Truyện cười: Nghệ thuật ném tiền qua cửa sổ

Tiếu lâm hội nhập Nghệ thuật ném tiền qua cửa sổ Đầu năm vợ chồng tôi về quê. Bố tôi bảo: - Chúng mày chuẩn bị xe cộ đem cả nhà vô tỉnh lỵ ăn mừng sinh nhật tỉnh. Năm nay tỉnh làm to lắm. - Ủa? Kỷ niệm ngày thành lập tỉnh chỉ cần một cuộc mít tinh, một chương trình văn ...

Tiếu lâm hội nhập

Nghệ thuật ném tiền qua cửa sổ

Đầu năm vợ chồng tôi về quê. Bố tôi bảo:

- Chúng mày chuẩn bị xe cộ đem cả nhà vô tỉnh lỵ ăn mừng sinh nhật tỉnh. Năm nay tỉnh làm to lắm.

- Ủa? Kỷ niệm ngày thành lập tỉnh chỉ cần một cuộc mít tinh, một chương trình văn nghệ là xong, sao lại làm ầm ầm như sinh nhật nước thế này? Mà sinh nhật nước cũng không to đến vậy. Kỷ niệm những ngày lễ lớn chủ yếu qua tuyên truyền giáo dục, có liên hoan văn nghệ, có lễ hội nhưng không đồ sộ ngất trời như những nơi mừng sinh nhật tỉnh.

- Chúng mày xa quê lâu ngày mất gốc hết! - Bố tôi nghe thế bèn lên cơn càu nhàu - Tỉnh hàng xóm người ta làm ầm ầm, ti vi truyền hình trực tiếp từ đầu hôm đến nửa đêm. Tỉnh mình có kém chi tỉnh hàng xóm; mà không tổ chức thật to cho thiên hạ lác mắt ra, hả?

Khổ, lễ hội kỷ niệm sinh nhật tỉnh không phải làm cho dân tỉnh xem, chủ yếu làm cho thiên hạ xem. Mà thiên hạ cũng không mấy người rảnh rỗi đi xem sinh nhật tỉnh hàng xóm. Làm rầm rộ thế này là để khoe, để nói với tỉnh hàng xóm rằng bay sức mấy mà bằng choa và có cớ xin Trung ương một mớ tiền, có cớ quyết toán nợ nần lâu nay với tài chính. Nghe nói kinh phí cho mỗi kỳ sinh nhật tỉnh lên tới hàng trăm tỉ. Thôi đành gặm bánh mì, uống nước suối ngồi chờ giờ khai mạc chứ biết làm sao.

Rồi! Trống hội đã gióng, pháo hoa đã bắn. Lễ hội bắt đầu! Màn sân khấu ngoài trời với hàng ngàn diễn viên quần chúng xanh đỏ tím vàng chạy vô chạy ra, đứng lên ngồi xuống.

- Họ diễn cái gì thế? - Vợ tôi hỏi.

Ờ nhỉ! diễn cái gì mà mọi người đều để trần đóng khố, thân vẽ rồng rắn đầu đội lông chim y như thổ dân châu Mỹ thế này?

- Ngu! - Bố tôi quát - Đấy là lịch sử tỉnh ta từ thủa hồng hoang, buổi đầu dựng nước.

A, hiểu rồi. Lịch sử tỉnh ta y chang lịch sử nước ta. Thủa hồng hoang mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, các vua Hùng và các triều đại tiếp theo dựng nước, chống xâm lăng suốt bốn ngàn năm lịch sử. Màn sân khấu ngoài trời diễn lại sự tích đất Việt chứ đâu phải lịch sử tỉnh nhà? Năm ngoái tỉnh A., tỉnh B, tỉnh C đã dựng màn trình diễn này rồi kia mà! Tỉnh nào cũng mời mấy ông mấy bà đạo diễn biên kịch ở Trung ương về làm cho. Các ông các bà làm một lần dùng muôn đời, thật đã! Dạo này ăn nên làm ra bỗng có hội chứng sân khấu hoá. Động một tí là đùng đùng kéo nhau ra ngoài trời làm sân khấu hoá, thi nhau rầm rộ, thi nhau véo von, thi nhau hoành tráng. Sân khấu hoá là mốt chơi các trưởng lão lắm tiền. Bày mâm cỗ ngoài trời cho thiên hạ biết mình là ai, văn hoá thế nào, giỏi giang ra sao là sở thích của các trưởng lão, bất chấp tốn kém thế nào, hiệu quả giáo dục tuyên truyền ra sao.

- Anh ơi, sao đợi mãi không thấy mẹ Âu Cơ đẻ? - Vợ tôi ngơ ngác hỏi.

- Đẻ rồi! -Tôi giải thích - Người thuyết minh chẳng bảo mẹ đẻ được trăm trứng rồi sao? Đời nào người ta đem mẹ ra đẻ giữa vạn người, vô duyên!

- Thế người ta diễn cái gì?

- Chống xâm lăng!

- Chống xâm lăng nhưng chống ai? Toàn thấy súng ống tum lum, chẳng biết thời Tàu hay thời Tây. - Vợ tôi lúm búm trong miệng.

- Chà, chống ai mình cũng thắng lợi, thắc mắc làm cái gì! - Tôi xoa đầu vợ tôi.

Thắng lợi rồi! Pháo hoa đầy trời. Đèn la de quét lia lịa. Và múa. Và hát. Mấy ngàn con người múa múa hát hát rầm trời.

- Giống hệt tỉnh hàng xóm! - Bố tôi đứng bật đậy. - Làm ăn kiểu chi lạ đời. Hàng xóm làm thế nào mình bê nguyên xi ra cả. Xấu hổ quá trời.

- Sân khấu ngoài trời cũng na ná xấu hổ quá trời bố ơi. - Vợ tôi cười rúc rích.

Bố tôi kêu to:

- Làm thế này quá xót tiền dân!

Tiền của dân mình đem xài thoải mái thì sướng chứ, sao lại xót? Bố tôi nói hay chửa!

Ba Cái Đồn

0