Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 5 (1623)
Trời mở trung hưng, đời sinh chúa thánh. Kính nghĩ: Hoàng đế bệ hạ, đảm đương mệnh lớn, nối giữ cơ đồ, lớn lao tôn vinh hiền tài, trọng đãi người có công, mài chí mưu lo trị nước. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương kế thừa cơ nghiệp của Thế Tổ thái vương, trước hết dựng lại kỷ cương, chỉnh ...
Trời mở trung hưng, đời sinh chúa thánh.
Kính nghĩ: Hoàng đế bệ hạ, đảm đương mệnh lớn, nối giữ cơ đồ, lớn lao tôn vinh hiền tài, trọng đãi người có công, mài chí mưu lo trị nước. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương kế thừa cơ nghiệp của Thế Tổ thái vương, trước hết dựng lại kỷ cương, chỉnh đốn pháp độ, muốn có được hiền tài trong khắp thiên hạ. Bèn vào năm Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) mở khoa thi Tiến sĩ. Đặc sai Đề điệu là Thiếu bảo Đông Quận công Lê Cánh, Tri Cống cử là Ngự sử đài Đô Ngự sử Thụy Dương hầu Nguyễn Danh Thế, Giám thí là Lễ bộ Tả Thị lang Phương Tuyền hầu Nguyễn Duy Thì, Lại bộ Hữu Thị lang Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất vâng chỉ mở khoa thi Hội. Sĩ nhân trong nước dự thi đông đến hơn 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc 7 người.
Ngày lành tháng tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức, nên chỉ có 6 quyển được khảo duyệt mà thôi. Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, 6 người còn lại đều cho đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Vả xét theo lệ cũ, những người được vào thi Đình thì không bị truất nên vẫn cho Nguyễn Trật đỗ cuối bảng, tất cả là 7 người. Vì việc ấy mà kéo dài việc xướng danh yết bảng, đến việc ban cấp áo mũ, yến tiệc vinh quy cũng đều chưa làm đúng lệ cũ. Lúc bấy giờ kẻ sĩ trong nước đều buồn bực trong lòng.
Đến ngày tháng 6 mùa hạ, gặp thời tiết sấm chớp mưa gió1 các quan văn võ tạm rước thánh giá hồi loan để củng cố căn bản, hòa hợp lòng dân để nước nhà được thêm lớn lao rạng tỏ.
Đến tiết trung thu, thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] kính vâng uy trời, chấn chỉnh nghĩa binh, trên bộ thì voi ngựa kéo đi ầm ầm như sấm, dưới nước thì ghe thuyền thuận dòng xuôi xuống làm tăng thêm uy thế của quân binh, quét dẹp ngụy Mạc, thu phục kinh thành, thanh trừng cung cấm, khiến cho thiên hạ đều thu về một mối, bốn bể trở lại yên bình. Vương thượng bèn giao trọn quyền cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] thống suất trăm quan, khôi phục mọi việc.
Trong buổi đất nước thái bình, Hoàng thượng bệ hạ tin cậy các bậc Nho thần, rộng tìm người tài tuấn, biết rằng khoa mục là việc quan trọng, Tiến sĩ cần được tuyên dương. Kính nghĩ từ khi quốc triều Trung hưng khôi phục tới giờ, các khoa thi Chế khoa và Tiến sĩ tuyển chọn được nhiều nhân tài, nếu không sắp xếp tên họ, viết lớn khắc sâu vào bia đá, kể rõ công tích, dựng bia đá truyền đến lâu dài, thì làm sao tỏ rõ được sự khuyến khích cho đời sau? Bèn vào tháng 10 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653), Hoàng thượng sai các từ thần chia soạn văn bia, khắc vào đá xanh để biểu dương sự tốt đẹp của Nho khoa, coi là việc tốt của thánh triều. Bọn thần dẫu vụng về nông cạn cũng dám chúc mừng cho nền tư văn cùng các sĩ tử, cung kính cúi đầu rập đầu mà dâng lời rằng:
Khoa mục là việc làm thường xuyên của các triều đại, từ xưa đã có như vậy. Xét từ đời Thành Chu bắt đầu có lựa chọn Tiến sĩ, đến đời Đường Tống, hoặc mở Chế khoa, hoặc thi Tiến sĩ, cũng đều do đường khoa cử mà có được nhân tài kính giúp cho trị giáo, sử sách còn có chứng cớ rõ ràng.
Kính nghĩ: Thánh triều Thái Tổ Cao hoàng đế khi mới được nước, dựng học hiệu, vời hiền tài, duy trì đạo thống, mở ra cuộc thái bình muôn năm. Liệt thánh hoàng đế gìn giữ pháp độ, đặt khoa thi, kén sĩ tử, tô điểm cho cuộc thái bình, mở ra quy chế tốt đẹp cho trăm đời sau. Từ đó thánh nối thần truyền, đều theo đúng lệ cũ.
Than ôi! Hoàng thượng trung hưng nghiệp lớn, mở rộng nhân văn, hội tập thành tựu của các đời vua thánh, tuân theo hiến chương pháp độ của các đời tiền vương, gặp những việc mà tiên triều đã làm thì tuân theo mà giữ gìn, việc gì tiên triều chưa làm thì làm cho đầy đủ và mở rộng thêm. Vả lại khoa này, hồi đó chưa treo bảng vàng ghi tên thì nay chép vào sách đăng khoa lục y theo lệ thi Hội, treo bảng ở đình Quảng Văn để ghi họ tên. Lại sai đề danh bia đá đặt trước cửa nhà Thái học để làm cho thế đạo đẹp đẽ vinh quang. Ôi! kẻ sĩ được ghi tên vào bia đá này, há chẳng vinh hạnh lắm sao?
Hãy lấy một khoa này mà xét. Những người xuất thân khoa này đều là kẻ sĩ tài năng lỗi lạc, uyên thâm rộng rãi. Có người giữ việc nói bàn mà chấn chỉnh được triều cương, có người ở chức vị thấp2 mà bàn luận ngay thẳng đúng đắn, có người chỉ giữ việc quân mà hoạch định sách lược, có người cầm cương ngựa mà bám sát theo hầu. Những bậc học rộng tài năng uyên bác, những danh sĩ trác lạc tuấn dị, văn chương của họ lẫy lừng thiên hạ, mà sự nghiệp hiển rạng ở đời, há lại không có gì ghi nhớ cảm niệm hay sao?
Thảng hoặc có người có danh không có thực, trước tốt sau tì vết thì đó là kẻ Nho rữa nát, là kẻ Nho tiểu nhân, thiên hạ trông vào mà khinh rẻ, coi là vết nhơ của khoa mục. Như thế thì bia đá này là trụ đá của nền danh giáo, nền tảng của cương thường, xem vào đây mà có thể làm chuẩn đích để tự răn đe, thực là có ích cho nền trị bình muôn năm, hoàng triều vững chắc như bàn thạch Thái Sơn vậy.
Bọn thần kính cẩn làm bài ký.
Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.
Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Lê Đình Lại3 vâng sắc soạn.
Trung thư giám Hoa văn học sinh, người giáp Tây Đài phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên là Đỗ Công Vị vâng sắc viết chữ (chân).
Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thái thừa Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.
Đã Điện thí nhưng chưa treo bảng vàng, nay căn cứ theo bảng thi Hội ghi tên 7 người:
[Đồng Tiến sĩ xuất thân]
NGUYỄN PHI KIẾN 阮丕建4 người xã Dương Liễu huyện Đan Phượng.
NGUYỄN NHÂN TRỪNG 阮仁澄5 người xã Xa Liễn huyện Yên Việt.
PHẠM PHÚC KHÁNH 范福慶6 người xã Man Nhuế huyện Thanh Lâm.
PHÙNG THẾ TRUNG 馮世忠7 người xã Kim Bí huyện Tiên Phong.
NGUYỄN ĐỆ 阮第8 người xã Minh Lương huyện Thiên Lộc.
PHAN BẢNG 潘榜9 người xã Hương Bảng huyện Thạch Thất.
NGUYỄN TRẬT 阮秩10 người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa.
Chú thích:
1 Thích trị vân lôi thời tiết: câu này dùng mấy chữ "sấm chớp mưa gió" để nhắc đến cuộc biến loạn Trịnh Xuân, vua Lê Thần Tông phải lánh về Thanh Hóa.
2 Nguyên văn: “Cư cấp xá”, ở nhà được cấp chứ không có tư dinh. Chỉ quan lại cấp thấp.
3 Lê Đình Lại: Xem chú thích 16, Bia số 37.
4 Nguyễn Phi Kiến (1565-?) người Dương Liễu huyện Đan Phượng (nay là xã Dương Liễu huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ.Nhiều tài liệu ghi ông là Phạm Phi Kiến.
5 Nguyễn Nhân Trừng (1587-?) xã Xa Liễn huyện Yên Việt (nay thuộc xã Châu Minh huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Hình khoa Đô Cấp sự trung, tước nam.
6 Phạm Phúc Khánh (1579-?) người xã Man Nhuế huyện Thanh Lâm (nay thuộc huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tự khanh, tước tử.
7 Phùng Thế Trung (1585-?) người xã Kim Bí huyện Tiên Phong (nay thuộc xã Tiên Phong huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ. Có tài liệu ghi là Phùng Thế Triết.
8 Nguyễn Đệ (1577-?) người xã Minh Lương huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Trung Lương huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Tham chính, tước bá, nhưng sau bị truất.
9 Phan Bảng (1594-?) người xã Hữu Bằng huyện Thạch Thất (nay thuộc huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ.
10 Nguyễn Trật (1573-?) người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Công khoa Đô Cấp sự trung.