Truyện cười: Báo lợi... báo hại!

Tiếu lâm hội nhập Báo lợi... báo hại! Đang đêm vợ tôi bỗng rú lên: - Ối giời ơi! Ối anh ơi! Chuyện kinh quá đi mất! Tôi chồm dậy, hốt hoảng hỏi: - Chuyện gì thế? Vợ tôi đưa tờ báo cho tôi, mặt mày xanh lét: - Một bà già ở Long An tự nhiên mọc nanh, cứ gặp ai mặc ...

Tiếu lâm hội nhập

Báo lợi... báo hại!

Đang đêm vợ tôi bỗng rú lên:

- Ối giời ơi! Ối anh ơi! Chuyện kinh quá đi mất!

Tôi chồm dậy, hốt hoảng hỏi:

- Chuyện gì thế?

Vợ tôi đưa tờ báo cho tôi, mặt mày xanh lét:

- Một bà già ở Long An tự nhiên mọc nanh, cứ gặp ai mặc áo đỏ là xông vào hút máu!

- Tào lao! - Tôi nhăn nhó nói. - Người đâu có thứ người đi hút máu người. Em cứ hay tin ba thứ ba lăng nhăng!

Vợ tôi cãi:

- Đây đâu phải tin vịt, tin vỉa hè! Báo đăng đàng hoàng.

Khổ, báo chí bây giờ thật mệt quá. Do cạnh tranh, do phải đối mặt với thị trường, người ta ra sức khai thác các tin tức giật gân vớ vẩn, các vụ scandal tào lao. Có nhà báo chỉ cần nghe phong phanh ai đó nói, thấy tin này có thể "ăn" được là tương lên mặt báo liền, không cần thao tác nghiệp vụ bắt buộc là kiểm chứng. Nghe một ông bạn nào đó nói đùa, chọc nhau ngày cá tháng tư, Lại Văn Sâm bị đâm xe chết là vội tương lên ngay, viết cứ như chính mình trông thấy Lại Văn Sâm chết trước mặt mình. Thật kinh quá. Rồi chuyện nghệ sĩ này bị sida, nghệ sĩ kia bị "gay" làm thiên hạ xôn xao còn gia đình người thân một phen điên đảo.

Mới đây còn tung lên tin dollar series CB-B2 là dollar giả làm các ngân hàng hoảng hốt, dân tình tái mặt, chuyên gia ngân khố Hoa Kỳ phải bay sang Việt Nam để xác định thực hư. Chỉ vì những tin tức tào lao mà xã hội nhiều phen rối như canh hẹ. Bây giờ lại đến tin bà già hút máu người. Thôi thì những tin thuộc về đời sống xã hội, mình mới nghe, không kiểm chứng, vội vã đưa tin đã đành, nhưng các tin đến con nít cũng còn không tin mà các nhà báo văn hoá đầy mình, bản lĩnh đầy mình, nghiệp vụ đầy mình cũng cứ tin cho bằng được, lạ quá! Tin chó biến thành người, điện thoại S-phone gọi từ âm phủ. Rồi rắn thần, cá thần, cua thần chỉ có trong cổ tích đã được các nhà báo ngang nhiên đưa lên mặt báo với giọng điệu rất chi là khoa học để khuyến dụ người ta tin thì thật quá đáng.

Vợ tôi nghe ra, cười toe toét.

- Thì chính tôi đây cũng có lúc tin.- Tôi nói.

- Tin cái gì?

Tôi tin cái vô lý đùng đùng là cái thứ nước thải của con người lại chữa được bách bệnh. Báo chí viết nước tiểu có chất gì, chất gì... Phật nói ra sao, thánh nói ra sao, ông thủ tướng nước nọ nước kia sáng nào cũng làm một ca, bây giờ đã tám mươi mà vẫn khoẻ như vâm... Thế là mình tin. Mình uống nước thải của mình cứ đinh ninh mình đang uống thuốc bổ. Trời ơi sao mà ngu thế không biết! Bây giờ nghĩ lại xấu hổ quá đi mất.

- Tin tầm bậy nguy hiểm quá. Báo chí đứng đắn sao lại viết thế hả anh? - Vợ tôi hỏi.

Đã nói rồi, trăm sự là cái sự giật gân mới bán được báo. Vì bán báo người ta quên mất mối nguy hiểm của những tin tức tào lao. Xoài giả xoài thật tưởng là chuyện đùa, nhưng hàng vạn nông dân trồng xoài sống dở chết dở. Dollar giả dollar thật tưởng là chỉ chuyện cảnh báo tầm phào, nhưng mấy trăm ngàn người có dollar mất ăn mất ngủ, có người còn tính chuyện quyên sinh. Vu khống nghệ sĩ bệnh này tật kia tưởng để chọc chơi, nhưng có người vì xấu hổ mà phát điên, mà bỏ nghề, mà tự tử.

- Thôi, dẹp! Từ nay không đọc báo nữa! - Vợ tôi bất chợt kêu lên.

Không! Vợ ơi vợ sai rồi! Báo chí chúng ta vẫn là nguồn tin đáng tin cậy. Con sâu làm rầu nồi canh, chớ có vơ đũa cả nắm. Chỉ xin báo chí từ nay bỏ ngay đi cho cái thứ tin tức... mình, lợi chẳng thấy đâu mà xã hội thì rối ren còn mình thì tổn hại thanh danh đã thấy ngay trước mặt.

Ba Cái Đồn

0