Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ 1 (1676)
Ôi! Bậc thánh chúa dựng nghiệp trung hưng, tất lập ra chế độ tốt đẹp để truyền lại người sau; đấng minh quân nối dõi giữ gìn thành pháp, ắt noi theo khuôn phép để bảo toàn truyền thống. Kính nghĩ: Hy Tông Chương hoàng đế buổi đầu mới lên ngôi, năm Bính Thìn là năm theo lệ mở khoa thi ...
Ôi! Bậc thánh chúa dựng nghiệp trung hưng, tất lập ra chế độ tốt đẹp để truyền lại người sau; đấng minh quân nối dõi giữ gìn thành pháp, ắt noi theo khuôn phép để bảo toàn truyền thống.
Kính nghĩ: Hy Tông Chương hoàng đế buổi đầu mới lên ngôi, năm Bính Thìn là năm theo lệ mở khoa thi Tiến sĩ. Thực nhờ Hoằng Tổ Dương vương sớm hôm phụ giúp, canh cánh cầu tìm hiền tài, ân cần khuyến khích nuôi dưỡng kẻ sĩ, chăm chú trau dồi trị bình. Giao quyền cho Chiêu Tổ Khang vương cùng chung một đức, chọn tìm hiền tài. Bèn vào tháng 3 mùa xuân theo lệ thi Hội các Cống sĩ trong nước. Sai Trung quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Chưởng phủ sự Phó Đô tướng Thái tể Khê Quận công Trịnh Trượng làm Đề điệu, Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Yên Lĩnh tử Nguyễn Mậu Tài làm Tri Cống cử, Bồi tụng Lễ bộ Tả Thị lang Nhập thị Kinh diên Đặng Công Chất và Lễ bộ Hữu Thị lang Bồi thị Kinh diên Thọ Nham tử Nguyễn Đình Chính làm Giám thí, cùng các quan hữu ty chia giữ các việc. Bấy giờ sĩ tử ứng thí ngót 3000 người, chọn hạng xuất sắc được 20 người, sự chọn lựa thực là kỹ lưỡng.
Đến ngày mồng 3 tháng 6, vào sân điện trả lời câu hỏi về ý nghĩa cốt yếu trong chín kinh1 và đạo trị nước xưa nay.
Hôm sau, quan Độc quyển nâng quyển lên đọc, Hoàng thượng ngự lãm, đích thân xem xét, lấy Nguyễn Quý Đức đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Bùi Công Phụ 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Lương Năng 16 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngày mồng 6, gọi loa xướng tên người thi đỗ, Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Quốc học. Ban cho áo mũ yến tiệc, ơn vinh theo thứ bậc khác nhau, nhất nhất theo quy chế cũ. Ngày 18 tháng 7, cho các Tiến sĩ vinh quy về làng. Nghi lễ đãi ngộ rất long trọng. Nhưng việc khắc đá vẫn chưa làm, hẳn có ý chờ người có khả năng đại tạo tác.
Kính nghĩ: Hoàng thượng kế thừa cơ đồ to lớn, nắm giữ vận hội văn minh, khôi phục phát huy công cụ giúp trị, vui nuôi hiền tài. Thực nhờ [Đại nguyên soái Thống quốc chính Sư thượng An vương] thay trời nối nghiệp, trọng Nho yêu mến hiền tài, xa giá đến thăm trường Giám, vui xem các tấm bia cũ, bèn sai dựng bia những khoa còn thiếu, lại sai từ thần chia nhau soạn bài ký.
Thần chúc mừng sâu sắc cho nền tư văn, chẳng dám viện cớ vụng về nông cạn từ chối, xin kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Đế vương chiêu tuyển hiền tài được nhiều người nhất là từ khoa thi Tiến sĩ. Sĩ tử thăng tiến trên đường sĩ hoạn thì cũng ở con đường Tiến sĩ là tốt đẹp nhất, trải bao đời nay vẫn không thay đổi.
Kính xem: Hoàng triều sau khi khai quốc truyền nối đã hơn trăm năm, thi Hội đã mở 26 khoa, lựa chọn nhân tài được đến 990 người, há chẳng là nhiều hay sao? Bấy giờ, những người xuất thân do con đường khoa mục, từ hạng áo vải tiến lên nhậm chức trong triều, từ tầng lớp thấp kém vươn lên dự vào hàng tôn quý, giúp vua trị nước, đồng đạo đồng tâm, há chẳng tốt đẹp lắm sao? Dẫu giữa chừng gặp bước gian truân, Tây đô2 lui về về ẩn bóng nhưng thu dụng hiền tài cũng không ngoài những người trong chốn khoa trường. Đến khi vật cũ thu về3 vầng nhật lại sáng để điểm tô cho nền trí tuệ, lại theo khoa mục để rộng tìm hiền sĩ. Đủ biết khoa cử là tấm lưới cầu hiền của bậc thượng nhân cùng là bậc thang tiến thân của người dưới, đường lối trị nước không có gì hơn thế. Huống lại còn dựng đá khen ngợi khuyến khích, khởi thuỷ từ đời Hồng Đức mà các vua sau nối gót tiếp theo. Đó là điều tốt đẹp nhất trong gia pháp của nhà vua. Theo từng khoa mà dựng bia là lệ thường. Nhưng làm cho xong việc còn dở, bổ sung cái thiếu, làm cho hoàn bị những cái chưa đầy đủ thì chỉ thấy một lần về niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất, lần này là lần thứ hai mà thôi. Đó chẳng phải là điềm báo văn vận đại hanh, nền thái bình mở rộng hay sao?
Hãy thử xét khoa này mà xem: đây là khoa thứ 26 kể từ khi Trung hưng khôi phục về sau. Những người được chọn đỗ đều là bậc danh tiếng đương thời, tùy tài mà bổ nhiệm, sắp đặt giữ các chức quan. Có người do tài văn chương mà vào chầu ở chốn trướng loan, có người tính thẳng mà giữ chức Ngự sử. Có người giữ việc bàn nói ở chốn miếu đường, có người tham tán quân cơ ngoài trận mạc. Có người đủ tài văn học mà diễn giảng luận bàn ở Đông các. Có người văn võ gồm đủ mà cầm tiết việt giữ biên thùy phía bắc. Có người giỏi chính thuật mà giữ chức tuyên mệnh bố cáo. Có người do tín cẩn mà nắm giữ tay hòm chìa khoá. Lại có người khoác nhung y cầm kiếm kích giữ yên châu quận, hoặc rong ruổi yên cương làm cho quốc thể thêm trọng. Phàm lo việc công ai nấy đều đem hết sở trường. Nhưng từ khoa ấy tới nay đã 42 năm. Hiện còn làm quan tại chức một người, một người đã về trí sĩ, những người khác chỉ còn cái tên cùng là công tích lưu lại mà thôi. Trong số họ ai tốt ai xấu, phải trái nên hư thế nào còn lưu cả ở tiếng tăm dư luận người đời. Nay khắc lên bia đá để tỏ ý tính danh không mòn vậy.
Đủ biết thánh triều lập ra chế độ để bảo tồn phong hóa, không chỉ sùng chuộng ca ngợi một thời, mà còn ngụ ý khuyên răn hậu thế, khiến cho người xem hễ nhìn thấy tên thì nhớ tới người. Nhớ người rồi thì sẽ tìm hiểu sự tích tốt hay xấu của người đó. Việc hay thì bắt chước, việc dở thì lấy làm răn, ai ai cũng học theo việc làm của người quân tử, lấy lòng chính trực trung nghĩa mà đứng trong triều, lấy nhân nghĩa đạo đức giúp vua thờ chúa, khiến cho thế đạo rạng rỡ sáng tươi, nước được vững yên như Thái Sơn tới ức vạn năm. Thần được lạm dự hàng đầu trong bảng, may mắn được chứng kiến sự kiện dựng bia lớn lao, nay lại được giao nhuận sắc bia này. Nặng hay nhẹ là ở vật, việc xấu hay tốt là do người, không dám vì người đồng khoa thêm lời nói tốt, chỉ chép thẳng đúng sự thực để soi sáng cho đời sau mà thôi.
Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Dương Bật Trạc4 vâng sắc soạn.
Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 1 người:
NGUYỄN QUÝ ĐỨC 阮貴德5 người xã Thiên Mỗ huyện Từ Liêm.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:
BÙI CÔNG PHỤ 裴公輔6 người xã Bình Dân huyện Đông Yên.
PHẠM QUANG CHIẾU 范光照7 người xã Đào Xá huyện Đường An.
NGUYỄN TIẾN TRIỀU 阮進朝8 người xã Nam Nguyễn huyện Phúc Lộc.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 16 người:
TRẦN LƯƠNG NĂNG 陳良能9 người xã Thượng Cát huyện Từ Liêm.
CHU DANH TỂ 朱名宰10 người xã Bật Ninh huyện Yên Dũng.
TRỊNH ĐỨC NHUẬN 鄭德潤11 người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn.
LÊ ĐĂNG CỬ 黎登舉12 người xã Tuần La huyện Ngọc Sơn.
NGÔ SÁCH TUÂN 吳策詢13 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.
LÊ KHẢ TRINH 黎可貞14 người xã Phú Thọ huyện Đông Sơn.
NGUYỄN TRUNG LƯỢNG 阮忠亮15 người xã Nhị Khê huyện Thượng Phúc.
NGUYỄN XUÂN DUNG 阮春榕16 người xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm.
TRƯƠNG HỮU HIỆU 張有效17 người xã Thiên Linh huyện Ngọc Sơn.
ĐOÀN TUẤN HÒA 段俊和18 người xã Cự Đồng huyện Siêu Loại.
LÊ DỊ TÀI 黎異材19 người xã An Hoạch huyện Đông Sơn.
NGUYỄN ĐÌNH CỔN 阮廷滾20 người xã Bích Triều huyện Thanh Chương.
NGUYỄN XUÂN ĐỈNH 阮春鼎21 người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN ĐĂNG LONG 阮登龍22 người phường Công Bộ huyện Quảng Đức.
NGUYỄN SIÊU HẢI 阮超海23 người xã Khắc Niệm huyện Tiên Du.
NGUYỄN NGÔ CHUNG 阮吳鍾24 người xã Cẩm Chương huyện Đông Ngàn.
Thị nội Thư tả Thủy binh phiên Tướng sĩ lang Phó sở sứ người xã Gia Thị huyện Gia Lâm là Ngô Bảo vâng sắc viết chữ (chân).
Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.
Chú thích:
1. Nguyên văn: Cửu kinh, gồm Ngũ kinh (Thư, Thi, Lễ, Dịch, Xuân thu) và Tứ thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung và Đại học).
2. Tây đô: Vua Trang Tông nhà Lê đặt kinh đô ở Thanh Hóa để chống với họ Mạc, gọi là Tây đô.
Vật cũ thu về: Chỉ việc nhà Lê Trung hưng thu phục kinh đô Thăng Long vào cuối năm 1592.
Dương Bật Trạc: Xem chú thích số 1, Bia số 42.
5. Nguyễn Quý Đức (1646-1720) hiệu là Đường Hiênvà tự là Bản Nhân , người xã Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là xã Đại Mỗ huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông là cha của Hoàng giáp Nguyễn Quý Ân và là ông nội của Nguyễn Quý Kính. Ông giữ các chức quan, như: Tả Thị lang Bộ Lại, Nhập thị Bồi tụng, tước Liêm Đường bá, rồi thăng Đô Ngự sử, sau bị giáng làm Tả Thị lang Bộ Binh, rồi lại thăng hàm Thiếu phó, tước Liêm Quận công, sau được thăng đến Thái phó, Quốc lão, được vinh phong Tá lý công thần và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thái tể và phong phúc thần. Sinh thời ông là người sống thuần hậu, có tài văn chương và được người đời kính trọng.
6. Bùi Công Phụ (1642-?) người xã Bình Dân huyện Đông Yên (nay thuộc xã Tân Dân huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Đô Cấp sự trung, tước nam.
7. Phạm Quang Chiếu (1650-?) người xã Đào Xá huyện Đường An (nay thuộc xã Bãi Sậy huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Cấp sự trung. Sau khi mất, ông được tặng chức Đô Cấp sự trung.
8. Nguyễn Tiến Triều (1650-?) người xã Nam Nguyễn huyện Phúc Lộc (nay thuộc xã Cam Thượng huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, tước Nam.
9. Trần Lương Năng (1644-?) người xã Thượng Cát huyện Từ Liêm (nay là Thượng Cát quận Tây Hồ Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Vạn Trì huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tham chính.
10. Chu Danh Tể (1654-?) người xã Bật Ninh huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Ninh Sơn huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang). Ông giữ các chức quan, như Đề hình Giám sát Ngự sử, Đốc trấn Cao Bằng.
11. Trịnh Đức Nhuận (1653-1713) người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông là cha của Trịnh Xuân Thọ. Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Thư Lâm nam. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Hộ, tước tử.
12. Lê Đăng Cử (1650-?) người xã Tuần La huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Trước đỗ khoa Sĩ vọng. 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính thìn niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676) đời Lê Hy Tông. Làm quan Giám sát Ngự sử.
13. Ngô Sách Tuân (1648-1697) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Ngô Sách Thí, em Ngô Sách Dụ và là cha Ngô Sách Hân. Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lại. Nhưng khi làm Giám thí trường thi Thanh Hóa, ông phạm lỗi báo bài thi của con Tham tụng Lê Hi cho giám khảo để tăng điểm. Việc phát giác, ông bị triều đình khép tội chết.
14. Lê Khả Trinh (1653-1722) người xã Phú Thọ huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Thọ huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sứ.
15. Nguyễn Trung Lượng (1652-?) người xã Nhị Khê huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Nhị Khê huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Công khoa Cấp sự trung, sau khi mất được tặng chức Đô Cấp sự trung.
16. Nguyễn Xuân Dung (1649-?) người xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Lâm huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sứ, sau bị truất xuống Giám sát Ngự sử.
17. Trương Hữu Hiệu (1632-1696) người xã Thiên Linh huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
18. Đoàn Tuấn Hòa (1622-?) người xã Cự Đồng huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Đại Đồng Thành huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), nguyên quán xã Chi Nê huyện Tiên Du (nay xã thuộc Tân Chi huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Binh, tước nam. Do quản binh không đúng luật, ông bị truất. Sau ông lại được mời ra làm quan Tự khanh, Đốc trấn Cao Bằng và tước tử. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Tuấn Hòa.
19. Lê Dị Tài (1652-1716) người xã An Hoạch huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đồng Tân huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thừa chính sứ. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công. Bia Văn Miếu Hưng Yên ghi ông người huyện Đông Yên.
20. Nguyễn Đình Cổn (1652-?) người xã Bích Triều huyện Thanh Chương (nay thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử, được cử đi sứ sang nhà Thanh và bị mất trên đường đi, truy tặng chức Tả Thị lang, tước nam.
21. Nguyễn Xuân Đỉnh (1649-?) người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Phù Chẩn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hiến sứ.
22. Nguyễn Đăng Long (1645-?) người phường Công Bộ huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Yên Việt huyện Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hình khoa Đô Cấp sự trung, sau thăng Tham chính, tước nam.
23. Nguyễn Siêu Hải (1651-?) người xã Khắc Niệm huyện Tiên Du (nay là xã Khắc Niệm huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
24. Nguyễn Ngô Chung (1641-1715) người xã Cẩm Chương huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hộ, tước Khánh Sơn hầu và được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thiếu bảo, tước Quận công.