Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Canh Dần niên hiệu Khánh Đức năm thứ 2 (1650)
Hoàng thượng lần thứ hai lên ngôi báu 1 đã được 2 năm, năm Canh Dần mùa đông thi Hội các sĩ nhân trong nước. Quan hữu ty chọn hạng ưu tú tất cả được 8 người. Đến ngày 12 tháng chạp, Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách ở sân triều, hỏi về đạo lý làm chính sự. Đặc sai quan Đề điệu ...
Hoàng thượng lần thứ hai lên ngôi báu1 đã được 2 năm, năm Canh Dần mùa đông thi Hội các sĩ nhân trong nước. Quan hữu ty chọn hạng ưu tú tất cả được 8 người.
Đến ngày 12 tháng chạp, Hoàng thượng đích thân ra đề thi văn sách ở sân triều, hỏi về đạo lý làm chính sự. Đặc sai quan Đề điệu là Thiếu phó Bỉnh Quận công Trịnh Khuê, Tri Cống cử là Lễ bộ Thượng thư Tri Kinh diên sự Thiếu bảo Dương Quận công Nguyễn Nghi, Giám thí là Lại bộ Tả Thị lang Mỹ Thọ hầu Nguyễn Quang Minh, Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Diễn Thọ bá Lê Kính chia giữ các việc.
Sáng hôm sau dâng quyển tiến đọc, Hoàng thượng đích thân ngự lãm, định thứ bậc cao thấp. Ban cho Tham tụng một người đỗ Tiến sĩ cập đệ, Nguyễn Văn Lễ một người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trịnh Cao Đệ, Phan Hưng Tạo 6 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.
Ngày hôm đó, Hoàng thượng ra ngự ở cửa điện Kính Thiên dự lễ xướng danh, trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo trước cửa nhà Quốc học, sĩ tử cùng người dân trong nước kéo nhau tới xem, đều bảo khoa Tiến sĩ thứ nhất đời Khánh Đức chọn được nhân tài rất nhiều, thật là vận hội tốt đẹp đời nay vậy. Tiếp đó ban cấp ân điển để có chức hàm vẻ vang, ban phẩm phục để ăn mặc đẹp đẽ; ban dự yến Quỳnh Lâm để nêu việc tốt của Nho khoa, cho vinh quy về làng để sáng tỏ sự tốt lành của thời đại thánh triều. Nghi thức ban thưởng nhất nhất theo lệ đều cử hành, lễ đãi hiền thật rất đầy đủ vậy. Đến nay lại theo lệ cũ, sai khắc đá đề danh, đặc sai các từ thần chia soạn bài văn bài ký.
Thần ngu dốt quê mùa, không đủ nêu cao sự tốt lành, phô bày vẻ đẹp lớn lao, nhưng đã tuân vâng thánh ý sáng suốt, há dám không cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Thần trộm nghĩ: Văn vận tốt lành thì bậc chân Nho xuất hiện, bậc chân Nho được tin dùng thì thế đạo hanh thông. Cho nên khắp chốn đồng quê không sót người hiền tài, nhà Ngu sáng thịnh thì trong nước nhiều người có học, nhà Chu đạt đến mức an trị thái bình. Xuống đến các đời Hán, Đường, Tống, các vua có tiếng là minh quân đời trị chưa có vị nào không coi việc trọng Nho kén học trò là việc trước nhất.
Kính nghĩ: Thánh triều Thái Tổ Cao hoàng đế dùng võ công dẹp yên thiên hạ, bắt đầu dựng nhà học, nuôi dưỡng tác thành nhân tài, Nho phong nhờ đó chấn hưng. Liệt thánh hoàng đế lấy văn đức đưa đến cuộc thái bình, mở nhiều khoa thi, rộng tìm nhân tài tuấn tú, hàng Nho sĩ nhờ đó mà được khởi phát. Thời bấy giờ khoa mục như lưới rộng thu nạp nhân tài, bậc chân Nho nối nhau xuất hiện, vì thế mà thu được hiệu quả thiên hạ trị bình, nước nhà được vững yên vĩnh viễn, chính là nhờ ở việc này.
Vừa rồi không may gặp việc Đăng Dung tiếm vị, may sao trời mở vận trung hưng, chính là một cơ hội rất tốt. Trang Tông Dụ hoàng đế, Trung Tông Vũ hoàng đế, Anh Tông Tuấn hoàng đế ban bố ân đức, thi thố mưu lược, rèn chí dẹp loạn. Đều là nhờ có Thế Tổ Minh Khang thái vương phò giúp thánh công, thu phục cơ nghiệp lớn lao, bèn mở hai lần thi Chế khoa, chọn được nhiều hiền sĩ để chung lo việc nước.
Thế Tông Nghị hoàng đế kế thừa đại thống, tái tạo càn khôn. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương hết sức phò tá, ngay từ khi còn gian nan nơi rừng núi đã mở 5 khoa thi Tiến sĩ Chế khoa để thu góp anh hùng; đến khi khôi phục kinh đô, lại đặt 2 khoa thi Tiến sĩ để chiêu vời Nho sĩ.
Kính Tông Huệ hoàng đế nối giữ cơ đồ lớn lao, làm sáng lại hai vầng nhật nguyệt, cũng nhờ sức giúp đỡ của Thành Tổ Triết vương. Bấy giờ mở cả thảy 7 khoa thi Tiến sĩ, rộng cầu hiền tài chung lo trị nước, coi đó là kế sách lâu dài.
Kính nghĩ: Hoàng thượng đang ở thời sáng thịnh vui mừng, giữ chính thống thánh nối thần truyền, từ khi lần đầu lên ngôi báu tới nay luôn luôn lo nghĩ trị nước, lưu tâm trọng Nho. Khoa Tiến sĩ là phép thi đã có từ rất lâu đời, mà các bậc công khanh đại phu phần nhiều đều xuất thân từ con đường đó. Triều ta được nhiều nhân tài có phần hơn các đời trước, thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] giữ yên xã tắc, dựng sẵn quy mô. Chuyên uỷ cho [Tiết chế Tả tướng Thái uý Tây quốc công] nắm giữ mọi việc, tuyển dùng Nho sĩ. Những người thi đỗ đều được đãi ngộ long trọng, ơn vinh được ban hưởng rất mực trọng hậu. Lại cho khắc họ tên lên bia đá để mãi mãi lưu truyền.
Kẻ sĩ sinh ra ở đời nay thực vinh hạnh biết bao! Vậy phải lo lau chùi mài sáng, trau dồi tiết hạnh để cho đức nghiệp của mình được lâu dài. Phải dùi mài văn chương cho được hay đẹp hồn thuần để giúp vua cho bằng vua Nghiêu Thuấn, để giúp dân khiến dân được như dân đời Nghiêu Thuấn. Như thế mới làm cho khoa thi này được vẻ vang mà công danh sự nghiệp cũng được nghìn năm vang dội, việc tạc đá khắc bia lần này cũng mãi mãi trở thành bất hủ vậy.
Giả sử trước sau sai lệch, ngoài ngọc trong đá, thì người thiện kẻ bất thiện, người trung kẻ tà rành rành, được mất đúng sai phân rõ, tì vết không sao che nổi. Thiên hạ đời sau sẽ chỉ tên mà bàn tán, há chẳng nên tự lấy làm răn ư?
Như thế thì bia đá này dựng lên, chính là trụ đá của nền danh giáo, là nền tảng của cương thường; người nhìn vào đó thì có cái chuẩn đích, người đọc vào đó thì tự thấy ý khuyên răn. Nó sẽ làm cho văn phong nước nhà càng thêm chấn hưng, mệnh mạch quốc gia càng trường cửu mà nền móng muôn nghìn năm vô cùng quyết không thể lung lay được.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.
Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Đình Chính2 vâng sắc soạn.
Trung thư giám Hoa văn học sinh Nguyễn Cán, người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa vâng sắc viết chữ (chân).
Bia dựng ngày16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh:
KHƯƠNG THẾ HIỀN 姜世賢3 người xã Bình Lãng huyện Tứ Kỳ.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
NGUYỄN VĂN LỄ 阮文澧4 người xã Dương Trai huyện Hương Sơn.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 6 người:
TRỊNH CAO ĐỆ 鄭高第5 người xã Vãn Hà huyện Thụy Nguyên.
TRỊNH THẾ TẾ 鄭世濟6 người xã Nhật Cảo huyện Lôi Dương.
NGUYỄN VĂN THỌ 阮文壽7 người xã An Nhân huyện Tứ Kỳ.
NGUYỄN HY TÁI 阮熙載8 người xã Chi Nê huyện Chương Đức.
NGUYỄN CHIÊM 阮詹9 người xã Cẩm Chương huyện Đông Ngàn.
PHAN HƯNG TẠO 潘興造10 người xã Bình Lãng Thượng huyện Thiên Lộc.
Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thái hàm Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng sắc viết chữ triện.
Chú thích:
1. Nguyên văn: “Phục đăng tôn vị”, vua Lê Thần Tông hai lần lên ngôi, lần đầu năm 1619, đến năm 1643 nhường ngôi cho Chân Tông; Chân Tông mất sớm, Thần Tông lại lên ngôi lần thứ hai (1649).
2. Nguyễn Đình Chính: Xem chú thích 13, Bia số 39.
3. Khương Thế Hiền: Xem chú thích 4, Bia số 18.
4. Nguyễn Văn Lễ (1605-?) người xã Dương Trai huyện Hương Sơn (nay thuộc huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh). Ông là cha của Nguyễn Thủ Xứng. Ông giữ các chức quan, như Quang lộc tự khanh, Thiêm Đô Ngự sử, Tả Thị lang Bộ Hình, Đô Ngự sử, sau vì để đọng nhiều việc kiện tụng quá kỳ hạn không xét xử nên bị giáng xuống Viên ngoại lang, rồi lại được thăng Tả Thị lang Bộ Hộ và được phong tước tử. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công, tước bá.
5. Trịnh Cao Đệ (1630-1706) người xã Vãn Hà huyện Thụy Nguyên (nay thuộc huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tự khanh, tước tử. Sau đổi ông tên là Trịnh Đăng Đệ. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang.
6. Trịnh Thế Tế (1621-1668) người xã Nhật Cảo huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Thọ Dân huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tự khanh, tước nam, được cử làm Phó sứ (năm 1668) sang nhà Thanh (Trung Quốc) và mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Công, tước tử. Có tài liệu ghi ông là Trịnh Thì Tế.
7. Nguyễn Văn Thọ (1610-?) người xã An Nhân huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Đồng Kỳ huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sát.
8. Nguyễn Hy Tái (?-?) người xã Chi Nê huyện Chương Đức (nay thuộc xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tham chính tước bá. Sau ông đổi họ tên là Nguyễn Kế.
9. Nguyễn Chiêm (1599-?) người xã Cẩm Chương huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Tham chính, tước Cẩm Đường nam.
10. Phan Hưng Tạo (1606-?) người xã Bình Lãng huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Đức Thuận huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi thi đỗ đổi tên là Phan Hưng Vận. Ông giữ các chức quan, như Thái bộc Tự khanh, Đốc thị. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang, tước Quận công.