Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 2 (1659)
Kính nghĩ: Thần Tông Uyên hoàng đế lại lên ngôi báu đến nay đã 10 năm. Xem nhân văn biến đổi mà khôi phục quy mô giữ nước, đổi mới chế độ mà điển chương vẫn giữ phép xưa. Thực nhờ có Văn Tổ Nghị vương chăm chỉ thi hành đức sáng, mộng tưởng tìm chọn anh tài 1 . Bèn vào mùa xuân tháng 2 năm ...
Kính nghĩ: Thần Tông Uyên hoàng đế lại lên ngôi báu đến nay đã 10 năm. Xem nhân văn biến đổi mà khôi phục quy mô giữ nước, đổi mới chế độ mà điển chương vẫn giữ phép xưa. Thực nhờ có Văn Tổ Nghị vương chăm chỉ thi hành đức sáng, mộng tưởng tìm chọn anh tài1. Bèn vào mùa xuân tháng 2 năm Kỷ Hợi sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí thi Hội các sĩ nhân trong nước, chọn hạng trúng cách được bọn Lê Thức 20 người.
Mùa hạ tháng 4 vào Điện thí. Ban cho bọn Nguyễn Quốc Trinh 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Mai Trọng Hòa 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Duy Chất 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ban áo mũ cân đai để y phục đẹp đẽ, cho dự yến Quỳnh Lâm để tỏ ơn trọng hậu, rồi cho cưỡi ngựa vinh quy về làng, nêu cao lòng sủng ái.
Bấy giờ khanh sĩ làm quan tại triều, ấn thao tua mũ san sát đầu hồi chính điện; có người cầm ấn phù tiết việt đi trấn giữ một phương, nườm nượp răm rắp, trong ngoài gắng gỏi, đều là những người thi đỗ trong khoa này. Nhân tài như thế, há chẳng là thịnh hay sao!
Nhưng vì năm đó việc khắc đá đề danh vừa xong chưa kịp dựng thì có việc phải chờ lệnh mới, thế rồi lần lữa ngày tháng trôi qua, cho đến nay đã 58 năm, công việc vẫn còn bỏ dở. Muốn noi theo việc của tổ tông, làm cho đủ những việc đời trước còn thiếu, có lẽ còn phải đợi đến ngày nay vậy.
Nay mừng Hoàng thượng2 hết lòng trị nước, ưa chuộng văn chương, giữ gìn nếp cũ, lưu tâm nối chí noi việc, lấy tôn Nho trọng đạo làm việc hàng đầu. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương]3 chỉnh lý muôn việc, sửa sang văn giáo, hằng muốn khôi phục khuếch trương chế độ quốc gia, đủ đầy khuôn mẫu triều chính, để ngày nay theo đó làm căn cứ mà phù trì, đều nhờ có nhiều hiền tài chọn được trong các khoa thi Tiến sĩ đồng lòng phò tá kính giúp mới được thế. Nếu không phô trương thịnh điển, chấn tác văn phong, thì làm sao khích lệ được anh tài, nâng cao được sĩ khí ? Nhân lúc đến thăm nhà Thái học, Vương thượng bèn hăng hái xuống dụ: Phàm các khoa thi Tiến sĩ mà chưa bia khắc đều sai Bộ Công khắc đá, giao cho từ thần soạn bài ký để khắc bia.
Thần giữ chức soạn thuật, không dám lấy sự nông vụng chối từ, kính cẩn cúi đầu rập dầu dâng lời rằng:
Hoàng thiên mến giúp nước nhà tất sinh hiền tài để phò tá, bậc nhân quân cầu vời người giỏi ắt phải tìm chọn trong chốn khoa trường. Nếu sự tuyển chọn có phương, thu nạp kiếm tìm có hướng, thì trăm nghìn tài tuấn đều thuộc quyền vua sai, nguyện đem tài trí mưu mô giúp vua trị nước, đưa thế đạo ngang đời Đường Ngu cũng không phải là chuyện khó.
Kính nghĩ: Quốc triều thuận trời mở nước, vỡ đất dựng nền, chấn hưng việc võ, sửa sang việc văn, thi hành nhân đức, giảng dạy lễ nghĩa. Từ khi sáng nghiệp về sau đời đời truyền nối giữ gìn, khuôn phép quy mô chặt chẽ, khoan nới ân nghĩa dùng người, rộng đường kén chọn kẻ sĩ, nhân tài mây họp, mọi chức đủ đầy. Từ ngày Trung hưng đến nay thánh đế thánh vương tao phùng, đồng tâm hiệp đức, sùng chuộng văn hóa, chăm cầu hiền năng, tài tuấn chung hàng, dập dìu tiến bước. Được người đông đảo, có thể sánh đẹp vời đời Đường Ngu, mà có phần vượt hơn thời Triệu Tống vậy.
Nhất là ngày nay mưu lược lớn lao, thi triển rộng lớn, hiến chương chế độ rõ ràng, tưởng nhớ các bậc anh hiền xưa trợ giúp; bèn sai đem họ tên những người thi đỗ khoa này khắc lên bia đá tốt để phát dương hương thơm trung nghĩa ở chốn cửu tuyền, để lại cho đời sau gương soi trong việc chọn hiền, thật là nhân hậu xiết bao!
Hãy lấy sự nghiệp của các nhân tài thi đỗ khoa này mà xem: có người cứng cỏi dám nói, khảng khái đứng giữa triều, nghị bàn xác đáng4, gian khó không nề, đáng gọi là bậc Trạng nguyên trung hiếu. Có người văn học uyên bác, làm khuôn mẫu cho đời, học trò kính ngưỡng như Thái Sơn, Bắc Đẩu, mà cũng được sự hâm mộ ở mọi người, đáng gọi là bậc quân tử vàng ngọc. Có người đi sứ xướng họa thơ văn mà làm cho uy thế của nước nhà thêm trọng. Có người ở dinh Ngự sử mà kẻ gian nịnh phải rét lòng, thật cũng có ích thay!
Nếu không được như thế, tức là chỉ ngồi không, coi việc giữ tước lộc chức vị là cao, coi xảo trá giả dối là trí, chạy theo dục vọng mà không theo đạo đức, bỏ thực chất mà theo hư danh, như thế thì hình tích đã chẳng còn, mà công luận không sao cho thoát, há chẳng đáng khinh bỉ lắm thay! Đủ biết bia đá này dựng lên, ý khích lệ thật rất sâu sắc, ý khuyên răn cũng thật rất đến chốn, đáng bổ ích cho thế đạo, há chỉ là đặt dựng suông đâu.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.
Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Tri Thị nội Thư tả Thủy binh phiên Nguyễn Quý Ân5 vâng sắc soạn.
Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng triều.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:
NGUYỄN QUỐC TRINH 阮國楨6 người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì.
NGUYỄN VĂN BÍCH 阮文璧7 người xã Bất Quần huyện Quảng Xương.
NGUYỄN VĂN THỰC 阮文實8 người xã Đại Bái huyện Gia Định.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:
MAI TRỌNG HÒA 枚仲和9 người xã Đào Tai huyện Quế Dương.
ĐỖ THIỆN CHÍNH 杜善政10 người xã Đông Biện huyện Vĩnh Phúc.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 15 người:
PHẠM DUY CHẤT 范惟質11 người xã Ngọ Trang huyện Thiên Bản.
NGUYỄN VINH THỊNH 阮榮盛12 người xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm.
NGUYỄN TUNG 阮嵩13 người xã Thượng Đáp huyện Thanh Lâm.
LÊ THỨC 黎軾14người xã Tam Lộng huyện Lôi Dương.
ĐỖ VĂN LUÂN 杜文綸15 người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm.
VŨ CẦU HỐI 武求誨16 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.
VŨ BẬT HÀI 武弼諧17 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.
VŨ CÔNG ĐẠO 武公道18 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.
NGUYỄN MẬU DỊ 阮茂異19 người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm.
BÙI VĂN TRINH 裴文貞20 người xã Hương Canh huyện Từ Liêm.
LÊ CÔNG TRIỀU 黎公朝21 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.
LÊ VĂN HY 黎文禧22 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.
LÊ CHÍ ĐẠO 黎志道23 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.
NINH ĐẠT 寧達24 người xã Côi Trì huyện Yên Mô.
NGÔ SÁCH THÍ 吳策試25 người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn.
Thị nội thư tả hộ phiên tướng công thứ lang huyện thừa, người xã Hoa Đường huyện Đường An là Phạm Toàn vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).
Chú thích:
1. Xưa Chu Văn Vương mong có người hiền tài giúp việc chính sự, chiêm bao thấy có người tên là Phó Duyệt đang đắp mương làm ruộng. Văn Vương tìm đến thì quả nhiên gặp Phó Duyệt giống như người đã thấy trong mộng, bèn mời về triều giao việc chính sự, trở thành đại thần danh tiếng của nhà Chu.
2. Chỉ vua Lê Dụ Tông (1705-1729).
3. Tước phong Trịnh Cương năm 1714.
4. Nguyên văn: "ngư hùng thủ xả", lấy hay bỏ món cá và món tay gấu, nghĩa là khi bàn luận biết lựa chọn.
5. Nguyễn Quý Ân (1673-1722) người xã Thiên Mỗ huyện Từ Liêm (nay là xã Đại Mỗ huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715). Ông là con của Thượng thư Nguyễn Quý Đức, làm quan Đề hình Tả Tư giảng. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công, phúc thần Trung đẳng đại vương.
6. Nguyễn Quốc Trinh (1625-1674) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội. Ông là anh của Nguyễn Đình Trụ, bác Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Đình Ức. Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước Liêm Trì tử và được cử làm Chánh sứ (năm 1667) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Tháng 5 năm Giáp Dần niên hiệu Đức Nguyên thứ 1 (1674), quân Tam phủ cậy công, sinh ra kiêu ngạo phóng túng, ông và Phạm Công Trứ bàn cách hạn chế bớt đi. Nên ông bị quân Tam phủ đón đường giết chết, dân chúng Thăng Long đều thương tiếc. Triều đình truy tặng ông chức Bộ Binh, tước Trì Quận công, tên thụy là Cương Trung, phong làm phúc thần. Có tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Quốc Khôi.
7. Nguyễn Văn Bích (1620-1706) nguyên quán Bất Quần huyện Quảng Xương (nay thuộc xã Trường Lâm huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa), trú quán xã Ứng Mộ huyện Vĩnh Lại (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lễ, Nhập thị Kinh diên, tước tử và từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Công, tước hầu.
8. Nguyễn Văn Thực (1631-1694) người xã Đại Bái huyện Gia Định (nay là xã Đại Bái huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư Bộ Binh, Nhập thị Kinh diên, tước Hải Sơn bá. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lại, tước Hải Quận công. Có tài liệu ghi là Nguyễn Danh Thực.
9. Mai Trọng Hòa (1610-?) người xã Đào Tai huyện Quế Dương (nay thuộc xã Đào Viên huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hiến sứ.
10. Đỗ Thiện Chính (1627-?) người xã Đông Biện huyện Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông trước đã đỗ khoa Sĩ vọng, giữ chức Chỉ huy sứ. Sau lại đi thi, ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công, tước tử.
11. Phạm Duy Chất (?-?) người xã Ngọ Trang huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Liên Minh huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định). Ông trước làm Chỉ huy Thiêm sự và sau lại đi thi, làm quan đến Đông các Đại học sĩ. Sau khi mất được tặng Hữu Thị lang.
12. Nguyễn Vinh Thịnh (1626-?) người xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm (nay thuộc Nghĩa Đô quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Hạ Yên Quyết (nay thuộc Yên Hòa cùng quận). Ông làm quan Đề hình.
13. Nguyễn Tung (1622-?) người xã Thượng Đáp huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Châu huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tư huấn.
14. Lê Thức (1628-?) người xã Tam Lộng huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Thọ Trường huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sứ.
15. Đỗ Văn Luân (1634-?) người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm (nay thuộc Yên Hòa quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
16. Vũ Cầu Hối (1618-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính, sau phạm tội bị đi đầy.
17. Vũ Bật Hài (1629-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là con của Vũ Duy Chí, cháu của Vũ Bạt Tụy và Vũ Cầu Hối. Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước tử và được cử đi sứ (năm 1673) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lễ, tước bá. Ông còn có tên là Vũ Duy Hài.
18. Vũ Công Đạo (1629-1714) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông giữ các chức quan, như Đô Ngự sử, Nhập thị Kinh diên, Hữu Thị lang Bộ Hình, Hữu Thị lang Bộ Hộ. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Công, tước bá.
19 Nguyễn Mậu Dị (1622-?) người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Kim Sơn huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là em của Nguyễn Mậu Tài và là chú của Nguyễn Huy Viên. Ông làm quan Lễ khoa Đô Cấp sự trung.
20. Bùi Văn Trinh (1615-1683) người xã Hương Canh huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Xuân Phương huyện Từ Liêm Tp.Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Binh, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Lễ.
21. Lê Công Triều (1630-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính.
22. Lê Văn Hy (?-?) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoàng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
23. Lê Chí Đạo (1524-?) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoàng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông là cha của Lê Chí Tuân, làm quan Tham chính.
24. Ninh Đạt (1618-?) người xã Côi Trì huyện Yên Mô (nay thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình). Ông làm quan Giám sát.
25. Ngô Sách Thí (1632-?) người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay là xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh), nguyên quán ở xã Nghĩa Lập cùng huyện (nay thuộc xã Phù Khê huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông là cha của Ngô Sách Dụ và Ngô Sách Tuân. Ông làm quan đến chức án sát