Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái năm thứ 8 (1727)
Khắc đá đề danh người đỗ khoa thi Tiến sĩ là quy chế tốt đẹp tác thành nhân tài của thánh triều ta. Kính nghĩ: Dụ Tông Hòa hoàng đế kế thừa ngôi báu, nắm thời vận đủ đầy. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] 1 hết sức mưu tính việc trị nước, lưu tâm tuyển chọn ...
Khắc đá đề danh người đỗ khoa thi Tiến sĩ là quy chế tốt đẹp tác thành nhân tài của thánh triều ta.
Kính nghĩ: Dụ Tông Hòa hoàng đế kế thừa ngôi báu, nắm thời vận đủ đầy. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương]1 hết sức mưu tính việc trị nước, lưu tâm tuyển chọn người hiền. Mùa xuân tháng 3 năm Đinh Mùi, thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Sai Đô đốc đồng Tri Phó tướng Bảo Quận công Trịnh Khôi làm Đề điệu, Bồi tụng Lại bộ Tả Thị lang Lỵ Quận công Trương Công Giai quyền Tri Cống cử, Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang Lại Trạch hầu Phạm Đình Kính, Hình bộ Hữu Thị lang Tín Trạch bá Nguyễn Trung Quán làm Giám thí, cùng các viên Khảo thí, Tuần xước và các ty trong ngoài chia giữ các việc.
Khi ấy số sĩ tử dự thi đông tới 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc là bọn Đặng Công Diễn 10 người.
Tháng 5 mùa hạ ngày 26, gọi vào Điện thí. Ban cho Nguyễn Thế Lập đỗ Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh, bọn Nguyễn Đức Vĩ 9 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngày 30, quan Hồng lô xướng tên, Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Thái học. Lại ban cho mũ áo cân đai, yến Quỳnh hoa bạc. Ơn vinh theo thứ bậc, nhất nhất đều theo lệ xưa, xếp đặt nắm giữ các chức, tùy tài sử dụng. Việc dưỡng dục khen thưởng nhân tài thật đã hết mức.
Đến nay, Hoàng thượng bệ hạ vẻ vang kế thừa mệnh lớn, nối giữ hồng đồ. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương]2 nắm giữ quyền lớn, chỉnh đốn điều hòa mọi việc, mở mang chế độ văn minh, theo điển lệ tốt đẹp, xuống chỉ khắc đá đề danh dựng ở nhà Quốc học, sai bọn thần viết bài ký ghi lại sự việc.
Bọn thần trộm nghĩ: Đề họ tên lên cờ lệnh, khắc vào chuông đỉnh, ghi vào sách đồng chữ đỏ là cách các bậc đế vương xưa đãi ngộ bề tôi. Chẳng phải cách ấy chưa hết mức, nhưng đó chỉ là đối với những bậc có chiến công mà thôi. Còn đối với việc tuyển chọn nhân tài, rộng tìm người có văn học mà yết bảng ghi tên khắc vào bia đá để rạng rỡ muôn đời thì chưa từng thấy.
Kính nghĩ: Quốc triều khai mở vận hội, thánh đế thánh vương nối truyền, sắp đặt quy củ, sùng chuộng Nho học, chấn hưng nhân văn. Phàm những người đăng khoa đều cho dựng bia lớn để truyền bá vẻ sáng sao Khuê sao Tảo, nêu rõ họ tên để rạng rỡ đến đời sau. Việc vun đắp nuôi dưỡng sĩ phong, khen thưởng khích lệ kẻ hiền tuấn có thể nói hơn các vua trước, vượt cả ngàn xưa vậy.
Kẻ sĩ sinh ở đời này, thấm nhuần thánh giáo, ngước gội ơn vua giữ chức công khanh trong triều, liếc mắt nhìn bia đá này, ai chẳng tự phấn khích dồi mài danh tiết, dựng công xây nghiệp, nghĩ cách đền ơn sủng ái. Những người đội tráp đến cửa thánh hiền, ngẩng đầu nhìn tấm bia này chẳng ai không biết kế thừa tinh hoa trong sáng, trau dồi học vấn, ngậm ngọc nhả hoa để thỏa nguyện được gần vua giúp nước.
Bọn thần biết việc dựng đá đề danh Tiến sĩ là để khích lệ những người làm quan đang tại chức, nâng cao sĩ khí ở đời thịnh sáng, điều đó có quan hệ đến phong tục giáo hóa rất lớn, há chỉ để phô trương vẻ đẹp bề ngoài mà thôi đâu.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Trung trinh đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Tri Thị nội thư tả Lễ phiên Nguyễn Duy Đôn3 vâng sắc soạn.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh kiêm Đông các Đại học sỹ tri Hàn lâm viện sự Thiếu bảo Thuật Quận công Phạm Khiêm Ích vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 26 tháng 8 niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh:
NGUYỄN THẾ LẬP 阮世立4 người xã Bồng Lai huyện Quế Dương, Giám sinh.
NGUYỄN ĐỨC VĨ 阮德暐5 người xã Phật Tích huyện Tiên Du, Nho sinh trúng thức.
PHẠM CÔNG THẾ 范公世6 người xã Hoàng Xá huyện Đông Quan, Giám sinh.
LÊ HOÀN HẠO 黎完浩7 người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, Sinh đồ.
NGUYỄN QUỐC ÍCH 阮國益8xã Vịnh Cầu huyện Đông Ngàn, Viên ngoại lang.
QUẢN DĨNH 管穎9 người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang. Huấn đạo.
NGUYỄN ĐÌNH BÁ 阮廷伯10 người xã Bình Dân huyện Đông Yên, Giám sinh.
ĐẶNG CÔNG DIỄN 鄧公演11 người xã Phù Đổng huyện Tiên Du, Tri huyện.
NGUYỄN SĨ LÂM 阮仕琳12 người xã Hoàng Xá huyện Cẩm Giàng, Sinh đồ.
VŨ KHÂM THẬN 武欽慎13 người xã Ngọc Lặc huyện Tứ Kỳ, Giám sinh.
Trung thư giám Hoa văn học sinh người xã Xuân Đỗ huyện Gia Lâm là Nguyễn Đắc Thụy vâng mệnh viết chữ chân.
Phạm Thọ Ích người làng Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm vâng khắc chữ.
Chú thích:
1. Tước hiệu của Trịnh Cương được phong năm 1714.
2. Tước hiệu của Trịnh Giang được phong năm 1732.
3. Nguyễn Duy Đôn (1679-?) người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh (nay thuộc xã Cao Thành huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây). Ông 32 tuổi đỗ Đình nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Nhâm Thìn Vĩnh Thịnh 8 (1712) đời Lê Dụ Tông, làm quan Tả Thị lang Bộ Binh.
4. Nguyễn Thế Lập (1702-?) người xã Bồng Lai huyện Quế Dương (nay thuộc xã Bồng Lai huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm Thừa chỉ, được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) và bị mất trên đường đi (có tài liệu ghi là chưa kịp lên đường thì mất). Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Công, tước hầu. Có tài liệu ghi ông là Trần Thế Lập.
5. Nguyễn Đức Vĩ (1700-1775) người xã Phật Tích huyện Tiên Du (nay là xã Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Nguyễn Đức Ánh và là cha Nguyễn Duân. Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Hữu Thị lang Bộ Hình, Hữu Thị lang Bộ Binh, Tả Thị lang Bộ Lại, Bồi tụng, Thượng thư Bộ Công kiêm công việc Bộ Lại, Tế tửu Quốc tử giám, Nhập thị Kinh diên, tước Nghĩa Phương hầu và khi về trí sĩ, ông được tặng hàm Thượng thư Bộ Công, Thái tử Thái phó, tước Kế Thiện hầu. Ông về được ít lâu, chúa Trịnh Sâm lại mời ra làm quan và thăng Thượng thư Bộ Binh. Sau khi mất, ông được truy tặng hàm Thái bảo. Có tài liệu ghi, ông sau đổi tên là Nguyễn Vĩ.
6. Phạm Công Thế (1705-?) người xã Hoàng Xá huyện Đông Quan (nay thuộc xã Phương Đông huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình), nguyên quán xã Phúc Khê huyện Thanh Lan (nay thuộc huyện Thái Thụy cùng tỉnh). Ông làm quan Hiệu thảo. Sau can tội mưu làm phản, bị bãi chức và bắt thắt cổ tự vẫn.
7. Lê Hoàn Hạo (1699-?) người xã Bát Tràng huyện Gia Lâm (nay là xã Bát Tràng huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là em Lê Hoàn Viện, làm quan Học sĩ, tước bá. Có tài liệu ghi, sau ông đổi tên là Lê Hoàn Toản.
8. Nguyễn Quốc Ích (1686-1739) người xã Vịnh Cầu huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là anh của Nguyễn Đức Đôn, Nguyễn Công Viên và làm quan Đông các Hiệu thư, Đốc trấn Cao Bằng.
9. Quản Dĩnh (1685-?) người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tự khanh, Thự Tham chính trấn Sơn Nam.
10. Nguyễn Đình Bá (1695-?) người xã Bình Dân huyện Đông Yên (nay thuộc xã Tân Dân huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông là cha của Nguyễn Đình Tố, làm quan Thừa chỉ. Sau khi mất, ông được tặng chức Thiêm đô Ngự sử, được phong tước Đại vương.
11. Đặng Công Diễn (1698-?) người xã Phù Đổng huyện Tiên Du (nay là xã Phù Đổng huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Đặng Công Diễn là cháu nội Đặng Công Chất. Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
12. Nguyễn Sĩ Lâm (1698-?) người xã Hoàng Xá huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Cẩm Điền huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử.
13. Vũ Khâm Thận (1703-?) người xã Ngọc Lặc huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Ngọc Sơn huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông là cha của Vũ Khâm Cơ và giữ các chức quan như: Tham tụng, Bồi tụng Đô Ngự sử, Thị lang Bộ Lại, tước Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng hàm Thượng thư. Có tài liệu ghi ông đổi tên là Vũ Khâm Lân.