18/06/2018, 15:43

Vụ Snowden : có thể có một nhà nước giám sát dân chủ?

Mike Konczal , The Washington Post Ngọc Hoà dịch Chính phủ Mỹ sử dụng khối lượng thông tin lớn và kỹ thuật thu thập dữ liệu để giám sát các công dân Việc có thể đặt tên sự vật là một phần quan trọng thuộc về nhân loại chúng ta. (Trước khi mọi việc thay đổi, ông tổ Adam được ...

Mike Konczal , The Washington Post

Ngọc Hoà dịch

cơ_quan_an_ninh_quoc_gia_my

Chính phủ Mỹ sử dụng khối lượng thông tin lớn và kỹ thuật thu thập dữ liệu để giám sát các công dân

Việc có thể đặt tên sự vật là một phần quan trọng thuộc về nhân loại chúng ta. (Trước khi mọi việc thay đổi, ông tổ Adam được cho là sống vĩnh viễn trong vườn Địa đàng để đặt tên cho loài vật.) Có khả năng đặt tên cho sự vật mang lại cho chúng ta sức mạnh để mô tả chúng, xác định những gì chúng ta thích hoặc không, và bắt đầu nghĩ về những lựa chọn tốt hơn.

Bởi vậy, điều quan trọng là đặt tên cho những gì có liên quan đến các câu chuyện gần đây trên tờ Guardian và The Washington Post về cách chính phủ Mỹ đang thu thập lý lịch dữ liệu điện thoại di động và khai thác dữ liệu từ các công ty Internet. Cái tên tốt nhất mà tôi thấy phù hợp với việc này là “Nhà nước giám sát toàn quốc.”

Một nhà nước giám sát là nhà nước sử dụng khối lượng thông tin lớn và kỹ thuật thu thập dữ liệu để giám sát các công dân và rút ra kết luận về hành vi tiềm năng của họ nhằm phục vụ cho việc triển khai các trách nhiệm mà nó đặt ra đối với chính nó. Giống như các cơ quan khác của nhà nước (phúc lợi xã hội, an ninh quốc gia), nhà nước giám sát cung cấp một loại an ninh dành cho công dân thông qua sự thao túng về kiến thức và nguồn lực. Cũng giống như các cơ quan khác của nhà nước, nhà nước giám sát chống lại những nỗ lực dân chủ trong việc đòi hỏi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.

Cái tên này xuất phát từ một bài viết năm 2008, “Hiến pháp trong Nhà nước giám sát toàn quốc”, của giáo sư luật trường Yale, ông Jack Balkin. Ông ta đưa ra lập luận gây nhiều tranh cãi rằng “vấn đề không phải là ở chỗ liệu chúng ta sẽ có một nhà nước giám sát trong những năm tới hay không, mà là chúng ta sẽ có như thế nào.”

Nếu đó là sự thật, làm thế nào chúng ta có thể phân biệt giữa các quốc gia giám sát tốt hơn hoặc tồi tệ hơn? Balkin xác định và đưa ra hai hình ảnh tương phản. Đầu tiên là một nhà nước giám sát độc tài, còn thứ hai là một nhà nước giám sát dân chủ. Những vụ bê bối gần đây rõ ràng cho thấy rằng chúng ta đang sống trong một nhà nước độc tài.

Các quốc gia giám sát độc tài sẽ làm những việc gì? Họ hành xử như những kẻ “háu thông tin và bủn xỉn về thông tin.” Khi háu thông tin, họ có càng nhiều càng tốt. Nhiều hơn luôn là tốt hơn, truy cập không phân biệt tốt hơn là đối phó có mục đích, và một giả định chung rằng họ sẽ có thể truy cập bất cứ điều gì họ muốn bất cứ lúc nào.

Nhưng các quốc gia giám sát độc tài cũng hoạt động như kẻ bủn xỉn về thông tin, ngăn ngừa việc phổ biến bất kỳ thông tin nào liên quan đến bản thân. Những hành động của họ cũng như những thông tin mà họ thu thập được bị giữ kín trước cả công chúng lẫn phần còn lại của chính phủ.

Mặc dù nghiên cứu này có từ năm 2008, mô tả về một nhà nước giám sát độc tài hoàn toàn phù hợp với những khám phá gần đây về chính quyền Obama. Những thông tin mà Cơ quan An ninh Quốc gia đã tìm kiếm, từ lý lịch dữ liệu điện thoại cho đến truy cập máy chủ, bao trùm đến mức có thể tưởng tượng. Trong khi đó, cuộc chiến của bộ máy chính quyền nhắm vào những người tố cáo đã thu hút được sự chú ý của công chúng sau khi các phóng viên AP tiết lộ thông tin về hành động giám sát, cho thấy bộ máy chính quyền thiếu quan tâm đến các biện pháp minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Còn một nhà nước giám sát dân chủ sẽ như thế nào? Balkin lập luận rằng các nước này sẽ là những kẻ “sành thông tin và rộng lượng về thông tin.” Một nhà nước giám sát dân chủ sẽ hạn chế đến tối thiểu các dữ liệu thu thập được. Trong khi đó, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tối đa sẽ được nhấn mạnh ở khắp nơi. Quốc hội và công chúng cần phải được lôi kéo vào cuộc nhiều hơn nữa.

Một nhà nước giám sát dân chủ cũng sẽ coi trọng việc phá hủy các dữ liệu mà chính phủ thu thập. Bệnh mất trí nhớ từng là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại sự giám sát. Mọi người vẫn quên mọi thứ theo thời gian, cho phép người dân có một tuyến phòng thủ chống lại sự xâm nhập. Tuy nhiên, trong thời đại của công nghệ kỹ thuật số, không còn tồn tại tình trạng mất trí nhớ, vì vậy nó cần phải được quy định bởi luật.

Một nhà nước giám sát dân chủ cũng sẽ yêu cầu trách nhiệm giải trình công khai về hành vi đúng đắn của các công ty tư nhân trong việc xử lý và mua bán thông tin cá nhân. Mọi người rất dễ hoài nghi về việc không thể kiểm soát quyền riêng tư của họ khi bản thân chính phủ cũng cảm thấy bất lực trước các công ty tư nhân.

Một nhà nước “giám sát dân chủ” nghe có vẻ như là một nghịch lý, giống như có trong tay một quả lựu đạn đáng ôm ấp. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu triệt hạ hoàn toàn và giải quyết dứt điểm nhà nước giám sát. Việc loại bỏ các luật liên quan đến “Cuộc chiến Toàn cầu chống Khủng bố” thực sự sẽ loại bỏ các yếu tố độc tài của nhà nước này.

Nhưng trong thời đại của công nghệ kỹ thuật số giá rẻ và khối dữ liệu lớn, nhà nước giám sát đã bành trướng rộng hơn chúng ta nghĩ. Từ các mô hình xử lý dữ liệu của COMPSTAT cho phép xác định hạn ngạch bắt giữ tội phạm cần sa để cảnh sát triển khai các hoạt động ngăn chặn và lục soát cho đến các camera giao thông phạt tốc độ, việc giám sát và nguồn dữ liệu thay đổi cách nhà nước thực hiện nhiệm vụ của nó. Câu hỏi quan trọng sau đó là, phải đặt ra giới hạn nào cho quyền lực của nhà nước.

Trách nhiệm giải trình dân chủ cũng cần thiết bởi vì các tòa án, những tuyến phòng thủ chính của các những người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tự do cổ điển, không đưa ra một cơ chế kiểm tra hiến pháp khi liên quan đến thông tin. Tu chính án thứ tư (Fourth Amendment) không ghi nhận những nhu cầu cần thiết về quyền riêng tư để cho phép kiểm tra nhà nước. Các tòa án, bất kể tốt hay không, thấy rằng hầu hết các thông tin mà chính phủ thu thập trong thời đại kỹ thuật số mới nằm ngoài những mong đợi về quyền riêng tư.

Trong khi đó, Hiến pháp không có các quy định kiểm tra công khai khi chính phủ lấy thông tin được thu thập từ các bên tư nhân. Điều này đặc biệt gây vấn đề trong một thời đại mà cả hai đảng chính trị coi trọng việc tư nhân hóa các dịch vụ chính phủ. Sự bảo vệ hiến pháp và tính minh bạch dân chủ không nhân rộng khi chính phủ bàn giao lại, hoặc thậm chí ủy quyền, cho khu vực tư nhân.

Như Aaron Bady đã lập luận trong tờ Technology Review của trường MIT, ngôn ngữ và khái niệm về quyền riêng tư xuất hiện trong một thế giới mà “những bức tường” vẫn là những ẩn dụ nổi bật. Nhìn trộm qua một bức tường là đủ để chứng minh bạn đã vi phạm sự riêng tư của người khác. Nhưng công nghệ đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới, không còn có những bức tường, hoặc những sự việc xuất hiện ở nhiều nơi khiến cho ý tưởng bức tường không còn ý nghĩa. Nếu không còn có chúng, ta cần những khái niệm mới.

Như vẫn thường xảy ra, cuộc chiến giữa độc tài và dân chủ có thể dẫn tới nhiều hoạt động trí tuệ. Một trong những điều tuyệt vời về dân chủ là khả năng kiểm tra quyền lực của tư nhân và chính phủ, cũng như tạo ra cơ cấu thể chế thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tính minh bạch. Tôi e rằng đó là cách duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng mà nước ta đang phải đối mặt.

 

* Mike Konczal là mt nhà nghiên cu ti Vin Roosevelt, nơi ông tp trung vào các vn đ v quy đnh tài chính, bt bình đng và tht nghip. Ông viết mt mc báo hàng tun cho Wonkblog. Theo dõi ông ta trên Twitter (ở đây).

Nguồn: Mike Konczal, Is a democratic surveillance state possible?The Washington Post, ngày 8 Tháng Sáu 2013.

Bản Tiếng Việt:  The Pacific Chronicle

0