Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức năm thứ 2 (1733)
Từng nghe nước nhà tô điểm trị bình, ắt tìm kiếm người hiền để làm trụ cột; triều đình chấn hưng văn giáo, tất phải biểu dương việc thiện để gây dựng tiếng tăm; thế thì điển lệ đề danh Tiến sĩ cũng do ở lẽ đó chăng? Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ đảm đương mệnh sáng, nối giữ cơ nghiệp lớn ...
Từng nghe nước nhà tô điểm trị bình, ắt tìm kiếm người hiền để làm trụ cột; triều đình chấn hưng văn giáo, tất phải biểu dương việc thiện để gây dựng tiếng tăm; thế thì điển lệ đề danh Tiến sĩ cũng do ở lẽ đó chăng?
Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ đảm đương mệnh sáng, nối giữ cơ nghiệp lớn lao, tiếp vừng đông chiếu rọi bốn phương, xem nhân văn để giáo hoá thiên hạ. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương] cùng chung một đức, trăm việc chấn hưng, sửa sang thái bình, rộng tìm tài tuấn. Mùa xuân năm Quý Sửu, tháng 3, thi Hội cho các Cống sĩ trong nước. Đặc sai bề tôi là Đô đốc phủ Tả Đô đốc Chưởng phủ sự Thiếu bảo Siêu Quận công Nguyễn Minh Châu làm Đề điệu, Bồi tụng Lại bộ Tả Thị lang Nhập thị Kinh diên Lại Trạch hầu Phạm Đình Kính làm Tri Cống cử, Bồi tụng Hộ bộ Hữu Thị lang Xuân Trì hầu Đỗ Lệnh Danh, Hình bộ Tả Thị lang Nguyễn Trọng Thường làm Giám thí, cùng các ty trong ngoài chia giữ các việc.
Lúc bấy giờ sĩ tử đăng tên dự thi gần 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Hồ Quýnh 18 người. Ngày tháng 5 triệu vào Điện thí, ban cho Nhữ Trọng Đài đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh; Trần Trọng Liêu, Nguyễn Hồ Quýnh đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Kỳ Nhậm 15 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Gọi loa xướng tên ở thềm rồng, treo bảng vàng tại nhà Thái học, ban áo mũ triều phục, cho hoa bạc yến Quỳnh, thứ lớp ban ơn nhất nhất đều theo điển chương phép cũ, mà việc khắc đá đề danh cũng theo đúng lệ xưa. Đặc sai từ thần soạn bài văn để ghi sự thật.
Thần kính vâng lời ngọc, khôn xiết hân hạnh vui mừng, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
Qua các triều đại khoa thi Tiến sĩ đều được tôn trọng, nhưng việc khắc đá đề danh để truyền lại lâu dài, thì trước chưa thấy.
Kính nghĩ: Quốc triều mở vận, thánh đế thánh vương kế nối đều tôn trọng người tài giỏi tuấn tú, yêu chuộng nho nhã. Bia đề danh Tiến sĩ bắt đầu có từ năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức, lại từ khoa Canh Thìn niên hiệu Quang Hưng về sau được truy lập vào năm Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh, cho đến ngày nay, đã trở nên một điển lệ tốt đẹp. Cạnh nhà Thái học san sát bia cao, bên dòng nước xanh danh thơm bay mãi, rạng rỡ chẳng khác nào cờ thái thường đua ánh giữa bầu trời. Sự khuyến khích khen thưởng, công hun đúc giáo hóa thật đã vượt qua đời trước nhiều lắm.
Kẻ sĩ sinh ở đời này, thấm nhuần ơn huệ, mang đội nhân sâu, vậy báo đáp phải nên thế nào? Ắt phải có chí khí tiết tháo ngọc vàng, tấm lòng trung trinh sắt đá, phải luôn trau chuốt cho trong sạch sáng quang, rèn dũa tiết hạnh, thề giữ đức trong trắng tứ tri1, theo đúng đạo thận cần tam pháp2, lấy chính trực trung hậu mà đứng giữa triều đình, lấy đạo đức nhân nghĩa phò tá chính sự, làm đá tảng cột trụ ở chốn miếu đường, đưa quốc gia đến chỗ vững yên như Thái Sơn bàn thạch, ngõ hầu không phụ với sở học, không thẹn với khoa danh, mà họ tên khắc trên bia đá có thể trường tồn không nát vậy. Thảng hoặc có ai đó mà lời nói không đi đôi với việc làm, danh thực trái nhau, thì vết nhơ trên ngọc không thể mài mòn, tì vết không sao che giấu được! Người ta sẽ chỉ vào tên mà bình phẩm, công luận nghiêm xét, há chẳng khá sợ hay sao? Thế thì tấm bia này dựng lên, chẳng phải chỉ riêng làm vẻ vang cho người thi đỗ, mà còn để gửi gắm sự khuyến miễn đối với sĩ phu. Tác thành có nguyên do, quan hệ đến nền giáo hóa, công dụng của nó đâu phải là nhỏ!
Thần kính cẩn làm bài ký.
Trung trinh đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Quán Giaivâng sắc soạn.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh kiêm Đông các Đại học sĩ Tri Hàn lâm viện sự Thiếu bảo Thuật Quận công Phạm Khiêm Ích vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày 19 tháng 12 niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh:
NHỮ TRỌNG ĐÀI 汝仲台3 người xã Hoạch Trạch huyện Đường An, Giáo thụ.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
TRẦN TRỌNG LIÊU 陳仲寮4 người xã Văn Giáp huyện Thượng Phúc, Huấn đạo.
NGUYỄN HỒ QUÝNH 阮胡熲5 người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức, Nho sinh trúng thức.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 15 người:
NGUYỄN KỲ NHẬM 阮其任6 người xã Lê Xá huyện Chương Đức, Nho sinh trúng thức.
TRẦN CÔNG HÂN 陳公昕7 người xã Cổ Am huyện Vĩnh Lại, Tri huyện.
PHAN NHƯ KHUÊ 潘如圭8 người xã Yên Trung huyện La Sơn, Viên ngoại lang.
VŨ ĐÌNH DUNG 武廷蓉9 người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức, nguyên quán xã Phùng Xá huyện Thạch Thất, Viên ngoại lang.
NGUYỄN BÁ QUÝNH 阮伯炯10 người xã Hoa Lâm huyện Nam Đường, Nho sinh trúng thức.
TRẦN MÔ 陳謨11 người xã Di Ái huyện Đan Phượng, Giám sinh.
NGUYỄN HUỆ 阮惠12 người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, Tri huyện.
TRẦN ĐỒNG 陳桐13 người xã Đan Phượng Thượng huyện Đan Phượng, Sinh đồ.
ĐỖ THÀNH DOÃN 杜成允14 người xã Lan Xuyên huyện Đông Yên, Nho sinh trúng thức.
TRẦN HIỀN 陳賢15 người xã Vân Canh huyện Từ Liêm, Điển hàn.
TRƯƠNG NGUYỄN ĐIỀU 張阮條16 người xã Xuân Canh huyện Đông Ngàn, trú quán xã Hàn Lạc huyện Gia Lâm, Lang trung.
NGUYỄN HÀNH 阮洐17 người xã Nguyệt Áo huyện La Sơn, Giám sinh.
NGHIÊM BÁ ĐĨNH 嚴伯珽18 người xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm, Tự thừa.
TRẦN DANH TIÊU 陳名標19 người xã Yên Sở huyện Đan Phượng, Sinh đồ.
NGUYỄN HUY THUẬT 阮輝術 20 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm, Điển bạ.
Trung thư giám Hoa văn học sinh người xã Phú Thị huyện Gia Lâm Nguyễn Viết Giai vâng viết chữ (chân).
Xã trưởng xã Gia Đức huyện Thủy Đường là Hoàng Quang Trạch vâng khắc chữ.
Chú thích:
1. Dương Chấn đời Hán có tiếng là thanh liêm, một hôm có người nhân đêm tối đưa lễ vật đến biếu, ông không nhận. Người kia nói: "Đêm khuya chẳng có ai biết, xin ông nhận cho". Dương Chấn đáp: "Sao lại không? Tôi biết, anh biết, trời biết, đất biết, thế là bốn kẻ biết (tứ tri) rồi".
2. Tức: Thanh liêm, thận trọng, siêng năng là ba phép tốt của người làm quan.
3. Nhữ Trọng Đài (1696-?) người xã Hoạch Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là cháu Nhữ Tiến Dụng và làm quan Hiến sát sứ.
4. Trần Trọng Liêu (1695-?) người xã Văn Giáp huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Học sĩ. Sau khi mất, ông được tặng chức Tự khanh, tước bá.
5. Nguyễn Hồ Quýnh (1703-?) người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Thịnh Quang quận Đống Đa Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đãi chế. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Hồ Hiệp.
6. Nguyễn Kỳ Nhậm (1709-?) người xã Lê Xá huyện Chương Đức (nay thuộc xã Lê Thanh huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây). Ông là con của Nguyễn Công Khuê, làm quan Đại học sĩ.
7. Trần Công Hân (1702-?) người xã Cổ Am huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am huyện Vĩnh Bảo Tp. Hải Phòng). Ông làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế. Sau bị tử trận, được tặng chức Đông các Đại học sĩ.
8. Phan Như Khuê (1693-?) người xã Yên Trung huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Hiến sát sứ. Có tài liệu ghi ông là Phạm Như Khuê.
9. Vũ Đình Dung (1699-?) người phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Thịnh Quang quận Đống Đa Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Phùng Xá huyện Thạch Thất (nay là xã Phùng Xá huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Thừa chỉ, bị mất ở nơi làm quan và được tặng Hữu Thị lang.
10. Nguyễn Bá Quýnh (1710-1772) người xã Hoa Lâm huyện Nam Đường (nay thuộc huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông là con của Nguyễn Phùng Thì, làm quan Tư nghiệp.
11. Trần Mô (1694-?) người xã Di Aí huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Di Trạch huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông là học trò của Trần Hiền, làm quan Thị độc, tước bá.
12. Nguyễn Huệ (1705-1733) người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân (nay là xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông là anh của Nguyễn Nghiễm, bác của Nguyễn Khản và Nguyễn Du. Thi đỗ, ông chưa kịp vinh quy thì lâm bệnh mất.
13. Trần Đồng (1708-?) người xã Đan Phượng huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tư huấn.
14. Đỗ Thành Doãn (1700-?) người xã Lan Xuyên huyện Đông Yên (nay thuộc xã Thành Công huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hiệu thư, sau điều làm Đốc đồng Thanh Hoa và bị hại ở nhiệm sở.
15. Trần Hiền (1684-?) hiệu là Hoè Hiên , người xã Vân Canh huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thị giảng. Sinh thời, học trò của ông nhiều người thành đạt, như: Trần Mô, Trần Đồng, Trần Danh Tiêu cùng đỗ khoa này.
16. Trương Nguyễn Điều (1685-?) người xã Xuân Canh huyện Đông Ngàn (nay là xã Xuân Canh huyện Đông Anh Tp. Hà Nội), trú quán xã Hàn Lạc huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi là Trương Hữu Điều.
17. Nguyễn Hành (1701-?) người xã Nguyệt Aó huyện La Sơn (nay thuộc xã Trường Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Đông các Hiệu thư.
18. Nghiêm Bá Đĩnh (1683-1755) người xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm (nay là xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ, tước Khiêm Đường bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Tự khanh.
19. Trần Danh Tiêu (1709-?) người xã Yên Sở huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Yên Sở huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ.
20. Nguyễn Huy Thuật (1690-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Thừa chỉ. Được về trí sĩ.