Ứng dụng các Nguyên Lý Phật giáo vào Nghiên Cứu và Phát Triển - Bài II
Các bạn thân mến, Trong một thời gian khá lâu người viết đã không có dịp tiếp tục với đề tài này. Phần là vì sự bận rộn gia tăng do bởi một nền kinh tế Hoa Kỳ khá ảm đạm (nên phải lo "giữ mồm" trước :-) phần nữa là thật sự để vận dụng được một ý kiến ...
Các bạn thân mến,
Trong một thời gian khá lâu người viết đã không có dịp tiếp tục với đề tài này. Phần là vì sự bận rộn gia tăng do bởi một nền kinh tế Hoa Kỳ khá ảm đạm (nên phải lo "giữ mồm" trước :-) phần nữa là thật sự để vận dụng được một ý kiến triết học nào đó thì điều cần thiết là người vận dụng phải thẩm thấu được cốt lõi của ý kiến đó đồng thời lại phải tự thân lọt vào các tình huống hay cơ hội thuận tiện để các hiểu biết bộc lộ ở dạng ứng dụng. Vô duyên thì dù có muốn cũng hỏng. Mãi đến nay mới có dịp xin trình tiếp với các bạn bài thứ nhì là vậy.
Trước khi vào nội dung đề tài lần này thì có một nghi vấn đã được đặt ra như sau: "Mục tiêu của đạo Phật vốn là để giải thoát hành giả và chúng sinh khỏi đau khổ luân hồi. Ngay chính đức Phật lúc còn tại thế cũng tránh không trả lời cho người ngoài đạo các câu hỏi triết lý xa vời vốn it liên can đến sự tu chứng để giải thoát -- thế thì việc cố ý sử dụng các nguyên lý, đạo pháp hay các lời dạy từ trong Phật giáo phải chăng là một kiểu đi ngược với mong mỏi và mục tiêu ban đầu mà đức Phật đã đề ra hay không, và hơn thế nữa, đạo Phật vốn chỉ áp dụng cho loài hữu tình có ý thức (nhất là người) thì dính dáng chi đến việc ứng dụng vào các nghiên cứu có tính vật chất thường tục?"
Câu hỏi ở đây có hai ý: Thứ nhất, dĩ nhiên mục tiêu tối hậu của Phật giáo là đạt giải thoát khỏi đau khổ của luân hồi nhưng để đi đến được các giải thoát đó, cần có các yếu tố đủ chín mùi mà trong đó hành giả phải tích tụ đủ duyên nghiệp phù hợp -- Như thế, việc nuôi dưỡng lòng từ bi là một yếu tố quan trọng tương đương không kém so với việc phát triển trí tuệ. Bởi đó động lực của hành vi vị tha không phân biệt thân sơ, giữ vai trò quan trọng để tạo duyên/nghiệp như thế.
Vậy thì việc tìm cách ứng dụng của Phật học vào các nghiên cứu nhằm đem lại phúc lợi và tiến bộ cho đời sống con người cũng sẽ không khác chi các hành vi từ bi khác, có khác chăng là việc các ứng dụng vào khoa học nếu có của Phật học càng tạo thêm được các bằng chứng về sự đúng đắng cũng như nuôi dưỡng tín tâm vào Phật giáo.
Ý thứ hai về việc áp dụng của Phật giáo thật ra có một cơ sở biện chứng rõ ràng: Dù nhiều đối tượng của các nghiên cứu khoa học không thuộc diện con người hay chúng sinh có tâm thức, nhưng khi nhìn vào các khía cạnh chung thì cả ý thức lẫn vật chất đều chia sẻ cùng nhau các luật cơ bản đó là luật duyên khởi và vô thường chóng vánh. Như thế, dòng sinh diệt liên tục của chúng đều có thể ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cả hai cùng chịu các tác động như nhau của môi trường nên các phản ứng tùy trường hợp sẽ có thể giống nhau nhiều hay ít.
Thứ đến, quan trọng hơn, điều cần chú ý là các đối tượng nghiên cứu khoa học đặc biệt là các sản phẩm có đặc tính tinh khôn dù ở bậc thấp (như các máy vi tính, các robot, ...) đều là sản phẩm của ý thức nên ít nhiều phải có dấu vết của ý thức tác động lên các chức năng và các hoạt động của chúng (bao gồm ý tưởng áp dụng các lý thuyết toán học và vật lý vào các kiến trúc máy tính chẳng hạn), và do đó, sẽ có một số đặc tính sao mượn hay phản ứng theo cách mà ý thức của người sáng tạo đã cài lên nó. Do đó, việc áp dụng Phật giáo lên các đối tượng phi tâm thức của khoa học là hoàn toàn khả thi miễn là người nghiên cứu biết mình đang làm gì và điều đó có hợp lý hợp tình hay không. Tức là phải hiểu rõ phạm vi nào để ứng dụng.
Mặc dù đã hết sức cố gắng để dùng lời văn giản dị, nhưng vì các ví dụ trong bài đều có thể cần đến nhiều thuật ngữ chuyên môn trong khoa học máy tính. Các thuật ngữ này vốn chưa được tiêu chuẩn hóa sang Việt ngữ. Do đó, sự trình bày sẽ ít nhiều đòi hỏi người đọc chú tâm ở mức cao cũng như có một kiến thức đủ về các thuật ngữ máy tính.
Cuối cùng, bài viết này được khởi lên từ nguyện vọng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp cùng "tình trạng", đây không phải là bài giáo khoa lại càng không phải là bài giảng Pháp dù rằng hầu hết các ý kiến trong bài viết liên quan đến triết lý nhà Phật đều đã được nêu trong các kinh luận. Cho nên, nếu có các lỗi lầm thì người viết xin nhận lấy trách nhiệm và xin cảm tạ các ý kiến chỉ dạy. Ngược lại, nếu nó đem lại chút ít lợi ích cho chỉ một người đọc thôi thì bài viết đã hoàn tất nhiệm vụ. Mọi liên lạc về nội dung bài viết xin hoan hỉ email về vo_quang_nhan@yahoo.com. Xin cảm tạ.
Trở lại nội dung chính của bài viết. Trước tiên tác giả bài viết xin kính dâng lên Thánh đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 (His Holiness the Dalai Lama 14th.) hồ sơ xin phát minh với tựa đề "Middle Way Logical Volume" (tạm dịch: Trung Đạo về Ổ Logic). Lý do là phát minh này đã vận dụng lại sáng kiến về chính sách Trung Đạo của đức Đạt-lai Lạt-ma để đề xướng vào trong khoa học máy tính. Ý tưởng sáng tạo trong phát minh này không thể có được nếu không có chính sách Trung Đạo của Ngài. (Thật tiếc cho chính phủ Trung Hoa đã không thấy được hay vì vô minh cố tình không thấy ưu điểm của đường lối Trung đạo)
Bài thứ hai này có đề cập về việc sử dụng các quan điểm hay ý kiến đã được giảng huấn từ các vị phật hay đại bồ-tát. Lý do là vi các bậc đại bồ-tát đã phải trải qua thời gian rất dài rèn luyện tâm thức tập trung mãnh liệt nên khả năng nhận thức của các ngài rất đúng đắn và thấu suốt.
Về lý mà nói, thì lời dạy của các bậc giác ngộ (nếu được thấu hiểu cặn kẽ) đều là lời nói thể hiện các mức độ khác nhau về hiểu biết chân lý. Cho dù các lời dạy đó hầu hết chỉ thể hiện trong bối cảnh rèn luyện tâm, thì vì các lý do đã nêu, chân lý bao hàm bên trong các lời dạy đó sẽ rất hữu hiệu nếu nó được thấu suốt và sử dụng đúng theo luật duyên khởi (-- nói một cách nôm na về luật này là các hiện tượng sinh ra đều do sự tác động của các điều kiện chung quanh và sự chuyển hóa liên tục của chính bản thân hiện tượng đó :-).
Cách nay hơn tháng, tác giả bài này có nhận được một email từ một người chưa hề quen biết giới thiệu về việc ứng dụng của nguyên lý Tứ Diệu Đế tức là bài giảng đầu tiên của đức Phật Thích-ca vào dịp chuyển Pháp luân lần thứ I. Bài viết đã nêu lên một điểm lý thú trong việc quán chiếu theo cách nghĩ của nguyên lý Tứ Diệu Đế để giải quyết các vấn đề, các khó khăn. Theo thiển ý thì đó là một ví dụ điển hình trong khi cũng sẽ có rất nhiều cách vận dụng một nguyên lý Phật học khác không chỉ với Tứ Diệu Đế như Duyên khởi, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên ... Chỉ cần theo dõi quán chiếu và tu tập thật cẩn thận và tìm cách áp dụng chẳng hạn như nguyên lý giữ chánh kiến trong Bát chánh đạo cũng đã có thể mang lại rất nhiều lợi lạc cho người nghiên cứu khoa học.
Nhưng đi đến mức cụ thể hơn, ta có đến vô vàn các lời dạy (84 ngàn pháp môn) thì câu hỏi đặt ra là biết dựa vào đâu và dựa trên nguyên tắc chọn lọc nào để dùng cho phù hợp với điều kiện khó khăn trong nghiên cứu hiện có?
Câu trả lời ở đây thật đơn giản mà cũng... không đơn giản tí nào đó là hãy để tùy duyên! Tức là tùy hoàn cảnh, tùy hiểu biết mà có nên hay không nên có dùng hay không dùng được một giáo huấn nào đó. Cũng tương tự khi giải một bài toán thi, người thí sinh phải biết tự mình liên kết, liên hệ các sự kiện của đề thi với kiến thức sẵn có một cách linh hoạt và hợp lý, từ đó mới đi đến chỗ thấy được sự khế hợp của những gì mình đã hiểu rõ và những gì mình cần vượt qua để dựa trên tri kiến đã biết mà làm.
Để có thể hoàn thành một bài thi thì thí sinh cần phải có đủ kiến thức và kỹ năng để giải quyết. Cũng vậy cho việc ứng dụng Phật giáo. Ở đây xin nhắc đến quá trình tìm đến Phật giáo, đọc và phân tích để hiểu thật rõ các giáo pháp và ngay cả cần hiểu được giáo pháp đó ở mức độ nào dành cho đối tượng nào và nó khế hợp với bối cảnh nào thì càng tốt. Bước tiếp theo có thể khó hơn là việc người đọc tự mình thực hành hay cố gắng thực hành các lời dạy đó. Việc thực hiện lời dạy là một bước rất quan trọng vì giống như trong lúc thi người học trò không thể nào đợi đến khi bước chân vào phòng thi mới lò dò mở từng cuốn sách ra mò xem đề bài này thuộc loại gì, kiến thức của nó nằm ở đâu trong cuốn sách giáo khoa nào. Một khi các hiểu biết Phật giáo đó đã phần nào "nhập tâm" thì đó là lúc có cơ may hái quả do duyên mình gieo ra. Nói cho cùng, các kiến thức Phật giáo, nếu có được áp dụng thì chúng đều cũng chỉ là các trường hợp ứng dụng đặc biệt so với việc sử dụng chúng vào đời sống hay đạo đức thường nhật. Theo như cách miêu tả thông thường trong nhà Phật thì quá trình rèn luyện này mang tên là "Văn (đọc hiểu) -Tư (tư duy) - Tu (nổ lực thực chứng). Ở đây, xin nhắc thêm một điều quan trọng: hoàn toàn giống như học sinh đi học cần có người thầy giỏi thì việc học sẽ tiến bộ nhanh trong khi nếu gặp người thầy không phù hợp hay không có khả năng chuyển giao kiến thức có thể khiến người học trò trở nên mất căn bản và có cơ tạo ra các nguy hại cho tương lai của người học trò.
Trong một bài giảng của đức Đạt-lai Lạt-ma (HHDL) có giảng về 3 phẩm chất mà một người tu học Phật giáo cần có là: khách quan, phân tích logic mạnh mẽ và tinh tấn (hứng thú và kiên quyết) trong tu học. Tương tự như thế, để các nghiên cứu khoa học được thành công thì các điều kiện về khách quan về khả năng phân tích lập luận và về sự hứng thú trong công việc cũng là điều phải có.
Một điểm nữa cần nhớ là, người nghiên cứu lúc gặp khó khăn, cũng nên thử hướng tư duy của mình vào việc áp dụng các kiến thức Phật giáo vào các tình huống cụ thể ... có khi một tia sáng lóe ra từ các điều đã học trong Phật giáo.
Để minh họa, xin nêu tiếp phần thực tế áp dụng sau đây
Vì người viết bài hoạt động trong lãnh vực khoa học máy tính cho nên các ứng dụng học được từ các lời giảng Phật giáo vào nghiên cứu cũng mang hơi hớm đó. Nếu người đọc tìm thấy sự khó hiểu ở đây, xin chân thành tạ lỗi vì không có các ví dụ nghiên cứu ứng dụng phổ quát hơn.
"Văn hóa xếp hàng" trong mạng máy tính -- hay -- Tự chuyển hóa ứng xử của cá nhân mình hơn là cố tìm cách biến cải ứng xử của toàn bộ môi trường:
Tìm ở đâu được mảnh da lớn có thể bao phủ toàn quả địa cầu? Ngay nơi chiếc dép da này, toàn mặt đất sẽ được bao phủ". Triết ý của điều này thật ra đã được dạy từ đức Phật. Đại khái là cá nhân chúng ta không đủ sức để thay đổi cả thế giới môi trường nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tự chính mình để tạo ra được sự hài hòa phù hợp cần thiết.
Trong môi trường mạng (network) việc các mạng "giao thông" gặp tắt ách rất thường thấy trong quá khứ và cả trong hiện tại một khi thông tin cùng một lúc bị truy cập hay cùng lúc cần đến.
Trường hợp cụ thể ở đây là vấn đề nảy sinh khi máy chủ (host/server) dùng giao thức DHCP hoạt động trên nguyên tắc tự động gán các địa chỉ IP cho các thân chủ (client). Nó đòi hỏi phải có một thời gian ngắn hạn để qua giao diện (interface) trao đổi các thông số cần thiết cũng như biết được máy thân chủ có được phép ban cấp IP (và bản thân máy chủ có sẵn nguồn IP chưa dùng đến hay không) để máy chủ có thể cấp phát số IP cho máy thân chủ cụ thể đang chờ kết nối.
Thông thường thì trên giao diện mạng, việc nối mạng như thế xảy ra ngẫu nhiên và ít khi gặp trở ngại. Tuy nhiên, trong môi trường hoạt động đặc biệt chẳng hạn như trong một mạng cô lập, một máy chủ dùng giao thức DHCP (điều khiển vận hành chung) được nối trực tiếp và tự động với hàng ngàn máy thân chủ giống hệt nhau (thông qua các switch). Ngay sau khi có sự cố (bị cúp điện) và nguồn điện đã được trở lại bình thường thì người quản lý hệ thống tự động này quyết định mở cầu giao cho máy chủ trước và tiếp đến mở cầu giao đồng loạt cho tất cả các máy thân chủ .... Sau đó, người quản lý có thể dể dàng thấy "hiện tượng" sau: có khá nhiều máy (hơn 1/3 trong tổng số) không thể nhận về được địa chỉ IP cho mình mặc dù máy chủ có khả năng cung cấp 100% số IP mỗi số cho một thân chủ một cách tự động. Số lượng máy thân chủ không có được IP "đành" phải được cho tái khởi động (reboot) bằng tay và kiểm lại địa chỉ IP. Việc làm như thế rất tốn thì giờ và buộc phải thân hành đến từng máy địa phương (không thể điều khiển từ xa vì ... chưa có kết nối mạng lên máy thân chủ để mà điều khiển)
Sau khi phân tích thì vấn đề này có thể thấy nó gần tương tự như chuyện trên 1 đoạn đường của 1 thành phố, ở giờ "Cao điểm" tất cả các xe trong các căn hộ thuộc đoạn đường này đều "xuống đường" cùng lúc ... mỗi chiếc xe đều đòi phải có 1 khoảng đủ rộng để phóng ... đến nơi mình muốn. Việc xảy ra đụng chạm cọ quẹt và tăng thêm trở ngại là việc tránh không khỏi. Do đó, nạn kẹt xe (tắt đường) là tất yếu.
"Phố phường chật hẹp, người đông đúc Bồng bế nhau lên nó ở non ..." (Tú Xương)
"Mặc kệ đâu nhốn nháo - Ở đây ta xếp hàng - Người trước người sau - Chúng ta nối đua nhau → Mua thịt" (Chế Lan Viên)
Ở đây, tình huống "thấy được" là việc vận tốc cung ứng các địa chỉ IP (môi trường sẵn có) là có giới hạn. Người ta có thể nghĩ đến chuyện tăng cường khả năng của máy chủ (thay đổi môi trường cung ứng điều kiện làm việc của mạng) bằng các tăng các đường nối mạng, tặng vận tốc của bộ điều hợp mạng của máy chủ và các thân chủ (NIC/network controller) lên mức tối đa ... Tuy nhiên, các giải pháp này vừa tốn kém nhưng vẩn không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề. Mấu chốt cơ bản là "ta không thể nào mua đủ da để bọc hết gai trên trái đất này"! Khó lòng tăng cường được lượng mưa trong năm để dùng cho tưới tiêu các vùng ít lưu lượng mưa... mà cách dể hơn vẩn là ... thay đổi các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu. Như vậy, giải pháp chính là hướng đến số lớn các máy thân chủ (thuộc về cá nhân) để điều chỉnh cho phù hợp hơn là thay đổi toàn bộ điều kiện sằn có của mạng kết nối.
Giờ hãy thử nghĩ nếu tất cả các thân chủ đều không ai giành nhau xin địa chỉ IP trong cùng lúc (và thay vào là có một dạng "xếp hàng" ngẫu nhiên nào đó) thì có lẽ vấn đề sẽ dể hơn. Tuy nhiên, khi người quản lý bật cầu giao thì tất đều khởi động cùng lượt .... các máy thân chủ, vốn có cùng một kiểu cấu hình và dùng cùng một thuật toán khởi động, đều không thể có bất kì liên hệ nào với các thân chủ khác để tự biết thứ tự của mình mà "xếp hàng (việc các máy tính biết được được sự có mặt của các thân chủ khác trên mạng chỉ có thể xảy ra ... sau khi các thân chủ mỗi máy đã có một địa chỉ IP cho mình --> vòng lẩn quẩn). Tuy nhiên, các thân chủ vẩn có thể tự mình thay đổi thời gian "giành giật" bằng cách xin đăng ký số IP ở thời điểm nào khác hơn là vào lúc "cao điểm". Vì các thân chủ đều rất giống nhau về mặt vật lý trừ một đặc điểm nhỏ, đó là mỗi bộ điều hợp nối mạng của mỗi máy thân chủ có duy nhất một địa chỉ MAC phân biệt.
Như vậy, nếu dùng địa chỉ MAC này để làm nhân cho việc thay đổi từng cá nhân máy thân chủ: Đặt số MAC riêng biệt của mỗi máy này làm nhân cho một hàm số ngẫu nhiên để tạo một thời gian vài giây (X). Máy thân chủ khi khởi động sẽ tự động ra lệnh cho mình đợi (delay) một số X giây ngẫu nhiên này trước khi gửi gói dữ liệu (data package) đến máy chủ để xin đăng ký IP (con số X delay này được xác định tùy theo lượng thân chủ và khả năng thực tế của hệ thống mạng, có thể tăng đến vài phút cho delay time)
Lý do mà vấn đề được hoàn toàn giải quyết là vì theo phân bố ngẫu nhiên thì .... số lượng máy thân chủ trung bình yêu cầu nhận địa chỉ IP trên một đơn vị thời gian thay vì là hàng ngàn máy trong cùng lúc nay được "giản" ra trong một khoản thời gian đủ lớn. Các thân chủ do có thời gian "chờ đợi" tự động một cách đồng đều ngẫu nhiên nên chỉ có tối đa (theo luật ngẫu nhiên bình đẳng) một lượng nào đó yêu cầu các địa chỉ IP lên máy chủ qua mạng kết nối. Do đó máy chủ có đủ thì giờ đáp ứng cho số này đồng thời lưu lượng trung bình các gói dữ liệu có mặt trên mạng cũng giảm đi nhiều chục/trăm lần và do đó tránh được các va chạm (data collision) làm mất dữ liệu thông tin mạng.
"Trông Mặt mà Bắt Hình Dong" -- Các nguyên nhân có phụ thuộc vào hậu quả không?
Theo nguyên lý duyên khởi (pratītyasamutpāda) mà đức Phật đã dạy, thì mọi vật hiện hữu đều phụ thuộc vào các nhân (nguyên nhân) và duyên (điều kiện) tạo ra. Ở đây tạm không bàn sâu vào tính sinh diệt liên tục của vạn vật trên đơn vị ngắn nhất của thời gian mà chỉ đào bới một khía cạnh nhỏ về đặc tính phụ thuộc của lời dạy này. Chúng ta có thể hiểu đặc tính phụ thuộc theo 3 mức độ:
- Mọi vật sinh ra đều là kết quả của sự tương tác bởi nhiều nguyên nhân và điều kiện.
- Các yếu tố cấu thành của một sự vật/hiện tượng và toàn thể sự vật/hiện tượng đó phụ thuộc vào nhau
- Tất cả sự vật và hiện tượng chỉ hiện hữu như là kết quả sự kết hợp đồng thời của tất cả những yếu tố cấu thành. Khi phân tích sự vật trong nhận thức bằng cách chia chẻ chúng thành từng yếu tố cấu thành, thì bất cứ sự vật nào cũng đều hình thành với sự phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố khác. Và cho đến cùng thì tất cả đều tùy thuộc vào cách định danh (tức là cách đưa ra khái niệm, cách hiểu, đặt tên, mô tả, ... vv về một sự vật)
Thật ra, nguyên lý này đã được vận dụng trong khoa học rất nhiều từ việc chẩn bệnh trong Y học người bác sĩ cần nhận thấy các triệu chứng cũng như kết quả các phép thử (máu, nước tiểu, ...) mà đoán ra căn bệnh có khi là chắc chắn có khi chỉ ... là đoán. Trong khoa học giảo nghiệm, truy tầm tội phạm cũng thế, người ta dựa trên những bằng chứng hiện có để suy luận các nguyên nhân hay các nguồn dẫn. ... Cũng thế, trong khoa học máy tính, người phát triển mã nguồn có thể dùng các phép suy luận logic (dựa trên cơ sở trạng thái (state machine) và các thuật toán để tìm ra các sai sót. Trong quang học, hay vật lý thiên văn người ta cũng có thế dựa trên các quan sát phổ sóng ánh sáng, để đoán ra vật thể được quan sát có chứa nguyên tố gì. Vận dụng nhân quả theo cách này thì không có gì mới mẻ.
Vậy nhưng ở đây, xin ghi rõ đến cách nhìn có khác hơn của Phật giáo về tính phụ thuộc: Ai cũng nhận ra rằng hậu quả luôn luôn phụ thuộc vào các nguyên nhân và các điều kiện. Thế nhưng đạo Phật lại còn đi xa hơn nữa, một cách khách quan, nếu tạm thời không truy cứu đến phạm trù thời gian trôi chảy trong mối quan hệ nhân quả này thì rõ ràng về mặt tương ứng: mỗi phổ các hậu quả riêng biệt chỉ có thể tương ứng với một phổ của các nguyên nhân và phổ của các duyên (điều kiện mội trường) đặc thù. Hậu quả khác đòi hỏi tổ hợp nhân duyên khác, và do đó, từ cách nhìn này thì Phật giáo cho rằng nguyên nhân cũng phụ thuộc vào hậu quả. Dựa trên quan điểm đó, nếu người nghiên cứu nắm được một cách chính xác đầy đủ về trạng thái và ứng xử hiện có (bao hàm cả trong đó sự tương tác với môi trường tạo duyên) của một đối tượng thì hoàn toàn có thể suy ngược một cách chính xác đến các nguyên nhân khiến cho đối tượng nghiên cứu có trạng thái ứng xử hiện tại. Một ứng dụng nhỏ của việc tương tác nhân quả trên các phát triển phần mềm là có thể khích khởi (inject) lên ngỏ nhập của chương trình các tham số, với điều kiện vật lý đặc biệt và thu lại toàn bộ kết quả hay ứng sử của chương trình. Một khi biết rõ các liên hệ khả dĩ giữa điều kiện đưa thêm, nguyên nhân, và hậu quả đang có cùng với môi trường hiện tại thì có thể "thấu suốt được" các nguyên nhân vốn khó nắm bắt này một cách tường minh hơn.
Tuy nhiên, ở đây người áp dụng cũng nên biết rõ là Phật giáo phân biệt 3 hạng dữ kiện: Một là hạng dữ kiện có thể trực tiếp nhận thức và không cần thêm bất kì biện pháp nào. Hai là hạng dữ kiện có mặt nhưng đòi hỏi phải suy luận chặt chẽ hay phải có những "công cụ" gián tiếp để phát hiện. Ba là, hạng dữ kiện hoàn toàn ẩn kín; loại này không cho phép người nghiên cứu thấy, suy luận hay dùng công cụ để chỉ rõ được. Tuy nhiên, trong dòng duyên khởi (tức là dòng chuyển biến tương tác liên tục của các hiện tượng đang được nghiên cứu) thì các dữ kiện bất kể thuộc hạng nào cũng vẩn có các tương tác lẫn nhau. Do đó các sự kiện có khả năng nắm bắt được vẩn có thể còn chịu ảnh hưởng của các sự kiện không nắm bắt được (và ngươc lại -- đây cũng là các yếu tố tạo khó khăn trong nghiên cứu). -- Trong nghiên cứu nếu có thể, hãy tìm cách "thay đổi tình hình" bằng việc "kích thích" ngõ vào một cách chọn lọc để khiến chúng tạo duyên cho sự loại trừ hoàn toàn hay ít nhất giảm thiểu tối đa ở mức có thể của các dữ kiện hạng thứ ba trong kết quả -- qua đó người nghiên cứu có thể kiểm soát và thấu hiểu được tình hình, nguyên do, hay bản chất của đối tượng đang được nghiên cứu.
Tùy theo các trường phái khác nhau trong Phật giáo, thì khái niệm Trung đạo có thể được hiểu một cách có khác nhau về chi tiết. Ta có thể hiểu về Trung đạo một cách nôm na qua hình ảnh của việc lên dây đàn. "Sợi dây đàn chùng quá hay căng quá cũng không tạo được một âm thanh trong trẻo". Đứng về mặt ý thì Trung đạo là việc phủ nhận các cực đoan cố chấp vào sự tồn tại hay không tồn tại của sự vật. Việc cố chấp này nảy sinh là do thiếu hiểu biết chính xác về bản chất duyên khởi chóng vánh của sự vật (thông thường các ý tưởng cảm nhận qua các tri giác thông thường về thế giới khiến ta dể nhìn nhận sự vật tồn tại một cách bản chất hay đôi khi ngược lai phủ nhận sự tồn tại của sự vật chỉ vì dựa trên các quan sát hay lý luận không đầy đủ).
Ở đây ý tưởng "Trung Đạo" trong Phật giáo đã được đức Dalai Lama mô phỏng thành một chính sách đề nghị cho tương lai của Tây Tạng. Đó là việc ngài chủ trương kiến tạo một vùng Tây Tạng tự trị thật sự. Ý kiến này có thể đã nảy sinh từ động lực mong muốn có một sự chung sống hòa bình hạnh phúc cho cộng đồng người Tây Tạng trong khối người Hoa khổng lồ. Chính sách đó không đi theo hướng cực tả đòi hỏi giành lại một tên nước Tây Tạng độc lập mà cũng không chấp nhận xu hướng cực hữu qua việc xóa bỏ nền văn hóa Tây Tạng với bản sắc đặc trưng Phật giáo Kim Cương thừa để trở thành một loại bản sắc Hán tộc 100%. Khối ngựời Hoa rất đông đảo và mạnh mẽ về di sản vật chất và văn hóa trong khi khối người Tạng nhỏ bé nhưng lại rất sâu sắc, đồng nhất và hài hòa về di sản tinh thần và tôn giáo ...Theo phân tích của người viết bài này, sự kết hợp khéo léo không hủy hoại các đặc tính tốt đẹp lẫn nhau của hai khối này sẽ có thể mang lại lợi ích vô cùng lớn lao cho cả hai cộng đồng. Ngoài ra, còn có thể có nhiều phân tích về các khía cạnh lợi ích khác của chính sách Trung đạo nhưng việc bàn thảo về nó sẽ vượt quá đề tài khoa học của bài viết.
Chúng ta hãy trở lại một thí dụ ứng dụng của ý kiến trung đạo. Trong kiến trúc hiện nay của các máy tính cở lớn (các máy chủ -- server) thì bộ lưu trữ (storage) ngày nay có nhiều phẩm chất tiện ích, trong đó, ba điểm nổi bật là kích cỡ rất lớn của bộ lựu trữ, khả năng tái lập dữ liệu (data redundancy) do hỏng hóc và vận tốc xử lý dữ liệu cao. 3 đặc tính này có được, ngoài khả năng tính toán cực nhanh của CPU, là còn phải nhờ vào nhiều yếu tố khác trong đó có 2 thành phần phần cứng quan trọng là ổ cứng (hard drive) và bộ nhớ đệm (cache).
- Các ổ cứng ngày nay có được khả năng tái lập dữ liệu là do cách kết cấu theo kỹ thuật RAID để tạo nên các ổ nhớ logic (logical drive) là một dạng sao chép dữ liệu để phòng hờ hỏng hóc. Tuy nhiên, các ổ cứng thông thường ngày nay vẩn dùng công nghệ cơ khí cho nên vận tốc truy cập dữ liệu vẩn còn rất thấp so với vận tốc xử lý của CPU.
- Để khắc phục phần nào sự "chênh lệch" giữa vận tốc xử lý dữ liệu và vận tốc xuất nhập (I/O -- input output) dữ liệu của các ổ logic, nhiều năm trước, người ta thiết kế ra các bộ nhớ đệm (cache) là một loại bộ nhớ có vận tốc lưu trữ dữ liệu rất nhanh nhằm tạm thời lưu giữ các dữ liệu trong khi các ổ logic đang bận thực thi các thao tác khác. Chính bộ nhớ đệm này đã giúp tăng được vận tốc trung bình của toàn bộ hệ thống máy tính lên đáng kể. Vì giá thành của bộ nhớ đệm này rất cao nên dung lượng của nó được trang bị trên mỗi máy tính khá khiêm nhường (từ vài trăm Mb cho đến vài Gb là tối đa; trong khi tổng dung lượng của một bộ lưu trữ ngày nay cho mỗi máy có thể lên đến trên dưới 200,000Gb hay khoảng 200Tb)
Vấn đề nảy sinh là gần đây các ổ cứng loại mới được chế tạo bằng các "memory chip" tức là các bộ nhớ điện tử (thường thấy trên các máy chụp hình số) gọi là SSD (solid state drive). Vận tốc của loại này nhanh hơn vận tốc của các loại ổ cứng truyền thống khoảng 10 lần nhưng so với vận tốc của bộ đệm thì SSD nhỏ hơn khoảng 12 lần. (Về giá thị trường của ba loại này cũng tương ứng như thế các bộ nhớ đệm giá khoảng gấp 10 lần SSD và, SSD giá gấp 10 lần ổ cứng thường). Đồng thời dung lượng của nó cũng chỉ khoảng 1/3 dung lượng của ổ cứng thông thường. Xem ra, nếu trang bị mới cho bộ lựu trữ hoàn toàn bằng SSD thì sẽ rất đắt tiền. Vấn đề là làm sao để nâng vận tốc lưu trữ của máy lên nhiều lần gần tương đương với máy tính được trang bị toàn bằng SSD nhưng vẩn không phải trả một giá thành cao như thế.
Nếu dựa theo tầm nhìn trung đạo thì có thể tìm cách thiết kế một hệ thống mới sao cho nó chạy với vận tốc nhanh so sánh được với vận tốc của SSD cũng như giữ nguyên các tính năng về ổ nhớ logic của nó. Dĩ nhiên, một giải pháp dể thấy là dùng SSD như là vai trò của một bộ đệm thứ cấp (level two cache) cỡ lớn. Tuy vậy nếu nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy là bộ đệm thứ cấp này dù có tốt thì cũng đã đánh mất đi một tính năng quan trọng mà các ổ cứng đều có thể được kiến trúc nên: đó là việc các ổ cứng có thể được cấu trúc để có khả năng tái lập dữ liệu trong hư hỏng (data redundancy). Như vậy việc thấy được các đặc điểm "trung đạo" của SSD thì người thiết kế có thể tạo ra một bộ đệm thứ cấp cỡ lớn nhưng lại có khả năng tái lập dữ liệu do hỏng hóc. Đồng thời một hệ thống máy tính như thế sẽ có vận tốc tăng cao gấp nhiều lần, tăng cao khả năng bảo dưỡng dữ liệu đồng thời giá cả cho kiểu máy này lại không tăng theo tỉ lệ nhỏ hơn nhiều lần. Đây cũng là mội dung liên can đến phát minh được nêu trong phần đầu của bài viết cũng như liên quan đến một world wide technical publication về kiến trúc một kỹ thuật lưu trữ nhằm tối ưu hóa một hệ thống máy tinh trong đó có nhiều cơ chế lưu trữ dữ liệu có các vận tốc sai biệt nhau đáng kể.
Các ứng dụng của Phật giáo vào khoa học đã được các nhà nghiên cứu quan tâm đến trong nhiều thập niên gần đây. Ngoài các chia sẻ tri kiến về vật lý như cách thức tồn tại của vật chất (vật lý vi mô -- lượng tử) và của vũ trụ (vật lý vĩ mô -- vũ trụ học) thì các ứng dụng trực tiếp được thấy đặc biệt rõ nét trong các ngành y học trị liệu, tâm lý học, và thần kinh học. Tuy vậy, ứng dụng vào các ngành khác của khoa học thì vẩn còn hiếm hoi. Loạt bài viết này chỉ nhằm một mục tiêu nhỏ cho thấy ứng dụng của Phật giáo sẽ không chỉ dừng lại ở các ngành khoa học đã nêu mà nó có thể thâm nhập vào các vị trí khác chẳng hạn nhằm giúp người nghiên cứu vượt qua các khó khăn. Các áp dụng như vậy cũng là một bước khác để kiểm chứng sự đúng đắng của giáo thuyết nhà Phật vì chỉ có thuyết lý đúng thì mới dẫn đến các hậu quả phù hợp, tin cậy và áp dụng được. Dẫu sao, truy cho đến cùng thì cho dù có mang đến phúc lợi như thế nào, mụch tiêu chính của Phật giáo vẩn là nhằm mang lại giải thoát hoàn toàn cho chúng sinh và đạt đến trí tuệ viên mãn. Theo các giảng huấn Phật giáo thì không có nổ lực tu tập thực nghiệm một cách kiên trì và phù hợp, thì sẽ chẳng có giải thoát chẳng có trí tuệ tối thắng.
Kính chúc an lạc
Phật tử Làng Đậu