18/06/2018, 15:27

Hành trình khởi phát của một anh hùng

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường 3-2, Nam Định Tạ Chí Đại Trường Lịch sử nào thì cũng có những vặn vẹo của nó, cả như lịch sử nói về ông danh tướng này. Mà đâu có cần phải tìm chi cho xa. Suốt cả bốn ngàn năm văn hiến chỉ có một hai bộ sử mỏng, chịu khó lật tìm, chịu khó đọc ...

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường 3-2, Nam Định

Tượng đài Trần Hưng Đạo ở quảng trường 3-2, Nam Định

Tạ Chí Đại Trường 

Lịch sử nào thì cũng có những vặn vẹo của nó, cả như lịch sử nói về ông danh tướng này. Mà đâu có cần phải tìm chi cho xa. Suốt cả bốn ngàn năm văn hiến chỉ có một hai bộ sử mỏng, chịu khó lật tìm, chịu khó đọc cho thanh thản thì thấy ngay. 

Ðã không phải chỉ là chuyện cá nhân thì phải lôi cả dòng họ ra bàn. Huệ Tông, ông vua cuối triều Lí lấy vợ họ Trần đẻ ra hai cô công chúa: Thuận Thiên (1216), Chiêu Hoàng (1218) và nhường ngôi (1224) cho cô công chúa nhỏ 6 tuổi mà không hiểu tại sao không cho cô lớn.

Trần Thủ Ðộ đem cậu cháu Trần Cảnh (1218-1277) vào cung hầu hạ rồi “đóng cửa thành, cửa cung” tuyên bố “Bệ hạ đã có chồng rồi” để có màn trình diễn tiếp theo là ngôi vua về tay họ Trần.

Ta không hiểu Thuận Thiên lấy chồng lúc nào nhưng có lẽ Thủ Ðộ muốn chắc ăn đã gả luôn cô cho Trần Liễu (1211-1251), anh của Trần Cảnh, đề phòng danh nghĩa ngôi vua khỏi lọt vào tay kẻ khác vì hình như theo thói tục đương thời rơi rớt từ bằng chứng chuyển tiếp Ðinh Lê, chính người nữ Lí mới có thể “khoác hoàng bào” cho kẻ cướp ngôi nào đó.

Bà Thuận Thiên mắn đẻ đã cho ra một loạt Trần Tung (1230-1291), Trần Quốc Tuấn (1232-1300), Trần Doãn (chắc là sinh khoảng 1233-36), và Trần Quốc Khang (1237-1300) còn nằm trong bụng khi xảy ra biến cố di-dời mẹ. (Cũng nên lưu ý rằng quyển sử chính thức không nói Tung là con Trần Liễu nhưng các chứng dẫn nơi khác xác nhận như vậy.) Cặp Trần Cảnh – Chiêu Hoàng rủi ro hơn, sinh được con trai đặt tên Trịnh thì chết ngay (1233).

Có thể tạm hiểu điều này, không chờ sử quan giải thích, vì cả hai cha mẹ đều chỉ mới 15 tuổi trong khi Trần Liễu có Trần Tung lúc 19 tuổi. Sau này, khi Chiêu Thánh đến tuổi 40, được gả cho Lê Tần, vẫn có hai người con. Thế mà Trần Thủ Ðộ hoảng lên.

Ông cũng tự biết mình ít học, tưởng Cảnh (Thái Tông sau này) sẽ tuyệt tự theo hướng dòng Lí, nên thấy bà Thuận Thiên có một dãy con, thêm đang có mang, thật chắc ăn, liền lôi về cho vua.

Oán thù nảy ra giữa hai nhà, liên quan đến nhân vật ta đang bàn: Trần Quốc Tuấn. Sự kiện gọi là incest của dòng họ Trần bị người sau la lối (“Chỉ có họ Trần làm trái lẽ”, Ngô Sĩ Liên) nhưng ngay lúc đương thời không thấy ai đề cập bài bác.

Người nay khi nhìn về phía nam, thấy người Chàm cũng không quan tâm chuyện cấm kị hôn nhân kiểu phụ hệ nên cho rằng có lẽ Trần theo thói tục đó. Sau lúc ngượng ngùng né tránh lờ đi thì người ta lại tìm cách bào chữa, ví dụ cho rằng họ Trần lấy hoàng hậu trong tộc là để giữ gìn ngôi vua khỏi lọt vào tay kẻ khác. Nhưng như thế thì ai là nữ trong họ Trần cũng được, tại sao các bà hoàng, các bà vương hầu chỉ được chọn phần lớn là thân cận con chú bác ruột?

Dấu vết “gom về Trần” chỉ nghiệt ngã trong một giai đoạn của triều Trần chứ không phải xuyên suốt từ lúc khởi phát đến hồi tàn cục, và sự nghiệt ngã sít sao đó không phải không có dấu ấn nặng nề từ vụ xung đột Trần Cảnh – Trần Liễu. Hãy nhìn ngay từ đầu. Người đương thời đã chứng kiến hoạt động tình dục của họ nhà vua không theo quan điểm “tông phả”. Cùng họ Trần nhưng Trần Khánh Dư không bà con gì với Trần đang làm vua cả.

Mẹ Trần Cảnh họ Lê, Cô Hai họ Trần có ông cậu mà cô thông dâm là Tô Trung Tự, nghĩa là có thể bà nội Trần Cảnh họ Tô! Thế mà Trần Thái Tông lại gả con gái lớn cho Trung Thành Vương, con Nhân Ðạo Vương, và bị Quốc Tuấn cướp. Tước Vương đó là để dành cho con thứ phi, con đích tập ấm của một “vương” trong quy định năm 1241, được sử quan nhìn theo lối hồi tố, cho nên ông con rể hụt của Thái Tông hẳn là cháu ruột gọi Thái Tông bằng bác!

Chuyện này thì không có liên hệ gì đến việc truyền ngôi vậy mà vẫn xảy ra. Và xét hành tung các nhân vật Trần thì thấy họ “loạn” hơn nhiều. Ðể lại nhiều chứng cớ nhất, “quậy tới bến” là Cô Hai họ Trần / Công chúa Thiên Cực / vợ Lí Huệ Tông / vợ Trần Thủ Ðộ sau rốt. Công chúa Thiên Thành, con Thái Tông, đã ở trong nhà “chồng” trước khi tuyên bố hôn lễ, và trong thời gian “ăn cơm trước kẻng” cũng không nề hà tiếp cậu Quốc Tuấn mà ông cha chồng không hay biết.

Chuyện thường tình tiếp theo: Cô em chắc là cùng cha khác mẹ của Quốc Tuấn, mới có chồng (Thánh Tông) ba tháng đã sinh con (Nhân Tông) mạnh khoẻ, chứng cớ là sau này đánh đuổi quân Nguyên hai lần, làm tổ sư một môn phái Thiền Việt mà gần đây một học giả trong nước ép làm sư phụ của Phật Thầy Tây An ở tận hóc núi Sam, như một bằng chứng tiền định anh trước em sau về sự kiện đất nước thống nhất.

Cô công chúa của ông vua này, làm dâu ông danh tướng, có dịp làm quen nhóm khác, lại “chịu đèn” Trần Khánh Dư. Trần có lẽ thuộc tộc Ðản sinh sống trên sông nước như sử quan ghi “đời đời làm nghề đánh cá.” Cứ suốt ngày, suốt đời nhảy từ thuyền này qua thuyền khác thì không thể lấy người xa được, không cần tìm gái ở xa. Rồi thành thói quen. Lấy người khác tông chỉ là chuyện bất thường, là “tai nạn”.

Nhưng dù với sinh hoạt đó thì cũng không thể không khiến người ta ghìm được tức giận khi bị cướp vợ. Như Trần Liễu. Nổi loạn bị thua, thoát chết nhờ ông em làm vua bênh vực, ông nuôi mối hận dặn con trả thù.

Thù được cả nhà nuôi dưỡng. Trần Doãn, có lẽ là người con út của Thuận Thiên trước khi bà mang bụng chửa vào cung, cậu này, trước cảnh quân Mông Cổ đe dọa ở biên giới Vân Nam vẫn dẫn cả nhà trốn sang Tống – thất bại (1256). Có vẻ như Trần Kiện, cháu nội ông, hàng Nguyên năm 1285, sử cho là xung đột với Ðức Việp (cùng bà nội, khác ông) cũng là dây dưa từ đây, thêm rối rắm giành gái ngay trong đời mình.

Sao Liễu không chỉ định người con trưởng Trần Tung? Sử lại cũng không ghi đành chỉ phỏng đoán. Ông này sau đi tu thành Tuệ Trung Thượng sĩ cho người đời ca tụng, nên chắc là bản tính mềm yếu không thể giao trọng trách được (“ngay từ hồi để chỏm đã hâm mộ cửa Không” – Trần Nhân Tông). Thế thì, chuyển hi vọng vào người thứ hai, người lúc sinh ra được thầy tướng đoán “ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Với Trần Liễu thì, có thể trả thù nhà.

Ông Quốc Tuấn này đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, hơn cậu em “tiêu cực, chủ bại”, chỉ lo trốn đi mà không biết tấn công vào kẻ thù. Ông lựa lúc người ta phô trương việc gả con gái, Trưởng công chúa đấy! trong “hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem” mới dàn trò cướp con gái, để làm bỉ mặt kẻ thù của gia đình, đang làm chủ nước.

Xông vào ngay nhà tình địch, êm thấm, chủ nhân không hay biết. Chỉ là ăn vụng, nhà chồng cô gái không hay biết thì cứ đánh nhanh rút nhanh, việc gì phải làm toáng lên? Ấy là vì muốn mục đích chiếm người được công khai hoá, tạo gấp gáp “thành tích” dâng Cha già, vì hai tháng sau thì Trần Liễu chết (tháng 4âl. 1251).

Vậy là mới mười chín tuổi, trên một chiến trường nhỏ, Quốc Tuấn đã chứng tỏ được khả năng của mình. Thái Tông, lúc bấy giờ đã nắm thực quyền, chỉ còn cách điều chỉnh lại lỗi lầm mình không gây ra nhưng phải gánh vác. Ông làm dịu sự kiêu căng của kẻ thắng, chịu gả con cho Quốc Tuấn, nghĩa là đem trả một người bù lại một người đã mất đi của gia đình kia.

Phía khác, ông đền cho người mất vợ cũng thật xứng đáng vì đã đem ruộng đất cấp cho người mới bỏ sông nước lên bờ. Thái Tông cũng là một người như thế nên mới kí nhường ngay một lúc hai ngàn khoảnh ruộng – không hẳn 200 000 mẫu như quy định của chữ “khoảnh” (Hán Việt tự điển Thiều Chửu) mà chỉ là một lối nói phóng tay, nhưng chắc không ít.

Vậy là ông không thấy tiếc hùi hụi như ông chủ Lí Nhân Tông bám của ngay cả lúc hấp hối. Vả lại ruộng Vĩnh Hưng đó cũng là của cướp đoạt (từ Lí) thôi! Vẫn còn nhiều lắm, vì mấy năm sau (1254), trước sự đe dọa của quân Mông Cổ sát biên giới, ông đã đem “quan điền” ra bán, 5 quan một mẫu, là giá tô thuế của lãnh chúa nhỏ nạp cho vua Lí (3 thăng) trong 5 năm, cũng là giá của 15 thăng gạo, giá mua 5 nô tì trong năm đói 1290. Quan điền thường được dịch là “ruộng công” nhưng chính là ruộng tư của ông (như giải thích năm 1277 về chữ “quan gia” của Trần Quốc Toại dựa vào Hán thư). Lần bán ruộng chạy giặc này tất có điểm kết quả tích cực khi nổ ra nguy cơ đất nước bị Nguyên xâm chiếm, chắc chắn là sẽ chiếm luôn cả miếng đất ông vương hầu, thổ hào nào đó đã mua được. “Hịch tướng sĩ” nói rõ: Chút “ruộng vườn chăm chút để nuôi gia đình” đến lúc có giặc “cũng không chuộc được tấm thân ngàn vàng…” Thế thì đem gia đồng, hương binh làm quân cần vương cứu nước như lời Ngô Sĩ Liên liên hệ đến trận chiến 1257.

Chiến thắng gia đình đó vẫn không làm cho Quốc Tuấn nguôi ngoai. Vai trò cứu nước, địa vị sau này của ông trên trần thế cũng như ở Cõi trên quá cao nên có chuyện gì kể về ông cũng chỉ là với mục đích đề cao ông.

Rủi ro là với con mắt sắc mắc của người sau, sự việc sẽ có hơi khác. Ðúng ra không phải rủi ro mà là may mắn bởi vì nhờ đó, lịch sử sẽ mang tính “người” hơn.

Nhắc chuyện Quốc Tuấn quên thù riêng, phục vụ tông tộc mà đỉnh cao là vua (người nay lại hiểu là phục vụ Nước), sử quan kể chuyện Quốc Tuấn tỏ lòng trung trinh như thế nào. Nhắc chuyện Trần Liễu dặn “vì cha (mà) lấy thiên hạ”, sử quan nói rằng Quốc Tuấn “không cho là phải” nhưng vẫn “ghi nhớ trong lòng”.

Ðúng vậy, ghi nhớ đến mãi “khi vận nước lung lay, quyền quân quyền nước đều do ở tay mình”, nghĩa là sau 1289, sau lúc thắng Nguyên được bình công phong làm Ðại vương. Sử quan kể chuyện lúc đó Quốc Tuấn đem lời dặn của cha nói lại với đầy tớ, với con. Sao lại nói chuyện hệ trọng, chết người như thế, chuyện trên danh nghĩa là chỉ có cha con biết với nhau, chỉ những người ở địa vị chủ nhân biết thôi, mà đem ra nói với đầy tớ, với cả những người không phải là người, chỉ là loại đếm đầu theo cây (cây quýt – Thánh Tông), chỉ đáng mang tên súc vật: Voi Rừng, Cồng Cộc (lại một tên khác với lối giải Chó Săn đã có, xin không bàn nơi đây) nếu không thấy là cần thiết đến mức độ phải vượt qua nghi lễ, qua ước thúc của xã hội đương thời?

Chuyện gì quan trọng đến thế nếu không là mớm lời bàn âm mưu, âm mưu đảo chính? Nói như thế nào, lộ ý muốn thực hiện như thế nào để “hai người gia nô can ông”? Ðầy tớ là loại dưới tay, không chịu theo cũng không hề gì, một khi có dịp cử sự thì họ phải theo thôi, cho nên Quốc Tuấn quay sang hỏi một bộ phận của Tập thể làm chủ, hỏi ông con lớn, Quốc Nghiễn/Nghiện.

Ông này đã được tước vương, có mẹ là con một ông vua, có vợ là con ông vua tiếp, danh vọng có đủ để không dám đánh mất, nên tỏ lời can nhưng lại thiên về tình, cho ra vẻ cao cả: “Khác họ cũng còn không nên huống chi là cùng một họ”. Còn không tin, lại đi hỏi người con khác, ông con nhỏ.

Không nuôi chí lâu dài thì việc gì phải khổ tâm đến thế? Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, ông Quốc Tảng được hỏi, được dịp bày tỏ tán thành ý ông nội, tuy nhiên lại cũng thấy thời thế đã khác, việc chắc khó khăn hơn, nên phải viện dẫn chứng tích quá khứ, lôi ra gương ông Lưu Dụ làm ruộng trở thành ông Cao Tổ nhà Hậu Tống để ủng hộ chủ trương lật đổ. Con người nếu mãi còn đi theo mơ ước thì thấy mộng lúc nào cũng đẹp nhưng đến khi phải đối đầu với thực tế thì mới giật mình.

Trần Quốc Tuấn suốt đời mơ mộng trả thù, có thể quên đi một khoảng thời gian vì các vấn đề thiết thân hơn, ở đây là trận chiến với Nguyên Mông, nhưng khi có cơ hội như lúc nắm quyền này thì ước mơ cũ nổi lên. Có ai can, trái ý mình thì nín lặng, khoả lấp mà chí nung nấu lại càng tăng. Ông Ðại vương (tước chỉ dành cho con của Hoàng hậu) cầm quân quốc trọng sự, ông chủ nô việc gì phải khen ngợi, khóc lóc trước mặt đầy tớ nếu không phải là để mua chuộc, khoả lấp một sai lầm lỡ lời có thể dẫn đến tan tành cả thân danh, nguy hiểm đến tính mệnh?

Thế nhưng đến khi có người tán thành thì mới thấy ra việc tiếp theo: Làm cách nào để cướp quyền? Quyền mình thì lớn thật, thế nhưng bàn chuyện cướp ngôi với đầy tớ thì tớ doạ ngược lại, bàn với con thì một người đã rụt rè. Quyền mình lớn thật nhưng cả một hệ thống đã thành hình, lúc này ông Hưng Ðạo Ðại vương có định đi vào cung để phế bỏ một ông vua cũng phải qua quân tuần hành, cấm vệ, không có chuyện như bà Thuỵ mẹ nuôi trước kia nửa đêm đến gõ cửa nhà Thái Tông.

Có mang quân từ Vạn Kiếp về thì cũng có không biết bao nhiêu đường đất cản trở, không biết bao nhiêu quân binh đối đầu. Lúc này không còn phân biệt nhà Liễu này, nhà Cảnh nọ mà qua liên hệ hôn nhân đã chỉ còn có nhà họ Trần như Trần Nghiễn chỉ ra. Liên hệ hôn nhân lúc này đã trở nên rối mù khiến chúng ta bây giờ phải thắc mắc: Họ xưng hô với nhau làm sao?

Hưng Ðạo Ðại vương muốn cướp ngôi thì không phải chỉ động đến con cháu Trần Cảnh – nếu cho rằng có thể tách hẳn được ra, mà động đến cả tập thể họ Trần. Ðứng trên chót vót của tập thể ấy là ông vua mà cả gia nô riêng biệt cũng xem là phải trung thành hơn là với ông chủ trực tiếp của mình, như Dã Tượng, Yết Kiêu khẳng định. Mượn điển tích người hàng thịt có phải họ đã nhắn ngầm với chủ rằng: “Ông mà lật đổ vua thì chúng tôi làm thịt ông đấy”?

Và Quốc Tảng khi tán thành ý kiến ông nội chắc không ngờ rằng mình đã chặt đứt cơn mơ đeo đẳng nhiều năm tháng của cha. Tỉnh mộng thì phải quyết định xoá sai lầm của mình, nhanh chóng, cương quyết như khi phải điều quân nơi chiến trường: Ðòi giết Quốc Tảng, không cho nhìn mặt đến cả lúc chết! Chuyện ồn ào đến mức sử quan ghi được đến chi tiết như thế, chắc hẳn đã đồn vang khắp kinh thành, đất nước. Những người hầu cận đã từng lấm lét nhìn lên đầu mũi giáo bịt sắt của ông Tiết chế đứng gần vua.

Các ông vua ngồi trên ngai nhấp nhổm mà không cách nào khu trừ được, chỉ còn cách nín lặng chờ “nó” vứt đi thôi. Và nhìn kĩ lại ta thấy dòng vua đã nhượng bộ rất nhiều, đã tìm đủ phương cách để tạo hoà hoãn, bảo vệ mình. Thánh Tông biết tạo ra cả một không khí chia đều quyền lực, trách nhiệm với tinh thần tương thân tương ái (1268): “Thiên hạ là của tổ tông… người nối nghiệp phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ…” Biết mối nguy là ở đâu, ông kết thông gia hai tầng, gấp bội, với người anh khác cha: Gả con gái cho người, đổi về hai con dâu cho người sẽ làm vua, cho tự tiện phong chức rồi tâu sau chẳng khác nào ông vua thứ hai, viết trên bia ở sinh từ của Quốc Tuấn (nghĩa là ngay lúc ông này còn sống) gọi ông anh là Thượng phụ – như Lã Vọng lập nghiệp cho nhà Chu… Sinh từ đó hẳn là đặt ở Vạn Kiếp, trung tâm quyền lực riêng biệt của Quốc Tuấn trong lúc nhóm Trần làm vua thì xúm xít ở Thiên Trường.

Mặt khác, ông cũng lo bảo vệ dòng mình. Quốc Khang, con Trần Liễu theo bụng mẹ vào cung, được Thái Tông coi như con, thế mà Thánh Tông phong tướng cho ông em ruột (hơn) Quang Khải (1261, 1271), đẩy Quốc Khang đi châu Diễn (1270), lại còn rình mò đe doạ ông anh xây nhà lớn.

Khi chọn thầy cho con (Nhân Tông) cũng lấy người che tên đạn cho cha mình: Lê Phụ Trần. Tới ông vua-rể (Nhân Tông) lại phải lo thu xếp chuyện cô em (hay chị?) làm dâu ông danh tướng, thấy không đủ thoả mãn liền đi “ăn nem” nhà khác (chuyện trước 1285).

Vua sai đánh chết Khánh Dư… xuống chiếu đoạt hết quan tước (“con nuôi vua” nên coi như là hoàng tử, mới được phong Phiêu kị Ðại tướng quân, có tước thượng vị hầu – đi vào main stream, dòng chính). Lệnh trừng phạt thật dứt khoát, ghê gớm chỉ vì vua “sợ phật ý Quốc Tuấn”! Nhưng vua dặn “chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết” không phải vì thương Khánh Dư mà vì Khánh Dư là một thế lực khác. Lệnh tịch thu tài sản không để lại một thứ gì, không động được đến đất ở Chí Linh vì nơi này vốn là “của riêng của Thượng tướng Trần Phó Duyệt”, cha Khánh Dư.

Ðây là một nhóm Trần khác, nhóm Trần Thăng Long không những còn cần đến họ trong chiến tranh mà cũng không thể động tới đất căn bản của họ. Tính ngang tàng của Trần Khánh Dư không phải chỉ là bản tính cá nhân mà có cơ sở tông tộc. Chiều đãi đến phải gây mâu thuẫn với một thế lực lớn khác như vậy mà sau chiến tranh họ còn bàn nhau chuyện cướp ngôi! Nhân Tông biết rõ ông cha vợ mình.

Trong buổi bình công đánh Nguyên tháng 4âl. 1289, Hưng Trí Vương Trần Hiện, con Quốc Tuấn không được Nhân Tông cho thăng trật vì đã bảo để quân Nguyên thong thả về nước mà Hiện còn đón đánh chúng. Ông vua không nhắc chuyện thả Ô Mã Nhi về nước 2 tháng trước đó, thả để an thân mà còn phải nghe lời ông Ðại vương đục thuyền cho chết – rõ ràng đã ngược với lời chiếu khôn ngoan kia, chỉ tạo thêm cớ cho quân Nguyên trở lại thôi, vậy mà vẫn phải chiều ý! Cả sử quan cũng phải chê ông danh tướng “dùng bá đạo”. Cho nên phải lo về ông cha, Nhân Tông còn lo tiếp đến ông con. Khi nghe Quốc Tảng tán thành cướp ngôi, vua lại bắt ngay cô con gái về làm dâu nhà mình (1292) để nó thấy có đà làm hoàng hậu, cha nó thấy sẽ làm cha vợ vua, không còn muốn gì hơn.

Sống như ông Nhân Tông, ngoài thì lo giặc trói mang về Bắc, trong thì lo ông cha vợ, ông anh em bà con (không biết gọi bằng gì) mang quân xông vào điện tuyên bố truất phế mà không có cách diệt trừ trước, sống với sự đe doạ hàng ngày như thế, dù thấy cây gậy đã vứt bỏ đầu sắt đi rồi, cũng quả là sống với sự bất an thường trực. Sống như thế mà đi tu thì có gì phải lấy làm lạ đâu?

Có điều, dù vô tình hay cố ý, Nhân Tông lập phái Yên Tử trên núi nhìn xuống đồng bằng cũng tạo ra một vị trí họp với Thăng Long, Thiên Trường bao vây Vạn Kiếp, một thế lực quần chúng Phật tử trấn áp nhóm phù thuỷ Kiếp Bạc để góp phần giữ vững cơ nghiệp cho dòng mình.

Thế đã có chuyển biến gì khác ở nơi con người ông danh tướng trong khi đang nuôi chí trả thù? Hãy nhìn lại chuyến xâm nhập đầu tiên của quân Mông Cổ – lúc bấy giờ chưa thể gọi là Nguyên, cuối 1257, đầu 1258. Ðịch tấn công, lần đầu Trần thấy một toán quân đánh ào ạt như vũ bão, toán quân dưới quyền Ngột Lương Hợp Thai đó từng có viên thủ hạ được ca tụng ngay trong “Hịch tướng sĩ”: “Xông pha lam sơn chướng khí trên đường muôn dặm, phá quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần…” Cho nên ông Hoàng đệ Thái uý (chức chưởng trên nguyên tắc là một thứ tư lệnh) không biết quân trực tiếp của mình nơi nào, run lẩy bẩy, đứng không nổi, chỉ ngồi dựa mạn thuyền, không nói được, ráng viết ra hai chữ “nhập Tống”!

Cũng chẳng có “đoàn kết” gì nhiều như ở hội nghị Diên Hồng đời sau, có anh hầu cận mất ăn trái xoài, nhớ đời nên cả trong nguy cấp cũng không chịu chỉ cho vua biết quân địch nơi đâu. Ông chú Trần Thủ Ðộ để đời sau nghe được lời nói kiên quyết: “Ðầu tôi chưa rơi xuống đất…” nhưng chắc cũng già rồi nên không xuất hiện sao cho khả quan. Rốt lại chỉ thấy một mình vua tả xung hữu đột, bàn chuyện “cơ mật rất ít người biết rõ” với một anh khác họ từng lấy ván thuyền, có nghĩa là cả thân mình, che tên cho vua. Ngày sau vua có gả người vợ cũ tội nghiệp cho người ấy thì cũng chứng tỏ mình mang tính “người” hơn là ông sử quan chê trách dựa vào cái gọi là “nhân” luân cao vời, rỗng tuếch.

Ðiều đặc biệt: Không thấy bóng dáng ông tướng “tiết chế tả hữu tướng quân thuỷ bộ” Trần Quốc Tuấn đâu hết.

Sau chiến trận, chức đó chắc vẫn còn nhưng lại chính người tả xung hữu đột trước quân thù kia đã đi sứ điều đình, và trở về được phong làm Thuỷ quân Ðại tướng quân (1259), nghĩa là tư lệnh đạo quân ưu tú chủ lực của Trần, đạo quân mang tính quyết định cho chiến thắng, không phải chỉ một lần mà là cả ba lần!

Nhưng đã có sự thay đổi thái độ giữa các năm 1258 đó với 1285 vì chạm đến bản thân Trần Quốc Tuấn trong quốc nạn đối phó với Nguyên. Năm tháng làm đổi thay mục đích ở đời, cuộc sống phải trải qua nhiều quanh co ngoắt ngoéo vốn không là chuyện lạ. Ở đây không phải nói chuyện về các trận chiến.

Chỉ nên nhắc rằng chiến tranh xảy ra vì Nguyên đã đòi hỏi quá, quá nhiều so với đòi hỏi của các Thiên triều trước kia. Ðòi cống thì cũng được, cũng như trước thôi! Đòi đặt ông toàn quyền bên cạnh vua thì trước kia tuy không có nhưng ép quá thì cũng tuân. Chỉ có điều không làm được là bảo vua sang “chầu” và mượn đường cho quân đi qua. Vua là Nước, đường là Ðất của vua mà đưa cho người ta giữ thì tranh cãi làm gì cho mệt, hàng đi cho xong. Không hàng mà chưa đánh nên có sứ qua lại, cù cưa. Sứ Việt bị nhốt, sứ Nguyên ngông nghênh “đi lại nghênh ngang ngoài đường… lăng nhục triều đình… bắt nạt tể phụ… thác lệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thoả lòng tham khôn cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng để vét của kho có hạn…” (“Hịch tướng sĩ”). Không khí căm thù của thời đại như thế, của tầng lớp cầm quyền trong lời hịch như thế hẳn là hợp với câu thơ gằn giọng “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?” từ trong điện thờ của Trương Hống, hợp với đời Trần hơn là của đời Lí.

Chuyện có liên quan ở đây là giữa sứ giả Sài Thung (tên của Bắc sử, hẳn đúng hơn) và Trần Quốc Tuấn. Văn chương tuy có nói quá sự thật nhưng không phải không chứa đựng sự thật ở một mức độ, khía cạnh nào đó. Sứ Nguyên “lăng nhục triều đình, bắt nạt tể phụ” được sử ghi lại là trường hợp Sài Thung năm 1281 lúc đưa Trần Di Ái về làm chủ Ðại Việt thay ông vua thác cớ “già yếu không sang chầu được”. Thung “ngạo mạn vô lễ”, đi thẳng vào cửa thành không xuống ngựa, bị quân lính ngăn lại, lấy roi đánh vào đầu lính. “Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Thung nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng hắn cũng không dậy tiếp… Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì…” Tể phụ chính danh lúc bấy giờ là Trần Quang Khải nhưng cũng có thể gán cho Quốc Tuấn không phải chỉ vì nghĩa rộng của nó mà còn vì có lần Thái Tông muốn trao chức ấy cho ông.

Ông không thuận với Quang Khải, sử không nói rõ lí do nhưng ta cũng hiểu rằng với tâm tình che giấu như đã nói thì Quang Khải đối với Quốc Tuấn là chứng tích cụ thể nhất về mối hận của cha ông: Quang Khải là con của người mẹ bị cướp đi, là con của người cướp mẹ ông. Chuyện hoà hoãn về sau là kết quả của chiến tranh, giữa tình thế tồn vong của dòng họ. Và trong sứ quán Nguyên, Quốc Tuấn cũng bị nhục như Quang Khải.

Ông hơn Quang Khải ở chỗ được Sài Thung đứng dậy vái chào mời ngồi, pha trà tiếp chuyện. Chỉ vì ông gọt tóc, mặc áo nhà sư. Dân Mông Cổ tiếp thu Phật giáo từ Tây Tạng nên trọng nhà sư, không cần phải chỉ là nhà sư phương Bắc như sử quan nói. Cũng như vấn đề gọi là “giặc Phật” năm 1258. Không hẳn là vì quân Mông Cổ năm đó rút lui vội vã không kịp cướp phá mà người ta gọi là giặc Phật. Danh xưng chỉ một điều cụ thể có sức bám bền vững hơn là từ một suy đoán. Dân chúng đương thời hẳn thấy đám quân giặc kia đã tỏ lộ một sự kính trọng nào đó với các dạng hình Phật Giáo trong xứ (chùa chiền, sư sãi…) nên mới gọi là giặc Phật. Sự xác nhận đồng đạo trong một lúc bất ngờ sẽ vụt ra, không cần suy nghĩ như trường hợp Sài Thung này. Tuy vậy, Quốc Tuấn vẫn phải chịu nhục. Tên lính hầu cận Thung lấy mũi tên nhọn chọc vào đầu ông đến chảy máu mà Thung vẫn không can thiệp vì hành động bất chợt đã qua, lúc này Thung chỉ thấy trước mặt là một tên Nam Man, dù mang vương tước, làm tể tướng.

Hình như đây mới là phút giây thay đổi dứt khoát khiến cho Quốc Tuấn dẹp thù riêng sang một bên để lo cho sự tồn vong cho dòng họ, mà cấp thời cũng là của chính mình. Phút giây ấy dẫn đến hành động vứt đầu mũi giáo bịt sắt khi hầu vua, dẫn đến hành động hoà hoãn với ông em khác cha, qua thật nhiều phen phân trần, minh chứng để sử quan phải ghi tóm tắt: “còn nhiều việc đại loại như thế”.

Nỗi tức giận ấy vang vang chuyển qua lời mắng mỏ tướng sĩ đầy tớ: “Các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn…” Nỗi tức giận ấy làm nên một vị anh hùng cứu nước, một Ðức Thánh Trần, một ông thần trị bệnh tà Phạm Nhan, con “tà” ấy đi vào đất Chiêm Thành cũ – di cư hay di tản? phối hợp với thần tại chỗ thành một cặp “các đẳng Nhang, Giàng” phù trợ / đe doạ người dân. Uy tín lớn, nấp sau chiến công cứu nước, công tích làm thần nên ẩn nhẫn qua được thời thanh giáo xã hội chủ nghĩa, để ngày nay ở đền Vạn Kiếp người ta lại hăm hở cúng tế, nhảy múa cầu đảo, rước xách xiên lình.

Chuyện thắng Nguyên thì có người cho rằng ca tụng mãi cũng chưa thấy chán. Sử quan khi kín đáo “bôi xấu” anh hùng dân tộc cũng để cho công cứu nước của ông vượt lên trên tính chất phe phía, xứ sở: “Tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi là An Nam Hưng Ðạo Vương mà không dám gọi tên”.

Nhưng họ cũng thấy là nên ca tụng có chừng mực khi thuật lại lời trối, lúc ốm đau của ông danh tướng. Quân Mông Cổ không phải chỉ chịu thua ở Ðại Việt mà đã thua ở mọi vùng biên quyền lực của họ, như tất cả những thế lực thống trị ở thế gian này từng gặp phải. Họ thua ở Nhật Bản, Java – nếu cho rằng bão tố, biển cả là yếu tố cản trở quyết định ngoài dự tính, để phải lưu ý đến khả năng thật sự của phía thắng như ở Ðại Việt thì ở đây cũng có thể nêu yếu tố thiên thời (hiểu theo nghĩa bình dân: dịch tả!), địa lợi (quân Nguyên quen với “trường trận” không thể làm chuyện “tiến chậm như cách tằm ăn”) như Quốc Tuấn nhận định từ trên giường bệnh.

Ông chắc không biết chuyện Mông Cổ bị chặn ở Trung Âu như những toán quân “Hun” tiếp theo. Ngay chuyện lịch sử trong nước mà ông cũng còn nhớ lộn xộn (như khi kể về “thời Triệu Vũ dựng nước” lẫn lộn với toán quân Lí Thường Kiệt) nhưng khi ông bàn chuyện trong đời, nhớ lại những biến động đã trải qua, có thêm sự bình tĩnh của tuổi già thì nhận xét thật chừng mực, về quân thù có sự nể trọng, về chiến thắng thấy có hàm ý phân vân. Cho nên khi chết dặn con: “Phải hoả táng… bí mật chôn trong vườn… san đất trồng cây như cũ… phải làm sao cho mau mục”.

Sử quan không phải nói xấu ông mà dựa vào ý chôn cất theo cách “để người đời không biết chỗ nào” nên hiểu lời dặn đó là đề phòng quân Nguyên, “sợ sau này có thể xảy ra tai hoạ đào mả chăng”, nghĩa là sợ rằng quân Nguyên còn có thể sang, và ta còn có thể chạy, không chắc có thể trở lại nhà cũ được không!

*Con người như thế được ông cha cho “tìm khắp những người tài nghệ để dạy” con, đào tạo con với mục đích khác: chỉ là để trả thù nhà! Thù đó có lúc phải chịu chìm trong lãng quên nhưng vẫn được nung nấu gần suốt cuộc đời. Thế mà rốt cục không đạt được ý nguyện của cha, lại dùng chính sự tạo dựng kia để trở thành người phục vụ đối thủ.

Nhưng ông không phải chịu trách nhiệm về sự đổi thay ấy trong đời mình – trong một chừng mực nào đó, ông cũng chỉ là một đơn vị trong biến động mà thôi. Và tuy quá khứ đã thành hình nhưng ta vẫn còn muốn hỏi: Nếu quân Nguyên sang mà không có một Quốc Tuấn được đào luyện kĩ như thế thì sao? Và nếu không có quân Nguyên sang thì sao? Triều Trần có một người cướp ngôi thành công, hay sử Trần sẽ có thêm một dòng khó hiểu: “Tên Tuấn bị chém ở… / bị sung làm khao giáp… miễn tịch thu gia sản vì ‘ngày trước có công lớn’ (chuyện một người năm 1309), vì là trong dòng họ nhà vua…” như ở những đoạn văn sử nơi khác

? Và cục bê tông sẽ không đứng ở một bờ sông phía nam, mà còn đứng thì đời đời còn làm chứng tích “nói xấu chế độ / dân tộc”, ghi sẵn một trang chưa được phép viết trong dòng sử chính thống bây giờ…

Tháng 9-2006

0