Từ câu chuyện “Lá cờ khăn gói” đến sự thật lịch sử
Tôn Thất Thọ Câu chuyện cụ Phan Thanh Giản (1796 – 1867) đi sứ sang Pháp đã lấy cái khăn bọc gói đồ để làm lá cờ Tổ quốc không biêt xuất phát từ đâu mà đã được truyền miệng khá rộng rãi. Gần đây trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 448, số đặc biệt Xuân Quý Mùi ( 2003), nó đã chính ...
Tôn Thất Thọ
Câu chuyện cụ Phan Thanh Giản (1796 – 1867) đi sứ sang Pháp đã lấy cái khăn bọc gói đồ để làm lá cờ Tổ quốc không biêt xuất phát từ đâu mà đã được truyền miệng khá rộng rãi. Gần đây trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 448, số đặc biệt Xuân Quý Mùi ( 2003), nó đã chính thức xuất hiện dưới hình thức là một tư liệu lịch sử. ! Ở trang 20 có bài viết nhan đề là “Chuyện dọc đường sứ đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp cách đây 140 năm ( 1863-2003)”; ở phần thứ ba của bài viết có đề tựa “ Lá cờ khăn gói”, tác giả là ông NĐX.
Trước khi có ý kiến về nội dung của bài viết này, chúng tôi xin được trích lại nguyên văn nội dung của phần trên, vì bài này đã được đăng khá lâu nên có thể nhiều bạn đọc đã quên đi nội dung của nó. Riêng cá nhân chúng tôi, trong khoảng thời gian dài, đã truy tìm khá nhiều tài liệu, cũng như hỏi ở nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, mục đích để xem xét nguồn gốc cũng như mức độ chính xác của câu chuyện, nhưng tuyệt nhiên chẳng có một tài liệu nào ghi chép về nội dung của câu chuyện này cả ! Nguyên văn bài báo đó như sau:
“Lá cờ khăn gói”
Vào trung tuần tháng 8.1863. tàu đưa sứ đoàn sắp vào kênh Suez, viên quan Tây Aubaret đến trao đổi với sứ đoàn:
-Theo tập quán quốc tế, khi tàu của một sứ thần ngoại quốc đến một hải cảng nào thì ở đó phải bắn 19 phát súng lệnh để chào mừng và tàu của sứ thần phải thượng quốc kỳ của mình lên để đáp lễ. Vậy xin cụ cho thượng quốc kỳ Đại Nam lên vì tàu sắp vào kênh Suez!
Cho đến năm 1863, nước Đại Nam chưa có quốc kỳ. Lá cờ đuôi nheo thêu rồng là kỳ hiệu của nhà vua, sứ đoàn không được phép dùng. Cụ Phan mới họp sứ đoàn để bàn. Nhưng các cụ Thám hoa, Tiến sĩ nổi tiếng mưu lược thế mà chẳng có một ai nghĩ được một mưu chước gì để cấp tốc chế ra một lá cờ cho sứ đoàn. Thật nan giải. Bất ngờ một người theo hầu cụ Phan tên là Lương Doãn lên tiếng:
-Bẩm các cụ, nước ta không có quốc kỳ, mà việc này thì lại quá cấp bách. Con thấy chiếc khăn gói của cụ Chánh bằng lụa Kiều cầu còn mới tinh, màu đỏ tươi rất đẹp. Con đề nghị các cụ tạm dùng cái khăn gói làm cờ, sau này về nước tâu lên Hoàng đế ngự tường !
Sáng kiến của Lương Doãn hay quá, các cụ chấp thuận ngay. Lá cờ khăn gói màu đỏ nhanh chóng được treo lên cột cờ tàu Europeen. Không ngờ chỉ một lát sau, Aubaret lại đến báo:
Lá cờ đỏ của sứ đoàn không dùng được vì nó giống với lá cờ của nước Ai Cập ( màu đỏ ở giữa có chữ thập và ngôi sao trắng), sợ nước Ai Cập hiểu lầm.
Các cụ lại họp bàn. Sau một hồi trao đổi, để phân biệt với cờ nước Ai Cập, các cụ quyết định thêu lên lá cờ đỏ 4 chữ” Đại Nam Khâm Sứ” màu vàng.Các tay thợ thêu có mặt trong đoàn khẩn trương thực hiện quyết định của các cụ. Khi tàu Europeen vào kênh Suez, nghe 19 phát súng lớn nổ chào mừng, lá “ quốc kỳ” màu đỏ thêu 4 chữ Đại Nam Khâm sứ được kéo lên hạ xuống nhiều lần để đáp lễ. Rất tuyệt!
Nhưng lá “quốc kỳ” ấy không gióng ai nên sau khi sứ đoàn về, vua Tự Đứ giải tán sứ đoàn, lá “ quốc kỳ “khăn gói chỉ còn lưu lại trong nhật ký của sứ đoàn mà thôi….” (KTNN, số 448, tr 23 ).
Để kiểm tra mức độ chính xác của sự việc trên, chúng ta cần xem xét từ các nguồn tư liệu khác nhau như của triều đình nhà Nguyễn; các tài liệu lịch sử của người Pháp đã viết về chuyến đi đó, và quan trọng nhất là nội dung cuốn nhật ký của cụ Phạm Phú Thứ để xem thử có (khả năng ) xảy ra câu chuyện trên hay không như tác giả bài báo đã viết:
* Trong tất cả sách của Quốc Sử Quán nhà Nguyễn như Đại Nam Thực lục; Sử QTCBTY… cũng như trong cuốn “ Tây Hành Nhật Ký “ (nhật ký ghi chép về chuyến đi Tây ) của cụ Phạm Phú Thứ vừa mới được xuất bản gần đây thì không hề thấy ghi chép gì về câu chuyện”Lá cờ khăn gói” cả. Các sử thần nhà Nguyễn chỉ ghi chép là triều đình coi đây là một cuộc đi sứ có nhiệm vụ rất quan trọng và khó khăn; vì thế đã chọn người có nhiều khả năng như Hiệp tá Đại học sĩ Phan Thanh Giản; Tả Tham tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ. Trường hợp Án sát Quảng Nam Ngụy Khắc Đản lấy cớ còn có mẹ già cần chăm sóc để thoái thác, nhưng không được vua Tự Đức chấp nhận. Có người cho rằng, sử nhà Nguyễn sẽ không bao giờ công bố điều đó vì sợ “mất thể diện” ! Nhưng khi tra tìm trong các tài liệu người Pháp đã viết và công bố về chuyến đi này, cũng chẳng có một dòng nào đề cập đến điều đó. Nếu điều này là có thật, thì đây là một cơ hội để người Pháp tỏ thái độ “kẻ cả” đối với triều đình nhà Nguyễn chứ sao họ lại không công bố ra?
Đề cập đến chuyến đi này, trong tạp chí BAVH (Bulletin Des Amis Du Vieux Hue 1926 ) và trong cuốn Abrege de l’histore d’Annam của Alfred Schreiner, xuất bản năm 1906 có đoạn tường thuật như sau:
“Tàu Eropeen rời bến Sài Gòn ngày 17-7 năm 1863, cập bến kênh Suez ngày 17/8. Từ cảng Alexandrie ( Ai Cập ), đoàn sứ đổỉ sang tàu Labrador để tiếp tục lộ trình và tới bến tàu Toulon ( Pháp) vào ngày 10/9/1863; tại đây, đoàn được đón tiếp bằng 17 phát súng đại bác. Tất cả tàu Hải quân của Pháp đang đậu tại bến này đềù được lệnh kéo cờ màu vàng vì màu vàng biểu hiện hoàng tộc nước Đại Nam (…); tại đây, tàu Ville de Pari của Hải quân Pháp đã chào mừng đoàn sứ bằng một màn thao diễn quân sự, súng nỗ vang rền…” (Theo BAVH 1-3/1926 tr 73-74 và Abrege..Sđd tr 262).
Trong Nhật ký đi Tây, (Nxb Đà Nẳng, 1999) cụ Phạm Phú Thứ(1821–1882) đã ghi chép cụ thể như sau:
“Ngày mồng 5…lãnh sự ở Xu- ết là Ết-vi-gia và Phó lãnh sự đi thuyền lửa nhỏ đến mời chúng tôi lên bộ. Các quan viên trên thuyền cho binh lính đứng sắp hàng ở chân cột buồm to hô lớn lời chúc 5 lần. Ở cột buồm giữa của thuyền, treo cờ Khâm sứ . Đầu tiên, lúc sắp đến cửa này, Lý A Nhi nói từ thành này đến phương tây, nghe sứ bộ đi ngang qua, người ta đều bắn đại bác để chào đón, nên cần có lá cờ của sứ bộ để gặp dịp đó thì treo lên; chúng tôi nói chỉ hiện đem theo lá cờ của nước ta. Lý A Nhi lấy xem rồi bảo các cờ hiệu của nước Y- điệp ( tức cờ Thổ Nhĩ Kỳ- vì Ai Cập bấy giờ là thuộc địa cuả TNK ) cũng nhuộm màu này, sợ không phân biệt được, nên yêu cầu thêm chữ nước ta vào; sau khi bàn bạc, chúng tôi lấy lụa đỏ cắt làm 4 chữ Đại Nam Khâm Sứ đính ở hai mặt cờ. Đầu thuyền, treo cờ hiệu của nước Y- điệp…”Nhật ký…sđd, trang 90).
Qua các đoạn trích dẫn đó, ta thấy tàu chở đoàn sứ của Phan Thanh Giản đã cập bến kênh Suez vào ngày 17-8-1863 ,và từ cảng Alexandrie (Ai Cập) đổi sang tàu Labrodor để tiếp tục lộ trình, tại đây đoàn được đón tiếp bằng 17 phát súng đại bác, Tàu của đoàn sứ lúc đó treo cờ vàng của triều đình đã được mang theo sẵn, có thêu thêm chữ Đại Nam Khâm Sứ.Và khi đến hải cảng của Pháp, phái đoàn được các tàu Hải quân Pháp chào đón bằng cách treo cờ vàng của Hoàng gia.
(Gần đây, theo một vài thông tin trên mạng Internet nói về lịch sử lá quốc kỳ, có nguồn tin cho rằng, trước khi cử đoàn sứ sang Pháp, vua Tự Đức đã chuẩn y và cho đoàn một lá cờ chính thức để mang theo . Cờ có cờ vàng, ở giữa có một khoảng màu đỏ . Màu vàng được giải thích là màu của đát đai và cũng là màu tượng trưng cho vương triều Nguyễn; còn khoảng ngang màu đỏ ở giữa tượng trưng cho con Rồng- thủy tổ của dân tộc VN .Thông tin này cũng cung cấp thêm là hoàng đế Napoleon III đã thừa nhận lá cờ đó và coi như quốc kỳ chính thức của nước Đại Nam ).
***Ai cũng biết dưới chế độ quân chủ phong kiến, nước ta không có quốc kỳ chính thức, nhưng trước khi bị thực dân kéo quân sang xâm lược, nước Đai Nam vẫn là một nước độc lập có chủ quyền. Phái đoàn đi sứ sang Pháp do cụ Phan Thanh Giản dẫn đầu lúc đó , dù có hay không có quốc kỳ, vẫn được coi như là đại diện chính thức cho triều đình Huế và nước Đại Nam. Đến Pháp, đoàn đã được chào đón bằng hình thức kéo cờ vàng của triều đình. Đoàn sứ đã được Hoàng đế Pháp tiếp kiến theo hàng quốc khách. Vì thế câu chuyện các cụ Tiến sĩ Phan Thanh Giản, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ…vì không có cờ, nên phải nghe theo lời của một anh Đội trưởng (không biết là đội gì !!??) lấy một cái khăn gói để làm lá cờ Tổ quốc là hoàn toàn vô căn cứ. Nó chỉ được coi là một giai thoại chứ hoàn toàn không phải là tư liệu lịch sử…
CổngcungđiệnTuileries (Pháp)