25/05/2018, 08:50

Vài nét về nước mỹ và nền kinh tế mỹ

Mỹ là một trong những cường quốc kinh tế, khoa học, công nghệ và quân sự hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là một trong ba trung tâm kinh tế và tài chính quốc tế lớn nhất thế giới. Với diện tích 9.363.364 km 2 , với nguồn tài nguyên ...

Mỹ là một trong những cường quốc kinh tế, khoa học, công nghệ và quân sự hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là một trong ba trung tâm kinh tế và tài chính quốc tế lớn nhất thế giới.

Với diện tích 9.363.364 km2, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng (dầu mỏ, khí đốt, than, quặng Uran, thủy điện... ) nước Mỹ đã đạt tới trình độ của một quốc gia phát triển về công nghiệp. Những ngành mũi nhọn của Mỹ là chế tạo hàng không , điện tử, tin học, nguyên tử , vũ trụ , hoá chất. Ngoài ra, công nghiệp luyện kim, dệt, chế tạo xe hơi... cũng đạt trình độ phát triển cao. Ngành nông nghiệp Mỹ có trình độ phát triển cao với ưu thế chính về cơ giới hoá, kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống có năng suất cao, sử dụng hiệu quả phân bón, hệ thống thuỷ lợi hoàn hảo.

Ngành dịch vụ Mỹ (dịch vụ đời sống, vận tải, thông tin, thương mại, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm...) rất phát triển chiếm tới 70% thu nhập quốc dân và thu hút 70% lao động cả nước.

Hệ thống giao thông vận tải Mỹ hiện đại với hơn 3 triệu người làm việc. Cả nước có gần 150 triệu chiếc xe ô tô (gấp 2 lần ở Nhật Bản ), có tổng chiều dài đường sắt là 310.000 km, khối lượng vận tải đường không chiếm 40% tổng khối lượng vận tải hàng không thế giới.

Mỹ là nước có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trong hầu hết các lĩnh vực và luôn luôn có nhu cầu và khả năng trao đổi khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Lực lượng nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ có tới 95 vạn người, chưa kể số nhân viên kỹ thuật.

Mỹ có nền đại học đa dạng, với 1200 cơ sở đào tạo trong đó có 891 trường đại học, đặc biệt có 35 trường đại học nổi tiếng nhất đào tạo cả cho người nước ngoài.

Về ngoại thương, Mỹ là nước nhập siêu. Năm 1999, tổng kim ngạch nhập khẩu là 1.156,106 tỷ USD, năm 2000 là 1.314,493 tỷ USD chủ yếu từ các nước Canada, Nhật Bản,Mehico, Trung Quốc, Đức, Đài Loan, Anh, Hàn Quốc, Singapore... Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trị giá 888,027 tỷ USD (năm 1999) và 978,606 tỷ USD (năm2000) chủ yếu sang các nước như Canada, Nhật Bản, Mehico, Anh, Hàn Quốc, Hà Lan...

Với sức mạnh kinh tế , khoa học, kỹ thuật và công nghiệp, quân sự, Mỹ đang chi phối đời sống kinh tế và chính trị quốc tế. Là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế tài chính quốc tế cũng như các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc, Mỹ có vị trí quan trọng và ở nhiều nơi có tiếng nói quyết định .

Mỹ có hệ thống pháp luật về thương mại vô cùng rắc rối và phức tạp. Bộ luật Thương mại (Uniform Commercial Code ) được coi như xương sống của hệ thống pháp luật về thương mại.

Một điểm đáng chú ý đối với các doanh nghiệp khi xâm nhập vào thị trường Mỹ đó là những chính sách ưu đãi. Bởi nếu được hưởng ưu đãi này thì hàng hoá sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn rất nhiều so với khi không được hưởng. Các chính sách ưu đãi như sau:

-Quy chế tối huệ quốc (MFN: Most Favoured Nations ) là chính sách thương mại truyền thống quan trọng của Mỹ. Chính sách này cho phép hàng hoá của bạn hàng nhập vào Mỹ được hưởng tỷ lệ thuế thấp hơn so với mức thuế của các bạn hàng không được hưởng quy chế này và ngược lại họ cũng phải giành cho hàng hoá của Mỹ những ưu đãi tương tự.

-Chế độ thuế quan phổ cập (GSP : Generalised System of Preferences) là chế độ ưu đãi thuế quan mà Mỹ và 17 nước công nghiệp phát triển dành cho các nước đang phát triển, nếu đạt được sẽ còn có lợi hơn cả quyền được hưởng MFN. Hầu hết các nước được hưởng đều là thành viên của WTO. Nội dung chính của GSP là miễn thuế hoàn toàn hoặc ưu đãi thuế thấp cho các mặt hàng nhập từ các nước đang phát triển được họ cho hưởng GSP mà không có điều kiện có đi có lại và mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP phải đáp ứng tiêu chuẩn mà Mỹ đề ra.

Hiệp định thương mại Việt- Mỹ sẽ tạo ra một cơ hội lớn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào thị trường Mỹ theo đó thuận lợi lớn nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam là được hưởng quy chế MFN , tuy nhiên Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để được hưởng quy chế GSP của Mỹ.

0