21/02/2018, 08:49

[Văn 10] Phân tích bài thơ ”Tỏ Lòng” của Phạm Ngũ Lão để làm nổi bật hào khí Đông A.

Đề bài: Phân tích bài thơ ”Tỏ Lòng” của Phạm Ngũ Lão để làm nổi bật hào khí Đông A thời Trần. Bài làm Phạm Ngũ Lão là một danh tướng thời Trần và là người có tài văn chương kiệt xuất. Các tác phẩm của ông để lại đến ...

Đề bài: Phân tích bài thơ ”Tỏ Lòng” của Phạm Ngũ Lão để làm nổi bật hào khí Đông A thời Trần.

Bài làm

Phạm Ngũ Lão là một danh tướng thời Trần và là người có tài văn chương kiệt xuất. Các tác phẩm của ông để lại đến nay không nhiều, nhưng khi đến với những tác phẩm của ông ta như hòa mình vào không khí hào hùng, hoành tráng trong không khí quyết chiến, quyết thắng bảo vệ đất nước. Một trong số đó là bài thơ ”thuật hoài” (Tỏ lòng),là vẻ đẹp của người anh hùng mang hào khí Đông A và chí làm trai trong thiên hạ.

Dưới ngòi bút sắc sảo và tinh tế của Phạm Ngũ Lão, bài thơ ”Thuật hoài” ra đời trong không khí quyết chiến, quyết thắng của quân dân nhà Trần chống giặc Nguyên xâm lược. Người xưa đã lấy tên triều đại nhà Trần để định danh cho cả một thời đại và hào khí thời Trần được gọi là hào khí Đông A bởi chữ ”Trần” do chữ Đông và một bộ phận của chữ A hợp thành. Hào khí ấy đem lại cho nền văn học thời kì này những biểu hiện vừa đa dạng, vừa phong phú, vừa nhất quán, đặc sắc về cả nội dung, hình thức ý thức độc lập, tự chủ, tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc, tự hào trước chiến công thời đại, lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng,…là những biểu hiện nội dung của Hào khí Đông A. Về mặt hình thức nghệ thuật, hào khí ấy thể hiện qua âm hưởng hào hùng, hình tượng nghệ thuật lớn lao, kì vĩ, bút pháp sử thi,…Bài thơ Thuật hoài đã kết tinh được hào khí đó trên cả nội dung và hình thức.

Trước hết, Hào khí Đông A được thể hiện qua niềm tự hào trước sức mạnh của con người và không khí hào hùng của thời đại.

”Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”

(Múa giáo non sông trải mấy thu)

Vẻ đẹp của người tráng sĩ thời Trần được biểu hiện rõ nét qua động từ mạnh: ”hoành sóc”- cầm ngang ngọn giáo. Chính hành động ấy cho ta  thấy được hết sức mạnh, tầm vóc của trang nam nhi, một dáng đứng đại diện cho con người Việt Nam: hiên ngang, bất khuất, tư thế chủ động, tự tin, điềm tĩnh của con người có sức mạnh, nội lực. Cách dịch”múa giáo” chưa thể hiện được toàn bộ vẻ đẹp của con người, chưa hoàn toàn phù hợp với ý tác giả. Hình ảnh của con người ngày càng hào hùng hơn trong một bối cảnh rộng lớn cả về thời gian và không gian. Thời gian và không gian đều kì vĩ, bao la, mở ra theo chiều rộng của non sông, trải dài cùng năm tháng. Đặt trong sự tương ứng ấy, tầm vóc người anh hùng càng trở nên lớn lao, phi thường đồng thời thể hiện tinh thần, nghị lực chiến đấu bền bỉ, dẻo dai, bảo vệ Tổ quốc.Câu thơ tạc nên hình tượng người anh hùng có tầm vóc kì vĩ, lớn lao, phi thường, đối diện với non sông đất nước, át cả không gian bát ngát mở ra theo chiều rộng của núi sông trong thời gian dằng dặc. Tất cả đã làm nên vẻ đẹp của những người làm nên lịch sử thời Trần.

Hình ảnh quân đội nhà Trần được thể hiện qua hình ảnh so sánh độc đáo:

”Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”

(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

”Tam quân” là tiền quân, trung quân và hậu quân phiếm chỉ quân đội nhà Trần. Hình ảnh so sánh ba quân như hổ báo đã cụ thể hóa sức mạnh vật chất của quân đội nhà Trần cũng như sức mạnh của toàn dân tộc. Câu thơ cho ta thấy sức mạnh và khí thế hào hùng át cả sao Ngưu. Đặt trong sự tưởng tượng ấy, tầm vóc của dân tộc cũng trở nên lớn lao, kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ. câu thơ bộc lộ niềm tự hào của tác giả về quân đội của mình, về con người thời đại, đồng thời cũng khiến ta liên tưởng đến sức mạnh tiêu diệt kẻ thù trong ”Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải:

”Đoạt sóc Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan”

Hai câu thơ đầu là hình ảnh bổ sung vẻ đẹp cho nhau. Thời đại hào hùng tạo nên những con người anh hùng, ngược lại mỗi cá nhân lại đóng góp sức mạnh tạo nên hào khí thời đại. câu thơ đã khẳng định sức mạnh đoàn kết ,lòng căm thù giặc, quyết đánh tan mọi kẻ thù. Đó là sức mạnh của thời đại, không thế lực nào có thể đánh bại.

Trang nam nhi thời Trần không chỉ hiện lên với dáng vẻ hùng dũng hiên ngang mà còn hiện lên với ý chí cao cả;

”Nam nhi vị liễu công danh trái”

(Công danh nam tử còn vương nợ)

Trong quan niệm của tác giả, đã là một trang nam nhi sống trên đời thì phải lập được công, lưu danh để lại tiếng thơm cho muôn đời. Chí làm trai ấy đã cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, sau này Nguyễn Công Trứ đã viết:

”Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

Lí tưởng sống cao đẹp ấy đã vượt lên trên quan niệm danh lợi, sự nghiệp công danh cá nhân thống nhất với lợi ích chung của cả cộng đồng, đây là lí tưởng sống tích cực, tiến bộ. Vẻ đẹp tâm hồn của người anh hùng Phạm Ngũ Lão còn thể hiện ở cái tâm của con người, câu thơ cuối tác giả  đã nói về nỗi thẹn của mình:

”Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

(Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

Tác giả thẹn vì mình chưa có tài mưu lược như Gia Cát Khổng Minh thời Tam Quốc để trừ giặc cứu nước. Đó là nỗi thẹn của con người có nhân cách, Phạm Ngũ Lão thẹn với ông Đào không phải là lấy mình so sánh với ông Đào mà lấy tấm gương ấy để lỗ lực, phấn đấu, khao khát có tài mưu lược để giúp dân cứu nước. Nỗi thẹn ấy không những không làm cho con người trở nên nhỏ bé mà còn nâng cao phẩm chất của con người. Đó là nỗi thẹn của con người có lí tưởng, hoài bão vừa lớn lao, vừa khiêm nhường. Với giọng điệu trầm lắng, suy nghĩ sâu lắng, riêng tư của tác giả, hai câu thơ cuối đã nói lên vẻ đẹp của trang nam nhi thời Trần.

Như vậy, Với việc sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, thiên về thủ pháp gợi, gây ấn tượng, bút pháp miêu tả hoành tráng, hình ảnh giàu sức biểu cảm, Phạm Ngũ Lão đã làm cho bài thơ”Thuật hoài” khắc họa thành công vẻ đẹp của con người thời đại nhà Trần. Cũng qua đó thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc. ”Thuật hoài” nói riêng và thơ ca, văn học thời Trần nói chung là minh chứng hào hùng cho chủ nghĩa yêu nước trong văn học Trung đại Việt Nam, là trang thơ, trang sử hào hùng của dân tộc.

Một lần nữa, ta có thể thấy rằng: ”Thuật hoài” là suy nghĩ cá nhân của Phạm Ngũ Lão nhưng lại biểu hiện một quan niệm nhân sinh tiến bộ, có ý nghĩa, khẳng định vai trò tích cực của mỗi con người trong xã hội.

 Đô Tiến

0