Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Đức Long năm thứ 3 (1631)
Trời mở thái bình, sao Khuê rạng soi văn trị, ý là có bậc vua sáng mở mang giáo hóa cho đời chăng? Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ gìn giữ cơ đồ lớn lao, vẻ vang đảm đương mệnh lớn, chưa rỗi việc khác đã chú trọng việc mở Nho khoa. Bèn vào năm Tân Mùi, ban chiếu thư truyền cho các phủ ...
Trời mở thái bình, sao Khuê rạng soi văn trị, ý là có bậc vua sáng mở mang giáo hóa cho đời chăng?
Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ gìn giữ cơ đồ lớn lao, vẻ vang đảm đương mệnh lớn, chưa rỗi việc khác đã chú trọng việc mở Nho khoa. Bèn vào năm Tân Mùi, ban chiếu thư truyền cho các phủ huyện trong nước tiến cử sĩ tử, bủa mẻ lưới lớn thu lấy anh tài, chọn được 5 người thuộc hạng xuất sắc. Đó là khoa thứ hai kể từ buổi Trung hưng.
Ngày hôm sau, Hoàng thượng ngự ở hiên điện, ra bài thi hỏi về đạo trị nước của các đế vương. Đề điệu là Thái phó Lỵ Quận công Lê Lựu, Tri Cống cử là Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Chưởng Hàn lâm viện sự Đông các Đại học sĩ Thiếu uý Lan Quận công Nguyễn Thực, Giám thí là bọn Lại bộ Tả Thị lang Lai Phong hầu Nguyễn Tuấn, Lễ bộ Tả Thị lang Xuân Lại hầu Nguyễn Tự Cường dâng quyển lên đọc. Hoàng thượng đặc cách xem xét, ban cho Nguyễn Thọ Quyến đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Biện hai người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Danh Thọ hai người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Thế là khôi nguyên khoa này lại có người đỗ. Ban cho áo mũ cân đai để đẹp thân, cho dự yến nghe hát để thỏa lòng, ban cho tước cao lộc hậu để tỏ lòng ưu ái, lễ đãi hiền thật vẻ vang long trọng. Đến nay lại theo lệ xưa mà mở thêm khuôn khổ, sai từ thần soạn bài ký khắc vào bia đá. Bọn thần quê mùa nông cạn, sao đủ sức nêu cao thánh đức cho xứng đáng một trong muôn phần của ý chỉ cao minh. Nhưng bọn thần đã lạm dự chức việc ở nơi tướng phủ, há dám không cúi đầu rập đầu mà chép rằng:
Trời đã vì nước sinh người hiền để giúp thì nước ngày càng thịnh trị. Thánh nhân vâng theo ý trời để trị nước, chăm lo cầu hiền thì người hiền tìm đến ngày một đông. Cho nên các bậc thánh đế minh vương đời trước chẳng ai không chú trọng việc cầu hiền nên mới được thịnh trị như vậy.
Kính nghĩ: Thánh triều Thái Tổ Cao hoàng đế dùng võ công định thiên hạ, lấy văn giáo mở thái bình, trước hết lập nền quốc học, trong chọn cử hiền tài, nhờ thế văn giáo dần dần chấn hưng. Các bậc thánh giữ cơ nghiệp trị bình, bồi đắp nền giáo hóa, đặt khoa thi Tiến sĩ, dựng bia ở nhà Thái học, văn phong nhờ đó mà được chấn hưng.
Từ đó về sau, vua thánh tôi hiền nối nhau kế tục, chế độ rõ ràng. Tuy nhất thời gặp cơn vận bĩ, song trung hưng lại có vua hiền. Trang Tông Dụ hoàng đế, Trung Tông Vũ hoàng đế, Anh Tông Tuấn hoàng đế, đức cả mưu cao, quyết lòng dẹp loạn. Đều nhờ Thế Tổ Minh Khang thái vương khởi xướng nghĩa binh, rộng kiếm nhân tài. Noi theo phép nhà Đường đặt khoa thi chọn kẻ sĩ, theo phép nhà Tống để kén nhân tài, cho nên chính nhân quân tử nối nhau xuất hiện để được dùng ở thời thịnh sáng.
Thế Tông Nghị hoàng đế, Kính Tông Huệ hoàng đế khôi phục cơ đồ xưa, mở mang giềng mối lớn. Thực nhờ Thành Tổ Triết vương giữ vững xã tắc, cất dùng hiền tài, lớp lớp đông đảo các bề tôi nghiêm túc, rạng rỡ sân triều, thời bấy giờ có tiếng là đắc nhân. Nhưng việc dựng bia đá đề danh thì chưa kịp làm, chấn chỉnh lại việc đó chính là lúc này vậy.
Đến nay Thánh thượng đoan nghiêm chốn cửu trùng, lo gìn giữ nước nhà, trăm việc sửa sang pháp độ, đạo trị nước còn mong có người kính giúp. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng chủ Sư phụ Công cao Thông đoán Nhân thánh Thanh vương] lập công tích để yên lòng người, để lại mưu lược lâu dài cho con cháu, giao trọn quyền cho [Đại nguyên soái Tổng quốc chính Tây Định vương] lo yên thiên hạ, phục hưng nền văn. Phàm những người đỗ Tiến sĩ Chế khoa của bản triều đều đem khắc vào bia đá tốt truyền mãi tới đời sau, chính là ngụ ý khuyến khích cho lòng người phấn chấn.
Kẻ sĩ may mắn được khắc tên trên bia đá này cần phải nêu cao đức liêm khiết, cần mẫn; bịt lấp ngõ tham lam, ganh ghét; lấy lòng trung thờ vua, đem ơn huệ đến cho dân; ngồi ở triều đình thì giữ công tâm, khiến lũ gian hùng rụt cổ; ra ngoài thì thi hành lương chính để trăm họ thỏa lòng. Được như thế trên không phụ ơn triều đình ưu ái, dưới không phụ hoài bão giúp vua lợi dân. Công lao lừng lẫy một thời, tiếng tăm lưu truyền hậu thế, khiến người đời sau xem bia đá này sẽ chỉ tay vào tên mà nói: Người này là cây trụ đá chống trời, người kia đúng là mai rùa cỏ thi. Nếu không được như vậy, người ta sẽ nhìn vào tên mà bảo rằng: Người này là kẻ cầm quyền sâu mọt hại nước, người kia là kẻ tàn ác hại người. Công luận nghiêm xét, muôn thuở chẳng mòn, há chẳng nên thận trọng sao?
Xem thế đủ biết Hoàng triều khuyến khích sâu xa, biểu dương hết mực, chính là muốn có được những người tài năng uyên bác để giúp lo việc trị, khiến cho nước nhà vững như bàn thạch.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự, Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.
Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Trịnh Cao Đệ1 vâng sắc soạn.
Trung thư giám Hoa văn học sinh Nguyễn Diễn người xã Bình Dân huyện Đông Yên vâng sắc viết chữ (chân).
Trung thư giám Hoa văn học sinh Đỗ Công Vị người giáp Tây Đài phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên vâng sắc viết chữ triện.
Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, 1 người:
NGUYỄN THỌ QUYẾN 阮壽眷2 người xã Lạc Sơn huyện Chí Linh.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
LÊ BIỆN 黎抃3 người xã Phủ Lý huyện Đông Sơn.
NGUYỄN CAO NHẠC 阮高岳4 người xã Hoài Bão huyện Tiên Du.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
NGUYỄN DANH THỌ 阮名壽5 người xã Nguyệt ng huyện Thanh Trì.
NGUYỄN VĂN TRẠC 阮文濯6 người xã Mai Dịch huyện Từ Liêm.
Chú thích:
1 Trịnh Cao Đệ: Xem chú thích số 2, Bia số 23.
2 Nguyễn Thọ Quyến (1578-1672) người xã Lạc Sơn huyện Chí Linh (nay thuộc xã An Lạc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư Bộ Công, hàm Thiếu bảo, tước Cẩm Quận công. Khi đi thi, ông tên là Nguyễn Minh Triết, được vua phê đổi tên là Thọ Quyến vì vậy các sách đăng khoa lục đều ghi là Nguyễn Minh Triết. Có tài liệu còn ghi ông tên là Nguyễn Hậu Quyến.
3 Lê Biện (1586-?) người xã Phủ Lý huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Thiệu Trung huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Lại khoa Đô Cấp sự trung, tước Cẩm Nham tử.
4 Nguyễn Cao Nhạc (1589-1668) người xã Hoài Bão huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc, tước Tuy Lộc bá. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Kiều Nhạc.
5 Nguyễn Danh Thọ (1603-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc xã Đại Áng huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tự khanh, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công.
6 Nguyễn Văn Trạc (1598-1672) người xã Mai Dịch huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Mai Dịch quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Công, tước Liêm Quận công. Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo.