Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Hoằng Định năm thứ 8 (1607)
Nước nhà ta, trời mở vận thánh hưng, sao sáng chiếu văn vận. Thái Tổ Cao hoàng đế mở mang bờ cõi, giáo dục anh tài, chưa đặt khoa Tiến sĩ, nhưng điềm báo nền tư văn đã mở ra, sự nảy nở nhân tài cũng bắt đầu từ đó. Thái Tông Văn hoàng đế vẻ vang kế nối ý chí tiên hoàng, lớn lao chấn hưng ...
Nước nhà ta, trời mở vận thánh hưng, sao sáng chiếu văn vận. Thái Tổ Cao hoàng đế mở mang bờ cõi, giáo dục anh tài, chưa đặt khoa Tiến sĩ, nhưng điềm báo nền tư văn đã mở ra, sự nảy nở nhân tài cũng bắt đầu từ đó.
Thái Tông Văn hoàng đế vẻ vang kế nối ý chí tiên hoàng, lớn lao chấn hưng Nho học, kẻ sĩ bốn phương hội tụ như mây, vận văn học hàng năm hưng thịnh, phép khoa cử đã bắt đầu thi hành từ đó.
Nhân Tông Tuyên hoàng đế đóng dinh giữ thành, noi khuôn phép cũ, kế thừa chế độ thời thịnh của tiền vương để thu chọn kẻ thực tài trong hàng sĩ tử, cũng có thể coi là đầy đủ của đời trị.
Thánh Tông Thuần hoàng đế thừa hưởng quy mô hiển hách đời trước, kế nối công việc của tiên vương, rộng tìm hiền tài, mở đường cho hậu thế, lo nghĩ thực đã hết mực sâu xa.
Các đời vua thánh nối tiếp tuân thủ quy chế thành pháp, noi theo phép cũ, mở mang vẻ sáng nhân văn để mưu cầu đạo trị. Thời vận gặp lúc họ Mạc tiếm quyền, công cuộc trung hưng lại khôi phục được cơ đồ cũ. May có Trang Tông Dụ hoàng đế lo toan mưu lược, lại rộng ban ơn đức, ham chuộng văn học, gìn giữ nếp xưa mà sự nghiệp của tổ tiên lại được tiếp nối.
Trung Tông Vũ hoàng đế nối giữ cơ đồ, lựa dùng Nho sĩ mà trong nước lại được trị bình.
Anh Tông Tuấn hoàng đế thánh học cao minh, đạo đức dồi dào, biết điều khiển những kẻ anh tài, rộng tìm người hiền năng tài tuấn. Thực nhờ Thế Tổ Minh Khang thái vương giúp đỡ, gây lại quy mô, chấn hưng văn học.
Thế Tông Nghị hoàng đế tài đức xuất chúng, chí khí hơn người, lưu tâm chọn hiền, gắng sức sửa sang nền thịnh trị.
Kính Tông Huệ hoàng đế kế nối cơ nghiệp lớn, suy tính lâu dài, noi phép tổ tiên lập ra quy tắc điển chế, thu dùng các bậc hiền thần, mở mang sự nghiệp, vừa lập võ công hiển hách đã liền để tâm văn trị. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương giúp mưu trù hoạch, dẹp xong loạn lạc, lấy lại kinh đô, giữ yên xã tắc. Mặc dầu đang gấp việc dụng binh nhưng vẫn lấy việc thi chọn sĩ tử làm đầu. Năm Đinh Mùi mở khoa thi Hội, đặc sai Đề điệu là Hữu đô đốc Xuyên Quận công Đỗ Thế Vinh, Tri Cống cử là Hình bộ Thượng thư Nghĩa Khê hầu Nguyễn Lễ, Giám thí là Định Lương bá Hoa Hữu Mô cùng trăm quan chia giữ các việc. Vâng tiến hành phép thi, chọn được hạng xuất sắc 5 người. Lại vâng vào Điện thí, ban cho Lưu Đình Chất 1 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Ngô Nhân Triệt 4 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Thứ bậc ơn vinh, thảy đều phép cũ, chỉ việc khắc đá đề danh là chưa kịp làm.
Kính nghĩ: Ngày nay Hoàng thượng bệ hạ trang nghiêm chốn cửu trùng, xét rõ trăm việc, giáo dưỡng tác thành nhân tài, sửa sang [...]. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] giao trọn quyền cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] trong thống suất trăm quan, ngoài sánh ngang bốn biển.
[...] Quốc triều từ khi Trung hưng đến nay, các khoa thi Chế khoa, các khoa thi Tiến sĩ [...] sai từ thần chia soạn bài ký để truyền mãi mãi.
Bọn thần khôn xiết vui mừng, không dám không đem hết lòng ngu trung [...] khắc vào bia đá để nêu rõ sự khuyến khích rộng lớn [...].
Kẻ sĩ ngày nay phải nên gắng sức sửa mình, cũng giống như công mài đá giũa ngọc để có thể làm người trung hậu mà đứng giữa triều đình. Gắng hết sức trau dồi đạo đức phẩm tiết để giúp vua được như vua đời Đường Ngu, để cho dân được nhờ ơn như dân đời Nghiêu Thuấn, khiến cho nước nhà yên ổn, vững chắc như bàn thạch, ngõ hầu không phụ tấm lòng bề trên yêu mến thì những điều sở học trong đời đã được đắc dụng vậy.
Thảng hoặc có người nào chỉ chuộng hư danh mà không có thực học, dua đời tà học, lo giữ bổng lộc mà không dám can ngăn, sợ tội không dám nói, đến nỗi dân tình oán thán cũng chẳng có một lời khuyên can như kim châm thuốc đắng. Người đời sau nhìn vào tấm bia này, chỉ vào tên người ấy mà nói rằng: đó là hạng thừa thãi của khoa mục, là kẻ có tội với thanh danh giáo hóa. Như thế thì tỳ vết không thể che đậy được, chẳng đáng sợ lắm sao !
Bọn thần kính cẩn làm bài ký.
Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.
Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Đăng Minh1 vâng sắc soạn.
Trung thư giám Hoa văn học sinh, người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm, Nho Sơn nam Nguyễn Khuê Lâm vâng sắc viết chữ (chân).
Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện dịch Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
LƯU ĐÌNH CHẤT 劉廷質2 người xã Quỳ Chử huyện Hoằng Hóa.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 4 người:
NGÔ NHÂN TRIỆT 吳仁澈3 người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong.
LÊ THẤT DỤC 黎室慾4 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.
ĐỖ KHẮC NIỆM 杜克念5 người xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang.
NGUYỄN TRẠM 阮湛6 người xã Cát Bi huyện Thượng Phúc.
Chú thích:
1. Nguyễn Đăng Minh (1623-1696) quê xã Hoài Bão huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông là em Nguyễn Đăng Cảo, cha của Nguyễn Đăng Tuân, Nguyễn Đăng Đạo, đều là danh sĩ đương thời và làm quan Tế tửu Quốc tử giám. Nguyễn Đăng Minh là tác giả của 3 văn bia Tiến sĩ, khoa 1607, khoa 1610 và khoa 1613.
2. Lưu Đình Chất (1566-?) người xã Quỳ Chử huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoàng Quỳ huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Tá lý công thần, Tham tụng, Thượng thư Bộ Hộ, Thiếu bảo, tước Lộc Quận công và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi mất được thăng Thiếu dư.
3. Ngô Nhân Triệt (?-?) người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông là cháu nội của Ngô Hải, con Ngô Trừng, cha Ngô Nhân Tuấn. Ông làm quan Tự khanh và được cử làm Phó sứ (năm 1620) sang nhà Minh (Trung Quốc).
4. Lê Thất Dục (1570-?) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoằng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo. Có tài liệu ghi ông là Lê Trất Dục
5. Đỗ Khắc Niệm (?-?) người xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông là em của Đỗ Khắc Kính và làm quan Cấp sự trung.
6. Nguyễn Trạm (1560-?) người xã Cát Bi huyện Thượng Phúc (nay là thôn Cát Bi xã Thụy Phú huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hữu Thị lang, tước tử.