18/06/2018, 15:27

Trương Đăng Quế

Trương Quang Cảm Trương Đăng Quế(1793-1865)đỗ Hương tiến khoa Kỹ mão 1819(học vị cao nhất thời Gia Long),làm quan đến chức Cần chánh Điện đại học sĩ (chánh nhất phẩm),tước Quận công, hàm Thái sư.Nói về Trương Đăng Quế, Tuy Lý Vương viết:”Lấy sự nghiệp chính trị cao cả bề thế cùng ...

truong_dg_que

Trương Quang Cảm

Trương Đăng Quế(1793-1865)đỗ Hương tiến khoa Kỹ mão 1819(học vị cao nhất thời Gia Long),làm quan đến chức Cần chánh Điện đại học sĩ (chánh nhất phẩm),tước Quận công, hàm Thái sư.Nói về Trương Đăng Quế, Tuy Lý Vương viết:”Lấy sự nghiệp chính trị cao cả bề thế cùng cái học sâu rộng như Nga hồ ,Lộc động, thơ văn như Xương Lê, Lư Lăng,tìm đến nghìn xưa cũng rất hiếm thấy”(Thần đạo bi minh), Phan Thanh Giản viết:”Tiên sinh nổi tiếng văn học, không sách nào là ngài không đọc, lại sở trường thơ ca.Ở chốn kinh kỳ , dầu kẻ biết hay không đều nói rằng:tiên sinh là tiêu biểu cho các bậc tao nhã văn chương;trong lúc quan lại cao sang cùng nhau hôi họp bàn luận chính trị thơ phú , giao ước , thì tiên sinh giữ vai trò chủ trì, trong mắt biểu hiện rõ lẽ tới lui tạo sự ổn định vậy”(bài tựa tập thơ Học văn dư tập)

1.
Trong quan hệ vua tôi của chế độ phong kiến thì vua là cao cả trên hết, còn bề tôi là phải thấp bé. Cho nên bề tôi khi tâu với vua , lúc nào cũng phải xưng mình là “hạ thần”, “ngu thần”…Đó không phải là đức khiêm tốn , mà là khuôn khổ trật tự phong kiến, xưa bày nay làm.Không khiêm tốn thì coi chừng mất mạng. Nói đến khiêm tốn là nói đến cách cư xử trong quan hệ đồng nghiệp, bạn bè và những người chung quanh.Trong cuộc sống nhiều người tiếc một lời khen cho người khác,mà cứ tự cho mình là tài giỏi, làm thành tích báo công cá nhân của mình sao cho dài cho “kêu’. Trong đời làm quan, Trương Đăng Quế không bao giờ tự cho mình là người tài giỏi hơn người . Tâu với vua, ông luôn đề cao người khác và cho rằng mình không bằng họ như: “Thần ngày thường tự biết là làm chính sự không bằng Đặng Văn Thiêm , văn học uẩn súc không bằng Phan Thanh Giản , siêng năng không bằng Lâm Duy Thiếp, chất phác không bằng Tôn Thất Thường,”( tâu năm 1855- Đại Nam thục lục).Đúng là trong giới quan trường ngày xưa cũng như ngày nay người ta đạp lên nhau để tiến thì nhiều ,ít có ai lại như Trương Đăng Quế nâng người khác lên cao hơn mình.

2.
Giống như người xưa từng nói:” Công thành danh toại thân nhi thoái” khi đường quan hoạn lên tới tột đỉnh,tước đến Quận công, , chức đến Cần chánh điện đại học sĩ, phụ chánh đại thần,quan to ,lương lớn , thì ông lại xin lui về ở ẩn.Đặc biệt không phải chỉ một lần xin thôi, mà từ năm 1850 đến năm 1863 đến sáu lần cả thảy.Những lý do ông xin cáo quan của những năm trước khi Pháp xâm lược là tuổi già , không còn đủ sức khỏe và sáng suốt để làm việc, chức vụ cao nên để cho những người kế cận tài giỏi hơn . Đến năm 1860 lúc này đã 68 tuổi , ông lại dâng sớ xin về hưu với thêm lí do ” Từ khi Tây dương đến đây đã ba năm nay, mà ngồi trơ mặt ở triều ban, không vạch ra được một mưu chước gì để đánh lại được giặc Tây dương, tội ấy chối sao được. Lại bóng chiều đã xế, bệnh tật luôn luôn , gần tới cõi chết mà cố giữ địa vị , thực đáng hổ thẹn. Vậy xin cho về quê để nhường chỗ cho lớp trẻ” (tâu năm 1860- Đại Nam thực lục). Nhà vua vẫn không cho, “Trương đăng Quế lại dâng sớ xin tự giáng chức mình làm Thượng thư, từ bỏ tước Công đã được phong trước đó.vua Tự Đức không cho, ông lại xin trừ phân nửa lương, vua bèn miễn cưỡng nghe theo”( Đại Nam thực lục).Mãi đến lá sớ thứ sáu 1863 lúc này ông 71 tuổi mới được vua và triều thần đồng ý .Nói như ngôn ngữ ngày nay là từ chức, làm không được thì phải từ chức để người khác lên thay . Từ chức đúng lúc và dám từ chức để nhường cho giới trẻ là một nhân cách tốt và yêu nước.Trong lời tâu của ông , chúng ta còn thấy ông dùng chữ “trơ mặt”. Cái ý thức nhân cách sĩ diện của ông chính là ở chỗ đó.Ngày nay cũng hiếm thấy có ai tự nhận mình cống hiến cho nước nhà ít, chẳng có kế sách gì hay để giúp đất nước , tự nguyện xin lui về vườn, nếu cấp trên không cho thì xin được giáng chức, cấp trên vẫn không cho giáng chức thì tự nguyện xin trừ phân nửa lương như ông.

3.
Trương Đăng Quế lấy bút hiệu cũng gắn liền với quê hương , nơi chôn nhau cắt rốn : Quảng Khê( tỉnh Quảng Ngãi, làng Tịnh khê)

Trong đời làm quan ,chức như thủ tướng ngày nay, Trương Đăng Quế từng ở làm việc nơi kinh thành Huế, bước chân từng trải qua biết bao tỉnh thành đô hội khắp nước.Thế nhưng , khi về hưu ông không chọn ở đâu cả, mà xin trở về lại quê nghèo thuở hàn vi của mình. Nhà cửa , đất đai, tài sản riêng tư không có, chỉ có căn nhà từ đường, nhà tranh vách đất nằm cạnh cây dạ lý hương. Trương Đăng Quế từng viết “Cố quận tự liên vô biệt nghiệp/ Thử sinh nguyên dĩ hứa vi thần”( Về làng chẳng có cơ đồ sẵn / Giúp nước không màng lợi lộc riêng).Ngày nay cũng ít có người nào như vậy.

4
Trong chế độ phong kiến , cha làm quan thì con được “ăn theo” chức tước.Năm 1844, con trưởng của ông được phẩm cấp Hàn lâm viện thừa chỉ. ông dâng sớ:” Thần gặp thời ra làm quan, lạm lên ngôi cao, đức bạc, quan to, đã vượt quá phận.Trương Đăng Trụ còn trẻ tuổi, chưa học mà có quan, không làm việc gì mà ăn lộc, nghĩ thấy quá ưu ái , lấy làm sợ hãi .Khẩn xin đình lại việc ấm thụ và chi lương”( Đại Nam thực lục).Ở đây ta thấy Trương Đăng Quế không vì thế mà vui mừng , trái lại còn xin không nhận bởi ông thấm nhuần kinh sách Khổng phu tử đã dạy “Người hưởng quá tài đức của mình tất có hại về sau”.Đây cũng là nhân cách đáng học tập cho người đời sau.Ngày nay nhiều người không chỉ củng cố địa vị của mình mà còn lo xin xỏ chạy chức cho con nữa.

5.
Trong một bữa tiệc, vua Minh Mạng đãi các đình thần,lúc mãn tiệc Hoàng đế nhìn các quan và ban:
“- Các Hoàng tử đó , chúng nó đã nhờ các thầy dạy bảo,ta cũng nhờ các thày định liệu cho chúng nó , về chỗ lương duyên;thầy nào có con, vừa lứa trao tơ , thì tùy ý lựa một Hoàng tử nào cho tương xứng… Các quan nghe vua đề cập đến con thì vừa mừng vừa sợ; chưa sẵn có lời tâu lại , chỉ lấy mắt nhìn nhau…Trương Đăng Quế vì đứng đầu nên phải tâu trước :
– Lá ngọc cây vàng, nhành nào cũng tươi, cũng đẹp, còn con của anh em chúng tôi, như chim ở giữa rừng , biết đậu vào có được xứng chăng.
– Chim giữa rừng ,có nhiều hạng, như chim phụng hoàng, há chẳng quý sao? Trong sách Bách điểu chí có nói:Thứ chim ấy chọn cây mới đậu.Vậy con của thầy tuổi bao nhiêu?
– Tâu, con chúng tôi 16 tuổi.
– Tên gì?
– Tâu,tên Thứ
– Thầy,đã cho học chưa?
– Tâu,mới học được năm ba chữ. Chúng tôi xin thú thực con chúng tôi không có nhan sắc, mà cũng chưa biết son phấn là gì.
– Biết học trò,thì còn ai bằng thầy.Vậy thầy có thương được trò nào chăng?
– Tâu,ông Hoàng Mười, chúng tôi biết đã lâu, đối với chúng tôi là “bạn vong niên”,như được nhờ ơn trên, thì cái nguyện của Hướng Trường[1]cũng toại
– Vì sao mà thầy lựa Hoàng Mười?
– Tâu các Hoàng tử đều có tài, có đức duy ông Hoàng Mười thì tài đức cân nhau, con cháu nhờ được dài ngày, chúng tôi đã già , chỉ trông mong con cháu
– Tục ngữ đã nói:”con nhờ đức mẹ”.Vậy con cháu cũng nhờ phúc đức của bên ngoại nữa, nào phải chỉ nhờ bên nội mà thôi đâu.Thế thì gia thất của trò ,ta nhờ thầy đào tạo đó”[2]

Sau Trương Đăng Quế , lần lượt các quan đều chọn ông Hoàng cho con gái của mình.
Qua đó cho thấy , là người được chọn trước, nhưng không phải vì thế mà ông đồ mưu giành vị Hoàng tử con trưởng để cơ may làm Quốc trượng( cha vợ của vua).

Về sau, trong giây phút lâm chung của vua Minh Mạng, cả triều thần và hoàng tộc, “có người niệm Phật, có người cầu trời, có người lo thầm: vua chưa lập Đông cung, thì các đại thần sẽ tôn vị nào lên là phải.

Khi đến gần canh một, Trương Đăng Quế , bước đến trước long sàng, cúi đầu rồi nghiêng tai sát miệng vua, như có lãnh thọ được mạng lệnh gì bí mật. Nghe cụ dạ một tiếng giữa điện Càn thành. Có người ngờ rằng :ông gia đồ mưu cho chàng rể(tức Tùng Thiện Vương- TQC).Ai cũng chăm nhìn vào cụ .Thấy xa xa nơi trên gò má, có ánh nước lóng lánh đôi hàng; trên trán đường gân nổi lên cao, cả vận mạng nước nhà như đang đè lên trí não.Cụ đứng thẳng dậy, truyền ra một giọng đường hoàng: Hoàng đế ban, Hoàng trưởng tử,Trường Khánh Công ( tức vua Thiệu Trị- TQC)sẽ lên kế vị”[3].

Trong lịch sử có không ít những người mưu đồ quyền lợi cá nhân chỉ nghĩ cho riêng tư gia đình , dòng họ mà không nghĩ đến đạo lý, đất nước tạo ra những biến cố cung đình, cướp đoạt ngôi vua , gây xáo trộn , làm cho nhân dân lầm than.Trương Đăng Quế dứt khoát không phải là con người như thế .

Với tài năng và nhân cách ấy, Trương Đăng Quế xứng đáng được các sử gia ngày nay ca ngợi:”Trong cuộc đời 44 năm làm quan(1819-1863), Trương Đăng Quế thể hiện lòng trung thành,công minh ,liêm chính của mình… Cụ là vị Tổng tài Quốc sử quán đầu tiên , mở đầu sự nghiệp viết sử triều Nguyễn…Cụ Trương Đăng Quế là một nhà trí thức lớn, một vị quan có trách nhiệm với dân , với nước”[4]./.

[1] Hướng Trường tên tự Tử Bình, người đời Chiến quốc , bình sinh không xa vọng, chỉ nguyện cho con trai có vợ, con gái có chồng.

[2] Dẫn theo tác phẩm Tùng Thiện Vương của Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng – Huế Sài Gòn 1970 trang 60, 61

[3] Dẫn theo Tác phẩm Tùng Thiện Vương của Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng- SĐ D trang 67,68

[4] Dương Trung Quốc – Lời giới thiệu tác phẩm Trương Đăng Quế cuộc đời và sự nghiệp của các tác giả Nguyễn Văn Chừng,Dương Minh Chính, Lê Văn Công, Lê Sơn, Nguyễn Văn Thanh – NXB Văn học 2008

0