18/06/2018, 16:56

Hồ Quý Ly- Công hay Tội?

Trương Hoàng Minh Năm 939, Ngô Vương Quyền đánh bại quân Nam Hán xâm lược mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho nước ta sau hàng ngàn năm Bắc thuộc. Từ năm đó đến năm 1945, theo chính sử, nước ta có bảy triều đại quân chủ gồm các nhà Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hậu Lê và Nguyễn. ...

1-1473650551514.jpg

Trương Hoàng Minh 

Năm 939, Ngô Vương Quyền đánh bại quân Nam Hán xâm lược mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho nước ta sau hàng ngàn năm Bắc thuộc. Từ năm đó đến năm 1945, theo chính sử, nước ta có bảy triều đại quân chủ gồm các nhà Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hậu Lê và Nguyễn. Còn trên thực tế thì có thêm ba nhà nữa là nhà Hồ (1400-1407) nhà Mạc (1527-1592) và nhà Tây Sơn (1788-1802). Tuy nhiên, các sử thần đời trước đều cho bảy nhà trước là chính thống, ba nhà sau là ngụy triều, không chép thành kỷ riêng mà chép phụ, xen kẽ vào các đời vua nhà Trần và nhà Hậu Lê.

Thế nào là chính thống, thế nào là ngụy triều? Sử gia Trần Trọng Kim giải thích như sau: “Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng lập ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành, hai là xưng đế xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, ba là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua thì gọi là ngụy triều”.

Căn cứ vào quan điểm đó nên các sử thần đời trước đều cho nhà Hồ, nhà Mạc và nhà Tây Sơn là ngụy triều. Bởi vì, ba nhà đó đã “làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành, xưng đế xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa”. Do vậy nên họ buộc tội các nhà ấy gay gắt, sử thần Lê Tung viết trong bài “Tổng Luận” của ông:“Còn như Hồ Quý Ly dựa vào người thân ở nội đình, quen thói ác của kẻ gian thần, tàn bạo với dân, lừa vua để cướp ngôi báu, tội chất nặng, dân oán hờn, giặc Minh vào đánh, thân bị tù, nước bị mất, chết làm vua xứ người, cuối cùng bị thiên hạ cười chê”.

Vào thời cận đại, sử gia Trần Trọng Kim có cái nhìn khoán đạt hơn, ông  chép nhà Hồ, nhà Tây Sơn thành hai chương riêng nhưng nhà Mạc thì vẫn theo quan điểm cũ. Ông viết: ”Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một đất nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến đỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ”.

Tuy nhiên, đó là những cái nhìn chủ quan, phiến diện, một chiều theo khuôn mẫu Nho gia. Muốn xác định ba nhà đó có phải là ngụy triều hay không, có công hay có tội phải đứng trên bình diện quốc gia dân tộc mà xét, xem những chính sách cai trị và những việc làm của họ có phản dân hại nước hay không mới là điều quan trọng. Trong bài này chúng tôi chỉ nói đến nhà Hồ.

Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy vi từ đời vua Dụ Tông. Kể ra ông cũng là ông vua thông minh sáng suốt, biết phòng bị việc võ, sửa sang việc văn, các nơi đều phục. Tuy nhiên, càng về sau ông càng hoang dâm vô độ, đam mê cờ bạc rượu chè, gần gũi xàm thần, xa lánh trung thần, bỏ bê triều chính, việc võ việc văn. Đến các đời vua sau thì vị trí vai trò của họ mờ nhạt dần như mặt trời đang xuống núi. Nhật Lễ cũng vậy, lại có ý định đổi họ Trần thành họ Dương làm rối loạn kỷ cương phép nước. Nghệ Tông tầm thường, không có chí khí, dũng khí và quyết đoán. Duệ Tông tính tình ngang bướng phóng túng, làm việc gì cũng theo ý mình, không nghe lời can gián đến đỗi vong mạng khi đánh dẹp giặc Chiêm Thành. Phế đế Hiển ngu tối hèn nhát, chẳng nên tích sự gì, xã tắc lung lay tận gốc. Thuận Tông cũng chẳng khá hơn, chỉ giữ ngôi suôn, không biết gì đến việc triều chính. Thiếu đế An thì còn quá nhỏ.

Các sử thần đời trước đều chê họ tài hèn đức bạc, trí lự kém cỏi, còn triều thần thì toàn xu nịnh, cầu an, ai cũng lo nghĩ đến an nguy của bản thân, hoặc kết bè kết đảng hãm hại lẫn nhau tranh giành danh lợi chứ không ai lo nghĩ cho dân cho nước. Chính vì vậy mà kỷ cương phép nước không nghiêm, giặc giả nổi lên khắp nơi, ở phía Bắc, nhà Minh hoạnh họe, đòi hỏi đủ điều, chực chờ đánh chiếm nước ta khi có dịp. Ở phía Nam, quân Chiêm Thành thường xuyên cướp bóc các châu huyện ngoài biên, vài lần đánh chiếm Thăng Long, đốt phá như vào chỗ không người! Dân chúng vừa bị chiến tranh, vừa bị sưu cao thuế nặng, cuộc sống vô cùng lầm than khổ sở.

Sơn hà xã tắc lúc bấy giờ như cỗ xe chở nhiều hàng hóa ì ạch nặng nề, triều đình như con ngựa già lao liệt, các ông vua như những tên kỵ sĩ tầm thường thì làm sao điều khiển được ngựa kéo xe chạy trên con đường vạn dặm đầy chông gai hầm hố?. Trước thực trạng đó, không chỉ Hồ Quí Ly mà bất cứ ai có lòng vì dân vì nước cũng đứng lên thay ngựa giữa dòng, thay cũ đổi mới, sửa sang việc triều chính, lập lại kỷ cương phép nước, vỗ an bá tánh, dẹp loạn yên dân, bảo vệ cõi bờ trước họa ngoại xâm. Đó là hành động của đấng anh hùng như Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân, Nguyễn Huệ đánh Trịnh Bồng, Nguyễn Hữu Chỉnh và quân Thanh vậy. Còn như kết tội Quí Ly thì phải kết tội Lê Hoàn ép Đinh Tuệ, Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng mới đúng lẽ công bằng?.

Hồ Quí Ly sanh năm 1335, tự Lý Nguyên, quê hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa (nay là Hà Đông, Hà Trung). Trước kia mang họ Lê của cha nuôi, sau khi làm vua đổi lại họ Hồ của tổ tiên. Thưở thiếu thời theo học võ nghệ với thầy Nguyễn Sư Tề, sau đỗ khoa thi Hương và khoa Hoành từ được bổ Thái học sinh, làm quan Chi hậu tứ cục chánh chưởng (không biết vào đời vua nào). Đến đời vua Trần Nghệ Tông, do là anh em họ ngoại với vua nên Quí Ly được vua tin tưởng, trọng dụng, thăng chức Khu mật viện đại sứ, tước Trung Tuyên hầu (1371). Từ đó về sau, con đường hoạn lộ và công danh sự nghiệp của ông mở rộng thênh thang, thăng tiến nhanh như diều gặp gió, từ chức Khu mật viện đại sứ dần dần đến Tiểu tư không tiến phong đồng bình chương sự và Phụ chính Thái sư nhiếp chính Khâm đức Hưng liệt đại vương, nắm toàn quyền chính trị, quân sự trong cả nước. Năm 1400, ông phế truất Thiếu đế An (cháu ngoại ông mới ba tuổi) tự lập làm vua, đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu. Làm vua được vài tháng ông nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương lên làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm trọn binh quyền.

Trước và sau khi làm phụ chính, làm vua và Thái thượng hoàng, Quí Ly đã  sửa sang việc triều chính và nhiều cải cách quan trọng trong việc nội trị và ngoại giao. Về nội trị có những việc nổi bật sau:

-Ấn định lại mũ áo, phẩm phục của tất cả các quan văn võ trong triều theo từng màu sắc riêng từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Ấn định lại qui chế quan chức trấn nhậm bên ngoài. Chia đất nước ra thành từng hạt, đổi lộ thành trấn, dưới trấn là phủ, châu, huyện, xã. Quan chức thì Trấn có chánh phó An phủ sứ, Phủ có chánh phó Trấn phủ sứ, Châu có Thông phán, Thiêm phán, Huyện thì Lệnh úy, Chủ sự. Bên quân sự thì là Đô đốc, Đô hộ, Đô thống, Tổng quản, bãi bỏ các chức đại tiểu tư xã, chỉ giữ chức quản giáp như cũ.

-Ấn định lại mức hạn điền của các thân vương, tôn thất, quan lại các cấp và những người giàu có. Ngoại trừ các bậc đại vương và trưởng công chúa không giới hạn, các thành phần còn lại đều có giới hạn theo từng chức tước phẩm hàm, dân thường thì không quá 10 mẫu, ai có dư sung vào công điền. Chế độ gia nô cũng theo hướng giảm dần. Hai chính sách nầy nhằm hạn chế người có chức quyền chiếm hữu đất hoang, đất của dân bừa bãi, bắt dân làm gia nô và hạn chế thế lực cát cứ của họ.

-Hình luật và sưu dịch, thuế khóa đời Trần khá nặng, nay định lại, có thứ tăng cũng có thứ giảm. Đinh nam không có ruộng và trẻ mồ côi, đàn bà góa có ruộng đều được miễn sưu thuế. Đặt trạm y tế (y tỳ) khắp nơi để chăm lo sức khỏe cho dân.

-Ấn định lại việc học hành và thể lệ thi cử. Trước kia chỉ ở kinh thành mới có trường học, nay mở thêm ở các trấn, phủ, châu do một quan Đốc học phụ trách. Cấp cho mỗi trường từ 10 đến 15 mẫu ruộng tùy theo lớn nhỏ để làm chi phí cho việc dạy và học. Mỗi cuối năm, vị quan Đốc học phải sàng lọc, chọn lựa người ưu tú, tài giỏi tiến cử lên triều đình. Đổi tên gọi thi Thái học sinh trước kia thành  thành thi Cử nhân, ba năm thi một lần. Năm đầu thi Hương, năm kế thi Hội, năm thứ ba vào thi trong bộ Lễ, nếu đỗ mới được bổ làm quan. Trước kia thi tam trường nay thi tứ trường, bỏ môn ám tả cổ văn, thêm môn toán pháp, các môn khác vẫn như cũ.

Hai chính sách nầy đã được các sử thần đời trước khen nức nở dù họ luôn luôn buộc tội Hồ Quí Ly. “Lúc bấy giờ có chiếu lệnh nầy có điều gì đẹp bằng (Ngô Sĩ Liên). Phép khoa cử của thời Trần đến đây mới hoàn bị, thể văn tự tứ trường đến nay phải theo dùng, kết cục không thể thay đổi. Dùng văn để chọn kẻ sĩ cách ấy không gì tốt hơn” (Ngô Thì Sĩ). Đối với các viên thư lại cũng phải qua một kỳ khảo hạch gọi là thi Lại viên. Từ năm 1393 đến năm 1405 tổ chức ba lần thi Cử nhân và hai lần thi Lại viên. Nguyễn Trãi là một trong năm người đỗ đầu trong lần thi Cử nhân năm 1400.

-Phát hành tiền giấy “thông bảo hội sao” gồm ba mệnh giá là quan, đồng và mạch thay thế tiền đồng lưu hành trong cả nước. Một quan tiền đồng đổi một quan hai mạch tiền giấy. Sáng kiến nầy nhằm thu hồi tiền đồng cất vào kho để phòng khi có chiến tranh chế tạo vũ khí. Ai không qui đổi, cố tình cất dấu, tàng trữ sẽ bị tội chết như người làm tiền giả. Tuy nó không thành công lắm nhưng đó là cái mốc lịch sử về việc xài tiền giấy đầu tiên của nước ta, chỉ sau Trung quốc và trước cả châu Âu.

-Củng cố và kiện toàn việc võ bị. Hồ Quí Ly từng nói với quần thần “Làm thế nào để có được trăm vạn quân đối địch lại giặc phương Bắc?”. Quần thần khuyên ông kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu trong nước để biết có bao nhiêu trai tráng rồi tuyển chọn những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gan dạ sung vào quân ngũ thay thế những quân nhân bệnh tật, già yếu và ông đã thực hiện. Biên chế quân đội thành những đơn vị từ nhỏ đến lớn: đội, vệ, đoàn, dinh, trung quân, đại quân, cấm quân và chia thành nam ban, bắc ban đặt dưới quyền thống lĩnh và chỉ huy của một viên đại tướng. Tuyển chọn những thợ rèn giỏi, có tay nghề cao sung vào công binh xưởng chế tạo súng “Thần cơ” và cung tên gươm giáo.

Đóng loại thuyền đinh gọi là “trung tào tải lương”. Đó là cái tên ngụy trang của loại thuyền chiến lớn có sàn, binh sĩ đi trên sàn, người chèo dưới sàn rất thuận tiện cho việc chiến đấu, có tên khác là “Cổ lâu” (thuyền lầu). Đóng cọc nhọn ở các cửa biển và các nơi hiểm yếu ở các con sông để làm rào ngăn chặn thuyền chiến quân giặc.

Về ngoại giao:

-Đối với Chiêm Thành, Hồ Quí Ly đã từng cầm quân đánh bại họ vào các năm 1380 và 1382. Sau khi Chế Bồng Nga chết, quân Chiêm không còn hung hăng, hiếu chiến như trước nhưng vẫn thường xuyên quấy rối ngoài biên, Quí Ly sai quan quân đánh dẹp, truy đuổi gần tới thành Đồ Bàn, vua Chiêm phải dâng đất Chiêm Động (Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi) để cầu hòa. Ông chia hai đất ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, di dân vào khai hoang lập nghiệp và đặt quan cai trị. Cho viên quan lại người Chiêm đầu hàng trông coi đất Cổ Lũy, châu Tư Nghĩa để vỗ về dân Chiêm. Từ đó về sau mối bang giao trở lại bình thường, nước Chiêm vẫn triều cống theo lệ cũ.

-Đối với nhà Minh, Hồ Quí Ly đã nhìn thấu tâm địa xấu xa của họ nhưng vì nước họ lớn, binh hùng tướng mạnh nên ông phải nhún mình chiều đãi cho yên việc can qua. Họ lại được nước làm tới, năm 1395 họ đòi ta phải cung cấp 5 vạn quân, 50 con voi và 50 vạn thạch lương cho họ đánh người Man nhưng Quí Ly từ chối. Năm 1405 họ lại đòi đất Lộc Châu (Lạng Sơn) của ta. Quí Ly sai Hoàng Hối Khanh sang điều đình với họ. Hối Khanh nghe lời viên quan ở Quảng Tây nói đất đó của nhà Minh do ta chiếm, bèn đem 59 thôn ở Cổ Lâu trả lại cho họ. Quí Ly trách mắng Khanh thậm tệ và cho người âm thầm đầu độc các thổ quan người Minh cai trị những đất ấy.

Sau khi cho Hán Thương làm vua, Quí Ly sai sứ sang nhà Minh cầu phong cho được danh chính ngôn thuận, vua Minh phong cho Hán Thương làm An Nam quốc vương. Nhưng, bọn Trần Thiêm Bình lại sang kêu khóc với vua Minh xin binh về đánh họ Hồ, lập lại triều Trần. Biết thế nào nhà Minh cũng mượn cớ đó đánh chiếm nước ta, Quí Ly bèn tổ chức hệ thống phòng thủ từ xa ở thành Đa Bang (thuộc Hà Đông cũ, nay là TP Hà Nội) và nhiều đồn lũy dọc theo bờ nam sông Hồng.

Đúng như dự đoán của Quí Ly, tháng 4 năm 1406, vua Minh sai Hàn Quan dẫn 5000 quân đưa Thiêm Bình về nước lập làm vua bị Quí Ly đánh bại ở Chi Lăng, giết chết Thiêm Bình. Tháng 9 năm ấy, Chu Năng cùng Mộc Thạnh dẫn 80 vạn quân theo ải Pha Lũy (Lạng Sơn) và ải Phú Lệnh (Tuyên Quang) tiến vào đánh chiếm nước ta lần thứ hai. Quí Ly bèn triệu tập tất cả các quan văn võ trong triều ngoài nội hỏi ý kiến nên đánh hay nên hòa. Phân nửa nói đánh, phân nửa nói hòa. Dù biết thực lực của mình và thế lực của quân Minh rất mạnh, đem đoàn quân vừa thiếu vừa yếu chống lại đoàn quân 80 vạn chẳng khác nào lấy trứng chọi đá, xua bầy dê đương đầu với lũ cọp beo nhưng Quí Ly và các con ông vẫn cương quyết đánh đến cùng, gây nhiều bất lợi, tổn thất cho giặc tại phòng tuyến Đa Bang và các mặt trận Mộc Phàm giang, Hàm Tử quan trước khi bị chúng bắt giải về Kim Lăng!

Có thể nói, những việc làm kể trên là ưu điểm của Hồ Quí Ly đối với dân với nước. Khuyết điểm lớn nhất và quan trọng nhất của ông là lạm sát. Giết hai vua Phế đế Hiển, Thuận Tông và gần hết thân vương, tôn thất nhà Trần, theo sử cũ. Ngoài ra, ông còn giết nhiều đại thần đã từng theo ông như tướng quân Nguyễn Đa Phương là con sư phụ ông, em kết nghĩa với ông, có nhiều công lao đánh dẹp giặc giả và quân Chiêm. Dù tất cả vua quan bị ông giết đều âm mưu hãm hại ông và phạm tội với triều đình nhưng chính việc lạm sát nầy đã khiến ông không cố kết được lòng người, không tạo được khối đoàn kết quân dân vững mạnh như đầu đời Trần chống quân Nguyên xâm lược nên thất bại thảm hại. Con ông, Hồ Nguyên Trừng đã thấy được điều đó, khi được hỏi ý kiến nên đánh hay nên hòa, Trừng trả lời như than “Thần không sợ đánh mà chỉ sợ lòng dân theo hay không thôi”. Nhưng đã muộn, không thể lật ngược được thế cờ.

Tóm lại, cơ nghiệp nhà Trần lúc bấy giờ đã suy vi, lung lay tận gốc như ngôi nhà mụt nát. Nếu không có Hồ Quí Ly ra tay chống đỡ thì sớm muộn gì nó cũng sụp đổ trước những cơn cuồng phong bão tố của thù trong giặc ngoài. Tuy chỉ giữ được xã tắc và ngai vàng trong 7 năm ngắn ngủi nhưng ông đã làm được nhiều việc ích nước lợi dân mà các ông vua và triều đình nhà Trần không làm được.  Sau nầy, Giản Định đế và Trùng Quang đế thuộc dòng chính thống có làm việc khôi phục nhưng vẫn không thành công. Đó là ý kiến cá nhân tôi, còn việc nhận xét, đánh giá như thế nào là quyền của mọi người và lịch sử./-

—————-

Sách tham khảo:

-Đại Việt sử ký toàn thư.

-Việt Nam sử lược.

0