18/06/2018, 11:32

Văn bia đề danh tiến sĩ chế khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Trị năm thứ 8 (1565)

Trời mở trung hưng, đời bình thánh chúa. Anh Tông Tuấn hoàng đế đức cả mưu cao, căm ghét kẻ gian thần cướp ngôi họ Hạ 1 ; trừ hung dẹp loạn, ngõ hầu khôi phục nhà Thương 2 . Thực nhờ Thế Tổ Minh Khang đại vương dùng người tài, làm việc chính nghĩa, mài chí trừ dẹp gian tà; muốn có ...

Trời mở trung hưng, đời bình thánh chúa.

Anh Tông Tuấn hoàng đế đức cả mưu cao, căm ghét kẻ gian thần cướp ngôi họ Hạ1; trừ hung dẹp loạn, ngõ hầu khôi phục nhà Thương2. Thực nhờ Thế Tổ Minh Khang đại vương dùng người tài, làm việc chính nghĩa, mài chí trừ dẹp gian tà; muốn có mưu thần kính giúp trong chốn màn trướng, Chế khoa năm Ất Sửu (1565) bèn được mở ra. Đặc sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí chia giữ các việc, vâng mệnh lựa chọn sĩ tử văn học bốn phương. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 10 người. Hoàng thượng đích thân ngự ở hiên điện ra đề thi, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Lê Khiêm 4 người đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân, bọn Lê Nghĩa Trạch 6 người đỗ Đệ nhị giáp đồng Chế khoa xuất thân. Chọn ngày xướng danh yết bảng, tỏ cho sĩ tử thấy kết quả tốt đẹp. Ban tước trật để tỏ lòng ưu ái, cho áo mũ cân đai để điểm tô, ban yến Quỳnh Lâm, ơn sủng tràn đầy mà lễ đãi ngộ cũng rất hậu vậy. Bấy giờ dân chúng trong nước đều hân hoan nói: đời vua thánh mở khoa, ơn vinh rất trọng, sĩ tử đến nay vẫn bàn cho là việc tốt đẹp.

Những người đỗ khoa thi này đều là người tài giỏi lỗi lạc, chăm lo việc nước việc vua, hơn cả Tiêu, Trương3 giúp chúa, sự nghiệp sánh với Y, Chu4 ngày xưa. Công danh sự nghiệp của các vị ấy thực là rạng rỡ, đời sau còn mãi mãi được nhờ.

Mừng nay Hoàng thượng bệ hạ gánh trách nhiệm làm vua làm thầy, nắm quyền định đoạt, rộng tìm hào kiệt, sắp đặt điển chương. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] đích thân gánh vác thiên hạ, ra sức nắm giữ càn khôn mà kẻ sĩ bốn phương mây họp, chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] lo việc trị, tiến cử cất nhắc hiền tài, chấn chỉnh triều cương, lấy thiên hạ làm trách nhiệm của mình. Nghĩ tới các vị công thần trung hưng, muốn danh sáng của họ được lưu truyền trong sử sách, quán các, biểu dương công lao bảo vệ nước nhà, định yên xã tắc, bèn sai từ thần ở Viện Hàn lâm chia nhau soạn bài ký ghi việc thực để công danh sự nghiệp của các vị ấy lưu truyền đến đời sau. Bọn thần kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Trời vần chuyển ở trên, ắt phải nhờ sáu thứ5 để thành công. Vua ngự ở giữa, ắt phải quần hiền giúp trị. Do không để sót hiền tài ở chốn quê mùa mà nhà Ngu được hưởng nền thái bình thịnh trị. Nhờ trong nước có nhiều tài sĩ mà nhà Chu có cảnh tượng yên vui. Từ xưa các bậc đế vương muốn trị yên đất nước không vị nào không coi việc cầu hiền làm công việc trước nhất.

Kính nghĩ: Thánh triều Thái Tổ Cao hoàng đế triều ta dùng võ công định yên thiên hạ, dùng văn giáo chấn hưng nền thái bình, mến chuộng đạo Nho mà văn giáo cực thịnh. Liệt thánh hoàng đế nối tiếp nghiệp lớn, sửa sang điển chế xưa, trọng dụng Nho thần mà cuộc văn minh càng thêm rực rỡ.

Giữa chừng bỗng dưng gặp gian thần ngụy Mạc, khiến cho đạo Nho cơ hồ tiêu tan với đống tro Tần6.

May sao trời sinh Anh Tông Tuấn hoàng đế, làm cho quốc gia được vẻ vang to lớn, thu vời tuấn kiệt, nối mệnh của Trung Tông Vũ hoàng đế đều là nhờ mưu chước của Thế Tổ Minh Khang thái vương giúp mưu tụ tập anh hùng, thu phục cơ đồ cũ, rộng tìm nhân tài trong thiên hạ, thu dùng được hết cả người giỏi để làm việc nước. Thế Tông Nghị hoàng đế nối theo, phần nhiều nhờ Thành Tổ Triết vương giúp công trù hoạch, mở mang bờ cõi, chấn chỉnh mối giềng, lại lập ra khoa thi Chế khoa, chọn hiền tài giúp trị; bấy giờ được nhiều người giúp rất hiệu quả.

Đến nay Hoàng thượng bệ hạ7 nghĩ muốn mở mang nghiệp lớn của tiên tổ, muốn mở quy chế lâu dài; đặc biệt nghĩ hiền tài là nguyên khí của quốc gia phải nên vun trồng, khoa cử là chế độ của triều đình phải nên chấn chỉnh. Bèn sai từ thần chia nhau soạn bài ký chép về các khoa thi Chế khoa từ hồi đầu quốc triều (Trung hưng) cho đến các khoa Tiến sĩ gần đây. Đăng khoa phải có sách chép, đề danh phải có bia ký, để ghi công danh tới muôn đời và để rạng tỏ sự nghiệp đến ức vạn năm.

Kẻ sĩ sinh ra ở đời nay, được ghi tên vào tấm đá, thực may mắn làm sao! Nếu biết đưa gan trung mật nghĩa, lòng đá tiết vàng giúp rập, ra làm tướng thì lo sáng lập kỷ cương, chấn chỉnh pháp độ, khiến cho người đời khen như hạng danh thần Chu Triệu; người giữ chức thì tùy tài mà nhận trách nhiệm, khiến cho người đời tôn khen như hạng đại thần Phòng, Đỗ8 thì những kẻ hiền lương khi đọc bia này sẽ lấy đó làm gương khuyến khích. Còn nếu như nịnh bợ kiêu căng, gian tà hèn nhát sẽ bị người đời sau chê bai: kẻ nọ tà học cùng loại Công Tôn Hoằng, kẻ kia phản lại kinh sách cũng như Vương An Thạch, thế thì kẻ ác cũng phải biết mà tự răn mình.

Thế thì bia đá này dựng lên, trong chỗ khen chê còn có ngụ ý khuyên răn nữa.

Rạng rỡ lớn lao thay quy mô sử dụng hiền tài của liệt thánh! Kế thừa cao cả thay chuẩn mực chọn dùng người hiền của Thánh thượng ngày nay. Đó là vì để mở vận thái bình muôn thuở vậy.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Hàn lâm viện Đãi chế Nguyễn Đăng Cảo9 vâng sắc soạn.

Trung thư giám Hoa văn học sinh người phường Vĩnh Thái huyện Thọ Xương, trú quán xã Hoa Đường là Đào Vinh Lộc vâng sắc viết chữ (chân).

Trung thư giám Hoa văn học sinh người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương, nhà ở xã Hoa Đường là Vũ Cử vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Chế khoa Tiến sĩ xuất thân, 4 người:

LÊ KHIÊM 黎謙10 người xã Bảo Đà huyện Lôi Dương.

BÙI KHẮC NHẤT 裴克一11 người xã Bột Thái huyện Hoằng Hóa.

ĐỖ TẾ MỸ 杜濟美12 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.

DƯƠNG TRÍ DỤNG 楊致用13 người xã Bạt Trạc huyện Thiên Lộc.

Đệ nhị giáp đồng Chế khoa Tiến sĩ xuất thân, 6 người:

LÊ NGHĨA TRẠCH 黎義澤14 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.

ĐINH DOÃN TÍN 丁允信15 người xã Văn Giáp huyện Thượng Phúc.

LÊ VĂN XƯỚNG 黎文唱16 người xã Đan Hải huyện Nghi Xuân.

HOÀNG QUỐC THỰC 黃國實17 người xã Dực Thượng huyện Quảng Xương.

ĐỖ CẢNH 杜璟18 người xã Hoằng Liệt huyện Thanh Trì.

LÊ ĐA NĂNG 黎多能19 người xã Yên Chế huyện Lệ Thuỷ.

Chú thích:

1. Ý nói việc Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê.

2. Chỉ việc triều Lê Trung hưng đánh bại nhà Mạc, khôi phục kinh đô Thăng Long.

3. Tiêu, tức Tiêu Hà, Trương tức Trương Lương, hai công thần đời Hán Cao Tổ.

4. Y tức Y Đoãn, đại thần phụ chính của Thành Thang nhà Thương; Chu tức Chu Công (tên là Đán), đại thần phụ chính của Chu Vũ vương.

5. Nguyên văn “lục vật”: tuế, nguyệt, nhật, thời, tinh, thần.

6. Tro Tần: do chữ "Tần khôi" dịch ra. Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn học trò. Vì đốt sách thành tro, cho nên gọi là tro của nhà Tần.

7. Chỉ vua Lê Thần Tông (1649-1662).

8. Phòng, Đỗ tức Phòng Huyền Linh và Đỗ Như Hối, hai vị danh thần đời vua Thái Tông nhà Đường.

9. Nguyễn Đăng Cảo: Xem chú thích 5, Bia số 15 .

10. Lê Khiêm (1541-1623) người xã Bảo Đà huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tham chính, tước hầu. Được vinh phong là Cương chính Kiệt tiết Tuyên lực công thần.

11. Bùi Khắc Nhất (1544-?) người xã Bột Thái huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Vinh huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hộ, tước Văn Phú bá, được vinh phong là Kiệt tiết Tuyên lực Hiệp mưu Tá lý công thần.

12. Đỗ Tế Mỹ (1535-1597) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoàng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông là con Đỗ Danh Đại và làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ, tước Sùng Lĩnh hầu. Khi mất, ông được tặng Thượng thư, gia phong Thái bảo, tước Quận công.

13. Dương Trí Dụng (?-?) người xã Bạt Trạc huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Nhân Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông nội của Dương Trí Thạch. Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Hộ, tước Lâm Hoa bá, sau thăng Tả Thị lang Bộ Binh kiêm lĩnh chức Thừa chính sứ trấn Sơn Nam. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Binh, Thái bảo, tước Lâm Quận công.

14. Lê Nghĩa Trạch (1536-1614) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoằng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông nội của Lê Sĩ Triệt, cao tổ Lê Sĩ Cẩn. Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hộ. Khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Binh, Thái bảo, tước Nham Quận công, gia phong Kiệt tiết Tuyên lực công thần.

15. Đinh Doãn Tín (?-?) người xã Văn Giáp huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ.

16. Lê Văn Xướng (1541-?) người xã Đan Phố huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Xuân Phố huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Hiến sát sứ.

17. Hoàng Quốc Thực (1542-?) người xã Dực Thượng huyện Quảng Xương (nay thuộc huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sát sứ.

18. Đỗ Cảnh (?-?) người xã Quang Liệt huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì Tp.Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại. Khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, tước Quận công.

19. Lê Đa Năng (?-?) người xã An Chế huyện Lệ Thủy (nay thuộc huyện Lệ Ninh tỉnh Quảng Bình). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi ông là Lê Danh Năng.

0