18/06/2018, 16:48

Vương triều Đại Lý

Hoàng gia Đại Lý Thiên Tường Người mở nghiệp vương triều Đại Lý Trong “Xạ điêu anh hùng truyện”, Nhất Đăng đại sư nói với Quách Tĩnh và Hoàng Dung rằng: “Nước Đại Lý ta từ Thần Thánh Văn Vũ đế Thái tổ dựng nước là năm Đinh Dậu, so với lúc Tống Thái tổ Triệu ...

dai-ly

Hoàng gia Đại Lý

Thiên Tường

Người mở nghiệp vương triều Đại Lý

Trong “Xạ điêu anh hùng truyện”, Nhất Đăng đại sư nói với Quách Tĩnh và Hoàng Dung rằng: “Nước Đại Lý ta từ Thần Thánh Văn Vũ đế Thái tổ dựng nước là năm Đinh Dậu, so với lúc Tống Thái tổ Triệu Khuông Dẫn làm binh biến ở Trần Kiều khoác hoàng bào thì sớm hơn 23 năm…”.

Hai lần đánh bại quân nhà Đường

“Thần Thánh Văn Vũ đế Thái tổ” mà Nhất Đăng Đoàn Hưng Trí nói ở đây chính là Đoàn Tư Bình, người sáng lập vương triều Đại Lý. Cũng theo lời Nhất Đăng đại sư thì: “Họ Đoàn ta có nhân duyên tốt đẹp, chỉ là viên tiểu lại ở biên cương mà trộm được ngôi vua. Mỗi đời đều tự biết tài đức của mình quả thật không đủ để đảm đương việc lớn, nên trước sau run run sợ sợ, không dám có chỗ nào quá phận”. Sự thật thế nào?

Vùng Nhĩ Hải, Thương Sơn của Vân Nam xưa là nơi định cư của tiên dân các tộc người Di, Bạch (Bạch man, Ô man). Đến đầu đời Đường thì khu Đại Lý đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Vân Nam (đất Điền). Năm 738, Mông Bì La Các là thủ lĩnh của Mông Xá Chiếu (“chiếu” là bộ tộc, tiểu vương quốc) được nhà Đường giúp đỡ đã thâu tóm 5 chiếu còn lại, hình thành nhà nước Nam Chiếu. Trong quá trình phát triển của mình, Nam Chiếu không ngừng mở rộng lãnh thổ và họ Đoàn dần trở thành danh môn vọng tộc, đứng đầu các đại tộc Cao, Dương, Triệu, Lý, Đổng.

Tổ tiên của họ Đoàn ở Đại Lý có giả thiết là người tộc Khương hoặc dòng dõi của Cộng Thúc Đoàn của Trịnh Trang Công thời Xuân Thu chiến quốc. Theo GS Trương Tích Lộc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu kế thừa và phát triển văn hóa lịch sử Nam Chiếu – Đại Lý tỉnh Vân Nam, thủy tổ họ Đoàn ở Đại Lý là Đoàn Kiệm Ngụy, người Bạch man, gốc Vũ Oai, Cam Túc. Hậu duệ họ Đoàn cũng công nhận điều này. “Nam Chiếu dã sử” viết: Họ Đoàn, người Vũ Oai, ông tổ Đoàn Kiệm Ngụy là tướng dưới thời Các La Phụng, được phong làm Thanh Bình Quan (tể tướng) trong những năm Thiên Bảo, truyền đến đời thứ sáu thì sinh ra Đoàn Tư Bình.

Theo “Toàn Đường văn”, “Tân Đường thư”, “Nam Chiếu đức hóa bi”, “Man thư”, “Tư trị thông giám”, “Bạch cổ thông ký”, khi triều Đường và Nam Chiếu xảy ra xung đột do phu nhân của Các La Phụng bị quan người Hán là Trương Bân Đà làm nhục, Đoàn Kiệm Ngụy là đại tướng quân 2 lần đánh bại quân Đường. Lần thứ nhất phục binh ở Thương Sơn giết chết hơn 3 vạn, bắt sống 1 vạn quân Đường của tướng Tiên Vu Trọng Thông. Lần thứ hai tại Sa Bình, Đoàn Kiệm Ngụy và hoàng tử Phụng Già Dị đánh bại 10 vạn quân Đường, bức tướng Lý Mật phải nhảy xuống sông tự tử.

Qua thống kê, trong gần 300 năm lịch sử nước Nam Chiếu, họ Đoàn ở Đại Lý đã có 5 người làm tể tướng, 7 người làm đại tướng quân.

hu-thuc-dai-ly-nhat-duong-chi-hoang-de-tieu-dao-doan-chinh-minh

Vũ điệu của dân tộc Bạch ở Đại Lý

Thân phận kỳ bí

Đến đời Đoàn Tư Bình thì Nam Chiếu đã suy yếu do loạn quyền thần. Năm 902, sau khi Thuấn Hóa Trinh qua đời, Tể tướng Trịnh Mãi Tự phát động chính biến và thừa cơ giết hại hơn 800 người trong vương tộc họ Mông, tự lập làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Trường Hòa. Nam Chiếu chính thức diệt vong.

Họ Trịnh giữ ngôi được 3 đời, đến năm 929 thì Tiết độ sứ Dương Can Trinh nổi dậy, lập Tể tướng Triệu Thiện Chính lên làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Thiên Hưng. Được 1 năm thì Dương Can Trinh lại phế họ Triệu, tự mình lên ngôi, đổi quốc hiệu là Đại Nghĩa Ninh. Năm 930, Dương Can Trinh bị em trai là Dương Chiêu soán ngôi. Trong giai đoạn biến động này, Đoàn Tư Bình đang giữ chức Thông Hải Tiết độ sứ, vì tài nghệ xuất chúng nên bị Dương Can Trinh đố kỵ, nhiều lần tìm cách hãm hại. Được sự hỗ trợ của 2 đại tộc Đổng và Cao, Đoàn Tư Bình liên kết mượn quân của 37 bộ tộc (Man bộ) ở Điền Đông với lời thề chỉ thu thuế một nửa và giảm lao dịch trong 3 năm.

Đầu năm 937, Đoàn Tư Bình thống lĩnh quân binh tấn công thảo phạt họ Dương, giết Dương Chiêu. Dương Can Trinh trốn về Kê Túc Sơn đi tu với pháp danh “Đại Hối”, Đoàn Tư Bình xá tội cho. Năm 938, Đoàn Tư Bình chính thức lên ngôi, đổi tên nước là Đại Lý (“lý” là sửa, trị), tức Thần Thánh Văn Vũ hoàng đế. Trong khi đó, đến năm 960 ở Trung Nguyên, Triệu Khuông Dẫn mới làm binh biến Trần Kiều, diệt nhà Hậu Chu, lập ra triều Đại Tống.

Trong dân gian, cuộc đời Đoàn Tư Bình mang nhiều sắc thái huyền dị. Cho đến nay, nhiều địa phương ở Đại Lý trong các miếu thờ Bạch Vương và Bản chủ đều có phối tượng Đoàn Tư Bình thờ long trọng. Theo “Nam Chiếu dã sử”, phụ thân ông là quan đại thần Đoàn Bảo Long bị hiếm muộn, sau mẹ ông qua sông chạm phải gỗ hương trôi sông hóa rồng vàng chui vào tay áo mà có song thai sinh ra Đoàn Tư Bình và Đoàn Tư Lương.

Khi kéo binh đến Long Thủ Quan, Dương Can Trinh đã phòng bị trước nên cố thủ rất chặt, Đoàn Tư Bình phải dừng quân hạ trại. Đêm ấy ông mộng thấy 3 điều lạ: Một là thấy người mất đầu, hai là bình ngọc bị mất quai, ba là gương vỡ. Tư Bình cho là điềm không lành, lo sợ nên hội với chư tướng muốn lui binh. Quân sư Đổng Gia La bàn rằng: “Ngài là bậc trượng phu, người mất đầu là chữ “phu” biến thành chữ “thiên” là ứng với thiên tử vậy; bình ngọc mất quai là chữ “ngọc” mất dấu chấm biến thành chữ “vương” là vua; trong gương có ảnh như người có địch, nay gương vỡ là đối thủ tan tành. Đấy đều là điềm lành trời báo tướng quân sẽ thành công”. Đoàn Tư Bình nghe hữu lý bèn quyết định xuất binh, quả nhiên khi đến bờ sông, có người thiếu nữ chỉ cho đường tắt đưa binh mã qua sông rất nhanh, nhờ đó tiến quân thế như phá trúc, mau chóng thành công.

Lưu giữ bí kíp

Theo “Tam Di tùy bút” của quan Trấn phủ sứ Lý Hạo viết vào đầu đời Minh thì Đoàn Tư Bình được một vị đại sư tinh thông võ nghệ và trận pháp truyền lại cho bộ kỳ thư “Nam Chiếu binh điển”. Bộ kỳ thư này có 8 quyển, gồm các phần binh luận, trận pháp, địa thế, kỹ pháp (võ thuật). Sách này về sau trở thành giáo trình quan trọng bậc nhất về dụng binh luyện võ của hoàng tộc họ Đoàn, được lưu trong mật thất Vô Vi tự.

Cương vực Đại Lý bao gồm toàn tỉnh Vân Nam ngày nay, phía Tây Nam giáp Tứ Xuyên và miền Đông Bắc Myanmar; phía Nam giáp Lào và Tây Bắc Việt Nam. Tổng diện tích Đại Lý lớn gấp 3 lần tỉnh Vân Nam hiện tại (gần 1 triệu km2).

Dai Ly 1142.jpg

Diệu Hương quốc

Năm 965, sau khi đã thống nhất Trung Nguyên, đại tướng Vương Toàn Bân của nhà Tống nam chinh chiếm vùng Nam Thục (Tứ Xuyên), muốn thừa thế đánh luôn Đại Lý. Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn không đồng ý, cho là nơi man di hung tợn, từng đánh bại quân Đường nên dùng rìu ngọc vạch một đường nơi bờ Đại Độ Hà trên địa đồ, tuyên bố: “Phía ngoài sông trở đi không phải là đất của ta”.

Đó là gốc tích của điển cố “Tống huy ngọc phủ”. Từ đó, Đại Lý được yên thân, luôn giữ phận chư hầu, thường xuyên triều kiến tiến cống Đại Tống. Từ khi lập quốc, Đại Lý đã có chính sách “an phận”, không có dã tâm mở rộng bờ cõi, thay vào đó là xây dựng đất nước theo xu hướng Phật giáo hóa nên người ta gọi Đại Lý là “Diệu Hương quốc”.

Năm 944, Đoàn Tư Bình qua đời, con là Đoàn Tư Anh kế vị. Theo “Vô Vi Tự truyền đăng lục” thì ngày Tư Anh đăng cơ, trời bỗng tối tăm. Chú của Tư Anh là Đoàn Tư Lương có lần trách: “Vua không giống vua, thần không giống thần, tăng chẳng giống tăng, suốt ngày tìm vui, đi săn nơi núi rừng, mỗi tháng hết 15 ngày nơi phật tự, còn ra thể thống gì?”.

Tư Anh đáp: “Thực ra, cháu lên ngôi mới thấy không tự tại, muốn tu hành tích thiện, lạy Phật ăn chay cũng bị chê trách. Lòng của chú là ở thiên hạ, nếu có thể cai trị đất nước thì cháu nguyện nhường ngôi, xuất gia làm tăng”. Ngay hôm sau, Tư Lương lên ngôi còn Tư Anh xuất gia vào Vô Vi Tự, pháp danh Hoằng Tu.

Về việc này có nhiều giả thuyết. Trong đó, có tài liệu cho rằng Đoàn Tư Anh hoang dâm vô độ, bị Đoàn Tư Lương liên kết với tướng quốc Đổng Gia La phế trừ, bức phải xuất gia. Tài liệu khác lại viết do Tư Anh lập mẹ họ Dương làm quốc mẫu, các dòng tộc lớn của Đại Lý lo ngại quyền hạn lấn át nên lập mưu phế trừ.

Đoàn Tư Anh xuất gia trở thành Hoàng Tu đại pháp sư, trụ trì Vô Vi Tự đời thứ 19, mở rộng nơi này thành Hộ Quốc thiền tự, xây dựng Diễn Võ Trường hoành tráng, trở thành trung tâm huấn luyện võ nghệ của con em hoàng gia Đại Lý. Theo Đoàn Tư Anh xuất gia còn có 3 vị đại quan, 8 vị tướng, hơn 100 quần thần văn võ, 500 quân lính, 36 phi tần…

Liên tiếp ba đời xuất gia

Đoàn Tư Lương lên ngôi được 6 năm thì chết. Tiếp theo là các đời vua Đoàn Tư Thông, Đoàn Tố Thuận, Đoàn Tố Anh, Đoàn Tố Liêm, đến đời thứ 7 lại có người xuất gia.

Theo “Đoàn thị truyền đăng lục”, Tố Liêm tại vị có con là Tố Thông mê tửu sắc chết sớm, cháu (con Tố Thông) là Tố Chân còn nhỏ. Người cháu họ là Đoàn Tố Long giỏi văn lẫn võ, làm việc cẩn thận nên lúc sắp mất, Tố Liêm mới triệu đến mà truyền ngôi, là Bính Nghĩa hoàng đế (năm 1022). Tố Long chăm lo quốc sự, họ Đoàn dần mạnh lên.

Tố Chân lớn lên, muốn lấy lại ngôi báu, Tố Long triệu tập quần thần, viết “Bính Nghĩa hoàng đế xuất gia hứa nguyện văn” gửi các châu, quận, ty, phủ. Tháng 6 năm 1026, Tố Long nhường ngôi cho Tố Chân, xuất gia tại Vô Vi Tự, pháp danh Phạn Thông pháp sư, quân tướng theo rất đông. Tố Chân khẩn khoản rằng: “Chú vốn tinh thông võ nghệ, nay tướng sĩ cùng chú xuất gia rất nhiều, nếu trong nước xảy ra chuyện gì thì biết làm sao?”. Phạn Thông pháp sư hứa rằng nước có việc thì hòa thượng cùng chung gánh. Tố Chân rất mừng.

Phạn Thông pháp sư tinh về đao pháp, kiếm pháp, trở thành trụ trì của Vô Vi Tự, mở ra Sùng Võ Đường, lập đội La Hán tăng binh võ nghệ cao cường, dũng mãnh khác thường và đều thọ giới tỳ kheo. Phạn Thông pháp sư viên tịch năm 80 tuổi.

Đoàn Tố Chân tại vị được 15 năm. Một hôm, Tố Chân mơ thấy mình đi săn ở Tuyết Sơn, bão dữ nổi lên, quần thần chạy đâu hết. Tố Chân thấy Phật tổ xuất hiện, bảo rằng: “Tâm có Phật ắt sinh Phật, trì thiện là Phật, Phật tức ý niệm, vượt qua bể khổ”.

Ngay sáng hôm sau, Tố Chân triệu tập quần thần, thiền vị nhường ngôi cho Tố Hưng rồi nhập Vô Vi Tự xuất gia, thành trụ trì đời thứ 15, đạo hiệu Phục Long pháp sư. Sau ông làm trụ trì Sùng Thánh Tự, đi sang Thiên Trúc rồi từ Tây Vực về Đôn Hoàng, vào Trường An, lên núi Ngũ Đài, Nga Mi… khổ học Phật pháp. Cuối đời, ông về Lãng Khung – Đại Lý, lập Lan Nhã Tự rồi mất năm 79 tuổi.

Thiên Minh hoàng đế Đoàn Tố Hưng là vị vua thứ 10 và là kẻ ăn chơi trác táng nhất của vương triều Đại Lý. Chỉ 3 ngày sau khi đăng cơ, Tố Hưng ra lệnh tuyển chọn mỹ nữ ở Đông Đô, xây dựng hành cung nguy nga ở Ngọc Án Sơn. Chỉ trong 5 năm, Tố Hưng tiêu tốn hết 5 kho vàng bạc với hơn 60 vạn cân trong tổng số 12 kho của Đại Lý. Quần thần và quốc dân căm phẫn, gọi Tố Hưng là “bại quốc chi quân”, mật nghị phế trừ, lập Đoàn Tư Liêm là chắt của Đoàn Tư Bình lên thay. Tướng quốc Cao Trí Thăng vào Đông Đô tuyên chiếu, trừ bỏ đế hiệu, thu ngọc tỷ, phế Tố Hưng làm dân, bắt ra ở quận Hà Dương.

Năm 1045, Đoàn Tư Liêm lên ngôi, tại vị 30 năm. Mới tuổi 49, ông đã thấy mệt mỏi nên triệu tập quần thần truyền ngôi lại cho con trưởng là Đoàn Liêm Nghĩa, còn mình xuất gia tại Vô Vi Tự, pháp danh Quảng Đức. n

Xem ngai vàng như dép rách!

tu-bo-ngai-vang-xuong-toc-lam-tang

Một góc Vô Vi Tự, nơi các vị vua Đại Lý xuất gia, luyện võ

Xem cách viết trong “Đoàn thị truyền đăng lục” hay “Vô Vi Tự truyền đăng lục” thì nhiều vị hoàng đế Đại Lý xem ngai vàng như dép rách, sẵn sàng từ bỏ ngôi báu để sống cuộc đời tự tại của tăng nhân. Khả năng này cho dù là có đi nữa thì cũng rất hiếm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các đời vua Đại Lý thường xuất gia là do tục lệ tôn sùng đạo Phật, nhập đạo để duy trì sự chính thống cho các đời sau; kế đến là do thất bại trong việc tranh giành quyền lực, chính quyền bất ổn…

“Thiên Long bát bộ” lấy bối cảnh Đại Lý từ thời Bảo Định đế Đoàn Chính Minh tại vị, trong đó có nói đến môn phái Tiêu Dao với những môn võ học thượng thừa như Bắc minh thần công, Lăng ba vi bộ. Một điều lý thú là trong thực tế Đoàn Chính Minh cũng bỏ ngôi xuất gia với đạo hiệu Tiêu Dao pháp sư.

Thế lực họ Cao

Trong “Thiên Long bát bộ”, Đoàn Chính Minh hiện ra với hình dáng “râu dài, mặc hoàng bào, mặt mũi hiền từ”, công phu Nhất dương chỉ đạt đến mức thượng thừa. Theo lời của Đoàn Diên Khánh thì Đoàn Chính Minh là người cướp ngôi khiến y phải lưu lạc tha phương…

Sau khi Đoàn Chính Thuần qua đời thì Đoàn Chính Minh quyết định nhường ngôi cho Đoàn Dự dù biết Đoàn Dự là con của Đoàn Diên Khánh (?). Thực ra, những tình tiết trên hoàn toàn là hư cấu và là chỗ “lạc bút” viết không đúng so với chính sử.

“Thiên Long bát bộ” viết: “Nhằm năm Thượng Đức thứ năm, Thượng Đức đế bị gian thần là Dương Nghĩa Trinh giết chết. Sau người cháu là Đoàn Thọ Huy được vị trung thần Cao Trí Thăng phò tá giết Dương Nghĩa Trinh, đưa lên kế vị hiệu là Thượng Minh đế. Thượng Minh đế không muốn làm vua, trị vì được một năm rồi xuất gia đầu Phật nhường ngôi báu lại cho đường đệ là Đoàn Chính Minh tức Bảo Định Đế… Nguyên Cao Thăng Thái là con vị công thần Cao Trí Thăng. Hồi đó sở dĩ trừ gian diệt nịnh được toàn là nhờ công Cao Trí Thăng cả”.

Năm 1074, con của Đoàn Tư Liêm là Đoàn Liêm Nghĩa lên ngôi, là Thượng Đức đế, hoàng đế thứ 12 của Đại Lý. Vua vốn sùng Phật, năm 1080, trong lần tổ chức đại pháp hội “Thiên Long bát bộ”, nhân lúc triều bái, lãnh chúa là Dương Nghĩa Trinh thừa cơ đâm chết Thượng Đức đế, nhanh chóng phát động chính biến đoạt ngôi lên làm vua, xưng là Quảng An đế.

Lúc Dương Nghĩa Trinh giết vua, Cao Trí Thăng đang là Thiện Xiển Hầu, cai quản vùng Côn Minh ngày nay, liền truyền lệnh cho con trai là Cao Thăng Thái khởi binh về triều dẹp loạn. Dương Nghĩa Trinh làm vua được 4 tháng đã bị Cao Thăng Thái bắt được chém đầu thị chúng.

Thượng Đức đế Đoàn Liêm Nghĩa không có con. Và đây chính là chỗ nhà văn Kim Dung “thừa cơ” sáng tạo ra một thái tử Đoàn Diên Khánh đứng đầu “Tứ đại ác nhân” tìm về Đại Lý đòi Đoàn Chính Minh trả lại giang sơn cho mình.

“Đoàn Liêm Nghĩa có một người con trai là thái tử Diên Khánh, song sau khi gian thần Dương Nghĩa Trinh giết vua cướp ngôi thì không thấy thái tử Diên Khánh đâu nữa. Ai cũng cho là thái tử Diên Khánh bị Dương Nghĩa Trinh hạ sát rồi” (lời của Cao Thăng Thái trong “Thiên Long bát bộ”).

Kỳ thực, không có một tài liệu nào trong chính sử và dã sử nói đến Đoàn Diên Khánh hoặc con của Đoàn Liêm Nghĩa mà chỉ có Đoàn Khánh là Đại Lý tổng quản đời thứ 4, được nhà Nguyên phong làm Tham chính tỉnh Vân Nam, qua đời năm 1307.

Cao Thăng Thái cùng triều thần lập cháu của Đoàn Liêm Nghĩa là Đoàn Thọ Huy lên nối ngôi, tức Thượng Minh đế, còn Cao Thăng Thái được lập làm thừa tướng. Đoàn Thọ Huy tức vị năm 1080, bỗng xảy ra điềm gở “trời đất tối tăm, sao mọc ban ngày”. Đoàn Thọ Huy phiền lòng liền nhường ngôi cho Đoàn Chính Minh, còn mình xuất gia ở Vô Vi Tự, pháp danh là Thực Đăng.

Theo “Truyền đăng lục”, Thực Đăng pháp sư tinh về thiền tĩnh, thường ở trong hang động, tĩnh tọa tham thiền, công phu thâm hậu, có thể mấy tháng không ăn. Sau vào sơn động bế quan tọa hóa, “lúc này trời phóng hào quang, đất mọc sen vàng, tướng lành hiện khắp, bèn thành chính quả”.

Vị hoàng đế phong lưu

Đoàn Chính Minh từ nhỏ chuyên cần học tập, “cùng chú là Đoàn Thọ Xương du học ở Thành Đô, tính cẩn thận, kiệm ước. Chính Minh văn tài xuất chúng, giỏi thư pháp; võ nghệ siêu quần, đặc biệt tinh kiếm thuật, đao pháp”. Năm 1081, Đoàn Chính Minh được cha con Cao Thăng Thái ủng hộ lên ngôi, Cao Thăng Thái được phong Thiện Xiển Hầu.

Không biết vì lý do gì, Đoàn Chính Minh sau khi đăng cơ lại rất ham vui chơi, việc chính sự giao cả cho Cao Thăng Thái. Chính Minh chọn 5 hậu phi tài sắc, đều thông hiểu âm nhạc, thi phú, đưa đi khắp nơi, du sơn ngoạn thủy, ngâm thơ thưởng nhạc. Mỗi tháng, Chính Minh chỉ cùng triều thần nghị quốc sự 3 ngày, thời gian còn lại thì ngao du hoặc đốt hương bái Phật.

Ông thường nói kiếp trước là tỳ kheo chốn Phật môn, do lục căn không tịnh nên tuy có đại công đức vẫn bị quả báo xuống thế gian. Chính Minh tự xưng Tiêu Dao hoàng đế, cho xây dựng 300 ngôi chùa nhỏ, 99 ngôi chùa lớn, lại nói rằng: “Nếu làm xong 100 ngôi chùa lớn thì sẽ nhường ngôi đi tu”.

Đoàn Chính Minh làm vua 12 năm, quần thần đều biết vua không có lòng lo việc nước, quân không thao luyện, chúng thần biếng lười. Cao Thăng Thái với Đoàn Chính Minh vốn là chỗ thâm giao, thường khuyên vua lo chính sự làm trọng. Chính Minh nói: “Ngôi hoàng đế là của bậc hiền, mười mấy năm qua, việc nước đều do ông quản, còn ta là cư sĩ tiêu dao, vậy nên nhường vị xuất gia mới phải”.

Liền hạ lệnh xây Phật Quốc Tự ở sau núi Điểm Thương. Một năm sau, chùa xây xong bèn triệu tập quần thần thiền vị cho Cao Thăng Thái, còn mình xuất gia thọ giới ở Vô Vi Tự, 3 tháng sau về Phật Quốc Tự. Năm hậu phi cũng thọ giới cư sĩ, lập am Minh Nguyệt ở sau chùa.

Những trước tác của Đoàn Chính Minh có: “Lăng Già thích nghĩa”, “Nam Trung già lam ký”́, “Tiêu Dao cư sĩ thi từ”, “Tiêu Dao hòa thượng văn tập”; du ký có “Danh sơn thắng lãm” gồm 12 quyển.

Mang vàng đi… xuất gia

Đoàn Chính Minh sau khi xuất gia, trong hơn 30 năm đi khắp các danh sơn của Đại Tống. Quốc thổ Đại Lý vốn nhiều vàng bạc, có đến hơn 40 mỏ khai khoáng vàng bạc, người trong nước thường dùng vỏ sò để giao dịch mua bán, còn vàng bạc thường dùng trao đổi với Trung Nguyên.

Theo “Vô Vi Tự Truyền đăng lục”, Chính Minh xuất gia được chia 1 kho vàng, mỗi lần sang Trung Nguyên thường dùng 20 con lừa chở đầy vàng bạc để chi dụng. Trung Nguyên vốn nhiều đạo tặc nhưng Tiêu Dao hòa thượng cùng bọn thủ hạ đều là cao thủ võ lâm, một địch nổi trăm, nên đạo tặc nghe tin đều tránh xa. Về cuối đời, Đoàn Chính Minh ở ẩn trong Đãng Sơn, lập Đại Minh Đường sau chùa Dược Sư.

Cướp ngôi và nhường vương vị

Họ Cao phế truất họ Đoàn lên ngôi vua nhưng lòng người không phục, truyền thống Đại Lý không chấp nhận việc soán ngôi. Vì thế, họ Cao phải trả vương vị cho họ Đoàn

Giới sử học chia giai đoạn từ Đoàn Tư Bình lập quốc đến Đoàn Chính Minh là thời kỳ tiền Đại Lý, từ đời Đoàn Chính Thuần về sau là hậu Đại Lý. Giữa tiền và hậu Đại Lý chính là Đại Trung Quốc do Cao Thăng Thái lập ra.

Họ Cao qua mặt họ Đoàn

Trong “Thiên Long bát bộ” của Kim Dung thì Đoàn Chính Minh nhượng ngôi cho Đoàn Dự; đại thần Cao Thăng Thái được miêu tả là người nho nhã, võ công cao cường và là một bậc trung thần. Sự thật thì chính Cao Thăng Thái mới là người kế vị Đoàn Chính Minh, soán ngôi họ Đoàn.

Họ Cao khởi từ Cao Phương là khai quốc công thần, đời đời ở vị trí tể tướng của Đại Lý, quyền nghiêng thiên hạ. Đến đời Cao Trí Thăng, thế lực của họ Cao ảnh hưởng rất lớn tới chính quyền. Có thể thấy việc phế Đoàn Tố Hưng lập Đoàn Tố Liêm, phế Đoàn Thọ Huy lập Đoàn Chính Minh… đều có bàn tay của cha con Cao Trí Thăng, Cao Thăng Thái.

Cao Thăng Thái vốn giỏi văn lẫn võ, năm 14 tuổi đã biện luận với các quan đại thần ở Ngũ Hoa Lâu, nổi tiếng khắp Đại Lý. Hiện nay, cách Tử Khê Sơn, huyện Sở Hùng, tỉnh Vân Nam – Trung Quốc khoảng 20 dặm về phía Tây còn một di vật quan trọng của Đại Lý, đó là tấm bia “Hộ Pháp Minh Công Đức Vận Bi”. Bia được lập khoảng năm 1158 để ca tụng công đức của thừa tướng Đại Lý Cao Thành Lượng. Theo đó, tằng tổ phụ (ông cố) của Cao Thành Lượng là Cao Thăng Thái ban đầu là Thiện Xiển Hầu. Năm 1094, Đoàn Chính Minh “nắm quyền không tốt khiến nhân tâm đều hướng về họ Cao”. Sau đó, qua 3 lần từ chối, Cao Thăng Thái được quần thần thỉnh lên làm vua (?). Đoàn Chính Minh nhường ngôi, đổi quốc hiệu là Đại Trung Quốc, lấy niên hiệu là Thượng Trị.

Cao Thăng Thái lên thay họ Đoàn được 2 năm, phân phong cho em và các con nắm giữ 4 phủ quan trọng nhất của Đại Lý, là các vùng Côn Minh, Vĩnh Thắng, Đằng Xung, Thiện Cừ. Năm 1096, Cao Thăng Thái lâm bệnh nặng. Có lẽ do áp lực từ các dòng tộc và Man bộ Vân Nam, biết khó duy trì ngôi vị nên lúc lâm chung, Cao Thăng Thái triệu quần thần và các con đến dặn dò: “Ngôi báu vốn của họ Đoàn, ta vì nhân tâm hướng về nên bất đắc dĩ phải nhận. Sau khi ta qua đời phải trả lại vương vị cho họ Đoàn, còn họ Cao đời đời phò tá, không được trái lời ta”.

Bảy ngày sau, Cao Thăng Thái qua đời. Con trai ông là Cao Thái Minh tuân theo di ngôn, trao trả vương quyền lại cho họ Đoàn. Người được chọn làm vua Đại Lý là Đoàn Chính Thuần, em trai Đoàn Chính Minh. Tuy vậy, họ Cao vẫn đời đời giữ quyền hành điều khiển Đại Lý, dân gọi là Cao Quốc chủ.

Con người thật của Đoàn Chính Thuần

Đoàn Chính Thuần tức Văn An hoàng đế của hậu Đại Lý. Theo “Thiên Long bát bộ”, Đoàn Chính Thuần là Trấn Nam Vương, nổi tiếng đào hoa, “gương mặt hình chữ quốc, khoảng chừng ngoài 40, tướng mạo uy vũ, tiêu sái”. Đoàn Chính Thuần được Kim Dung mô tả là con người đa tình, yêu mỹ nhân hơn giang sơn, có quan hệ đặc biệt với 5 mỹ nữ…

Đây là nhận xét của Thông Biện tiên sinh Tô Tinh Hà trong “Thiên Long bát bộ”: “Ta từng nghe Trấn Nam Vương nước Ðại Lý là Ðoàn Chính Thuần rất tinh thâm về thần kỹ Nhất Dương chỉ. Ông ta là một tay phong lưu trên đời hiếm có. Bất luận là khuê nữ nơi gác tía lầu son hay thiếu phụ nạ dòng trong võ lâm, một khi đã thấy mặt y là thần hồn điên đảo, không sao ngăn được mối tình bồng bột”.

Tương truyền, mẹ của Đoàn Chính Thuần nằm mơ thấy bạch hạc bay vào bụng mà có thai. Chính Thuần vốn chuyên cần học hành, võ nghệ hơn người. Trụ trì Vô Vi Tự là Diệu Trạm đại sư thấy Chính Thuần thông tuệ nên nhận làm đồ đệ, dạy võ công, lại truyền cho Chỉ Quán đại pháp. Năm 17 tuổi, trong cuộc thi sát hạch văn võ trong hoàng gia, Đoàn Chính Thuần văn đứng hạng nhất còn võ đứng hạng ba. Ra làm công việc triều chính thì Chính Thuần tính cẩn thận.

Em gái của Thăng Thái là Cao Thăng Khiết, tài nữ của Đại Lý, được Bản Tuệ pháp sư dạy cho bí thuật kỳ môn độn giáp có thể tiên tri, được gả cho Chính Thuần. Vợ chồng hay cùng nhau tranh biện, Chính Thuần luôn bị thua nên có bài tự trào: “Nước có bậc cân quắc, nhà có vợ mỹ miều. Chồng chẳng bằng vợ cũng là việc tốt. Vợ bảo đi Đông chớ nên đi Tây, đi về Đông thì lời lẽ ngọt ngào, đi về Tây thì thi văn đấu võ. Chồng vốn bất tài, khó tranh cao thấp với vợ”.

Đoàn Chính Thuần từng làm đến tả tướng quốc dưới thời Đoàn Chính Minh, được Cao Thăng Thái khen là “nhân hậu, tinh thông quốc sách”. Sau khi lên ngôi, ông phong cho Cao Thái Minh làm tướng quốc, chia đất ở Sở Hùng đến 500 dặm. Từ đó về sau, họ Cao các đời nối nhau làm tể tướng như Cao Minh Thuận, Cao Thuận Trinh, Cao Lượng Thành, Cao Thọ Xương, Cao Thái Tường. Thời bấy giờ, Đại Lý giao hảo với nhà Tống, Đoàn Chính Thuần cử Cao Thái Liên đi sứ, tiến cống roi vàng giản ngọc, ngựa tốt gậy vàng; Tống Huy Tông ban cho kinh sách bách gia chư tử, sách y thuật, cho 4 đại học sĩ vào Đại Lý giảng dạy.

Mùa đông năm 1108, sao chổi xuất hiện ở phía Tây. Mùa xuân năm sau, sao chổi dài đến 6 trượng quét qua phía Đông Nam, đến tháng 3 thì sao băng rơi như mưa. Dịch bệnh nổi lên ở Vĩnh Xương, Thiện Xiển, người chết đến ba phần, chó sói kéo về khắp nơi, ăn thịt người vô số. Năm ấy, nước lũ ngập tràn, mùa màng thất bát, Đại Lý phải mở kho cứu chẩn. Đoàn Chính Thuần lo lắng mới hứa nguyện xuất gia, nhường ngôi cho con là Đoàn Dự. Chính Thuần xuất gia pháp danh là Tu Không, trở thành trụ trì đời thứ 21 của Vô Vi Tự, sau vào núi Kê Túc lập Long Đàm Tự, hơn 40 người đi theo cũng đều làm tăng.

Đoàn Dự, nhà ngoại giao xuất sắc

Năm 1108, con trưởng của Đoàn Chính Thuần là Đoàn Dự (Đoàn Hòa Dự, Đoàn Chính Nghiêm) kế vị. Đoàn Dự từ nhỏ thông minh hiếu học, được bác là Đoàn Chính Minh mời Lục Huyền đại sư dạy dỗ. Lục Huyền là cao tăng Thiên Thai tông, tài kiêm văn võ, ở trung nguyên nổi tiếng sánh với Châu Đồng (thầy của Địch Thanh, Lâm Xung).

Văn tài võ lược

Lục Huyền đại sư dạy trong vương thất Đại Lý rất nghiêm, thấy Đoàn Dự thông tuệ nên yêu quý, lại mời đồng đạo là Diệu Trừng đại sư cùng rèn dạy. Lục Huyền truyền cho Đoàn Dự “Lục môn diệu pháp” (có lẽ đây là cơ sở để Kim Dung phát triển thành tuyệt học Lục mạch thần kiếm của họ Đoàn) cùng các kỳ môn dị thuật.

“Đoàn thị Truyền đăng lục” có chép quy chế của Thái tổ Đoàn Tư Bình đặt ra: “Phàm là con cháu trực hệ hoàng tộc, 6 tuổi phải học văn luyện võ, 10 tuổi phải biết cưỡi ngựa bắn cung, 13 tuổi phải diễn trận luyện binh, 15 tuổi thì văn phải thông thi từ, võ phải tinh điều binh đánh trận. Kẻ không có năng lực ấy thì dù là hoàng tử cũng không thể lên ngôi báu. Trong hoàng tộc phải chọn kẻ văn võ toàn tài lại có đức mới lên làm vua. Nếu trong hoàng thất không có người như vậy thì chọn trong triều thần mà lập”.

Tuyên Nhân hoàng đế Đoàn Dự đăng cơ năm 26 tuổi, các nước xung quanh cùng 37 Man bộ đều đến chúc mừng, Đại Lý mở tiệc đến 3 tháng, ngày đêm ca hát tại Ngũ Hoa Lầu.

Đoàn Dự lên ngôi chuyên cần chính sự, yêu thương dân chúng, giảm nhẹ thuế khóa, tăng giao thương với các nước, thay đổi cục diện chuyên quyền của họ Cao, Đại Lý dần thịnh lên. Nhưng được 3 năm thì trời bỗng nóng ran, lục súc bất an, động đất kéo dài hơn tháng phá hủy hàng vạn ngôi nhà. 16 ngôi chùa ở Hải Đông bị sập, dân chết hơn 3.000 người. Tiếp đó nước lũ tràn về rồi đến nắng hạn, mùa màng hư hại, 37 Man bộ bắt đầu nổi loạn. Đoàn Dự thân chinh bình Man, lại lệnh cho Cao Thái Minh trấn thủ chặt vùng trọng địa Côn Minh, nước dần yên ổn.

Cao Thái Minh chết, 8 con trai đều được Đoàn Dự phong đất. Một đêm, con trưởng là Cao Trí Xương uống rượu với Đoàn Dự ở Lộng Đống, say mới lỡ lời rằng: “Họ Đoàn làm vua không ra gì, nếu không có họ Cao nâng đỡ thì đã tan từ lâu. Nay ngôi hoàng đế vốn là thuộc về ta, do cha ta nghe lời tổ phụ nên mới nhường cho Đoàn Chính Thuần. Ngài nay làm vua, ta thật không phục”.

Đoàn Dự nổi giận nhưng chỉ lấy tội sàm nghịch để phạt Trí Xương ra ở thành Thạc Nam. Được nửa năm thì Trí Xương mắc lam chướng mà chết, Đoàn Dự hối hận, mới an ủi gia quyến, tháng 7 cho làm pháp sự rất lớn để độ vong linh.

Có 2 võ sĩ từng là hầu cận của Trí Xương tìm cách báo thù cho chủ, nấp trong chùa Địa Tạng thừa cơ Đoàn Dự vào chùa để ám sát nhưng bị thị vệ bắt được. Khi tra hỏi, cả hai cung khai rõ ràng, Đoàn Dự bèn xá tội cho nhưng 2 võ sĩ cùng nhau tự tử. Đoàn Dự cảm động cho lập mộ nghĩa sĩ an táng.

Vương thất phân tranh

Đoàn Dự nhiều lần cho sứ sang giao hảo với nhà Tống, cống ngựa Vân Nam, đao Đại Lý, xạ hương, ngưu hoàng; cho nhạc công và đoàn ảo thuật vào kinh thành Biện Lương biểu diễn cho vua Tống xem, rất được khen ngợi.

Năm 1117, Tống Huy Tông phong cho Đoàn Dự là “Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm hiệu tư không, Vân Nam tiết độ sứ, Thượng trụ quốc, Đại Lý quốc vương”. Thời gian này, việc thông thương trở nên phát đạt, ngoài nhà Tống còn có Ba Tư (Iran), Ấn Độ, Thổ Phiên…

Trong các loại mặt hàng của Đại Lý thì ngựa là thứ được ưa chuộng nhất. Chiến mã Đại Lý nổi tiếng khắp nơi, có thể di chuyển trên địa hình cheo leo, hiểm trở. Số lượng ngựa mỗi năm được đưa đến giao dịch tại Lê Nhã Châu lên tới hàng ngàn con. Người Đại Lý thì tiếp thu ngày càng nhiều văn hóa Hán và các loại sách quý. Về nghệ thuật, Đại Lý nổi tiếng về bích họa, khắc đá, khắc gỗ. Những kinh điển Phật giáo Mật tông của Đại Lý cũng được truyền vào trung nguyên.

Đoàn Dự tại vị 39 năm, có thể nói là “quốc thái dân an”, ngoài không chiến tranh, trong không nội loạn, kinh tế văn hóa đều phát triển. Nhưng vào cuối đời, 4 con trai của Đoàn Dự tranh giành quyền bính, triều chính bị ảnh hưởng nhiều.

Từ sau sự biến Tĩnh Khang (1127), Bắc Tống bị nhà Kim tiêu diệt, Đoàn Dự tuổi cũng đã cao nên việc giao hảo với trung nguyên ngày càng sút giảm. Năm 1140, các Man bộ nổi loạn tấn công Thiện Xiển, giết chết Cao Minh Thanh ở Đông Đề. Đoàn Dự bình loạn xong, đưa Cao Lượng Thành làm tướng quốc. Dần dần, các thế lực trong vương thất phân tranh, Đoàn Dự không thể nào dẹp yên được, lòng rất buồn phiền.

Năm 1147, Đoàn Dự quyết định nhường ngôi cho con là Đoàn Chính Hưng, còn mình cắt tóc xuất gia ở Vô Vi Tự trở thành trụ trì đời thứ 23 với pháp danh Quảng Hoằng đại sư. Đoàn Dự chết năm 94 tuổi, là người làm vua lâu nhất và sống thọ nhất trong các đế vương họ Đoàn ở Đại Lý.

Đoàn Dự tinh thư họa, giỏi vẽ hoa sen, là tay cao cờ. Trước tác có “Ngọc hà thi trản” 4 quyển, “Cầm phổ” 1 quyển và 3 thi khúc.

Kể từ Đoàn Dự thiền vị nhường ngôi, truyền được 5 đời thì vó ngựa quân Nguyên Mông đã vang động Đại Lý. Càng về sau, các vua họ Đoàn mất dần quyền lực thực tế, những quý tộc người Bạch mà tiêu biểu là họ Cao lấn lướt chuyên quyền và không ngừng thôn tính lẫn nhau, mâu thuẫn dân tộc ngày càng gay gắt, Đại Lý ngày càng suy yếu.

Tham ngộ Phật pháp

Năm 1147, con của Đoàn Hòa Dự là Đoàn Chính Hưng kế vị, tức Chính Khang hoàng đế. Trong thời gian chấp chính xây chùa lập tháp, đúc tượng in kinh, thi ân bố đức, dân chúng an cư. Tại vị được 25 năm, một hôm Chính Hưng bỗng bảo quần thần rằng: “Ta từ nhỏ tin Phật, cung kính tam bảo, lo việc chính sự bất giác đã mấy chục năm, nay nên quay về thôi”.

Hôm sau bèn truyền ngôi cho Trí Hưng, còn mình xuất gia ở Vô Vi Tự, lễ Quảng Hoằng pháp sư làm thầy, đạo hiệu Dịch Trường, truyền giảng Quan Âm đại bi pháp môn.

Năm 1172, Đoàn Trí Hưng kế vị (tức Nam Đế, Nhất Đăng đại sư trong tiểu thuyết Kim Dung). Theo “Vô Vi Tự Truyền đăng lục”, Đoàn Trí Hưng là đại đệ tử của Quảng Hoằng pháp sư, được chân truyền 24 lộ Luân kiếm; tuy không xuất gia nhưng sùng tín Phật, ngày đêm lễ bái, xây 60 ngôi chùa…

Năm 1200, con Đoàn Trí Hưng là Đoàn Trí Liêm kế vị, tức Anh Tông Hanh Thiên hoàng đế. Năm 1205, em của Đoàn Trí Liêm là Đoàn Trí Tường kế vị, tức Thần Tông hoàng đế. Năm 1238, sau 33 năm tại vị, Đoàn Trí Tường nhường ngôi cho con là Đoàn Tường Hưng, còn mình xuất gia ở Vô Vi Tự, pháp danh Vĩnh Huệ, chuyên tâm thiền tu để cầu khai ngộ.

Vĩnh Huệ pháp sư bế quan tu tập nhưng đã già đến nơi mà không thể đại ngộ, lòng nóng như lửa đốt, sau bị bệnh nặng, không ăn uống gì được, thị giả lo lắng mới xuống núi báo với trụ trì để lo hậu sự. Một đêm, trong cơn mơ màng, pháp sư thấy Quan Âm đại sĩ đến bảo rằng: “Ngươi chí tâm cầu đạo, rất là tinh tiến nhưng phải biết rằng Phật pháp là trung đạo, tham thiền cũng vậy, giống như dây đàn, căng quá thì đứt, chùng quá thì câm”.

Sư tỉnh dậy, nhớ lời đại sĩ, vô cùng thú vị, bệnh nặng dần khỏi. Sau tọa thiền, qua 3 ngày thì đại triệt đại ngộ. Ba tháng sau sư thị tịch, tương truyền lúc hỏa thiêu, hào quang bốc cao, lưu lại xá lợi hơn 400 viên, đặt trong hộp vàng thờ trong chùa.

Oanh liệt chốn sa trường

Suốt mấy trăm năm đất nước yên ổn, không có chiến tranh, Đại Lý gần như đứng ngoài cuộc trong đấu trường đẫm máu giữa các triều Tống, Liêu, Kim, Tây Hạ và Mông Cổ.

Nhưng từ lâu, chiến lược của Thành Cát Tư Hãn là dùng kỳ binh tiêu diệt Đại Lý trước rồi đánh bọc lên phía Bắc, hai mặt giáp công mà xóa sổ Nam Tống, thống nhất Trung Nguyên. Nhưng Đại Lý ở địa thế hiểm trở, lại có 2 sông lớn là Đại Độ Hà và Kim Sa Giang ngăn chặn nên một đội quân Mông Cổ chỉ đến thành Thiết Kiều, sông Kim Sa thì phải quay về.

Năm 1234, sau khi con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn là Oa Khoát Đài diệt nước Kim liền lập kế hoạch tiến đánh Nam Tống mà tiền đồn là Đại Lý. Năm 1244, 20 vạn quân Mông Cổ vượt Đại Độ Hà, tấn công Đại Lý từ phía thượng du sông Kim Sa nhằm chiếm Vân Nam rồi tiến vào Tứ Xuyên.

Vua Đại Lý lúc đó là Đoàn Tường Hưng sai đại tướng Cao Thái Hòa – em của Tướng quốc Cao Thái Tường – xuất quân kháng cự. Hai bên giao chiến ác liệt tại Cửu Hòa (nay là huyện tự trị dân tộc Nạp Tây, tỉnh Vân Nam).

Trong “Cuộc chiến Cửu Hòa” này, hai bên đều tổn thất nặng nề, quân Mông Cổ phải rút về còn bên Đại Lý thì các tướng Cao Thái Hòa, Cao Phúc Thiện, Cao Minh Thắng, Cao Chính Vận… tử trận. Triều đình cho xây một Phật tháp để siêu độ cho tướng sĩ vong mạng nơi sa trường, di tích tháp Bạch Vương ngày nay vẫn còn. Nhà Tống đã cho sứ giả sang ai điếu.

Quân Mông Cổ không bỏ cuộc. Năm 1253, Hốt Tất Liệt phụng mạng Mông Ca dẫn 10 vạn đại quân xuất phát từ cao nguyên Mông Cổ hành binh chớp nhoáng, nhân mùa đông vượt qua Hoàng Hà, Diêm Hạ, Túc Quan, đến Lục Bàn – Ninh Hạ, Lâm Thao – Cam Túc, Tùng Phiên – Tứ Xuyên. Tại đây, quân Mông Cổ chia làm 3 cánh quân tấn công Đại Lý: đích thân Hốt Tất Liệt dẫn trung quân, Ngột Lương Hợp Đài dẫn cánh phía Tây, Dã Chỉ Liệt dẫn cánh phía Đông. Hốt Tất Liệt đưa quân vượt qua Đại Độ Hà, tiến đến sông Kim Sa, dòng nước quá hung dữ nên binh lính phải dùng “cách nang” (da dê thuộc nguyên con) làm phao để vượt sông.

Đến Lệ Giang – Vân Nam, Hốt Tất Liệt ra lệnh cấm giết hại dân chúng, phái sứ giả chiêu hàng. Nhưng vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí và tể tướng là Cao Thái Tường kiên quyết không hàng, giết chết sứ giả.

Hốt Tất Liệt lại cho sứ đến chiêu hàng, 3 lần đều không thành, bèn cho lập một đội dũng sĩ cảm tử vòng lên đỉnh Thương Sơn. Đội quân “10 người chết hết 9” này cuối cùng đã hoàn thành sứ mệnh, từ đỉnh núi đánh xuống giữa kinh thành như người trời xuống.

Đoàn Hưng Trí và Cao Thái Tường xuất quân kháng cự nhưng đại bại phải rút chạy. Quân Mông Cổ bắt được Cao Thái Tường ở thành Diêu Châu, đem chém đầu thị chúng. Trước khi chết, Thái Tường than rằng: “Vận họ Đoàn đã tận, là trời khiến như thế, kẻ làm tôi chết vì vua ấy là bổn phận”.

Đoàn Hưng Trí xuất bôn về thành Thiện Xiển sau 1 năm thì bị Ngột Lương Hợp Đài dẫn binh tấn công. Thành Thiện Xiển bị hạ, Đoàn Hưng Trí chạy về Nghi Lương thì bị bắt. Vương triều Đại Lý diệt vong.

22 đời vua, trị vì 316 năm

Trong “Thần điêu hiệp lữ”, đoạn giữ thành Tương Dương, Kim Dung viết rằng: “Bây giờ nước Đại Lý do Đoàn Hưng Trí thống trị, là cháu tằng tôn của Nhất Đăng đại sư, lên làm vua lấy hiệu là “Thiên Định Hiền Vương”, tuổi còn nhỏ, mới đăng quang vừa được 2 năm thì mất nước. Nhờ có Võ Tam Thông và Chu Tử Liễu phất cờ hợp với Tứ Thủ Ngư cứu được nước nhà khỏi họa diệt vong”. Kỳ thực, Đoàn Hưng Trí chỉ bôn tẩu trong 1 năm là bị bắt, kết thúc vương triều Đại Lý với 22 đời vua, kéo dài 316 năm.

Nguồn bài đăng

0