18/06/2018, 11:33

Văn bia đề danh chế khoa Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6 (1554)

Đặt khoa thi chọn kẻ sĩ là quy chế đã lập thành của các bậc đế vương mưu đồ nền trí trị, trọng dụng người hiền không hạn chế bởi cách nào là đạo thường xưa nay không thay đổi. Kính nghĩ: Thánh triều Trung Tông Vũ hoàng đế thông minh đức độ lớn, khoát đạt chí nhân, căm giận ngụy Mạc dám ...

Đặt khoa thi chọn kẻ sĩ là quy chế đã lập thành của các bậc đế vương mưu đồ nền trí trị, trọng dụng người hiền không hạn chế bởi cách nào là đạo thường xưa nay không thay đổi.

Kính nghĩ: Thánh triều Trung Tông Vũ hoàng đế thông minh đức độ lớn, khoát đạt chí nhân, căm giận ngụy Mạc dám nghịch cương thường, luôn mong có được hiền thần để mở mang công nghiệp. Thực nhờ Thế tổ Minh Khang Thái vương kính giúp, phấn chí anh hùng, mưu lo khôi phục. Bấy giờ những dũng tướng nanh vuốt xông pha ở nơi tên đạn thì nhiều mà mưu thần tâm phúc giúp vận trù ở nơi màn trướng thì ít. Bèn vào năm Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình thứ 6 bắt đầu đặt Chế khoa, đích thân ra đề thi văn sách hỏi về đạo trị nước xưa nay. Sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí vâng mệnh khảo thí, trúng tuyển được 13 người, vâng mệnh dâng lên để Hoàng thượng ngự lãm, định thứ bậc cao thấp. Sắc ban cho bọn Đinh Bạt Tụy 5 người đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, bọn Chu Quang Trứ 8 người đỗ Đệ nhị giáp đồng Chế khoa xuất thân. Cho dự yến tiệc và ban mũ áo, ơn vinh thật đầy đủ. Những người đỗ Chế khoa năm ấy vốn đều có tài kinh luân, cùng nhau đồng tâm hiệp lực, hiến kế vạch mưu, nhân tài nối nhau xuất hiện, dành dùng mấy đời cũng không hết.

Đến nay, Hoàng thượng nghĩ chu đáo vạn cơ, lo chỉnh tề mọi việc, chưa rỗi làm việc khác mà kíp lo việc cầu hiền, thu nạp nhân tài để mở nền trí trị. Thực nhờ1 [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng phụ Thanh vương]2 mưu lo lập lại chính sự, mở mang pháp độ. Chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương]3 bên trong cai quản trăm quan, bên ngoài điều hoà bốn bể. Hiền sĩ như mây họp, cứ ba năm lại mở một khoa thi. Đời thịnh chọn được người ở khoa này là rất nhiều vậy.

Thánh thượng4 sâu nghĩ đến đức nghiệp danh vọng của các bậc tuấn kiệt thời trước, muốn dùng bia đá đề danh để truyền lại lâu dài. Đặc sai các từ thần ở Viện Hàn lâm soạn bài ký ghi sự việc. Bọn thần há dám không cúi đầu rập đầu mà dâng lời rằng:

Trời đất sinh nuôi muôn vật tất phải nhờ đến bốn mùa để thành công. Đế vương giữ yên muôn phương, tất phải nhờ đông đảo hiền tài giúp trị, mà muốn được người tuấn kiệt ắt phải chọn trong chốn khoa trường.

Kính nghĩ: Thái tổ Cao hoàng đế nhân thời mở vận, lấy đại nghĩa mà thi hành việc quân, lo giữ yên cho thiên hạ, thu phục các bậc anh hiền, gây thành nghiệp đế để truyền lại cho đời sau. Liệt thánh kế thừa chính thống.

Trung Tông Vũ hoàng đế khôi phục tạo lập cơ đồ lớn lao, tôn chuộng nho nhã, bèn mở khoa thi này, thật là khoa đệ nhất thời Trung hưng vậy.

Kế đến Anh Tông Tuấn hoàng đế, Thế tông Nghị hoàng đế tuân theo quy củ, lại lập Chế khoa. Kẻ sĩ hào kiệt đều do khoa này mà tiến lên, công khanh đại phu đều do đường ấy mà xuất hiện. Công danh sự nghiệp của những người đỗ Chế khoa thật lớn lao không thể ghi chép hết, đến nay những ai nghe biết đều không khỏi trạnh lòng tưởng nhớ ngưỡng mộ.

Những người có chức quan vẫn thường nghiền ngẫm trung nghĩa, dồi mài liêm cần, nguyện làm vị Trạng nguyên trung hiếu, làm bậc quân tử ngọc vàng, ngõ hầu không hổ thẹn với các bậc tu thân toàn mỹ đời trước. Thảng hoặc có kẻ ngoài ngọc trong đá, tiếng phượng hoàng mà lông diều hâu, làm kẻ gian tà hèn nhát, làm kẻ tầm thường a dua nịnh hót không biết hổ thẹn bởi sự chỉ trích chê bai của người đời sau.

Vậy thì tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả nghìn năm, công luận phải trái vẫn còn đó, há chẳng đáng sợ lắm thay!

Bọn thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Hàn lâm viện Đãi chế Nguyễn Đăng Cảo5 vâng sắc soạn.

Trung thư giám Hoa văn học sinh quê xã Thái Lạc huyện Văn Giang là Đỗ Soạn vâng sắc viết chữ (chân).

Trung thư giám Hoa văn học sinh người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức là Đỗ Công Vị vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, 5 người:

ĐINH BẠT TỤY 丁拔萃6 người xã Bùi Khổng huyện Hưng Nguyên.

NGUYỄN VĂN NGHI 阮文沂7 người xã Ngọc Bôi huyện Đông Sơn.

NGUYỄN SƯ LỘ 阮師路8 người xã Bột Thái huyện Hoằng Hóa.

PHAN TẤT THÔNG 潘必通9 người xã Hạ Thành huyện Đông Thành.

ĐỖ DANH ĐẠI 杜名大10 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.

Đệ nhị giáp đồng Chế khoa xuất thân, 8 người:

CHU QUANG TRỨ 朱光著11 người xã Nam Hoa Thượng huyện Thanh Chương.

NGUYỄN CHIÊU 阮昭12 người xã Yên Việt Thượng huyện La Sơn.

LÊ VĂN HIẾU 黎文孝13 người xã Châu Xuyết huyện Nông Cống.

BIỆN HOÀNH 卞鍧14 người xã Hoa Duệ huyện Kỳ Hoa.

NGUYỄN CÔNG DỰ 阮公譽15 người xã Văn Lâm huyện Quảng Xương.

VŨ HOÁN 武煥16 người xã Hồng Khê huyện Duy Tiên.

NGUYỄN SẰN 阮侁17 người xã Dịch Vọng huyện Từ Liêm.

NGUYỄN ĐỨC 阮德18 người xã Nỗ Bạn huyện Thanh Trì.

Chú thích:

1. Kể từ bia này trở đi, các bia soạn dựng vào đời Lê Trung hưng đều có những dòng kê tước hiệu của các chúa Trịnh. Sau này các vua triều Nguyễn không chấp nhận được những điều ghi trên đó, vì ngay trong tước hiệu mỹ tự đã bao hàm ý nghĩa đề cao công đức của các chúa Trịnh như "công cao thông đoán nhân thánh..." v.v...Vì thế, vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) vua sai truyền dụ cho các địa phương miền Bắc phàm đền chùa có bia, biển gỗ đề cao họ Trịnh thì phải “mài gọt đục đi, chớ để dấu tích lại” (Đại Nam thực lục, Chính biên. Bản dịch, Tập XXII, tr159). Lệnh này được thi hành triệt để đối với các bia Tiến sĩ đời Lê Trung hưng ở Văn miếu-Quốc tử giám Thăng Long như chúng ta đã thấy. Để tiện cho độc giả theo dõi văn bản, chúng tôi phải căn cứ vào tên tước, mỹ tự tương thích với thời gian sự việc, thời gian soạn dựng từng bia và các tư liệu khác để tham khảo, khôi phục rồi đặt vào trong ngoặc vuông [....]. Nhưng việc đục bia này chỉ đục các dòng liên quan đến các chúa Trịnh từ Trịnh Tráng về sau, vì kể từ khi Trịnh Tráng lần đầu tiên dẫn quân đi đánh Đàng Trong năm 1627 thì chính quyền hai họ Trịnh - Nguyễn mới chính thức đối địch, còn tước hiệu của Trịnh Kiểm (Minh Khang đại vương, Minh Khang thái vương) và Trịnh Tùng (Thành Tổ Triết vương) thì không bị đục.

2. Tước do vua Lê Thần Tông phong cho Trịnh Tráng năm 1629, lấy theo Trịnh gia chính phả do Trịnh Như Tấu biên soạn. Toàn thư ghi tước này có chênh mấy chữ: "Đại nguyên súy thống quốc chính sư phụ Thanh vương". Tháng 5-1657 khi Trịnh Tráng mất mới kèm thêm các mỹ tự "Đại nguyên súy thống quốc chính thượng chúa sư phụ công cao thông đoán nhân thánh Thanh vương". Đây là tấm bia Tiến sĩ Chế khoa đầu tiên đời Lê Trung hưng được soạn dựng năm 1653 tương ứng thời gian Trịnh Tráng đang nắm quyền cho nên chúng tôi khôi phục tên tước sinh thời của Trịnh Tráng.

3. Tước phong của Trịnh Tạc.

4. Chỉ vua Lê Thần Tông. Có 21 bia Tiến sĩ đời Lê Trung hưng đã được soạn dựng dưới thời Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng.

5. Nguyễn Đăng Cảo (1619-?) người xã Hoài Bão huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Ông 28 tuổi đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (tức Thám hoa) niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646) đời Lê Chân Tông, sau lại đỗ đầu khoa Đông các và làm quan Đông các Đại học sĩ (1659). Ông là anh của Nguyễn Đăng Ninh, bác của Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo. Ông được bổ chức Đông các Đại học sĩ, nhưng sau đó bị bãi chức, vì ông là người cương trực, không theo thói đời nên bị nhiều người ghen ghét, vì thế mà không được trọng dụng.

6. Đinh Bạt Tụy (1527-1600) người xã Bùi Khổng huyện Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Thắng huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Thượng thư Bộ Binh, tước Khê Quận công, về trí sĩ.

7. Nguyễn Văn Nghi (1526-1595) người xã Ngọc Bôi huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đồng Thanh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước bá. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư, Thái bảo, phong phúc thần.

8. Nguyễn Sư Lộ (1519 -?) người xã Bột Thái huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Vinh huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông là cha của Nguyễn Thứ, làm quan Lại khoa Đô Cấp sự trung.

9. Phan Tất Thông (1532-?) người xã Hạ Thành huyện Đông Thành (nay thuộc huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An). Ông là cháu nội của Phan Tất Hành, con Phan Tất Lượng, làm quan đến Đông Các, Thừa chính sứ.

10. Đỗ Danh Đại (1514-?) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoàng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông là em của Đỗ Phi Tán, cha Đỗ Tế Mỹ, làm quan Đông các Đại học sĩ, tước Văn Hoành bá. Có tài liệu ghi ông là Đỗ Tất Đại.

11. Chu Quang Trứ (1540-?) người xã Nam Hoa Thượng huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Khánh Sơn huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

12. Nguyễn Chiêu (1524-?) người xã Yên Việt Thượng huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Cấp sự trung.

13. Lê Văn Hiếu (1533-?) người xã Châu Xuyết huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoàng Sơn huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ.

14. Biện Hoành (?-?) người xã Hoa Duệ huyện Kỳ Hoa (nay thuộc xã Cẩm Duệ huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Hiến sát sứ.

15. Nguyễn Công Dự (?-?) người xã Văn Lâm huyện Quảng Xương (nay thuộc địa phận xã Trường Lâm huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sát sứ Quảng Nam. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Lệnh Dự.

16. Vũ Hoán (?-?) người xã Hồng Khê huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Yên Nam huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Tham chính, tước nam.

17. Nguyễn Sằn (?-?) người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm (nay thuộc Yên Hòa quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Dịch Vọng (nay là phường Dịch Vọng quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông từ Bắc tìm vào Thanh Hóa dự khoa thi của triều Lê Trung hưng, nhưng đến nơi thì thi đã đến trường thứ ba. Ông xin vào thi, làm luôn 4 bài thi của 4 trường, được lấy trúng cách. Người đương thời gọi ông là "Tiến sĩ năm ngày'. Ông làm quan Tham chính, vinh phong Kiệt tiết công thần.

18. Nguyễn Đức (1497-?) người xã Nỗ Bạn huyện Thanh Trì (nay thuộc xã Liên Phương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình.

0