1. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và công tác đào tạo:
Tháng 3/1980 cơ sở II tiếp nhận 17 bác sĩ khoá 1973-1979 là lớp giảng viên đầu tiên của Trường. Năm 1980 và 1981 được bổ sung thêm 30 người, năm 1982 thêm 20 người ... Đến năm học 1984-1985 trường đã có 68 giảng viên của 32 bộ môn. Số cán bộ này được các giáo sư và giảng viên của trường Đại học Y Hà Nội giúp đỡ, hướng dẫn về chuyên môn và nghiệp vụ giảng dạy tại bộ môn, trên giảng đường, cũng như tại buồng bệnh.. đã dần dần trưởng thành, đảm nhiệm việc giảng dạy của từng bộ môn.
Ngoài số giảng viên cơ hữu, cơ sở II đã được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo các bệnh viện: b/v Việt Tiệp, b/v Trẻ em, b/v Phụ sản, b/v Tâm thần, b/v Lao và bệnh phổi, b/v Y học cổ truyền và Trung tâm VSDT thành phố Hải Phòng trong việc giúp đỡ cho cán bộ và sinh viên nhà trường đến làm việc và học tập. Đồng thời các bệnh viện còn cử các cán bộ có trình độ cao làm giảng viên kiêm chức cho các bộ môn của nhà trường. Hầu hết các Giám đốc, chủ nhiệm khoa của các bệnh viện đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hoặc Phụ trách các bộ môn của Trường. Điều đó đã tạo cho Trường một sự kết hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và trường, góp phần to lớn trong sự nghiệp đào tạo của nhà trường.
Ngoài ngành y tế, Trường đã phối hợp với Trường Quân sự thành phố, Trường Đại học Hàng Hải, Trường chính trị Tô Hiệu, Trường Đại học Tại chức ... để tổ chức giảng dạy các môn quân sự, lý luận chính trị trong thời gian Trường chưa đảm nhận được các chương trình này.
Trong những năm đầu, khó khăn lớn nhất của Cơ sở II là công tác giảng dạy của các bộ môn khoa học cơ bản và y học cơ sở. Các bộ môn của trường Đại học Y Hà Nội đã giúp đỡ hết sức tích cực, nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, thiếu thốn mọi mặt để về Hải Phòng tham gia giảng dạy, giúp đỡ cơ sở II xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời giúp đỡ cán bộ trẻ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nhanh chóng trưởng thành. Các giảng viên trẻ của nhà trường cũng tích cực học tập nâng cao trình độ, nhiều bác sĩ đã vừa giảng dạy, vừa tham gia lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1 tại Hải Phòng.
Sau hơn 5 năm xây dựng và phát triển, đến năm học 1984-1985, Cơ sở 2 đã có 598 sinh viên (không kể số sinh viên về Hà Nội học chuyên khoa hoặc đào tạo nội trú), bao gồm hệ dài hạn đủ 6 khoá từ Y1 đến Y6, hệ chuyên tu bác sĩ đa khoa và các lớp bác sĩ chuyên khoa cấp 1. Bộ máy lãnh đạo, quản lý đào tạo của nhà trường đã có thể đảm nhiệm được chức năng nhiệm vụ của mình. Đội ngũ giảng viên bao gồm 68 giảng viên cơ hữu và 82 giảng viên kiêm chức. Trong số đó có trên 50% có trình độ sau đại học (có 8 GS, PGS; 15 bác sĩ CK2; số còn lại là BSCK1 và BS nội trú). Với đội ngũ cán bộ giảng dạy như vậy, từ năm học 1984-1985 về cơ bản các bộ môn của nhà trường đã đảm nhiệm được toàn bộ chương trình giảng dạy. Các bộ môn của Trường Đại học Y Hà Nội đã từng bước hoàn thành giai đoạn chuyển giao việc giảng dạy cho cán bộ tại Hải Phòng
2. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường:
Trước những khó khăn chung của đất nước về kinh tế xã hội, khó khăn của ngành y tế về kinh phí đào tạo, trong giai đoạn đầu cơ sở II đã hết sức cố gắng đưa các bộ môn y học cơ sở vào tổ chức giảng dạy tại các khoa cận lâm sàng các bệnh viện và trung tâm VSDT, vừa dựa vào cán bộ, kỹ thuật viên, trang bị kỹ thuật, cũng như một phần hoá chất của các khoa này. Các bộ môn Sinh lý, Vi sinh vật, Ký sinh trùng, Hoá sinh, Dược lý, Giải phẫu bệnh-Y pháp, Mô phôi đóng tại bệnh viện Việt Tiệp, bộ môn Sản làm việc tại Bệnh viện Phụ sản, bộ môn Vệ sinh dịch tễ làm việc tại Trung tâm Vệ sinh dịch tễ.
Tại trường, các phòng học, phòng làm việc cũng được quan tâm xây dựng và trang bị, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và sinh viên trong giảng dạy và học tập. Thư viện được nâng cấp, bổ sung nhiều đầu sách, nhất là sách giáo khoa đáp ứng nhu cầu và tài liệu tham khảo cho giảng viên và sinh viên
Đến năm học 1984-1985 các phòng thực tập cho các bộ môn khoa học cơ bản và y học cơ sở; các phòng học cho sinh viên, thư viện, nhà ăn tập thể và ký túc xá cho khoảng 400 sinh viên đã được hoàn chỉnh. Với cơ sở vật chất như vậy đã bước đầu đảm bảo được việc học tập và sinh hoạt cho cán bộ và sinh viên trong nhà trường.
3. Công tác nghiên cứu khoa học:
Mặc dù cán bộ giảng dạy còn trẻ, hầu hết mới ra trường nhưng do gắn bó với các cơ sở thực hành, được sự hỗ trợ giúp đỡ của các giảng viên kiêm chức có trình độ cao, với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, anh chị em đã tham gia thực hiện nhiều đề tài Nghiên cứu khoa học. Ngay trong năm 1982 cơ sở II đã có 4 đề tài tham gia Hội nghị khoa học tuổi trẻ sáng tạo các trường đại học Y-Dược toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại trường Đại học Y khoa Hà Nội và các Hội nghị định kỳ 2 năm 1 lần tiếp theo. Các năm tiếp theo số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học ngày một nâng cao.
Phương hướng Nghiên cứu khoa học của Trường trong giai đoạn này ngoài công tác điều trị cần tập trung vào việc điều tra cơ bản về môi trường, sức khoẻ, mô hình bệnh tật... cho các đối tượng lao động trong khu vực, nhất là lao động trên biển và dân cư ven biển, hải đảo; công nhân các khu công nghiệp tập trung như nhà máy xi măng..., tiếp đến là khu vực nông thôn ngoại thành.
Hội nghị Nghiên cứu khoa học của Trường được tổ chức đều đặn 2 năm một lần. Năm 1985 Trường đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về y học biển lần thứ nhất. Tính đến năm học 1984-1985 đã có trên 50 đề tài Nghiên cứu khoa học được nghiệm thu và báo cáo trong các Hội nghị khoa học của Trường và các bệnh viện.
II. Giai đoạn trường mang tên: Phân hiệu Đại học Y Hải Phòng (từ 8/1985 đến 01/1999):
Trên cơ sở là Cơ sở II của trường Đại học Y Hà Nội đặt tại Hải Phòng, nhà trường đã dần dần trở thành một đơn vị độc lập. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Đại học và THCN (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), ngày 17/8/1985, Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân đã ký Quyết định số 843/BYT-QĐ đổi tên Cơ sở 2 trường Đại học Y Hà Nội tại Hải Phòng thành Phân hiệu Đại học Y Hải Phòng trực thuộc trường Đại học Y Hà Nội. Về chức năng nhiệm vụ: Phân hiệu Đại học Y Hải Phòng là cơ sở đào tạo và bổ túc cán bộ y tế có trình độ đại học, trên đại học (BSCK1), bác sĩ đa khoa cho khu vực Hải Phòng, Hải Hưng, Quảng Ninh và bác sĩ chuyên khoa sâu cho ngành khai thác than và hàng hải - Đây cũng chính là cơ sở để phát triển chuyên ngành Y học biển – đặc thù cho trường Đại học Y Hải Phòng. Phân hiệu được chủ động xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về đào tạo, lao động, kinh phí, trang thiết bị và xây dựng cơ bản… dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế.
Về tổ chức bộ máy, Phân hiệu gồm:
* Đảng uỷ bộ phận thuộc Đảng uỷ bệnh viện đa khoa Việt – Tiệp. Từ năm 1994 là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Quận uỷ Ngô Quyền, Hải Phòng.
* Ban Giám hiệu gồm Phân hiệu trưởng và 2 Phó phân hiệu trưởng.
* Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thuộc Thành đoàn Hải Phòng.
* Công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn lao động quận Ngô Quyền Hải Phòng.
* Phân hiệu có 4 phòng, 3 ban chức năng, 1 tổ công tác và 32 bộ môn.
Tư vấn cho Phân hiệu trưởng có các hội đồng: Hội đồng khoa học - giáo dục, các hội đồng thường kỳ khác như Hội đồng tuyển sinh, Hội đồng thi đua, Hội đồng thi tốt nghiệp v.v….
Bộ Y tế đã bổ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Đức Lung làm Phân hiệu trưởng, các Phó phân hiệu trưởng: BSCKII. Phạm Hy Nhu và BS. Nguyễn Thanh Sơn, các Trưởng phó phòng ban khác. Các Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm hoặc Giáo vụ bộ môn cũng được kiện toàn.
Trong tình hình đất nước bước vào thời kỳ đổi mới về mọi mặt, Phân hiệu đã tập trung thực hiện các mặt công tác sau đây:
1. Đổi mới mục tiêu, chương trình và phương pháp đào tạo:
Số lượng tuyển sinh vào trường hàng năm đều tăng lên. Đến năm học 1998-1999 số sinh viên hiện có trong Trường là 1100 người ( 676 sinh viên chính quy; 384 sinh viên chuyên tu và 50 học viên CK1 ).
Mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo có nhiều thay đổi: hệ dài hạn có sự điều chỉnh từ đào tạo bác sĩ đa khoa thực hành đến bác sĩ đa khoa thực hành phục vụ tuyến y tế cơ sở theo hướng chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Đến năm 1984 lại đào tạo theo 2 giai đoạn. Đối với hệ chuyên tu đào tạo bác sĩ đa khoa diện hẹp và một số chuyên khoa; đến năm 1991 chuyển hướng đào tạo bác sĩ tuyến y tế cơ sở. Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 chuyển sang đào tạo theo chứng chỉ….
Đến tháng 12/1998, kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, số sinh viên và học viên được đào tạo tại Trường là 3363 người (trong đó 5 khoá sinh viên chính quy từ Hà Nội chuyển xuống là 302 người; 20 khoá sinh viên hệ chính quy tuyển sinh tại Hải Phòng là 2102 người; 15 khoá sinh viên hệ chuyên tu là 959 người; 5 khoá học viên lớp BSCK1 là 419 người), đã có 2260 bác sĩ đa khoa và 402 bác sĩ chuyên khoa cấp 1 tốt nghiệp ra trường.
2. Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý:
Để kiện toàn đội ngũ giảng viên của Phân hiệu, ngày 11/3/1986, Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Đình Cầu đã ký quyết định công nhận chức danh giảng viên cho 32 cán bộ công tác tại Trường và các bệnh viện trong thành phố. Ngày 25/7/1992 GS. Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định công nhận chức danh giảng viên kiêm chức cho 20 cán bộ đủ tiêu chuẩn.
Tính đến cuối năm 1998 Phân hiệu có 160 cán bộ viên chức, trong đó có 110 giảng viên, 18 kỹ thuật viên giảng dạy thực tập. Với số lượng biên chế còn hạn hẹp, các bộ môn vừa phải đảm bảo việc giảng dạy theo kế hoạch của nhà trường, vừa phải luân phiên, hỗ trợ nhau để đảm bảo chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá giảng viên và nâng cao chất lượng giảng dạy. Sau hơn 10 năm xây dựng, đến tháng 12/1998 trong số 182 giảng viên (110 giảng viên cơ hữu và 72 giảng viên kiêm chức), có 149 giảng viên có trình độ trên và sau đại học (chiếm 82% số giảng viên), bao gồm:
GS, PGS: 04; TS: 20; ThS: 26; BSCKII: 34; BSCKI: 69; Đại học: 29
Các cán bộ quản lý phòng ban được quan tâm đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý hành chính. Nhiều cán bộ đã được đào tạo trình độ đại học theo đúng chuyên ngành góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà trường. Mặc dù còn khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ lãnh đạo luôn được kiện toàn, bổ sung để đảm đương nhiệm vụ được giao.
3. Xây dựng cơ sở vật chất:
Trường đã từng bước xây dựng bổ sung các phòng học, phòng làm việc, cuối năm 1998 Trường đã xây dựng 2 dãy nhà 5 tầng với diện tích 8.400 m2. Tại các bệnh viện, Trường cũng đã xây dựng các phòng học, phòng làm việc của các bộ môn tại bệnh viện Việt Tiệp, bệnh viện Phụ sản, bệnh viện Trẻ em; xây dựng 18 phòng thực tập và 25 phòng học đầy đủ bàn ghế và phương tiện dạy học.
Trường cũng đã đầu tư mua sắm 235 kính hiển vi các loại, các mô hình mới về giải phẫu, mô hình điều dưỡng, 50 máy vi tính, trang bị phòng học tiếng, các thiết bị nghe nhìn, chiếu hình, các máy xét nghiệm môi trường, xét nghiệm sinh hoá ...
Thư viện của trường đã có 10.000 đầu sách trong và ngoài nước, 15 tạp chí tiếng Việt, hơn 60 tạp chí nước ngoài nhập thường xuyên từ năm 1993, các đĩa CD rom ....
Khu vực Ký túc xá sinh viên được đầu tư cải tạo hệ thống điện, cấp nước, các phương tiện sinh hoạt đảm bảo tốt nhu cầu sinh hoạt, học tập của sinh viên.
4. Công tác nghiên cứu khoa học:
Trong giai đoạn này các giảng viên của Phân hiệu đã có khả năng độc lập thực hiện những đề tài NCKH chuyên ngành. Về lâm sàng, lúc đầu từ những đề tài tổng kết, nhận xét về chẩn đoán và điều trị, đã nâng lên việc áp dụng, cải tiến các phương pháp kỹ thuật mới trong điều trị. Hướng nghiên cứu y học cộng đồng và các giải pháp can thiệp đã được phần đông CBGD các bộ môn quan tâm đúng mức, hàng năm trường đều tổ chức hoặc phối hợp với các bệnh viện tổ chức Hội nghị Khoa học – công nghệ.
Từ năm 1985, Phân hiệu đã xác định một hướng nghiên cứu đặc thù về sức khoẻ và môi trường lao động của ngành hàng hải, của cư dân ven biển và hải đảo. Năm 1995 Bộ Y tế cho phép Phân hiệu thành lập “Trung tâm Y học và môi trường biển” để làm nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu về y học hàng hải. Ở lĩnh vực này đến năm 1998 đã có 5 công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu và đưa vào thực hiện trong ngành hàng hải và trở thành quy chuẩn quốc gia. Đã tổ chức hội nghị nghiên cứu khoa học chuyên ngành Y học biển với sự tham gia của tất cả cán bộ nghiên cứu về Y học biển quân và dân y trong phạm vi toàn quốc.
Năm 1996 Đơn vị nghiên cứu y học cộng đồng được thành lập, giúp xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên tu tuyến y tế cơ sở, tổ chức việc giảng dạy và học tập tại cộng đồng. Tiếp đó, Trung tâm Y học thể thao và Phục hồi chức năng, Trung tâm đào tạo và ứng dụng Tin học y học đã ra đời và từng bước đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho cán bộ giảng dạy có nhiều hướng nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học của các đơn vị này, một số cán bộ giảng dạy đã phát triển thành các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hoặc trở thành luận văn cao học, luận án nghiên cứu sinh.
Trường đã có 314 đề tài cấp cơ sở, 13 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp thành phố. Cán bộ trẻ và sinh viên đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đã tham dự 09 Hội nghị Khoa học kỹ thuật tuổi trẻ toàn quốc với 43 đề tài. Trong đó có 03 giải nhất, 03 giải nhì, 07 giải ba và
01 giải khuyến khích. Năm 1996 mặc dù còn nhiều khó khăn, Trường đã đăng cai và tổ chức tốt Hội nghị khoa học kỹ thuật sáng tạo của tuổi trẻ các trường Đại học Y-Dược Việt Nam lần thứ 8.
1. Sứ mạng của trường Đại học Y – Dược Hải Phòng
Đào tạo nguồn nhân lực y tế uy tín, chất lượng; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chú trọng phát triển y dược biển đảo Việt Nam.