Trong kháng chiến chống Pháp: Nhà trường đào tạo ngắn hạn cán bộ trung đội, đại đội công binh phục vụ cho các mặt trận. Trong kháng chiến chống Mỹ: Nhà trường đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn cán bộ trung đội, đại đội công binh; bồi dưỡng kỹ thuật và quân sự cho cán bộ dân chính; bồi dưỡng chính trị viên phó đại đội; đào tạo cán bộ quân đội Lào, Campuchia đáp ứng nhu cầu cán bộ cho các chiến trường.
Tháng 3 năm 1977, Nhà trường chuyển địa điểm đóng quân từ Đáp Cầu – Bắc Ninh vào Thủ Dầu Một, Sông Bé (nay là Bình Dương). Lúc này Nhà trường có hai cơ sở đào tạo: cơ sở 1 ở Thủ Dầu Một, cơ sở 2 vẫn đóng quân ở Đáp Cầu - Bắc Ninh.
Ngày 16 tháng 12 năm 1982, thực hiện quyết định của HĐBT, Trường Sĩ quan Công binh đổi tên thành Trường sĩ quan CHKT Công binh nằm trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng của Nhà nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới: Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo đa cấp, đa ngành nhiều đối tượng cán bộ, học viên, sinh viên. Cụ thể:
- Đào tạo dài hạn: Sĩ quan phân đội chính trị, quân sự bậc cao đẳng, đại học( 5 năm, 4 năm); sĩ quan 3 năm; cao đẳng chính trị, quân sự từ nguồn 801;
- Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn: Trung đội trưởng 801; hoàn thiện sĩ quan phân đội bậc đại học, cao đẳng; cán bộ chỉ huy, tham mưu trung, lữ đoàn công binh; bồi dưỡng kiến thức chuyển loại cán bộ chính trị; Sĩ quan dự bị;
- Đào tạo trung cấp kỹ thuật: 18 tháng, 3 năm;
- Đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật sử dụng XMCB; thợ sửa chữa xe máy công binh; hạ sĩ quan chỉ huy;
- Đào tạo cao đẳng chỉ huy công binh công trình; tập huấn dò, tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ cho Bộ Công an;
- Đào tạo Cao đẳng kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ (Hệ dân sự);
- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, học viên quân sự hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia.
Ngày 31 tháng 12 năm 1997, Tư lệnh Binh chủng Công binh ra Chỉ thị số 78/CT-CB hợp nhất Trường Kỹ thuật Công binh vào trường Sĩ quan CHKT Công binh và lấy tên Trường Sĩ quan Công binh.
Ngày 21 tháng 9 năm 1998, Thủ tướng Chính Phủ ký Quyết định số 180/1998/QĐ-TTg giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan phân đội bậc đại học.
Hiện nay, Nhà trường thường xuyên đào tạo 14 đối tượng, lưu lượng hàng năm bình quân từ 2300 đến 2500 học viên quân sự, 1000 sinh viên dân sự; tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật quân sự phục vụ cho chức năng, nhiệm vụ được giao.
Năm 2013 được BCCB xác định là “năm chất lượng” về huấn luyện và xây dựng công trình. Các cấp tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản-thiết thực-vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ chuyên sâu; huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, giỏi bảo đảm công binh theo chức năng, chuyên ngành; huấn luyện phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình, chống khủng bố; nâng cao chất lượng diễn tập chỉ huy-cơ quan, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn; kết hợp chặt chẽ huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu, đường tuần tra biên giới, rà phá bom, mìn… Đối với đội ngũ sĩ quan, tập trung huấn luyện thành thạo công tác tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện, giỏi về kỹ, chiến thuật chuyên ngành, nắm chắc nguyên tắc bảo đảm công binh; tăng cường bồi dưỡng về tổ chức phương pháp huấn luyện cho cán bộ phân đội; bảo đảm 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó 90% cán bộ tiểu đoàn và tương đương, 70% cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện khá, giỏi.
|
Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh kiểm tra mô hình, trang thiết bị huấn luyện trưng bày tại Hội nghị Công binh toàn quân. Ảnh: Sơn Hà. |
Năm 2013, BCCB tổ chức Hội thi chỉ huy trưởng, chính ủy lữ đoàn, nhà trường giỏi khối trực thuộc. Các lữ đoàn và Tiểu đoàn 93 thuộc binh chủng tổ chức hội thi cán bộ huấn luyện kỹ, chiến thuật chuyên ngành công binh giỏi; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên chuyên môn kỹ thuật về khai thác, sử dụng các trang bị được biên chế; chú trọng huấn luyện làm chủ các trang bị mới; huấn luyện, hợp luyện kỹ chiến thuật chuyên ngành giữa nhân viên chuyên môn kỹ thuật với phân đội nhân lực, nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng trong bảo đảm công binh các cấp. Bộ tư lệnh Công binh tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ công binh toàn quân về công tác tham mưu tác chiến công binh và nghệ thuật bảo đảm công binh; nâng cao chất lượng diễn tập chỉ huy-cơ quan, kết cấu tình huống, nhiệm vụ tác chiến sát thực tế chiến đấu...; chú trọng nâng cao tính đồng đều trong huấn luyện, thu hẹp khoảng cách về chất lượng huấn luyện giữa lực lượng công binh của bộ và của các quân khu, quân đoàn, quân chủng.
Các đơn vị SSCĐ thuộc binh chủng huấn luyện chung theo chương trình huấn luyện cơ bản, đồng thời huấn luyện thuần thục kỹ, chiến thuật chuyên ngành công binh theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị (trong đó 30% huấn luyện đêm). Huấn luyện sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật công binh có trong biên chế, phấn đấu đạt giỏi về chuyên ngành chính, khá, giỏi các nội dung còn lại. Tổ chức huấn luyện chuyên sâu cho các phân đội làm nhiệm vụ kiêm nhiệm phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình, khắc phục bom, mìn, vật nổ, chống khủng bố, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Các đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu, làm đường tuần tra biên giới; các trung tâm, nhà máy, kho, trạm, xưởng, nhà trường… thuộc BCCB tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo chương trình huấn luyện cơ bản; chú trọng huấn luyện sát chức năng, nhiệm vụ quân sự của từng đơn vị và huấn luyện bổ sung trước, trong và sau quá trình thực hiện nhiệm vụ; lựa chọn thời điểm huấn luyện phù hợp, hiệu quả…
Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở các đơn vị, phụ thuộc nhiều vào chất lượng đào tạo của các nhà trường. Quán triệt Nghị quyết 765, năm 2013 và những năm tới, BCCB xác định nâng cao một bước chất lượng giáo dục-đào tạo trong các nhà trường trực thuộc, bắt đầu từ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy... Đối với Trường Sĩ quan Công binh, phải bằng các giải pháp đồng bộ, từng bước tăng số lượng giảng viên có học hàm, học vị tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Trường Trung cấp Kỹ thuật công binh, cùng với đào tạo lại giáo viên, cần tăng cường liên kết với các trường để bồi dưỡng, cấp chứng chỉ sư phạm cho đội ngũ giảng viên, trợ giáo. Hai trường tiếp tục đổi mới nội dung, biên soạn tài liệu huấn luyện, bài giảng sát thực tế, đáp ứng sự phát triển nhiệm vụ của binh chủng và Bộ đội Công binh.
Công tác bảo đảm huấn luyện ở các trường đang đặt ra cấp thiết, nhất là xây dựng, nâng cấp thao trường, phòng học chuyên dùng, xưởng thực hành; đầu tư mua sắm các trang thiết bị mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng... Binh chủng chỉ đạo tập trung xây dựng thao trường huấn luyện của Trường Sĩ quan Công binh; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi thao trường huấn luyện của Trường Trung cấp Kỹ thuật công binh… Để đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, trung cấp công binh tốt nghiệp ra trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của lực lượng công binh toàn quân, ngay trong quá trình đào tạo, nhà trường phải tăng cường huấn luyện thực hành, gắn người học sát thực tế tại nhà máy, xưởng sửa chữa, công trường xây dựng… theo từng chuyên ngành đào tạo.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, Đảng ủy, Bộ tư lệnh binh chủng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, xây dựng các tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng vững mạnh; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, quản lý điều hành huấn luyện ở các cấp, phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ làm công tác tham mưu huấn luyện; chú trọng bồi dưỡng cán bộ, nhất là về tổ chức phương pháp huấn luyện cho cán bộ trực tiếp huấn luyện, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ làm công tác huấn luyện để tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện. Binh chủng và các đơn vị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra huấn luyện, tăng cường kiểm tra đột xuất; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm huấn luyện nghiêm túc, kịp thời.
Trường Sĩ quan Công binh gắn bộ môn Nhà nước và pháp luật với chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đối với học viên đào tạo sĩ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật, những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Công binh đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL cho các đối tượng; một trong những biện pháp đó là, Nhà trường đã gắn bộ môn Nhà nước và Pháp luật với công tác PBGDPL cho đối tượng học viên.
Căn cứ vào chương trình đào tạo toàn khóa của từng đối tượng và kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL hằng năm của trên, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên có liên quan, kết hợp tốt các nội dung huấn luyện chính khóa và các nội dung PBGDPL, để nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người học. Quán triệt tinh thần đó, những năm gần đây, bộ môn Nhà nước và Pháp luật bước đầu đã đưa một số nội dung của các chuyên đề PBGDPL lồng ghép với nội dung, chương trình chính khóa; đồng thời, hướng dẫn học viên cách xử lý các tình huống xảy ra theo đúng quy định của pháp luật để khi ra trường thực hiện tốt nhiệm vụ ở cương vị chỉ huy, quản lý đơn vị.
Hiện nay, chương trình, nội dung, thời gian học tập bộ môn Nhà nước và Pháp luật của Nhà trường được quy định cụ thể cho từng loại đối tượng. Theo đó, hệ đại học 5 năm có 90 tiết, đại học 4 năm có 60 tiết, hệ cao đẳng quân sự và trung đội trưởng 3 năm có 50 tiết, cao đẳng chính trị 60 tiết, cán bộ chuyển loại chính trị 45 tiết. Nội dung của Bộ môn này gồm các chuyên đề, như: Lý luận chung về nhà nước và pháp quyền, Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; Hệ thống pháp luật và quan hệ pháp luật; Vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý và tăng cường pháp chế XHCN; Nội dung một số luật ở nước ta (Hiến pháp, Luật Lao động, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự, Luật Đất đai...); nội dung một số ngành luật chủ yếu liên quan đến quân đội (Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan, Điều lệ quân nhân chuyên nghiệp); Quy phạm pháp luật và quan hệ pháp luật XHCN; ý thức pháp luật - vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; Nhà nước và pháp luật XHCN đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội... Các nội dung này rất sát với các chuyên đề PBGDPL hằng năm theo quy định của Bộ. Vì vậy, Nhà trường chỉ đạo cơ quan chức năng và các đơn vị, giáo viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật nghiên cứu, triển khai việc gắn kết các nội dung, chuyên đề PBGDPL vào các bài giảng, giáo án để phổ biến cho các đối tượng học viên. Năm 2009, Nhà trường đã gắn các chuyên đề: nội dung cơ bản Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi, bổ sung); Luật pháp quốc tế và quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nhân quyền; nội dung cơ bản các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với bộ môn Nhà nước và Pháp luật để học viên quán triệt, liên hệ vào các nội dung đã được học tập tại trường và chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.
Để việc gắn kết các nội dung của bộ môn Nhà nước và Pháp luật với công tác PBGDPL đạt chất lượng và hiệu quả cao, Nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên pháp luật. Bên cạnh việc giao trách nhiệm chính cho tổ giáo viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật, Nhà trường có kế hoạch và hướng dẫn cho các giáo viên giáo dục chính trị và tuyên truyền pháp luật, chuẩn bị tốt nội dung và thực hiện giảng dạy cho các đối tượng, bảo đảm chất lượng. Công tác bồi dưỡng giáo viên, báo cáo viên pháp luật của Nhà trường được thực hiện theo phân cấp. Ngoài các lớp tập huấn do Binh chủng Công binh tổ chức, Nhà trường còn tạo điều kiện cho các giáo viên, báo cáo viên pháp luật tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các đợt triển khai các văn bản luật và tham dự các Hội thi Báo cáo viên pháp luật giỏi do cấp trên tổ chức để nâng cao kiến thức và phương pháp sư phạm. Đến nay, Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, gồm 18 cán bộ, trong đó có 4 đồng chí chuyên ngành luật, 3 đồng chí thuộc cơ quan chính trị thường xuyên tham gia giảng dạy, 12 báo cáo viên, tuyên truyền viên là cán bộ chính trị các tiểu đoàn và cán bộ Đoàn cơ sở. Đội ngũ giáo viên, báo cáo viên pháp luật của Nhà trường luôn có sự tiến bộ về mọi mặt, làm chủ nội dung, gắn kết chặt chẽ với giáo trình giáo dục - đào tạo, sáng tạo trong phương pháp truyền đạt, liên hệ vận dụng sát thực tế; có trách nhiệm, nhiệt tình, truyền thụ các nội dung sâu sắc, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn trong giới thiệu các chuyên đề, các bộ luật, luật cho người học. Không những thế, Nhà trường còn chỉ đạo các khoa giáo viên, nhất là giáo viên bộ môn Nhà nước và Pháp luật hướng dẫn cho học viên liên hệ, vận dụng, đối chiếu các chuyên đề về công tác PBGDPL theo quy định với các nội dung đã được nghiên cứu, giúp cho người học có nhận thức toàn diện về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.
Đối với các đối tượng khác (sĩ quan các chuyên ngành, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, chiến sĩ...), Nhà trường tổ chức PBGDPL trong chương trình giáo dục tại chức hằng năm, giáo dục chuyên đề; lồng ghép các nội dung pháp luật vào các ngày sinh hoạt chính trị, văn hoá - tinh thần, chiếu phim tư liệu giới thiệu pháp luật... Căn cứ vào chương trình giáo dục chính trị tại chức hằng năm của Tổng cục Chính trị, nội dung và kế hoạch công tác PBGDPL của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Binh chủng Công binh, Nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện sát với từng đối tượng, từng nhiệm vụ và phù hợp với từng giai đoạn. Đối với các tổ chức quần chúng, Nhà trường chỉ đạo Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên và phát động thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật nhân tháng thanh niên; chỉ đạo Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền, tọa đàm về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị các cấp để phổ cập những nội dung, chương trình PBGDPL theo quy định của trên; kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục chính trị - tư tưởng với PBGDPL và đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, tuyên truyền, giáo dục bằng hệ thống pa-nô, áp phích và tủ sách pháp luật...
Ngoài việc gắn các chuyên đề PBGDPL với bộ môn Nhà nước và Pháp luật, Nhà trường còn đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Luật Biên giới quốc gia, Nghị định của Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng; các quy tắc, quy định bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập và một số nội dung của các văn bản pháp quy liên quan đến xây dựng công trình kinh tế - quốc phòng của Bộ đội Công binh... thông qua chế độ sinh hoạt tập trung và ngày chính trị, văn hoá - tinh thần của bộ đội. Đặc biệt, Nhà trường còn tích cực đổi mới các hình thức tuyên truyền, PBGDPL, như: lồng ghép vào các chương trình văn hóa, văn nghệ, các hội thi, hội thao, “Hội diễn văn nghệ”, “Câu lạc bộ kỹ thuật”, “Góc kỹ thuật”, “Thi tìm hiểu về giao thông đường bộ”... Cùng với đó, Nhà trường còn tổ chức tốt công tác truyền thanh nội bộ, nhằm phản ánh toàn diện các lĩnh vực và nêu gương người tốt - việc tốt; đồng thời, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước, chỉ thị, hướng dẫn, điều lệnh, điều lệ quân đội, các hướng dẫn của cấp trên và quy định của đơn vị đối với cán bộ, giáo viên, học viên và chiến sĩ, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội cho các đối tượng...
Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả công tác PBGDPL của Nhà trường không ngừng được nâng lên, góp phần tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, xây dựng chính quy, xây dựng cảnh quan môi trường "xanh - sạch - đẹp", sẵn sàng chiến đấu. Toàn Trường thống nhất nhận thức và hành động theo Điều lệnh quân đội; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của Quân đội, của Nhà trường; bảo đảm an toàn về người và trang bị kỹ thuật trong huấn luyện và công tác; tỷ lệ vi phạm kỷ luật toàn Trường chỉ có 0,036%. Cuối năm 2009, Đoàn kiểm tra công tác PBGDPL của Bộ Quốc phòng đánh giá: Trường sĩ quan Công binh hoàn thành tốt các nội dung PBGDPL theo kế hoạch của trên; có nhiều sáng tạo trong tổ chức thực hiện; thư viện có nhiều đầu sách, báo về pháp luật; phát huy được thế mạnh của hình thức truyền thanh nội bộ trong công tác PBGDPL; cán bộ, chiến sĩ nắm chắc các nội dung chuyên đề theo quy định của Bộ.
Hiện tại, Nhà trường đang nghiên cứu để tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho sát với từng đối tượng, nhất là các đối tượng học viên; tiếp tục chỉ đạo gắn các nội dung bộ môn Nhà nước và Pháp luật với công tác PBGDPL theo các chuyên đề quy định hằng năm của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt và học tập các luật mới được ban hành theo hướng dẫn của trên, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng - an ninh và các hoạt động của quân đội, của Nhà trường... nhằm góp phần nâng cao nhận thức và tính tự giác trong học tập, rèn luyện, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của cán bộ, giáo viên, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên và chiến sĩ toàn Trường.