18/06/2018, 15:43

Hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu con vua Thành Thái

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu năm 1947 vừa từ nơi lưu đày về Sài Gòn (chụp lại ảnh tư liệu gia đình) Thông tin cải chính của ông Bảo Phúc , con trai của ông Vĩnh Kha hòang tử thứ 12 của vua Thành Thái , hiện là Phó ban liên lạc đệ tứ chánh hệ Nguyễn phúc tộc tại thành phố Hồ Chí Minh ...

nguyen phuoc vinh Giu 2

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu năm 1947 vừa từ nơi lưu đày về Sài Gòn (chụp lại ảnh tư liệu gia đình)

Thông tin cải chính của ông  Bảo Phúc , con trai của ông Vĩnh Kha hòang tử thứ 12 của vua Thành Thái , hiện là Phó ban liên lạc đệ tứ chánh hệ Nguyễn phúc tộc tại thành phố Hồ Chí Minh : bài viết trên đây có rất nhiều điểm không đúng , ông Vĩnh Giu không phải là con thứ 7 của vua Thành Thái mà là con thứ 20 , cũng không phải là hòang tử cuối cùng của Vua Thành Thái vì còn hòang tử Vĩnh Giêu con thứ 21 của Vua Thành Thái hiện còn sống tại Houston , Bang Texas,Hoa Kỳ việc này tôi có đính chính với nhà báo 6 Nghệ ở Cần Thơ từ lâu rồi ,  vua Thành Thái là 1 vị vua cận đại , con cháu hiện còn sống rất đông ở trong nước cũng như hải ngọai .

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Giêu (phải), người con cuối cùng vua Thành Thái vẫn còn sống và về dự lễ kỵ cha dù sức khỏe đã rất yếu (20/3/2011)

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Giêu (phải), người con cuối cùng vua Thành Thái vẫn còn sống và về dự lễ kỵ cha dù sức khỏe đã rất yếu (20/3/2011)

Vua Thành Thái sinh ra nhà vua yêu nước nổi tiếng Duy Tân và ông Nguyễn Phúc Vĩnh Giu là em ruột của vua Duy Tân, nhưng cùng cha khác mẹ

Những ngày mới giải phóng, năm 1975, tôi đã đến căn nhà này. Hơn 30 năm sau, tôi quay lại, cảnh hoàn toàn khác xưa quả là “vật đổi sao dời” nhưng người thì còn đó, một nhánh hậu duệ vương triều nhà Nguyễn phiêu dạt đến Cần Thơ.

Đó là căn nhà số 166, đường Phan Đình Phùng, phường An Lạc (Ninh Kiều, Cần Thơ). Hoàng tử thứ 19 của vua Thành Thái, ông Nguyễn Phúc Vĩnh Giu cùng vợ con ở tại đây.

Nay ông đã 84 tuổi, già yếu. Nhưng còn khỏe mạnh so với tuổi và còn minh mẫn. Biết tôi từng đến nhà và là bạn cũ của con ông, nên ông trò chuyện khá cởi mở. Ông đã rụng gần hết hàm răng trên song tiếng nói vẫn rõ, âm Huế pha âm Sài Gòn tạo nên một âm điệu ngân nga êm ái, lại phảng phất tư duy của người học trường Tây nên nói rõ ràng, khúc triết.

Vua Thành Thái thân phụ của ông là vua nhà Nguyễn đầu tiên cắt tóc ngắn, mặc đồ Tây, biết lái ca nô, biết cả chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, đã bắt con cái cả nam lẫn nữ phải học chữ quốc ngữ, chữ Pháp song song với chữ Hán. Vua Thành Thái sinh ra nhà vua yêu nước nổi tiếng Duy Tân và ông Nguyễn Phúc Vĩnh Giu là em ruột của vua Duy Tân, nhưng cùng cha khác mẹ.

Vua Thành Thái có nhiều vợ, có 22 hoàng nam, 26 hoàng nữ. Trong đó, có hai chị em ruột là bà Gia Triệu và Chí Lạc cùng làm vợ vua. Bà Chí Lạc sinh được 9 người con (5 hoàng nam, 4 hoàng nữ), hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Giu là con thứ 7.

Ông Vĩnh Giu kể: “Mẹ tôi sinh con đầu ở Huế khi vua Thành Thái đương ngôi. Năm 1907, thực dân Pháp truất ngôi vua Thành Thái đưa về an trí ở Vũng Tàu, tại đây mẹ tôi sinh được 2 con. Năm 1916, vua Thành Thái bị đày đi đảo Réunion (châu Phi), mẹ tôi đi theo và sinh 6 người con nơi lưu đày, trong đó có tôi sinh năm 1922. Năm 1947, vua Thành Thái được đưa về Sài Gòn thì mấy mẹ con tôi cùng theo về”.

Vì Thành Thái là một ông vua có tư tưởng dân tộc mạnh mẽ, thực dân Pháp không thể để mấy cha con quây quần, sợ sức mạnh cố kết nên đưa ông Vĩnh Giu xuống Cần Thơ vào năm 1949 và cấp cho căn nhà số 3 đường Trịnh Tấn Truyện (nay là đường Ngô Hữu Hạnh). Ông sống theo nghề cầu đường, làm đốc công, cái nghề ông học ở trường Pháp.

Hỏi ông đã tham gia làm những con đường nào. Ông trầm ngâm: “Nhiều lắm nhưng toàn nơi khó khăn. Như con đường từ thị xã Vị Thanh về phà Cái Tư của tỉnh Chương Thiện cũ, nay là tỉnh Hậu Giang. Nhà báo có biết con đường ấy đi qua vùng nào không?”. “Dạ biết, vùng căn cứ cách mạng ở cửa ngõ U Minh thượng. Nơi đó có căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ một thời”.

Ông Vĩnh Giu nhẹ nhàng nói tiếp: “Hồi đó, tôi được cử đi làm cầu đường, mục đích của chế độ cũ là muốn mượn tay Việt Minh, Cộng sản giết tôi. Nhưng cán bộ cách mạng lại không giết tôi, hơn nữa tôi nhớ thời Diệm, tôi làm đường về Cái Tư đã gặp một cán bộ an ninh, biệt động gì đấy, nghe nói mọi việc ám sát giặc đều do ông ấy chỉ huy nhưng ông lại cho tôi cơm nước, còn nhường giường cho tôi ngủ đêm”. “Sau này, ông có gặp lại những người ấy không?”- Tôi hỏi. “Không. Tôi tìm hoài mà không gặp. ở Cần Thơ này tôi còn quen thân với ông cán bộ cách mạng Mười Đáo, luôn mặc bà ba trắng sống hợp pháp ở thành phố, sau giải phóng ông có thăm tôi mấy lần rồi ông về TPHCM, tôi không còn biết đâu để tìm”.

Cuộc đời của một Hoàng tử khi vương triều suy vong như ông kể cũng nhiều vất vả. Sinh ra ở chốn lưu đày xa xôi, lớn lên giữa thời chiến tranh loạn lạc, không đứng hẳn được bên nào…

Ông tâm sự: Nếu ông xin một cái ghế chức quyền nào đó của chế độ cũ thì có liền nhưng ông không biết xin xỏ, chỉ lo nghiệp cầu đường. Giải phóng, căn nhà ông ở mấy chục năm bị thu hồi, ông về nhà của gia đình vợ bên đường Phan Đình Phùng.  Tôi là bạn của con ông. Đơn vị Hải quân của tôi tiếp quản căn cứ Bình Thủy có kho vật tư và tuyển dụng Nguyễn Phước Bảo Bời, Nguyễn Phước Thanh Cát là con trai và con gái lớn của ông vào làm việc. Nay tôi trở lại thì căn nhà chính rộng lớn ở phía trước không còn. Đó là căn nhà trệt, mái ngói xây theo lối cũ, nằm dọc mặt tiền đường Phan Đình Phùng dài hàng chục mét. Nó đã được bán và các chủ mới cất lên những căn nhà cao tầng quét sơn lộng lẫy.

Bán nhà vào cái thời đói khổ ăn bo bo, giá nhà đất lấy gạo làm chuẩn và bán trong tình thế chẳng đặng đừng nên không được bao nhiêu tiền. Vợ của ông là bà Lý Ngọc Hóa, ông lấy năm 1950, con của một vị quan coi việc thuế má ở Cần Thơ. Thì cũng là “gia đình công chức chế độ cũ” và thời mới giải phóng sống rất khó khăn. Ghé đồn công an phường An Lạc hỏi thăm, một sỹ quan vui vẻ chỉ đường, bảo tôi dựng xe máy trước đồn bởi hẻm vào nhà ông chật hẹp. Cái hẻm nghe đâu lúc đầu rộng nhưng bị lấn và nay chỉ còn khoảng một mét, dài hơn 11 mét theo ước lượng bước chân của tôi.

Đi hết con hẻm, tôi ngỡ lạc vào dãy nhà trọ của dân nghèo vốn nhan nhản ở các đô thị hiện nay. Tôi định thần hình dung cảnh xưa: Ngôi nhà lớn và dài phía trước, ngôi nhà nhỏ cũng khá dài chứa đồ lặt vặt phía sau, giữa có một khoảng sân. Bây giờ nhà lớn thì đã thành dãy phố cao tầng sừng sững của người ta. Ngôi nhà nhỏ phía sau được nối thêm mái tôn lấn khoảng sân và chia ra nhiều ngăn. Hỏi thăm cô gái đang ngồi trong ngăn gần nhất, được chỉ cho nơi ông Nguyễn Phúc Vĩnh Giu ở phía trong.

Lách qua mấy chiếc xe đạp và xô chậu để đi tiếp, vừa bước vào gặp ngay Nguyễn Phước Thanh Cát, cô tiểu thư hơn 30 năm trước, nay đã là bà ngoại. Hóa ra đây không phải nhà trọ mà là gia đình các con cái của ông Vĩnh Giu quây quần sinh sống. Ông có 7 người con (6 trai, 1 gái), trừ 2 con trai ra riêng còn lại có vợ có chồng thành 6 gia đình với 19 nhân khẩu chia nhau ở trong những ngăn nhỏ hẹp, lụp xụp  ấy.

Hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ ở góc nhà, mặc quần âu, áo may ô có ống tay gọn ghẽ. Tóc bạc, kiếng lão gọng màu bồ quân. Bên cạnh có một chiếc bình sứ giả cổ đặt trên giá sắt. Trước mặt có một cái bàn thấp, trên bàn có khay gỗ hình chữ nhật đáy sơn đen, khung sơn đỏ, trong khay có be sứ nhỏ hình hồ lô giữa eo buộc sợi lụa vàng và 2 cái ly nhỏ cũng bằng sứ. Một gói kẹo vuông, một gói trà bọc giấy đỏ.

Bên trái, cách bước chân lại có một cái bàn thấp phủ vải vàng. Một vật tròn màu vàng sẫm đặt trang trọng trên bệ gỗ sơn đỏ và tôi nhận ra đó là viên ngói ống xưa, Thanh Cát cho biết lấy từ cung đình Huế. Sát tường có 2 tủ gỗ nhỏ và thấp, ván sơn vàng khung sơn đỏ. Phòng khách tí xíu này thông với phòng ngủ một cửa hẹp được che tấm ri đô màu vàng.

Thấy tôi ngắm nhìn, ông Vĩnh Giu mỉm cười nói: “Nghèo thì nghèo chứ tôi vẫn luôn ưa màu vàng vàng đỏ đỏ vậy”. Ông lại cho biết tất cả bàn ghế trong nhà đều do ông đóng lấy. Tôi hỏi: “Từ hồi nào đến giờ đồ dùng bằng gỗ ông đều đóng lấy sao?”. “Đúng thế – Ông trả lời – Cả giường ngủ của tôi, tôi cũng đóng lấy. Đồ gỗ tôi không mua thứ gì”.

Đường cưa nét đục không thật chuyên nghiệp, tôi nhìn thấy rõ như thế, song trong lòng rất khâm phục. Lúc mới vào, tôi không khỏi ngậm ngùi thấy vương triều nhà Nguyễn gần 400 năm (tính từ lúc Nguyễn Hoàng lập xứ Đàng trong năm 1558 đến khi Bảo Đại thoái vị năm 1945) xuôi phương Nam đến đây chỉ còn những màu sơn đỏ vàng trên gỗ tạp. Nhưng rồi tôi lại rưng rưng khi biết được bên dưới lớp sơn vụng về là công sức, mồ hôi, tình yêu của một con người. Tình yêu thì có bao giờ cũ?

Lao động mãi mãi là sức sống, niềm vinh quang. Vua chúa hưng phế, vĩnh cửu lòng tôn kính tổ tiên, tình yêu Tổ quốc, nhân dân và khi có tình yêu, có lao động thì vương miện đặt xuống hào quang vẫn còn. Sau giải phóng, ông Vĩnh Giu tiếp tục làm việc cho ngành giao thông mấy năm, cũng đi sửa đường, sơn cầu, già yếu mới nghỉ. Thanh Cát kể, hồi đó mẹ của Thanh Cát tức là phu nhân Hoàng tử Vĩnh Giu, bà Lý Ngọc Hóa có vào nấu cơm cho đơn vị Hải quân ở Bình Thủy, 3 người em trai làm việc cho Xí nghiệp 55, nay là Nhà máy 55 Hải quân chuyên sửa chữa và đóng tàu thuyền. Được mấy năm, bây giờ không còn ai làm việc cho Hải quân nữa mà nhiều người lại thất nghiệp. Hỏi sao lại nghỉ việc như thế? Thanh Cát trả lời: “Mẹ tôi thì già còn 5 anh chị em không hiểu sao phải nghỉ một loạt. Chạy vạy tìm việc khắp nơi, nay có 3 đứa chạy xe ôm thuê”.

Ông Vĩnh Phúc chữa lại: “Chạy xe ôm mướn, tức là mướn honda để chạy xe ôm, không phải chạy xe thuê là có xe cho thuê”. Cuộc sống của con cháu Hoàng tử Vĩnh Giu hiện nay thật khó khăn. Tuy nhiên vẫn giữ được gia phong, chỗ ở chật chội nhưng sạch sẽ, mọi người nói năng nhỏ nhẹ, thân tình. nguyen phuoc vinh Giu

Vợ chồng ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu cùng con gái Thanh Cát và con trai út Bảo Tài. Trên tường là ảnh của Vua Thành Thái và Hoàng hậu.

Ông Vĩnh Phúc cho biết ông là hoàng tử cuối cùng của vua Thành Thái bởi năm 2004, 3 người anh em còn lại của ông đã qua đời. Tôi thông báo, Cty Du lịch Lửa Việt vừa công bố trên báo Tiền Phong sẽ lo chi phí cho ông một chuyến trở lại Cố đô Huế. Ông rất vui mừng, bảo đã có điện thoại với Lửa Việt, sẽ đi cùng một đứa cháu sau Tết. Vài năm nay, gia đình ông được xã hội quan tâm, lãnh đạo địa phương thường đến thăm, mới đây bán giá thấp lại cho trả chậm một căn nhà và ông đã cho vợ chồng con trai đầu Nguyễn Phước Bảo Bời. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mấy lần về Cần Thơ cũng ghé thăm ông. Ao ước của gia đình ông hiện nay là con cháu có việc làm ổn định để lao động đóng góp với xã hội.

Sáu Nghệ báo SGGP

nguồn sggp.org.vn

6g25  18-3-2007, cựu Hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu, con thứ 7 của Vua Thành Thái, em ruột Vua Duy Tân đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện 121 (Cần Thơ) dù đã được các bác sĩ ở đây tận tình điều trị trong 1 tháng qua.

0