Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức năm thứ 27 (1496)
Thánh hoàng đế trị vì 37 năm, muôn cõi chung hưởng cảnh xuân, chín châu hợp về một mối, nền trí trị sáng tựa mặt trời, anh tài họp dường mây tụ. Mùa xuân năm đó là năm mở khoa thi, [sĩ nhân trong nước tới kinh đô dự thi rất đông, mà số trúng cách] được 43 người. Ngày Đinh Dậu 19 tháng 3, ...
Thánh hoàng đế trị vì 37 năm, muôn cõi chung hưởng cảnh xuân, chín châu hợp về một mối, nền trí trị sáng tựa mặt trời, anh tài họp dường mây tụ. Mùa xuân năm đó là năm mở khoa thi, [sĩ nhân trong nước tới kinh đô dự thi rất đông, mà số trúng cách] được 43 người. Ngày Đinh Dậu 19 tháng 3, Hoàng thượng ngự tại điện Kính Thiên [ra bài văn sách hỏi về đạo trị nước]. Sai Đề điệu là Binh bộ Thượng thư Định Công bá Trịnh Công Đán, Ngự sử đài Đô Ngự sử Quách Hữu Nghiêm, Giám thí là Hộ bộ Hữu Thị lang Nguyễn Hoằng [...]1 cùng các quan lớn nhỏ chia giữ các việc.
Sáng hôm sau [...] bọn Đào Thuấn Cử dâng quyển để Hoàng thượng ngự lãm. Ngày Canh Tý 22 tháng ấy quan hữu ti dẫn những người trúng cách vào sân điện Kim Quang, Hoàng đế đích thân xem dung mạo xét định, chọn lấy 30 người. Đến ngày Ất Tị 27, vua ngự tại điện chính để làm lễ xướng danh. Ban cho bọn Nghiêm Viện trở xuống các hạng Tiến sĩ cập đệ, Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Ban cấp ân vinh y theo điển cũ. Lại sai Bộ Công khắc đá, sai Lưu Hưng Hiếu làm bài ký ghi lại sự việc.
Thần kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:
[...] Từ xưa các bậc đế vương trị nước, chấn hưng giáo hóa mở mang thịnh trị không vị nào không coi việc cầu nhân tài, kén kẻ sĩ là việc đầu tiên.
Kính nghĩ Hoàng đế bệ hạ đem tư chất thánh trí anh minh, nối vận hội thái bình chăm lo mưu trị, khuya sớm dùi mài, cầu người hiền bằng nhiều phương, kén người giỏi bằng đủ lối. Lại dựng trường học để dự bị người tài, đặt khoa thi để tác thành kẻ sĩ. Hoàng thượng ngự ở hiên điện, đích thân ra câu hỏi để xét tuyển, cho yết bảng đề tên người thi đỗ để được vẻ vang. Quy mô mưu trị, ý đẹp chấn tác hiền tài như thế thực đã đi chung một đường với các bậc thánh chúa minh quân đời xưa vậy.
Kẻ sĩ sinh ở đời này thật may mắn làm sao! Vậy nên phải cốt ở thực chất, lánh bỏ hư danh, văn chương phải cứng cỏi hồn thuần, sự nghiệp phải lâu dài to lớn, cũng như bảng Long hổ đời Đường được Hàn Dũ làm vẻ vang cho nước [...] khiến người đời sau nhón chân kính ngưỡng không thôi, như thế há chẳng phải đẹp hay sao? Thảng hoặc có người làm những việc khác với sở học, danh trái với thực, như Công Tôn tà học xu thời, An Thạch phép mới gạt dân, khoa mục thẹn lây, đá xanh lấm vết, chẳng những trái hẳn ý triều đình đặt khoa thi chọn học trò, mà còn khiến cho chí nguyện bình sinh trẻ học lớn làm của sĩ tử cũng bị hổ thẹn sâu sắc. Há chẳng nên tự răn sao?
Thần kính cẩn làm bài ký.
Hiển cung đại phu Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Lưu Hưng Hiếu2 vâng sắc soạn.
Cẩn sự lang Trung thư giám Chính tự Nguyễn Đức vâng sắc viết chữ (chân).
Mậu lâm lang Kim quang môn Đãi chiếu Nguyễn Nhân vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 6 tháng 12 niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496).
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
NGHIÊM VIỆN 嚴瑗3 người xã Bồng Lai huyện Quế Dương.
NGUYỄN HUÂN 阮勛4 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.
ĐINH LƯU 丁鎏5 người xã An Dật huyện Thanh Lâm.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:
ĐINH CƯƠNG 丁疆6 người xã Tiên Táo huyện Bình Hà.
NGUYỄN THANH 阮清7 người xã Nghĩa Trai huyện Gia Lâm.
ĐẶNG MIỄN CUNG 鄧勉恭8 người xã Văn Triền huyện Bình Hà.
LÊ QUÝNH 黎絅9 người xã Tuy Lai huyện Vũ Tiên.
TRIỆU NGHỊ PHÙ 趙誼符10 người xã Đức Lạp huyện Lập Thạch.
PHẠM CẢNH LƯƠNG 范景良11 người xã Bất Náo huyện Kim Thành.
PHẠM GIỚI 范玠12 người huyện Tiên Phong.
NGUYỄN KHIẾT TÚ 阮潔秀13 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 19 người:
NGUYỄN ĐẠO DIỄN 阮道演14 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.
TRẦN CỦNG UYÊN 陳鞏淵15 người xã Ngoại Lãng huyện Thư Trì.
PHẠM THÔNG 范聰16 người xã Nhất Trai huyện Lương Tài.
VĂN VĨ 文偉17 người xã Cát Vũ huyện Bạch Hạc.
NGUYỄN CỦNG THUẬN 阮拱順18 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.
NGUYỄN TỔ KHUÊ 阮組珪19 người xã La Xá huyện Giáp Sơn.
TRẦN TƯỚC 陳爵20 người xã Yên Lạc huyện La Sơn.
HOÀNG KIỂU VINH 黃矯榮21 người xã Dục Đại huyện Thanh Lâm.
NGUYỄN TƯỜNG PHIÊU 阮翔縹22 người xã Đỗ Tùng huyện Gia Phúc.
ĐÀM TỤY 譚萃23 người xã Hoàng Gia huyện Cẩm Giàng.
ĐỖ TÚC KHANG 杜夙康24 người xã Hà Vĩ huyện Đông Ngàn.
NGUYỄN KIỆN HY 阮健僖25 người huyện Duy Tiên.
VŨ TIẾN CHIÊU 武進昭26 người xã Vĩ Vũ huyện Vũ Giàng.
NGUYỄN THƯỢNG NGHIÊM 阮尚嚴27 người xã Khúc Toại huyện Yên Phong.
NGUYỄN SỞ THÙY 阮楚倕28 người xã Thanh Sơn huyện Vũ Giàng.
ĐỖ TOẠI 杜璲29 người xã An Bài huyện Phụ Dực.
ĐỖ HOẰNG 杜弘30 người xã Nghĩa Bổng huyện Thư Trì.
TRẦN KHẢI ĐỄ 陳愷悌31 người xã Thanh Lãng huyện Yên Lãng.
NGUYỄN KÍNH 阮敬32 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.
Chú thích:
1. Những chỗ trên bia chữ bị mờ mòn không đọc được, chúng tôi đặt dấu 3 chấm trong ngoặc vuông.
2. Lưu Hưng Hiếu (1456-?) thi đỗ Bảng nhãn khoa Tân Sửu năm Hồng Đức thứ 12 (1481). Xem chú thích số 6, Bia số 7.
3. Nghiêm Viện (?-?) người xã Bồng Lai huyện Quế Dương (nay thuộc xã Bồng Lai huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông vốn tên là Nghiêm Viên, vua Lê Thánh Tông đổi tên cho gọi là Nghiêm Viện và gả công chúa cho.
4. Nguyễn Huân (1473-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông đi thi đều đỗ đầu, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo.
5. Đinh Lưu (1479-?) người thôn An Dật huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Thái Tân huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Đông các Đại học sĩ.
6. Đinh Cương (?-?) người xã Tiên Táo huyện Bình Hà (nay thuộc xã Thanh An huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông được vua phê đổi tên là Cường. Sau ông theo nhà Mạc, làm quan Thượng thư Bộ Lại, tước hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
7. Nguyễn Thanh (1467-?) người xã Nghĩa Trai huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Tân Quang huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Sau ông theo nhà Mạc và làm quan đến Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Văn Đàm bá.
8. Đặng Miễn Cung (?-?) người xã Văn Mặc huyện Bình Hà (nay thuộc xã Liên Mạc huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Hiến sát sứ.
9. Lê Quýnh (?-?) người làng Tuy Lai huyện Vũ Tiên (nay thuộc xã Phú Xuân huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình). Ông làm quan đến Hiến sát sứ.
10. Triệu Nghị Phù (1462-?) người xã Đức Lạp huyện Lập Thạch (nay thuộc huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc). Ông thi đỗ Trạng nguyên nhưng phạm lỗi bị truất xuống Đệ nhị giáp. Có sách ghi là Triệu Tuyên Phù Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
11. Phạm Cảnh Lương (?-?) người xã Bất Nhiễm huyện Kim Thành (nay thuộc xã Kim Anh huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
12. Phạm Giới (1470-?) người huyện Tiên Phong (nay là vùng đất huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
13. Nguyễn Khiết Tú (?-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tham chính.
14. Nguyễn Đạo Diễn (1468-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Hiến sát sứ.
15. Trần Củng Uyên (1470-?) người làng Ngoại Lãng huyện Thư Trì (nay thuộc xã Song Lãng huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hiến sát sứ.
16. Phạm Thông (?-?) người xã Nhất Trai huyện Thiện Tài (nay thuộc xã Minh Tân huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông từng làm quan Thiên đô Ngự sử.
17. Văn Vĩ (1470-?) người xã Cát Vũ huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Đại Tự huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan đến Hình khoa Đô Cấp sự trung.
18. Nguyễn Củng Thuận (1472-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại.
19. Nguyễn Tổ Khuê (?-?) người xã La Xá huyện Giáp Sơn (nay thuộc xã Thượng Quận huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đoán sự.
20. Trần Tước (1470-?) người xã Cổ Ngu huyện La Giang (nay thuộc xã Đức Lâm huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Tri huyện, Giám sát Ngự sử.
21. Hoàng Kiểu Vinh (1454-?) người xã Dục Đại huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Sơn huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Sau di cư đến xã An Trang huyện Thiện Tài (nay thuộc huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Đô đình uý, Thượng thư và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
22. Nguyễn Tường Phiêu (?-?) người xã Đỗ Tùng huyện Gia Phúc (nay thuộc xã Đoàn Tùng huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Thừa chính sứ. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư và phong phúc thần.
23. Đàm Tụy (1453-?) người xã Hoàng Gia huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Cẩm Vũ huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Thượng thư.
24. Đỗ Túc Khang (?-?) người xã Hà Vĩ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan đến Thừa chính sứ.
25. Nguyễn Kiện Hy (1470-?) người huyện Duy Tân (nay thuộc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc.
26. Vũ Tiến Chiêu (?-?) người xã Vĩ Vũ huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Vũ Ninh thị xã Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tham chính.
27. Nguyễn Thượng Nghiêm (?-?) người xã Khúc Toại huyện Yên Phong (nay thuộc xã Khúc Xuyên huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa chính sứ.
28. Nguyễn Sở Thùy (?-?) người xã Thanh Sơn huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Vũ Ninh thị xã Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Hiến sát sứ.
29. Đỗ Toại (?-?) người làng An Bài huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Bài huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Thị lang và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
30. Đỗ Hoằng (?-?) người xã Nghĩa Bổng huyện Thư Trì (nay thuộc xã Việt Hùng huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình). Ông làm quan đến Thị lang.
31. Trần Khải Đễ (1469-?) người xã Thanh Lãng huyện Thanh Lãng (nay thuộc xã Thanh Lãng thị xã Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tham chính.
32. Nguyễn Kính (1479-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư và được cử đi sứ hai lần.