Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa năm thứ 9 (1688)
Các khoa Tiến sĩ từ đầu quốc triều, nguyên trước chưa có lệ khắc bia. Thánh Tông Thuần hoàng đế thiên tư cao rộng, thánh học sáng láng, kế thừa cơ đồ lớn lao do tổ tông sáng nghiệp truyền lại, noi khuôn mẫu tốt đẹp cầu tìm nhân tài, định lệ 3 năm mở một khoa thi. Người đỗ đạt đã có sách ghi, ...
Các khoa Tiến sĩ từ đầu quốc triều, nguyên trước chưa có lệ khắc bia. Thánh Tông Thuần hoàng đế thiên tư cao rộng, thánh học sáng láng, kế thừa cơ đồ lớn lao do tổ tông sáng nghiệp truyền lại, noi khuôn mẫu tốt đẹp cầu tìm nhân tài, định lệ 3 năm mở một khoa thi. Người đỗ đạt đã có sách ghi, đề danh có bia đá, chính là để mở rộng giáo hóa tựa diều bay trong thơ Hạn lộc1, như bên sông Phong2 sâu nghĩ mưu lành cho con cháu dùng mãi không cùng. Từ đó thánh đế hiền thần nối tiếp, tuân thủ qui chế đã lập thành. Chẳng ngờ gặp cơn ách hoạn, hung ác tiếm quyền, chính là lúc trời mở vận trung hưng, sự nghiệp công danh càng như vầng dương sáng tỏ.
Đến đời Hy Tông Chương hoàng đế, thu hồi đất cũ, vỗ trị muôn phương, trước nhờ Hoằng Tổ Dương vương ra sức tôn phù, sau lại nhờ Chiêu Tổ Khang vương giúp công nung đúc, nối vận hội thái bình liên tiếp, để tâm xem xét mọi việc rất mực sáng suốt. Buổi bấy giờ, hiền tài nối gót, muôn việc tuần tự thi hành. Nhưng Thánh thượng vẫn dậy sớm thức khuya, chiếu bên vẫn bỏ trống để đón chờ hiền sĩ. Tháng 11 mùa đông năm Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 9 thi Hội, các cống sĩ trong nước dựng trường thi ở bãi giữa sông Nhị Hà, vì mùa đông quá lạnh, muốn để cho các viên chấp sự và các cử nhân được thuận tiện3. Sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí và các quan trong ngoài chia giữ các việc. Cân nhắc lựa chọn, lấy trúng cách được 7 người. Sang tháng sau, triệu vào thi Đình. Ban cho Nguyễn Đình Hoàn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hồ 6 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Yết bảng vàng trước cửa nhà Thái học. áo mũ phẩm phục, yến Quỳnh, hoa bạc, thứ bậc ơn vinh nhất nhất theo lệ cũ. Thịnh tâm yêu mến hiền tài, sùng chuộng văn nhã thật là chu đáo. Duy có lệ dựng đá đề danh thì chưa kịp cử hành, có lẽ tấm lòng kế chí thuật sự hãy còn đợi thời đó chăng?
Kính nghĩ: Hoàng thượng như vầng dương trời Nam rọi tỏ bốn phương, càn kiện làm yên sáu cõi, đặt mực thước chốn cửu trùng, tỏa văn mệnh khắp bốn bể. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] chấn tác Nho phong, sửa sang chính sự sáng tỏ như vầng dương ngày tạnh, phương sách giáo dưỡng tác thành như hòa khí xuân phong. Riêng thịnh tâm cầu tìm giáo hóa trí trị thì sớm tối mong mỏi, thịnh ý tôn Nho trọng đạo không lúc quên khuây. Bèn vào mùa Đông năm Ất Mùi, Thánh thượng xa giá đến nhà Thái học làm lễ thích điện. Nhìn cung tường thâm nghiêm, xem bi ký các triều trước, thấy bia các khoa thi Tiến sĩ từ năm Thịnh Đức thứ 6 về sau còn thiếu. Bèn sai quan đại thần soạn tập, giao cho quan Bộ Công tạc đá, từ thần soạn bài ký để khắc bia. Thần đối với việc này, thấy Thánh thượng đức lớn chuộng văn, thịnh tâm biểu dương khích lệ nhân tài, lòng hiếu kính muốn tiếp nối để rạng ngời đời trước, làm giàu đức nhân cho đời sau.
Huống chi khoa này hiện đang còn mấy người làm quan tại triều, giúp công việc cho quốc gia: một người ở Bộ Lại, hai người ở Bộ Hình, mấy vị đang chấp chính ở cõi ngoài, sự nghiệp tương lai của họ tin chắc sẽ chói rạng trong sử sách; ngoài ra những người khác thì công phu học vấn, chính tích trong cuộc đời làm quan vẫn được nhiều người nhắc nhở, há lẽ để cho thanh danh của họ cũng như làn khói mỏng manh tan mất trước cơn gió mạnh hay sao?
Cho nên bia đá này dựng lên chính là trong sự biểu dương khen ngợi có ngụ ý khuyên răn, khích lệ lòng liêm sỉ đối với muôn ngàn đời, vì muốn bậc bề tôi văn học lưu lại danh thơm tiếng tốt. Người đi học đi thi sẽ đếm tên từng người để mà noi theo cho bằng, đua nhau làm kẻ Nho quân tử, khuyên nhau gắng sức giúp thánh đế thánh vương. Như thế thì ngôi báu và cơ đồ mới thêm bền vững, muôn vạn năm được hoàng thiên phù hộ, há chẳng phải do việc ngợi khen sùng trọng ngày nay ư?
Bọn thần giữ chức soạn thảo nhuận sắc, nay tuân vâng lời ngọc, kính cẩn cúi đầu rập đầu mà dâng lời như trên.
Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Tri Thị nội Thư tả Thủy binh phiên Nguyễn Quý Ân4 vâng sắc soạn.
Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
NGUYỄN ĐÌNH HOÀN 阮廷完5 người phường Bái Ân huyện Quảng Đức.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 6 người:
NGUYỄN HỒ 阮湖6 người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN HÀNH 阮洐7 người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang.
NGUYỄN QUỐC CƯƠNG 阮國綱8 người xã Bình Lục huyện Yên Phong.
NGÔ TUẤN DỊ 吳俊異9 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai.
NGUYỄN ĐÌNH TUẤN 阮廷峻10 người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh.
HÀ TÔNG MỤC 何宗穆11 người xã Tỉnh Thạch huyện Thiên Lộc.
Thị nội Thư tả Hộ phiên Tiến công Thứ lang Huyện thừa, người xã Hoa Đường huyện Đường An Phạm Toàn vâng viết chân.
Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái thừa Cẩn sự lang Quang Hiếu điện Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.
Chú thích:
1. Hạn lộc: một bài thơ trong Kinh Thi: " Diên phi lệ thiên, ngư dược vu uyên, khải đễ quân tử, hà bất tác nhân" Trời cao diều bay, vực sâu cá nhảy; quân tử gần dân, sao không tác thành cho quốc nhân? (Thi, Đại nhã, Hạn lộc). Bài thơ ca ngợi bậc quân tử có đức, chăm lo bồi dưỡng nhân tài.
2. Nguyên văn: "Thâm Phong thủy yến dực chi mưu", dùng điển thơ Kinh Thi: "Phong thủy hữu dĩ, Vũ vương khải bất sĩ, di quyết tôn mưu, dĩ yến dực tử " Bờ sông Phong rau cần dài tốt, Vũ vương sao không cúng tế, để mưu lược cho cháu chắt, để yên giúp cho các con (Thi, Đại nhã, Văn Vương hữu thanh).
3. Khoa này dựng trường thi ở bãi giữa (trung sa) sông Hồng, sử sách chỉ thấy Lịch triều tạp kỷ có chép sơ qua: "Tháng 11 mở khoa thi Hội thi các cử nhân suốt cả nước. Trường thi làm ở trên bãi cát bên sông Nhị Hà...". Đoạn văn trên đây chưa rõ tại sao nói vì mùa đông lạnh, dựng trường thi ở bãi giữa để thuận tiện cho các viên chấp sự và các cử nhân?
4. Nguyễn Quý Ân: Xem chú thích 4, Bia số 41.
5. Nguyễn Đình Hoàn (1661-?) người phường Bái Ân huyện Quảng Đức (nay là phường Bưởi quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang, tước Ân Hải hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Binh, tước Quận công.
6. Nguyễn Hồ (1644-?) người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Khê huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là chú Nguyễn Trọng Đột, làm quan Tham chính xứ Thanh Hóa.
7. Nguyễn Hành (1656-?) người xã Hoa Cầu huyện Văn Giang (nay thuộc xã Nghĩa Trụ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Thân Tuyền, cháu nội của Thân Khuê và là con nuôi Nguyễn Tính (nên lấy theo họ của cha nuôi). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước tử và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công.
8. Nguyễn Quốc Cương (1662-?) người xã Bình Lục huyện Yên Phong (nay thuộc xã Thụy Hòa huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm quan Tri huyện, sau làm quan Tự khanh và đổi là Nguyễn Quốc Vỹ.
9. Ngô Tuấn Dị (1655-?) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo.
10. Nguyễn Đình Tuấn (1661-?) người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh (nay thuộc xã Văn An huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa chỉ, về trí sĩ.
11. Hà Tông Mục (1653-?) người xã Tinh Thạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Hậu Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như làm quan Kinh lược đi kiểm tra công việc ở xứ Tuyên Quang, thăng chức Tự khanh, Bồi tụng kiêm Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Biên tu Quốc sử quán, Tả Thị lang Bộ Hình, tước nam và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Hộ, tước tử. Sau này, một số tài liệu ghi là Hà Tôn Mục vì kiêng huý đời Nguyễn.