Nguyễn Nhạc được loan truyền lấy được cây gươm thiêng (của vua Lửa), được xưng tụng là “Thượng sư / Thầy Cả.” Người em thứ bảy cũng mang danh Pháp sư / Đại pháp sư toàn Đàng Trong (“Prêtre / Grand prêtre de toute la Cochinchine” – Jh. White) chứng tỏ có cả một hệ thống mang tính tôn giáo trong phong trào Tây Sơn. Tên Tứ Linh cũng có dáng dấp thần bí (long, li, quy, phượng.) Cho nên họ mang màu đỏ thần thánh đó trên lá cờ, sắc mũ áo, lấn lướt trải dài Nam Bắc cho đến cuối đời. Toán quân Thanh phù trợ lại là một dạng hình khác từ các hội kín Trung Quốc. Người lính Tây Sơn độc nhất được ghi lại trong sổ tay người ngoại quốc tuy dáng vẻ cứng rắn hơn nhưng lại trông như một ông Sãi Cả Chàm, như dấu hiệu liên kết còn lại từ ngày đầu với vị nữ chúa Thị Hoả trên đất Phú Yên. Và cứ thế là họ tràn xuống đồng sau hai năm chuẩn bị trên rừng mà triều chúa không hay biết vì còn bận tâm giải quyết vấn đề nội bộ, hay chỉ vì nhìn các rối loạn kia như những rắc rối trước mắt ở khắp nơi mà thôi.
Tranh chiếm vùng quê ngoại
Từ đầu tháng 4-1773 họ tung hoành dưới đồng bằng Phú Yên và nam Quy Nhơn, đủ thành một thế lực đánh động đến Phú Xuân, thúc đẩy thêm tranh chấp ở đấy khiến Nội tả Nguyễn Phúc Văn tưởng có cơ lật được Trương Phúc Loan nhưng rốt cục thất bại. Trận đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn (9-1773) của Tây Sơn là đòn quyết định thử thách quyền bính họ chúa và khả năng loạn quân. Tiếng đồn liều lĩnh về mưu mô cướp thành còn được loan truyền mãi về sau, vọng đến tai ông Tham quân Lê Quý Đôn: “(Nguyễn Văn Nhạc) phá ngục cho tù ra…” Tuy nhiên cho đến lúc này thì vẫn chưa thấy một lí tưởng chính trị – hay một ý hướng lí tưởng cụ thể nào được thành hình. Có thể là Giáo Hiến, người trốn chạy đến đất Kiên Thành dạy anh em Tây Sơn, đã mang đến cho họ một ít hình ảnh về thế giới bên ngoài đồng ruộng, rừng núi của họ nhưng không thể khiến họ hình dung ra cuộc sống phức tạp của một triều đình đang có tranh chấp. Bởi vì, lúc đầu họ chỉ chứng tỏ là những người nổi loạn với lời kêu gọi mơ hồ “vâng mệnh Trời và tuân lệnh Đức Thượng sư” cứu dân… như bất cứ đám bạo loạn nào khác có ước vọng lớn. Xuống đồng, mở rộng quyền lực, thu nhận được những nhân vật đầu hàng hay bất mãn của triều đình thì những toan tính to lớn mới xuất hiện ra càng lúc càng rõ rệt, và họ cũng có đủ tự tin để hướng dẫn tình hình có lợi cho bản thân. Sự phân biệt rành rẽ “Quân Triều: quân Quốc phó / Quân Ó: quân Hoàng tôn” phải có thời gian và địa vực mới thành hình. Và trên đường tiến chiếm quyền lực, tuy Tây Sơn có thu được một vài thắng lợi nhưng hẳn không ngờ kẻ giúp họ thêm một bước đi đến thành công lại là những người họ chắc chưa từng nghe đến: quân Trịnh ở Đàng Ngoài.
Lớp quan binh chiến thắng thuộc thế hệ 40 của Đàng Ngoài đã làm đà cho những người dưới quyền bính một ông chúa mới (Trịnh Sâm 1767) mở rộng quyền lực đánh dẹp, không chỉ ở trung châu mà lan ra cả vùng ngoại biên: dẹp Hoàng Công Chất ở tây bắc (1769), Lê Duy Mật ở Trấn Ninh, lấn đất Lào (1770). Tin tức rối loạn từ Đàng Trong đưa ra cho Trịnh Sâm thấy có cơ hội cử Hoàng Ngũ Phúc lãnh quân tiến vào, cuối năm 1774. Quân vượt sông Gianh, thấy luỹ Trấn Ninh mở cửa đầu hàng, rêu rao chỉ trừng trị Trương Phúc Loan nhưng rồi tiếp tục chiếm đô thành Nguyễn, đuổi triều đình họ vào Quảng Nam, chịu kẹp giữa quân Tây Sơn đang tiến ra. Tình thế đó khiến gây thêm phân rã. Mất quyền mất tính chính thống, Phúc Thuần (Duệ Tông) phải chịu lập Nguyễn Phúc Dương “Hoàng tôn” lên làm Thế tử, chia triều đình thành hai phe rõ rệt. Phúc Thuần tự thấy trở thành người thừa nên tìm cách lên thuyền chạy vào nam, để Phúc Dương ở lại chống cự như đúng với danh nghĩa chính thống lúc này. Thế là Tây Sơn có cái đích trước mắt để tuyên dương với dân chúng. Nhóm phù trợ Hoàng tôn Dương bị khuất lấp trong biến động nhưng cũng tỏ ra hoạt động khá tích cực trong tình thế hạn hẹp của mình. Họ tìm cách chiêu dụ một toán quân của Tây Sơn đến “rước” Hoàng tôn, gây mâu thuẫn trong hai cánh Tập Đình, Lí Tài, còn nhân vật chính của phe Dương, “Ngoại tả” Nguyễn Phúc Tĩnh thì đứng hẳn về phía Tây Sơn chiêu dụ binh dân ở Quảng Ngãi. Thế lực Nguyễn yếu ớt như thế nên rốt lại trên chiến trường Quảng Nam chỉ còn có Tây Sơn và quân Trịnh.
Trận đụng độ ở Cẩm Sa (5-1775) thắng Tây Sơn không giúp quân Trịnh khai thác thêm thắng lợi vì thiếu ý chí chiếm lĩnh. Quân Trịnh vốn đã là rách rưới dưới mắt quân Nguyễn, lại đến một vùng vừa gặp đói đến nỗi “người ăn thịt người,” lính phải chết vì dịch tể nhiều hơn vì đánh trận. Tướng lĩnh như Hoàng Ngũ Phúc thì đã già, chí tiến thủ không còn, biểu lộ trong lời tường trình cho Trịnh Sâm trước khi chết trên đường thu quân về Thuận Hoá. Như thế Sâm ở Đông Kinh cứ an tâm hưởng thụ tiền của vơ vét từ kho tàng Đàng Trong, trần truồng đàn hát trên hồ Tây, không màng đến việc quân Tây Sơn có cơ hội rảnh rang xây dựng lực lượng đi thanh toán một triều đình đang trên đà phân rã.
Cái thế dùng dằng tôn phù Hoàng tôn Dương giúp cho Nguyễn Huệ đánh trận Phú Yên, đầu tiên thắng quân Ngũ Dinh của Tống Phước Hiệp, lực lượng lớn tập trung sức mạnh của phần đất chưa suy suyển phía nam của Nguyễn. Sự kiện đó mở đầu cho những cuộc tranh chiến dằng dai trên đất đồng bằng phương Nam, vốn cũng không phải chỉ có các thế lực chính trong vùng dòm ngó. Chúng ta thấy đầu năm 1776, Nguyễn Lữ đem quân đánh Gia Định dựa trên tình hình lực lượng mạnh của Nguyễn đang dồn hết về phía Phú Yên. Cuối năm đó Nguyễn Phúc Dương trốn từ Quy Nhơn vào, càng đem thêm chia rẽ trong họ nhà chúa. Đỗ Thanh Nhân và Duệ Tông một bên, Lí Tài và Dương, lúc này là Tân Chính Vương phía bên kia, là mồi ngon cho Nguyễn Huệ đem quân vào lùng diệt khiến họ Nguyễn hoàng tộc lớp lớn chỉ còn một cậu bé 15 tuổi: Nguyễn Phúc Ánh.
Dù sao thì đó cũng là một may mắn cho họ Nguyễn bởi vì từ nay các nhân vật thụ ơn triều cũ, các thế lực địa phương, anh hùng thảo dã muốn dương danh trong thời biến loạn đã có thể tập trung vào chỉ một người để phục vụ, để tôn phù theo một tương lai đầy trắc trở, không hẳn đã thấy được sự thành công ngay trước mắt. Sau khi các nhóm Nguyễn, trong đó có Đỗ Thanh Nhân nổi bật, chiếm lại Sài Gòn, Nguyễn Ánh được tôn xưng làm người kế nghiệp triều chúa, không phải chỉ với danh nghĩa tượng trưng mà là người chỉ huy toàn cục: Đại nguyên suý Nhiếp quốc chính (1778).
Là lực lượng chính trên vùng đất chỉ mang danh nghĩa Nguyễn chưa đầy một thế kỉ, quyền lực Nguyễn Ánh vẫn phải chịu dấu ấn nặng nề của quá khứ và những phân hoá trong hiện tại. Cho nên lối tổ chức Tứ trụ vẫn còn xuất hiện với khuyết điểm cũ là thực quyền trong biến loạn lại có khuynh hướng về tay chỉ một người. Nhưng Ngoại hữu Đỗ Thanh Nhân, với thanh thế quân Đông Sơn phù trợ bên ngoài, vẫn không đủ sức cứu vãn thân xác (khoảng tháng 4-1781) bên trong một triều đình tuy mới mà đầy những lực lượng cũ, vì chính ông, lúc đầu xuất hiện trên chính trường theo Duệ Tông chạy giặc, chỉ mang một cái tên trống trơn, không thấy kèm một danh vị nào cả (gốc chỉ là Cai đội.) Danh xưng Đông Sơn mang ý nghĩa bùa chú, phong thuỷ để chống với danh hiệu Tây Sơn, cũng là một biểu hiện lạc loài trong một triều chính kiểu Nho Giáo. Rồi cũng chỉ “người mới” Chu Văn Tiếp lấy lại Sài Gòn trong tay Tây Sơn mà không đủ sức chống cự với lực lượng Tây Sơn ào ạt tấn công tiếp theo, quyết liệt truy đuổi đến cùng (1782, 1783, 1785). Những cuộc trốn chạy trên đồng bằng, biển khơi, hải đảo trong một chừng mực nào đó đã đem thanh thế Nguyễn Ánh lan toả khắp vùng, giúp thu thập các tướng lục lâm, quân đầu hàng, cướp biển Thiên Địa Hội, Mã Lai (Vinh Li Ma.) Và điều quan trọng có ảnh hưởng lớn về sau là việc tiếp xúc với các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo, nhất là với Giám mục Bá Đa Lộc.
Cái thế nhờ cậy quân Xiêm cũng là điều không thể tránh khỏi vì họ cũng là một lực lượng đang lên, đang hướng bành trướng về phía đông. Cho nên đến lúc Nguyễn thua thì Tây Sơn thành một yếu tố cản trở quyền lực của Xiêm và do đó, Nguyễn lại là đồng minh của họ. Với hồi mở đầu liên lạc với Nguyễn Hữu Thuỵ có tác động trong việc Rama I lên ngôi (1782), với mối liên hệ lâu dài giữa Mạc Thiên Tứ và quân Xiêm, Nguyễn Ánh được lôi vào Xiêm để được “giúp đỡ.” Thế là quân tướng Nguyễn được trở về xứ nhưng chỉ là nương nhờ vào một lực lượng lớn quân Xiêm dưới quyền hai tướng Tăng, Sương, cho đến khi họ tan tác ở Rạch Gầm Xoài Mút (1-1785). Nguyễn Ánh phải lên đường lưu vong thật sự để Tây Sơn nghĩ rằng có thể chiếm lĩnh xứ Gia Định một cách toàn vẹn dưới quyền một người: Đức Ông Bảy Nguyễn Lữ, con người mang khuynh hướng thần bí, chắc lúc này mới là đúng với danh hiệu “Đại Pháp sư của toàn Đàng Trong.”
Lịch sử Tây Sơn, rốt cục là lịch sử của một phe chiến bại cho nên hoạt động của họ chỉ được nhìn theo biến động của phe Nguyễn thắng trận mà thôi. Do đó ta không thấy ra rõ rệt có sự thay đổi nào của họ đã dẫn đến những trận xua đuổi quân Nguyễn, va chạm đến các lực lượng họ chưa từng nghĩ tới như chiến hạm Tây Phương hay quân chính quy của Xiêm La. Mọi công tích có vẻ như dễ dàng giải thích bằng cách trút cho ông Nguyễn Huệ tài ba của các trận chiếm đất Bắc, thắng Đống Đa về sau. Sự thực chắc không giản dị như vậy. Đúng ra thì quân nổi dậy cũng có những hành động khác thường mà một toán quân chính quy của thời bình không thể nào làm được. Như Tống Phước Hiệp dẫn quân (gồm cả)Năm Dinh đóng ở Phú Yên mà bị một chàng thanh niên 23 tuổi dẫn các trai làng vượt đèo Cù Mông đuổi chạy về phía nam đèo Cả trong lúc một người chỉ huy khác hẳn cũng gốc ruộng rẫy, đi rừng, hẳn cũng chừng ấy tuổi, ở cách xa nơi cỗi gốc hàng ngàn dặm, đã đem chỉ 50 người lính “khoẻ mạnh,” vượt trên đồng lầy, sông rạch mênh mông, xa lạ đến tận quân dinh của Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ, đưa thư dụ hàng! Người thứ nhất còn lại trong lịch sử, là một danh tướng, người thứ hai chỉ là Cai đội / Đội trưởng (đội gồm 50 người) xuất hiện khuất lấp có một lần…
Tuy nhiên qua ghi chép của kẻ chiến thắng ta cũng có thể thấy một vài tình thế của Tây Sơn phải chịu đựng trong phát triển. Cuộc tấn công đầu năm 1776 của Nguyễn Lữ chỉ là một hành động lấy lương thực, để giải quyết tình hình đói kém trong vùng và được gợi ý từ việc cướp thuyền lương ngoài khơi Quảng Nam của Mạc Thiên Tứ gởi giúp Duệ Tông. Các cuộc tấn công theo những thời điểm tuần hoàn có giới hạn, đánh vào rồi rút ra, chỉ để một lực lượng nhỏ đóng giữ, chứng tỏ Tây Sơn còn phải lệ thuộc vào mùa gió và chưa đủ vững tin nơi vùng căn bản của mình. Trong tình thế đó thì Nguyễn lại không dễ gì bị bật gốc khỏi Gia Định.
Nguyễn Khoa Thuyên bị rượt đuổi, bỏ đất Gia Định về đầu Lê Quý Đôn đã cho ông tham quân biết rằng đất Gia Định có quân địa phương rất nhiều. Tính chất phức tạp về mặt thành phần chủng tộc, về phương thức khai thác trên một vùng đồng bằng rộng lớn, hoang vu khiến đất Gia Định vẫn là nơi bất an của bất cứ chính quyền nào – cả về sau khi Nguyễn thống nhất. Võ Văn Lượng giàu có cá mắm, tức giận quân Tây Sơn vào cướp, ăn không hết còn ỉa vào tài sản của mình nên tự lập ra một thế lực Lương Sơn Bạc, nuôi dưỡng một Tống Giang của thời mới, cung cấp cho Nguyễn Ánh một vị tướng tận trung đến lúc chết: Võ Tánh. Cho nên ta chỉ có thể nghĩ rằng trong các năm Nguyễn xây dựng ở Gia Định (1780-82), Tây Sơn cũng đang tập họp lực lượng ở Quy Nhơn, chờ cơ hội tràn vào khi Nguyễn gặp rối loạn vì vụ Đỗ Thanh Nhân. Có điều chi tiết xây dựng như thế nào thì ta hoàn toàn không biết.
Những viên tướng Tây Sơn nổi lên lúc này có khi không thấy xuất hiện lần thứ hai, chứng tỏ họ là những nhân vật bất chợt của thời thế, may mắn kéo dài danh vọng thì mới rõ gốc chăn trâu như của Nguyễn Văn Trương chẳng hạn. Cô em Chu Văn Tiếp nếu không có anh là đại công thần của Nguyễn Ánh thì không giữ được tên Đậu và danh tiếng Chu Muội nương (“Cô họ Chu?” “Cô em ông Chu?”)! Những Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy của lúc khởi đầu, những Đô đốc Long/Mưu, Đô đốc Bảo một lần vang danh chỉ có thể hiểu được là những cựu tướng cướp, đầu nậu, trai làng, loại “phu quét chợ, lính đẩy xe” (Phan Huy Chú)… quanh quẩn vùng Quy Nhơn. Quyền bính đổi thay thường xuyên khiến có kẻ chạy qua chạy lại, khuất lấp phía Tây Sơn nhưng nổi bật phía Nguyễn như Huỳnh Đức, trốn từ đất Nghệ An xa lạ trở về được mang họ của chúa, như Nguyễn Đức Xuyên, thân thuộc của Nguyễn Ánh, như Trương Tấn Bửu, Phó Tổng trấn Gia Định khi Jh. White gặp năm 1819. Cho nên sự việc xuất hiện đều đạn và lâu dài ở những chức vụ lớn của những nhân vật họ Phạm, trong đó có Hộ giá Phạm Ngạn vì bị giết đã gây nên cuộc tàn sát kinh hồn người Hoa trên đất Gia Định (5-1782) khiến ta nhận ra ngay từ lúc này, rằng thực lực Tây Sơn, ngoài ba anh em, đã phải dựa vào liên hệ hôn nhân với các họ khác, với họ Phạm để phát triển. Tình thế chênh vênh đó là một nguy cơ sụp đổ tiềm ẩn của sự nghiệp anh em nhà họ.
Tình hình giao tiếp giữa năm 1778 của Nguyễn Nhạc với thương nhân Chapman cũng cho thấy Tây Sơn chưa thể kì vọng gì vào những yếu tố thay đổi đến từ bên ngoài. Hội An bị tàn phá, cuộc điều đình với Chapman cho thấy kiến thức của Nguyễn Nhạc không chỉ là của anh biện lại nơi góc núi nhưng kết quả không đi đến đâu. Sức mạnh của Tây Sơn hẳn chỉ gom góp từ lực lượng tịch thu của Nguyễn chuyển về một tập đoàn nổi dạy đang trên đà phát triển dữ dội mà thôi. Nguyễn Nhạc đã vào đóng trong thành Chà Bàn, tuy hoang phế nhưng cũng là một thành luỹ, còn hơn phủ thành của Nguyễn Khắc Tuyên chỉ có nhà tranh tre lá. Thành luỹ đó đủ cho Nguyễn Nhạc mở rộng thêm để đủ uy nghi xưng đế, lấy niên hiệu Thái Đức (1778), lên thay thế dòng họ ông vừa tiêu diệt một năm trước. Các cuộc lấn chiếm, truy đuổi tàn dư họ Nguyễn khiến Nguyễn Ánh phải sống lưu vong, nương nhờ người Xiêm vốn “sợ Tây Sơn như sợ cọp,” giúp Nguyễn Nhạc toan tính thực hiện thu hồi phần đất của phía “ngoại” ông, phần của chúa Nguyễn đang còn trong tay quân Trịnh, như ông đã từng thố lộ với Chapman. Ước vọng sẽ thành nhưng không ngờ lại đem đến một lối rẽ mang cả định mệnh của họ đi theo một hướng khác.
Nếu không có Nguyễn Hữu Chỉnh?
Cuối tháng tư âl. năm Bính ngọ (1786) quân Tây Sơn tiến phát dưới quyền Nguyễn Huệ chiếm được kinh thành Huế ngày 14-6-1786. Đi theo quân có Hữu Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh, tướng cũ của Trịnh.
Nguyễn Hữu Chỉnh từng được Hoàng Ngũ Phúc sai vào Quy Nhơn phong chức cho Nguyễn Nhạc (1775) khi Phúc không còn có ý đi xa hơn. Sự kiện nhỏ nhoi khuất lấp này lại dẫn đến hậu quả lớn về sau chỉ vì những hình thức ngoại giao phe phái đã diễn ra giữa những người cùng một chừng mực sinh hoạt quen thuộc với nhau. Nhờ chuyến Tây Sơn ra Bắc, chúng ta mới được các giáo sĩ cho biết có một lớp người Các lái phải sạt nghiệp vì biến loạn: “thuyền, thóc, tiền sạch cả,” (tiếng Việt.) Số lượng họ không ít: có đến 3000 người ở vùng cửa Bạng xứ Thanh. Số tiền của Hoàng Ngũ Phúc vay mượn để khởi đầu sự nghiệp hẳn là từ những người như ông cha Nguyễn Hữu Chỉnh, buôn muối giàu có, đem ông con đỗ Hương cống vào làm thư kí, phục vụ cho ông quan thị lúc đã trở thành danh tướng của Trịnh. Quan dựa vào nhà buôn để làm giàu, tăng thế lực, thương nhân dựa vào quan để tìm danh vọng là chuyện bình thường nhưng khuất lấp trong sử sách. Giỏi thuỷ chiến, cai quản thuỷ quân là dấu vết dân buôn miền biển, từ đó Chỉnh có tầm mắt rộng rãi về cuộc sống. “Thiên hạ vạn nước, lo gì không có chỗ đi,” đó là lời Chỉnh khi phải tránh vạ quân Tam phủ lật đổ Trịnh Cán, lập Trịnh Khải, giết Hoàng Đình Bảo, chủ ông (1782). Dưới mắt ông, trật tự cũ không có chút giá trị gì như khi ông tha tội cho ông nghè (tiến sĩ 1775) Phan Huy Ích, “thầy đồ nói khoác,” từng đòi bắt ông nhốt vào cái trống làm sẵn. Vì thế không lấy làm lạ rằng khi rời bỏ xứ Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh đã tìm vào Quy Nhơn. Hai lớp người Các lái của hai phương trời gặp nhau, Chỉnh mới có đúng chỗ để “ngày đêm vì giặc bày mưu thiết kế.”
Nguyễn Nhạc vượt khỏi sự ngần ngại quyết đánh Phú Xuân nhờ có Chỉnh móc nối, nắm đúng tình hình quân tướng Trịnh để đi đến chiến thắng. Quân Tây Sơn đã đắp luỹ Thầy thêm cao để ngăn quân Đàng Ngoài, toan tính lập lại thế phân tranh cũ nhưng cuối cùng lại ào ạt tuôn tràn ra phía Bắc cũng vì Nguyễn Hữu Chỉnh cho rằng “Chỉnh đi (thì ngoài đó) là cái nước trống không… tướng trễ binh kiêu, triều đình không kỉ cương.” Nói về bản thân thì có huênh hoang nhưng nói về tình hình chính quyền Trịnh thì không gì đúng hơn. Kiêu binh đã làm tan nát chính quyền trung ương vì từng hãnh diện “đã lập chúa còn lập vua.” Vậy mà lực lượng đó chỉ là một nhóm hỗn loạn không có ai cầm đầu. Quân thế Tây Sơn tiến ra ào ạt, nỗi tức giận kẻ phản bội vẫn không làm mất lòng người ngưỡng mộ uy danh: “Âu cũng là việc hơn đời!” Thế cho nên niềm trung trinh bấp bênh từ lâu phải ngập ngừng giữa vua và chúa, khi bó hẹp vào chúa Trịnh của ông quan Lí Trần Quán, đã khiến anh tuần làng quyết định nạp chúa cho giặc, theo thực tế sống: “Quý chúa không bằng quý thân.”
Mối lo của Hoàng Ngũ Phúc về quân Tây Sơn đã trở thành sự thật. Quan dân Đàng Ngoài lần đầu tiên nhận ra: “Xưa nay chưa từng nghe toán giặc nào như toán giặc này.” Viên sứ Trần Công Xán biết ra đi là chết, chỉ mới nhìn được sức mạnh ào ạt của quân thù nhưng những người có mức độ tiếp xúc gần gũi, lâu dài thì ngoài sợ hãi còn có cả ngạc nhiên xen lẫn miệt thị, về một loại “người” khác. Đó là một tập họp hỗn độn “những người Mường, Man di và các người mọi khác như Cao Miên, Cambien (?) và Xiêm…” Quân tướng chui rúc ở các chùa, vứt lăn lóc các tượng thần phật không ngại ngùng gì hết, bởi vì không phải thần của họ! Các giáo sĩ thấy họ không lấy gì của người địa phương, ăn cơm không muối, ngủ ngoài trời, không làm phiền đến dân chúng. Bùi Dương Lịch đã ngạc nhiên thấy họ “nói năng, ăn mặc toàn khác lạ, coi thường trời đất đến nỗi gọi nhau bằng ‘cha’.” Không có bằng cớ nào tỏ rõ hơn về sự đụng độ của những người chung một tiếng nói mà khác sinh hoạt văn hoá đến như thế. Cho nên cũng Bùi Dương Lịch ngậm ngùi với cảnh “nơi áo mũ ngàn xưa thành cỏ rác”, cũng như chắc đã chứng kiến cảnh Trần Quang Diệu, trấn thủ mới nơi xứ Nghệ của ông, bảo đem đồ cúng đổ cho chó ăn vì “chó có ích hơn thần Xã tắc!” Chiến thắng Đống Đa sấm sét ngày sau không kịp cho mọi người thấy sự khác biệt của một Tôn Sĩ Nghị đợi ăn Tết rồi mới xuất quân trong lúc Quang Trung kéo quân đi vào cả đêm Trừ tịch.
Trên cấp bực cao, ta thấy Nguyễn Hữu Chỉnh đưa Nguyễn Huệ vào yết kiến Hiển Tông, ông vua già qua gần 40 năm không phải lo sợ bị giết nữa mà bận tâm hơn đến việc mất ông chúa lo chuyện nước non thay cho mình. Và cú sốc văn hoá cũng hiện ra y hệt ở lớp người dưới. Chút danh nghĩa Phù Lê diệt Trịnh chắc không có bao nhiêu trong đầu viên tướng chiến thắng hẳn còn nhớ chuyện Hoàng tôn Dương mới mười năm trước. Phía triều đình có kỉ cương lâu ngày với cấp bực chức sắc hào nhoáng thì tưởng chức Đại nguyên suý đem tuyên phong kia là đủ làm thoả mãn người khách lạ – mà thực ra thì vua Lê cũng chẳng còn có gì khác hơn. Cho nên ta thấy ông tướng nổi giận bởi vì chức tước, quyền lực là tự bản thân ông làm ra, tạo nên, cướp lấy, không phải đợi ai ban xuống. Những ngày sau, khi Thái Đức ra đến Đông Kinh, người ta chứng kiến cảnh ông vua anh và ông quan em, ăn nói “y như anh em các nhà thường dân.” Ngày sau, khi đã đánh nhau gần chết thế mà một người qua đời, ông anh cả vẫn dắt em gái đi viếng tang em. Vì thế tuy không bằng lòng với chức quan của vua Lê nhưng ông tướng lại chịu làm rể ông già họ Lê, để xem thử gái Bắc ra sao. Chuyện chăm lo tống táng ông nhạc, chịu lập Chiêu Thống là theo tương quan gia đình mà lại giải quyết êm đẹp vấn đề chính trị lớn, giải quyết mối giao tiếp giữa hai triều đại, hai Nước mà chuyến hộc tốc ra Bắc của Nguyễn Nhạc đã tạo dịp dàn bày với nghi lễ cụ thể. Quân Tây Sơn rút về Nam đêm 31-8-1786, không phải chỉ vì sự hục hặc chưa thành hình của hai anh em người cầm đầu mà chính vì danh phận đã định kia giữa Tây Sơn và Lê. Họ bỏ lại Nguyễn Hữu Chỉnh phía sau, như cách giải quyết một hệ luỵ đã lôi cuốn anh em họ vào một tình thế phức tạp mới nhưng không ngờ vẫn phải bị lôi cuốn vào hướng tiến vẽ ra từ con người đầy tham vọng kia, ngay cả khi tiêu diệt được kẻ gây phiền bực ấy.
Bởi vì chuyện bất ngờ đã nổ lớn, gây ngạc nhiên không phải chỉ với những chứng nhân đương thời mà còn tạo niềm hi vọng cho nhóm người tòng vong theo ông chúa trẻ đang rên rỉ than khóc ở xứ người. Anh em Tây Sơn đánh nhau từ tháng 2-1787, dữ dội hơn ba tháng, kéo dài đến cả năm với việc giết Nguyễn Văn Duệ từ Nghệ An đi vòng về trấn Quảng Nam (3-1788). Người đương thời cho rằng chiến tranh xảy ra vì việc chia không đều chiến lợi phẩm của Trịnh Lê nhưng có thể xem như là do mâu thuẫn phát triển ở nơi hai con người đang nắm tình thế. Vinh quang của chiến thắng trên một xứ nghèo nàn chưa đưa đến cuộc sống cao sang để kịp đổi thay tâm tính nên Nhạc vẫn còn nhớ chức Biện lại vừa qua, không nổi cơn lôi đình sấm sét khi dân Nghệ An không khấu đầu lạy tâu Hoàng đế với ông mà chỉ khúm núm tôn xưng “quan lớn” thôi. Cho nên hẳn là đúng sự thật về việc ông sai người đòi chia vàng bạc của Huệ lấy từ Đông Kinh. Nhưng viên tướng trẻ 34 tuổi vừa chứng tỏ khả năng đi chiếm một nước của mình, vừa được nâng lên làm rể một dòng họ cao sang hơn 300 năm, ông ta còn nhiều tham vọng, không thể chia xẻ sự co rút của ông anh già “cầu an, ham dật lạc,” được Chiêu Thống ngỏ ý nhường đất mà không dám nhận. Trước khi đi đến đánh nhau, đã có tranh chấp bằng lời lẽ gay gắt vì sự khác biệt quan điểm ấy nên lời hịch mắng anh đã có chữ “khinh suất, can không nghe.” Rồi cuối cùng có sự chia cắt vùng đất chiếm được, như anh em các nhà bình dân khác chia phần ruộng tạo mãi chung. Nhạc ở giữa làm Trung Ương Hoàng đế, Lữ kém tài, cho sao hay vậy, lãnh vùng phía nam đầy khó khăn, làm Đông Định Vương, và Huệ làm Bắc Bình Vương trên kinh đô Phú Xuân.
Sự phân chia rõ là theo tính hình thực tế của các thế lực nhưng lực lượng Tây Sơn yếu nhất ở Gia Định, là miếng mồi ngon cho Nguyễn Ánh quay trở về lập căn cứ mà không phải lo đối đầu trực tiếp với lực lượng mạnh nhất xa tận phía bắc. Nguyễn Nhạc bị em bức bách đến phải kêu khóc cầu hoà nên mất tinh thần, không còn sức gượng dậy để đi cứu ứng phương Nam, lo chống đánh khi Nguyễn Ánh còn chông chênh ở Gia Định. Nguyễn Hữu Chỉnh lúc đang loay hoay ở xứ Nghệ, tìm cách tránh né cả những tập họp nhỏ nhất tìm giết, hẳn không ngờ rằng mình đã gây nên sự điên đảo cho Tây Sơn, ảnh hưởng cả đến hồi tàn cục của họ.
Cái thế ứng biến để vượt lên trên tình thế khó khăn của Nguyễn Hữu Chỉnh rõ là không thể có nơi một anh nông dân ôm ruộng, lo xâu, hay của một ông quan kinh sử làu thông bàn chuyện Nghiêu Thuấn. Lê không nắm quyền cả hàng trăm năm nên rời Trịnh ra là thấy cái nước trống không, không quyền bính, không tiền bạc. Cho nên Trịnh trở về, mà lại là loại bèo bọt nên Chỉnh chỉ dùng gia binh và một danh nghĩa tôn xưng là chiếm được quyền hành. Rủi cho Chỉnh, là vẫn còn có Nguyễn Huệ. Vũ Văn Nhậm được Huệ phái đi đánh, Chỉnh thua chạy về cung than khóc: “Blời ơi, nhà Lê đã mất rồi,” bị bắt rồi bị giết, đẩy Lê Chiêu Thống lên đường lưu vong. Tương quan Thiên triều / phiên thuộc kéo dài nhiều trăm năm đem lại lí do nhờ cậy của Lê, và “chính nghĩa” can thiệp của Càn Long. Thế là quân Thanh dưới quyền Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị với số quân thường được cho là khoảng hai mươi vạn tiến sang Đông Kinh, lấy ngôi lại cho Lê, đẩy tập họp Tây Sơn lùi về chặn ở yết hầu Tam Điệp, chờ tiếp viện.
Người ta đã nói nhiều, quá nhiều đến trận chiến thắng thần tốc này, đúng ra là cả một chiến dịch mà danh xưng gom lại mang tên Đống Đa, tiếc thay lại không xác định, chỉ vì dính dáng tới cái gò cùng tên độc nhất còn lại, cái gò vùi lấp xác tử sĩ muộn màng về sau. Đã vướng vào sự tranh chấp của các phe Trịnh Lê thì Nguyễn Huệ phải lo giải quyết các vấn đề của Đàng Ngoài, đến mức độ gây xung đột với nước lớn phương Bắc mà biến động lại cũng sẽ diễn ra y hệt như hàng trăm năm trước, với một thế giới mà Tây phương chỉ mới mon men chen vào.
Nguyễn Huệ xưng Đế, lấy niên hiệu Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh tan quân Thanh với trận chiến được coi là quyết định xảy ra ở Ngọc Hồi ngày 5 tháng Giêng Kỉ dậu (30-1-1789). Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín để đào thoát, tiếng đồn bại trận khiến dân chúng bên kia đường biên giới bỏ chạy, làng xóm vắng ngắt. Chiến thắng rõ rệt và dứt khoát khiến cho người ta thường không tìm hiểu xem chi tiết biến chuyển, tương quan quân lực, kể cả sự tình hậu chiến như thế nào. Chỉ có những lời tâng bốc thán phục, vẽ vời thêm cho chiến thắng, ai chen vào một ít khác lạ thì dễ bị ghép tội không yêu nước ngay.
Trong tương quan quân số, ngày nay người ta cũng không bằng lòng với số lượng 20 vạn của sử quan đưa ra mà đẩy lên đến 29 vạn, con số của tranh chấp phe phía đương thời, gần với số 30 vạn của giáo sĩ. Phản ứng ngược lại của những người chống đối thì lại nhận con số quá ít, một số lượng khá vô lí khi nghĩ đến một chiến dịch bên ngoài biên giới. Thật ra nhìn vào thành phần quân chính quy của tướng triều đình, phần dân binh các địa phương, thiểu số (Sầm Nghi Đống), quân ô hợp từ các xưởng mỏ biên giới, nhìn cách thế thu xếp một người phu cho một người lính… thì thấy ra số lượng không nhỏ trong lúc hiệu quả lại không thể lớn theo số quân đi. Tôn Sĩ Nghị lo đề phòng hai ưu thế của địch là voi và hoả hổ nhưng lâm trận rõ ràng các biện pháp ấy không có hiệu quả. Quân tượng dũng mãnh hơn Nghị tưởng. Người lính Tây Sơn trên tấm hình còn lại đã mang súng tay, tuy không hẳn như loại ngày nay nhưng không phải chỉ là “ống phun lửa làm cháy áo quần.”
Về phía Tây Sơn, ta cũng không thể hình dung nổi tính chất chịu đựng của sức người phải di chuyển trên khoảng đường rất dài trong một khoảng thời gian ngắn, để theo kịp với chân voi trong tiến triển hành binh. Những suy đoán về cách di chuyển khéo léo cũng không qua được việc sử dụng sức người. Chỉ có thể hiểu, là cả một thời gian dài chiến đấu trên nhiều chiến trường Nam Bắc đã giúp quân lính Tây Sơn có được sức chịu đựng dẻo dai để dồn lại sử dụng trong trận chiến thắng quân Thanh năm đó. Không chỉ là người lính vô danh mà tướng lãnh cũng gần như vô danh. Vẫn như những người của giai đoạn đầu. Những người điều động cả một cánh quân mà chỉ xuất hiện có một lần như (Đại) Đô đốc Bảo cầm quân thượng đạo, với một cái tên ghi nhận khác nhau như Đô đốc Long (Ngô gia văn phái) hay Đô đốc Mưu (sử quan Nguyễn), hay có nhắc đến nhiều lần thì cũng không hơn là một danh hiệu, như Đô đốc Hô, Hô hổ hầu coi hậu quân… Một hai người chỉ huy trên các chiến trường lẻ tẻ… được nhớ như một sự tình cờ. Việc trao trả tù binh với Thanh cũng đưa ra các tên người, nhờ đó mới còn ghi lại đầy đủ trong một vài tờ lệnh. Tất cả chỉ vì đó là những tướng lãnh, quân nhân xuất thân từ Đàng Trong, tàn lụi trong chiến tranh, công thì có mà danh thì không kịp, không có cơ hội được ghi nhận. Những nhân vật ấy, qua một thời gian dài bớt chịu đựng áp lực của tình thế thì có xuất hiện lại cũng phải qua một hình ảnh co rút, ít đụng chạm, trình bày theo lối “diễn nghĩa” hoá, bài chòi hoá trong những ghi chép địa phương muộn màng, không có mấy giá trị chứng cứ lịch sử. Âu cũng là chứng cớ bình thường của một sự bất công dành cho đời sống.
Dù sao thì chiến thắng Đống Đa cũng đem lại một sự đổi dời dứt khoát trên danh vị bậc cao của nước An Nam đối với nhà Thanh, trong tương quan ngoại giao của hai nước lớn nhỏ. Toán văn thần thu nhận trên đất Bắc đã có truyền thống giao tiếp với Trung Hoa nên giúp cho việc cầu phong của Quang Trung suôn sẻ hơn, qua giai đoạn vấp váp ngắn ngủi ban đầu dưới sự thu xếp của toán văn thần Đàng Trong nghênh ngang hơn. Do thế mà phái Tây Sơn Quang Trung phải đứng trước một mâu thuẫn lớn: Bản thân quân lực thì vẫn là của Đàng Trong mà gánh nặng tổ chức thì phải nhắm vào Đàng Ngoài, nổi bật với các văn thần ở đấy được Quang Trung “tái tạo” (Ngô Thì Nhậm), “đem cơ duyên” phục vụ đời mới (Phan Huy Ích), kết thành tập nhóm quen thuộc nâng đỡ nhau (Ngô Thì Nhậm, Đặng Tiến Đông.) Mâu thuẫn lộ ra trong việc cải cách thi cử, giáo dục khi phải kết hợp võ tướng ít học (Nho) và văn thần thông thạo kinh sử Hán, trong đó ngầm chứa mâu thuẫn địa phương gây bất an thường trực trên đất Lê Trịnh cũ, rồi sẽ luồn vào cơ cấu chính quyền Phú Xuân trong vai trò nổi trội của Vũ Văn Dũng về sau. Tất cả đều không giúp gì cho việc tăng tiến lực lượng Phú Xuân để đủ sức đ