Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính
Tòa nhà Quốc hội Việt Nam trên Đường Độc Lập, quận Ba Đình, Hà Nội Nguyễn Sĩ Dũng Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính về cơ bản cũng giống như nhất thể hóa theo mô hình đại nghị. Điểm khác cơ bản nhất ở đây là Đại hội Đảng không bầu ra người đứng đầu Đảng để dẫn dắt ...
Nguyễn Sĩ Dũng
Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính về cơ bản cũng giống như nhất thể hóa theo mô hình đại nghị. Điểm khác cơ bản nhất ở đây là Đại hội Đảng không bầu ra người đứng đầu Đảng để dẫn dắt cuộc bầu cử vào Quốc hội, mà bầu ra người đứng đầu Đảng để ứng cử vào chức danh Tổng thống (hay theo truyền thống của nước ta, gọi là Chủ tịch nước cũng được). Ứng cử viên được lựa chọn thông thường phải là người đã chủ trì trong việc hoạch định đường lối của Đảng cho nhiệm kỳ 5 năm tới và sẽ là người căn cứ vào đường lối đó mà vận động bầu cử cho mình.
Tổng thống trong mô hình tổng thống lưỡng tính do toàn dân bầu ra nên độc lập với Quốc hội và không chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Với một chế định mang tính chất như vậy, nếu chúng ta lựa chọn mô hình này để nhất thể hóa, thì việc sửa đổi Hiến pháp là một nhu cầu bắt buộc. Ngoài ra, việc sửa đổi Hiến pháp còn rất cần thiết để bổ sung thêm quyền lực hành pháp cho Tổng thống, vì trong mô hình tổng thống lưỡng tính, quyền hành pháp nằm phần lớn trong tay Tổng thống.
Điểm đặc trưng nhất của mô hình tổng thống lưỡng tính là ngoài Tổng thống nắm quyền hành pháp ra, còn có một yếu nhân khác cũng nắm quyền hành pháp là Thủ tướng. Phân chia quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng là một nhu cầu tất yếu của mô hình này. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, không có một khuôn mẫu cố định nào cho việc phân chia quyền lực giữa hai yếu nhân nói trên cả. Ở những nước khác nhau, việc phân chia quyền lực là rất khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, quyền lực trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao và những lĩnh vực chính sách kinh tế lớn thường thuộc về Tổng thống. Việc điều hành nền kinh tế hằng ngày thường thuộc về Thủ tướng. Thủ tướng đồng thời cũng là người đứng đầu Nội các và điều hành công việc hằng ngày của Nội các.
Nếu Tổng thống do dân bầu trực tiếp, thì Thủ tướng sẽ được lựa chọn trong số các vị đại biểu Quốc hội. Quyền lựa chọn Thủ tướng để trình ra Quốc hội phê chuẩn thuộc về Tổng thống. Tuy nhiên, trong mô hình đa đảng, nhiều khi Tổng thống phải lựa chọn người của đảng đối lập nhưng có đa số trong Quốc hội để giới thiệu làm Thủ tướng. Lý do là vì nếu đảng của Tổng thống không có đa số ở trong Quốc hội, thì có giới thiệu người của đảng mình cũng vô ích. Một ứng cử viên Thủ tướng như vậy chắc chắn sẽ không được Quốc hội phê chuẩn. Trong tình cảnh này, việc triển khai chính sách của Tổng thống sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ở nước ta, với mô hình một đảng cầm quyền, Tổng thống có thể trao đổi thống nhất ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội trước khi giới thiệu ứng cử viên giữ chức danh Thủ tướng. Khác với Tổng thống, Thủ tướng trong mô hình tổng thống lưỡng tính sẽ phải tương tác thường xuyên với Quốc hội, giải trình chính sách với Quốc hội và bị Quốc hội giám sát.
Trong mô hình tổng thống lưỡng tính, ban lãnh đạo của Đảng sẽ gồm Tổng thống, Thủ tướng, các thành viên nội các và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội (tất cả các đảng viên trúng cử làm đại biểu Quốc hội). Nếu trong mô hình đại nghị, nhà lãnh đạo đứng đầu Đảng là Thủ tướng, thì trong mô hình tổng thống lưỡng tính, nhà lãnh đạo đứng đầu Đảng là Tổng thống. Quy trình chính sách trong nội bộ Đảng sẽ được triển khai giữa Tổng thống, Nội các và Đảng đoàn. Khi đã có được sự nhất trí của ban lãnh đạo Đảng, Tổng thống có thể trực tiếp ban hành chính sách qua sắc lệnh hoặc Thủ tướng có thể trình chính sách ra Quốc hội thông qua thành luật. Với quy trình này, việc hoạch định chính sách trong Đảng và trong Nhà nước vẫn gắn kết chặt chẽ với nhau và không lặp lại nhau.
Cũng phải thừa nhận một thực tế là trong thế giới hiện đại, ở rất nhiều nước, khi một đảng đã lựa chọn người đứng đầu của mình làm ứng cử viên tổng thống, thì đồng thời cũng ủy quyền hoàn toàn cho người đó triển khai các chính sách của đảng. Việc phê chuẩn đường lối, chính sách chỉ đơn giản như sau: đảng lựa chọn ứng cử viên nào thì đồng thời phê chuẩn luôn chương trình tranh cử trong đảng của ứng cử viên đó. Điều này đúng không chỉ cho ứng cử viên vào chức danh tổng thống, mà còn đúng cả cho các ứng cử viên vào chức danh đại biểu Quốc hội. Việc nhiều nhất đảng có thể làm sau khi các ứng cử viên của mình trúng cử chỉ là cung cấp sự hỗ trợ về tư vấn chính sách cho những người này, chứ không quyết định chính sách trước và áp đặt cho họ. Đây là mô thức chúng ta cũng hoàn toàn có thể tiếp thu cho việc nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính và kể cả mô hình đại nghị.
Nguồn bài đăng