18/06/2018, 16:56

“Văn tự án” là gì ?

NguyễnVăn Hiệu Trước hết, ta cần đi đến định nghĩa “văn tự ngục” (文字獄) là như thế nào đã , rồi mới có thể bàn tiếp. Tuy nhiên, mình xin phép thay cách gọi “văn tự ngục” thành “văn tự án” (文字案), vì với mình từ “án” nó có tính chất bao ...

van tu an.jpg

NguyễnVăn Hiệu

Trước hết, ta cần đi đến định nghĩa “văn tự ngục” (文字獄) là như thế nào đã , rồi mới có thể bàn tiếp. Tuy nhiên, mình xin phép thay cách gọi “văn tự ngục” thành “văn tự án” (文字案), vì với mình từ “án” nó có tính chất bao quát rộng hơn và thể hiện đúng vấn đề hơn.

Các nhà nước Đông Á là nơi phát tích hoặc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, từ rất sớm đã sử dụng đường lối “văn trị”, tức là đưa những lực lượng biết chữ nói chung, thành một giai cấp, thế lực, có đặc quyền, có vai trò và thế lực lớn trong kết cấu của thượng tầng xã hội lẫn ý thức xã hội. Tương tự, các sản phẩm của văn tự (thơ, phú, từ, văn…) cũng được nhà cầm quyền đưa lên “cao cấp”, cách thức – nghệ thuật – hình thái sử dụng văn tự trở thành những yếu tố gắn với các giá trị vật chất và tinh thần cao, có uy lực. Nhưng có quyền, có lợi, thì cũng sẽ gặp họa, gặp khó, văn tự án ra đời như một sự cân bằng tất yếu cho cái thần thế được khoác lên người văn tự và văn nhân.

Trước kia, mình đọc Lộc đỉnh ký cũng mường tượng rất đơn giản về văn tự án, sau này tìm hiểu thêm thì có một số điểm vỡ lẽ rằng, bản chất cách gọi của văn tự án rất đa dạng, không có quy định thống nhất, người ta có thể dùng các cách gọi như “văn họa” (文禍), “bút họa” (筆禍) , “văn chương án” (文章案)… tùy theo quan điểm và nhận thức của mỗi cá nhân, thời kỳ, nhưng nói chung cách gọi phổ biến nhất vẫn là văn tự ngục. Chính cách định nghĩa văn tự án cũng đa dạng không kém, có thể kể ra một số ví dụ như dưới đây :

1. Hán ngữ đại từ điển (漢語大詞典) : Xưa kia, để bức hại phần tử trí thức, giai cấp thống trị, từ các trước tác cố ý trích dẫn các câu chữ mà thêu dệt nên tội trạng.

2. Trung Quốc đại bách khoa toàn thư (中國大百科全書) : Thời Minh-Thanh dựa vào việc văn tự phạm điều cấm chế, thêu dệt nên tội danh, khép vào hình ngục để thanh trừng các bất đồng chính kiến.

3. Văn tự án, chỉ xét ở phạm vi chế độ quân chủ Trung Hoa, đã xảy ra từ rất lâu trong lịch sử, nhưng các vụ thời đầu Minh-Thanh là có hậu quả thảm khốc nhất, cũng là nổi tiếng nhất do được khai thác và tuyên truyền nhiều trong văn hóa đại chúng.

4. Ở phạm vi các nước đồng văn như Nhật Bản, Triều Tiên, Lưu Cầu, văn tự án cũng tồn tại.

5. Không phải cứ mạt sát quốc chủ, phỉ báng triều đình dẫn tới hậu quả là bị giết cả nhà, chém cả họ, tán gia tiêu sản, thân bại danh liệt, mới đáng gì là văn tự án. Mà đúng như với từ “án”, nó có thể từ to tới nhỏ, hậu quả có thể từ nặng tới nhẹ.

6. Khoa cử chính là một môi trường phổ biến (nếu không nói là luôn luôn) phát sinh văn tự án.

Từ các nhận định trên, mình tự đưa ra một định nghĩa về văn tự án thời kỳ quân chủ như sau :

Văn tự án là khái niệm để chỉ các vụ án ở những mức khác nhau liên quan đến các sản phẩm của văn tự (thơ, phú, văn xuôi…) trái với quy chế hoặc ý chí chủ quan của lực lượng đứng đầu nhà nước cai trị. Từ đó dẫn đến, các cá nhân, tổ chức liên quan một cách gián tiếp hay trực tiếp (tác giả, độc giả…), phải chịu sự trừng phạt về vật chất, tinh thần…tùy mức của các đối tượng, nhưng chủ yếu đến từ nhà nước cai trị.

Ở Trung Hoa, từ thời Tây Hán (202.TCN – 9.TCN) đã ghi nhận các sự kiện về văn tự án, như việc Dương Uẩn (cháu ngoại của Tư Mã Thiên) vì trong văn tự viết ra có chỗ nói chạm tới Hán Tuyên Đế, khiến hoàng đế nổi giận, ra lệnh xử chém; hoặc như Lưu Hướng, hai lần vào tù vì dâng thư vào lúc có thiên tai, suy luận rằng đó là trời trừng phạt vì các tệ hại trong chính trị đương thời. Đi xa hơn nữa, ta cũng có thể coi việc đốt sách chôn nho, cấm lấy chuyện xưa bàn đời nay của Tần Thủy Hoàng và cả các sự kiện từ thời Tiên Tần như một hình thức sơ khai của văn tự án. Theo Minh Thanh sử tư liệu (明清史資料) của Trịnh Thiên Đĩnh thì đến thời hoàng đế Gia Khánh nhà Thanh, trong Đại Thanh lịch triều thực lục (大清歷朝實錄), phần Thanh Nhân Tông Duệ hoàng đế thực lục (清仁宗睿皇帝實錄), ghi nhận việc vào niên hiệu Gia Khánh thứ 4 (1800), nhà Thanh bỏ các quy định cấm chế về văn tự từ thời Càn Long, tha cho các phạm nhân văn tự án. Kể từ đó, mặc dù vẫn còn có các vụ án văn tự diễn ra cho tới tận khi chế độ quân chủ sụp đổ, nhưng các vụ án lớn có tính chất khốc liệt không còn được ghi nhận thêm mấy nữa, hoặc đúng ra nó chuyển sang dạng thức khác. Văn tự án Trung Hoa dần đi vào dĩ vãng.

Ở Triều Tiên, Lưu Cầu, Nhật Bản thì thật xấu hổ, do kiến thức hạn chế mình không biết rõ vụ án nào, rất mong mọi người bổ sung. Còn trong cổ sử Việt Nam như định nghĩa ở trên, thì do tính chất đa dạng, phức tạp, không thể thống kê hết, nên chỉ xin kể ra một số việc tiêu biểu.

1. Thời Lý-Trần-Hồ.

– Năm 1158, đời Lý Anh Tông. Mùa xuân, tháng 2, Nguyễn Quốc sang sứ nước Tống về, muốn học theo nhà Tống đặt ra những hòm bằng đồng để thu nhận tấu chương của bốn phương nhằm thấu to hơn tâm tình của kẻ dưới, ý ấy được vua nghe theo… Bấy giờ có người ngầm bỏ thư nặc danh tố Đỗ Anh Vũ làm loạn, tìm xét không biết là ai. Anh Vũ vu cho Quốc làm, đày quốc đến trại đầu ở Thanh Hóa. Không bao lâu, vua gọi Quốc về. Anh Vũ lại đưa cho Quốc rượu độc, Quốc tự nghĩ không khỏi bị hại, bèn uống thuốc độc chết.

– Năm 1283, đời Trần Nhân Tông, trị tội Thượng Vị hầu Trần Lão, cho Lão chuộc tội 1000 quan tiền, đồ làm lính, lăng trì tên Khoáng, gia nô của Lão ở chợ Đông, vì tội làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước.

– Năm 1392, đời Trần Thuận Tông, Quốc Tử giám trợ giáo Đoàn Xuân Lôi dâng thư phản đối sách Minh Đạo 14 thiên của Hồ Quý Ly, bị cách chức đi đày, còn Đào Sư Tích do xem được thư ấy nên bị giáng chức làm Trung thị lang đồng tri thẩm viện hình sự.

– Năm 1402, đời Hồ Hán Thương, sĩ nhân Nguyễn Bẩm dâng thư tâu rằng : “Tiền Hồ nên nhường ngôi, lui về Kim Âu, Hậu Hồ, thì nên tôn làm thượng hoàng, thái tử Nhuế lên ngôi quan gia”. Hồ Quý Ly đọc được giận dữ đem chém.

– Năm 1405, đời Hồ Hán Thương, sĩ tử là Nguyễn Ông Kiều vì vợ hay qua lại trong cung, thông qua đó biết được bài thơ Hồ Quý Ly làm để răn dạy anh em Hán Thương – Nguyên Trừng, liền học lấy rồi đem truyền tụng ở cầu Hoa Cái, cùng bàn luận khen chê với nhiều người. Hai nho sinh trong phủ Hồ Nguyên Trừng là Nguyễn Cẩm và Nguyễn Nhữ Minh nghe được liền tố cáo việc trên, Ông Kiều bị bắt, cung khai lây cả Lê Địch, Đỗ Loát. Kết quả Kiều và Địch bị giết, Nhữ Minh và Cẩm cũng bị khép tội do dám đọc bài thơ ấy nên bị đày ra châu Cửu Chân.

2 Thời Lê sơ – Lê trung hưng.

– Năm 1434, đời Lê Thái Tông, giám sinh Nguyễn Đức Minh dời nhà đến ở Quốc Tử giám, thấy có thư nặc danh dán ở miếu bên đường nói xấu Đại tư đồ Lê Sát và Đô đốc Lê Vấn. Liền gọi người đến xem rồi bóc thư, xé ném xuống nước. Kết quả Đức Minh bị nghi là người viết thư, bị kết tội trảm nhưng do hình quan can gián nên được giảm tội cho đi đày và tịch thu gia sản.

– Năm 1467, đời Lê Thánh Tông, ngự sử Lê Bá Tu cực lực làm sớ nói về sai lầm chính sự đương thời, lời sớ trái ngược ý vua, nên Bá Tu bị trục xuất làm tri châu Lộng Nguyên, phủ Bắc Bình.

– Năm 1673, đời Lê Gia Tông, Tây Định vương Trịnh Tạc. Trong khoa thi Hương năm đó, Tham chính Thanh Hóa Vũ Cầu Hối nhận tiền bạc, gửi gắm học trò làm kỳ đệ tứ. Phủ doãn phủ Phụng Thiên Ngô Sách Dụ làm việc trong trường thi ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ, xoay tiền của. Việc bị phát giác cả 2 bị xử tội đồ. Tham chính Sơn Tây Lê Chí Đạo lén chấm bài sai cho sĩ tử, lại ở trong trường đem 2 quyển không đỗ đổi thành đỗ, gửi gắm nhiều sĩ nhân làm kì đệ tứ, kết quả bị xử bãi chức.

– Năm 1696, đời Lê Hi Tông, Định Nam vương Trịnh Căn. Tháng 12, Tham tụng Lê Hi gửi gắm con mình trong kì thi Hương cho Giám thí trường thi Thanh Hoa là Sách Tuân, nhưng rốt cuộc quyển thi của con Lê Hi vẫn bị đánh trượt. Sách Tuân liền ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ, phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, nhưng ém đi không tâu báo. Việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo, Ngô Hải bị bãi chức, các quan phúc, giám khảo đều bị phạt, duy có cha con Lê Hi là chủ mưu thì lại thoát tội.

– Năm 1775, đời Lê Hiển Tông, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm. Tháng 10, kỳ đệ tứ khoa thi Hội, Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn) và Đinh Thì Trung khi thi đổi quyển cho nhau, việc phát giác Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân. Sau Thì Trung tố cáo việc đổi quyển thi là do Lê Quý Đôn chủ mưu, chúa Trịnh Sâm viện cớ Quý Đôn là đại thần, bỏ đi không tra cứu, chỉ luận thêm tội Quý Kiệt, bắt giam vào ngục cửa Đông. Nhưng được một thời gian lại thả Quý Kiệt ra.

– Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ ghi nhận việc thời Trịnh Doanh – Trịnh Sâm, các khảo quan vì có hiềm khích với các sĩ tử mà khi chấm thi, cứ tìm quyển văn có giọng văn giống kẻ sĩ mình ghét mà bới móc đánh hỏng, gây khổ sở cho vô số sĩ tử. Một nạn nhân điển hình là Ngô Thì Sĩ, chúa Trịnh Doanh biết có tệ lậu đó, nhiều lần truất phạt các khảo quan nhưng không trừ được.

3. Thời Nguyễn.

– Năm 1825, niên hiệu Minh Mệnh thứ 5, khoa thi Hương ở trường thi Thanh Hoa, có học trò là Ninh Kế, người Ninh Bình, khi làm bài không viết văn mà trong quyển thi lại điều trần nói rằng khoa mục lấy nhân tài ngày nay nên trở lại lối từ chương tao nhã mà bỏ phép hẹp hòi sáo rỗng. Quan trường tâu việc này lên vua, vua giao bộ hình bàn định, phán Kế tội làm càn bậy nơi trường thi, bị đánh trượng rồi tha.

– Năm 1827, niên hiệu Minh Mệnh thứ 7, khi vua Minh Mệnh xa giá về kinh sư, Nguyễn Tiến Chương, người Duy Xuyên, đón thánh giá, dâng thư cóp nhặt những tai biến như hạn hán, nước lụt, dẫn đời xưa, chứng đời nay, nói nhiều điều ngông cuồng ngang trái. Vua giao cho bộ Hình bàn, liền định tội yêu ngôn hoặc chúng, phải trảm giam hậu, vua chuẩn y.

– Năm 1828, niên hiệu Minh Mệnh thứ 8, bãi chức Hiệp trấn Thanh Hoa là Hoàng Kim Hoán và Tham hiệp là Tôn Thất Bạch, do 2 người này tâu xin xét lại án cho Lê Thế Tế, người huyện Hoằng Hóa, dám làm bài hịch có lời phản nghịch.Cuối cùng Hoán và Bạch chỉ bị giáng chức phát vãng, Lê Thế Tế bị xử trảm giam hậu.

– Năm 1841, niên hiệu Minh Mệnh thứ 21, trong khoa thi Hương tại trường thi Thừa Thiên. Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 người, Cao Bá Quát lại tự tiện đi lại vô phép từ khu nội trường ra ngoại trường. Quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) nhẽ ra bị đánh hỏng, thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường cho vào hạng lấy đỗ. Sự kiện này khiến dư luận bàn tán ầm ĩ, triều đình tra xét, kết quả, Quát, Nhạ bị khép tội xử tử, được tha cho đổi thành giảo giam hậu (Nhưng giam được 3 năm thì thả); Siêu bị tội đồ, trượng nhưng sau xét lại chỉ cách chức.

– Năm 1847, niên hiệu Thiệu Trị thứ 7, thi Đình, có cống sĩ Đặng Huy Trứ khi vào thi lời nói không giữ lệ, làm văn phạm lỗi khiếm tị, viết văn có câu “dữu hại gia miêu” (柚害家苗); Gia Miêu chính là làng nơi phát tích của hoàng tộc Nguyễn Phước. Bởi thế Huy Trứ bị đánh hỏng, tước bỏ mọi học hàm, đuổi về cho học lại.

Nguồn bài đăng

0