18/06/2018, 15:43

Các tiểu quốc ở nước Anh thời Trung Cổ

Sự triệt thoái của quân đội La Mã khỏi đất Anh đã đẩy người Britons vào một hoàn cảnh nguy nan bi đát. Họ đã sống được một thời gian thật lâu dài, khoảng gần bốn thế kỷ, không phải màng đến vũ khí – vì chính người La Mã cũng cấm đoán họ, bắt họ phải dựa vào sự che chở bảo vệ của binh đội La Mã ...

darkagesinvasionsmap_resize

Sự triệt thoái của quân đội La Mã khỏi đất Anh đã đẩy người Britons vào một hoàn cảnh nguy nan bi đát. Họ đã sống được một thời gian thật lâu dài, khoảng gần bốn thế kỷ, không phải màng đến vũ khí – vì chính người La Mã cũng cấm đoán họ, bắt họ phải dựa vào sự che chở bảo vệ của binh đội La Mã – không hề nghiên cứu chiến lược hay chiến thuật, và do đó họ đã quên hầu hết thế nào là tổ chức quân đội, thế nào là binh pháp, thế nào là chiến đấu đê có thắng lợi. Những kẻ thù truyền kiếp của họ, người Picts và người Scots trở nên mối đe dọa nguy hiểm khi đất nước đã vắng bóng những người lính La Mã bảo hộ. Năm 410 ngay khi toán quân La Mã cuối cùng rời khỏi đất Ạnh, quân Picts và quân Scots từ miền sơn cước Caledonia ở Xcotlen vượt qua chiến lũy Hadrian tràn xuống cướp bóc và tàn sát dân Britons một cách khủng khiếp.

Mối lo sợ người Picts và người Scots chưa tan thì một mối lo sợ khác hãi hùng hơn lại tiếp nối: đó là sự xuất hiện những kẻ xâm lăng mới, hung bạo hơn, đến quấy nhiễu vùng bờ biển phía đông của họ. Những giặc cướp này thuộc về các bộ tộc Teutonic từ lục địa kéo sang, đó là người Jutes từ Đan Mạch, người Angles và Saxons từ Schleswig và Zuhder-Zee (miền bắc nước Đức) đến.

Người Britons, bất lực trong công cuộc tự bảo vệ, đành dùng hạ sách là yêu cầu những giặc cướp Teutonic viện trợ cho mình chống cự lại những kẻ địch truyền kiếp, bằng cách hứa hẹn với họ là sẽ cắt đất để đền đáp công lao của họ. Việc này xảy ra dưới thời vua Britons Wortigern, khoảng giữa thế kỷ V.

Khi quân Saxons được vua Britons mời đến cứu viện, họ đi trên ba chiếc thuyền lớn. Hai thủ lĩnh Saxons, Hengist và Horsa đỏ bộ lên đảo Thanet năm 449. Đến Anh, họ được dành chỗ ở trên phần lãnh thổ phía đông của Đảo Quốc. Người Picts đem quân xuống xáp trận nhưng dễ dàng bị đánh bại. Tin chiến thắng của quân Saxons bay về đến Bắc Đức cùng với những tin về sự phì nhiêu của đảo quốc cũng như sự nhút nhát của người Britons. Họ bèn nhanh chóng gửi sang một chiến thuyền mạnh hơn và thêm nhiều binh sĩ. Đám quân sau phối hợp với đám quân trước và quân đội Saxons trở nên một lực lượng hùng mạnh trên đất Anh, khó có lực lượng nào khác địch nổi.

Quân Saxons được người Britons cho đất để ở với điều kiện là họ phải chiến đấu để bảo vệ hòa bình và an ninh cho dân chúng. Người Britons còn đồng ý trả lương cho họ nữa.

Trong một thời gian ngắn , hàng đợt người Teutonic kéo vào đông đảo và định cư ở khắp miền đông và nam đảo Anh, đến nỗi những người Britons bản xứ truớc kia đã mời họ đến cũng cảm thấy khiếp đảm.

Rồi sau khi đẩy lui các cuộc tiến công của người Picts quân Saxons lại liên kết với họ, và bắt đầu trở mặt đối với người Britons. Thoạt đầu họ buộc người Britons phải cung cấp nhiều lương thực hơn nữa. Sau để tìm cớ gây sự, họ đòi thêm một số quá đáng và dọa rằng nếu không đủ số, họ sẽ xóa bỏ lời cam kết trước kia và tàn phá toàn thể đảo quốc. Chẳng bao lâu, năm 450 lời đe dọa ấy biến thành sự thật.

Họ tàn phá tất cả những đền đài, dinh thự, nhà cửa, công ốc cũng như nhà riêng của dân chúng. Họ giết chóc, tiêu diệt hầu hết các hạng người, kể cả các vị giáo sĩ, có nhiều vị bị tàn sát ngày trước bàn thờ tôn giáo. Họ tàn sát các vị giám mục và những tín đồ của đạo không kiêng nể bất cứ người nào, đến nỗi không còn đủ kẻ sống để chôn người chết. Một số người sống sót khốn khổ vào núi, bị bắt lại và bị sát hại tập thể, thây chất từng đống. Một số khác trốn tránh đuợc nhưng không chịu nổi cơn đói rét đành trở về cam chịu khuất phục để kiếm miếng ăn, dù cho họ biết chắc rằng cuộc sống dành cho họ chỉ là cuộc sống khốn khổ của kẻ nô lệ, không biết bị giết vào lúc nào. Một số khác trốn bằng thuyền ra khỏi nước, lòng tràn đầy lo âu và sợ hãi. Và số còn lại lãnh vào các khu rừng núi, sống cuộc đời thảm não giữa cây rừng và đã núi, đói rét thường xuyên rồi cũng cầu mong cái chết. Chỉ có một số ít người sống sót chạy được vào những vùng đồi núi xứ Wales, Cornwall và Cumberland ở miền tây và tây bắc. Ở những nơi đó, họ lập thành những vương quốc nhỏ bé độc lập.

Đến năm 500 phần lớn lãnh thổ đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân Xâm lược và hơn một trăm năm sau, cuộc chinh phục xem như hoàn tất.

Như vậy, cuộc tàn sát người Britons bản xứ bởi quân Saxons khốc liệt đến nỗi không để lại một dấu vết Celtic nào còn sót lại qua cuộc chinh phục ấy trong ngôn ngữ, trong phong tục luật lệ và tôn giáo, ngoại trừ vùng Cornwall, ở xứ Wales và Scotlen trong khi đó đảo Ailen vẫn còn là xứ nguyên vẹn của người Celts, không bị ảnh hưởng gì về cuộc chinh phục đó.

Vua Arthur:

Sử liệu thời kỳ này rất thiếu thốn và trong khoảng thời gian dài 2 thế kỷ ấy, lịch sử thật mơ hồ. Tên một vị vua can trường và ái quốc của người Britons còn được nhắc nhở như một huyền thoại là Vua Arthur. Chiến thắng của người Britons tại Mount Bada, đánh lui quân Saxons ra khỏi xứ Wales được coi là chiến công của vị vua anh hùng ấy. Huyền thoại của dân tộc Anh còn kể rằng nhà vua bị thương nặng đã được đưa tới thung lũng Avilion và người vẫn còn sống ở đó, và sẽ một ngày nào trở lại chiến đấu giải phóng dân tộc và đạt chiến thắng sau cùng.

Miền nam và miền đông của đảo Anh, đất của người Britons cũ, sau khi bị người Anglo-Saxons chiếm, có 7 vương quốc nhỏ, đó là Kent, Wessex, Sussex, Esssex, Mercia, East-Angle và Northumbria, trong đó tương đối trội hơn là Kent và Wessex. Mỗi vương quốc nhỏ đều có một vị tiểu vương cai trị và trên hết có một vị đại vương, giống như hình thức một liên bang (Confederation). Sử sách ghi lại rằng vua Egbert nguyên là vị tiểu vương xứ Wessex là vị “đại vương” đầu tiên của liên bang này. Không thấy có mấy sử liệu nói chính xác đến sự nghiệp của nhà vua này nhưng có lẽ ông cũng là một đấng minh quân cho nên mới được lịch sử tô là Egbert vĩ đại (Egbert the Great)

Britain_peoples_circa_600.svg_resize

Mỗi tiểu quốc đuợc chia ra làm nhiều tỉnh (shire) bây giờ còn lưu lại những từ như Witshire, Yorkshire, Oxfordshire…Biên giới các shire không khác mấy so với ngày nay. Ban đầu mỗi shire thường là một đơn vị tư pháp. Đó là nơi xử án mà các làng thường đưa đến những đại biểu của họ. Về sau, nhà vua cử đến một sheriff, đại diện nhà vua; còn ealdorman hay alderman là vị chỉ huy quân sự kiêm chức vụ cai trị địa phương. Một shire gồm nhiều huyện (hundred tức là bách gia) là một đơn vị hành chính gồm 100 hộ, có khả năng cung cấp 100 binh sĩ và mỗi huyện lại chia làm nhiêu tun tức là làng.

Tuy nhiên việc xây dựng nền văn minh mới của xứ Anh thường bị trì trệ vì những cuộc tranh chấp liên miên giữa các vương quốc nhỏ bé này, sau khi họ đạt thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đè bẹp người Britons. Và khi nền thái bình giữa các vương quốc được vãn hồi thì đảo Anh lại là mục tiêu của một dân tộc xâm lược khác: đó là quân Vikings, người Đan Mạch

Quân Norseman hay Vikings – tên gọi những quân cướp biển Bắc Âu vào các thế kỷ thứ VIII và IX – bắt đầu xâm phạm nước Anh vào khoảng cuối thế kỷ VIII. Họ xuất phát từ Đan Mạch và các nước Na-Uy, Thụy điển. Họ là những bộ tộc gan dạ, liều lĩnh và thông minh vừa văn minh lại vừa man rợ một cách kỳ cục.

Họ là những người đi biển táo bạo. Những thuyền của họ có dạng khác thường. Lòng thuyền cạn, mũi thuyền và phía sau thuyền cao nhô lên, tuy nhiên đó là niềm kiêu hãnh đặc biệt của họ; họ trang hoàng cho những chiếc thuyền ấy thật sang trọng, cầu kỳ và đặt cho chúng những cái tên thật nên thơ. Họ có năng khiếu về thương mại. Nhưng những đức tính của họ chỉ phục vụ cho họ trở thành những tên cướp biển hung bạo nhất thế giới.

Đó là vào năm 787, lần đầu tiên có ba chiếc thuyền lớn chở đầy người từ xứ “Hải tặc” đến cập bến đảo Anh. Viên xã trưởng gần đấy bèn lên ngựa đi gặp bọn họ và tức thì bị hạ sát. Sáu năm trôi qua, đến năm 793 có những phi vụ đốt phát tu viện và tàn phá giáo sĩ trong xứ Northumbia. Dần dần, số thuyền bè của chúng tăng thêm nhiều hơn và năm 851, lần đầu tiên bọn họ nghỉ qua muà đông trên đảo Thanet. Cũng năm đó, ba trăm chiến thuyền họ đến cửa sông Thames và họ đổ bộ cướp phá Canterbury và London. Năm sau thì người ta gọi họ là quân Đan Mạch và nói quân đội của họ lên tới mười nghìn người.

Quân Vikings thưở đó làm bá chủ mặt biển và có nhiều căn cứ rải rác: đảo Thanet ở Anh, đảo Notmoulier gần bờ biển Pháp. Họ được trang bị đầy đủ: áo giáo lưới sắt, mũ trận bằng sắt và khí giới là búa trận bằng sắt. Còn quân lính của nhà vua, khi cần động viên chỉ là một đám nông dân vũ trang bằng gậy gộc vót nhọn, bằng cây chĩa hai và dĩ nhiên là không thiện chiến. Chiến thuật của quân Vikings luôn luôn thay đổi: về sau khi đổ bộ lên một vùng nào, họ cướp ngay một số ngựa trong vùng để thành lập đội kỵ binh và tức tốc xây đồn đắp lũy. Người Saxons từ lâu đã biến thành dân, sống với đồng ruộng và rừng rú, chưa bao giờ có dịp xây thành đắp lũy để chống lại những thành phố phòng ngự, lại không đoàn kết thành ra phải bị thất bại liên tiếp, để quân xâm lăng thôn tính đất đai. Xứ Ailen thuở ấy đang hồi vô chính phủ, là xứ bị khuất phục trước hết, rồi đến Northumbria rồi đến Mercia. Xứ Wessex thì bị mất từng mảnh. Người ta có thể nghĩ đến rồi nước Anh sẽ trở nên một tỉnh của đế quốc Đan Mạch.

Năm 878, vào khoảng giữa mùa đông sau ngày lễ Epiphany (đêm thứ 12) quân Đan Mạch rút khỏi Chipperham và tiến về vùng lãnh thổ Wessex. Vua Alfred (vua xứ Wessex) đem quân chống cự. Nhưng quân số ít ỏi mà địch thì quá đông. Nhà vua thua trận và chỉ đem được vài kẻ tùy tùng trốn chạy., phải hết sức chật vật mới tìm được đường rút lui đến một vùng rừng và đầm lầy ở Atheney xứ Somerset. Nhà vua sống giữa đám dân nghèo, không ai biết mặt cả. Ông lo xây dựng cơ sở, đắp chiến lũy và rèn luyện quân sĩ.

Trong khi vua Guthrum, thủ lĩnh đoàn quân xâm lược Đan Mạch cứ ngỡ rằng mình làm chủ hòan toàn xứ Wessex thì từ trong căn cứ Athelnay, vua Alfred vẫn tích cực chuẩn bị. Mùa lễ phục sinh năm đó, từ chỗ căn cứ, ông mở chiến dịch phản công chống quân Xâm lược. Ông được trợ lực bởi dân chúng các vùng Somerset, Witshire và Hampshire và họ lấy làm mừng rỡ được thấy ông, tiêu biểu cho sự quật cường của người Anglo-Saxons. Trong một đêm ông hành quân từ chỗ ẩn náu đến Iley và cũng trong đêm ông tiếp tục tiến quân đến Heddington, ác chiến với quân Đan Mạch và đuổi chúng chạy dài, truy kích chúng đến tận thành lũy của chúng. Ông lưu lại đó 15 ngày. 

Quân Đan Mạch bèn cử những sứ giả đến làm con tin cầu hòa. Họ thề với ông sẽ rút hết quân ra khỏi vương quốc Wessex. Họ cũng xin với ông là vua của họ muốn được rửa tội và cải đạo. Và họ đã hành động đúng như lời hứa.

Ba tuần lễ sau, vua Guthrum với 30 dũng sĩ ưu tú tháp tùng, đến gặp vua Alfred ở Aller, một thị trấn gần Athelney. Tại đây vua Alfred trở thành cha đỡ đầu của vua Guthrum và vua Guthrum đã ở lại với Alfred 12 ngày đêm và nhà vua đã ban cho ông ta và những kẻ tùy tùng rất nhiều tặng phẩm.

Hòa ước Wedmore được ký kết năm 878, công nhận chủ quyền của vua Alfred ở miền nam và miền tây Anh Quốc, đem lại hòa bình cho xứ sở. Còn người Đan Mạch thì cai trị miền bắc và miền đồng, được gọi là miền Danelaw (thuộc chủ quyền Đan Mạch)

Sự nghiệp của vua Alfred hiển hách và thành công đến nỗi nhà vua được phong tặng danh hiệu Alfred vĩ đại. Sau khi nhà vua từ trần năm 899 các vua kế vị đã có điều kiện chinh phục lại phần đất Danelaw đã mất về tay người Đan Mạch và sát nhập phần lãnh thổ ấy với Wessex tạo thành một vương quốc thống nhất do một nhà vua Anglo-Saxons đứng đầu.

Edward I, con của vua Alfred lên nối ngôi cha năm 901 đến năm 925 thì từ trần. Athelstan lên nối ngôi năm 924 và trị vì đến năm 940. Sự nghiệp của các nhà vua này tuy không có gì hiển hách lắm nhưng cũng thật đáng kể vì đã thu hồi lại được vùng Danelaw sát nhập vào vương quốc và người Đan Mạch dần dần hội nhập vào dân tộc Anglo-Saxons và dùng ngôn ngữ Anh.

Năm 941 hoàng tử Edmund lên nối ngôi và trị vì được 5 năm (946). Các vua kế tiếp sau: Edred the Pacific (946-955), Edgar (959-975), Edward the Martyr (975-968) đều là những vị vua bất tài. Dưới thời Edward the Martyr có một vị hiền tài là Dunstand phò tá nên đất nước được an bình và phồn thịnh. Nhưng đến năm 975 Dunstand bị thất sủng và biếm chức. Đất nước suy vi vì sự bất lực của triều đình.

Ethelred lên nối ngôi vua năm 978 là vị vua bất tài nhất trong những người nối ngôi vua Alfred cho nên phải mệnh danh là Elthred the Unready.

Năm 979 dưới thời vua Ethelred, quân Đan Mạch trở lại xâm lăng. Thấy lực lượng địch quá mạnh, Ethelred phải cầu hòa bằng cách nạp cho quân địch một số tiền là 10.000 đồng vàng. Để có tiền nạp cống, vua phải đặt ra một sắc thuế đặc biệt gọi là Danegeld, đánh vào các hides đất, mỗi hide là 4 shilíng và như thế càng ngày người Đan Mạch càng đòi hỏi nhiều hơn. Năm 999 nhận thấy sự yếu kém của mình, Ethelred yêu cầu sự giúp đỡ của Công tước xứ Norrmandy là Richard và xin cưới quận chúa Emme, con gái vị Công tước. Cuộc hôn phối đưa lại kết quả là triều đình Saxons đầy rẫy những cận thần Norman, không trung thành lắm với nhà vua.

Năm 1016 quân Đan Mạch lại tấn công và Ethelred lại bị bại trận. ông cùng người con trưởng chạy sang Anglo-Saxons Norrmandy lánh nạn và rồi lại về nước để tìm cách phản công. Nhưng bị thảm bại, nhà vua chết cùng người con trưởng.

Hoàng tử Edmund Ironside lên thay cha để tiếp tục chiến đấu nhưng bị nội phản, hoàng tử bị ám sát.

Vua Đan Mạch Sweyn đã thôn tính toàn bộ đất Anh. Khi ông chết, người con trưởng đang làm vua Đan Mạch nên người con thứ là Canute lên làm vua nước Anh nối nghiệp cha. Canute đã tỏ ra sáng suốt và công bằng khi ông đem xử tử những nhà quý tộc Anh năm xưa đã phản bội và ám sát Edmund Ironside. ông nói “Làm sao mà các người, những con người đã phản chủ cũ của mình, lại có thể là những bày tôi trung thành được”

Để củng cố ngôi vua Anh, Canute liền cưới bà Emma, quả phụ của vua Ethelred, lớn hơn ông nhiều tuổi nhưng giúp ông gắn bó với vương quốc mới chinh phục. Canute điều khiển việc nước một cách khéo léo, cố gắng dung hòa quyền lợi của người Saxons, và người Đan Mạch, tạo điều kiện hợp nhất hai dân tộc. Năm 1018, vua nước Đan mạch, anh của Canute từ trần, Canute trở thành vua của cả hai nước. Đó là một nhà vua có tài trị quốc. Ngoài Anh, nhà vua còn chinh phục được Na uy và được Xcotlen thần phục. Thoạt đầu ông là một bạo chúa, tàn nhẫn và hay thù hằn, nhưng rồi sau ông biến thành một nhà cai trị khôn ngoan và ôn hòa. Ông theo Thiên Chúa giáo và là một tín đồ rất sùng đạo. Nhờ sự khôn ngoan của ông, nước Anh dần dần phồn thịnh. Sử sách gọi ông là Canute vĩ đại.

Vua Canute mất năm 1035 khi mới 40 tuổi. Các con ông tranh giành ngôi báu nhưng đều kém cỏi không biết cách cai trị để tình trạng đất nước rối ren. Nhiều vị bá tước cai trị từng shire đều như độc lập và trở thành những ông vua con ở địa phương. Vì thế hoàng tử Edward con thứ của vua Ethelred được hội đồng các bậc thức giả Witan chọn mời lên ngôi báu.

Vua Edward the confessor trị vì 24 năm. Trước khi lên ngôi, ông đã từng sống như lưu đày tại phủ của Công tước William xứ Norrmandy. Sau khi mất, Công tước William đã lập kế cướp ngôi của Harold con trai ông bằng trận Hasting (1066). Đến đây chấm dứt thời kỳ của các vị vua Saxons.

xem thêm : Người Saxon và nước Anh thời Đầu Trung Cổ

Nguồn

0