25/05/2018, 10:09

Vai trò của Công đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Quá trình đổi mới nền kinh tế nước ta có đặc trưng cơ bản là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ nền kinh tế một ...

Quá trình đổi mới nền kinh tế nước ta có đặc trưng cơ bản là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ nền kinh tế một thành phần (kinh tế quốc doanh) sang nền kinh tế nhiều thành phần. Đổi mới về cơ chế kinh tế tất yếu kéo theo những thay đổi về cơ cấu xã hội, quan hệ xã hội và tâm lý xã hội:

  • Đổi mới kinh tế làm thay đổi tính chất các quan hệ xã hội đã hình thành, cơ sở các quan hệ xã hội là lấy lợi ích kinh tế làm tiêu chuẩn. Tư duy của người lao động về lợi ích trong kinh tế thị trường cũng có sự thay đổi.
  • Cơ chế thị trường đặt các chủ thể kinh tế trong mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau và do vậy quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp được thiết lập trên cơ sở bình đẳng hơn.
  • Cơ chế thị trường làm cho quan hệ xã hội đa dạng, phong phú hơn. Trong cơ chế bao cấp, quan hệ xã hội thường mang tính chất khép kín trong nội bộ giai cấp, tầng lớp, ngành chuyên môn hẹp. Với chính sách kinh tế nhiều thành phần, quan hệ xã hội đã phát triển rất đa dạng phong phú và cũng rất phức tạp.

Trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo vệ người lao động bởi vì bảo vệ người lao động là thể hiện quan điểm vì con người, do con người, trước hết là người lao động. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là vấn đề chung của toàn xã hội, trong đó thiết thực nhất vẫn là tổ chức công đoàn. Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam (Điều 1 Luật công đoàn) và công đoàn có quyền cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác(Điều 10 Hiến pháp 1992). Như vậy, pháp luật nước ta đã thừa nhận và quy định cho tổ chức công đoàn có một vị trí, vai trò to lớn trong hệ thống chính trị - xã hội. Công đoàn có nhiều chức năng như tham gia quản lý Nhà nước; chức năng bảo vệ lợi ích công nhân, viên chức, lao động; chức năng giáo dục nhưng cơ bản và trung tâm nhất vẫn là chức năng bảo vệ người lao động.

Nếu như trước đây, cơ sở kinh tế nước ta với hai hình thức chủ yếu là kinh tế của hợp tác xã và kinh tế quốc doanh thì chỗ đứng và mối quan hệ công đoàn với Nhà nước từ đơn vị thấp nhất là cơ sở (xí nghiệp, cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học...) đến cấp cao nhất là Nhà nước Trung ương là rất thuận chiều.

Ngày nay, do sự ra đời nhiều thành phần kinh tế nên ở đơn vị cơ sở, trước hết là trong các cơ sở doanh nghiệp tư nhân, liên doanh và đầu tư nước ngoài ở nước ta (thường gọi là "ngoài quốc doanh") thì mối quan hệ công đoàn với giới chủ, với người quản lý ở khu vực này đã khác cơ bản so với mối quan hệ trong khu vực kinh tế quốc doanh. Một bên là mối quan hệ của những người cùng làm chủ tư liệu sản xuất chủ yếu của Nhà nước giao cho cộng đồng người lao động, trong đó có cán bộ quản lý để sản xuất kinh doanh. Một bên là mối quan hệ của người sở hữu tư liệu sản xuất (tức người chủ cá nhân) với người làm công mà ta thường gọi là người sử dụng lao động với người lao động. Song, xét về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối thực chất vẫn là quan hệ chủ thợ. Trong mối quan hệ này, người chủ thường đặt lợi ích cá nhân của họ lên hàng đầu và tìm mọi cách để tăng quyền lợi. Chính vì vậy, ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp chưa cao, người sử dụng lao động hay tuỳ tiện xem thường quyền lợi của người lao động, chưa thực hiện đúng và đầy đủ chính sách đối với họ.

Mặc dù, theo nguyên tắc quan hệ lao động là quan hệ mang tính bình đẳng. Người lao động muốn làm việc cho người sử dụng lao động hay không là quyền của họ. Nhưng một khi đã tham gia vào một quan hệ lao động cụ thể nào rồi thì dù muốn hay không thì người lao động cũng ở vào "thế yếu" hơn so với người sử dụng lao động. Điều này cũng dễ hiểu bởi trên thực tế hiện nay, người lao động do sức ép của việc làm, thu nhập mà họ thường chấp nhận thua thiệt. Người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đa phần trình độ học thức, hiểu biết pháp luật lao động thấp cho nên họ dễ dàng bị "chèn ép" và lợi dụng bởi những ông chủ có trình độ cao hơn.

Vì thế, mặc dù nhà nước đã cố gắng xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật để điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp. Nhưng với tính phức tạp và năng động của loại quan hệ này trong cơ chế thị trường thì cũng chưa đảm bảo được hoàn toàn lợi ích của các bên mà quan trọng hơn cả là lợi ích của người lao động.

Cái mới và tính phức tạp của quan hệ lao động trên trực tiếp chi phối vai trò và vị trí của công đoàn. Thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hoà - ổn định giữa phát triển sản xuất và đảm bảo cuộc sống, giữa quyền lợi của người lao động và chủ doanh nghiệp. Đây cũng chính là sự đảm bảo công bằng xã hội và thể hiện tính dân chủ của Nhà nước ta.

Trong thực tế một số chính sách, chế độ Nhà nước quy định về quyền lợi của người lao động chưa thực hiện một cách nghiêm chỉnh, lao động khu vực ngoài quốc doanh phần lớn chưa được ký kết hợp đồng lao động, tiền lương thấp, thời gian lao động kéo dài, điều kiện lao động xấu... thì việc thành lập tổ chức công đoàn là không thể thiếu. Tổ chức công đoàn sẽ đứng ra bảo vệ người lao động khi có hiện tượng vi phạm, vì chỉ có công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động, không thể có một tổ chức nào đại diện khác được.

Điều 153 Bộ luật lao động quy định: ở những doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì chậm nhất là sau sáu tháng, kể từ ngày Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật lao động có hiệu lực và ở những doanh nghiệp mới thành lập thì sau sáu tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành có trách nhiệm thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động.

Tổ chức cơ sở của công đoàn là nền tảng của tổ chức công đoàn, nơi trực tiếp liên hệ với người lao động, nơi quyết định hiệu quả của hệ thống công đoàn. Bộ luật lao động 1994(sửa đổi bổ sung năm 2002), Luật công đoàn 1990, cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành đã tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho hoạt động của công đoàn cơ sở, trao cho công đoàn cơ sở những quyền năng trong tham gia quan hệ với người lao động, đồng thời bảo vệ hữu hiệu người lao động trong các doanh nghiệp. Vai trò của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:

Vai trò của công đoàn trong việc ký kết thoả ước lao động tập thể

Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp có quyền đề xuất yêu cầu ký kết và dự thảo nội dung thoả ước lao động tập thể.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền dự họp thương lượng. Chủ tịch công đoàn cơ sở có quyền cùng người sử dụng lao động chủ trì hội nghị thảo luận, thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.

Công đoàn cơ sở có quyền phối hợp với người sử dụng lao động kiểm tra, xem xét và xử lý những trường hợp làm trái với thoả ước lao động tập thể đã ký kết, phát hiện những vướng mắc tồn tại để kiến nghị, thương lượng với người sử dụng lao động giải quyết kịp thời. Trong quá trình thực hiện thoả ước lao động tập thể, ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền tiến hành thương lượng với người sử dụng lao động để bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế thoả ước lao động tập thể.

Công đoàn với vấn đề tiền lương

Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở khi tiến hành xây dựng và áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương, mức lương, phụ cấp lương, xây dựng và áp dụng quy chế trả lương, quy chế thưởng hoặc quyết định nâng lương.

Người sử dụng lao động phải trao đổi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở về việc áp dụng hình thức trả lương trong doanh nghiệp.

Tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập còn khó khăn trong sản xuất kinh doanh chưa thể áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định thì người sử dụng lao động có thể trả thấp hơn khoảng 10%-15% mức lương tính theo hệ số bậc lương tương ứng hệ số bậc lương theo ngành nghề hoặc nhóm ngành, nghề trong các thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định đối với doanh nghiệp trong nước nhưng phải tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở.

Căn cứ vào quyết định của toà án về tính hợp pháp hay bất hợp pháp của cuộc đình công và lỗi của các bên, Ban chấp hành công đoàn cơ sở tiến hành thương lượng, thoả thuận với người sử dụng lao động về tiền lương của người tham gia đình công trong thời gian đình công.

Công đoàn cơ sở có quyền thoả thuận mức lương cụ thể cho từng công việc, thoả thuận mức lương tối thiểu của doanh nghiệp, nguyên tắc nâng lương, thời gian thanh toán lương cũng như phương thức bồi thường khi người sử dụng lao động trả lương chậm ghi vào thoả ước lao động tập thể.

Công đoàn cơ sở có quyền yêu cầu người sử dụng lao động giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thoả đáng cho người lao động khi người sử dụng lao động không trả, chậm trả hoặc trả lương không đúng theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể. Và trước khi ra quyết định khấu trừ lương của người lao động, người sử dụng lao động phải thảo luận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Công đoàn cơ sở tham gia giải quyết việc làm cho người lao động

Khi ký kết thoả ước lao động tập thể, trong điều khoản việc làm và bảo đảm việc làm cho người lao động, công đoàn cơ sở có quyền thương lượng cụ thể các vấn đề giao kết hợp đồng lao động, thời hạn giao kết hợp đồng lao động cho từng loại công việc, chế độ cụ thể khi thay đổi nơi làm việc, chế độ nâng cao tay nghề và đào tạo khi thay đổi cơ cấu tổ chức hay công nghệ sản xuất.

Trong trường hợp người lao động vi phạm vào vụ việc có tính chất phức tạp, xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh, người sử dụng lao động có quyền đình chỉ công việc của người lao động sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Công đoàn cơ sở với việc xây dựng nội quy lao động và xử lý kỷ luật lao động

Việc xử lý kỷ luật người lao động phải có sự tham gia của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong phiên họp xử lý vi phạm lao động, đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền đưa ra ý kiến của mình về hành vi vi phạm kỷ luật lao động, về mức độ vi phạm, mức độ lỗi, mức độ thiệt hại và hình thức xử lý vi phạm kỷ luật. Trước khi quyết định thi hành kỷ luật người lao động theo hình thức sa thải thì người sử dụng lao động phải trao đổi nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Để đảm bảo nội quy lao động được ban hành trên cơ sở khoa học phù hợp với đặc điểm công việc, điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và nhất là để đảm bảo phù hợp với thoả ước lao động tập thể, tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những bất lợi đối với người lao động, trước khi ban hành nội quy lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Việc tham khảo ý kiến này được thực hiện từ khi bắt đầu dự thảo đến khi thảo luận, hoàn thiện nội quy và là một thủ tục có tính bắt buộc.

Công đoàn với vấn đề an toàn lao động, vệ sinh lao động

Căn cứ vào tiêu chuẩn của Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, công đoàn cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường ghi vào thoả ước lao động tập thể.

Công đoàn cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động và biện pháp an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách và quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Khi phát hiện nơi làm việc có dấu hiệu nguy hiểm, có nguy cơ đe doạ tính mạng, sức khoẻ người lao động, công đoàn cơ sở có quyền yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu thấy cần thiết và yêu cầu người sử dụng lao động có ngay biện pháp để khắc phục.

Công đoàn cơ sở có quyền tham gia điều tra xử lý các vụ tai nạn lao động. Trong bảng kết luận tai nạn lao động, công đoàn cơ sở có quyền giữ ý kiến của mình về nguyên nhân, trách nhiệm gây ra tai nạn và có quyền kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm xử lý theo đúng pháp luật.

Vai trò công đoàn cơ sở trong việc tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp

Các tranh chấp lao động phải được giải quyết trên cơ sở những nguyên tắc luật định, phải có sự tham gia của đại diện công đoàn trong quá trình giải quyết các tranh chấp lao động.

Chủ tịch công đoàn cơ sở có quyền đề xuất việc thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở và số lượng thành viên tuỳ theo số lượng người lao động để người sử dụng lao động ra quyết định thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở cử đại diện tham gia Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, luân phiên cùng người sử dụng lao động làm chủ tịch và thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở. Hoà giải tại Hội đồng hoà giải lao động cơ sở là một thủ tục bắt buộc, nó là cơ sở và điều kiện để xác định tính hợp pháp của các thủ tục giải quyết tranh chấp sau này ở Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, toà án. Vì vậy, vai trò của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia Hội đồng hoà giải lao động cơ sở là rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở là chủ tịch hoặc thư ký theo chế độ luân phiên trong việc chuẩn bị kế hoạch hoà giải, thu thập chứng cứ.

Công đoàn tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động tại toà án

Nếu công đoàn cơ sở được người lao động uỷ quyền thay mặt họ trước Toà án, hoặc Ban chấp hành công đoàn cơ sở sử dụng quyền khởi kiện vụ án lao động thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia tố tụng lao động với tư cách nguyên đơn. Trong trường hợp công đoàn cấp trên khởi kiện thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở vẫn tham dự phiên toà với các quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn. Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền rút đơn kiện hoặc thay đổi yêu cầu, cung cấp chứng cứ, yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, tham gia hoà giải trước và tại phiên toà, có quyền kháng cáo bản án quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, có quyền yêu cầu kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trường hợp công đoàn cơ sở không khởi kiện thì vẫn tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo uỷ quyền hoặc với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự với các quyền và nghĩa vụ theo luật định.

Vai trò công đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức đình công. Khi tập thể lao động hoặc Ban chấp hành công đoàn cơ sở không tán thành quyết định của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh về giải quyết tranh chấp lao động cụ thể, không yêu cầu Toà án giải quyết mà sử dụng quyền đình công thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở ra quyết định đình công sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký.

Khi bắt đầu đình công, trong quá trình đình công hoặc sau khi đã ngừng đình công, Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền yêu cầu toà án kết luận cuộc đình công là hợp pháp.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công, có quyền trình bày ý kiến của mình, thực hiện quyền khiếu nại đối với quyết định của Toà án cấp tỉnh lên Toà án nhân dân tối cao.

Khi toà án quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm hoặc tạm thời buộc tập thể lao động thực hiện một số hành vi nhất định thì Ban chấp hành cơ sở hướng dẫn tập thể lao động thực hiện quyết định đó.

Công đoàn cơ sở tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp

Trong trường hợp doanh nghiệp không trả lương cho người lao động 3 tháng liên tiếp thì đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn đến toà án nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đó. Công đoàn cơ sở có quyền tham gia hội nghị chủ nợ để xem xét, thông qua phương án hoà giải tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có quyền tham gia tổ quản lý tài sản và là thành viên của tổ thanh toán tài sản. Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền thảo luận và kiến nghị với thẩm phán về việc phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không có phương án hoà giải hoặc phương án hoà giải không được thông qua.

0