Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 8 (1712)
Năm Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8, mùa xuân, tháng 3 tuân theo thành pháp, mở khoa đại tỉ. Đặc sai Đề điệu là Thiếu phó Đông Quận công Trịnh Hoàn, Tri Cống cử là Tham tụng Hình bộ Thượng thư Khánh Sơn bá Nguyễn Thế Bá, Giám thí là Bồi tụng Lại bộ Tả Thị lang Nhập thị Kinh diên Nhân ...
Năm Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8, mùa xuân, tháng 3 tuân theo thành pháp, mở khoa đại tỉ. Đặc sai Đề điệu là Thiếu phó Đông Quận công Trịnh Hoàn, Tri Cống cử là Tham tụng Hình bộ Thượng thư Khánh Sơn bá Nguyễn Thế Bá, Giám thí là Bồi tụng Lại bộ Tả Thị lang Nhập thị Kinh diên Nhân Thọ tử Nguyễn Đương Bao và Bồi tụng Công bộ Tả Thị lang Đồng Lĩnh tử Nguyễn Danh Dự cùng chấp sự các ty chia giữ các việc.
Số người dự thi đến hơn 2.000 người, lựa chọn hạng xuất sắc được 17 người.
Ngày 5 tháng 6, Hoàng thượng đích thân xét thi, định thứ tự cao thấp. Ban cho một người là Nguyễn Duy Đôn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Từ Bá Cơ 16 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sân rồng xướng tên, bảng vàng vinh yết. Ban áo xanh, mũ, đai để được đẹp thân, cho dự yến Quỳnh hoa bạc để tỏ ý hậu đãi. Ơn vinh đãi ngộ đủ sáng tỏ thịnh ý tôn Nho, khắc đá đề danh lại càng muốn nêu cao quy chế tốt đẹp của các triều trước. Đặc sai Bộ Công đẽo đá, từ thần soạn bài ký.
Thần kính vâng lời ngọc, khôn xiết vui mừng, kính cẩn dâng lời rằng:
Phép tuyển cử đã có lâu đời. Từ đời Chu đặt lễ Tân hưng thì Ba kinh1 học trò đông đảo càng thêm đẹp. Khoa Tiến sĩ thịnh hành ở đời Đường, thì hiền tài vào cuộc để lại tiếng tốt muôn đời. Về sau, các đời kế tiếp coi khoa cử là việc trọng đại mà anh hùng hào kiệt cũng do đường đó mà tiến lên. Hiệu quả sự chọn lựa thu dùng nhân tài đại khái có thể hình dung ra được.
Nay Quốc triều ta, cơ đồ trời Nam đang lúc đúng ngọ, văn vận sao Khuê đang mở ra. Thánh tổ thần tông tuân theo qui củ, khôi phục đạo trị, phát dương mưu lược lớn lao, cổ vũ nhân tài, rộng tìm tài tuấn, giao phó cho giữ các chức việc giúp đời nuôi dân, để bồi đắp cơ đồ vững chắc. Phàm những người đăng khoa bản thân đều được vẻ vang tôn quý. Đăng khoa có sách, đề danh khắc đá có bia, là cốt để ngợi khen khích lệ, lễ nghi văn vật thật là đầy đủ. Vì thế cho nên đạo thống sáng tỏ như mặt trời ngày tạnh, anh tài hội tụ như mây họp, đời nối an lạc trị bình, muôn vạn năm mãi mãi không gì thay thế được.
Kính nay: Hoàng thượng bệ hạ tô điểm sự nghiệp tổ tiên, khuôn lo cho nền giáo hóa lớn, nhọc công tìm kiếm dật sĩ 2 giao phó công việc để bậc nhân quân được khoanh tay rũ áo ngước nhìn thành tựu. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương]3 trong thống suất trăm quan, ngoài điều hòa bốn bể, dùng hiền tài để chăm sửa việc trị, chung đức siêng lo, chỉnh lý muôn việc. Đây chính là lúc nhân tài nối nhau tiến lên như hào sơ cửu quẻ Thái, bằng hữu như hào cửu ngũ quẻ Dự4 cùng đến giúp vào, chính sự như đời Chu tốt đẹp rỡ ràng, lễ văn như nhà Chu đủ đầy mọi vẻ, chính là lúc thịnh hội của sự văn minh vậy.
Lại đặc biệt muốn phô trương sự tốt đẹp lớn lao hiếm thấy, bèn ra lệnh khắc bia cho những khoa từ năm Bính Thân tới nay mà trước chưa dựng để truyền tới lâu dài. Lệnh vua ban xuống, mạch đạo thêm xuân, khác nào đức nhân trong thơ Vực phốc, giáo hóa trong thơ Tinh nga, dẫu thế đại khác nhau, mà công dụng cũng giống nhau vậy.
Kẻ sĩ sinh ở đời, may mắn được đăng tên lên tấm đá này há chẳng vinh hạnh lắm sao? Cho nên phải nên noi theo chính đạo để giữ chính thân tâm, suy cứu học thuật để kinh bang tế thế, để nước nhà có chỗ dựa cậy như nhà Chu có cây cột vững, càng có nhiều hiền tài, nước nhà càng yên vững, như dân đất Bái đất Thương nhuần thấm mưa rào, khiến cho thiên hạ đời sau nhón chân ngưỡng mộ tiếng tăm rực rệt của mình, làm vẻ vang cho hàng ngũ nhân tài, ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình khen thưởng, dưới không phụ hoài bão phò vua giúp dân, như thế thì những dòng khắc ghi trên bia đá này chẳng bao giờ mờ mòn. Thảng hoặc có kẻ đạo đức quanh co, co kéo cho bản thân mình, cái người ta thấy không giống như cái người ta nghe, việc làm trái với sở học, thì chẳng những hổ thẹn với mũ áo của người làm quan mà cũng không khỏi bị người đời sau chê cười, người ta sẽ chỉ vào chữ khắc họ tên mà coi như vết nhơ trên bia đá.
Đủ biết bia đá này dựng lên có quan hệ đến thế đạo, có tác dụng rèn giũa nhân tâm, ngụ ý khuyên răn thưởng phạt, cổ vũ sĩ khí, theo câu ca đẽo ngọc mài vàng5; bồi đắp mệnh mạch tư văn lâu dài như trời đất, giữ cơ đồ đất nước vững yên như Thái Sơn bàn thạch, há chẳng phải là nguồn gốc đoan chính công dụng lớn lao hay sao? Những ai xem đọc bia này nên hiểu ngụ ý sâu xa đó.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Cẩn sự Tá lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Kiều6 vâng sắc soạn.
Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày mùng 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân1 người:
NGUYỄN DUY ĐÔN阮惟敦7 người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 16 người:
TỪ BÁ CƠ 徐伯璣8 người xã Phương Quế huyện Thượng Phúc.
NGUYỄN TRÍ VỊ 阮致位9 người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng.
LƯU THÀNH 劉成10 người xã Vĩnh Trị huyện Hoằng Hóa.
NGUYỄN CƠ 阮璣11 người xã Thụy Hoà huyện Kim Hoa.
NGUYỄN BẬT LUÂN 阮弼掄12 người xã Trát Cầu huyện Yên Khang.
NGUYỄN TRỌNG THƯỜNG阮仲常13 người xã Trung Cần huyện Thanh Chương.
VŨ ĐÌNH ÂN 武廷恩14 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.
ĐINH PHỤ ÍCH 丁輔益15 người xã Bình Trù huyện Siêu Loại.
NGUYỄN QUÁN GIAI 阮冠階16 người xã Yên Tân huyện Gia Phúc.
DƯƠNG LỆ 楊濿17 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm.
TẦN LÊ THOAN 秦黎逡18 người xã Phi Cảo huyện La Sơn.
ĐỒNG CÔNG VIỆN 同公瑗19 người xã Hải Lãng huyện Đại An.
VŨ HUYÊN 武暄20 người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương.
NGUYỄN LÂN 阮鄰21 người xã Vân Điềm huyện Đông Ngàn.
HOÀNG CÔNG LẠC 黃公樂22 người xã Đô Mỹ huyện Thần Khê.
VŨ HUY 武暉23 người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương.
Trung thư giám Hoa văn học sinh người xã Bồ Dương huyện Vĩnh Lại là Phạm Đăng Trù vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).
Chú thích:
1. Ba kinh : Hàn Dũ đời Đường nói "Thi chính nhi ba Kinh Thi đúng đắn mà đẹp" (Hàn Dũ, Tiến học giải). Sau dùng Ba kinh để chỉ Kinh Thi (ba có nghĩa là đẹp).
2. Nguyên văn: “Dật nhậm”, nghĩa là cầu tìm những người có tài năng nhưng còn ẩn dật để giao phó công việc.
3. Tước phong của Trịnh Cương năm 1714.
4. Kinh Dịch, quẻ Dự: “Do dự, đại hữu đắc, vật nghi bằng cái trâm” Do dự, có thu hoạch lớn, chớ hoài nghi thì bạn bè mau chóng kéo tới giúp. (Hào Cửu tứ quẻ Dự).
5. Nhắc câu trong Kinh Thi (Đại nhã, Vực phốc): “Đôi trác kỳ chương, kim ngọc kỳ tương”(Mài đẽo giỏi giang, vàng ngọc sáng choang).
6. Nguyễn Kiều: Xem chú thích 1, Bia số 44.
7. Nguyễn Duy Đôn (1679-?) người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh (nay thuộc xã Cao Thành huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Binh. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công, tước hầu.
8. Từ Bá Cơ (1683-?) người xã Phương Quế huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Liên Phương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông là anh của Từ Trọng Đĩnh và làm quan Quốc tử giám Tư nghiệp, Thự Tham chính.
9. Nguyễn Trí Vị (1670-1744) người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng (nay là xã Sơn Đồng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm Thừa chỉ.
10. Lưu Thành (1665-?) người xã Vĩnh Trị huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Đông các Hiệu thư.
11. Nguyễn Cơ (1678-?) người xã Thụy Hà huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Bắc Hồng huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tự khanh.
12. Nguyễn Bật Luân (1678-?) người xã Trát Cầu huyện Yên Khang (nay thuộc huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình). Ông làm quan Hiến sát sứ.
13. Nguyễn Trọng Thường (1681-1735) người xã Trung Cần huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Nam Trung huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông là cha của Nguyễn Trọng Đương. Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lại, được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) và bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Lại, tước Quận công.
14. Vũ Đình Ân (1680-1747) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là con Vũ Đình Thiều và giữ các chức quan, như Đốc xuất xứ Tuyên Quang, Đông các Hiệu thư, Hữu Thị lang, Hiệp thị Bồi tụng, Thượng thư Bộ Lễ. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái bảo.
15. Đinh Phụ Ích (1673-?) người xã Bình Trù huyện Siêu Loại (nay là thuộc xã Dương Quang huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước Trù Quận công và được cử đi sứ (năm 1705) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Nhưng bị giáng xuống làm Tả Thị lang Bộ Hình. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Công.
16. Nguyễn Quán Giai (1679-?) người xã Yên Tân huyện Gia Phúc (nay thuộc xã Gia Tân huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Dụ đức. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang, tước bá.
17. Dương Lệ (1687-1761) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay là xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Công. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, tước hầu.
18. Tần Lê Thoan (1691-?) người xã Phi Cảo huyện La Sơn (nay là xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Lại khoa Cấp sự trung. Sau khi mất, ông được tặng chức Tham chính.
19. Đồng Công Viện (?-?) người xã Hải Lãng huyện Đại An (nay thuộc huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
20. Vũ Huyên (1670-?) người xã Đan Luân huyện Đường An (thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Ông là em của Vũ Thạnh và làm quan Đông các Hiệu thư.
21. Nguyễn Lân (1681-?) người xã Vân Điềm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử.
22. Hoàng Công Lạc (1689-?) người xã Đô Nghĩa huyện Thần Khê (nay thuộc xã Tây Đô huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hiến sát sứ. Sau bị bãi chức.
23. Vũ Huy (1686-?) người xã Đan Luân huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú quán ở phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Ông là con của Vụ Thạnh và là cháu họ Vũ Huyên). Ông làm quan Hữu Thị lang, được cử đi sứ và bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Hình.