24/05/2018, 22:30

Nghiên cứu và phương pháp đánh giá sự cố môi trường trong sử dụng khí hóa lỏng (LPG) ở Việt Nam - Nhận xét và thảo luận

Xuất phát từ hiện trạng trong sử dụng LPG ở Việt Nam, cơ sở lý luận về QTRR và kinh nghịệm quản lý ATMT công nghiệp, luận án đề xuất khái niệm “an toàn môi trường thiết bị”, phân lọai thiết bị theo 3 cấp và dự báo sự biến đổi về ...

  • Xuất phát từ hiện trạng trong sử dụng LPG ở Việt Nam, cơ sở lý luận về QTRR và kinh nghịệm quản lý ATMT công nghiệp, luận án đề xuất khái niệm “an toàn môi trường thiết bị”, phân lọai thiết bị theo 3 cấp và dự báo sự biến đổi về chất và lượng của các thiết bị chứa LPG trong từng giai đoạn phát triển KT-XH của đất nước; từ đó, xây dựng cơ sở khoa học về quản trị rủi ro kỹ thuật (TERM), góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn về ATMT, làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa SCMT mang tính đồng bộ, hệ thống trong sử dụng LPG ở Việt Nam. Các giải pháp này sẽ được giới thiệu trong phần tiếp theo.
  • Quan điểm an toàn môi trường thiết bị là vấn đề mà từ trước đến nay chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ do chúng ta đề cập chủ yếu tới thiệt hại vật chất và tính mạng con người và nghĩ rằng vấn đề đó không thuộc về môi trường. Nếu xét khái niệm môi trường “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, và ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên” hay “Môi trường là khoảng không gian mà con người sử dụng và tác động vào nó và bị nó tác động lại”. Như vậy, rõ ràng con người và của cải vật chất bị vụ nổ tác động thuộc thành phần môi trường trong không gian đó. Hơn nữa, sự phát tán môi chất trong vụ nổ đó như thế nào và hậu quả tiếp nối của vụ nổ ra sao cũng chưa được đề cập thấu đáo. Chính vì vậy, luận án đề xuất khái niệm “an toàn môi trường thiết bị” để đề cập đến tính bao quát của vấn đề, nghĩa là thiết bị đặt trong một khoảng không gian nào đó và xem xét tất cả các yếu tố, từ tự nhiên, xã hội, điều kiện sử dụng, quá trình sử dụng trong đó có con người sử dụng thiết bị, có quan hệ với thiết bị để xác định mức độ an toàn của tất cả các yếu tố. Xét về mặt khái niệm thì các yếu tố đó là các thành phần môi trường của thiết bị. Khái niệm an toàn môi trường thiết bị giúp khái quát đồng bộ nguy cơ xảy ra sự cố với thiết bị chứa LPG, định hướng xây dựng biện pháp ngăn ngừa và tính xác suất rủi ro khi biện pháp thống kê chưa đáp ứng được đầy đủ số liệu, chưa bảo đảm độ tin cậy về thời gian. Kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học [52] đã đề cập tới mối quan hệ hữu cơ này.
  • Đề cập tới thiết bị là phải nói tới cả một quá trình khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và sử dụng cùng các thiết bị phụ trợ cần thiết; sau đó là các yếu tố người sử dụng và yếu tố môi trường nhằm đảm bảo an toàn. Để đảm bảo cho số lượng N thiết bị được sử dụng an toàn ta phải nghiên cứu khảo sát, phân tích, đánh giá nguy cơ của N thiết bị đó, sau đó phải tính đến điều kiện đáp ứng về công nghệ, kỹ thuật, kinh tế và yêu cầu của phát triển KT-XH để thực hiện bảo đảm an toàn thiết bị. Mọi biện pháp đầu tư vào bảo đảm an toàn N thiết bị này không phải theo mong muốn chủ quan của con người mà còn phụ thuộc vào vấn đề nào mang tính cơ bản nhất có tính quy luật tác động vào thiết bị để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng thiết bị và sau đó còn cần những điều kiện cần thiết khác. Cho dù là biện pháp kỹ thuật, công nghệ hay quản lý cũng đều phải dựa vào tiến bộ KH-KT, đặc biệt khi liên quan đến an toàn thiết bị, ta mới có khả năng thực hiện được. Khi đã dựa vào khả năng tiến bộ KH-KT, phải có tiềm lực về kinh tế để thực hiện nó và tốc độ hoàn thiện nhanh hay chậm có một phần do yếu tố này. Tuy mục đích chung là phải bảo đảm an toàn nhưng đầu tư cho các thiết bị khác nhau nên phải phân loại thiết bị theo mức dộ an toàn để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, đáp ứng sự phát triển xã hội.
  • Dựa vào cơ sở trên, luận án phân N thiết bị ra 3 loại theo mức độ an toàn thiết bị: loại I là loại thiết bị đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và quy phạm về an toàn thiết bị, loại II là loại thiết bị còn có một số điều chưa đạt được về an toàn thiết bị song có đủ khả năng kinh phí và kỹ thuật để hoàn thiện; loại III là loại thiết bị có vi phạm về an toàn sử dụng, phải đầu tư nghiêm túc để đảm bảo an toàn sử dụng khi chưa có khả năng thay thế ngay không phải chỉ do yếu tố kinh phí mà còn do nhiều yếu tố khác như không thể dừng sản xuất ngay được nên phải thực hiện biện pháp an toàn tình thế, thậm chí kể cả chi phí có thể lớn hõn cả đầu tư mới để đảm bảo an toàn sử dụng. Việc tiến tới loại trừ nIII, tăng nI và giảm dần nII nhờ tiến bộ KH-KT nên sự biến đổi này phụ thuộc vào quy luật ứng dụng tiến bộ KH-KT vào đời sống, sản xuất. Đây là bài toán chấp nhận rủi ro, song rủi ro phải được phòng ngừa.
  • Phân loại thiết bị theo cấp an toàn là phù hợp với quy luật ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sự phát triển KT-XH và BVMT.

Đề xuất giải pháp phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG ở Việt Nam

Dựa trên thực trạng và đặc điểm trong sử dụng LPG ở Việt Nam đã nêu ở chương I, cơ sở khoa học đã xây dựng trong chương III, cơ sở quản trị rủi ro kỹ thuật (TERM) đã nêu ở phần 4.5.4, trong phần này, luận án đề xuất một số giải pháp chủ yếu, mang tính đồng bộ, hệ thống, khả thi, nhằm phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG, phù hợp với điều kiện Việt Nam và những nơi có điều kiện sử dụng tương tự bằng cách loại trừ đi một hoặc nhiều yếu tố gây sự cố (như đã trình bày trong phần 4.5.1) để phòng ngừa rủi ro trong sử dụng LPG như phân tích sau đây:

Gỉai pháp loại trừ yếu tố gây sự cố do con người

Nếu nguời sử dụng nhận thức được mức độ nguy hiểm của LPG nhiều hơn, họ sẽ có ý thức hơn để phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG. Nếu loại trừ yếu tố gây SCMT do con người, công thức 4.38 có dạng sau:

(4.47)

Sau đây là một số giải pháp cụ thể để giảm thiểu nguyên nhân gây SCMT trong sử dụng LPG do yếu tố con người:

  • Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức để tạo ý thức của các đối tượng liên quan (nguời lao động, nguời sử dụng lao động, cơ quan quản lý thiết bị, các bên kiểm tra, đánh giá thứ 3…) về ATMT trong sử dụng LPG,.
  • Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG cho người sử dụng lao động. Cùng với công tác thanh tra ATMT của cơ quan chức năng, hoạt động tự kiểm tra an toàn của cơ sở đóng vai trò quan trọng. Hoạt động này gắn liền với quá trình hoàn thiện tổ chức bộ máy, quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
  • Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của NLĐ thông qua tuyên truyền, huấn luyện lợi ích của công tác phòng ngừa SCMT từ những nguy cơ nhỏ nhất, vì một sự cố nhỏ có thể gây ra những thảm họa lớn. Từ đó, làm cho NLĐ có ý thức thực hiện nghiêm ngặt quy trình vận hành thiết bị.
  • Tiêu chuẩn hóa trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ ATMT, sức khỏe đối với cán bộ quản lý và công nhân vận hành thiết bị.
  • Công nhân vận hành thiết bị chứa LPG phải được đào tạo về chuyên môn, huấn luyện về nghiệp vụ ATMT trong sử dụng LPG. Nội dung huấn luyện đối với người vận chuyển, giao nhận LPG phải theo quy định của thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ công an về việc hướng dẫn thi hành nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật PCCC; thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2005 của bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn công tác huấn luyện ATLĐ, VSLĐ và quy định tại mục 1.5 của TCVN 6485:1999, tập trung vào các vấn đề sau: văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến LPG; dấu hiệu, biểu trưng và ký hiệu nguy hiểm của LPG; đặc tính nguy hiểm của LPG; cấu tạo, nguyên lý làm việc của thiết bị công nghệ, đường ống …biện pháp cần thực hiện khi xảy ra sự cố.
  • Đối với các đối tượng liên quan đến vận chuyển, giao nhận LPG bằng đường bộ và đường sắt được quy định bổ sung như sau: Người điều khiển phương tiện, tham gia vận chuyển, giao nhận LPG phải có đủ các chứng chỉ về điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo quy định. Trong nội dung huấn luyện phải bổ sung kiến thức cơ bản về xe bồn, toa xe bồn (thiết kế cơ bản, chế tạo, vận hành xe và các thiết bị đi kèm); các quy trình xuất và nhập LPG của xe bồn hoặc toa xe bồn.

Gỉai pháp loại trừ yếu tố gây sự cố do thiết bị

Tương tự, loại trừ yếu tố do thiết bị chứa LPG. Khi đó, công thức 4.38 có dạng:

(4.48)

Sau đây là một số yêu cầu an toàn hệ thống trong sử dụng LPG:

Yêu cầu đối với thiết kế

Các chi tiết cơ bản cũng như tổng thể thiết bị chứa LPG phải đáp ứng yêu cầu về sức bền ở điều kiện làm việc. Việc thiết kế, lựa chọn kết cấu của thiết bị xuất phát từ đặc tính của LPG, đặc điểm hoạt động của thiết bị … phải đảm bảo loại trừ hoặc hạn chế tới mức thấp nhất các yếu tố nguy hiểm tiềm tàng hay hình thành trong quá trình hoạt động. Kết cấu thiết bị phải đảm bảo độ bền để thiết bị làm việc an toàn, ổn định, tin cậy dưới tác động của LPG có áp suất làm việc cao. Tuy nhiên, hồ sơ thiết kế thiết bị chứa LPG của một số cơ sở chế tạo chưa đáp ứng yêu cầu [103]. Khi thiết kế, chế tạo, lắp đặt thiết bị chứa LPG ở nơi có khả năng bị ăn mòn do khí hậu như vùng biển hoặc trong không khí bị ô nhiểm bởi hơi, khí có đặc tính ăn mòn, hoặc khu vực có mưa axit, thiết bị đặt trên tàu thuyền họat động dài ngày trên biển, cần bổ sung hệ số kể đến do ăn mòn hóa học từ môi trường bên ngoài. Luận án đã xây dựng quy trình tính toán thiết kế bồn chứa LPG [60]. Nội dung chi tiết của quy trình này được giới thiệu trong phần phụ lục.

Yêu cầu đối với chế tạo

Việc chế tạo thiết bị chỉ được phép ở cơ sở có đủ điều kiện về người, thiết bị, công nghệ và phương pháp kiểm tra sau chế tạo …

Yêu cầu đối với lắp đặt

  • Lắp đặt thiết bị do đơn vị có đủ điều kiện tiến hành. Khi lắp đặt thiết bị phải sử dụng đúng vật liệu như trong thiết kế; đảm bảo khoảng cách giữa các thiết bị, giữa thiết bị với kết cấu; kiểm tra các bộ phận, chi tiết trước khi lắp đặt; thử nghiệm thiết bị sau lắp đặt; không thay đổi các chi tiết của thiết bị.
  • Chỉ được phép đưa các trạm nạp LPG mới xây dựng vào hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ các quy định của quy chế quản lý KTAT về nạp LPG ban hành kèm theo quyết định số 36/2006/QĐ-BCN ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Bộ công nghiệp và các TCVN 6153:1996, TCVN 6154: 1996, TCVN 6155:1996, TCVN 6156: 1996, TCVN 6304:1997, TCVN 6485:1999, TCVN 6486:1999.
  • Nghiên cứu giải pháp lắp đặt bồn chứa ngầm ở những nơi có điều kiện, vì các thiết bị chứa LPG chôn ngầm dưới đất do được cách ly nên ít xảy ra SCMT, đặc biệt là sự cố BLEVE.

Yêu cầu đối với sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị

Để bảo đảm an toàn, thiết bị phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện các khuyết tật và có biện pháp xử lý, bảo dưỡng kịp thời. Bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nhằm thay thế từng phần hoặc thay thế toàn bộ thiết bị không còn đảm bảo khả năng làm việc an toàn theo kế hoạch đã dự tính.

Yêu cầu đối với vận hành

Trong sử dụng LPG phải có quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố; vận hành thiết bị theo đúng giấy chứng nhận kiểm định như: thông số vận hành, thời gian vận hành; cần phải theo dõi các thông số vận hành và kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường; khám nghiệm định kỳ trong quá trình sử dụng thiết bị; người vận hành phải đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn, sức khỏe. Bên cạnh đáp ứng yêu cầu an toàn bản thể thiết bị, công tác an toàn nội tại cũng phải được bảo đảm. Sau đây là một số yêu cầu an toàn đối với hệ thống thiết bị chứa LPG:

Đối với các bồn chứa đặt cố định
  • Áp suất thiết kế các bồn chứa LPG không được nhỏ hơn 17 bar với chiều dày tăng thêm để dự phòng ăn mòn ít nhất là 1 mm;
  • Trên bồn chứa phải có đủ các cơ cấu an toàn như:
  • Trên đường nạp lỏng phải có 1 van một chiều và 1 van chặn;
  • Đường cấp lỏng ra phải có van đóng nhanh khẩn cấp và một van đóng ngắt trực tiếp ở phía ngoài. Gas lỏng thường được nạp vào khoang hơi;
  • Bồn phải được trang bị van an toàn có kích thước phù hợp;
  • Trên bồn phải có ít nhất một dụng cụ đo mức lỏng và một áp kế;
  • Hệ thống các van đóng khẩn cấp phải có khả năng đóng bằng tay từ xa cũng như tại điểm vận hành; tự động đóng khi có tín hiệu báo lửa, rò rỉ từ các đầu dò khí;
  • Mỗi bồn phải có ít nhất hai vị trí nối vào hệ thống tiếp đất chống sét và chống tĩnh điện. Điện trở tiếp đất phải nhỏ hơn 10 Ohm.
Đối với xe bồn:

Bồn chứa đặt trên xe có yêu cầu thiết kế như đối với bồn chứa cố định, ngoài ra còn thêm một số yêu cầu bổ sung:

  • Lượng lỏng nạp vào bồn không được vượt quá 90% dung tích bồn;
  • Nếu dung tích bồn lớn hơn 10.000 lít, bồn phải có một hoặc nhiều vách ngăn. Dung tích mỗi khoang không được vượt quá 7.500 lít;
  • Khi thiết kế bồn, áp suất môi chất lấy bằng 17 bar;
  • Bồn chứa bắt buộc phải có nhiệt kế;
  • Xe bồn phải có dây để nối đất.
Đối với các ống dẫn LPG

Trên các ống hơi và ống lỏng, giữa 2 van chặn phải có van an toàn có áp suất đặt bằng 80% áp suất thử của hệ thống như sau:

  • Ống có áp suất cao hơn áp suất của bồn (ống đẩy của bơm) thiết kế ở 24 bar;
  • Ống lỏng không nối với đầu đẩy của bơm, các ống hơi làm việc ở áp suất lớn hơn 9 bar (ống hơi nối với bồn phía trước van giảm áp) thiết kế ở 17 bar;
  • Ống hơi làm việc ở áp suất nhỏ hơn 9 bar (sau van giảm áp) thiết kế ở 9 bar.

Gỉai pháp loại trừ yếu tố gây sự cố do môi trường

Trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu về nhân lực, chưa có điều kiện trang bị thiết bị chứa LPG tốt hơn, nếu loại trừ yếu tố gây sự cố do môi trường như môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường pháp luật; môi trường tự nhiên ảnh hưởng tới thiết bị chứa LPG thì sẽ giảm thiểu được SCMT trong sử dụng thiết bị chứa LPG. Khi đó, công thức 4.38 có dạng sau:

(4.49)

Sau đây là một số giải pháp cụ thể nhằm loại trừ yếu tố môi trường:

Cải thiện môi trường lao động trong sử dụng LPG

  • Tổ chức sản xuất tốt;
  • Lọai trừ yếu tố nhiệt độ cao (tia lửa, tàn lửa, ngọ lửa trần …);
  • Bọc cách nhiệt thiết bị trao đổi nhiệt tốt.

Gỉam thiểu tác động của môi trường xã hội trong sử dụng LPG

  • Giảm thiểu các tác động của môi trườngxã hội như tai nạn giao thông;
  • Hạn chế tác động của vật va chạm, vật văng bắn …

Hạn chế tác động của môi trường tự nhiên trong sử dụng LPG

  • Đối với thiết bị đặt tại nơi có thời tiết nóng cần giảm thiểu tác động của nhiệt độ cao như che chắn ánh nắng tác động quá mức tới thiết bị.
  • Thiết bị đặt tại nơi có môi trường khí quyển có khả năng gây ăn mòn cần có biện pháp thiết kế, chế tạo thiết bị có khả năng chống ăn mòn từ bên ngoài.

Nâng cao hiệu quả của môi trường pháp luật trong sử dụng LPG

Hoàn thiện pháp luật về ATMT trong sử dụng LPG

Như luận án đã trình bày, các luật và văn bản quản lý Nhà nước, các TCVN về an toàn, PCCN và BVMT có liên quan tới LPG đã được ban hành khá nhiều. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an toàn trong sử dụng LPG ở nước ta. Tuy nhiên, một số văn bản có sự không thống nhất, gây chồng chéo trong quản lý của các cơ quan chức năng, gây lúng túng trong thực hiện ở cơ sở. Cần nghiên cứu tích hợp các luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân, luật BVMT, quy định về an toàn trong bộ luật lao động, luật phòng cháy vì các luật này đều có các điều khỏan liên quan tới vấn đề ATMT, tránh chồng chéo trong triển khai thực hiện ở cấp quản lý cũng như khó khăn trong thực hiện ở cấp cơ sở; tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế, như: tiêu chuẩn hệ thống quản trị chất lượng (ISO 9000), tiêu chuẩn hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000), tiêu chuẩn hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA 18000) thành một tổng thể quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, môi trường, chất lượng của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả phòng ngừa SCMT, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, phương thức quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, công nghệ. Cần chú ý vấn đề an toàn môi trường thiết bị khi biên soạn tiêu chuẩn ATMT, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn an toàn trong sử dụng LPG trên quan điểm ATMT.

Muốn phòng ngừa SCMT hiệu quả thì pháp luật về ATMT thiết bị phải hoàn thiện và xử lý vi phạm pháp luật về ATMT phải nghiêm minh. Các họat động của con người luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây SCMT. Việc đề ra những quy định pháp luật để phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả có ý nghĩa rất quan trọng. Pháp luật thông qua sự tác động đến hành vi con người có thể hạn chế hậu quả mà con người gây ra đối với chính mình và môi trường. Hệ thống luật, quy phạm, tiêu chuẩn các quy định về ATMT các thiết bị là công cụ hữu hiệu giúp cho việc thực thi pháp luật nghiêm minh, quản lý thiết bị một cách an toàn, ngăn ngừa SCMT. Các văn bản quy phạm pháp luật nên bổ sung yêu cầu các cơ sở sử dụng LPG vào diện phải có trình duyệt phương án PCCC. Bởi trong quá trình thẩm duyệt, cơ quan chức năng sẽ phát hiện ra những sai sót và yêu cầu cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về thiết kế, thẩm duyệt, đảm bảo về an toàn phòng chống cháy nổ. Vụ nổ lò bánh mì Vân Sơn (quận Tân Phú) vào tháng 3-2009 khiến một người tử vong, ngoài yếu tố bất cẩn trong sử dụng khí đốt, một nguyên nhân nữa là cơ sở này không được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi đi vào sử dụng

Ý kiến của Trung tá Phan Văn Hiệu, Đội phó Đội Pháp chế Sở Cảnh sát PCCC TPHCM
. Sở Cảnh sát PCCC Tp. Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố kiến nghị bổ sung mức phạt đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại trên 50 triệu đồng nhưng chưa đến mức khởi tố vụ án hình sự với mức phạt tiền 5÷10 triệu đồng; đồng thời điều chỉnh mức phạt đối với hành vi gây cháy nổ từ 1%÷10% giá trị thiệt hại của đám cháy nhằm nâng cao ý thức tự giác PCCC của người dân. Ngoài ra, sở cũng đề nghị nâng mức xử phạt cao hơn gấp 5÷10 lần đối với một số hành vi sản xuất, kinh doanh chất nguy hiểm về cháy nổ mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC; bố trí nơi đun nấu không đảm bảo an toàn về PCCC...để người dân nâng cao ý thức cảnh giác về PCCN.
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ATMT trong sử dụng LPG

Các quy định xử lý vi phạm về ATMT thiết bị cần được ban hành đầy đủ và được thực hiện nghiêm túc. Sau đây là một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ATMT trong sử dụng LPG:

  • Phân định rõ trách nhiệm về ATMT trong sử dụng LPG

Dựa trên những nguyên nhân gây SCMT, xác định những biện pháp phòng chống và quy định quyền, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong việc phòng ngừa SCMT do thiết bị gây ra. Sự tham gia của các cá nhân, cộng đồng, nhà khoa học, nhà quản lý có vai trò quan trọng để phòng ngừa SCMT. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan tới công tác phòng chống SCMT chung đã được quy định trong luật BVMT [41]. Luận án đề xuất một số điểm cụ thể như sau:

  • Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về ATMT
  • Ban hành các tiêu chuẩn để phân loại, đánh giá sự cố; hoàn thiện tiêu chuẩn ATMT các thiết bị trong sử dụng LPG theo hướng an toàn môi trường thiết bị;
  • Hiện có nhiều cơ quan quản lý Nhà nước cùng quản lý ATMT và PCCN trong sử dụng LPG nhưng Bộ công thương chịu trách nhiệm chính.
  • Thống kê, phân loại thiết bị trong sử dụng LPG theo mức độ an toàn;

UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh là cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý các cơ sở nạp LPG vào chai có trách nhiệm [99]:

  • Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra các cơ sở nạp LPG trên địa bàn, kiểm tra các giấy xác nhận đủ điều kiện hoạt động của trạm nạp được quy định tại quy chế quản lý KTAT về nạp LPG vào chai theo quyết định số 36/2006/QĐ-BCN ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ công nghiệp.
  • Phối hợp với Sở công nghiệp trong công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện quy chế quản lý KTAT về nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai;
  • Phối hợp với Sở xây dựng, Sở công nghiệp, Sở thương mại rà soát, bổ sung quy hoạch vị trí được phép bố trí trạm nạp LPG trên địa bàn.
  • Chỉ cấp phép xây dựng các trạm nạp LPG mới, sửa chữa, mở rộng trạm nạp LPG sau khi có kết quả thẩm định thiết kế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và các văn bản liên quan hiện hành.

Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm [99]:

  • Sở công thương chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh rà soát quy hoạch vị trí được phép bố trí trạm nạp LPG trên địa bàn.
  • Công an PCCC tỉnh, thành phố và các Sở công thương, Sở LĐ-TB-XH, Sở TN-MT tăng cường biện pháp quản lý an toàn trạm nạp LPG theo chức năng.
  • Trách nhiệm của ngành công nghiệp

Sở công thương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan: công an, sở LĐ-TB-XH, sở KH-CN, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định tại quy chế quản lý KTAT về nạp LPG vào chai; đầu mối tiếp nhận hồ sơ, thẩm định điều kiện an toàn và trình chủ tịch UBND tỉnh/thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai đối với các tổ chức, cá nhân [6].

  • Trách nhiệm của doanh nghiệp

Bên thuê bồn (tiêu thụ LPG) và bên cho thuê bồn (đồng thời là bên cung cấp LPG) cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn hệ thống cho các thiết bị chứa LPG. Đặc điểm lớn nhất trong sử dụng LPG và cũng là đặc điểm khác biệt với việc sử dụng các lọai thiết bị khác là giữa bên thuê bồn và bên cho thuê bồn có sự cộng tác chặt chẽ trong thời gian sử dụng thiết bị chứa LPG: bên cho thuê bồn chịu trách nhiệm về an toàn thiết bị, bao gồm các công đoạn: khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, bảo dưỡng; bên thuê bồn chịu trách nhiệm trong khi sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, việc khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt (và có thể, cả công tác bảo dưỡng thiết bị) thiết bị, bên cho thuê bồn lại thuê bên thứ 3 thực hiện.

Một số vấn đề cần thảo luận

Trên cơ sở nhận diện đặc tính nguy hiểm và tác động môi trường khi xảy ra sự cố trong sử dụng LPG và cơ sở khoa học đánh giá SCMT được luận án xây dựng, bổ sung và hoàn thiện (công thức tính lượng LPG lỏng thóat ra ngoài được hóa hơi khi nổ thiết bị chứa LPG; công thức tính công sinh ra khi nổ thiết bị chứa LPG; hệ số xác định lượng tiêu thụ ô xy trong không khí, tiêu thụ không khí khô, hệ số phát thải CO2, hệ số phát thải khói khi cháy đám mây hơi LPG phát sinh sau sự cố nổ thiết bị chứa LPG trong trường hợp xảy ra cháy hoàn toàn LPG; công thức tính lượng nhiệt bức xạ truyền tới bề mặt hấp thụ nhiệt vào trường hợp cháy LPG; mô hình nguồn phát thải gián đoạn, phát thải dạng đám mây hơi vào trường hợp sự cố nổ thiết bị chứa LPG, áp dụng trong điều kiện sử dụng LPG ở Việt Nam); thực trạng trong sử dụng LPG ở Việt Nam, luận án đề xuất một số giải pháp đồng bộ, hệ thống, khả thi, phù hợp với điều kiện sử dụng LPG ở Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn, phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG ở Việt Nam và những nơi có điều kiện tương tự, trên cơ sở xây dựng khoa học về quản trị rủi ro kỹ thuật. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trong phần này của luận án cần được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung như trình bày sau đây:

  • Nguy cơ gây sự cố trong sử dụng LPG rất đa dạng và phức tạp. Thiệt hại do sự cố gây ra rất lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Xác suất xảy ra sự cố phụ thuộc nguồn số liệu thống kê được nên cần có sự hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và cần nhiều thời gian nghiên cứu hơn để thu thập số liệu thống kê chính thức về các sự cố đã xảy ra trong sử dụng LPG kể từ khi nó được sử dụng trở lại ở Việt Nam từ năm 1994 tới nay. Nếu có đủ số liệu về nguyên nhân gây SCMT trong sử dụng LPG sẽ xác định được mức độ nguy hiểm tổng hợp một cách định lượng.
  • Kết quả tính toán chỉ thực hiện đánh giá ảnh hưởng do đám mây hơi tạo thành tức thời sau sự cố còn phần hơi LPG tạo thành do lỏng còn lại bốc hơi sau đó ở điều kiện sự cố đã được các nghiên cứu khác hoàn thiện. Quá trình hóa hơi của môi chất lỏng bất kỳ sẽ kéo theo một lượng lỏng và tạo thành aerosol LPG. Mức độ tạo thành aerosol phụ thuộc vào độ qúa nhiệt của môi chất. Lượng môi chất lỏng bị cuốn theo đám mây hơi cho môi chất được tồn trữ trong điều kiện tương tự cho thấy lượng lỏng bị cuốn theo không đáng kể và trong phạm vi sai số cho phép có thể bỏ qua trong quá trình tính toán [113]. Mặc dù lượng lỏng bị cuốn theo ở dạng aerosol sẽ làm tăng khối lượng riêng và nồng độ của đám mây hơi nhưng ảnh hưởng này đã không được đề cập trong luận án. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, sự hoá hơi tiếp theo của lượng LPG lỏng bị cuốn theo đám mây hơi cũng như lượng lỏng còn lại chưa kịp hoá hơi tức thời sau khi ra khỏi thiết bị ở nhiệt độ môi trường có thể sẽ tiếp tục bốc hơi và cháy ở điều kiện bình thường hoặc vụ cháy được dập tắt nhờ phương tiện cứu hoả sau đó bốc hơi hỗn hợp nước – LPG và các hậu quả của nó là vấn đề khá rộng, cần nhiều thời gian nghiên cứu hơn. Do vậy, việc tính toán lượng hơi tạo thành và các hệ quả của nó như lượng khói tạo thành, lượng nhiệt bức xạ … do ảnh hưởng của lượng lỏng được cuốn theo không được đề cập trong luận án. Những vấn đề này sẽ tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện.
  • Nếu một số điều kiện đơn trị khác với những điều kiện đã trình bày trong luận án như cấp ổn định của khí quyển thay đổi thì sự di chuyển của quả cầu lửa cũng sẽ chuyển động lên hoặc xuống tuỳ thuộc và độ rối của khí quyển, khi gặp gió xoáy thì có thể quả cầu lửa sẽ đổi hướng chuyển động; nếu gặp chướng ngại vật cao (cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác …) nó sẽ bị phân ra thành nhiều quả cầu lửa nhỏ; trường hợp nếu đám mây hơi LPG chuyển động về phía các công trình quan trọng hoặc khu vực nhạy cảm về môi trường…có thể ta cần phải cho đám mây hơi LPG cháy trước khi nó tới được các nơi này vì nếu không, đám mây hơi LPG sẽ phân tán thành nhiều đám mây hơi LPG nhỏ, gặp tia lửa nó sẽ tạo ra nhiều qủa cầu lửa nhỏ, số các khu vực bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn.
  • Kết quả đánh giá sự cố nổ bồn chứa 20 tấn LPG cho thấy công sinh ra do vụ nổ nói trên có thể làm dịch chuyển một vật có khối lượng 118 tấn đi xa 1 km. Điều đó cho thấy sức phá huỷ của vụ nổ rất lớn, có thể làm chết nhiều nguời và phá hủy phương tiện giao thông trên đường. Nếu coi đám mây có dạng hình cầu, đám mây có thể tích 3.752 m3, sẽ có bán kính xấp xỉ 10 m. Nếu lan tới khu vực dân cư, đám mây hơi LPG thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng. Đây là điều mà các tài liệu trong, ngoài nước chưa đề cập tới khi đánh giá sự cố trong sử dụng LPG. Việt Nam đang xây dựng, lắp đặt bồn chứa 2.000 tấn LPG tại NM lọc dầu Dung Quất, nếu xảy ra sự cố bồn chứa LPG này, mức nguy hiểm sẽ tăng rất nhiều lần.
  • Việc xác định các mức độ SCMT và hoạt động có mức độ SCMT cao sẽ giúp cho các nhà quản lý nhìn nhận tổng thể hơn về ATMT và có chiến lược, biện pháp ngăn ngừa và ứng cứu sự cố nhằm giảm thiểu các thiệt hại, đảm bảo an toàn, BVMT và kinh tế. Kết quả đánh giá rủi ro phụ thuộc vào cách nhìn nhận của người đánh giá vì thế cần lồng ghép các vấn đề và xem xét các tiêu chuẩn, quy định ATMT trong quá trình đánh giá…Xác suất xảy ra sự cố phụ thuộc vào sự xuất hiện các yếu tố xác định sự cố, vì vậy, đối với các quá trình sản xuất khác nhau và ở các điều kiện khác nhau thì xác suất xảy ra sự cố sẽ khác nhau.
  • Để phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG, cần có giải pháp đồng bộ, hệ thống bằng nhiều công cụ đa dạng, thích hợp với sự tham gia của nhiều đối tượng. Những giải pháp được đề xuất là những giải pháp cơ bản, xuất phát từ đặc điểm trong sử dụng LPG ở Việt Nam, cơ sở lý luận là công cụ tích hợp QTRR kỹ thuật (TERM), nhằm bảo đảm an toàn và phòng ngừa SCMT trong sử dụng LPG, phù hợp với đặc điểm sử dụng LPG tại đơn vị và điều kiện Việt Nam.
0