18/06/2018, 15:43

Trung Quốc làm càn trên biển?

Học viên Học viện Quân sự Philippines tham gia tập trận đổ bộ tại thành phố Cavite, phía nam Manila ngày 29-5 – Ảnh: Reuters Danh Đức Việc một tàu cá của ngư dân Việt Nam mới bị tàu Trung Quốc dùng sức mạnh bức hiếp trong vùng biển lịch sử và ngư trường đánh cá truyền ...

Philippine Military Academy (PMA) cadets move ashore from a navy ship during a joint field training exercise at the Marines' training centre in Ternate, south of Manila

Học viên Học viện Quân sự Philippines tham gia tập trận đổ bộ tại thành phố Cavite, phía nam Manila ngày 29-5 – Ảnh: Reuters

Danh Đức

Việc một tàu cá của ngư dân Việt Nam mới bị tàu Trung Quốc dùng sức mạnh bức hiếp trong vùng biển lịch sử và ngư trường đánh cá truyền thống của các ngư dân Việt Nam không là một điều gì mới mẻ hay lẻ tẻ. Trước đó, một tàu cá khác của ngư dân Việt Nam từng bị tàu Trung Quốc nã súng bắn

Những vụ cậy đông hiếp yếu như thế không chỉ nhằm vào Việt Nam mà còn với Philippines. Mới hôm 29-5, ba tàu Trung Quốc, trong đó có một tuần dương hạm, đã kéo đến khu vực mà từ năm 1999, trước tình hình “bị dòm ngó”, thủy quân lục chiến Philippines đã đồn trú trên một xác tàu chìm ủi bãi để bảo vệ dải đá này.

Không chỉ làm càn ở biển Đông, tàu bè Trung Quốc cũng gia tăng quấy rối ở khu vực Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài). Ngày 26-5, ba tàu của Trung Quốc đã đột nhập vào trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Senkaku, tức vào trong hải phận của Nhật, từ 10g-15g14 rồi bỏ đi. Rình rình vô rồi ra như kẻ trộm, chớ không dám tự ý “lưu cư” như ở trong biển Đông do lẽ hải quân Nhật, cho dù có bị giải giới và rút gọn thành lực lượng phòng vệ trên biển, vẫn còn thừa sức “ăn thua đủ” với hải quân mới nổi lên của Trung Quốc, theo phân tích của các website phân tích quân sự quốc tế.

Cảnh “rình rình, mò vô rồi rút ra” ở Senkaku không khác gì trước kia, khi hạm đội 7 Mỹ còn tràn ngập biển Đông. Lúc đó đố thấy bóng dáng tàu hải quân Trung Quốc, huống hồ là tàu cá héo lánh đến Hoàng Sa hay Trường Sa!

Thậm chí vào năm 1956, trước tin từ Bộ ngoại giao Saigon ngày 10-6 cho biết tàu Trung Quốc đổ bộ người lên đảo Robert (đảo Hữu Nhật trong quần đảo Hoàng Sa), ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Dulles đã chỉ thị cho các cộng sự của mình xem xét khả năng viện dẫn hiệp định kết thúc chiến tranh với Nhật Bản, theo đó Hoa Kỳ có trách nhiệm “kế thừa” đối với tất cả các lãnh thổ Nhật chiếm đóng trước kia. Kết thúc cuộc họp, trợ lý phụ tá ngoại trưởng Jones Jones gửi ngay bức điện số Deptel 4011 cho Tòa đại sứ Mỹ tại Saigon, nội dung như sau: “Các cấp cao nhất của chính phủ đang xem xét khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm quét sạch bọn ChiCom (Trung Cộng, cách gọi lúc đó) ra khỏi khu vực… Mọi quyết định tự hậu sẽ tùy thuộc nơi kết quả thám thính”. Hôm sau, thứ hai 11-6, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tiếp bức điện Deptel 4021 cho Tòa đại sứ Mỹ tại Saigon và bức điện số 766 gửi Tòa đại sứ Mỹ tại Đài Bắc chỉ thị: “1. Các lực lượng khả dụng của Mỹ trong khu vực sẽ đơn phương hành động buộc ChiCom rút lui sau khi đã cảnh cáo; 2. Cố đạt đến một thỏa thuận hành động hỗn hợp lực lượng giữa Trung Hoa dân quốc và Saigon. Quân lực Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ khi cần thiết”. Nội vụ cuối cùng xếp lại sau khi kết quả thám thính của hạm đội 7 trong hai ngày 12-6 và 13-6 cho thấy không có bất cứ sự đổ bộ quân sự lấn chiếm nào.

Hi vọng rằng người phát ngôn Hồng Lỗi cũng như báo chí Trung Quốc sẽ có đủ thời giờ nghiền ngẫm tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ (FRUS, 1955-1957 – Volume III, China, Document 186) để nhận chân rằng Trung Quốc đã chẳng từng có chỗ ở Hoàng Sa hay Trường Sa, và thực tế trớ trêu là Đài Loan tháng 6-1956 ấy cũng như ngày nay không hề cùng một “khối” với một Trung Quốc mà họ gọi là “ChiComs”, để cứ khăng khăng rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc hoặc cứ không ngừng kích động Đài Loan “xử” Philippines.

Khi nói đấy là “vùng biển lịch sử” thì cũng cần giở lại lịch sử để nhớ rằng đường lưỡi bò mà bây giờ Trung Quốc mới lớn tiếng nhận vơ chẳng qua chỉ là copy từ tấm bản đồ Nanhai zhudao weizhi tu của chính quyền Tưởng Giới Thạch vội vàng công bố tháng 2-1948 khi thấy có khoảng trống quyền lực trên biển Đông sau khi quân Nhật bại trận bị giải giới rút đi, còn quân Pháp (chủ cũ) chưa kịp trở lại.

Trong bối cảnh lý lẽ không thực chất đó, cậy sức làm càn, từ ở biển Đông đến Senkaku, cũng là dễ hiểu!

nguồn : tuoitre.vn

0