18/06/2018, 11:33

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6 (1685)

Trời mở nền trí trị, vận thuộc thời Trung hưng. Hy Tông Chương hoàng đế kế nối cơ đồ, đảm đương mệnh sáng. Thực nhờ Chiêu Tổ Khang vương giúp nên thánh công, khuếch trương chính sự, tuân theo phép cũ, ba năm mở một khoa thi. Khoa Ất Sửu là năm thứ 10, Hoàng thượng lâm ngự chính sự. Bấy ...

Trời mở nền trí trị, vận thuộc thời Trung hưng.

Hy Tông Chương hoàng đế kế nối cơ đồ, đảm đương mệnh sáng. Thực nhờ Chiêu Tổ Khang vương giúp nên thánh công, khuếch trương chính sự, tuân theo phép cũ, ba năm mở một khoa thi. Khoa Ất Sửu là năm thứ 10, Hoàng thượng lâm ngự chính sự. Bấy giờ, sao Khuê sao Bích sáng hừng, nhân tài đều xuất hiện, tháng Chạp năm ấy mở khoa đại tỉ. Đặc sai Đề điệu là Nam quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Phó tướng Thiếu phó Phái Quận công Trịnh Du, Tri Cống cử là Bồi tụng Ngự sử đài Đô Ngự sử Nhập thị Kinh diên Hải Sơn tử Nguyễn Danh Thực, Giám thí là Bồi tụng Lại bộ Tả Thị lang Hải Sơn nam Nguyễn Viết Thứ và Bồi tụng Binh bộ Hữu Thị lang Lai Sơn nam Lê Hy cùng các ty trong ngoài trông coi công việc.

Bấy giờ sĩ nhân dự tuyển 2.800 người, qua tuyển chọn chỉ 13 người được đăng tên vào bảng mực nhạt. Sang tháng đầu xuân năm Bính Dần, triệu vào sân lớn thi Đình, hỏi về đạo lý trời đất muôn vật. Sáng hôm sau, dâng quyển tiến đọc, Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, thân định thứ bậc cao thấp. Ban cho Vũ Thạnh đỗ Tiến sĩ cập đệ, Bùi Công Tốn đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trương Công 11 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Gọi loa xướng danh, yết bảng vàng ở cửa nhà Thái học. Ban cho áo mũ cân đai, cho dự yến Quỳnh Lâm, ban cành hoa bạc, rồi cho rước bảng giáp đệ1 vinh quy về làng, ân điển thật chu đáo đầy đủ. Nhưng còn bia đá đề danh, thì từ năm Bính Thân tới nay chưa kịp cử hành, việc dựng đặt khôi phục quy chế cũ tất phải đợi ngày nay vậy.

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ tiếp tục thi hành mưu lược lớn lao, kế thừa truyền thống tốt đẹp, thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] cùng chung một đức, sửa sang trăm việc, dốc lòng chuộng văn. Vương thượng ngự xa giá tới thăm nhà Thái học, xem các bia Tiến sĩ trước đây, chạnh lòng muốn khôi phục lệ cũ. Bèn sai tiếp tục khắc bia cho các khoa chưa có bia, sai từ thần ở Hàn lâm viện chia soạn các bài ký.

Chức vụ của thần là vâng tuân biểu dương, hân hạnh khôn xiết, há dám lấy điều thô vụng để chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Đế vương trông dân tất phải nhờ hiền tài chung lo việc trị. Nhân tài ở đời tất phải quan tâm chính sự để ra giúp nước. Như xưa kia muốn trưng cầu mưu lớn thì rộng mở bốn cửa thành để đón tài tuấn đến từ bốn phương, tiếp đãi hiền năng như tân khách thì thể chế mới được yên bình, phong tục mới trở nên tốt đẹp, tác dụng to lớn thật khó mà nói hết. Về sau mới đặt khoa thi Tiến sĩ để làm con đường vời rước hiền tài, đặc cách biểu dương, ưu đãi trọng hậu, anh tài tuấn sĩ đương thời ai ai cũng hân hoan vào cuộc, phấn chí mây rồng, thi thố mưu lược kinh bang tế thế từng ôm ấp trong lòng để đem lại sự nghiệp trị bình, dân chúng nhờ đó mà được đông vui no đủ, trong cõi nhờ đó mà được thanh bình, ấy cũng là do bề trên sùng chuộng nhân tài mà được như thế.

Nước nhà mở vận, thánh đế thánh vương truyền nối, mở ra con đường khoa cử để tìm chọn nhân tài, ơn vinh điển lệ không kém so với thời trước, lại thêm quy chế khắc đá đề danh, tức là phát triển thêm điều trước chưa có, tỏ sự khen thưởng đến vô cùng. Núi cao ngước trông, người xem biết đó là vẻ vang; áo mũ quý hiển, sĩ nhân trông vào mà gắng gỏi, Nho phong nhờ đó chấn phát, thế đạo nhờ đó mà văn minh, đến nay vẫn còn có thể tưởng nghĩ được.

Nay Thánh thượng thịnh tâm hưng trị, quyết chí làm việc, nêu lệ cũ để thi hành, bổ khuyết việc ngày trước chưa làm đủ. Chế độ đổi mới, cả khoa và danh đều có vị trí. Thực tâm yêu mến tài sĩ hiếu chuộng đạo Nho thể hiện sáng tỏ bằng việc làm có công dụng rất rõ ràng. Thế mới biết hiệu quả tác thành nhân tài như ngọn gió xuân đem lại hơi ấm, tới đâu đều phát ánh huy hoàng.

Xem như những người thi đỗ khoa này, có những người trước đã đỗ khoa Hoành từ, văn chương xuất chúng, nhiều người là Giải nguyên2 đã lừng danh trong khoa cử, có người trẻ tuổi thi một lần đỗ ngay, cùng các bậc tam đa túc Nho cùng tiến. Anh tài lớp lớp, tuấn dị hàng hàng, dù là bảng Long hổ ngày xưa cũng không vượt hơn thế.

Khoa này cách nay đã gần ba kỷ, hiện làm quan tại triều chỉ còn vị thứ nhất, thứ ba và thứ mười, tất cả ba người mà thôi. [Nói chung] các vị đều được thăng các chức quan lớn, hoạn lộ hanh thông; có người đứng đầu Ô đài3, nắm giữ hiến chương triều chính; có người làm cấp phó của quan Hạ khanh4 giúp tham tán nhung vụ; có người giữ chức ở Phán cung5 coi giữ giáo pháp. Đó thật là những bậc lương đống của lang miếu, là Thái Sơn Bắc Đẩu của sĩ phu, lòng người ai cũng khen ngợi họ là hạng "trí quân trạch dân" (giúp vua ơn dân). Đến nay lại gặp thời xương thịnh, chúc mừng cử hành việc lớn khen thưởng tôn sùng, các vị lại được khắc tên vào đá cứng để lưu truyền lâu dài, thật vinh hạnh biết bao! Ai kiên tâm giữ vững một lòng giúp vua yên dân thì xứng với sự chiêm vọng của người đời đối với tấm đá này, yêu nước thì phải nhớ câu Bàn thạch chi tiệm6, tiết tháo cứng cỏi làm đá tảng cột trụ miếu đường, bàn định mưu lược phải được như cỏ thi mai rùa, như thế thì cả khoa danh và công danh cùng sáng ngời rực rỡ, không một sinh viên nào là không ngưỡng mộ, có vinh dự nào bằng! Thảng hoặc "dương" phải mà "âm" trái7, ngoài cứng trong giòn, dụng tâm gian hiểm, làm việc bất chính thì ghi trên đá hay ghi trên tre lụa cũng không thể che giấu tì vết, để lại sự hổ thẹn cho muôn đời sau trông vào, thật xấu xa! Vậy ai mà chẳng nghĩ sửa bỏ tì vết để cho thanh danh được toàn vẹn! Thế thì bia đá này dựng lên không chỉ để làm rạng danh Nho khoa, phô trương việc lớn, mà còn là để duy trì gìn giữ thế giáo, vun đắp gốc trị mà bảo vệ vững chắc gốc tảng của nền thái bình đến muôn vạn năm.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sỹ Tiêm8 vâng sắc soạn.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, 1 người:

VŨ THẠNH 武晟9 người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

BÙI CÔNG TỐN 裴公遜10 người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 11 người:

TRƯƠNG CÔNG 張公11 người sở Thiên Kiện huyện Thanh Liêm.

ĐỖ CÔNG BẬT 杜公弼12 người xã Thượng Tốn huyện Gia Lâm.

NGUYỄN DANH DỰ 阮名譽13 người xã Dương Liễu huyện Đan Phượng.

LÊ CHÍ TUÂN 黎志遵14 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.

ĐỖ THÊ 杜梯15 người xã Hương Ngải huyện Thạch Thất.

ĐỖ CÔNG QUỲNH 杜公瓊16 người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn.

VŨ DUY DƯƠNG 武惟揚17 người xã Thanh Tuyền huyện Nam Đường.

NGUYỄN CÔNG ĐỔNG 阮公董18 người xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm.

VŨ TRỌNG TRÌNH 武仲程19 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.

PHAN VINH PHÚC 潘榮福20 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm.

PHẠM ĐÌNH CHÂU 范廷珠21 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giang.

Cẩn sự lang Trung thư giám Chính tự, người xã Phúc Thọ huyện Lương Tài là Đinh Viết Tạo vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).

 

Chú thích:

1. Cũng gọi là Khoa tự, tức tấm bảng gỗ sơn son thếp vàng đề danh hiệu thi đỗ.

2. Giải nguyên: người đỗ đầu (thủ khoa) thi Hương.

3. Ô đài, tức Ngự sử đài.

4. Hạ khanh: Thượng thư Bộ Binh.

5. Phán cung: Học cung của nước Lỗ dựng bên bờ sông Phán Thủy, đây dùng để chỉ Quốc tử giám.

6. Nguyên văn: “Bàn thạch chi tiệm”.

7. Nguyên văn: "Dương thị âm phi", cách dùng "âm, dương" ở đây cũng như nói "nội, ngoại ".

8. Bùi Sĩ Tiêm: Xem chú thích số 3, Bài văn bia 40, Khoa 1656.

9. Vũ Thạnh (1664-?) người xã Đan Luân huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú quán phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc phường Hàng Vải quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Ông là cha của Vũ Huy. Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử. Nhưng ông bị đình thần vu cho là nói xấu phủ chúa và bị bãi chức. Ông về quê dạy học, sau lại được mời ra làm quan, thăng đến chức Tự khanh kiêm Giám thị trường Võ học. Sau khi mất, ông được tặng chức Tham chính.

10. Bùi Công Tốn (1649-1685) người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Tứ Trưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông thi xong, chưa kịp vinh quy thì mất.

11. Trương Công (1665-?) người sở Thiên Kiện huyện Thanh Liêm (nay thuộc xã Thanh Tâm huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Công kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Lỵ Quận công. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo. Sau ông đổi tên là Trương Công Giai.

12. Đỗ Công Bật (1652-?) người xã Thượng Tốn huyện Gia Lâm (nay là thuộc xã Đa Tốn huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là cha của Đỗ Công Đĩnh, từng giữ các chức quan, như Lễ khoa Cấp sự trung, Đốc thị Nghệ An. Sau khi mất, ông được tặng chức Đô Cấp sự trung.

13. Nguyễn Danh Dự (1627-?) người xã Dương Liễu huyện Đan Phượng (nay là xã Dương Liễu huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thị lang, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Lễ, tước bá.

14. Lê Chí Tuân (1649-?) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoàng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông là con của Lê Trung Đạo, làm quan Hiến sát sứ.

15. Đỗ Thê (1463-?) người xã Hương Ngải huyện Thạch Thất (nay là xã Hương Ngải huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông là con của Đỗ Trung Hịch, làm quan Giám sát Ngự sử và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Hộ khoa Đô Cấp sự trung.

16. Đỗ Công Quỳnh (1645-?) người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Giám sát Ngự sử, Đốc đồng Cao Bằng. Sau khi mất, ông được tặng chức Hộ khoa Cấp sự trung.

17. Vũ Duy Dương (1658-?) người xã Thanh Tuyền huyện Nam Đường (nay thuộc xã Nam Thanh huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Giám sát, sau bị truất xuống Tư huấn.

18. Nguyễn Công Đổng (1661-?) người xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Lâm huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông giữ các chức quan, như Đô Ngự sử, Thự Trung thư giám, tước tử và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Công, tước bá.

19. Vũ Trọng Trình (1639-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Hiến sát sứ.

20. Phan Vinh Phúc (1652-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay là xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan đến Hiến sát sứ xứ Sơn Nam. Sau ông đổi tên là Phan Công Phúc.

21. Phạm Đình Châu (1647-?) người xã Kim Đôi huyện Võ Giàng (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi ông là Phạm Đình Tông.

0