18/06/2018, 16:52

Ba vị Nữ vương trong lịch sử Triều Tiên

Vương miện Tân La (Silla) Phan Thị Oanh Ngày 25/2/2013 vừa qua, bà Park Geun -hye đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể nhân dân Hàn Quốc và chính thức trở thành tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc. Báo chí hết lời ca ngợi, bà không chỉ là nữ tổng thống đầu tiên mà còn là một nữ ...

silla1

Vương miện Tân La (Silla)

Phan Thị Oanh

Ngày 25/2/2013 vừa qua, bà Park Geun -hye đã đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể nhân dân Hàn Quốc và chính thức trở thành tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc. Báo chí hết lời ca ngợi, bà không chỉ là nữ tổng thống đầu tiên mà còn là một nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á.

Trên thực tế, nếu tính từ thời cổ đại đến nay, bà Park Geun-hye không phải là nữ nguyên thủ đầu tiên của Hàn Quốc mà trước bà đã có tới ba vị nữ vương từng được mệnh danh là “Tam thánh nữ vương”, cai trị vương quốc Tân La – một quốc gia thời cổ đại của Hàn Quốc.  Họ cũng từng là những vị vua đa tài, nắm quyền điều hành, cai trị đất nước.

1. SEON DEOK YEO WANG (THIỆN ĐỨC NỮ VƯƠNG)

Seongdeok of Silla Queen.jpg

Seongdeok of Silla Queen

Thiện Đức vương (? – 647), là vị vua thứ 27 của Tân La (57TCN-935CN) và là vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Bà tên thật là Deok Man (Đức Mạn), tên thụy là Seon Deok Yeo Dae Wang (Thiện Đức Nữ Đại Vương), họ Kim, con gái[1] của Jin Byoung Wang (Chân Bình Vương) và phu nhân Ma Ya (Ma Da).

Chân Bình Vương không có con trai, nên ngay sau khi vua cha băng hà bà đã được chọn làm Thế nữ kế vị, bởi bà là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, thông minh, đức hạnh. Bà lên ngôi vào năm Nhâm Thìn, năm thứ 6 niên hiệu Trinh Quán (tức năm 632) và trị vì đến năm 647.

Năm 632, ngay sau khi lên ngôi, bà đã thực thi nhiều chính sách có lợi cho dân cho nước, tạo được niềm tin yêu từ bách tính như: phái các quan tới các địa phương động viên, thăm hỏi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn: người góa bụa, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa; ra chiếu giảm thuế cho các châu, quận trong cả nước trong vòng một năm; lập Cheomseongdae (Chiêm tinh đài) để dân chúng thuận tiện trong việc canh nông. Năm 634, bà tự đổi niên hiệu đất nước từ thời vua cha Chân Bình Vương (584-633) là Geon Bok (Kiến Phúc) thành Inpyeong (Nhân Bình) và sử dụng niên hiệu đó suốt từ năm 634 cho đến hết thời gian trị vì.

Thiện Đức nữ vương còn là người rất sùng đạo Phật và có nhân duyên dựng chùa, vì chỉ vài năm sau khi lên ngôi, bà đã hoàn thành việc dựng chùa Bunhwang (Phấn Hoàng) năm 634, dựng chùa Young Myo (Linh Diệu) năm 635, tiếp đến là xây tháp 9 tầng ở chùa Hoàng Long thể hiện ý chí bảo vệ đất nước, ngăn chặn sự xâm lược của 9 nước xung quanh lúc bấy giờ.

Dưới thời Thiện Đức vương trị vì, mối quan hệ hòa hảo với nhà Đường được mở rộng và giữ vững hơn bao giờ hết. Hàng năm, bà đều cử sứ thần sang nhà Đường học hỏi lễ giáo, xây dựng mối quan hệ triều cống và duy trì nó trong suốt thời gian trị vì. Mối quan hệ đồng minh, hữu hảo với nhà Đường của bà còn được thể hiện bằng việc gửi 3 vạn quân sĩ giúp Đường Thái Tông trong cuộc tấn công Cao Cú Lệ năm 645. Bà được Thái Tông nhà Đường phong là Tân La vương quận công Lạc Lãng Trụ Quốc.

Từ năm 642 trở đi, chiến tranh với các nước láng giềng như Bách Tế, Cao Cú Lệ xảy ra triền miên. Song, nhờ sự thông minh, tài trí trong việc điều binh khiển tướng cùng sự khéo léo dùng uy nhà Đường của Thiện Đức vương mà tất cả các cuộc tấn công, xâm lược của các nước láng giềng đều bị đẩy lùi, thậm chí quân đội của Tân La còn giành lại được các phần lãnh thổ bị chiếm trước đó.

Sinh thời, Thiện Đức nữ vương là người thông minh, đức hạnh, tài trí hơn người, được dân chúng hết lòng kính mến, nên có nhiều truyền thuyết ca tụng bà như truyền thuyết về Ji Gwui (Chí Quý) hay Ba điều tiên đoán của Thiện Đức nữ vương.

2. JIN DEOK YEO WANG (CHÂN ĐỨC NỮ VƯƠNG)

Queen Sundeok

Queen Sundeok- Silla

Chân Đức vương (?-654), là vị vua thứ 28 của Tân La và là vị nữ vương thứ 2, sau Thiện Đức vương, họ Kim, tên là Seung Man (Thắng Mạn). Bà là con gái của Kuk Ban Kil Mun Wang (Quốc Phạn Cát Văn vương), em trai Chân Bình vương và phu nhân Wol Myoung (Nguyệt Minh). Bà lên ngôi năm 647, sau khi Thiện Đức vương qua đời trong lúc dẹp loạn Bi Dam (Bì Đàm).

Theo truyền thuyết, Chân Đức vương là người có vóc dáng tròn trịa, khuôn mặt xinh đẹp, thân cao bảy tấc, tay dài tới gối, được ví như Bồ Tát. Theo Tam quốc di sự, bà là người rất mực thông minh, vừa lên ngôi, đã tự mình viết Bài ca Thái Bình ca ngợi sự thái bình, thịnh vượng của nhà Đường, rồi dệt lụa, cử sứ thần sang dâng lên vua nhà Đường. Hoàng đế nhà Đường ban thưởng và phong cho Chân Đức Nữ Vương là Kê Lâm[1] Quốc Vương

Sau khi lên ngôi, bà đã dẹp yên loạn Bì Đàm, đem lại sự bình yên cho đất nước, tiếp tục thực thi chính sách ngoại giao thân thiện với nhà Đường do người tiền nhiệm thiết lập. Để củng cố mối quan hệ mật thiết với nhà Đường, bà đã thi hành chính sách ngoại giao con tin và sự thành công của chính sách đó được thể hiện ở việc Đường Thái Tông đồng ý cử viện binh khi Tân La bị Bách Tế và Cao Cú Lệ tấn công. Với sự trợ giúp của tướng quân Kim Chun Chu (Kim Xuân Thu)[2], bà đã tiến hành cuộc cải cách lớn, có thể coi đó là chính sách Hán hóa với việc mô phỏng nền văn hóa, chế độ chính trị của nhà Đường. Năm 649, thay đổi y phục của quan lại theo nhà Đường. Năm 650, bỏ niên hiệu đất nước là Tae Hwa (Thái Hòa), sử dụng niên hiệu Young Hui (Vĩnh Huy) của Đường Cao Tông.

Chân Đức nữ vương là người quyết liệt thực hiện cuộc cải cách chính trị quan trọng nhằm củng cố và nâng cao vương quyền. Năm 651, ban hành Jo Rye (Quy chế tổ chức lễ mừng các quan trong triều đình); thay đổi Poom Joo (ngân khố và các việc cơ mật của triều đình) thành Ban chấp sự, ra chiếu thăng quan cho Pa Chin Chan (Ba Trân San) làm Trung thị, cai quản Ban chấp sự và đảm trách các sự vụ cơ mật của triều đình; lập Tả lý phương phủ để quản lý, điều hành hệ thống luật pháp nhà nước.

Trong thời gian trị vì, về đối ngoại, với chính sách ngoại giao khéo léo, bà đã nhận được sự viện trợ quân sự rất lớn từ nhà Đường, còn về đối nội, qua cuộc cải tổ chính trị, vương quyền ngày càng được củng cố, sức mạnh quân sự gia tăng. Đó là nền tảng cho việc thống nhất Tam quốc sau này.

3. JIN SEONG YEO WANG (CHÂN THÁNH NỮ VƯƠNG)

Chân Thánh nữ vương (?-897), là vị vua thứ 51 của Tân La, họ Kim, tên là Man (Vạn). Bà là con gái của Kyoung Mun Wang (Cảnh Văn vương) và hoàng hậu Mun Wui (Văn Ý), là em gái của Heon Kang Wang (Hiến Khang vương) và Jeong Kang Wang (Chính Khang vương). Bà lên ngôi sau khi hai hoàng huynh lần lượt qua đời mà không có con kế vị và bà cũng là vị nữ vương cuối cùng của Tân La.

Chân Thánh nữ vương lên ngôi trong lúc tình hình chính trị, xã hội Tân La bắt đầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, các quan lại trong triều chia bè kết phái, tranh giành quyền triều chính.

Ngay sau khi lên ngôi, bà nỗ lực thực thi các chính sách an dân như xá tội cho tù nhân, giảm tô thuế. Nhưng, năm 888, năm thứ hai Chân Thánh nữ vương trị vì, Giác can Wui Hwang (Ngụy Hoằng)[3] qua đời, quan lại thuộc các thế lực đối lập trong triều liên kết với các quan lại ở các châu quận bắt đầu chống lại chính quyền trung ương.

Trong khi đó, nữ vương chỉ mải mê chuyện ăn chơi dâm loạn, thậm chí còn hối lộ để đưa các nam nhi khỏe mạnh, đẹp trai vào tận cung cấm vui chơi, không màng đến việc triều chính. Mọi việc quốc gia đại sự các quan lại tranh nhau nắm giữ, nạn tham ô, buôn quan bán chức hoành hành, quốc khố trống rỗng, lại đốc thúc các hào tộc địa phương nộp tô thuế, nạn trộm cắp nổi lên như ong, bách tính lầm than. Các hào tộc địa phương đua nhau mở rộng thanh thế, phô trương sức mạnh quân sự, Kyeon Hwon và Goong Ye lập quốc gia tự trị, mở ra thời kỳ Hậu tam quốc.

Trước tình hình đó, tháng 6 năm 897, Chân Thánh nữ vương thoái vị, nhường ngôi cho hoàng tử, con của Hiến Khang vương.

0