25/05/2018, 08:31

Vai trò hoạt động xuất khẩu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hội nhập.

Ngày nay, không một nước nào có thể phát triển nếu thực hiện chính sách tự cung tự cấp, bởi vì mỗi quốc gia trên thế giới đều tồn tại trong mối quan hệ nhiều mặt với các quốc gia khác. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ này, quan hệ kinh tế chi phối hầu hết ...

Ngày nay, không một nước nào có thể phát triển nếu thực hiện chính sách tự cung tự cấp, bởi vì mỗi quốc gia trên thế giới đều tồn tại trong mối quan hệ nhiều mặt với các quốc gia khác. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ này, quan hệ kinh tế chi phối hầu hết các mối quan hệ khác, bởi bất cứ mối quan hệ nào cũng liên quan tới quan hệ kinh tế. Quan trọng nhất trong quan hệ kinh tế là quan hệ thương mại, nó cho thấy trực diện lợi ích của quốc gia khi quan hệ với các quốc gia khác thông qua lượng ngoại tệ thu được qua thương mại quốc tế.

Thương mại quốc tế bao gồm các hoạt động thu chi ngoại tệ như­: xuất khẩu, nhập khẩu, gia công cho nước ngoài và thuê nước ngoài gia công, tái xuất khẩu, hoạt động chuyển khẩu, xuất khẩu tại chỗ. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ đi sâu vào phân tích hoạt động xuất khẩu.

Xuất khẩu là quá trình hàng hoá được sản xuất ở trong nước nhưng tiêu thụ ở nước ngoài. Xuất khẩu thể hiện nhu cầu về hàng hoá của các quốc gia khác đối với quốc gia chủ thể. Xuất khẩu còn chỉ ra những lĩnh vực có thể chuyên môn hoá được, những công nghệ và t­ư liệu sản xuất trong nước còn thiếu để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đạt được chất lượng quốc tế.

Xuất khẩu tạo ra nguồn thu ngoại tệ.

Trong các nguồn thu ngoại tệ cho Ngân sách quốc gia có một số nguồn thu chính:

- Xuất khẩu hàng hoá - dịch vụ.

- Đầu tư­ nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.

- Vay nợ của Chính phủ và tư­ nhân.

- Kiều bào nước ngoài gửi về.

- Các khoản thu viện trợ,...

Tuy nhiên, chỉ có thu từ xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ là tích cực nhất vì những lý do sau: không gây ra nợ nước ngoài như­ các khoản vay của Chính phủ và t­ư nhân; Chính phủ không bị phụ thuộc vào những ràng buộc và yêu sách của nước khác như­ các nguồn tài trợ từ bên ngoài; phần lớn ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu thuộc về các nhà sản xuất trong nước được tái đầu tư­ để phát triển sản xuất, không bị chuyển ra nước ngoài như­ nguồn đầu tư­ nước ngoài, qua đó cho phép nền kinh tế tăng trưởng chủ động, đỡ bị lệ thuộc vào bên ngoài.

Do đó, đối với bất kỳ quốc gia nào, để tránh tình trạng nợ nước ngoài, giảm thâm hụt cán cân thanh toán, con đường tốt nhất là đẩy mạnh xuất khẩu. Nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu sẽ làm tăng tổng cung ngoại tệ của đất nước, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, ổn định kinh tế vĩ mô. Liên hệ với cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam á (tháng 7/1997), ta thấy nguyên nhân chính là do các quốc gia bị thâm hụt cán cân thương mại thường xuyên trầm trọng, khoản thâm hụt này được bù đắp bằng các khoản vay nóng của các doanh nghiệp trong nước. Khi các khoản vay nóng này hoạt động không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ và buộc tuyên bố phá sản. Sự phá sản của các doanh nghiệp gây ra sự rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư­ nước ngoài, càng làm cho tình hình thêm căng thẳng, đến nỗi Nhà nước cũng không đủ sức can thiệp vào nền kinh tế, từ đó gây ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ.

Xuất khẩu tạo ra nguồn vốn chủ yếu cho nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH - HĐH) đất nước.

Sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia đều đòi hỏi có các điều kiện về nhân lực, tài nguyên, vốn, kỹ thuật. Song không phải bất cứ quốc gia nào cũng có đủ cả 4 điều kiện trên, trong thời gian hiện nay, các nước đang phát triển (LDCs) đều thiếu vốn, kỹ thuật, lại thừa lao động. Mặt khác, trong quá trình CNH - HĐH, để thực hiện tốt quá trình đòi hỏi nền kinh tế phải có cơ sở vật chất để tạo đà phát triển. Để khắc phục tình trạng này, các quốc gia phải nhập khẩu các thiết bị, máy móc, kỹ thuật công nghệ tiên tiến.

Hơn nữa, xu thế tiêu dùng của thế giới ngày nay đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư­ để nâng cao trình độ công nghệ của mình - đây là một yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Từ đó, xuất hiện nhu cầu nâng cao công nghệ của các doanh nghiệp, trong khi xu hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cũng đang ngày càng phát triển và các nước phát triển (DCs) muốn chuyển giao công nghệ của họ sang LDCs. Hai nhân tố trên có tác động rất quan trọng tới quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, một yếu tố vô cùng quan trọng mà nếu thiếu nó thì quá trình chuyển giao công nghệ không thể diễn ra được, đó là nguồn ngoại tệ, nhưng khó khăn này được khắc phục thông qua hoạt động xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu đem lại nguồn thu ngoại tệ và các quốc gia có thể dùng nguồn thu này để nhập công nghệ phục vụ cho sản xuất. Trên ý nghĩa đó, có thể nói, xuất khẩu quyết định quy mô và tốc độ nhập khẩu.

Xuất khẩu góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH.

Do xuất khẩu mở rộng đầu ra, mang lại nguồn ngoại tệ cao nên các nhà đầu t­ư sẽ có xu hướng đầu tư­ vào những ngành có khả năng xuất khẩu. Sự phát triển của các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu tạo ra nhu cầu đối với các ngành sản xuất đầu vào như­: điện, nước, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị... Các nhà sản xuất đầu vào sẽ đầu tư­ mở rộng sản xuất để đáp ứng các nhu cầu này, tạo ra sự phát triển cho ngành công nghiệp nặng. Hoạt động xuất khẩu đem lại nguồn thu ngoại tệ cho NSNN để đầu t­ư cơ sở hạ tầng, đầu tư­ vốn, công nghệ cao cho những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn. Xuất khẩu tạo ra nguồn thu nhập cao cho người lao động, khi người lao động có thu nhập cao sẽ tạo ra nhu cầu cho các ngành sản xuất công nghiệp nhẹ, hàng điện tử, hàng cơ khí, làm nâng cao sản lượng của các ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Tỷ trọng ngành công nghiệp ngày càng tăng kéo theo sự phát triển của ngành dịch vụ với tốc độ cao hơn. Như­ vậy, thông qua các mối quan hệ trực tiếp, gián tiếp, hoạt động xuất khẩu góp phần chuyển dịch cơ cấu đầu t­ư và cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và hội nhập. Một nền kinh tế mà sản xuất và xuất khẩu những hàng hoá thị trường thế giới đang có nhu cầu chứ không phải sản xuất và xuất khẩu những gì mà đất nước có. Điều này sẽ tạo cho sự dịch chuyển kinh tế của đất nước một cách hợp lý và phù hợp.

Xuất khẩu góp phần giải quyết việc làm cho xã hội và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế trong quan hệ thương mại quốc tế.

Xuất khẩu góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. ở đây, chúng ta sẽ xem xét hiệu quả dưới góc độ nghĩa rộng, bao gồm cả hiệu quả kinh doanh và hiệu quả kinh tế. Theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu đẩy mạnh xuất khẩu, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ góp phần tạo mở công ăn việc làm đối với người lao động. Nếu tăng thêm 1 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ tạo ra từ 40.000 -50.000 chỗ làm việc trong nền kinh tế. Giải quyết việc làm sẽ bớt đi một gánh nặng cho nền kinh tế quốc dân, có tác dụng ổn định chính trị, tăng cao mức thu nhập của người lao động.

Xuất khẩu tăng sẽ tạo điều kiện để tăng việc làm, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - lâm - ngư­ nghiệp, công nghiệp dệt may - là những ngành sử dụng nhiều lao động. Đó là vì xuất khẩu đòi hỏi nông nghiệp phải tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng cho nhu cầu lớn của nền công nghệ sản xuất hàng loạt với khối lượng lớn để nâng cao hiệu quả, đồng thời xuất khẩu cũng buộc công nghiệp chế biến phải phát triển để phù hợp với chất lượng quốc tế, phục vụ thị trường bên ngoài. Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của LDCs là hàng nông sản, hàng công nghiệp nhẹ, dầu thô, thủ công mỹ nghệ.... Điều đó sẽ giải quyết tình trạng thiếu công ăn việc làm trầm trọng ở các nước này. Việt Nam là nước đang phát triển, có dân số phát triển nhanh và thuộc loại dân số trẻ, tức là lực lượng lao động rất đông, tuy nhiên trình độ tay nghề, trình độ khoa học công nghệ chưa cao. Hơn nữa, Việt Nam lại là nước nông nghiệp với trên70% dân số làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, các hoạt động mang tính thời vụ, do đó, vào thời điểm nông nhàn, số lao động không có việc làm ở nông thôn rất lớn, tràn ra thành thị tạo ra sức ép về việc làm đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung và đối với các thành phố nói riêng.

Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp góp phần mở rộng sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo ra nhu cầu về hàng công nghiệp tiêu dùng ở vùng nông thôn và hàng công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cũng phải kể đến một hoạt động xuất khẩu góp phần giải quyết công ăn việc làm là xuất khẩu lao động và hoạt động sản xuất hàng gia công cho nước ngoài, đây là hoạt động rất phổ biến trong ngành may mặc ở nước ta và đã giải quyết được rất nhiều việc làm.

Xuất khẩu là cơ sở để thực hiện phương châm đa dạng hoá và đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại của Đảng.

Thông thường hoạt động xuất khẩu ra đời sớm hơn các hoạt động kinh tế đối ngoại khác, nên nó thúc đẩy các quan hệ này phát triển. Chẳng hạn, xuất khẩu và sản xuất hàng xuất khẩu thúc đẩy quan hệ tín dụng, đầu tư­, vận tải quốc tế... Đến lượt nó, chính các quan hệ kinh tế đối ngoại lại tạo tiền đề cho mở rộng xuất khẩu.

Thông qua xuất khẩu, các quốc gia mới có điều kiện trao đổi hàng hoá - dịch vụ qua lại. Xuất khẩu là một hoạt động kinh tế đối ngoại. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu là thiết thực góp phần thực hiện phương châm đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ đối ngoại của Việt Nam, thông qua:

- Phát triển khối lượng hàng xuất khẩu ngày càng lớn ra thị trường các nước, nhất là những mặt hàng chủ lực, những sản phẩm mũi nhọn.

- Mở rộng thị trường xuất khẩu sang những thị trường mới mà trước đây ta chưa xuất được nhiều.

- Thông qua xuất khẩu nhằm khai thác hết tiềm năng của đối tác, tạo ra sức cạnh tranh nhiều mặt giữa các đối tác nước ngoài trong làm ăn, buôn bán với Việt Nam.

Tóm lại, xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, hình thành đan xen giữa lợi ích và mâu thuẫn, giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế, thương mại giữa các trung tâm, giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Nghệ thuật khôn khéo, thông minh của người lãnh đạo là biết phân định tình hình, lợi dụng mọi mâu thuẫn, tranh thủ mọi thời cơ và khả năng để đẩy mạnh xuất khẩu, đư­a đất nước tiến lên trong cuộc cạnh tranh phức tạp, gay gắt.

0