18/06/2018, 11:33

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 14 (1718)

Kính nghĩ: Quốc triều thời tốt lành, sao Khuê soi vận thái. Thánh thiên tử tuổi trẻ khiêm nhường hành đạo, hòa vui tác thành nhân tài. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] có mưu lược lớn trị nước, theo trung đạo chọn dùng người hiền. Bèn vào mùa xuân năm Mậu Tuất thi ...

Kính nghĩ: Quốc triều thời tốt lành, sao Khuê soi vận thái. Thánh thiên tử tuổi trẻ khiêm nhường hành đạo, hòa vui tác thành nhân tài. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] có mưu lược lớn trị nước, theo trung đạo chọn dùng người hiền. Bèn vào mùa xuân năm Mậu Tuất thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Sai Tá lý công thần Tiền hòa quân doanh Tây quân Đô đốc phủ Thự Phủ sự Thiếu phó Ứng Quận công Đặng Đình Tướng làm Đề điệu; Bồi tụng Ngự sử đài Đô Ngự sử Nhập thị Kinh diên thự Trung thư giám Cẩm Thượng nam Trương Công Giai làm Tri Cống cử, Bồi tụng Hộ bộ Tả Thị lang Tuần Thành nam Lê Anh Tuấn cùng Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Kế Vũ nam Nguyễn Mậu Áng làm Giám thí, cùng các quan hữu ty chia giữ các việc.

Bấy giờ sĩ tử dự thi hơn 3.000 người, lựa chọn hạng xuất sắc được 17 người. Ngày tháng 6 vào Điện thí, ban cho Vũ Công Tể đỗ Tiến sĩ cập đệ; Nguyễn Tuyền, Ninh Địch đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Hữu Kiều 14 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Thái học. Sau đó ban áo mũ cân đai, cho dự yến Quỳnh hoa bạc, cho dựng nhà ở để được vẻ vang về làng. Lại theo lệ được ban chức tước, mưa móc như từ trời cao ban xuống, ơn nhuần rất mực long trọng. Việc khắc đá đề danh thì đã có lệ cũ, sai từ thần soạn bài văn để ghi việc thực.

Thần giữ chức soạn thuật, không dám lấy cớ vụng về nông cạn mà chối từ, kính cẩn cúi đầu rập dầu dâng lời rằng:

Tìm trong khoa mục là con đường bằng phẳng để lựa chọn nhân tài, mà gây dựng tiếng tăm thì cần nhất là ở lệ thường khuyến khích sĩ tử. Vái xem từ đời thánh triều lập quốc tới nay thường lấy khoa cử để khích lệ nho phong, mở mang văn trị. Ngước thấy ngày nay, thể chế quy tắc chặt chẽ, muốn có quả dưa to cũng phải lựa cả dây leo bìm bìm. Nhưng phép xét tuyển rất tinh, ơn đãi ngộ rất hậu, mà việc tạc đá khắc bia thì cốt nhất là để cho thanh danh lưu truyền mãi mãi. Kẻ sĩ được đăng tên vào tấm đá này thật là vinh hạnh biết bao! Vậy phải giữ tiết tháo cứng cỏi, giữ tâm chất thực chắc chắn, lấy chính trực trung hậu mà đứng giữa triều đình, lấy đạo đức nhân nghĩa mà giúp chúa, chẳng gỉ chẳng mòn, sừng sững như cột trụ ở miếu đường, làm nền tảng, làm ánh sáng, giữ yên xã tắc, công lao sự nghiệp không chỉ rạng rỡ ở đương thời mà phúc lộc còn truyền mãi muôn đời. Thế thì danh tiếng ấy cùng bia đá này sẽ lưu truyền hương thơm đến vô cùng vậy. Thảng hoặc có ai đó hành vi và lương tâm trái nhau, danh thực trái ngược, thì ngọc khuê có vết khó mài, tiếng nhơ khó giấu, công luận nghiêm xét, nghìn năm không quên, há chẳng nên cẩn thận ư?

Thần kính cẩn làm bài ký.

Mậu lâm lang Bồi tụng Hàn lâm viện Thị thư Vũ Công Tể vâng sắc soạn.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Bồi tụng Đông các Đại học sĩ Trù Phúc hầu Đinh Phụ Ích vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 17 tháng 11 niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) Hoàng Việt.

 

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 1 người:

VŨ CÔNG TỂ 武公宰1 người xã Hải Bối huyện Yên Lãng, Hiến phó.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

NGUYỄN TUYỀN 阮璿2 người xã Nỗ Bạn huyện Thanh Trì, trú quán thôn Văn Hội xã Văn Giáp huyện Thượng Phúc, Huấn đạo.

NINH ĐỊCH 寧迪3 người Xã Côi Trì huyện Yên Mô, Huấn đạo.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 14 người:

LÊ HỮU KIỀU 黎有4 người xã Liêu Xá huyện Đường Hào, Nho sinh trúng thức.

NGUYỄN DANH HIỀN 阮名賢5 người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm, Giám sinh.

NGUYỄN CÔNG VIÊN 阮公垣6 người xã Vịnh Cầu huyện Đông Ngàn, Nho sinh trúng thức.

NGUYỄN CẨM 阮錦7 người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, Tri huyện.

TRƯƠNG HỮU THIỆU 張有劭8 người xã Thiên Linh huyện Ngọc Sơn, Huấn đạo.

LÊ NHƯ KỲ 黎如琦9 người xã Yên Xá huyện Thụy Nguyên, Tri huyện.

HÀ SÁCH DỰ 何策譽10 người xã Yên Nhân huyện Đường Hào, Huấn đạo.

DƯƠNG QUÁN 楊灌11 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm, Nho sinh trúng thức.

NGUYỄN LỆNH NGHI 阮令儀12 người xã Thanh Lâm huyện Thanh Lâm, Huấn đạo.

NGUYỄN ĐÌNH BÁ 阮廷伯13 người xã Nộn Hồ huyện Nam Đường, Huấn đạo.

NGUYỄN ĐÌNH TOẢN 阮廷纂14 người xã Văn Trưng huyện Bạch Hạc, Tham nghị.

LÊ ĐĂNG TRUYỀN 黎登傳15 người xã Tiên Bào huyện Nghi Xuân, Nho sinh trúng thức.

NGUYỄN QUỐC DỰC 阮國翼16 người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang, Giám sinh.

TRẦN CẢNH 陳璟17 người xã Điền Trì huyện Chí Linh, Nho sinh trúng thức.

Trung thư giám hoa văn học sinh người xã Phú Thị huyện Gia Lâm là Bùi Đình Kiên vâng viết chữ (chân).

Cẩn sự lang Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy viết chữ triện.

 

Chú thích:

1. Vũ Công Tể (1687-1745) người xã Hải Bối huyện Yên Lãng (nay là xã Hải Bối huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Hiến phó, Bồi tụng, Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại, tước Lãng Quận công. Sau khi mất, ông được tặng Thái bảo.

2. Nguyễn Tuyền (1687-1736) người xã Nỗ Bạn huyện Thanh Trì (nay thuộc xã Liên Phương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây), trú quán xã Văn Giáp huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín). Ông giữ các chức quan, như Huấn đạo, Tả Thị lang Bộ Binh, Hữu Tư giảng, tước hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Binh, phong tước Đại vương.

3. Ninh Địch (1687-?) người xã Côi Trì huyện Yên Mô (nay thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình). Ông là chú của Ninh Tốn và giữ các chức quan, như Huấn đạo, thăng Đông các Đại học sĩ.

4. Lê Hữu Kiều (1691-1760) hiệu là Tốn Trai , người xã Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay thuộc xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Lê Hữu Danh, chú Lê Trọng Tín và là cha của Lê Hữu Dụng. Ông giữ các chức quan, như: Tư vụ ở Bộ Hộ, quyền Hiến sát sứ Kinh Bắc, Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Hữu Thị lang Bộ Công và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc); thăng Tả Thị lang Bộ Công, tước Liêu Đình bá; thăng Đô đài, Thượng thư Bộ Công; rồi làm Tham tụng, Đốc trấn Thái Nguyên, Tham tri Nghệ An, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Lễ, tước Liêu Đình hầu. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu phó, tước Liêu Quận công.

5. Nguyễn Danh Hiền (1694-?) người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Yên Hòa quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hiệu thảo.

6. Nguyễn Công Viên (1691-?) người xã Vịnh Kiều huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hiệu thư, Đốc đồng Cao Bằng.

7. Nguyễn Cẩm (1678-?) người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Bát Tràng huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là em của Nguyễn Đăng Liên, trước đỗ khoa Sĩ vọng và giữ các chức quan, như Tri huyện, thăng Quốc tử giám Tế tửu. Sau khi mất, ông được tặng chức Phó Đô Ngự sử.

8. Trương Hữu Thiệu (1687-?) người xã Thiên Linh huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông trước đỗ khoa Sĩ vọng, làm quan Huấn đạo, thăng Giám sát.

9. Lê Như Kỳ (1684-1772) người xã Yên Xá huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Thịnh huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tri huyện, thăng Tả Thị lang Bộ Hình, tước bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Binh.

10. Hà Sách Dự (1682-?) người xã Yên Nhân huyện Đường Hào (nay là thị trấn Bần Yên Nhân huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên). Ông thi Hương đỗ Giải nguyên, làm quan Huấn đạo, thăng đến chức Giám sát Ngự sử.

11. Dương Quán (1687-?) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Giám sát.

12. Nguyễn Lệnh Nghi (1687-?) người xã Thanh Lâm huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Thịnh huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Huấn đạo, thăng đến Tả Thị lang Bộ Lại và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc), nhưng bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Hình, tước Sách Quận công. Có tài liệu ghi ông là Đỗ Lệnh Nghi.

13. Nguyễn Đình Bá (1674-?) người xã Nộn Hồ huyện Nam Đường (nay thuộc xã Xuân Hòa huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông là cha của Nguyễn Đình Truyền, làm quan Huấn đạo, thăng đến Giám sát.

14. Nguyễn Đình Toản (1668-?) người xã Văn Trưng huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Tứ Trưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông con của Nguyễn Đình Sách, làm quan Tham nghị, thăng đến chức Tự khanh.

15. Lê Đăng Truyền (1683-?) người xã Tiên Bào huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Xuân Yên huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Giám sát.

16. Nguyễn Quốc Dực (1693-?) người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tham chính. Sau khi mất, ông được tặng chức Phó Đô Ngự sử.

17. Trần Cảnh (1684-1758) người xã Điền Trì huyện Chí Linh (nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông là con của Trần Thọ, cha Trần Tiến, làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Quận công và về trí sĩ. Sau lại được trọng dụng, làm quan Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái bảo.

0