18/06/2018, 16:48

Bàn về Cờ Ngũ Sắc

Phạm Thức Có người nói cờ ngũ sắc là cờ Thần. Vậy cờ Thần ngoài được treo ở đền, đình là nơi thờ thần ra, tại sao lại treo cả ở chùa, ở các cơ sở tín ngưỡng và cả ở các lễ hội truyền thống dân gian nữa? Cờ ngũ sắc sắp xếp các màu theo thứ tự nào? ở trung tâm của lá cờ là màu gì? Sự ...

Dong-tranh-Dong-Ho-1115.jpg

Phạm Thức

Có người nói cờ ngũ sắc là cờ Thần. Vậy cờ Thần ngoài được treo ở đền, đình là nơi thờ thần ra, tại sao lại treo cả ở chùa, ở các cơ sở tín ngưỡng và cả ở các lễ hội truyền thống dân gian nữa? Cờ ngũ sắc sắp xếp các màu theo thứ tự nào? ở trung tâm của lá cờ là màu gì? Sự hiểu biết và quan niệm khác nhau, thì sự sắp xếp cũng khác nhau.

Vừa rồi tôi có đi khảo sát ở Văn miếu Quốc tử giám, thấy có treo 25 lá cờ ngũ sắc lớn nhỏ khác nhau. Các màu được sắp xếp không theo trật tự nào cả. ở trung tâm của lá cờ màu đỏ có, màu vàng có, màu  tím có… Tôi ra Hồ Gươm đi trên cầu Thê Húc, thấy có 18 lá cờ ngũ sắc cắm ở hai  bên thành cầu, mỗi bên 9 lá. Trên cột cờ trước đền Ngọc Sơn có treo một  lá cờ ngũ sắc rất to, nhưng các lá cờ ngũ sắc ở  đó màu sắc sắp xếp rất lộn xộn. Tất cả các lá cờ ngũ sắc ở Văn miếu Quốc tử giám, đền Ngọc Sơn rất đẹp, màu sắc sặc sỡ, nhưng sắp xếp các màu sắc không theo quy luật nào, không nói lên được ý nghĩa gì cả.

Không ai biết cờ ngũ sắc xuất hiện từ lúc nào, nhưng theo các bức tranh cổ, các chuyện dân gian thì thấy cờ ngũ sắc xuất hiện từ thời Hai Bà Trưng (40 – 43). Hàng ngàn năm nay ông cha ta đã sáng tạo ra cờ ngũ sắc để nó có mặt trong tất cả các lễ hội, các đền, đình, chùa, các cơ sở tín ngưỡng nói chung. Sự xuất hiện 5 màu trên tương ứng với 5 màu của ngũ hành là xanh (mộc),đỏ (hoả), vàng (thổ), trắng (kim) và tím(thuỷ).

Như vậy có thể khẳng định là ông cha ta xưa đã căn cứ vào các màu của ngũ hành và quy luật của ngũ hành để sáng tạo ra cờ ngũ sắc.

Vậy trước hết ta hãy bàn về ngũ hành. Tổ tiên ta quan niệm, từ thuở mông lung ban đầu, 5 vật chất đầu tiên là mộc, hoả, thổ, kim và thuỷ sản sinh ra thế giới vật chất bao la. Đó làngũ hành . Quy luật của ngũ hành là Luật tương sinh và Luật tương khắc. Tương sinh là mộc sinh hoả,  hoả sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thuỷ và thuỷ sinh mộc. Tương khắc là mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim và kim khắc mộc. Vậy ngũ hành là một vòng tròn khép kín, nhưng cái gì có trước, cái gì có sau? Trong Kinh dịch nói: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng… Tứ tượng có nhiều ý nghĩa, nhưng ở đây tứ tượng ứng với 4 mùa: xuân, hạ, thu và đông. Thời gian 4 mùa trong năm bắt đầu từ mùa xuân.

Ngũ hành phối với ngũ sắc: Mộc màu xanh, hoả màu đỏ, thổ màu vàng, kim màu trắng và thuỷ màu tím (đen).

Ngũ hành phối với 4 mùa: Mộc mùa xuân, hoả mùa hạ, kim mùa thu và thuỷ mùa đông. Còn thổ chia làm 4 nhập với tháng thứ ba của 4 mùa.  Như vậy thổ có mặt ở cả 4 mùa, có mặt và là điều kiện tồn tại của 4 hành kia.

Mộc màu xanh phối với mùa xuân. Mùa xuân hạt giống nảy mầm thành cây cối xanh tươi. Vậy mộc là hành bắt đầu của ngũ hành. Như vậy mộc là khởi đầu của vạn vật, vì mộc có trước mới sinh ra hoả, hoả sinh ra thổ, thổ sinh ra kim, kim sinh ra thuỷ. Ngũ hành sinh ra vạn vật. Mộc là gốc của vạn vật. Có người nói lấy đức của hoả làm vua, nên đặt hoả vào trung tâm của lá cờ. Thật là một suy diễn vô lý, không có căn cứ thuyết phục nào để làm như vậy. Khí hoả  là tán chứ không phải tụ, hoả không tàng trữ và nuôi dưỡng vạn vật, không là điều kiện để sinh sôi ra vạn vật, làm sao mà ở vị trí trung tâm được.

Vị trí trung tâm của lá cờ là màu gì phải căn cứ vào các thuyết về Kinh dịch, âm dương ngũ hành, địa lý phong thuỷ đã được khẳng định, Vị trí trung tâm của lá cờ ngũ sắc thuộc vềhành thổ màu vàng.

Tại sao hành thổ được đặt ở trung tâm? Ta thường nói Tổ quốc là Đất mẹ, là cái nôi của dân tộc. Trong Kinh dịch, khi tính bát trạch thì đặt hai quẻ khôn và cấn thuộc hành thổ ở vị trí trung tâm. Trong sắp xếp ngũ hành theo phương hướng, thì thổ ở trung tâm rồi đến mộc ở phương đông, hoả ở phương nam, kim ở phương tây và thuỷ ở phương bắc.Trong cách tính khẩu quyết của kinh dịch, địa lý phong thuỷ và kim lâu, hễ gặp số 5 (số đại diện cho vua) và số có hàng đơn vị là 5 như: 15,25,35… thì nhập trung cung. Vua cũng lấy màu vàng màu của thổ làm biểu tượng và coi mình là trung tâm của vũ trụ. Như vậy trung tâm của cờ ngũ sắc là phải là thổ màu vàng. Từ trung tâm thổ mới sản sinh và nuôi dưỡng vạn vật. Thổ là nơi tàng trữ vạn vật, vạn vật đều từ đất mà sinh sôi nảy nở và cuối cùng sẽ trở thành cát bụi và sẽ trở về với đất. Trong tam tài thiên địa nhân, địa là trung tâm. Trong tam giới, thiên đàng, hạ giới và âm phủ thì hạ giới (mặt đất) là trung tâm.

Còn các vòng ngoài xếp các màu theo thứ tự nào? Mộc là màu xanh, đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân khởi đầu thời gian của bốn mùa và là khởi đầu vạn vật, nên xếp tiếp theo màu vàng. Mộc sinh hoả là màu đỏ, nên màu đỏ xếp tiếp theo. Hoả sinh thổ ở trung cung, rồi thổ sinh kim  là màu trắngxếp tiếp sau màu đỏ, kim sinh thuỷ màu tím nên xếp tiếp theo màu trắng. Ngoài cùng của cờ ngũ sắc là màu đỏ làm diềm cờ, có tua.

Có người còn lầm lẫn cờ ngũ sắc là cờ Phật giáo. Cờ Phật giáo khác hoàn toàn. Năm 1889 thượng toạ Henry Steel Olcolt người Hoa Kỳ cùng thượng toạ Susmangala người Sri Lanca phỏng theo 6 màu hào quang của Đức Phật là màu xanh, vàng nhạt, đỏ, trắng, da cam và màu tổng hợp của 5 màu trên mà phác hoạ ra cờ Phật giáo của Sri Lanca. 61 năm sau, đại hội Phật  giáo thế giới tổ chức tại Sri Lanca vào ngày 25/5 -8/6/1950. Thượng toạ Thích Tố Liên, trụ trì chùa Quán Sứ Hà Nội thay mặt Phật giáo Việt Nam đi dự. Đại hội Phật giáo thế giới biểu quyết lấy cờ Phật giáo Sri Lanca làm cờ Phật giáo thế giới.

Ngày 6/5/1951 Đại hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tận chùa Từ Đàm ở cố đô Huế. Tại đại hội này thượng toạ ThíchTố Liên trao tặng cho đại hội lá cờ Phật giáo thế giới. Đại hội Phật giáo Việt Nam cũng biểu quyết lấy cờ Phật giáo thế giới cũng là cờ Phật giáo Việt Nam.

co-pg.jpg

Ý nghĩa của cờ Phật giáo:

Cờ Phật giáo trước hết là biểu hiện cho tinh thần đoàn kết thống nhất của Phật tử ViệtNamvà Phật tử trên toàn thế giới. Cờ Phật giáo tượng trưng cho niềm Chánh tín và Yêu chuộng hoà bình của Phật tử.

Cờ Phật giáo có 6 màu: Màu xanh đậm tượng trưng cho Định căn, là sự rộng lớn và sáng suốt. Màu vàng nhạt tượng trưng cho Niệm căn. Có chánh niệm mới sinh ra Niệm căn và  phát Huệ. Màu đỏtượng trưng cho Tinh Tấn căn, có tinh tấn căn mới khắc phục được trở ngại và nghịch cảnh. Màu trắng tượng trưng cho Tín căn, là niềm tin không lay chuyển, có căn là có nhân duyên với Chư Phật, là nguồn gốc sinh ra mọi hạnh phúc tốt lành.Màu da cam tượng trưng cho Huệ căn, khi có tín, có căn, có niệm, có định đầy đủ, thì huệ căn mới phát sinh. Màu tổng hợp (của 5 màu trên) tượng trưng cho Tinh thần đoàn kếtcủa Phật giáo trên toàn thề giới.

Vậy cờ ngũ sắc là cờ gì ? Cờ ngũ sắc không phải là cờ Thần, vì không có lý do gì để giải thích nó là cờ Thần. Cờ ngũ sắc được dùng chung cho thần, thánh, Phật và các lễ hội dân gian khác, không dành riêng cho ai cả.

h4_500_06.png

Cờ ngũ sắc có phải là cờ dân tộc không? Hiện nay cờ búa liềm màu vàng trên nền màu đỏ là cờ Đảng, vì đại hội toàn quốc của Đảng quyết định lấy cờ búa liềm làm cờ Đảng. Cờ đỏ sao vàng làm cờ Tổ Quốc do Quốc hội và hiến pháp quy định. Nếu nói cờ ngũ sắc là cờ Dân tộc cũng không phải, vì chưa có đại hội hay tổ chức nào thay mặt dân tộc công nhận cả. Do đó không thể nói cờ ngũ sắc là cờ dân tộc được.

Vậy cờ ngũ sắc chỉ có thể là cờ truyền thống của dân tộc. Nói là cờ truyền thống vì đã được ông cha ta sáng tạo ra nó hàng ngàn năm nay và được lưu truyền mãi đến tận ngày nay. Các di tích lịch sử văn hoá, các cơ sở tín ngưỡng, đền, đình, chùa và các lễ hội truyền thống của dân tộc đều treo cờ ngũ sắc. Đã là truyền thống thì không cần ai công nhận, nó có sức sống lâu dài trong lòng dân tộc, được mặc nhiên công nhận.

Nhưng do chưa có ai công nhận và chưa có văn bản nào quy định, nên cờ truyền thống dân tộc rất muôn màu muôn vẻ, các màu sắp xếp không theo một quy luật nào cả, miễn có 5 màu là được.

Vì những lý do như đã nói ở trên, tôi xin có ý kiến cờ ngũ sắc có 5 màu hình vuông là cờ truyền thống dân tộc. Màu ở trung tâm lá cờ là màu vàng ( thổ), kế đến là màu xanh(mộc), màu đỏ (hoả), màu trắng(kim), màu tím (thuỷ). Ngoài cùng là diềm cờ có tua màu đỏ, tượng trưng cho ngọn lửa vĩnh cửu đang rực cháy; là biểu tượng của sự thái bình, thịnh vượng, phát huy truyền thống và phát triển của dân tộc.

* Tác giả đã có 9 năm học ở Trung Quốc và trên 50 năm nghiên cứu Hán ngữ, Kinh dịch, Địa lý Phong thuỷ

Nguồn bài đăng

0