Thời kỳ Tam Quốc ở Triều Tiên
Lý Xuân Chung Khoảng thế kỷ II TCN, WiMan (Vệ Mãn) mở rộng thế lực ở phía Tây, lật đổ thế lực cũ và lập ra triều đại mới là WiManJoseon. Sau khi WiMan dựng triều đại mới thì hàng loạt các tiểu vương quốc thuộc vùng Manju và phía Nam bán đảo được dựng nên như Buyeo, Goguryeo, Okjeo, ...
Lý Xuân Chung
Khoảng thế kỷ II TCN, WiMan (Vệ Mãn) mở rộng thế lực ở phía Tây, lật đổ thế lực cũ và lập ra triều đại mới là WiManJoseon. Sau khi WiMan dựng triều đại mới thì hàng loạt các tiểu vương quốc thuộc vùng Manju và phía Nam bán đảo được dựng nên như Buyeo, Goguryeo, Okjeo, Dongye, SamHan.
Các thế lực này hoặc trực tiếp thanh toán lẫn nhau hoặc liên kết lại để mở rộng thế lực chinh phục các nước nhỏ. Sau cùng, các tiểu vương quốc dần được tập trung lại và mở ra thời kỳ Ba vương quốc (Tam quốc) theo thế chân vạc là Goguryeo (Cao Cú Lệ), Baekje (Bách Tế) và Shilla (Tân La).
1. Sự phát triển của Goguryeo
Theo Tam quốc sử ký thì Goguryeo được thành lập từ năm 37 TCN, là một quốc gia mạnh ở vùng phía Bắc bán đảo.
Trong xã hội Goguryeo, những quí tộc của 5 bộ tộc lớn (bao gồm cả vương tộc) là tầng lớp cai trị cao nhất, trong đó, họ Go (Cao) là vương tộc và được kế thừa vương vị.
Bộ máy chính quyền trung ương được sắp đặt khá qui củ, đứng đầu là Daedaero (Đại Đối Lộ), chức quan tổng quản triều chính, tiếp sau là 10 cấp quan lại. Khu vực hành chính gồm có kinh đô và 5 bộ ở khắp cả nước. Quan lại địa phương do trung ương cử xuống, nắm giữ quyền lực cả về hành chính và quân sự. Các địa phương đều xây thành để chống lại các thế lực bên ngoài.
Thời kỳ toàn thịnh của Goguryeo là vào thế kỷ thứ V, thời Gwanggaeto Dae wang (Quang khai thổ đại vương) và Jangsuwang (Trường thọ vương) trị vì.
Gwanggaeto Daewang có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi lên phía Bắc, chiếm cứ một vùng rộng lớn thuộc Manju. Sự nghiệp của ông được ghi lại trên Gwanggaeto Daewang Neungbi (Quang khai thổ đại vương lăng bia) còn truyền lại ở jib An (Tập An).
Jang Su wang (Trường thọ vương) là người kế nghiệp Gwanggae to Dae wang còn tạo ra một chuyển biến mới trong quá trình phát triển của Goguryeo. Ông điều chỉnh thể chế chính trị trong nước, dời đô từ Gungnaeseong (Quốc nội thành) về Pyung Yang (Bình Nhưỡng) và tích cực xúc tiến việc mở mang bờ cõi xuống phía Nam, gây áp lực cho Shilla và Baekje.
Trong quá trình phát triển đất nước, ba vương quốc khi thì liên minh khi thì chống đối lẫn nhau. Ngoài ra, ba vương quốc đã mở rộng quan hệ với các nước lân cận như Trung Quốc, các dân tộc ở phía Bắc và nước Wae (Nhật Bản xưa).
Vào giữa thế kỷ VI, Shilla đã phát triển, nhưng lại lâm vào cảnh bị bao vây bởi sự liên minh giữa Koguryeo và Backje. Vì thế, Shilla sang cầu viện nhà Tuỳ. Tuỳ Văn Đế ra lệnh đưa quân cứu viện nhưng bị Goguryeo đẩy lùi. Tuỳ Dạng Đế lên ngôi Hoàng Đế và mở cuộc tấn công với quy mô lớn, trực tiếp chỉ huy 113 vạn quân tấn công Goguryeo. Cuộc chiến lớn này xảy ra vào năm 612. Mũi tấn công chính là 30 vạn quân tinh nhuệ đánh vào thành Pyeong yang (Bình Nhưỡng). Dưới sự chỉ huy tài tình của tướng quan Euljimundeok (Ất Chi Văn Đức), 30 vạn quân Tuỳ đã bị rơi vào ổ phục kích của quân Goguryeo ở SalSu và bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đây được coi là chiến thắng hào hùng nhất trong lịch sử cổ đại Hàn Quốc. Nhà Tuỳ sau thất bại này đã suy yếu nhanh chóng, lại thêm nội loạn nên nhanh chóng bị diệt vong, nhà Đường lên thay thế cai trị Trung Quốc.
Khi nhà Đường mới thay nhà Tuỳ, quan hệ đôi bên khá êm thấm. Goguryeo đã trao trả nhà Đường khoảng một vạn tù binh trong cuộc chiến với nhà Tuỳ. Nhưng, sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, năm 645, với lý do buộc Goguryeo phải thuần phục, nhà Đường đem quân xâm chiếm Goguryeo. Quân dân Goguryeo kiên cường chống trả và cuộc chiến ở thành AnSi (An Thị) là trận đánh quyết định. Thành AnSi là một thành nhỏ trên núi nhưng lại là vị trí quan trọng ở biên cương phía Tây. Cuộc chiến đấu của binh sĩ Goguryeo quyết giữ thành đã diễn ra cả tháng trời và rốt cuộc họ đã đẩy lùi được quân nhà Đường. Đây là niềm tự hào của người dân Goguryeo đã từng đánh bại một đế quốc hùng mạnh nhất khu vực thời bấy giờ.
2. Sự phát triển của Baekje
Theo Tam quốc sử ký, Baekie được lập vào năm 18 TCN, do những người di cư từ phương Bắc xuống, trong đó, phần đông là người Goguryeo. Do lưu vực sông Hàn là nơi đất đai màu mỡ nên ngay từ sớm, ở đây đã phát triển văn hoá đồ sắt và văn hoá nông nghiệp. Hơn nữa, do có địa thế ở phía Tây Nam bán đảo, cách Trung Quốc không xa qua đường biển nên Baekje có thể tiếp nhận những yếu tố văn hoá tiên tiến của Trung Quốc một cách nhanh chóng hơn so với các nước kia.
Baekje phát triển toàn thịnh vào nửa sau thế kỷ IV, đời vua Geunchoco (Cận tiểu Cổ vương). Lúc này, triều đình đã hình thành chế độ kế thừa ngai vàng theo cách cha truyền con nối. Vương tộc họ Buyeo liên kết với 8 họ quý tộc khác lãnh đạo chính trị, bầu ra Tể tướng và thiết lập bộ máy cai trị với 16 cấp quan đảm trách công việc nhà nước.
Vào nửa sau thế kỷ thứ V, năm 475, vua Goguryeo là Jangsuwang (Trường thọ vương) tấn công Baekje, chiếm được kinh đô là Hanseong (Hán thành) và vùng lưu vực sông Hàn, vua Baekje là Gaerowang bị bắt sống và bị giết. Baekje buộc phải dời đô về Ungjinseong (thành Ung Tân, Gongju ngày nay).
Vào nửa đầu thế kỷ VI, Baekje dưới thời Muryeongwang (Vũ Ninh Vương) trị vì đã có những biến đổi sâu sắc, thiết lập quan hệ thân thiện với nhà Lương (Trung Quốc), dần dần khôi phục đất nước và phát triển nông nghiệp. Từ giữa thế kỷ VI trở đi, Baekje chấn hưng và nhà vua Seongwang (Thánh vương) đã quyết định dời đô từ Ungjinseong chật hẹp về vùng đồng bằng rộng lớn Sabiseong (Thành Từ Bi, Buyeo ngày nay), đổi tên nước thành Nam – Buyeo (Nam Phù Dư). Để củng cố vương quyền và điều hành công việc đất nước một cách có hiệu quả, nhà vua lập ra 22 ty phủ ở trung ương, 5 bộ ở kinh đô và 5 động ở địa phương. Từ đó, tình hình trong nước yên ổn, nông nghiệp phát triển và đặc biệt là quan hệ giao thương với các nước xung quanh rất tốt đẹp.
3. Sự phát triển của Shilla
So với hai vương quốc kia thì Shilla hình thành nhà nước muộn hơn. Vào nửa cuối thể kỷ IV, Shilla là vương quốc được hình thành từ việc liên minh nhiều thế lực ở vùng đồng bằng Gyeongju. Quá trình hình thành Shilla từ nửa cuối thế kỷ IV đến đầu thế kỷ VI gắn liền với sự lớn mạnh và thâu tóm quyền lực của ba dòng họ lớn là Gim, Bak, Seok. Sau cùng, dòng họ Gim hoàn toàn độc chiếm vương vị. Người có ngôi vị cao nhất gọi là Maripgan (Ma Lập Can), có nghĩa là Daegunjang (Đại quân trưởng ).
Đầu thế kỷ VI, vào thời JiJeungwang (Trí Chứng vương), diện mạo vương quốc ngày càng đổi mới, tên nước chính thức được đặt là Shilla và người có ngôi vị cao nhất được gọi là wang (Vương) theo như Trung Hoa thay cho Ma Lập Can trước đây. Từ đây, Shilla đặt ra châu quận và cử quan lại đến cai trị, luật lệ được ban hành, cấp bậc quan lại được định ra… tạo nên hình thái của một quốc gia trung ương tập quyền.
Tuy ra đời muộn hơn hai vương quốc kia nhưng có thể nói Shilla phát triển rất nhanh nhờ có sự tiếp nhận thành tựu văn hoá, chính trị của triều đại nhà Đường và tạo dựng được sự thống nhất tinh thần trong toàn dân.
4. Shilla thống nhất ba vương quốc và chiến tranh Shilla – Đường
Trong thời gian Goguryeo liên tiếp tiến hành những cuộc chiến tranh chống quân xâm lược nhà Tuỳ, nhà Đường thì Backje lại thường xuyên công kích Shilla. Từ sau khi Ưijawang (Nghĩa Từ vương) của Baekje lên ngôi (641 – 660) thì cuộc chiến càng ác liệt hơn. Baekje lộ rõ dã tâm thôn tính Shilla.
Trước mối nguy hiểm đó, Shilla đã tìm cách liên minh với Goguryeo nhưng bất thành. Bởi thế, Shilla tìm đường sang liên minh với nhà Đường và mối liên minh này nhanh chóng được thiết lập với giao ước là sau khi diệt xong Baekje và Gogureo, Shilla sẽ cắt cho nhà Đường phần đất phía Bắc sông Daedong (Đại Đồng).
Đội quân Shilla – Đường hình thành thế gọng kìm đã nhanh chóng hạ gục Baekje vào năm 660. Sau khi diệt xong Baekje, đội quân liên minh này tiếp tục tấn công Goguryeo. Lực lượng của Goguryeo thời kỳ này đã suy yếu sau những cuộc chiến với nhà Tuỳ, nhà Đường nên không thể chống cự được cho dù cũng đã tổ chức phòng ngự chặt chẽ và kiên cường chống trả. Thành Pyeong yang (Bình Nhưỡng), kinh đô của Goguryeo đã thất thủ vào năm 668.
Việc thống nhất ba vương quốc năm 668 của Shilla có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lịch sử bán đảo Hàn, trở thành một động cơ quan trọng thúc đẩy việc xây dựng một nền văn hoá dân tộc mới – một dân tộc thuần nhất.
Sau khi Goguryeo và Baekje bị diệt vong, nhà Đường bộc lộ dã tâm muốn cai trị toàn bộ bán đảo, không thực hiện đúng như giao ước. Nhà Đường cho quân đồn trú ở vùng đất cũ của Goguryeo và Baekje, đồng thời, còn coi Shilla là một chư hầu phiên thuộc, gọi là Kê Lâm đô hộ phủ.
Shilla không chấp thuận việc thần phục và đã kiên quyết chống lại sự xâm lược trắng trợn của nhà Đường.
Từ năm 671, Shilla không chỉ một mình chống lại nhà Đường mà đã kêu gọi tàn quân của Goguryeo cùng toàn dân trên bán đảo đứng lên đánh giặc ngoại xâm. Trận đánh mang tính chất quyết định diễn ra ở thành Maeso (Mại Tiêu), Shilla đánh tan 20 vạn quân nhà Đường, đoạt được 3 vạn ngựa chiến và rất nhiều binh khí, hoàn toàn giải phóng đất nước vào năm 676.
5.Tongil Shilla (Shilla thống nhất) và Balhae (Bột Hải)
(1). Shilla thống nhất (668 – 891)
Sau khi đánh bại Goguryeo và Baekje, Shilla đổi quốc hiệu là Shilla thống nhất, đồng thời, đã có những thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự, đối ngoại…
Shilla thống nhất đã xây dựng lại chế độ chính trị tương xứng với một quốc gia thống nhất. Người đứng đầu nhà nước vẫn là Vương (wang), dưới vua (vương) là một cơ quan điều hành trực thuộc, gọi là Chấp sự bộ (Jipsabu). Người đứng đầu cơ quan này gọi là Thị trung (Sijung), có quyền hạn rất lớn, trực tiếp nhận sắc lệnh của nhà vua, xử lý công việc hành chính và chịu trách nhiệm trước nhà vua. Do chức năng và quyền hạn của Chấp sự bộ được nâng lên đã thu hẹp quyền hạn của tầng lớp quý tộc Shilla cũ, tạo ra một chính quyền mới mang dáng dấp trung ương tập quyền.
Do lãnh thổ mở rộng nên tổ chức chính quyền địa phương cũng được sắp xếp lại. Shilla thống nhất được chia làm 9 châu, dưới mỗi châu lại chia thành quận huyện và nhà vua cử quan lại đến cai trị. Riêng đơn vị hành chính nhỏ nhất là thôn (chon) thì giao cho Trưởng thôn, người của địa phương đảm trách. Ở các địa phương trọng yếu, Shilla cho đặt 5 tiểu kinh với tư cách là khu vực hành chính đặc biệt và chuyển một số quý tộc của Goguryeo và Baekje cũ đến sống ở đó.
Để tăng nguồn thu nhập cho nhà nước và giảm thiểu thu nhập kinh tế của giới quý tộc, Shilla thống nhất đã hoạch định lại chế độ ruộng đất, cấp quan điền cho bá quan văn võ và xoá bỏ lộc ấp trước đó đã ban cho quý tộc. Nông dân thì được chia đinh điền để canh tác và nộp sưu thuế cho nhà nước. Nhưng về giai đoạn cuối, giới quý tộc nổi lên và phục hồi được chế độ lộc ấp, hưởng một cuộc sống xa hoa.
Về quân sự, Shilla thống nhất đã thiết lập lại chế độ quân sự, lập ra 9 Seodang (Thệ tràng) và 10 Jeong (đình). 9 Seodang là đội quân chính quy có cả người Goguryeo, Baekje, Malgal (Mạt Hạt) tham gia, trong đó, người Shilla là nòng cốt. Ở mỗi châu đều bố trí 1 Jeong, tương đương với 1 quân đoàn. Đặc biệt, ở vùng Hanju, vùng đất có ý nghĩa quốc phòng trọng yếu thì đặt tới 2 Jeong.
Về giao thương và đối ngoại, có thể nói Shilla thống nhất đã mở rộng cửa trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền nhằm mục đích tăng thu nhập kinh tế và tăng sức mạnh cho dân tộc.
Sau khi thống nhất lãnh thổ, ý thức xây dựng một dân tộc thuần nhất đã bắt đầu nảy sinh và người Shilla còn mong muốn tăng cường sức mạnh của một dân tộc duy nhất trên bán đảo. Điều này không những thể hiện ở chế độ chính trị, quân sự… mà còn thể hiện ở chế độ đối ngoại cởi mở, biết tiếp thu văn hoá văn minh của các nước lân cận. Quan hệ giao hảo với nhà Đường đã được thiết lập trở lại và phát triển. Giao lưu văn hoá và việc qua lại của các đoàn sứ giả, lưu học sinh, tăng lữ, thương nhân giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Thông qua việc giao lưu văn hoá với nhà Đường, Shilla đã du nhập cả văn hoá Tây vực và một số nước ở phía Bắc. Shilla thống nhất được nhà Đường ca ngợi là “đất nước của người quân tử”. Giao thương buôn bán giữa Shilla và nhà Đường cũng phát triển. Tệ sùng bái hàng ngoại nhập xa xỉ từ nhà Đường trong giới quý tộc Shilla càng khiến cho giao thương với nhà Đường phát triển mạnh. Do người Shilla qua lại nhiều nên ở bán đảo Sơn Đông và một phần lưu vực sông Hoài Hà đã xuất hiện Shillabang (Tân La phường), tức làng của người Shilla, Shillaso (Tân La Sở) nơi điều hành công việc buôn bán của người Shilla và còn dựng chùa mang tên Shilla…
Nhiều học sinh Shilla đã sang nhà Đường du học. Phật giáo và Nho giáo ở Trung Quốc được các thiền sư và nho sĩ Shilla tiếp nhận và phát triển ở Shilla. Các đại sư của Phật giáo ở Hàn Quốc chủ yếu xuất hiện trong thời kỳ này như Đại sư UiSang (Nghĩa Tương), Won Cheuk (Viên Trắc), Hyeocho (Tuệ Siêu)… Các nho sĩ Shilla sang học ở Quốc Tử Giám nhà Đường cũng có nhiều người đỗ đạt qua các kỳ khoa cử như Gim Un Gyeong (Kim Vân Khanh), Choe Chi Won (Thôi Chí Viễn)…
(2). Bal Hae (698 – 926) và sự xuất hiện Nam – Bắc triều
Sau khi Goguryeo bị diệt vong, tàn quân Goguryeo phân tán thành nhiều nhánh tản mạn ở vùng phía Bắc bán đảo và vùng Manju (Mãn Châu). Lợi dụng việc kêu gọi của Shilla thống nhất chống lại nhà Đường xâm lược. Một số đội quân của Goguryeo cũ đã được tập hợp và dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh DaeJoYeong, đội quân này đã tiến vào Dongmosan (Đông Mâu sơn) thuộc tỉnh Cát Lâm để định đô và lập nên nhà nước Balhae (698).
Dân BalHae chủ yếu là người Goguryeo và người Malgal.[1] Tầng lớp cai trị là người Goguryeo, còn tầng lớp bị trị chủ yếu là người Malgal. Trong các thư từ ngoại giao với Nhật Bản, BalHae tự xưng là Goryeo (Cao Ly) và tuyên bố rằng họ đã thu phục được vùng đất của Goguryeo cũ. Điều này cho thấy ý thức kế thừa Goguryeo của BalHae rất rõ ràng.
Với việc nhà nước BalHae được thành lập đã tạo ra tình thế Nam – Bắc triều trong lịch sử Hàn Quốc, tức phía Bắc là BalHae, phía Nam là Shilla.
Thời kỳ đầu dựng nước, BalHae phải đối địch với cả Shilla và nhà Đường. Bởi thế, BalHae phải tìm kiếm đồng minh là các tộc người ở phía Bắc và vượt biển sang liên kết với Nhật Bản. Sự liên minh với các bộ tộc ở phía Bắc đã khiến cho lực lượng quân đội của BalHae vững mạnh lên nhiều. Đến đời vua Mu wang (Vũ Vương: 719 – 737), BalHae còn tấn công vào phía Bắc của Bắc Kinh và vùng Sơn Đông của nhà Đường. Nhà Đường tìm kế hoà hoãn và giao hảo với BalHae. Từ đó, quan hệ đối ngoại giữa hai bên trở nên bình thường hoá và BalHae đã tiếp thu văn hoá văn minh của Trung Hoa để hoàn bị các chế độ trong nước.
Về chính quyền trung ương, ngôi vị tối cao là vua, được gọi là Thiên tôn hay Hoàng đế; dưới vua là 3 seong (Tỉnh), tức 3 cơ quan điều hành chính sự cao nhất; dưới Seong lại có 6 Bu (bộ), điều hành các công việc đối nội đối ngoại.
Khu vực hành chính địa phương được tổ chức thành 5 kinh, 15 phủ, 62 châu, lấy Sanggyeong (Thượng kinh) làm kinh đô. Các đơn vị hành chính cấp dưới như làng xã đều do các thế lực địa phương cai quản.
Thời kỳ hưng thịnh nhất của BalHae là vào giữa thế kỷ thứ IX, dưới thời vua Seonwang (Tuyên vương). Đội quân thiện chiến của BalHae đã mở rộng lãnh thổ sang phía Tây đến tận vùng đất Liêu Đông, phía Bắc tới vùng Hắc Long Giang, phía Đông ra tới Yeon Haeju (Diên hải châu), phía Nam đến sát sông Daedong (Đại Đồng). Đương thời, Trung Quốc gọi BalHae là Hải Đông thịnh quốc, với ý nghĩa là đất nước hưng thịnh ở phía Đông.
Tuy thế, sang đầu thế kỷ X, xã hội BalHae đã phân hoá mạnh, mâu thuẫn giữa tầng lớp cai trị thuộc tộc người của Goguryo với tầng lớp dưới thuộc tộc người Malgal ngày càng sâu sắc. Sự chia rẽ về chủng tộc cũng như lợi ích không cân đối giữa các giai tầng, lại cộng thêm sự chống đối của thế lực địa phương phản đối việc quân dịch liên miên đã khiến cho xã hội BalHae mất ổn định và rơi vào suy thoái. Đây là lý do chính khiến cho BalHae thất bại nhanh chóng trước cuộc tấn công của người Khiết Đan từ phía Bắc xuống vào năm 926.
Khi BalHae sụp đổ, nền văn hoá của nó cũng không được truyền lại cho đời sau. Tầng lớp tạo dựng và phát triển văn hoá BalHae thuộc chủng tộc Goguryeo chạy tỵ nạn về vùng đất cũ thuộc Goryeo sau này, bỏ lại đằng sau cho người Malgal – những người bất lực trong việc duy trì nền văn hoá BalHae.
6. Shilla sụp đổ và hình thành Hậu Tam quốc
Sau khi thống nhất, Shilla vẫn tiếp tục duy trì được sự phát triển. Nhưng từ cuối thế kỷ VIII trở đi, việc ăn chơi xa xỉ, sự tranh giành quyền lực trong cung đình và những cuộc phản loạn của các thế lực địa phương, đặc biệt là vào cuối thế kỷ IX, nông dân nổi dậy trên toàn quốc đã làm cho xã hội Shilla rung chuyển.
Trong sự hỗn loạn ấy, có một số nhân vật đã biết lợi dụng tình hình để tập hợp lực lượng mưu đồ nghiệp lớn. Nổi lên trong số đó là Gyeon Hwon và Gung Ye.
Gyeon Hwon xuất thân từ vùng Sangju (Thượng Châu), vốn là quân nhân canh giữ vùng bờ biển Tây Nam. Ngay khi nông dân nổi dậy, ông đã biết tập hợp lực lượng, đồng thời, ông còn tập hợp thế lực thương nhân trên biển ở vùng biển Hwang He (Hoàng hải) và những toán cướp lại thành đội quân chủ lực rồi đứng ra lãnh đạo. Sau khi vượt qua Naju (La Châu), ông kéo quân chiếm lĩnh MuJinJu (Vũ Trân Châu, Gwangju ngày nay) rồi tiến lên phía Bắc; định đô ở Wansanju (Hoàn sơn châu), lập ra nước Hu – Baekje (Hậu Bách Tế).
GungYe xuất thân từ vương tộc Shilla nhưng vì bị hại trong cuộc tranh giành quyền lực ở triều đình nên căm thù thế lực đối địch ở Shilla. Đầu tiên, ông là thuộc hạ của Yanggil nhưng sau khi từng bước xây dựng được lực lượng, ông đã tách riêng và phát triển thành một thế lực hùng mạnh ở tỉnh Gangwon và một phần tỉnh GyeongGi ngày nay. Tiếp đó, được sự ủng hộ của một số hào tộc ở vùng trung bộ, trong đó có cả cha con WangGeon (Vương Kiến) ở vùng Songak nên ông đã lấy Songak (Thông Nhạc) làm căn cứ và dựng nên nhà nước Hu-Goguryeo (Hậu Cao Câu Ly) và lên ngôi vua vào năm 901. Từ đó, Shilla bị phân liệt và thời kỳ Hậu Tam quốc bắt đầu.