Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 5 (1739)
Tiến sĩ đăng khoa được ban thứ bậc, khắc đá đề danh là để làm rạng rỡ điều tai nghe mắt thấy, lưu truyền tới đời sau, đó là thịnh điển tôn Nho của bản triều. Kính nghĩ: Thái thượng hoàng đế 1 bệ hạ coi trọng phép cũ, làm mẫu mực cho thánh đạo. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính ...
Tiến sĩ đăng khoa được ban thứ bậc, khắc đá đề danh là để làm rạng rỡ điều tai nghe mắt thấy, lưu truyền tới đời sau, đó là thịnh điển tôn Nho của bản triều.
Kính nghĩ: Thái thượng hoàng đế1 bệ hạ coi trọng phép cũ, làm mẫu mực cho thánh đạo. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương]2 cùng chung một đức, chấn hưng trăm việc, sửa trường học trên sông Phán Thủy để tác thành nhân tài, mở cửa thành nước Ngu để đón tuấn sĩ. Mùa xuân tháng 3 năm Kỷ Mùi thi Hội cho các cống sĩ trong nước. Đặc sai Đô hiệu điểm ty Hữu Hiệu điểm Phó tướng Phúc Quận công Trịnh Trang làm Đề điệu, Công bộ Thượng thư Thụ Hương bá Trịnh Bá Tướng làm Tri Cống cử, Công bộ Tả Thị lang Gia Lạc bá Dương Lệ, Lại bộ Hữu Thị lang Nguyễn Vĩ làm Giám thí, cùng bách ty trong ngoài chia giữ các việc.
Lúc bấy giờ, số người dự thi có đến 3.000 người. Viện quan tâu chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Lâm Thái 8 người.
Ngày tháng 5 vào Điện thí. Quan Độc quyển dâng quyển để Hoàng thượng ngự lãm. Ban cho Vũ Diệm đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Vũ Trần Thiệu 7 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Sau khi loa truyền liền cho vào chầu, thay bỏ áo thường dân, ban cho áo xanh đai thơm để được vinh hoa, cho yến Quỳnh hoa bạc để tỏ ưu đãi, ơn điển dồi dào, lễ nghi long trọng. Sau lại sai khắc bia để ghi sự việc, nhưng gặp lúc nhiều việc nên chưa kịp vâng mệnh biểu dương. Làm theo đúng quy chế cũ có lẽ còn đợi đến ngày nay vậy.
Đến nay, Hoàng thượng bệ hạ kế thừa ý chí tiên vương, mở rộng mưu lược lớn. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương]3 giúp nên công đức của thánh hoàng, đổi mới chính sự từ buổi đầu, bên ngoài võ công đã định, bên trong văn giáo mở mang. Bèn chiếu theo điển cũ cho khắc đá dựng bia, sai thần làm bài ký.
Thần trộm nghĩ triều đình chọn người, chỉ có khoa Tiến sĩ là được nhiều nhất. Sĩ phu dùng nó làm bậc thang để bước lên đường huân nghiệp, nước nhà dùng nó làm công cụ tô điểm cho cuộc thái bình. Trong đó có những bậc tài hoa nổi tiếng, người hiền tuấn xếp hàng, đem đức vọng tài trí gánh vác công việc, lấy chính trực trung hậu mà đứng trong triều. Có người dự bàn mưu mô ở chốn miếu đường nhằm khuyếch trương văn trị, người thì sau lúc binh đao đến tận chiến trường khám định võ công, mưu xa bàn rộng, rạng rỡ sử sách, công tích lớn lao chiếu sáng vũ trụ, chọn người được nhiều nhất nhờ ở khoa Tiến sĩ. Cho nên từ thời Hồng Đức đã đặc biệt coi trọng khoa thi Tiến sĩ, cho rằng nếu chỉ nêu tên bảng vàng, đem treo ở cửa nhà Thái học, tuy có thể thỏa mãn nghe nhìn nhưng không đủ để lưu truyền mãi mãi; ghi vào sổ sách cất giữ ở triều đường dẫu tiện tra cứu mà vẫn chưa đủ để nêu rõ thanh danh. Vì thế (Thánh Tông Thuần hoàng đế) mới sai khắc đá dựng bia ở nhà Thái học, khiến cho khoa danh tên tuổi lưu tiếng thơm tới ngàn đời. Lối phô trương khích lệ như thế, từ xưa chưa có, thánh đế đời trước sáng tạo ra mới mẻ mà thánh hoàng thời nay nối gót làm theo, thực là thịnh tâm chuộng hiền đãi sĩ, quy chế tốt đẹp trọng đạo sùng Nho vậy.
Thế thì những người đỗ khoa này há chỉ biết may mắn được ghi tên trên bia này thôi ư? Ắt là phải trau dồi tiết hạnh, lập nên công tích, tên họ được thêu lên cờ lệnh, khắc vào chuông đỉnh, khiến cho công danh sự nghiệp cùng tấm bia này lưu truyền mãi mãi, thế mới đền đáp được tấm lòng chuộng văn của thánh thượng muốn nêu cao việc chọn lựa được nhiều người tài bằng phép thi đại khoa, ngõ hầu không thẹn với khoa danh vậy. Thảng hoặc ai đó ngọc xước khó mài, vết nhơ khôn giấu thì đã có công luận, há chẳng đáng sợ lắm sao?
Thế thì tấm bia này vốn là để lưu tiếng thơm tới muôn đời mà đặc biệt còn là để làm gương sáng cho mai sau, có quan hệ rất lớn đến danh giáo, há phải chỉ phô trương cho hào nhoáng mà thôi đâu!
Thần kính cẩn làm bài ký.
Trung hiến đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Bạch Phấn Ưng4 vâng sắc soạn.
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Suy trung Dực vận công thần Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Công Thái vâng sắc nhuận.
Bia dựng ngày mồng 4 tháng 10 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1744) Hoàng Việt.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân:
VŨ DIỆM 武琰5 người xã Thổ Vượng huyện Thiên Lộc, Tri phủ.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 7 người:
VŨ TRẦN THIỆU 武 陳 紹6 người phường Thái Cực huyện Thọ Xương, nguyên quán xã Đan Luân huyện Đường An, Nho sinh trúng thức, nguyên tên là Vũ Trần Tự.
NGUYỄN LÂM THÁI 阮 林 泰7 người xã Thổ Hào huyện Thanh Chương, Huấn đạo.
TRƯƠNG ĐÌNH TUYÊN 張 廷 瑄8 người phường Công Bộ huyện Quảng Đức, Giám sinh.
BÙI TRỌNG HUYẾN 裴 仲 絢9 người xã Tiên Mộc huyện Nông Cống, Giám sinh.
NGUYỄN HUY THỤC 阮 輝 淑10 người xã Kim Bài huyện Thanh Oai, Giám sinh.
NGUYỄN LUÂN 阮 倫11 người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương, nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An, Tả mạc.
PHẠM ĐÌNH TRỌNG 范 廷 重12 người xã Khinh Dao huyện Giáp Sơn, Giám sinh.
Mậu lâm tá lang Trung thư giám Điển thư Câu kê Lại phiên Phạm Đăng Trù vâng sắc viết chữ (chân).
Sinh đồ xã An Hoạch huyện Đông Sơn là Lê Nguyễn Diệu vâng khắc chữ.
Chú thích:
1. Chỉ Lê Ý Tông sau khi truyền ngôi cho Lê Duy Diêu được tôn làm Thái thượng hoàng.
2. Tước hiệu của Trịnh Giang được phong năm 1732.
3. Tước phong của Trịnh Giang năm 1732.
4. Bạch Phấn Ưng: xem chú thích 17, Bia số 65.
5. Vũ Diệm (1705-?) người xã Thổ Vượng huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Vương Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Hàn lâm Thị thư. Sau khi mất, ông được tặng chức Tự khanh, tước bá.
6. Vũ Trần Thiệu (1716-?) người phường Thái Cực huyện Thọ Xương (nay thuộc phường Hàng Đào quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Đoan Luân huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ, tước bá và được cử 2 lần đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư. Ông nguyên tên là Vũ Trần Tự , sau đổi tên là Vũ Trần Thiệu.
7. Nguyễn Lâm Thái (1686-?) người xã Thổ Hào huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Thanh Giang huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử.
8. Trương Đình Tuyên (1713-?) người phường Công Bộ huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công.
9. Bùi Trọng Huyến (1713-?) người xã Tiên Mộc huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ, Tri Hình phiên, tước Huyễn Lĩnh bá.
10. Nguyễn Huy Thục (1716-?) người xã Kim Bài huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Kim An huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử.
11. Nguyễn Luân (1700-?) người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay là phường Hàng Vải quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàm lâm viện Đãi chế.
12. Phạm Đình Trọng (1714-1754) người xã Khinh Dao huyện Giáp Sơn (nay thuộc xã An Dương huyện An Hải Tp. Hải Phòng). Ông giữ các chức quan, nhưPhó Đô Ngự sử, Bồi tụng, tước Dao Lĩnh hầu; sau được bổ làm Hiệp trấn ba đạo Đông, Nam, Bắc và thống lĩnh quân triều đình đi đánh dẹp Nguyễn Hữu Cầu, rồi thăng Thượng thư Bộ Binh, hàm Thái tử Thái phó, tước Hải Quận công và cử làm Trấn thủ Nghệ An. Sau khi mất, ông được tặng tước Đại vương, phong phúc thần.