Tây Tạng và cái ách thực dân Trung Quốc
Phạm Hy Sơn Nhân loại, nhất là những dân tộc ở châu Phi, châu Mỹ tưởng chủ nghĩa đế quốc , thực dân đã tàn lụi vào quá khứ . Không ai ngờ nó vẫn hiển hiện tại những xứ nhỏ yếu bên cạnh Trung Quốc . Vào thế kỷ 17, 18 các nước châu Âu nhờ sớm kỹ nghệ hóa đã đua nhau đi xâm ...
Phạm Hy Sơn
Nhân loại, nhất là những dân tộc ở châu Phi, châu Mỹ tưởng chủ nghĩa đế quốc , thực dân đã tàn lụi vào quá khứ . Không ai ngờ nó vẫn hiển hiện tại những xứ nhỏ yếu bên cạnh Trung Quốc .
Vào thế kỷ 17, 18 các nước châu Âu nhờ sớm kỹ nghệ hóa đã đua nhau đi xâm lăng những nước lạc hậu trên thế giới để kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa và khai thác nguyên liệu đem về nước chế biến , nhưng sau khi Thế Chiến thứ II chấm dứt năm 1945 thì những nước bị đế quốc đô hộ đó dần dần tự giải thoát khỏi ách thực dân . Ngược lại các dân tộc Mông Cổ, Mãn Châu, Duy Ngô Nhĩ và nhất là Tây Tạng vẫn còn bị cái ách đô hộ của Trung Quốc cho đến nay .
Tây Tạng bị quân đội cộng sản Trung Quốc xâm lăng năm 1950, bị sát nhập thành phủ, huyện của Trung Quốc năm 1951, và cũng như 3 dân tộc kia hiện đang bị Trung Quốc áp dụng chính sách triệt để Hán hóa để xóa bỏ hẳn trên bản đồ thế giới .
Trung Quốc từ lâu đời có truyền thống xâm lăng những nước nhỏ yếu bên cạnh để bành trướng lãnh thổ và đồng hóa dân bản xứ thành người Hán . Ngày nay vì nạn nhân mãn trầm trọng với 1.300 triệu người, Trung Quốc càng cần đi xâm lăng các nước khác, nhất là những nước đất rộng ít dân như Tây Tạng, Mông Cổ . . . hầu di dân giải tỏa áp lực dân số . Do đó chỉ mới mấy chục năm nay mà người bản xứ của những nước này trở thành dân thiểu số trên chính quê hương của họ với 20% dân số, 80% còn lại là người Hán thực dân .
ĐẤT NƯỚC và DÂN TỘC TÂY TẠNG :
Tây Tạng là 1 quốc gia hiện diện lâu đời ở miền Trung Á, nói rõ hơn ở sườn phía bắc dãy núi Hymalias với độ cao trung bình trên 4.500m (núi Hoàng Liên Sơn cao nhất Việt Nam ở Lào Cai cao hơn 3.000m) nên người ta kêu Tây Tạng là nóc nhà thế giới . Diện tích Tây Tạng khoảng 2 triệu 500 ngàn km2 ( chiến hơn ¼ diện tích Trung Quốc hiện nay ) bao gồm các khu vực rộng lớn chính như Amdo, Kham và U-Tsang . Thủ đô là Lhassa .
Sau khi chiếm Tây Tạng năm 1950, Trung Quốc cắt vùng Amdo rộng lớn phía đông bắc thành những mảnh nhỏ để sát nhập vào các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xyên ; phần phía đông vùng Kham cũng bị cắt nhỏ như thế để sát nhập vào các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên , Thanh Hải . Khu gọi là tự trị Tây Tạng chỉ còn U-Tsang và tây Kham với diện tích hơn 1 triệu km2 .
Cách nay khoảng 5.000 năm, khi dân Hoa Hạ (Hán) có mặt ở khu vực tây bắc (sông) Hoàng Hà thì dân tộc Tây Tạng cũng đã định cư ở vùng Trung Á này rồi và từ từ phát triển về phía đông và đông nam tách ra thành các nước Nam Chiếu , Miến Điện và có lẽ cả Thái Lan . Nước Nam Chiếu rất hùng mạnh vào thế kỷ thứ 8, đã từng đem quân đánh An Nam (VN bây giờ), Miến Điện và tranh hùng với nhà Đường Trung Quốc vào giữa thế kỷ này . Nam Chiếu sau đổi thành Đại Lý và bị người Tàu xâm chiếm rồi đồng hóa thành tỉnh Vân Nam hiện nay .
Dân tộc Tây Tạng có 1 nền văn hóa lâu đời và có nhiều nước từng chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa này như Népal , Boutan ,Sikkim . . . ở phía nam , phía bắc tới tận Mông Cổ và Trung Quốc ( phái Mật Tông) . Tây Tạng có ngôn ngữ riêng (tiếng Tạng Miến), chữ viết riêng, tôn giáo riêng với đạo Bôn xuất hiện nhiều thế kỷ trước khi đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang vào thế kỷ thứ 7 sau TL . Hiện nay đạo Bôn vẫn còn được 1 số người theo và đạo Phật với phái Mật Tông lan sang Trung Quốc và cả Việt Nam , Mông Cổ .
Ngay từ đầu thế kỷ thứ 7 sau TL. Tây Tạng đã là 1 quốc gia hùng mạnh, đã từng phát triển tới Bangladest, Nam Chiếu ở phía đông, nam ; phía bắc và đông bắc tới Mông Cổ, Trung Quốc .
Liên tiếp 2 năm 635, 636 vua Songsten Gampo (604-650 sau TL ) đem quân đánh Trung Quốc buộc vua nhà Đường lúc ấy phải gả công chúa Wencheng (Văn Thánh) cho vua Tây Tạng để giảng hòa . Tuy vậy , sự tranh hùng giữa 2 nước xẩy ra liên miên suốt 3 thế kỷ . Năm 763 vua Trisong Detsen (756-804) tiến quân tới Trường An , kinh đô nhà Đường, làm vua Đường Thái Tông phải chạy về Lạc Dương . Vua Tây Tạng lập 1 ông vua bù nhìn ở Trường An để cai trị . Đến năm 821, dưới triều vua Ralphachen (815-838) hai nước mới có hòa ước ký tại Lhassa, thủ đô Tây Tạng . Bản hòa ước này được khắc bằng cả chữ Tây Tạng và chữ Hán vào 1 cột đá dựng bên ngoài chùa Jokhang ở Lhassa . Cũng trong thời kỳ này, biên cương 2 nước Tạng, Hoa được vạch rõ, được đánh dấu bằng những trụ đá hay khắc vào núi đá như ở biên giới giữa 2 nước vùng Vân Nam .
Tây Tạng cường thịnh được khoảng 500 năm thì bị suy yếu do nạn chia rẽ, tranh chấp quyền hành . Do đó , đầu thế kỷ thứ 13 nước này bị quân Mông Cổ chiếm để mở 1 con đường tiến quân chinh phục Trung Quốc , sau đó Trung Quốc bị đế quốc Nguyên Mông Cổ cai trị gần 100 năm . Khi nhà Nguyên Mông Cổ sụp đổ, Tây Tạng cùng với Trung Hoa và tất cả những nước khác lấy lại độc lập, nhưng đến thế kỷ thứ 16 Tây Tạng lại bị Mông Cổ đô hộ lần nữa . Đầu thế kỷ thứ 18, khi đế quốc Mãn Châu củng cố xong sự cai trị ở Trung Quốc thì tiến quân đánh chiếm Tây Tạng, cắt miền đất phía đông Amdo sát nhập vào Trung Quốc với cái tên Koko Nor (Hồ Nước Xanh). Vùng này bị đổi thành tỉnh Thanh Hải năm 1929 dưới chính quyền Quốc Dân Đảng do Tôn Dật Tiên sáng lập .
Khi đế quốc Mãn châu (nhà Đại Thanh) bị lật đổ ở Trung Hoa năm 1911, nhân cơ hội này Tây Tạng tuyên bố độc lập . Nền độc lập này kéo dài được 39 năm thì bị Mao trạch Đông đem quân xâm chiếm .
Trung Quốc thường viện dẫn rằng trước đây Tây Tạng thuộc quyền đô hộ của nhà Nguyên (đế quốc Mông Cổ) và nhà Thanh (đế quốc Mãn Châu) nên nay họ có quyền tiếp tục cai trị . Lý luận như thế chẳng khác gì nói rằng cái nhà này ông tôi chiếm của hàng xóm, rồi đến bố tôi tiếp tục chiếm nên nay cái nhà này thuộc về tôi . Lập luận và lối chứng minh ấy thật lạ lùng vì Tây Tạng cũng như Trung Quốc xưa kia cùng bị Mông Cổ và Mãn Châu xâm lăng, đều là nạn nhân của 2 đế quốc đó nên nếu lấy lịch sử để chứng minh chủ quyền như thế thì cái quyền ấy là quyền của người Mông Cổ và người Mãn Châu .
Họ có quyền đòi chủ quyền không những ở Tây Tạng mà ở cả Trung Quốc . Tương tự, những nước trong “ Bát Quốc Liên Quân “ Nga, Nhật, Đức . . . có quyền đòi hỏi chủ quyền trên lãnh thổ Trung Quốc hiện nay, ít nhất là Nhật có quyền đòi hỏi chủ quyền toàn bộ quần đảo Đài Loan vì quần đảo này đã từng bị sát nhập vào Nhật cho đến hết Thế Chiến thứ II .
Đế quốc Mãn Thanh của người Mãn Châu, không phải của người Trung quốc . Hiến Pháp Đại Cương năm 1908 của đế quốc này gồm 15 điều , điều I ghi rất rõ ràng :
Điều I : “ Hoàng Đế Đại Thanh thống trị đế quốc Đại Thanh, nối tiếp nhau đến vạn đời .”
Điều II : “Hoàng đế tôn nghiêm như thần, thánh, bất khả xâm phạm . “ . . . . .
Triều dình của đế quốc Đại Thanh khi ấy thì ông vua Quang Tự là người Mãn, 12 Thượng Thư thì 8 là người Mãn ( trong đó 5 người là hoàng tộc Mãn ), chỉ có 4 là người Tàu ( Nguyễn hiến Lê, Sử Trung Quốc , Chương 8) .
TÂY TẠNG DƯỚI ÁCH THỰC DÂN TRUNG QUỐC :
Sau khi chiếm xong Tây Tạng, Mao mở đầu kế hoạch nuốt trọn Tây Tạng bằng cách hủy diệt nền tảng cấu trúc về tôn giáo và đạo đức của xã hội Tây Tạng . Đó là chiến dịch đấu tố Cải Cách Ruộng Đất . Bên ngoài là tịch thu ruộng đất của tu viện, chùa chiền và địa chủ, những người giàu có để chia cho dân nghèo xóa bất công xã hội, nhưng bên trong hàm ẩn mục đích tiêu diệt tiềm năng chống đối của người Tây Tạng vì Đạo Phật và ảnh hưởng của giới tu sĩ bao trùm hầu hết mọi sinh hoạt của Tây Tạng từ đạo đức, chính trị, văn hóa , giáo dục đến phong tục, tập quán nên diệt được Phật giáo là diệt được Tây Tạng ( khoảng từ 20 đến 25% người trưởng thành Tây Tạng tu trong hàng ngàn tu viện và chùa chiền trên khắp nước (*). Vì vậy quân đội Trung Quốc tịch thu hết ruộng đất của những cơ sở tôn giáo và đuổi những người tu hành ra khỏi tu viện, chùa chiền bắt phải hoàn tục . Ai không nghe thì bị đánh đập, bỏ tù, những người chống đối thì bị giết ngay tại chỗ hay bắt đi mất tích . Hai chữ “ mất tích” ở Tây Tạng từ khi bị Trung Quốc xâm lăng có nghĩa là bị đem đi thủ tiêu , không bao giờ trở lại .
Quân đội Trung Quốc chỉ định những đối tượng của cuộc Cải Cách Ruộng Đất bắt dân chúng phải đấu tố, bắn giết . Đó là những vị sư sãi, những thân hào nhân sĩ, những người giàu có tại địa phương . Toàn bộ tài sản liên quan hay thuộc về họ bị tịch thu; bạn bè, thân nhân bị canh chừng và bị cô lập bằng cách gạt ra bên ngoài tất cả mọi sinh hoạt xã hội . Dân chúng , giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa xóm làng phải tố cáo lẫn nhau .
Vì bị cai trị khắc nghiệt như vậy nên chỉ 6 năm sau, năm 1956, người Tây Tạng bùng lên phản kháng . Lúc đầu là ở Amdo và đông Kham, những vùng bị cắt nhỏ sát nhập vào các tỉnh Cam Túc- Thanh Hải- Tứ Xuyên- Vân Nam , sau lan cả sang tây Kham và U-Tsang . Cuộc nổi loạn bị trấn áp thật khủng khiếp, chỉ trong 3 năm (1956 – 1959) hơn 20.000 người tham dự bị giết chết, dã nam nhất là hơn 200.000 người bị bắt đem đi thủ tiêu . Đó là cha mẹ, vợ con,anh em, xóm làng của những người chống đối . Cuộc tàn sát này giống với cuộc tàn sát diệt chủng người Do Thái mà Hitler ra lệnh cho áp dụng ở châu Âu hồi Thế Chiến thứ 2 .
Từ đó tới nay một mặt Trung Quốc xiết chặt sự cai trị Tây Tạng và mặt khác ồ ạt di dân cũng như đem hàng triệu tội phạm người Hán tới nhốt rồi cấp phát ruộng đất bắt định cư tại đó sau khi mãn tù (**) .
Dân tộc Tây Tạng đã được hun đúc bằng truyền thống văn hóa của ngàn xưa và từng có một lịch sử oai hùng không dễ gì chịu khuất phục trước bạo lực và chính sách Hán hóa của Trung Quốc nên dân chúng luôn luôn có những hành động phản kháng dưới mọi hình thức, từ nhỏ tới lớn . Ngày 10 tháng 3 năm 2008 dân chúng thủ phủ Lhassa nổi lên biểu tình chống đối bị công an và Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đàn áp giết chết hơn 300 người và mấy trăm người , trong đó có nhiều nhà sư, bị bắt đem đi mất tích không bao giờ trở lại . Từ cuộc nổi lên ở thủ phủ Lhassa này, sự cai trị tàn bạo của Trung quốc càng ngày càng tàn bạo thêm . Bí Thư Tây Tạng ( người Hán ) Zang Qingli công khai tuyên bố : “ Những ai cần bắt sẽ bị bắt, cần bỏ tù sẽ bị bỏ tù . Những ai cần giết sẽ bị giết .”
Báo Le Monde ra ngày 14-12-2012 viết : “ Sau vụ nổi dậy năm 2008, trấn áp là biện pháp duy nhất .” (Web site RFI ngày 14-12-2012) . Còn báo Libération ngày 12-12-2012 đăng 1 bài phóng sự dài về Tây Tạng của Phillippe Grangereau có ghi lời nữ văn sĩ Tây Tạng, bà Tsering Woeser, mô tả : hiện nay Tây Tạng không khác gì 1 nhà tù, nhất là tại thủ phủ Lhassa . Công an, cảnh sát khám người trên khắp các nẻo đường, kẻ cả trẻ em . Vào chùa phải đưa thẻ căn cước vào máy và khi vào bên trong lại bị khám xét nữa. Chỉ trên 1 đoạn đường 500m bà đi qua có 21 chốt gác của cảnh sát và gặp 3 đội tuần tra .
Ở Đồng Nhân không chỉ có công an, quân đội giữ an ninh, trật tự mà cả các cán bộ, công nhân viên cũng phải dành ½ thời gian canh chừng dân chúng.
Tất cả mọi người Tây Tạng ra đường dù ngày hay đêm đều phải mang theo 5 thứ giấy tờ tùy thân và luôn luôn bị khám xét trong khi người Hán ở Tây Tạng thì không bị sách nhiễu gì cả .
Cũng trong bài phóng sự này Phillippe Grangereau đưa ra nhận xét :” Họ (Trung Quốc) muốn đồng hóa, muốn triệt bỏ ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, lịch sử, nhân cách của người Tây Tạng .”
Nhận xét ấy rất chính xác vì chỉ riêng trong thời gian Mao trạch Đông phát động Cách Mạng Văn Hóa vào những năm 1960 có hơn 6.000 tu viện và chùa chiền bị tiêu hủy, những cơ sở chưa bị phá thì bị canh giữ, các ni sư phải học tập chủ nghĩa cộng sản ; những nhà tu nào chống đối thì bị bắt, bị giết hay đem đi biệt tăm; học sinh và trẻ em bị cấm đến chùa ; vinh viên, học sinh phải học những môn học viết toàn bằng chữ Hán; phong tục tập quán, lối sống của người Tây Tạng bị chê bai, lăng mạ .
Chính sách Hán hóa khốc liệt ấy không khác gì chính sách mà quân nhà Minh áp dụng khi xâm lăng Việt Nam đầu thế kỷ thứ 15 . Sắc chỉ của Minh thành Tổ ngày 21-8-1406 ra lệnh bất cứ sách vở, văn, thơ, vết tích văn hóa nào của Việt Nam cũng phải thu, phải đốt, phải đục cho hết .
Trong Việt Nam Sử Lược, sử gia Trần trọng Kim ghi : “Đến tháng 8 năm Giáp Ngọ (1414 ) Trương Phụ và Mộc Thạnh về Tàu đem theo những đàn bà, con gái về rất nhiều . Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang các việc trong nước để khiến người An Nam đồng hóa với người Tàu . Lập đền miếu bắt người mình phải cúng tế theo tục bên Tàu, rồi từ cách ăn mặc cho chí sự học hành, việc gì cũng bắt như người Tàu cả . Còn cái gì là di tích của nước mình thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch .”
Sử gia Trần trọng Kim ghi tiếp rằng Hoàng Phúc bắt các châu, huyện phải lập văn miếu thờ Khổng Tử và lập các bàn thờ trong nhà để thờ các thần sơn (núi), xuyên (sông), phong (gió), vân (mây) . . . . Bắt đàn ông, con trai không được cắt tóc ngắn; đàn bà, con gái thì phải mặc áo ngắn quần dài theo cách ăn mặc của người Tàu ( đàn bà Việt Nam thì mặc áo dài, váy đen – PH Sơn chú thích).
(Trần trọng Kim, Việt Nam Sử Lược Q.I trang 211&212, Bộ Giáo Dục xb. năm 1971).
Chúng ta đọc lại giai đoạn lịch sử đen tối của Việt Nam để cảm thông nỗi nguy nan của dân tộc Tây Tạng dưới ách cai trị của Trung Quốc hiện nay .
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế, toàn dânTây Tạng đang kiên trì tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc bằng sự hy sinh vô bờ bến, hy sinh bằng chính bản thân họ biến thành những ngọn đuốc sống đang bừng cháy trên vùng trời Hymalias .
Nhân loại đã nhận thấy sự thống khổ của họ, Liên Hiệp Quốc, Cộng Đồng Âu Châu, các quốc gia, các cơ quan bảo vệ nhân quyền . . . liên tục lên tiếng mạnh mẽ phản đối chế độ thực dân Trung Quốc tại Tây Tạng .
Trước công luận và sự lên án của thế giới, liệu Trung Quốc có thể duy trì mãi mãi chế độ thực dân ở Tây Tạng, Nội Mông Cổ, Tân Cương hay sẽ sớm nở tối tàn như 3 đế quốc muộn Đức, Nhật, Ý năm 1945 ?
Phạm hy Sơn
( 18 – 03 – 2013 )
GHI CHÚ :
-(*) Dù sống đời sống tị nạn tại Ấn Độ, hiện trong 200 ngàn người Tây Tạng ở Dharamsala có 20 ngàn tăng ni tu trong 200 tu viện hay trong các ngôi chùa – như vậy là 10% dân số đi tu .
– (**) Trong cuộc đàm luận với 1 nhà báo Ấn Độ hồi tháng 4-2012, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiết lộ hiện nay ở thủ đô Lhassa người Hán chiếm 2/3 sân số và nắm hết các quyền lợi của người Tây Tạng . Xin xem đầy đủ trên Web site thuvienhoasen.org /phần Phật Giáo Thế Giới .
nguồn : khoahocnet.com