18/06/2018, 11:32

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa năm thứ 4 (1683)

Trời mở vận văn minh, đời có vua thánh trí. Kính nghĩ: Hy Tông Chương hoàng đế nối nghiệp thái bình, đức lớn sáng suốt, theo đạo vương để cầu sĩ, học đạo đế để cầu hiền. Thực nhờ Chiêu Tổ Khang vương 1 theo nếp nhà trung hậu, nắm giữ quốc chính, tổng quản binh quyền, lưu tâm chọn ...

Trời mở vận văn minh, đời có vua thánh trí.

Kính nghĩ: Hy Tông Chương hoàng đế nối nghiệp thái bình, đức lớn sáng suốt, theo đạo vương để cầu sĩ, học đạo đế để cầu hiền. Thực nhờ Chiêu Tổ Khang vương1 theo nếp nhà trung hậu, nắm giữ quốc chính, tổng quản binh quyền, lưu tâm chọn người tài giỏi. Mùa đông năm Quý Hợi thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Đặc sai Trung quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Thiếu phó Lộc Quận công Đinh Văn Tả làm Đề điệu, Bồi tụng Ngự sử đài Đô Ngự sử Hải Sơn tử Nguyễn Danh Thực làm Tri Cống cử, Bồi tụng Tả Thị lang Nhập thị Kinh diên Vĩnh Ngạn tử Nguyễn Công Vọng, Bồi tụng Hữu Thị lang Bộ Lại Nguyễn Viết Đương làm Giám thí, cùng các quan hữu ty chia giữ các việc.

Chiếu trên ban xuống, kẻ sĩ trong nước náo nức chiếm tên bảng vàng, hát thơ Lộc minh đến ứng thí tất cả đến 3.000 người. Qua trường bốn, lấy hạng trúng cách được 18 người. Bảng mực nhạt vừa mới treo lên thì năm cũ cũng vừa sắp hết. Đến ngày tháng Giêng năm Giáp Tý vào sân lớn làm bài đối sách, Hoàng thượng định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Nguyễn Đăng Đạo 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Nguyễn Đương Hồ đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Thiện Thuật 14 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền xướng danh, treo bảng đề tên ở nhà Quốc học. Được ban áo xanh đai mũ, yến Quỳnh hoa bạc, sự đãi ngộ ân sủng chẳng kém gì các khoa trước. Nhưng việc khắc đá đề danh chưa kịp cử hành, đó là vì các khoa từ năm Bính Thân tới nay vẫn chưa dựng bia là muốn đợi thời làm luôn một thể. Mở rộng công xưa, mở mang nếp cũ, ắt phải đợi đến ngày nay chăng?

Ôi! Nghĩ Hoàng thượng giữ gìn cơ đồ do tiên vương sáng nghiệp truyền lại, gánh trách nhiệm trị hóa của bậc làm vua làm thầy, uy nghi rạng tỏ, trau dồi đạo đức, tôn quý người hiền. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương]2 chăm lo dạy bảo, sáng suốt trau dồi, điểm tô quy chế trị bình, hoàn bị thể thức văn vật. Vừa rồi Thánh thượng đích thân đến yết lễ ở Quốc tử giám, xem hết các tấm bia cũ, cảm khái muốn hoàn thành điển lễ còn thiếu. Đặc ban chỉ dụ rằng những khoa Tiến sĩ lâu nay chưa dựng bia phải dựng thêm cho đủ. Bèn sai quan Bộ Công khắc đá, từ thần soạn bài ký.

Thần giữ chức biên soạn, không dám viện cớ vụng về nông cạn chối từ. Cung kính cúi đầu rập đầu mà dâng lời rằng:

Trời sinh hiền tài là muốn để dùng cho đời, bậc nhân quân trị nước điều cốt yếu cần rộng chọn hiền tài. Bởi vì hiền tài là khí dụng của quốc gia, khí dụng đủ thì điều khiển giao phó chẳng việc gì không được, chính sự không việc gì không làm nổi, mà cơ đồ không thể không vững chắc, thế đạo không thể không thịnh sáng vậy. Cho nên đời xưa trị nước, không gì gấp bằng cầu tìm hiền tài để tin giao công việc.

Kính nghĩ: Quốc triều thánh tổ thần tông sáng suốt kế thừa công tích các đời trước, lưu ý việc văn, dựng nhà học để dưỡng dục nhân tài, đặt khoa thi để kén chọn kẻ sĩ, noi theo lệ cũ, thể thức đủ đầy. Đăng khoa có sách, đề danh có bia, khen thưởng tôn sùng, lưu tâm Nho học thật đã hết mức vậy. Cho nên nhiều kẻ sĩ ra đời, nhân tài nối nhau xuất hiện làm rường cột cho nước nhà, mở cuộc thái bình cho đương thời, làm rạng rỡ đời xưa, mở đường cho đời sau khỏi thiếu sót.

Kính trông: Hoàng thượng nối chí cầu hiền, công xưa thêm đẹp, bồi đắp mệnh mạch tư văn, tô điểm quy mô của một thời, sai dựng bia đá theo đúng lệ xưa, thật là việc lớn của đời thịnh vậy.

Hãy nói về khoa này, những người đỗ đạt bước chân vào đường sĩ hoạn, việc trong việc ngoài bao lần thay đổi, vất vả lo toan việc nước nhà, công lao nhiều ít đại khái đã thấy rõ. Nhưng bấm đốt ngón tay đếm lại, sau ba thập kỷ, tại chức chỉ còn một người, lên hàng quốc lão một người, làm quan ở Ngự sử đài hai người, những người khác cũng từng được đeo đai đại thần của các triều. Đó là chỉ kể các vị đỗ thứ nhất, thứ ba, thứ tư và vị trưởng khoa3, số còn lại đã cưỡi sao Cơ về trời, hồng bay mất dấu, thành người thiên cổ cả rồi, không còn nói gì được nữa. Nhưng những người hiện đang được triều nay trọng dụng há không nhớ ơn lựa chọn của tiên vương, cảm nghĩ sự biểu dương ngày nay mà cẩn thận bước đường về sau, mỗi ngày một tiến để khỏi hổ thẹn với khoa danh sao? Thảng hoặc không được như thế, chỉ nặng nghĩ lo riêng cho mình mà nhẹ lòng vì việc nước, cầu may cho được chu toàn, thích xu nịnh, né tránh việc mất lòng, ắt không tránh khỏi công luận mai sau, há chẳng đáng sợ hay sao?

Như thế đủ biết thánh triều đặt ra định chế dựng bia là để nêu tỏ việc đã qua, gửi gắm khuyên răn đời sau, chứ không phải bày đặt phù phiếm đâu! Những ai đọc bia này đều nên suy nghĩ cho thấu đáo.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Kiều4 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày mồng 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh 13 (1717), Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

NGUYỄN ĐĂNG ĐẠO 阮登道5 người xã Hoài Bão huyện Tiên Du.

PHẠM QUANG TRẠCH 范光宅6 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm

QUÁCH GIAI 郭佳7 người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

NGUYỄN ĐƯƠNG HỒ 阮當湖8 người xã Dương Húc huyện Tiên Du.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 14 người:

TRẦN THIỆN THUẬT 陳善述9 người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm.

LÊ ĐĂNG PHỤ 黎登輔10 người hương Biện Thượng huyện Vĩnh Phúc.

HOA CÔNG PHƯƠNG 華公芳11 người xã An Dân huyện Đông Yên.

ĐỖ CÔNG TOẢN 杜公纘12 người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm.

TRẦN PHỤ DỰC 陳附翼13 người xã Bảo Triện huyện Gia Định.

TRỊNH ĐỨC VẬN 鄭德運14 người xã Đại Mão huyện Siêu Loại.

TRẦN TIẾN GIÁN 陳進諫15 người Triền Dương huyện Chí Linh.

DƯƠNG CÔNG ĐỘ 楊公度16 người xã Nhị Khê huyện Thượng Phúc.

ĐÀO TUẤN NGẠN 陶俊彥17 người xã Ngọc Cục huyện Đường An.

PHÍ QUỐC THỂ 費國体18 người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc.

NGUYỄN THỦ XỨNG 阮首稱19 người xã Hương Trai huyện Hương Sơn.

TẠ ĐĂNG VỌNG 謝登望20 người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng.

NGUYỄN LONG BẢNG 阮龍榜21 người xã Chân Hộ huyện Yên Phong.

NGUYỄN ĐÌNH BÁCH 阮廷柏22 người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì.

Thị nội Thư tả Thủy binh phiên Tướng sĩ lang Phó sở sứ người xã Phú Thị huyện Gia Lâm là Ngô Bảo vâng viết chữ (chân).

Kim quan môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Tự thừa, Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.

Chú thích:

1. Miếu hiệu của Trịnh Căn (1709).

2. Tước phong của Trịnh Cương năm 1714.

3. Trưởng khoa: người nhiều tuổi nhất trong số người đỗ đồng khoa.

4. Nguyễn Kiều: Xem chú thích 1, Bia số 44.

5. Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719) người xã Hoài Bão huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Nguyễn Đăng Minh, em Nguyễn Đăng Tuân. Ông giữ các chức quan, như Đô Ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Thọ Lâm tử, sau thăng Thượng thư Bộ Binh, Tham tụng kiêm Đông các Đại học sĩ, tước bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) thương lượng về việc đòi lại 3 động là Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc huyện Vị Xuyên xứ Tuyên Quang. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lại, tước Thọ Quận công. Sau ông đổi tên là Nguyễn Đăng Liên.

6. Phạm Quang Trạch (1653-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay là xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông là cha Phạm Quang Ninh, làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước nam. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang, tước tử.

7. Quách Giai (1660-?) người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Khê huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thái thường Tự khanh.

8. Nguyễn Đương Hồ (1657-1740) người xã Dương Húc huyện Tiên Du (nay thuộc xã Đại Đồng huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, Thiếu bảo, tước Phúc Quận công.

9. Trần Thiện Thuật (1659-?) người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm (nay là xã Bát Tràng huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hiến sứ. Bị giáng truất xuống Giám sát Ngự sử.

10. Lê Đăng Phụ (1662-1731) người hương Biện Thượng huyện Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sứ.

11. Hoa Công Phương (1651-?) người xã An Dân huyện Đông Yên (nay thuộc xã Tân Dân huyện Châu Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hiến sứ.

12. Đỗ Công Toản (1626-?) người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm (nay thuộc Yên Hoà quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông là con của Đỗ Văn Tổng và là em Đỗ Văn Luân. Ông làm quan Hiến sát sứ. Có tài liệu ghi là Đỗ Công Toản

13. Trần Phụ Dực (1655-?) người xã Bảo Triện huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông là cha của Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm và là ông nội của Trần Danh Án. Ông làm quan Tham chính Lạng Sơn.

14. Trịnh Đức Vận (1646-?) người xã Đại Mão huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Tri huyện, sau làm quan Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương, rồi bị bãi chức. Có tài liệu ghi là Trịnh Đức Liên

15. Trần Tiến Gián (1660-?) người xã Triền Dương huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lễ, tước tử và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công, tước hầu.

16. Dương Công Độ (1640-?) người xã Nhị Khê huyện Thượng Phúc (nay là xã Nhị Khê huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan quyền Tham chính.

17. Đào Tuấn Ngạn (1639-1718) người xã Ngọc Cục huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính, Thái trường Tự khanh, tước nam.

18. Phí Quốc Thể (1652-?) người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Tứ Trưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

19. Nguyễn Thủ Xứng (1442-?) người xã Hương Trai huyện Hương Sơn (nay thuộc huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Nguyễn Văn Lễ, làm quan Hiến sát sứ.

20. Tạ Đăng Vọng (1644-?) người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông là cha của Tạ Đăng Huân và là ông nội Tạ Đăng Thọ. Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

21. Nguyễn Long Bảng (1652-?) người xã Chân Hộ huyện Yên Phong (nay thuộc xã Dũng Liệt huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Quốc tử giám Tư nghiệp.

22. Nguyễn Đình Bách (1659-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông là con của Nguyễn Đình Trụ và là anh Nguyễn Đình Ức. Ông làm quan quyền Tham chính.

0