18/06/2018, 11:34

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 15 (1754)

Mừng nay cơ đồ lớn lao vững chắc như bàn thạch, văn trị hưng thịnh tựa nhím tủa lông 1 . Kính vâng: Hoàng thượng kế thừa nghiệp lớn, coi trọng giáo hoá đạo Nho. Thực nhờ [ Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương ] bốn phương phô trình mệnh nhà Hạ, trải phen mở ...

Mừng nay cơ đồ lớn lao vững chắc như bàn thạch, văn trị hưng thịnh tựa nhím tủa lông1.

Kính vâng: Hoàng thượng kế thừa nghiệp lớn, coi trọng giáo hoá đạo Nho. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] bốn phương phô trình mệnh nhà Hạ, trải phen mở cửa thành Ngu. Mùa xuân tháng 3 năm Giáp Tuất, chuẩn lời tâu của Bộ Lễ xin mở khoa thi Hội. Đặc sai hậu trung quân doanh Phó tướng Hữu Hiệu điểm Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Tuyên lực công thần Bồi tụng Binh bộ Thượng thư trí sĩ phục dụng Nhuệ Xuyên hầu Ngô Đình Oánh làm Tri Cống cử, Nhập thị Bồi tụng Công bộ Tả Thị lang Bảo Lĩnh hầu Trần Danh Ninh, Nhập thị Bồi tụng Chính thủ Hiệu dực cơ nghị quan Hình bộ Hữu Thị lang hành Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Xuân Lĩnh hầu Nguyễn Nghiễm làm Giám thí. Qua trường bốn lấy trúng cách được bọn Phan Cận 8 người. Qua tháng sau Điện thí, ban cho bọn Nguyễn Tông Trình đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Lại sai khắc tên vào đá để lưu truyền mãi mãi.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

NGUYỄN TÔNG TRÌNH 阮宗珵2 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai, Nho sinh trúng thức.

DƯƠNG TRỌNG KHIÊM 楊仲謙3 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm, Nho sinh trúng thức.

DƯƠNG SỬ 4 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm, Nho sinh trúng thức.

PHAN CẬN 5 người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc, Nho sinh trúng thức.

VŨ HUY ĐĨNH 武輝珽6 người xã Mộ Trạch huyện Đường An, Giám sinh.

NGUYỄN BÁ TRỮ 阮伯7 người phường Đồng Lạc huyện Thọ Xương, trú quán xã Linh Đường huyện Thanh Trì, Giám sinh.

NGUYỄN ĐIỀU HUYỄN 阮調鉉8 người xã Thu Lãng huyện Cẩm Giàng, Giám sinh.

NGUYỄN THƯỞNG 阮賞9 người xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, Nho sinh trúng thức.

Bia dựng tháng trọng hạ (tháng 6) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 (1756) Hoàng Lê.

Tiến sĩ cập đệ khoa Nhâm Thân, Thiêm sai phủ liêu Tri Thị nội Thư tả Binh phiên Hàn lâm viện Thị thư kiêm Quốc sử viện Toản tu Lê Quý Đôn10vâng sắc soạn.

Nhập thị Tham tụng phụng thị ngũ lão, Suy trung Dực vận công thần Thượng thư Bộ Hộ, thiếu phó trí sĩ khởi phục Kiều Quận công Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.

Chú thích:

1. Nguyên văn “vị hưng văn trị” (vị là con nhím), lấy hình ảnh con nhím dựng lông để hình dung sự hưng khởi gần như tức thời (ở đây ví với sự hưng khởi của nền văn trị).

2. Nguyễn Tông Trình (1723-?) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, Phó Đốc thị Nghệ An.

3. Dương Trọng Khiêm (1727-1787) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm Hiệu lý, Thiêm đô Ngự sử. Sau ông đổi tên là Dương Trọng Tế.

4. Dương Sử (1716-1779) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan chức Đại lý Tự khanh, Thự Tham chính xứ Sơn Tây. Sau khi mất, ông được tặng hàm Đông các Đại học sĩ, tước Gia Phái bá.

5. Phan Cận (1733-1800) hiệu Thận Trai , người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông là cha của Phan Huy Ích và giữ các chức quan, như Nhập thị Bồi tụng, Hữu Thị lang Bộ Công, Thự Binh thị kiêm Quốc tử giám Giảng quan, Tả Thị lang Bộ Lễ kiêm Quốc sử tổng tài. Sau ông đổi tên là Phan Huy Áng. Có tài liệu ghi ông là Phan Huy Cận.

6. Vũ Huy Đĩnh (1730-1789) hiệu Di Hiên và tự Ôn Kỳ, người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa chính sứ, Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Hồng Trạch hầu và từng được cử đi sứ.

7. Nguyễn Bá Trữ (1713-1774) người phường Đồng Lạc huyện Thọ Xương (nay là phường Hàng Vải quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Linh Đường huyện Thanh Trì (nay thuộc Hoằng Liệt quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Bá Thủ.

8. Nguyễn Điều Huyễn (1727-?) người xã Thu Lãng huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Ngọc Liên huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Cấp sự trung, Giám khảo trường thi Sơn Nam. Có tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Diệu Huyễn.

9. Nguyễn Thưởng (1727-?) người xã Vân Điềm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thị giảng, Hữu Thị lang Bộ Binh, Đốc thị đạo Thuận Quảng, tước Khánh Xuyên hầu.

10. Lê Quý Đôn: Xem chú thích 3, Bài số 72.

0